Tóm tắt. Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đã dần bước vào quỹ đạo của văn học
hiện đại. Đặc biệt, từ những năm 1920 trở đi, với sự xuất hiện của nhiều cây bút tân
học, văn học, đặc biệt là truyện ngắn đã có nhiều dấu hiệu đổi mới. Chỉ xét riêng ở
phương diện giọng điệu trần thuật, có thể thấy, nhiều truyện ngắn giai đoạn này đã
có những biến đổi quan trọng, thể hiện xu hướng hiện đại hóa rõ nét.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 256 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Giọng điệu trần thuật của truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XX - Sự biến đổi theo hướng hiện đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Interdisciplinary Sci., 2014, Vol. 59, No. 6, pp. 45-49
GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM
ĐẦU THẾ KỈ XX - SỰ BIẾN ĐỔI THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI
Bùi Thị Lan Hương1 - Hoàng Thị Thu Giang2
1Khoa Giáo dục Tiểu học, 2Phòng Đào tạo Khoa học
Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh
Tóm tắt. Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đã dần bước vào quỹ đạo của văn học
hiện đại. Đặc biệt, từ những năm 1920 trở đi, với sự xuất hiện của nhiều cây bút tân
học, văn học, đặc biệt là truyện ngắn đã có nhiều dấu hiệu đổi mới. Chỉ xét riêng ở
phương diện giọng điệu trần thuật, có thể thấy, nhiều truyện ngắn giai đoạn này đã
có những biến đổi quan trọng, thể hiện xu hướng hiện đại hóa rõ nét.
Từ khóa: giọng điệu trần thuật, truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XX.
1. Mở đầu
“Văn học của cả giai đoạn 1900 – 1930 có tính chất giao thời” [2;22]. Nghiên cứu,
phân tích những thành phần cơ bản của nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn ba mươi
năm đầu thế kỉ XX, có thể thấy một cách rõ nét tính chất giao thời giữa thi pháp văn học
trung đại và thi pháp văn học hiện đại của truyện ngắn đầu thế kỉ XX. Đặc biệt, những
biến đổi theo hướng hiện đại của thể loại này có vai trò quan trọng, định hướng cho sự
phát triển của truyện ngắn hiện đại. Vì vậy, mặc dù chưa có những thành tựu rực rỡ như ở
các giai đoạn sau nhưng truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XX giữ một vị trí hết sức quan
trọng, làm nhiệm vụ đặt nền móng về nội dung cũng như phương thức tư duy nghệ thật
cho văn xuôi hiện đại nói chung, truyện ngắn hiện đại nói riêng. Bài viết này tập trung
làm rõ sự biến đổi theo hướng hiện đại ở phương diện giọng điệu trần thuật trong truyện
ngắn Việt Nam giai đoạn 30 năm đầu thế kỉ.
2. Nội dung nghiên cứu
Trần thuật đơn giọng và trần thuật đa giọng có thể coi là những giọng điệu trần
thuật chính trong truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XX. Mặc dù chưa có nhiều thành tựu,
nhưng có thể coi đây là thời kì tiền đề, nền móng cho những thành công rực rỡ của văn
học nước nhà trong quá trình bắt nhịp với văn chương thế giới.
Ngày nhận bài: 15/8/2013 Ngày nhận đăng: 29/1/2014
Liên hệ: Bùi Thị Lan Hương, e-mail: huongthanhthao@gmail.com
45
Bùi Thị Lan Hương, Hoàng Thị Thu Giang
2.1. Giọng điệu trần thuật đơn giọng
Đọc truyện ngắn Việt Nam đầu thể kỉ XX, có thể thấy hiện tượng trần thuật đơn
giọng còn tồn tại ở khá nhiều truyện. Giọng điệu trần thuật đơn giọng này thường đi với
truyện ngắn không có hiện tượng di chuyển điểm nhìn và thường gặp ở những tác phẩm
có điểm nhìn quá khứ. Đây là kiểu cái nhìn mang tính sử thi mà ở đó, sự vật vốn có thể
cùng thời với người kể chuyện nhưng vẫn bị đẩy vào quá khứ, được nhìn nhận như cái đã
thuộc về quá khứ, cái đã biết, vì vậy giọng điệu trần thuật mang tính đơn giọng.
