Tóm tắt. Bài báo này đề cập đến hoán dụ, một vấn đề đã được nghiên cứu trên hai nghìn
năm. Theo truyền thống, hoán dụ được nhận diện như một phép tu từ. Nhưng từ quan điểm
tri nhận, hoán dụ, cùng với ẩn dụ, là một trong những hiện tượng ý niệm nền tảng nhất;
là một quá trình, nguyên tắc tri nhận giúp hình thành, chi phối và điều khiển tư duy con
người. Hoán dụ không chỉ là vấn đề của ngôn ngữ thường nhật hay văn hoa bóng bẩy mà là
vấn đề của tư duy, hành động, và văn hoá.
10 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 269 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hoán dụ từ góc nhìn tri nhận, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 3-12
This paper is available online at
HOÁN DỤ TỪ GÓC NHÌN TRI NHẬN
Tạ Thành Tấn
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Bài báo này đề cập đến hoán dụ, một vấn đề đã được nghiên cứu trên hai nghìn
năm. Theo truyền thống, hoán dụ được nhận diện như một phép tu từ. Nhưng từ quan điểm
tri nhận, hoán dụ, cùng với ẩn dụ, là một trong những hiện tượng ý niệm nền tảng nhất;
là một quá trình, nguyên tắc tri nhận giúp hình thành, chi phối và điều khiển tư duy con
người. Hoán dụ không chỉ là vấn đề của ngôn ngữ thường nhật hay văn hoa bóng bẩy mà là
vấn đề của tư duy, hành động, và văn hoá.
Từ khóa: Hoán dụ, ẩn dụ, cải dung, tri nhận, ý niệm.
1. Mở đầu
Hoán dụ đã được nghiên cứu từ hơn hai nghìn năm nay bởi các nhà tu từ học, ngôn ngữ
học. Trong suốt quãng thời gian dài này, hoán dụ được nhận diện chỉ như một phương tiện tu từ,
một vấn đề hoàn toàn thuộc về lĩnh vực ngôn ngữ [1, 3, 8, 13]. . . Nhưng trong vài chục năm trở
lại đây, tình hình đã đổi khác. Từ những kết quả nghiên cứu mới, đặc biệt là từ các khoa học tri
nhận (cognitive science), hoán dụ, bên cạnh ẩn dụ, đã được xác nhận như là một hiện tượng ý niệm
(conceptual phenomenon), một quá trình tri nhận (cognitive process), một thành tố, một nguyên
tắc hình thành nên năng lực tri nhận của con người. Hoán dụ không chỉ còn là một vấn đề ngôn
ngữ mà còn là vấn đề của tư duy và hành động, trí năng và văn hoá [6, 9, 11, 12]. . .
Về hoán dụ, vẫn còn nhiều vấn đề chưa đạt được sự đồng tình, nhiều câu hỏi chưa được giải
đáp. Bài viết ngắn này của chúng tôi bước đầu giới thiệu những quan niệm mới về hoán dụ dưới
góc nhìn của Ngôn ngữ học tri nhận, một trào lưu, một vận động mới trong khoa học Ngôn ngữ:
định nghĩa, đặc trưng, phân loại hoán dụ, phân biệt hoán dụ với các hiện tượng gần kề.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Quan niệm về hoán dụ
2.1.1. Hoán dụ theo quan điểm truyền thống
Hoán dụ (gốc Hy Lạp có nghĩa là “thay đổi tên gọi”) đã được
các nhà tu từ học truyền thống nhận diện là một phần của bộ ba phép chuyển nghĩa gồm ẩn dụ
(metaphor), hoán dụ (metonymy), cải dung (synecdoche), hay là của bộ tứ ẩn dụ, hoán dụ, cải dung
và mỉa mai (irony) [1;110]. Định nghĩa sớm nhất về hoán dụ được cho là thuộc về một tác giả chưa
biết tên, người đã viết trong chuyên luận Rhetorica ad Herennium rằng:
Liên hệ: Tạ Thành Tấn, e-mail: tathanhtan90@gmail.com
3
Tạ Thành Tấn
Hoán dụ là một phép chuyển nghĩa bằng cách sử dụng tên gọi của những vật gần gũi và kế
cận, thông qua đó chúng ta có thể hiểu được về một thứ không được gọi tên bằng từ riêng của nó
[13;141].
