Hiến pháp hóa nguyên tắc giới hạn quyền con người: Cần nhưng chưa đủ

Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận nguyên tắc giới hạn quyền con người là một bước tiến lớn trong tư duy lập hiến. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này trên thực tế không đơn giản vì tính trừu tượng của nó. Bài viết phân tích nguyên tắc giới hạn quyền con người theo luật quốc tế cũng như kinh nghiệm từ một số quốc gia, đề xuất vận dụng phương pháp phân tích cân xứng nhằm đảm bảo tính hợp hiến trong việc giới hạn các quyền con người. Sự giới hạn đối với các quyền tương đối Sự giới hạn/sự hạn chế quyền con người (limitation on human rights) được hiểu là việc nhà nước không cho phép các chủ thể có thể thực hiện quyền ở mức độ tuyệt đối (cao nhất)[1]. Ở một cách diễn đạt khác, sự giới hạn quyền (limitation/restriction) cũng chính là sự xâm phạm quyền (infringement, interference). Sự giới hạn này có thể mang tính ngắn hạn hoặc dài hạn, có thể được áp dụng ở một phần hay toàn bộ lãnh thổ. Quan điểm được chấp nhận rộng rãi là phần lớn các quyền con người mang tính tương đối[2] (relative right) nên có thể bị giới hạn. Một số quyền được các điều ước quốc tế cũng như một số hiến pháp diễn đạt có vẻ mang tính tuyệt đối, nhưng thực ra được giải thích và áp dụng là tương đối. Việc xác định một quyền là tương đối nhiều khi không phụ thuộc hiến pháp có khẳng định nó là tương đối hay lời văn hiến pháp có ghi “thực hiện quyền theo quy định của pháp luật” hay không, mà do cơ quan tài phán hiến pháp giải thích. Chỉ có một số ít quyền tuyệt đối (absolute right), tức không bị xâm phạm trong bất kỳ trường hợp nào. Quyền được tôn trọng về nhân phẩm, trong đó bao gồm quyền không bị làm nô lệ, quyền không bị tra tấn và đối xử một cách tàn ác, được phần đông thừa nhận mang tính tuyệt đối, không thể bị hạn chế. Ngoài ra, một quan điểm vẫn còn gây tranh cãi cho rằng, quyền sống và quyền được xét xử công bằng cũng là quyền tuyệt đối. Ngoài những quyền tuyệt đối, các quyền còn lại đều có thể bị giới hạn ở những mức độ khác nhau. Như vậy, sự giới hạn quyền là hiện tượng bình thường và phổ biến ở mọi quốc gia.

docx14 trang | Chia sẻ: thuychi16 | Lượt xem: 888 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hiến pháp hóa nguyên tắc giới hạn quyền con người: Cần nhưng chưa đủ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HIẾN PHÁP HÓA NGUYÊN TẮC GIỚI HẠN QUYỀN CON NGƯỜI: CẦN NHƯNG CHƯA ĐỦ Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận nguyên tắc giới hạn quyền con người là một bước tiến lớn trong tư duy lập hiến. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc này trên thực tế không đơn giản vì tính trừu tượng của nó. Bài viết phân tích nguyên tắc giới hạn quyền con người theo luật quốc tế cũng như kinh nghiệm từ một số quốc gia, đề xuất vận dụng phương pháp phân tích cân xứng nhằm đảm bảo tính hợp hiến trong việc giới hạn các quyền con người. Sự giới hạn đối với các quyền tương đối Sự giới hạn/sự hạn chế quyền con người (limitation on human rights) được hiểu là việc nhà nước không cho phép các chủ thể có thể thực hiện quyền ở mức độ tuyệt đối (cao nhất)[1]. Ở một cách diễn đạt khác, sự giới hạn quyền (limitation/restriction) cũng chính là sự xâm phạm quyền (infringement, interference). Sự giới hạn này có thể mang tính ngắn hạn hoặc dài hạn, có thể được áp dụng ở một phần hay toàn bộ lãnh thổ. Quan điểm được chấp nhận rộng rãi là phần lớn các quyền con người mang tính tương đối[2] (relative right) nên có thể bị giới hạn. Một số quyền được các điều ước quốc tế cũng như một số hiến pháp diễn đạt có vẻ mang tính tuyệt đối, nhưng thực ra được giải thích và áp dụng là tương đối. Việc xác định một quyền là tương đối nhiều khi không phụ thuộc hiến pháp có khẳng định nó là tương đối hay lời văn hiến pháp có ghi “thực hiện quyền theo quy định của pháp luật” hay không, mà do cơ quan tài phán hiến pháp giải thích. Chỉ có một số ít quyền tuyệt đối (absolute right), tức không bị xâm phạm trong bất kỳ trường hợp nào. Quyền được tôn trọng về nhân phẩm, trong đó bao gồm quyền không bị làm nô lệ, quyền không bị tra tấn và đối xử một cách tàn ác, được phần đông thừa nhận mang tính tuyệt đối, không thể bị hạn chế. Ngoài ra, một quan điểm vẫn còn gây tranh cãi cho rằng, quyền sống và quyền được xét xử công bằng cũng là quyền tuyệt đối. Ngoài những quyền tuyệt đối, các quyền còn lại đều có thể bị giới hạn ở những mức độ khác nhau. Như vậy, sự giới hạn quyền là hiện tượng bình thường và phổ biến ở mọi quốc gia. Khi đã có một sự thừa nhận chung về tính tương đối của hầu hết các quyền con người, một câu hỏi được đặt ra: sự giới hạn đối với các quyền tương đối tuân theo nguyên tắc nào? Đây là vấn đề quan trọng vì nếu không có nguyên tắc định hướng, quyền con người cơ bản có thể bị giới hạn một cách tùy tiện. Do đó, cùng với việc ghi nhận các quyền con người cơ bản, hiến pháp cần quy định các nguyên tắc và cơ chế nhằm giới hạn các quyền một cách chính đáng và hợp lý. Nguyên tắc giới hạn quyền là cơ sở quan trọng nhằm bảo vệ quyền con người Trong quá trình đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng tôi đã đề xuất bổ sung nguyên tắc giới hạn quyền con người nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện của Nhà nước[3]. Việc Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên ghi nhận nguyên tắc này thể hiện bước tiến lớn trong tư duy lập hiến. Trước hết và quan trọng nhất, nguyên tắc giới hạn quyền là cơ sở để bảo vệ các quyền tốt hơn. Nguyên tắc hiến định này là cơ sở lập luận quan trọng để đảm bảo tính hợp hiến của việc giới hạn quyền ở các quy phạm pháp luật dưới hiến pháp. Các hiến pháp có thể kế thừa các bộ luật quốc tế về quyền con người hoặc học hỏi lẫn nhau để xây dựng một chương quy định về quyền con người hết sức tiến bộ. Tuy nhiên, những quy định đó sẽ mất ý nghĩa nếu các quyền vẫn bị các văn bản dưới hiến pháp “cắt xén” một cách tùy tiện. Vì vậy, có thể nhận định rằng, việc ngăn ngừa những giới hạn tùy tiện đối với quyền con người quan trọng hơn ghi nhận các quyền đó. Có thể lấy một số ví dụ về các quốc gia “không chú trọng” hiến pháp hóa các quyền con người nhưng vẫn quan tâm thiết lập cơ chế bảo vệ. Một trường hợp khá hiếm hoi là hiến pháp Australia, chỉ quy định một vài quyền mà không có một chương đầy đủ về quyền con người[4]. Một trường hợp thú vị khác là hiến pháp bất thành văn của Liên hiệp Anh, theo