Truyện ngắn trung đại chủ yếu sử dụng cách kể có điểm nhìn quá khứ, trong đó
nhân vật người kể chuyện luôn đóng vai người kể ẩn mình toàn thông. Do đó, truyện ngắn
trung đại luôn gây cho người đọc cảm giác được chứng kiến những chuyện đã xưa của thời
quá khứ. Hiện tượng này cũng xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn đầu thế kỉ XX. Câu
chuyện gia tình được mở đầu với điểm nhìn từ quá khứ, thể hiện giọng điệu cảm thương
trước gia cảnh của bà già: “Hãy nghe câu chuyện gia tình của một bà già này, dù cảnh ngộ
không lấy gì làm li kì, mà tình trạng thực đủ làm chứng cái khốn nạn chung trong xã hội
... ”. Kết thúc truyện vẫn là giọng điệu cảm thương ấy: “Tôi đưa bà già ra khỏi nhà cứ yên
ủi năm bẩy lần, và trông theo bà già mãi. Những lời bà già nói đến bây giờ còn phảng phất
trong trí khôn”.
Ở Truyện ông Lý Chắm, cái nhìn quá khứ tạo cảm giác như người kể chuyện nói về
một thời đã xa lắm và giọng ngợi ca sùng bái toát lên ngay từ những dòng đầu tiên: “Ai đi
Hà Nội, sao chẳng đến thăm một cái làng nhỏ kia, ở bên Hồ Tây, ... mà hỏi chuyện ông Lý
Chắm ... Ông đã có công đức thế nào mà nay đã nên một đấng thần phúc ở làng ấy?”. Kết
thúc truyện, những lời ngợi ca ấy càng nồng nhiệt: “Vẻ vang thay! Ông Lý Chắm! Hào
kiệt thay! Ông Lý Chắm! Ý khí mạnh hơn oai quyền, mưu cao đã nên công lớn, hương
khói để nghìn thu, thơm tho trong một xứ, thế mới đáng sống ở làng, thế mới gọi sang ở
nước”.
Truyện ngắn Có gan làm giàu cũng bắt đầu trần thuật từ điểm nhìn quá khứ với lời
giới thiệu phần nào bộc lộ giọng điệu ngợi ca về một con người như đã thuộc về một thuở:
“Hãy xem câu chuyện của người làm giàu này ... thì thấy cái đạo làm giàu thực có chân lí
và chân thú”. Và kết thúc truyện vẫn với giọng điệu ngợi ca ấy. Toàn truyện Chân tướng
quân cũng được trần thuật với điểm nhìn quá khứ cùng giọng kể đầy vẻ ngưỡng mộ: “Ông
thực xứng đáng là chân quốc nhân, xứng đáng là chân tướng quân!”.
Cùng có kiểu trần thuật đơn giọng như trên là những truyện: Hoàng thiên bất phụ
hảo tâm nhơn (giọng ngợi ca), Một cánh hoa chìm (giọng ngợi ca), Nguyễn Hàm, Tăng
Bạt Hổ (giọng ngợi ca), Bác Nghiện (giọng phê phán) ...v.v.
Trần thuật đơn giọng cũng có thể có ở loại truyện ngắn có điểm nhìn hiện tại nhưng
chỉ có điểm nhìn của một nhân vật truyện tự kể về mình: Giọt lệ hồng lâu, Trằn trọc đêm
xuân, Mai ... Đây là loại truyện tâm tư có tính tự sự kết hợp trữ tình, từ đầu đến cuối tác
phẩm chỉ có một giọng điệu của nhân vật truyện giãi bày thân phận mình, thường là giọng
điệu buồn, chan chứa nỗi niềm.
Trong Trằn trọc đêm xuân, nhân vật Trần Quốc Cán đã kể về đời tư của mình với
46
Giọng điệu trần thuật của truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XX - sự biến đổi theo hướng hiện đại
tâm trạng chán chường, thất vọng. Chán chường vì lỡ vận công danh sự nghiệp, thất vọng
vì người yêu phản bội. Giọng điệu chán chường, thất vọng, phẫn nộ với cảnh đời đen bạc
của nhân vật trải ra trong những trang truyện, nổi bật với những câu: “Phong hoá suy đồi
rồi! Nhân tâm bại hoại rồi! Ngán thay cái thị dục loài người!”.
