Tóm tắt. Khác với nhiều nhà thơ nổi tiếng khác, Tagore - đại thi hào Ấn Độ thường hoá
thân vào trẻ thơ để nói lên cảm xúc những điều kì diệu nhất về mẹ. Dưới ngòi bút tài hoa
của "nhà thơ trí tuệ muôn màu", hình tượng người mẹ hiện lên vừa sống động vừa mang
tầm khái quát cao. Thông qua bút pháp nghệ thuật độc đáo, sáng tạo, ngôn ngữ tinh tế và
vô cùng phong phú. . . ông còn chuyển tải nhuần nhuyễn những quan niệm đầy thuyết phục
về Chúa, Thượng Đế, thiên đường, hạnh phúc. và nhiều bài học có ý nghĩa giáo dục lớn.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 347 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hình tượng người mẹ trong thơ Tagore, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2014, Vol. 59, No. 10, pp. 85-89
This paper is available online at
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI MẸ TRONG THƠ TAGORE
Lê Thị Nga
Cao học K20, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Khác với nhiều nhà thơ nổi tiếng khác, Tagore - đại thi hào Ấn Độ thường hoá
thân vào trẻ thơ để nói lên cảm xúc những điều kì diệu nhất về mẹ. Dưới ngòi bút tài hoa
của "nhà thơ trí tuệ muôn màu", hình tượng người mẹ hiện lên vừa sống động vừa mang
tầm khái quát cao. Thông qua bút pháp nghệ thuật độc đáo, sáng tạo, ngôn ngữ tinh tế và
vô cùng phong phú. . . ông còn chuyển tải nhuần nhuyễn những quan niệm đầy thuyết phục
về Chúa, Thượng Đế, thiên đường, hạnh phúc... và nhiều bài học có ý nghĩa giáo dục lớn.
Từ khóa: Tagore, hình tượng người mẹ, Chúa đời, kho báu tình thương.
1. Mở đầu
Hình tượng người mẹ trở thành mạch nguồn cảm xúc dạt dào, vô tận không ngừng tuôn
chảy trong suốt chiều dài lịch sử thơ ca thế giới [3, 4]. Song không giống với nhiều nhà thơ nổi
tiếng khác trên thế giới, cây đàn thơ ngợi ca người mẹ của Tagore - đại thi hào Ấn Độ với nhiều
cung bậc huyền diệu lại ngân lên trong hầu hết những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Trong tập thơ
Trăng non và rải rác ở một số tập thơ khác [1,2], nhà thơ thường hoá thân vào trẻ thơ để nói lên
cảm xúc những điều kì diệu nhất về mẹ.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Mẹ là "Chúa Đời" của con
Nhiều bài thơ trong tập Trăng non được kết cấu theo lối đối đáp trò chuyện tâm tình giữa mẹ
và con nhưng thực chất là sự nhập vai của Tagore để lí giải về nguồn cội, hạnh phúc, thiên đường
của con người và ngợi ca sự vĩ đại của người mẹ. Trong thi phẩm Buổi sơ khai có một cuộc đối
thoại thật thú vị. Bé hỏi rằng: “Mẹ ơi con từ đâu đến vậy, mẹ đã nhặt được con ở tận nơi nào?”.
Mẹ đã ôm chặt con vào lòng với tất cả tấm lòng trìu mến, xúc động và cho con biết rằng: Sự sống
được tiềm tàng trong thân thể mẹ và con được sinh ra từ những thèm khát ước muốn của mẹ, từ
trong đồ chơi tuổi nhỏ, từ trong trái tim thời thiếu nữ của mẹ. . . Hình ảnh mẹ mỗi buổi sáng ngồi
nặn ra Chúa Đời của mẹ đẹp như một vị thần đang sinh ra sự sống cho mặt đất, cho cuộc đời hiện
ra như một vị thần rất linh thiêng nhưng vô cùng gần gũi. Thêm một lần nữa nhà thơ cho người
đọc thấy được điều đó qua câu chuyện kể được viền dát sắc màu truyền thuyết trong bài thơ Cội
Ngày nhận bài 11/1/2014. Ngày nhận đăng 25/05/2014.