Suốt hơn hai nghìn năm, quan điểm truyền thống về hoán dụ này không thay đổi nhiều. Một
định nghĩa điển hình về hoán dụ của Geeraerts chẳng khác là bao so với định nghĩa trong Rhetorica
ad Herennium: "Hoán dụ là một mối liên hệ ngữ nghĩa giữa hai nghĩa của một đơn vị từ vựng dựa
trên một mối quan hệ tương cận giữa những chiếu vật của biểu thức trong mỗi nghĩa đó" [8;477].
Các học giả Việt Nam cũng có xu hướng coi hoán dụ là một phép chuyển nghĩa, một phương
thức tạo từ, một phương tiện tu từ, tức thuộc phạm vi của ngôn ngữ, không liên quan gì tới tư duy
hay hành động. Đỗ Hữu Châu coi hoán dụ, cùng với ẩn dụ, là một trong “hai phương thức chuyển
nghĩa phổ biến trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới”. Ông đã phân chia rất chi tiết các cơ chế
mà phương thức hoán dụ dựa trên đó: Quan hệ bộ phận – toàn thể, quan hệ vật chứa – vật bị chứa,
quan hệ nguyên liệu – sản phẩm, quan hệ dụng cụ – người sử dụng. . . (có tất cả 15 cơ chế [xem
thêm 3;160-166]).
Như vậy theo quan điểm truyền thống, hoán dụ chỉ được coi như một phép chuyển nghĩa,
một sự thay đổi tên gọi giữa những vật có mối liên hệ gần gũi, kế cận nào đó, những sự vật này
thường tồn tại và xuất hiện cùng nhau. Ví dụ trong câu Nhà tôi có năm miệng ăn thì từ miệng đã
được sử dụng một cách hoán dụ để chỉ một cá nhân người, bởi miệng là một bộ phận của người.
Giả sử biểu thức X có chiếu vật A, biểu thức Y có chiếu vật B, trong đó A và B là hai vật có quan
hệ gần gũi, kế cận. Nếu X được dùng để quy chiếu tới B, thay thế cho Y, thì ta có hoán dụ, viết gọn
thành công thức X THAY CHO Y. Đây có thể được gọi là lí thuyết thay thế (substitution theory)
cho hoán dụ.
2.1.2. Hoán dụ theo quan điểm của Ngôn ngữ học tri nhận
Ngay từ năm 1956, khi nghiên cứu chứng mất ngôn (aphasia), Roman Jakobson đã chỉ
ra rằng ẩn dụ và hoán dụ không chỉ là những vấn đề thuộc về ngôn ngữ thuần tuý mà còn là
hai cực biểu hiện của hành vi con người. Hai chứng mất ngôn tiêu biểu là mất ngôn lựa chọn
(selection aphasia), sự nhiễu loạn trong khả năng thay thế các từ cho nhau, và mất ngôn kết hợp
(agrammatism), sự nhiễu loạn trong khả năng tạo các cụm từ và câu (chỉ nói được các từ riêng
biệt mà không thể kết hợp được thành các cụm từ và câu đúng ngữ pháp). Trường hợp đầu là cực
ẩn dụ liên quan tới nguyên tắc lựa chọn và thay thế trên cơ sở tính tương đồng; trường hợp sau là
cực hoán dụ liên quan tới nguyên tắc kết hợp và nối tiếp trên cơ sở tính nối tiếp [6]. Trong đường
hướng của chủ nghĩa cấu trúc, cực ẩn dụ liên quan tới trục biến hoá (paradigmatic) và cực hoán dụ
liên quan tới trục kết hợp (syntagmatic) của ngôn ngữ.
Lakoff và Johnson cho rằng hoán dụ (bao gồm cải dung như một trường hợp) “trước hết có
một chức năng quy chiếu, có nghĩa nó cho phép chúng ta sử dụng một thực thể để thay thế cho
một thực thể khác” [11;36]. Nhưng khi quy chiếu như vậy, hoán dụ thể hiện sự tập trung chú ý của
chúng ta vào một điểm, một khía cạnh nào đó của thực thể chứ không phải những điểm, những
khía cạnh khác. Như khi nói Chúng ta cần một vài cái đầu tốt cho dự án, thì vấn đề không chỉ là
dùng một bộ phận (cái đầu) để chỉ toàn bộ con người mà còn là lựa chọn ra một đặc điểm đặc biệt
của con người: Trí thông minh – cái liên đới với đầu. Cũng giống như ẩn dụ, hoán dụ còn phục vụ
chức năng nhận thức của con người, là một mô hình để con người tổ chức tư duy và hành động.