Kiểu giọng điệu này còn có ở nhiều truyện ngắn khác cùng giai đoạn. Do điểm nhìn
trần thuật thường không có sự di chuyển, dẫn đến giọng điệu trần thuật đơn giọng, phần
nào gây cảm giác tẻ nhạt, nhàm chán hoặc nặng nề. Dẫu sao, trong những tác phẩm có
giọng điệu đơn giọng vẫn có những truyện bộc lộ nét nghệ thuật hiện đại - kiểu trần thuật
ở ngôi thứ nhất với điểm nhìn hiện tại. Sự đan xen cũ - mới, có thể nói là đã được bộc lộ
trên nhiều cấp độ của truyện ngắn đầu thế kỉ XX.
2.2. Giọng điệu trần thuật đa giọng
Giọng điệu trần thuật đa giọng chỉ xẩy ra khi trong truyện có sự di chuyển những
điểm nhìn trần thuật khác nhau. ứng với mỗi điểm nhìn trần thuật của nhân vật người kể
chuyện sẽ có những giọng điệu trần thuật tương ứng. Và khi có sự di chuyển điểm nhìn
trần thuật giữa nhân vật người kể chuyện với nhân vật truyện được kể hoặc có sự di chuyển
điểm nhìn giữa các nhân vật truyện với nhau sẽ tạo ra giọng điệu trần thuật đa thanh, đa
giọng.
Giọng điệu trần thuật đa thanh, đa giọng được thể hiện trong khá nhiều truyện ngắn
đầu thế kỉ XX. Trong những truyện có kết cấu truyện lồng trong truyện thường có hai
giọng điệu trần thuật là giọng của nhân vật người kể chuyện và giọng của nhân vật truyện
tự kể về mình. Ở mỗi loại này có cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ và cách thể hiện các hành
vi biểu cảm khác nhau qua ngôn ngữ kể chuyện của họ, tạo nên tính đa thanh, đa giọng
cho truyện.
Mở đầu truyện Nước đời lắm nỗi, nhân vật “tôi”- người kể chuyện gặp nhân vật
truyện Luơng Duy Đạo. Sau đó Lương Duy Đạo xưng “tôi” tự kể về mình. Ứng với đó là
hai giọng điệu: giọng xót xa, thương cảm của nhân vật “tôi”- người kể chuyện trước gia
cảnh éo le của Luơng Duy Đạo và giọng buồn bã, chán đời của nhân vật này khi kể về bi
kịch gia đình mình cho nhân vật “tôi” nghe. Tương tự như vật, trong các truyện: Chuyện
cô Chiêu Nhì, Câu chuyện gia tình, Chuyện một tối của người tân hôn, Gả bán, Khách
làng chơi, Ông phó Xẹ, Vi hành... đều có hiện tượng di chuyển điểm nhìn từ người kể
chuyện sang nhân vật truyện, tạo sự đa thanh, đa giọng cho tác phẩm.
Tuy nhiên, nếu xét về tính hấp dẫn nghệ thuật thì hình thức truyện lồng trong truyện
với kiểu di chuyển điểm nhìn như trên chưa tạo được sự hứng thú mạnh mẽ. Nó chỉ ở mức
đã bước qua sự đơn giọng giản đơn chứ chưa có sức hút và ấn tượng. Chỉ khi trong truyện
có thêm sự kết hợp với việc di chuyển điểm nhìn trần thuật giữa các nhân vật trong truyện
mà ứng với mỗi điểm nhìn khác nhau lại có một giọng điệu, một cách cảm, cách nghĩ,
cách nhìn nhận khác nhau thể hiện qua ngôn ngữ mang dấu ấn cá nhân, cá tính riêng. Nhờ
đó tác phẩm có tính đa giọng, đa thanh sinh động hấp dẫn.