truyền thống, cũng không hiến định quyền con người. Ở hai nước này, quyền con người được ghi nhận và giải thích chi tiết bằng thông luật (common law) hơn là hiến pháp. Khác với Australia, năm 1998, Anh thông qua Đạo luật về Quyền con người nhưng đạo luật này về bản chất chỉ là sự cam kết áp dụng các quyền đã được nêu ra ở Công ước châu Âu về Quyền con người 1950. Tuy không có một bộ luật nhân quyền nội địa hoàn chỉnh, hai quốc gia này đều phải thiết lập cơ chế tài phán hiến pháp nhằm bảo vệ quyền, trong đó áp dụng các học thuyết pháp lý về giới hạn quyền. Việt Nam hiến pháp hóa nguyên tắc này cũng thể hiện bước tiến tới chuẩn mực của các bộ luật quốc tế về quyền con người và các hiến pháp tiến bộ trên thế giới. Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người 1948 (Universal Declaration of Human Rights), văn bản được coi là kết tinh của tinh hoa và chuẩn mực toàn cầu[5], đã quy định nguyên tắc này tại Điều 29: “Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”. Lời văn trên của Tuyên ngôn được coi là một ví dụ tiêu biểu của “mệnh đề chung giới hạn các quyền” (general limitation clause), mà hiện nay đã xuất hiện trong một số hiến pháp như ở Canada, Nam Phi, Israel[6]. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng thể hiện công thức của mệnh đề chung này. Thêm vào đó, Tuyên ngôn cũng ngăn ngừa sự lạm dụng nhằm giới hạn quyền một cách tùy tiện. Điều 30 tuyên bố rằng “không một điều nào trong Bản Tuyên ngôn này được hiểu và hàm ý cho phép một nước, một nhóm hay một cá nhân nào được quyền có những việc làm hay hành động nhằm triệt tiêu quyền và tự do được thừa nhận ở đây”. Ba triết lý của nguyên tắc giới hạn quyền Sự áp dụng nguyên tắc giới hạn quyền con người trên thực tế không đơn giản vì tính trừu tượng của nó. Một loạt các khái niệm trong lời văn của Tuyên ngôn Phổ cập về Quyền con người 1948 cần được giải thích rõ, như: “hạn chế do luật định”, “chính đáng”, “cần thiết”, “đạo đức”, “trật tự công cộng”, “nền an sinh chung”, “xã hội dân chủ”... Tương tự, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cũng cần được giải thích rõ (ở những thuật ngữ được in nghiêng): “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” Có thể thấy rằng, các mệnh đề chung giới hạn quyền, mặc dù được diễn đạt khác nhau trong các điều ước quốc tế và các hiến pháp, về cơ bản thể hiện ba triết lý. Thứ nhất, nguyên tắc này ghi nhận sự xung đột giữa quyền của người này với quyền của người khác cũng như với lợi ích chung của toàn xã hội. Đây là điều không thể tránh khỏi vì bảo vệ phạm vi tự do chính đáng của người này cũng chính là sự giới hạn tự do của người khác. Thứ hai, việc giới hạn quyền được thực hiện thông các quy phạm pháp luật dưới hiến pháp. Thứ ba, nguyên tắc này đòi hỏi đảm bảo tính cân xứng giữa quyền bị hạn chế với bảo vệ quyền của người khác và lợi ích chung. Tính cân xứng được đảm bảo cũng có nghĩa là biện pháp giới hạn quyền mang tính hợp hiến. Triết lý thứ nhất và thứ hai được chấp nhận chung vì, như trên đã nêu, phần lớn các quyền con người có thể bị hạn chế bởi các quy phạm dưới hiến pháp vì tính tương đối của nó. Trái lại, triết lý thứ ba đã gây tranh luận lớn trên phạm vi toàn cầu vì có nhiều