Hoán dụ KHUÔN MẶT THAY CHO CON NGƯỜI thể hiện cách thức chúng ta thu thập và nhận
diện thông tin về một con người, trước hết và chủ yếu, là thông qua khuôn mặt của anh ta, chứ
4
Hoán dụ từ góc nhìn tri nhận
không phải tư thế, dáng vẻ, hay bất cứ điều gì khác. Điều này thể hiện rõ trong nghệ thuật tranh
chân dung và ảnh chân dung, khi khuôn mặt là cái chiếm vị trí trung tâm, quan trọng nhất. Tác giả
kết luận: “Như vậy, giống như ẩn dụ, các ý niệm hoán dụ cấu trúc không những ngôn ngữ mà còn
cả tư duy, thái độ và hành động của chúng ta” [11;39].
Lakoff và Turner thận trọng hơn khi viết rằng: “Hoán dụ chủ yếu được sử dụng cho chức
năng quy chiếu: thông qua hoán dụ, chúng ta có thể quy chiếu tới một thực thể trong một sơ cấu
bằng việc đề cập đến một thực thể khác trong cùng sơ cấu đó” [12;103].
Khi nghiên cứu Vai trò của các miền trong việc lí giải ẩn dụ và hoán dụ, Croft đã định
nghĩa hoán dụ như là một quá trình làm nổi bật miền (domain highlighting), “bởi vì nó làm cho
một miền có tính thứ cấp trong nghĩa đen trở thành miền chính” [5;281]. Ví dụ ta có hai câu:
(a) Proust dành đa phần thời gian của mình để ngủ.
(b) Proust khó đọc.
Proust trong (a) là một người cụ thể, nhà văn Marcel Proust. Proust trong (b) ám chỉ tới
các tác phẩm của Proust. Ta nhận thấy ở đây có hoán dụ NGƯỜI SÁNG TẠO THAY CHO SẢN
PHẨM. Các tác phẩm của Proust là một phần của ý niệm PROUST.Ma trận miền (domain matrix)
PROUST bao gồm một miền về hoạt động sáng tạo. Bởi vì Proust nổi tiếng nhờ các tác phẩm của
ông, và bởi các tác phẩm được tạo ra là một yếu tố nổi bật của miền hoạt động sáng tạo, nên ở
trong (b), miền hoạt động sáng tạo, từ vị trí thứ cấp, đã được đánh dấu, làm nổi bật để trở thành
miền chính, làm cơ sở cho việc lí giải hoán dụ NGƯỜI SÁNG TẠO THAY CHO SẢN PHẨM.
Định nghĩa về hoán dụ được nhiều người ủng hộ và thường xuyên được dẫn giải là của
Radden & Ko¨vecses:
Hoán dụ là một quá trình tri nhận, trong đó một thực thể ý niệm, phương tiện, cung cấp sự
truy cập (mang tính) tinh thần tới một thực thể ý niệm khác, đích, trong cùng mô hình tri nhận lí
tưởng hoá [13;21].
Định nghĩa này đã khẳng định rõ ràng rằng hoán dụ không đơn thuần là một hiện tượng
ngôn ngữ, mà còn hơn thế, nó là một quá trình tri nhận, một quá trình tinh thần, cấu thành nên
năng lực tư duy của con người.
2.2. Phân biệt hoán dụ với ẩn dụ và cải dung
2.2.1. Hoán dụ với ẩn dụ
Ẩn dụ và hoán dụ đều là sự nối kết giữa hai thực thể với nhau nên đôi khi chúng bị nhầm
lẫn. Giữa chúng có những điểm chung:
- Đều có tính ý niệm.
- Đều là sự ánh xạ (mapping).
- Đều có thể được quy ước, tức là làm thành một bộ phận của hệ thống ý niệm hàng ngày
của chúng ta, và do đó được sử dụng một cách tự động, không cần nỗ lực và không cần nhận thức
có ý thức.
- Trong cả hai, các biểu thức ngôn ngữ được đặt tên cho các thành tố nguồn của sự ánh xạ
cũng thường được dùng cho các thành tố đích. Tức cả hai đều là phương thức mở rộng các nguồn
của một ngôn ngữ [12, 103-104].
Tuy nhiên giữa chúng có sự phân biệt rõ ràng:
5
Tạ Thành Tấn
Bảng 1. Phân biệt ẩn dụ và hoán dụ
Ẩn dụ Hoán dụ
Miền ý niệm
Có hai miền ý niệm, trong đó một miền được
hiểu thông qua một miền khác. Có một miền ý niệm.