Đã có nhiều truyện ngắn đầu thế kỉ XX có được giọng điệu đa thanh. Trong Câu
chuyện gia tình, nhân vật bà lão - người mẹ đánh giá rất thấp người con cả, vốn theo Nho
47
Bùi Thị Lan Hương, Hoàng Thị Thu Giang
học: “một người cứ gàn gàn, dở dở, đã đành là một người hủ lậu, một người vô dụng”. Đó
là giọng điệu chán ngán, thất vọng. Nhưng nhân vật người kể chuyện xưng “tôi” khi nghe
bà già nói như vậy đã đối thoại lại với giọng điệu trái ngược - giọng điệu tin tưởng, khẳng
định: “thầy Tú nhà bà biết giữ đạo ông cha thế là hiếu, biết dạy bảo con trẻ thế là nhân,
biết yên nghèo giữ phận thế là trí, không tham danh trục lợi thế là hiền...”. Việc quan tâm
xây dựng và miêu tả đối thoại như vậy được xác định là đặc điểm của văn học hiện đại
[1;269] và bước đầu cũng đã được các nhà văn Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX chú ý.
Trong truyện Hai thằng khốn nạn, cùng một sự việc đứa bé trai con bác khoá Lan bị cha
mang bán, có nhiều giọng điệu trần thuật khác nhau gồm giọng điệu của người kể chuyện
và giọng điệu của những nhân vật khác. Giọng kể của người kể chuyện đầy vẻ thương
cảm, lặng lẽ và thấm thía: “Sáng sớm, thằng bé con được gánh đi. Một bên quang là tảng
gạch để thăng bằng thúng hàng bên kia. Một bên quang là cái thúng đựng hàng. Trên cái
thúng, tùm lum manh chiếu rách che hàng cho đỡ nắng... Thằng bé con trần truồng trong
thúng, nằm ngả ra, mồm miệng bê bết những rãi, mũi và vỏ khoai ... ”. Giọng điệu của
nhân vật Nghị Trinh - tên nhà giàu trước đứa bé ấy thì thật dửng dưng, hoàn toàn không
một chút xót thương: “Ông Nghị nhìn qua đứa bé ... mặc cả: Tôi không nói lôi thôi. Ông
với ênh gì! ... Ba hào không bán thì thôi! ”. Giọng điệu của bà Nghị - một người đàn bà
vô sinh - trước đứa bé ấy là sự yêu thương của trái tim phụ nữ. Trước sự bần tiện, bủn xỉn
của người chồng (tiếc vì cho là mua đứa bé với giá hai hào tám vẫn còn hớ) thì bà Nghị
đã phản ứng: “Sao ông nghiệt thế! Tiền hàng vạn lo nghị viên không tiếc mà mấy xu này
lại tiếc sao”. Đậm nét nhất là giọng điệu đầy dằn vặt của bác khoá Lan khi phải bán con.
Giọng điệu này không bộc lộ qua những phát ngôn trực tiếp nhưng hiển hiện trong dòng
nội tâm của bác: “Bác bế đứa con lần cuối cùng, hôn hít, dặn dò mãi mới dứt. Khi ra ngoài
cổng, bác đi không nỡ, tình cha con vướng vít, bác nghĩ muốn trả lại hai hào tám mà lấy
con về”.
Có thể nói, đến cuối thập kỉ thứ hai, đầu thập kỉ thứ ba của giai đoạn đầu thế kỉ XX,
với sự xuất hiện của một số cây bút đặc sắc như Vũ Đình Chí, Nguyễn Khắc Cán, Lê Đức
Nhượng và đặc biệt là Nguyễn Công Hoan, hàng loạt truyện ngắn hấp dẫn đã ra đời góp
phần làm cho truyện ngắn Việt Nam trở nên sinh động, phong phú hơn, tính hiện đại thể
hiện trên nhiều phương diện, trong đó giọng điệu trần thuật đa giọng ngày càng bộc lộ rõ
nét.
Kiểu giọng điệu trần thuật đa giọng còn bộc lộ qua hình thức lời văn nửa trực tiếp
diễn tả độc thoại nội tâm nhân vật. Độc thoại nội tâm có thể được diễn tả bằng lời trần
thuật trực tiếp hoặc lời trần thuật gián tiếp hoặc lời nửa trực tiếp. Mỗi kiểu lời trần thuật
như trên lại có những ưu thế riêng. Tuy nhiên trong ba loại lời có thể diễn tả dòng độc
thoại nội tâm thì lời nửa trực tiếp có ưu thế hơn cả khi diễn tả cảm xúc nội tâm. Điều này
xuất phát từ đặc điểm của loại lời này – loại lời “gây ấn tượng về sự hiện diện của ý thức
nhân vật và cho phép người đọc thâm nhập vào ý nghĩ thầm kín của nhân vật” [3;187].
