Trong cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, nước ta đã bốn lần đàm phán và ký Hiệp định ngoại giao: Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Tạm ước 14-9-1946, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 và Hiệp định Pa-ri 1973. Đàm phán Pa-ri là đỉnh cao của mặt trận đấu tranh ngoại giao trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Những bài học thắng lợi của Hiệp định Pa-ri có ý nghĩa như một mốc son của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
6 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 2346 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hiệp định pa-Ri về Việt Nam- Những bài học ngoại giao, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HIỆP ĐỊNH PA-RI VỀ VIỆT NAM: NHỮNG BÀI HỌC NGOẠI GIAO
Trong cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, nước ta đã bốn lần đàm phán và ký Hiệp định ngoại giao: Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Tạm ước 14-9-1946, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 và Hiệp định Pa-ri 1973. Đàm phán Pa-ri là đỉnh cao của mặt trận đấu tranh ngoại giao trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Những bài học thắng lợi của Hiệp định Pa-ri có ý nghĩa như một mốc son của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Nguyễn Khắc HuỳnhNguyên Đại sứ - thành viên đoàn đàm phán Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam
1 - Kết hợp ngoại giao với đấu tranh quân sự, chính trị, đàm phán với chiến trườngDo đặc điểm của cuộc chiến tranh và thời đại, để chống Mỹ và thắng Mỹ, Việt Nam phải chiến đấu trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Nghị quyết Trung ương lần thứ 12 (tháng 12-1965) nêu rõ: "Trong quan điểm đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, ta phải giữ vững quyết tâm chiến lược, đồng thời áp dụng sách lược đấu tranh chính trị ngoại giao khôn khéo để phối hợp với đấu tranh quân sự, chủ động tấn công địch, nêu cao ngọn cờ độc lập hòa bình nhằm tranh thủ dư luận thế giới và cô lập hơn nữa đế quốc Mỹ"(1). Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 4-1969 nhấn mạnh "Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng có ý nghĩa chiến lược". Trung ương thấy rõ đặc điểm của chiến tranh, đặt vấn đề Việt Nam trong toàn cảnh thế giới, ứng phó với cuộc chiến tranh theo phương thức tối ưu ngang tầm phát triển của thời đại. Ngoại giao và đàm phán làm nhiệm vụ thường xuyên tấn công địch, góp phần tranh thủ dư luận, cô lập kẻ thù, hỗ trợ chiến trường. Mỗi bước phát triển của từng hoạt động lớn trên chiến trường đều luôn có đàm phán phối hợp.Để phát huy tốt vai trò của ngoại giao hỗ trợ chiến trường, từ đầu cuộc chiến tranh, chúng ta đã tính đến phương thức "vừa đánh vừa đàm". Cuộc đàm phán Pa-ri là sự vận dụng phương thức "vừa đánh vừa đàm" ở tầm cao và nhiều hiệu quả.Sự phối hợp giữa đàm phán với chiến tranh quân sự đưa đến thành công rõ rệt nhất là góp phần giành thắng lợi từng bước, buộc địch phải xuống thang từng bước, làm thay đổi dần so sánh lực lượng và thế trận trên chiến trường. Đầu năm 1967, ngoại giao đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. Tổng tấn công Tết Mậu Thân buộc Mỹ thực hiện đòi hỏi đó bằng bước hạn chế ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra.Rồi mùa thu năm 1968, đàm phán phát huy thắng