Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các biện pháp vượt rào cản của Việt Nam

Tự do hoá thương mại là một quá trình lâu dài gắn chặt với đàm phán để cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan. Các nước, đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển luôn đòi hỏi đàm phán để mở cửa thị trường, thúc đẩy tự do hoá thương mại, nhưng lại đưa ra các biện pháp tinh vi và các rào cản phức tạp nhằm bảo hộ sản xuất trong nước hoặc nhằm đạt những mục tiêu nhất định. Trong tiến trình hội nhập Việt Nam phải nhận diện rõ các rào cản này để đỡ bị thua thiệt và có biện pháp “vượt rào” hợp lý.

docx6 trang | Chia sẻ: thanhtuan.68 | Lượt xem: 1098 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các biện pháp vượt rào cản của Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và các biện pháp vượt rào cản của Việt Nam Tự do hoá thương mại là một quá trình lâu dài gắn chặt với đàm phán để cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan. Các nước, đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển luôn đòi hỏi đàm phán để mở cửa thị trường, thúc đẩy tự do hoá thương mại, nhưng lại đưa ra các biện pháp tinh vi và các rào cản phức tạp nhằm bảo hộ sản xuất trong nước hoặc nhằm đạt những mục tiêu nhất định. Trong tiến trình hội nhập Việt Nam phải nhận diện rõ các rào cản này để đỡ bị thua thiệt và có biện pháp “vượt rào” hợp lý. 1. Các rào cản trong thương mại quốc tế Thuật ngữ rào cản đối với thương mại được đề cập lần đầu tiên và chính thức trong Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Agreement on technical Barriers to trade) của Tổ chức Thương mại thế giới. Tuy nhiên, trong Hiệp định, thuật ngữ này cũng chưa được định danh mà mới chỉ được thừa nhận như một thoả thuận: “Không một nước nào có thể bị ngăn cản tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo cho chất lượng hàng hoá xuất khẩu của mình hoặc để bảo vệ cuộc sống hay sức khoẻ con người, động vật và thực vật, bảo vệ môi trường hoặc ngăn ngừa các hoạt động man trá, ở mức độ nước đó cho là phù hợp và phải đảm bảo rằng, các biện pháp này không được tiến hành với cách thức có thể gây ra phân biệt đối xử một cách tuỳ tiện hoặc không thể biện minh được giữa các nước, trong các điều kiện giống nhau hoặc tạo ra các hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế, hay nói cách khác, phải phù hợp với các qui định của hiệp định này”. Như vậy, có thể hiểu rào cản trong thương mại là bất kỳ biện pháp hay hành động nào gây cản trở đối với thương mại quốc tế. Theo các tài liệu của Tổ chức Thương mại thế giới thì có thể hiểu hệ thống các rào cản trong thương mại gồm hai loại: rào cản thuế quan và rào cản phi thuế quan. Rào cản thuế quan là loại rào cản phổ biến nhất và mang tính chất truyền thống trong thương mại quốc tế, được xác định và phân loại trên cơ sở các mức thuế áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và xuất khẩu như thuế phi tối huệ quốc, thuế tối huệ quốc, thuế quan ưu đãi phổ cập, thuế quan áp dụng đối với khu vực thương mại tự do, thuế quan ưu đãi chuyên ngành... Hiện nay, do loại hàng rào thuế quan có bản chất mâu thuẫn với tiến trình tự do hoá thương mại, nên loại rào cản này có xu hướng ngày càng bị hạn chế trong quan hệ thương mại. Vì vậy, tại các vòng đàm phán đa phương cũng như song phương, chủ đề được các quốc gia đặt lên hàng đầu và cũng là tiêu chí để các bên có thể thống nhất với nhau là cắt, giảm dần và loại bỏ các loại rào cản thuế quan. Rào cản phi thuế quan; bao gồm nhiều loại khác nhau, ví dụ: các biện pháp cấm; hạn ngạch về số lượng hoặc giá trị được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định; giấy phép xuất - nhập khẩu; thủ tục hải quan; hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); các biện pháp vệ sinh động - thực vật (SPS); các quy định về thương mại dịch vụ, về sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường; các quy định chuyên ngành về điều kiện sản xuất, thử nghiệm, lưu thông và phân phối các sản phẩm; các rào cản về văn hoá; các rào cản địa phương 2. Các loại rào cản thương mại của Việt Nam Những thay đổi trong chính sách thương mại của Việt Nam kể từ năm 1986 đã cho phép các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường thế giới, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường của Việt Nam. Việt Nam đã và đang thực hiện một cách tích cực những cam kết về tự do hoá thương mại theo ba hướng chính: i. mở rộng quyền tham gia hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; ii. tự