phương pháp khác nhau được đề xuất để đảm bảo “tính cân xứng” (proportionality). Cho đến nay chưa có giải pháp nào nhận được sự thống nhất chung trên thế giới[7]. Trong số đó, hai phương pháp cơ bản được chú ý đến nhiều hơn là phương pháp phân nhóm các quyền của Hoa Kỳ (American categorization) và phương pháp phân tích tính cân xứng (proportionality analysis/proportionality test) khởi nguồn từ châu Âu. Thế nào là “hạn chế theo quy định của luật”? Ở Việt Nam, có những quan điểm cho rằng việc hạn chế quyền con người chỉ nên được thực hiện bởi các văn bản của Quốc hội - cơ quan có chức năng làm luật[8]. Lập luận có thể là, nếu Hiến pháp cho phép quyền có thể bị giới hạn bởi “pháp luật”, tức là bao gồm mọi văn bản quy phạm pháp luật dưới Hiến pháp, là quá rộng. Và nếu phạm vi này bao gồm cả nghị định, thông tư, văn bản của chính quyền địa phương, thì quyền con người có thể bị xâm phạm một cách không kiểm soát được. Vì thế, chỉ có văn bản của Quốc hội với tên gọi là “luật” mới được phép giới hạn quyền. Đây là những lo ngại có lý, nhưng lại khác biệt với các điều ước quốc tế cũng như hiến pháp nhiều quốc gia. Công thức “theo quy định của pháp luật” của Hiến pháp năm 1992 thực ra hoàn toàn tương thích với các cách diễn đạt “determined by law”, “in accordance with the law” hay “prescribed by law” của Tuyên ngôn Phổ cập về Quyền con người 1948, các điều ước quốc tế về quyền con người và nhiều hiến pháp khác. Tòa án Nhân quyền châu Âu, thông qua nhiều vụ kiện, đã giải thích khái niệm pháp luật/luật trong cụm từ “prescribed by law” không chỉ là các đạo luật (statute law) mà còn bao gồm luật của Cộng đồng châu Âu (European Community law), các quy phạm phi đạo luật (non-statutory regulations), thông luật (common law) và các quy phạm khác do cơ quan nhà nước đặt ra (rules of a national body)[9]. Tòa án Nhân quyền châu Âu chỉ ghi nhận ba yêu cầu của một quy phạm được coi là pháp luật như sau: (1) Sự hạn chế quyền phải có căn cứ từ pháp luật quốc nội; (2) Pháp luật đó phải có thể tiếp cận được; (3) Pháp luật đó phải được thể hiện rõ ràng để có thể dự đoán được[10]. Có thể kết luận rằng, khái niệm pháp luật của Tòa án Nhân quyền châu Âu tương đồng với khái niệm pháp luật theo nghĩa “quy phạm pháp luật” ở Việt Nam. Do đó, việc mệnh đề chung giới hạn quyền của Hiến pháp năm 2013 khi dùng cách diễn đạt “theo quy định của luật” thay vì “theo quy định của pháp luật” là chưa chính xác nếu được hiểu theo hướng chỉ có văn bản với tên gọi là “luật” của Quốc hội thay vì pháp luật nói chung được phép giới hạn quyền. Hiến pháp năm 2013 đặt tiêu chuẩn quá cao cho cơ chế bảo vệ quyền vì hai lý do. Thứ nhất, việc mệnh đề hạn chế quyền định ra phạm vi khái niệm “luật” quá hẹp đã đi ngược với xu thế chung của thế giới. Thứ hai, việc chỉ cho phép văn bản với tên gọi là “luật” của Quốc hội có thể hạn chế quyền là bất khả thi. Không một quốc gia nào có thể chỉ dùng đạo luật của cơ quan lập pháp để hạn chế quyền. Và thực tế ở Việt Nam cho thấy, một khi các đạo luật đang còn quá phụ thuộc vào sự chi tiết hóa của các văn bản dưới luật, không thể không cho phép các văn bản dưới luật hạn chế quyền. Lấy ví dụ trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 