Liên lạc Lê Thị Nga, e-mail: hcluu@gmail.com
85
Lê Thị Nga
nguồn. Mọi người luôn muốn đi tìm lời giải đáp: “Cái giấc ngủ đậu lên trên mắt bé, có ai biết nó
đến từ đâu không?”. “Nụ cười thấp thoáng trên môi khi bé ngủ, có ai biết nó sinh ra ở nơi nào?”.
“Sự tươi mát dịu dàng, mềm mại nở trên chân tay của bé, có ai biết nó được dấu kín ở nơi nào lâu
thế?”. Trước hết nhiều giả thuyết được nêu ra: "Có tiếng đồn giấc ngủ đậu lên mắt bé đến từ một
nàng tiên. Nụ cười trên môi bé ngủ được sinh ra trong giấc mơ của một buổi sáng đầm sương"...
Sau đó nhà thơ đã sử dụng hình thức phản đề rất độc đáo để nêu lên cách lí giải đầy sức thuyết
phục: Khi chưa ra đời con đã sống trong tất cả niềm hi vọng, thương yêu của mẹ. Sự mềm mại tươi
mát trên tay chân của con đã được dấu kín trong tình thương ngọt ngào và lặng lẽ nơi trái tim khi
mẹ còn là một cô gái trẻ. Từ đó nhà thơ khẳng định con không phải do Chúa, hay Thượng Đế sinh
ra. Mẹ là Chúa trên cuộc đời trần thế đã sinh ra con và mang đến vô vàn yêu thương để ban tặng
cho con. Tình thương con vô bờ bến đã khiến cho mẹ tôn thờ con như một vị thần linh. Con là tất
cả những gì thiêng liêng, kì diệu nhất của đời mẹ. Mẹ là Chúa Đời của con. Nhà thơ lại tiếp tục
khẳng định điều đó qua cuộc đối thoại giữa mẹ và con trong bài thơ số 49 (Tặng phẩm của người
yêu).
Con ơi, con hỏi mẹ
Thiên đường là ở đâu?
...
Con ơi, thiên đường trọn vẹn
Trong tấm thân dịu dàng
Trong trái tim hồi hộp của con
Bởi thiên đường sinh ra ở con
Ở trong cánh tay của bà mẹ bụi đất này.
Đúng vậy, với mẹ "thiên đường sinh ra ở con". Với con thiên đường là được "ở trong cánh
tay của bà mẹ" tràn đầy tình yêu thương. Thông điệp này cũng được gửi gắm trong bài “Mây và
sóng” đậm chất cổ tích: hạnh phúc trọn vẹn của trẻ thơ không ở đâu xa lạ mà ngay chính trong
cuộc đời này, trong tình yêu thương và vòng tay chở che ấm áp của mẹ. Không thế giới thần tiên
nào có thể tuyệt vời bằng trái tim mẹ. Mẹ chính là thiên đường của con. Quan niệm về hạnh phúc,
thiên đường thật bình dị mà rất vĩnh hằng. Như chúng ta đã biết, người Ấn Độ từ thời Veda cho
đến thời kì gần Tagore đều coi trọng thiên đường ở cõi hư vô. Họ tôn thờ thiên đường đó. Vì trong
suy nghĩ của họ đó là cõi cực lạc, là niết bàn mà ai cũng mong muốn. Trong lúc không ít người
vẫn tìm nơi ẩn náu của lòng mình vào một “vị Chúa” vô hình, thì Tagore lại kéo Chúa về với cõi
trần thế. Đúng như dịch giả Đào Xuân Quý đã nhận xét “Tagore đã tìm cách đưa Chúa lên mặt đất
này như một con người và đồng thời như một hiện thân thần thánh chứ không phải đưa tâm trí con
người ra ngoài cõi đời để đặt dưới chân Chúa” [1]. Như vậy, những sáng tác của ông không chỉ ca
ngợi mẹ mà còn thể hiện quan niệm, cách lí giải về Chúa, Thượng Đế đầy tính sáng tạo, kết tinh
chất trí tuệ và cảm xúc của một nhà thơ mang đậm phong cách trữ tình – triết lí.