Lời nửa trực tiếp có thể chuyển tải cả giọng điệu của người kể chuyện và giọng điệu của
nhận vật một cách tự nhiên, khéo léo, truyền cảm xúc mạnh mẽ cho người đọc. Lời nửa
trực tiếp là loại lời gắn với những sáng tạo văn học thời hiện đại, không phổ biến ở văn
học trung đại.
48
Giọng điệu trần thuật của truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XX - sự biến đổi theo hướng hiện đại
Ở nhiều truyện ngắn đầu thế kỉ XX, lời nửa trực tiếp góp phần không nhỏ trong
việc tạo nên giọng điệu đa thanh trong trần thuật. Ví dụ trong truyện Ngựa người và người
ngựa, tâm trạng của người phu xe trong đêm giao thừa mong mỏi kiếm thêm chút hào về
cho vợ con ăn tết đã được diễn tả một cách cảm động qua những lời nửa trực tiếp mang
tính đa thanh ở đoạn văn sau: “Thỉnh thoảng anh ta giỏng tai, xoay cổ, xem có ai gọi ở
đằng xa hay không thì chỉ thấy đánh đẹt, loè một cái ở giữa đường làm cho anh ta giật
mình đánh thót. Giật mình rồi lại thở dài, ngán cho cái đời bấp bênh, lắm lúc muốn quẳng
phăng cái xe đi, làm nghề khác, nhưng bỏ nghề này thì xoay nghề gì?”. Câu văn với sự đa
giọng: một giọng cảm thông, trầm lắng của người kể chuyện khi tả nỗi bồn chồn, mong
ngóng tìm khách của anh phu xe, một giọng bồn chồn, bế tắc trước hoàn cảnh tù đọng của
nhân vật chính đã tạo ra nỗi ám lớn cho người đọc.
Kiểu lời văn nửa trực tiếp tạo nên tính đa giọng trong giọng điệu trần thuật như vậy
xuất hiện trong nhiều truyện ngắn khác đầu thế kỉ XX như: Ăn mày trúng số, Gặp người
gái đẹp, À! Chiêm bao, Ông Phó Xẹ..., đặc biệt là các sáng tác của Nguyễn Công Hoan
như: Răng con chó của nhà tư bản, Oẳn tà roằn, Ngựa người và người ngựa...
3. Kết luận
Cùng với quá trình hiện đại hoá ngôn từ văn chương, giọng điệu trần thuật trong
truyện ngắn đầu thế kỉ XX cũng có nhiều biến đổi. Nhiều truyện ngắn giai đoạn này vẫn
còn giọng điệu trần thuật đơn giọng - vốn là kiểu giọng điệu chủ yếu ở văn xuôi tự sự
trung đại. Nhưng với sự đổi mới không ngừng, ngày càng có nhiều hơn những tác phẩm
có giọng điệu trần thuật đa thanh, đa giọng, tạo sự hấp dẫn và sức ám ảnh cho những trang
truyện ngắn giai đoạn này. Đó cũng chính là biểu hiện sự vận động theo hướng hiện đại
của nghệ thuật trần thuật truyện ngắn giai đoạn đầu thế kỉ XX.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê Huy Bắc, 2004. Truyện ngắn: Lí luận tác giả và tác phẩm (tập 1). Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
[2] Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng –
Hà Văn Đức, 1999. Văn học Việt Nam 1900 – 1945. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[3] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), 2010. Từ điển thuật ngữ
văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
ABSTRACT
The narrative tone in Vietnamese short stories
of the early twentieth century and modernization
Vietnamese literature of the early twentieth century gradually entered the orbit of
modern literature. Since the 1920s, with the appearance of many writers who became
aware of new forms of education, literature, and particularly short stories, showed signs
of the new trend. In terms of narrative tone, we can see this modernization trend in many
stories of this period.
49