lợi quân sự và lợi dụng khó khăn nội bộ Mỹ năm bầu cử, buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc. Từ năm 1969, bước vào Hội nghị bốn bên, chúng ta thực hiện Chỉ thị của Trung ương là: "Đẩy địch xuống thang một bước trên chiến trường chính, ép Mỹ đơn phương rút một bộ phận quân Mỹ"(2). Sức mạnh tổng hợp của ta cùng phong trào phản chiến đang dâng cao ở Mỹ đã buộc chính quyền Mỹ phải rút trên 400.000 quân Mỹ trong 3 năm, tạo thuận lợi quan trọng cho chiến trường. Mỹ rút quân hòng chuyển sức ép sang phía ta, nhưng đàm phán đã góp phần tiếp tục tạo sức ép đòi Mỹ rút nhanh, rút hết.Đàm phán hỗ trợ chiến tranh quân sự đánh bại chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Ních-xơn, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri rút hết quân Mỹ. Đây là bước "xuống thang" lớn nhất của Mỹ, là thắng lợi cao nhất của ta trong đàm phán phối hợp với chiến trường.Thực tế lịch sử chứng minh: trong khi thực lực và thắng lợi trên chiến trường đóng vai trò quyết định thì ngược lại, đấu tranh trên bàn đàm phán cũng góp phần tác động đến thắng lợi trên chiến trường và kịp thời phát huy thắng lợi chiến trường để giành thắng lợi lớn hơn.Chúng ta phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao - đàm phán với đấu tranh quân sự là có sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương, lấy tình thế và yêu cầu của chiến trường làm cơ sở, kết hợp xem xét tình hình và dư luận quốc tế cùng tình hình nội bộ Mỹ để quyết định bước đi và biện pháp ngoại giao tối ưu nhất.2 - Kiên định quan điểm độc lập tự chủ của Đảng là bảo đảm cơ bản cho đàm phán thành côngViệt Nam bước vào đàm phán với Mỹ trong tình hình quốc tế phức tạp, chiến tranh lạnh gay gắt, quan hệ Xô - Trung căng thẳng, phong trào cách mạng thế giới khủng hoảng về đường lối, quan điểm... Rút kinh nghiệm từ Hội nghị Giơ-ne-vơ 1945, Việt Nam xác định giữ độc lập tự chủ trong kế sách đánh - đàm với Mỹ. Các nước anh em bạn bè góp ý, ta trân trọng, tham khảo nhưng ta tự quyết định phương sách giành thắng lợi của ta, tự ta quyết định thời cơ bắt đầu, bước đi bài bản của đàm phán. Đầu năm 1965, 14 nước không liên kết kêu gọi ta ngồi nói chuyện với Mỹ. Ta giải thích để họ hiểu. Với các gợi ý của Liên Xô về tiếp xúc, ta trao đổi chân tình để bạn ủng hộ lập trường của ta. Đầu năm 1968, dù Trung Quốc phản đối, ta vẫn đi vào đàm phán với Mỹ nhưng kiên trì giải thích, đồng thời thường xuyên thông báo diễn biến đàm phán cho bạn.Thời kỳ khó khăn nhất cho ta là lúc chính quyền Mỹ đi vào hòa hoãn với Liên Xô, Trung Quốc (năm 1972) nhằm ép hai nước giảm sự giúp đỡ Việt Nam. Trong phiên họp ngay sau chuyến cùng Ních-xơn thăm Trung Quốc và Liên Xô, Kít-xinh-giơ trong gặp riêng với đồng chí Lê Đức Thọ đã nêu câu hỏi thăm dò "Ngài cố vấn (Lê Đức Thọ) qua Bắc Kinh và Mát-xcơ-va chắc có nghe các bạn của Ngài thông báo ý kiến của chúng tôi trong cuộc đàm phán này?". Đồng chí Lê Đức Thọ trả lời ngay: Chúng tôi chiến đấu chống lại quân đội các ông và chúng tôi đàm phán với các ông tại bàn Hội nghị. Các bạn chúng tôi hết lòng ủng hộ nhưng không làm thay chúng tôi được (3). Sau Tổng tấn công xuân hè năm 1972, thời cơ tới. Ta quyết định đi vào đàm phán thực chất. Suốt cuộc đàm phán, ta phát huy được độc lập tự chủ là do có đường lối chung đúng, ta tự điều hành chiến tranh, tự điều hành