Bằng bút pháp "vẽ mây nẩy trăng" và sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực với huyền ảo vừa
như thực, vừa như hư, vừa kì lạ, lấp lánh màu sắc, lung linh huyền diệu, Tagore đã tạo nên một sức
hấp dẫn đặc biệt khi viết về người mẹ đồng thời chuyển tải triết lí về thiên đường, hạnh phúc rất
dễ đi vào lòng người.
86
Hình tượng người mẹ trong thơ Tagore
2.2. Mẹ là "kho báu tình thương" của con
Đối với con, mẹ là "kho báu tình thương". Đối với mẹ, con cũng là một "kho báu tình
thương" vô giá. Con là khát khao, là lẽ sống của cuộc đời mẹ. Vì vậy, tình mẫu tử là tình cảm gần
gũi, thiêng liêng nhất của con người. Tình cảm ấy đã được nhà thơ thể hiện qua những hình ảnh
thiên nhiên đẹp đẽ, rực rỡ, lung linh giàu sắc thái biểu cảm và ý nghĩa tượng trưng.
Trái tim mẹ nở xoè như một đoá hoa
Con đã lượn quanh nó như một mùi hương phảng phất
Vẻ tươi mát nhẹ nhàng của con
Nở trên chân tay non trẻ của mẹ
Như một ánh hồng
Trên trời cao
Trước buổi bình minh.
(Buổi sơ khai)
Mẹ là biểu hiện đầy đủ của tình yêu thương con vô bờ bến. Mẹ đã thầm lặng hi sinh cuộc
đời cho những đứa con thân yêu. Bài thơ Người ăn cắp giấc ngủ hiện lên hình ảnh người mẹ luôn
lo lắng và che chở cho con. Mẹ biết giấc ngủ của bé rất quan trọng nên đã dỗ dành bé ngủ rồi mới
đi ra suối lấy nước, nhưng “trong lúc đó thì tên ăn cắp giấc ngủ đã đến và cuỗm luôn giấc ngủ trên
đôi mắt bé bắt đi”. Mẹ đã rất tức giận và tìm mọi cách để tìm bằng được thủ phạm. Ẩn chứa đằng
sau bài thơ giàu trí tưởng tưởng này là sự khẳng định: được ở gần mẹ và luôn có được sự quan tâm,
chăm sóc của mẹ sẽ mang đến cho con thật nhiều niềm vui, bình yên và hạnh phúc. Ở Việt Nam,
tình cảm đó cũng được nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện qua lời ru thấm đẫm tình mẫu tử: “Ngủ yên,
ngủ yên cò ơi chớ sợ. Cành có mềm mẹ đã sẵn tay nâng. Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân” (Con
cò). Con biết ơn mẹ không phải là bất cứ thứ gì to lớn mẹ mang đến cho con mà vì mẹ đã có trên
đời, là vì mỗi ngày mẹ đã gọi em là "con của mẹ ơi". Mẹ luôn tìm nguồn vui cho đứa con thân yêu
bé bỏng của mình bởi mẹ biết khi làm cho con vui, làm cho con hạnh phúc cũng chính là người
mẹ đã đem niềm vui, niềm hạnh phúc đến cho mình. Đó là những thông điệp Tagore thể hiện tinh
tế trong tác phẩm Bao giờ và vì sao. Tình mẫu tử có sức mạnh diệu kì, là bến bờ neo đậu tâm hồn
con, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho con một thế giới thật bình yên, giúp con vượt qua mọi
khó khăn, cám dỗ và nuôi dưỡng tâm hồn con trở nên tốt đẹp hơn, phong phú hơn. Thật cảm động
mỗi khi đọc bài thơ Mây và sóng. Lời mời của người “trên mây”, “trong sóng” vô cùng hấp dẫn
dễ lôi cuốn tâm hồn trẻ thơ nhưng em vẫn nghĩ ra những trò chơi thú vị hơn để được ở nhà với mẹ
và mong được mang đến niềm vui cho mẹ. Tình thương mẹ thiết tha và sức mạnh của tình mẹ đã
giúp người con vượt qua thử thách, cám dỗ. Đề cao sự lớn lao, cao cả, bất tử, của tình mẹ, nhà thơ
đã so sánh với mặt trăng, biển cả, những hình ảnh của vũ trụ mang tầm vóc rộng lớn, vô cùng vô
tận sâu thẳm, vĩnh hằng. Hình ảnh người mẹ không xuất hiện trực tiếp nhưng qua sự lựa chọn của
em bé trước những tình huống thử thách, qua những trò chơi đầy sáng tạo, thú vị đã hiện lên thật
thiêng liêng, vĩ đại và có sức sống thật mãnh liệt trong trái tim mỗi người con. Hình ảnh cao đẹp
của người mẹ còn được thể hiện thông qua tình cảm, suy nghĩ, việc làm đầy xúc động của những
đứa con bé bỏng thân yêu trong rất nhiều bài thơ khác (Nhà thiên văn, Hoa chămpa...).