do hoá thuế quan và phi thuế quan; iii. mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế. Những thành công đã đạt được Việt Nam đã xây dựng và sử dụng một số rào cản thương mại thuế quan và phi thuế quan như thuế tối huệ quốc, thuế phi tối huệ quốc, thuế quan ưu đãi phổ cập, giấy phép nhập khẩu, hạn chế định lượng, chỉ định đầu mối nhập khẩu và quản lý chuyên ngành, các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại, đặc biệt là các loại rào cản kỹ thuật trong các lĩnh vực nông sản, thuỷ hải sản, may mặc... với các tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng phù hợp với quy chuẩn của quốc tế nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng trong nước và bảo vệ môi trường. Các biện pháp thuế quan được điều chỉnh từng bước theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và chế độ thuế quan. Trước kia, hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam thường phải chịu thuế suất cao và có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đã dần dần cắt giảm các các loại thuế quan theo các thoả thuận thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Việt Nam đã cam kết bãi bỏ dần các hàng rào phi thuế quan trong nhiều thoả thuận quốc tế. Quan trọng nhất là bãi bỏ các hạn chế định lượng, số lượng và mở rộng quyền hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó là việc thuế hoá các biện pháp phi thuế quan và giảm dần các mặt hàng phải xin giấy phép xuất nhập khẩu. Việt Nam đã bước đầu xây dựng một số quy định về quản lý nhập khẩu và được chấp nhận theo thông lệ quốc tế như hạn ngạch thuế quan, luật chống bán phá giá, các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật... Và những tồn tại cần khắc phục a, Hàng rào thuế quan áp dụng còn đơn giản, chưa đầy đủ. Luật thuế xuất nhập khẩu và các văn bản thuế đã xây dựng theo danh mục phân loại hàng hoá hài hoà (HS) của Tổ chức Hải quan quốc tế, nhưng mới chỉ có thuế phần trăm đơn giản, chưa có thuế tuyệt đối, thuế theo mùa vụ và các loại thuế quan đặc thù khác mà hiện các nước phát triển đang sử dụng. Bên cạnh đó, hệ thống thuế quan của Việt Nam vẫn còn thiếu tính ổn định, thuế suất thường xuyên thay đổi, chưa tạo được sự đồng bộ và hệ thống quản lý thuế còn kém hiệu quả. b, Mức thuế còn cao và các hàng rào phi thuế quan của Việt Nam còn nhiều. Mức thuế trung bình của Việt Nam (15.2%) cao hơn so với nhiều nước đang phát triển là thành viên của WTO, thường có mức thuế trung bình là 10-12%. Hệ thống thuế quan vẫn xây dựng trên nguyên tắc bảo hộ, tình trạng trợ giá, phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vẫn còn tồn tại, đặc biệt là trong các ngành nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản và một số ngành sản xuất công nghiệp như sản xuất, lắp ráp ô tô xe máy với nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều bất cập trong việc xem xét, chọn lựa những ngành cần bảo hộ, tiêu thức xác định đối tượng bảo hộ thiếu nhất quán, vẫn chưa được khắc phục. c, Hệ thống pháp luật còn kém phát triển, chưa bao quát, điều chỉnh được toàn bộ các khía cạnh của hệ thống thuế, khả năng thực hiện và cưỡng chế thực thi các quy định về thuế còn yếu. d, Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu về quản lý xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hoá. Hiện tại, Việt Nam chỉ có khoảng 1200 trong tổng số 5600 tiêu chuẩn quốc gia hiện hành là phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế tương ứng. Riêng trong khu vực, Việt Nam cũng mới chấp nhận 56 trong tổng số 59 tiêu chuẩn của chương trình hài hoà tiêu chuẩn ASEAN. e, Hệ thống quản lý chuyên ngành còn thiếu. Rất nhiều mặt hàng thuộc diện quản lý chuyên ngành như hoá chất độc hại, phân bón, thuốc trừ sâu... chưa có quy định cụ thể và phù hợp. Việc quản lý các hàng hoá nhập khẩu theo giấy phép khảo nghiệm chưa được quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp xử lý kịp thời đối với những loại hàng hoá nhập khẩu không phù hợp. 3. Một số giải pháp vượt rào cản để đẩy mạnh xuất khẩu Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của nước ta thời kỳ 2001- 2010. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân trong thời kỳ này là 15%, giá trị kim ngạch là 54 tỷ USD vào năm 2010. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với xu thế tự do hoá toàn cầu và việc thắt chặt các rào cản thương mại của các nước, thì việc đạt được mục tiêu trên đối với Việt Nam là hết sức khó khăn. Trong thời gian qua, các quốc gia nhập khẩu đã cắt giảm đáng kể hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan không phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế nhưng thay vào đó, các quốc gia này lại đặt ra các rào cản khác rất tinh vi, phức tạp, phù hợp với các quy định quốc tế, trong đó các rào cản kỹ thuật được các quốc gia hết sức chú trọng. Trên thực tế, trong các tranh chấp phát sinh khi thâm nhập thị trường các nước, Việt Nam đã phải chịu những tổn thất lớn về mặt kinh tế. Vì vậy, theo chúng tôi, để có thể vượt được các rào cản trong thương mại của các nước nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, chúng ta nên thực hiện một số giải pháp sau: Về phía nhà nước - Tăng cường thông tin, phổ biến pháp luật, chính sách thương mại của các nước nhằm giúp doanh nghiệp biết trước để đề phòng và có những đối sách hợp lý. Đây là một trong những giải pháp hết sức quan trọng, vì hiện nay, sự hiểu biết về WTO và môi trường pháp luật kinh doanh của các nước nhập khẩu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, không kịp thời. Vì vậy, khi xuất khẩu sang các thị trường này, các doanh nghiệp thường mắc phải những vướng mắc về thủ tục cũng như các tiêu chuẩn pháp lý của các quốc gia. Điều này gây ra sự lúng túng trong việc xử lý khiến các doanh nghiệp phải gánh chịu những thiệt hại nhất định. - Từng bước chuyển dần các khoản trợ cấp theo đúng cam kết khi gia nhập WTO. - Chủ động đối phó với các rào cản về chống bán phá giá. Hiện nay chưa có quy chuẩn chung về hành vi bán phá giá, vì vậy, mỗi quốc gia áp dụng những quy chuẩn khác nhau. Do đó, khi xâm nhập vào thị trường của các quốc gia nhập khẩu, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị những kiến thức về các quy chuẩn này để tránh việc mắc phải các rào cản. Đồng thời, khi xảy ra tranh chấp về bán phá giá, theo kinh nghiệm của một số nước như Trung Quốc, Canada, Thái Lan... Chính phủ thường kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu, nhận định lại hành vi của mình để từ đó, sớm đưa ra những quyết định hợp lý. - Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động về nâng cao sức cạnh tranh nhằm đáp ứng được ngày càng tốt hơn và dễ dàng vượt qua các rào cản trong các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu. Các nước nhập khẩu với lập luận bảo vệ người tiêu dùng thường đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật quá cao đối với hàng hoá nhập khẩu, nhưng thực chất, đây chính là một loại rào cản thương mại. Chính vì vậy, để xuất khẩu sang các nước này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự đầu tư để đổi mới công nghệ, trang thiết bị và chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên khả năng đầu tư đổi mới trang thiết bị và công nghệ là hết sức khó khăn. Do đó, nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp một cách có trọng điểm để nâng cao sức cạnh tranh của họ. - Hiện nay, các yếu tố môi trường cũng được các nước lợi dụng để làm các rào cản trong thương mại quốc tế. Vì vậy, việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhãn mác sinh thái theo các tiêu chuẩn quốc tế (ISO 14020, ISO/DIS 14021, ISO/CD 14024) để đối phó và vượt qua các rào cản về môi trường là cần thiết. - Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản về sở hữu trí tuệ. Từ phía các hiệp hội - Nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin cũng như sẵn sàng khởi kiện và kháng kiện. - Phát huy hơn nữa vai trò điều hoà quy mô sản xuất và xuất khẩu, giá cả và chất lượng sản phẩm để hạn chế các nguy cơ gặp phải các vụ kiện chống bán phá giá. - Nâng cao năng lực hoạt động của các hiệp hội ngành. Từ phía doanh nghiệp - Phát triển các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; mở rộng, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức đa quốc gia, các thành phần kinh tế. - Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam thường được tổ chức theo kiểu định hướng về sản xuất hoặc định hướng về thương mại mà chưa tổ chức theo định hướng khách hàng. Điều này là chưa phù hợp với thực tế và hạn chế khả năng tiên đoán trước những rào cản có thể phát sinh. Chính vì vậy, một yêu cầu đặt ra trước mắt là cần phải đổi mới phương thức hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. - Tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động đối phó và vượt qua các rào cản trong thương mại quốc tế. - Đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hoá khi xuất khẩu sang thị trường thế giới. Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khoẻ, môi trường.
Tài liệu liên quan