đàm phán, không để một sức ép bên ngoài nào tác động; ta hiểu chiến lược và con bài đàm phán, chỗ mạnh, chỗ yếu của Mỹ; về cơ bản ta nắm được chiều hướng chung của tình hình quốc tế; ngoại giao ta rút được kinh nghiệm lịch sử và có bước trưởng thành.3 - Đàm phán để tranh thủ dư luận, tập hợp lực lượng quốc tế và tác động vào nội bộ đối phươngMột thành công lớn của cuộc đàm phán là chúng ta quán triệt phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn cuộc đấu tranh với Mỹ tại bàn đàm phán với phong trào rộng lớn của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.Cuộc đấu tranh tại bàn đàm phán trước hết là cuộc đấu tranh để tranh thủ dư luận. Cuộc đàm phán kéo dài 5 năm nhưng thương lượng thực chất chỉ trong khoảng 6 tháng. Phần lớn thời gian là đấu lý, đấu tranh phân rõ phải trái, đúng sai. Chúng ta phát huy chính nghĩa dân tộc và thế mạnh về pháp lý, xoáy vào chỗ yếu cơ bản của đối phương là yếu về chính trị, đề cao lập trường chiến đấu của ta, đánh mạnh vào chính sách xâm lược và tội ác chiến tranh của Mỹ để tranh thủ dư luận, gây khó khăn cho Mỹ trên trường quốc tế và cả trong nước Mỹ.Ta duy trì hai diễn đàn, tận dụng diễn đàn công khai với những bài phát biểu chính thức, những bài chính luận mạnh mẽ nhằm chủ yếu vào dư luận. Suốt cuộc đàm phán, chúng ta hết sức coi trọng công tác vận động báo chí. Trong mấy năm đàm phán, hai đoàn Việt Nam tiến hành gần 500 cuộc họp báo, có những cuộc quan trọng do chính các trưởng đoàn Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình trực tiếp chủ trì. Dư luận thế giới rất quan tâm đến chiến tranh Việt Nam và cũng rất quan tâm tới tình hình đàm phán. Các cuộc họp báo là cơ hội quý để tranh thủ giới báo chí, tranh thủ dư luận. Thế mạnh đạo lý của ta được phát huy có hiệu quả thông qua hoạt động báo chí. Địa bàn Pa-ri là trung tâm báo chí và đầu mối thông tin quốc tế tạo thuận lợi cho ta gắn đàm phán với đấu tranh của dư luận.Để nêu cao thiện chí hòa bình, tranh thủ dư luận, từng thời kỳ, theo sự chỉ đạo của Đảng, đoàn đàm phán đưa ra các đề nghị hòa bình. Mỗi đề nghị hòa bình đều khẳng định các đòi hỏi chính đáng của nhân dân Việt Nam như Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút hết quân vô điều kiện, phải tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Đồng thời, chúng ta trình bày các giải pháp thỏa đáng để giải quyết vấn đề như lập chính phủ liên hiệp, tổ chức tổng tuyển cử tự do... Có những đề nghị ta nhằm trực tiếp vào nội bộ nước Mỹ, như giữa năm 1971, khi phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ lên cao, đòi chính quyền rút quân và đưa tù binh, phi công Mỹ bị bắt về nước, ta đưa ra đề nghị: chính quyền Mỹ phải định thời hạn rút hết quân từ trước ngày 31-12-1971 và khẳng định "thời hạn rút hết quân cũng là thời hạn thả hết tù binh". Đề nghị này tác động mạnh mẽ đến nội bộ nước Mỹ và làm tăng sức ép đòi Oa-sinh-tơn đáp ứng đề nghị của phía Việt Nam.Các đề nghị hòa bình của ta đều có sức tấn công mạnh vì dư luận rất quan tâm đến lập trường hai bên, đến triển vọng đàm phán. Người ta so sánh các giải pháp cởi mở do phía Việt Nam đưa ra với các giải pháp do Tổng thống Mỹ nêu chỉ xoay quanh một vấn đề: ngừng bắn, ngừng bắn có kiểm soát, ngừng bắn toàn Đông Dương! Việc kết hợp đàm phán với đấu tranh dư luận tiến bộ trên toàn thế giới đã góp phần tranh