Không ai có thể thấu hiểu và để lại trong con niềm tin yêu lớn lao bằng mẹ. Cung cách của
bé, một bài thơ mang hơi thở cổ tích, kể về một em bé có đầy đủ những điều mà trẻ thơ nào cũng
mơ ước thế nhưng em đã sẵn sàng từ bỏ tất cả để ở lại trần gian “xin kho báu tình thương của mẹ”.
Bởi em tìm thấy nơi trái tim mẹ chứa đựng một niềm vui vô tận, vô cùng.
87
Lê Thị Nga
Bé biết rằng trong góc nhỏ trái tim của mẹ
Có chứa một niềm vui vô tận, vô cùng
Và được ghì, được ôm chặt trong cánh tay thân yêu của mẹ.
Còn dịu dàng hơn tất thảy tự do.”
Đúng vậy, đối với trẻ thơ, tình thương của mẹ là quan trọng nhất, quý giá hơn cả vàng, bạc.
Hơn thế nữa, em còn nhận ra rằng không ai có thế thấu hiểu sâu sắc con cái bằng người mẹ.
“Bé biết trăm nghìn cách nói ra những lời khôn khéo
Nhưng trên mặt đất này
Mấy ai đã hiểu hết ý nghĩa của những lời ấy đâu.
Không phải tự nhiên mà bé không bao giờ muốn nói
Cái điều bé thích nhất là được học những lời của mẹ nói ra
từ trên đôi môi của mẹ".
Người đọc còn cảm nhận được điều này qua rất nhiều bài thơ của Tagore đặc biệt là bàiMón
quà. Tình mẹ đối với con lớn tựa ngọn Hymalaya cao vời vợi, tựa sông Hằng bao la. Trong dòng
sông trần thế, người mẹ biết rằng "rồi đây chúng ta sẽ bị cuốn đi", cuộc đời của mẹ và con “rồi sẽ
bị tách ra". Nhưng mẹ không hi vọng "có thể dùng đến những món quà để mua trái tim con" mà
chỉ lấy "mối tình ta mang đến cho con" và không trách gì khi "con không có thì giờ tưởng nhớ"
đến mẹ. Bởi mẹ hiểu rằng khi trẻ đang bước vào tuổi trưởng thành chúng cũng có ước mơ, khát
vọng và phải tạo lập cuộc sống riêng cho mình. Vì vậy, cha mẹ đã cảm thông, chia sẻ và lặng lẽ hi
sinh niềm vui của mình để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho con cái. Ở thi phẩm Người phán xử,
Tagore không chỉ miêu tả tình tấm lòng cao cả của người mẹ mà còn bộc lộ một quan niệm, một
thái độ ứng xử đối với trẻ em đầy tính nhân văn. Tấm lòng bao dung, rộng lượng thể hiện ngay cả
khi con mắc phải lỗi lầm cũng không thể đánh mất đi niềm tin và tình yêu thương của mẹ dành
cho con. Có tình thương của mẹ, các em sẽ thật sự có lòng tin và niềm hạnh phúc để vượt qua bao
khó khăn, thử thách và vui sống trong cuộc đời này. Những thông điệp ấy dù ở thời đại nào cũng
sẽ không bao giờ mất đi giá trị của nó.