không hề quy định về hành vi nào là vi phạm hành chính và các hình thức xử phạt cụ thể được áp dụng, mà hoàn toàn trao cho các nghị định của Chính phủ hướng dẫn, quy định chi tiết. Về bản chất, việc định ra hành vi nào là vi phạm hành chính và mức phạt chính là việc hạn chế quyền. Chẳng hạn, quy định cấm vượt đèn đỏ cũng chính là việc hạn chế quyền điều khiển phương tiện một cách tùy thích. Nhiều người đã đánh giá rằng, hiện nay, Việt Nam chưa thể đưa toàn bộ các nghị định về vi phạm hành chính vào Luật Xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, cụm từ “theo quy định của luật” cần được giải thích theo nghĩa căn cứ vào “pháp luật” hay “quy phạm pháp luật”. Chúng ta cần thừa nhận rằng, cơ chế phán quyết về hạn chế quyền quan trọng hơn các vấn đề về hiến pháp ghi nhận bao nhiêu quyền, văn bản nào được hạn chế quyền, hay có cần cụm từ “theo quy định của pháp luật” sau mỗi quyền hay không. Cái chúng ta cần quan tâm là làm sao việc hạn chế quyền của các quy phạm dưới luật đảm bảo tính cân xứng, hay nói cách khác, là tính hợp hiến. Hai mô hình sau đây sẽ cung cấp những gợi ý về vấn đề này. Phương pháp của Hoa Kỳ Hiến pháp Hoa Kỳ không hề chứa đựng một mệnh đề chung hay mệnh đề riêng giới hạn các quyền. Phần lớn các quyền được diễn đạt một cách không giới hạn khiến chúng ta có thể lầm tưởng đó là các quyền tuyệt đối. Tuy vậy, các tòa án, thông qua chức năng giải thích hiến pháp đã xác nhận các quyền này có thể bị giới hạn[11]. Các quyền được công nhận ba mức độ bảo vệ khác nhau: kiểm tra chặt chẽ (strict scrutiny), kiểm tra trung bình (intermediate scrutiny) và kiểm tra tối thiểu (minimal scrutiny)[12]. Mức độ kiểm tra chặt chẽ được áp dụng cho các quyền cơ bản (fundamental rights) theo cách hiểu của Hoa Kỳ, bao gồm: quyền không bị phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc và nguồn gốc xuất thân, quyền bí mật đời tư, quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình và hội họp, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do đi lại và quyền bầu cử[13]. Một sự giới hạn quyền muốn vượt qua sự kiểm tra này phải đáp ứng hai yêu cầu: (1) về mục đích, sự giới hạn là “thiết yếu để đạt được một mục tiêu cấp bách của nhà nước”[14]; (2) về phương tiện, sự giới hạn phải phù hợp để đạt được mục tiêu. Yêu cầu này được hiểu là biện pháp giới hạn phải là giải pháp xâm phạm đến quyền ở mức thấp nhất; hay nói cách khác, không có giải pháp khác xâm phạm đến quyền ở mức độ thấp hơn mà vẫn đạt được mục tiêu đề ra[15]. Như vậy, nếu mục đích bị coi là không thiết yếu hoặc nếu phương tiện bị coi là không phù hợp thì đạo luật hạn chế quyền bị tuyên vi hiến. Đây là một bài kiểm tra rất khắc nghiệt vì thực tế cho thấy, tòa án thường tuyên các đạo luật vi hiến[16]. Mức độ kiểm tra trung bình được áp dụng cho quyền bình đẳng giới, quyền bình đẳng của trẻ em ngoài giá thú, quyền bình đẳng về giáo dục của trẻ em, quyền tự do ngôn luận thương mại và quyền tự do ngôn luận nơi công cộng[17]. Đạo luật giới hạn quyền muốn vượt qua sự kiểm tra này phải đáp ứng hai yêu cầu: (1) sự giới hạn phải “thực sự liên quan tới một mục tiêu quan trọng của nhà nước”[18]; (2) có sự liên quan chắc chắn giữa phương pháp