thủ sự đồng tình rộng rãi của dư luận, của lương tri loài người. Phối hợp với thắng lợi trên chiến trường, đấu tranh tại bàn đàm phán đã góp phần mở rộng và tăng cường mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.Chúng ta thành công trước hết là sự chỉ đạo thống nhất của Đảng đã gắn đàm phán với chiến trường và quốc tế, đặt đúng nhiệm vụ của đàm phán trước hết là đấu tranh dư luận, chúng ta nắm chắc ngọn cờ chính nghĩa dân tộc và thiện chí hòa bình. Đồng thời cũng coi trọng việc tổ chức và sắp xếp lực lượng có khả năng bảo đảm trận tuyến dư luận và huy động mọi lực lượng tham gia, phối hợp chặt chẽ việc tuyên truyền vận động trong nước với công việc của đoàn đàm phán.4 - Giành thế chủ động trong đàm phán, kiên trì mục tiêu đấu tranhNước Mỹ có nền ngoại giao lâu năm, bộ máy ngoại giao lớn, quan hệ quốc tế rộng và có kinh nghiệm xử lý các vấn đề quốc tế với nhiều đối tượng khác. Các nhà đàm phán Mỹ như Ha-ri-man, Kít-xinh-giơ là những nhà ngoại giao sắc sảo, nhiều thủ thuật. Hơn nữa, đàm phán là thương lượng giữa hai hay nhiều bên bình đẳng. Bởi vậy, trong quá trình đàm phán với Mỹ, giữ được thế chủ động, kiên trì mục tiêu đề ra là mối quan tâm lớn của ta trong nghệ thuật đàm phán.Để tranh thủ thế chủ động trong đàm phán, ta vận dụng tư tưởng đánh lâu dài, không chịu sức ép nào, kiên trì đấu tranh, lại biết xoáy vào thế yếu của đối phương là Mỹ bị sa lầy ở Việt Nam và lại chịu nhiều sức ép... nên phải tìm cách kết thúc sớm chiến tranh, để tranh thủ thế chủ động trong đàm phán.Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ mới chỉ hạn chế ném bom, chứ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của ta. Ta có thể bác yêu cầu của Mỹ về mở đàm phán. Nhưng ta cân nhắc yêu cầu của chiến trường và dư luận quốc tế, đồng ý ngồi nói chuyện với Mỹ. Như vậy, ta đi vào đàm phán trên thế thắng và thế chủ động. Suốt thời kỳ đàm phán song phương năm 1968, ta kiên trì một yêu cầu duy nhất: Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc. Ta bác mọi đòi hỏi "có đi có lại" của Mỹ. Cuối cùng, ta chủ động vận dụng sách lược về Hội nghị bốn bên để buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc.Giai đoạn đàm phán thứ hai (1969 - 1971), ta kiên trì đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân, trên thực tế là đấu tranh để ép Mỹ đơn phương rút dần quân Mỹ. Mùa thu năm 1971, Mỹ đã "Việt Nam hóa chiến tranh" được một bước, rút 400.000 quân, Nhà Trắng cho rằng cần thúc đẩy giải quyết nhanh vấn đề Việt Nam lúc còn quân Mỹ để làm "con bài" mặc cả. Ngày 11-10-1971, phía Mỹ chuyển cho đoàn ta một đề nghị hòa bình mới, có một số điểm mềm dẻo. Bộ Chính trị chỉ thị cho đoàn đàm phán của ta ở Pa-ri: "Thời gian không ủng hộ địch. Do đó Mỹ muốn giải quyết mau để giảm khó khăn của chúng. Nhưng ta không bị động theo chúng. Trái lại, ta phải chủ động nắm vững thời cơ để thực hiện ý đồ chiến lược của ta"(4). Sau Tổng tấn công xuân hè 1972, ta thấy có khả năng kết thúc chiến tranh nên đã đưa đàm phán đi vào thực chất, ta nắm quyền chủ động chuyển giai đoạn đàm phán. Đến tháng 10-1972, để gỡ thế đàm phán dẫm chân, ta chủ động mở bài, tạm gác vấn đề gây cấn để sớm đi tới thoả thuận Hiệp định.Như vậy, về bài bản, bước đi, thời cơ chuyển giai đoạn từ bắt đầu đến kết thúc đàm phán... đều do ta quyết định trên cơ sở gắn đàm phán với cục diện trên chiến trường, tình hình quốc tế và nội bộ nước Mỹ.