Dưới ngòi bút thiên tài của Tagore - "nhà thơ trí tuệ muôn màu", người mẹ vừa cao cả, linh
thiêng như một vị thần, tỏa sáng bao la như vầng trăng, mênh mông, sâu thẳm như biển cả vừa rất
đỗi bình dị, gần gũi, thân thiết. Những bài thơ viết về mẹ của ông đều khẳng định không gì trên
đời này có thể sánh bằng tình yêu thương bao la, rộng lớn của mẹ. Dẫu khi mẹ đã hòa tan vào đất
trời, hình bóng và tình mẹ vẫn mãi vĩnh hằng, bất diệt trong trái tim con. Chúng ta hãy thêm lần
nữa lắng nghe những tình cảm đó qua những âm điệu ngọt ngào, thiết tha, sâu lắng cất lên từ sâu
thẳm trái tim con trong Bài ca mẹ. "Bài hát của mẹ/ Uốn khúc nhạc quanh con/ Như vòng tay ôm
ấp/ Tỏa hơi ấm tình thương/ Bài hát của mẹ/ Vuốt ve vầng trán con/ Ban con niềm hạnh phúc/ Khi
con ngồi cô đơn/ Bức tường xa cách mẹ/ Bài hát mẹ khe khẽ/ Chắp cánh vào giấc mơ/ Đưa con
đến bến bờ/ Như ngôi sao chiếu sáng/ Trong đêm tối con đi/ Bài hát của mẹ/ Ở trong đáy mắt con/
Giúp con nhìn xuyên suốt/ vạn vật ở trên đời/ Khi tiếng mẹ lặng im/ Hòa vào trong cõi chết/ Bài
hát của mẹ/ Cất cao trong trái tim/ Trẻ trung của đời con".
3. Kết luận
Những tác phẩm viết về mẹ của đại thi hào Tagore rất trữ tình, tinh tế, nồng nàn cảm xúc
và chứa đựng chiều sâu triết lí. Nó kết tinh vẻ đẹp cao quý, thiêng liêng về tình mẫu tử và những
giá trị nhân văn cao đẹp. Phải khẳng định rằng, thông qua bút pháp nghệ thuật độc đáo, sáng tạo,
88
Hình tượng người mẹ trong thơ Tagore
ngôn ngữ tinh tế và vô cùng phong phú. . . nhà hoạ sĩ ngôn từ Tagore khắc hoạ thành công vẻ đẹp
chân dung người mẹ vừa sống động vừa mang tầm khái quát cao đánh thức ở độc giả những tình
cảm tốt đẹp, những rung cảm về tình mẫu tử, những triết lí sâu xa, những bài học có ý nghĩa giáo
dục lớn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đào Xuân Quý chọn dịch và giới thiệu, 1997. Thơ Tagore. Nxb Văn học, Hà Nội.
[2] Lưu Đức Trung giới thiệu và tuyển chọn, 1994. Rabinđranath Tagore tác phẩm chọn lọc. Nxb
Giáo dục, Hà Nội.
[3] Lưu Đức Trung, 1998. Văn học Ấn Độ. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Nhiều tác giả, 1982. Mười nhà thơ thế kỉ. Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
ABSTRACT
The image of the mother in Tagore’s poet
Unlike many other famous poets, Tagore – an Indian great poet – used to transform into
a child to express his feelings of the most amazing things about mother. Through the talented
pen of the "colorful intellectual poet", the image of the mother rises up both lively and high
generally. Beside his original and creative penmanship, his language was written extremely subtle
and plentiful. Morever, he skillfully conveyed The God, Heaven, Happiness, ... convincingly and
left the significant lessons to the mankind.
89