giới hạn và mục tiêu cần đạt được[19]. Như vậy, nếu mục đích bị coi là không quan trọng hoặc nếu phương tiện bị coi là không liên quan chặt chẽ tới mục tiêu thì đạo luật hạn chế quyền bị tuyên vi hiến. Mức độ kiểm tra tối thiểu, còn được coi là kiểm tra về tính hợp lý (rational basis test)[20] được áp dụng cho các quyền còn lại. Đạo luật giới hạn quyền muốn vượt qua sự kiểm tra này phải đáp ứng hai yêu cầu: (1) sự giới hạn phải “có lý do chứng tỏ sự liên quan tới một mục tiêu chính đáng của nhà nước”; (2) phương tiện áp dụng là biện pháp hợp lý để đạt được mục tiêu[21]. Như vậy, nếu mục đích bị coi là không chính đáng hoặc nếu phương tiện bị coi là không hợp lý thì đạo luật hạn chế quyền bị tuyên vi hiến. Bài kiểm tra này tương đối dễ dàng nên hiếm khi tòa án tuyên các đạo luật vi hiến[22]. Phương pháp phân tích tính cân xứng Phương pháp phân nhóm quyền của Hoa Kỳ thường bị phê phán là quá cứng nhắc[23] và không lan tỏa rộng rãi trên tầm thế giới. Trong khi đó, phương pháp phân tích tính cân xứng[24] khởi nguồn từ luật hành chính Đức từ cuối thế kỷ 18[25] đã được áp dụng rộng rãi trong pháp luật Liên minh châu Âu và du nhập vào nhiều nước ngoài châu Âu[26]. Đây là một công cụ mang tính phương pháp luận[27], được đánh giá ưu việt hơn phương pháp của Hoa Kỳ[28]. Mặc dù học thuyết cân xứng có một số biến thể khác nhau, nhưng một cách khái quát, nó đưa ra một bài kiểm tra gồm bốn bước[29] (hay còn gọi là giai đoạn, yếu tố) để đánh giá một sự hạn chế quyền có cân xứng/hợp hiến hay không. Khác với phương pháp của Hoa Kỳ, bài kiểm tra bốn bước của học thuyết cân xứng được áp dụng thống nhất cho mọi quyền tương đối. Bài kiểm tra được thực hiện từng bước từ một đến bốn. Nếu một sự hạn chế quyền vượt qua bốn giai đoạn, nó được xem là hợp hiến. Nếu nó thất bại ở một giai đoạn, bài kiểm tra dừng lại mà không cần đánh giá tiếp ở giai đoạn sau, và hệ quả là sự hạn chế quyền đó bị tuyên vi hiến. (1)Bước 1: Mục đích chính đáng (proper purpose/legitimate aim) Ahron Barak đã phân tích rằng, mục đích chính đáng của việc giới hạn quyền khởi nguồn từ các giá trị dân chủ[30]. Ở đây, các giá trị dân chủ thể hiện ở sự bảo vệ quyền của người khác và bảo vệ lợi ích công (public interest). Bảo vệ quyền con người bao giờ cũng mang tính chính đáng nhưng không phải lợi ích công nào cũng mang tính chính đáng[31]. Lợi ích công được coi là chính đáng nếu nó nhằm đạt được các “mục tiêu xã hội quan trọng”, và sau đó nhằm đạt được “nền tảng xã hội trong đó công nhận tầm quan trọng hiến định và nhu cầu bảo vệ quyền con người”[32]. Barak đưa ra danh sách các yếu tố thuộc phạm trù lợi ích công, bao gồm: sự tồn tại của nhà nước như một nền dân chủ, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, phòng ngừa tội phạm, bảo vệ trẻ em, sức khỏe cộng đồng, sự khoan dung, bảo vệ tình cảm con người, các nguyên tắc của hiến pháp và các lợi ích khác không gắn với phạm trù quyền con người[33]. Nói một cách khái quát, việc hạn chế quyền không có lý do chính đáng bị coi là vi hiến. Ví dụ: Một đạo luật (Lord’s Day Act) của Canada đã cấm các cơ sở kinh doanh bán hàng vào ngày chủ nhật với mục đích tạo điều kiện cho người lao động công giáo nghỉ làm việc để đi