Đi vào đấu tranh trong từng phiên họp, trên các vấn đề lớn, ta cũng phải biết cách gạt các mũi tên tấn công, các đòn gây sức ép của đối phương bằng những lý lẽ, lập luận sắc bén, các cách ứng xử quyết liệt. Không phiên họp nào phía Mỹ không đề cập đến vấn đề "rút quân miền Bắc". Mỹ xoáy vào vấn đề này nhằm đánh lừa dư luận, gây khó khăn cho ta. Ta khẳng định: "Thực hiện quyền dân tộc tự vệ thiêng liêng, mọi người Việt Nam đều có quyền chiến đấu trên bất kỳ mảnh đất nào của Tổ quốc mình". Sau đó ta đưa ra phương thức "Vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết". Lập trường này đã được đưa thành một điều khoản (Điều 13) của Hiệp định Pa-ri. Thời Ních-xơn, Mỹ mấy lần cho ném bom lại một số nơi ở miền Bắc để gây sức ép, khiến không khí đàm phán căng thẳng. Đoàn đàm phán ta đến phiên họp đọc bản tuyên bố lên án Mỹ rồi bỏ họp mà không để đối phương kịp phản ứng. Chủ động bỏ họp như vậy cũng là một cách tấn công gây tác động mạnh trong dư luận.Ta giành được thế chủ động trong đàm phán vì chủ động trong điều hành cục diện cuộc chiến, ta biết phát động và biết kết thúc đấu tranh theo mưu lược của ta. Mặt khác, đi vào đàm phán, ta nắm chắc chiến trường, nội bộ Mỹ và xu thế quốc tế để tính toán cung cách và bước đi chặt chẽ, giữ vững quyền chủ động trong quá trình thương lượng.5 - Biết nắm thời cơ giành thắng lợi từng bước và từ thắng lợi từng bước đi tới thắng lợi quyết địnhĐánh kẻ thù mạnh, con đường giành thắng lợi bao giờ cũng gian nan khúc khuỷu. Nghệ thuật đàm phán là biết gắn đàm phán với cục diện trên chiến trường và xu thế quốc tế để từ đó phát hiện, nắm thời cơ, giành thắng lợi từng bước. Mục đích giành thắng lợi từng bước là nhằm cải tiến thế trận, góp phần thay đổi so sánh lực lượng có lợi để bước sang giai đoạn đấu tranh mới.Quá trình thực hiện phương châm "vừa đánh, vừa đàm", Việt Nam có bốn lần giành thắng lợi từng bước. Đó là: 1- Ép Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc; 2 - Buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc; 3 - ép Mỹ đơn phương rút dần quân Mỹ về nước; 4 - Buộc Mỹ ký hiệp định, chấm dứt chiến tranh.1 - Ép Mỹ đi tới hạn chế ném bom miền Bắc là lúc ta đã chế ngự được địch ở miền Nam sau hai thắng lợi mùa khô và đã bước đầu làm thất bại chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, dư luận Mỹ và quốc tế đang mạnh mẽ đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc để "nói chuyện". Tấn công ngoại giao tạo thế, đòn Tết Mậu Thân tạo lực, buộc Mỹ phải hạn chế ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra... Mỹ xuống thang bước đầu trên thực tế.2 - Suốt thời gian đàm phán song phương, Việt Nam tập trung đòi Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc, Mỹ thì đòi "có đi có lại". Đến tháng 10-1968, tuy sức ép chiến trường không còn mạnh nhưng đàm phán lợi dụng khó khăn của Đảng Dân chủ của Tổng thống Giôn-xơn trong bầu cử, vận dụng sách lược buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc. Mỹ xuống thang thông qua đàm phán. Việt Nam giành thắng lợi một bước mới, có ý nghĩa chiến lược lớn.3 - Từ đầu năm 1969, Trung ương chỉ đạo "ép Mỹ xuống thang trên chiến trường chính". Đó là nhằm lúc Mỹ bị sa lầy ở chiến trường, phong trào chống chiến tranh ở Mỹ dâng cao, Mỹ phải thay đổi chiến lược, thi hành chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh". Đàm phán không ngừng đòi Mỹ rút nhanh, rút hết. Khoét vào chỗ yếu của Mỹ không dám định thời hạn cụ thể rút hết, ta đưa đề nghị hòa bình 7 điểm ngày 1-7-1971 đòi Mỹ rút hết quân trước 31-12-1971. Kết quả trong 3 năm, Mỹ phải đơn phương rút 400.000 quân. Ta có điều kiện cải tiến thế trận để đi vào đánh lớn đầu năm 1972.4 - Mùa thu năm 1972, sau tổng tấn công xuân hè, Trung ương nhận định ta có khả năng và thời cơ kết thúc chiến tranh. Chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của Ních-xơn thất bại một bước nghiêm trọng. Mỹ thất bại và vấp nhiều khó khăn ở trong nước và quốc tế. So sánh lực lượng và thế trận của ta đã cải thiện. Thời cơ đi tới Hiệp định Pa-ri xuất phát từ thực tế chiến trường nhưng nhân tố nội bộ Mỹ, nhân tố quốc tế rất quan trọng.Những bước thắng lợi thông qua đàm phán đòi hỏi ngoại giao phải tính toán, xác định đúng nguyên tắc để bảo đảm yêu cầu, đồng thời phải tìm "con bài sách lược" thỏa đáng để kéo đối phương đi vào thỏa hiệp. Buộc Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc (10-1968) ta giữ nguyên tắc Mỹ chấm dứt ném bom vô điều kiện. Ta vận dụng sách lược mở Hội nghị bốn bên có chính quyền Sài Gòn tham dự. Để đi tới Hiệp định Pa-ri 1973, ta giữ nguyên tắc "giữ nguyên lực lượng chính trị vũ trang ở miền Nam". Ta vận dụng sách lược tạm gác vấn đề xóa Thiệu, xóa chính quyền tay sai. Nhờ vậy, ta buộc Mỹ phải thỏa thuận giải pháp mà hai bên cùng chấp nhận.Hiệp định Pa-ri cũng là thắng lợi một bước: Buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân. Nhưng thắng lợi của Hiệp định là thắng lợi tổng hợp của ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, là thắng lợi có ý nghĩa quyết định đối với chiều hướng và kết cục của chiến tranh, mở đường cho toàn thắng mùa Xuân 1975.
** *
Ngày nay tình hình quốc tế đã thay đổi nhiều nhưng những bài học về nghệ thuật đàm phán Pa-ri luôn sống động. Trong thời đại vừa hợp tác, vừa đấu tranh, thì việc vận dụng những bài học đó một cách khôn khéo, mềm dẻo, sáng tạo, gắn với những nhân tố mới, xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh mới cụ thể, phù hợp với lợi ích và đặc thù của nước mình để phát triển đất nước, tham gia hội nhập quốc tế là một nghệ thuật lớn. Chúng ta chủ trương làm bạn với tất cả các nước, chứ không còn đứng trên một trận tuyến của một thế giới chia cắt như trước. Trong tình hình đó, công tác đối ngoại có nhiều thuận lợi nhưng không tránh khỏi những vấn đề phức tạp. Trên một số vấn đề quốc tế, xuất phát từ các lợi ích khác nhau nên các bên thường có quan điểm khác nhau. Trí tuệ của ngoại giao Việt Nam sẽ vận dụng và phát huy bài học về quan điểm độc lập tự chủ trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao để xử lý các vấn đề quốc tế phù hợp với lợi ích của đất nước.________________________________________(1) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 2, tr 310(2) Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam 1945 -2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 236(3) Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Pa-ri, Nxb Chính trị quốc gia, 2004, tr 154(4)Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam 1945 -2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 246
Nguồn: Tạp chí Cộng sản