lễ nhà thờ. Quy định này bảo vệ quyền tự do tôn giáo của người công giáo nhưng đồng thời là sự hạn chế quyền này đối với người theo tôn giáo khác. Bởi vì, luật buộc phải nghỉ làm ngày chủ nhật, áp lực cạnh tranh đã làm những người theo tôn giáo khác không thể nghỉ thêm một ngày khác ngoài chủ nhật để thực hiện nghi lễ tôn giáo của họ. Tòa án Tối cao Canada đã phán quyền đạo luật vi hiến vì mục đích của việc hạn chế quyền tự do tôn giáo này không chính đáng[34]. (2) Bước 2: Sự phù hợp (rational connection) của việc hạn chế quyền với mục đích cần đạt được Bước này đòi hỏi phương tiện nhằm hạn chế quyền phải phù hợp (có mối liên hệ đúng đắn) với mục đích cần đạt được[35]. Việc hạn chế quyền không có mối liên hệ với mục đích bị coi là vi hiến. Ví dụ: Một đạo luật của Canada đã hạn chế quyền giả định vô tội khi quy định rằng người nào tàng trữ ma túy bất hợp pháp thì bị coi là có mục đích buôn lậu ma túy. Sự hạn chế quyền này được luận giải là nhằm phục vụ cuộc chiến chống buôn lậu ma túy. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Canada đã tuyên đạo luật này vi hiến với lập luận rằng, nếu một người chỉ tàng trữ một lượng nhỏ ma túy thì sự hạn chế quyền giả định vô tội không có mối liên hệ hợp lý nào với cuộc chiến chống buôn lậu ma túy[36]. (3) Bước 3: Sự cần thiết (necessity) của biện pháp hạn chế quyền nhằm đạt mục đích Yêu cầu về sự cần thiết đòi hỏi sự hạn chế quyền là biện pháp khả dĩ nhất nhằm đạt được mục tiêu. Hay nói cách khác, không có một phương án khác có mức độ hạn chế quyền thấp hơn (less restrictive means) mà vẫn đạt được mục tiêu[37]. Việc hạn chế quyền không phải là giải pháp tốt nhất (trong các phương án có thể lựa chọn) bị coi là vi hiến. Ví dụ: Một quy định ở Đức cấm bán những loại kẹo, vốn trước đây hay được làm từ gạo, có chứa bột ca-cao. Quy định này đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của những nhà sản xuất kẹo. Mục đích của quy định được coi là chính đáng nhằm bảo vệ người tiêu dùng tránh mua nhầm sản phẩm. Và rõ ràng cũng có sự liên hệ giữa mục đích và biện pháp. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp vẫn tuyên quy định vi hiến vì biện pháp này bị cho là không cần thiết. Hay nói cách khác, vẫn có thể áp dụng các biện pháp khác hạn chế quyền ở mức độ thấp hơn mà vẫn đạt được mục tiêu, chẳng hạn yêu cầu phải dán nhãn cảnh báo trên kẹo thay vì cấm bán hoàn toàn[38]. (4) Bước 4: Sự cân bằng (fair balance) giữa lợi ích thu được và thiệt hại từ việc hạn chế quyền Bước này quan trọng nhất. Nó yêu cầu sự cân bằng giữa lợi ích thu được của việc hạn chế quyền với những thiệt hại do việc hạn chế quyền gây ra[39]. Ví dụ: Một quy định ở Canada (nhằm thực hiện Canadian Health Disciplines Act 1980) đã cấm các nha sĩ đăng quảng cáo về dịch vụ của mình. Sự giới hạn quyền tự do ngôn luận này đã đáp ứng yêu cầu của ba bước trên. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Canada tuyên quy định này vi hiến vì lợi ích của việc hạn chế quyền (tăng cường sự chuyên nghiệp của nghề nha sĩ, ngăn ngừa việc quảng cáo bừa bãi) không tương xứng (proportional) với thiệt hại mà việc hạn chế quyền này gây ra[40]. Bốn nguyên lý trụ cột của cơ chế bảo vệ quyền con người Trên c