Ánh xạ
Một cấu trúc tổng thể ánh xạ lên một cấu trúc
tổng thể khác. Quy chiếu trong phạm vi miền.
Logic
Logic của cấu trúcmiền nguồn ánh xạ lên logic
cấu trúc miền đích.
Một thực thể đại diện cho một thực
thể khác trong sơ cấu hay cho toàn
bộ sơ cấu.
Chúng ta có thể đồ hình hoá sự khác biệt giữa ẩn dụ và hoán dụ như sau [dẫn theo 7;313]:
Hình 1. Ẩn dụ và hoán dụ
Ví dụ: Ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH là lí giải cho những biểu thức như:
Đã đến lúc đường ai nấy đi.
Mối quan hệ này đang rơi vào ngõ cụt.
Lúc này chúng ta chẳng thể quay lại được nữa.
Mối quan hệ này sẽ chẳng đi tới đâu cả. . .
Ta có sơ đồ ánh xạ cho ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH [dẫn theo 7;295]:
Bảng 2. Sơ đồ ánh xạ ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH
Miền nguồn HÀNH TRÌNH Ánh xạ Miền đích TÌNH YÊU
NGƯỜI DU HÀNH → TÌNH NHÂN
PHƯƠNG TIỆN → QUAN HỆ YÊU ĐƯƠNG
HÀNH TRÌNH → CÁC SỰ KIỆN TRONG MỐI QUAN HỆ
KHOẢNG CÁCH ĐÃ ĐI → QUÁ TRÌNH ĐẠT ĐƯỢC
GẶP TRỞ NGẠI → TRẢI NGHIỆM KHÓ KHĂN
QUYẾT ĐỊNH HƯỚNG ĐI → LỰA CHỌN VIỆC CẦN LÀM
ĐÍCH ĐẾN CỦA HÀNH TRÌNH → MỤC ĐÍCH CỦA MỐI QUAN HỆ
Trong khi đó hoán dụ chỉ có sự ánh xạ giữa hai thực thể trong cùng một miền ý niệm:
ĐỊA ĐIỂM THAY CHO TỔ CHỨC
6
Hoán dụ từ góc nhìn tri nhận
Nhà Trắng vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào về vấn đề mới.
Bắc Kinh, Seoul và Bình Nhưỡng đang nhóm họp.
EU quyết định áp dụng lệnh trừng phạt lên Nga. . .
TÁC ĐỘNG THAY CHO NGUYÊN NHÂN
Mặt nó dài thượt ra.
Lão ta đỏ mặt tía tai.
Hắn run như cầy sấy. . .
Theo Gibbs [13;62], chúng ta cũng có thể sử dụng phép thử “X giống như Y” để phân biệt
ẩn dụ và hoán dụ. Nếu một biểu thức có nghĩa trong dạng X giống như Y thì nó có ý nghĩa ẩn dụ,
còn nếu không thì sẽ là hoán dụ. Ví dụ Mục đích của mối quan hệ giống như đích đến của hành
trình có nghĩa nên câu Mối quan hệ này sẽ chẳng đi tới đâu cả có ý nghĩa ẩn dụ; trong khi Người
giống như cái đầu không có nghĩa nên câu Chúng ta cần một vài cái đầu tốt cho dự án mang ý
nghĩa hoán dụ.
2.2.2. Hoán dụ với cải dung
Cải dung (synecdoche) là “một phép chuyển nghĩa tu từ, quy chiếu tới một điều gì đó với
một thuật ngữ hẹp hơn về mặt ngữ nghĩa (cải dung cụ thể hoá) hay một thuật ngữ rộng hơn (cải
dung khái quát hoá) [2;1163]. Hay nói ngắn gọn, đó là phép chuyển nghĩa dựa trên mối quan hệ
bộ phận – toàn thể, toàn thể – bộ phận.
Seto định nghĩa cải dung là “một hiện tượng chuyển di ý niệm dựa trên sự bao gộp ngữ
nghĩa giữa một phạm trù bao quát hơn và một phạm trù ít bao quát hơn” [13;92]. Ông gọi đây là
sự chuyển di có tính liên hệ phạm trù (Category-related). Trong khi đó, hoán dụ là một sự chuyển
di có tính liên hệ thực thể (Entity-related). Chính sự mơ hồ của thuật ngữ quan hệ toàn thể – bộ
phận đã dẫn đến việc cải dung thường được xếp vào thành một tiểu loại của hoán dụ. Để giải quyết
sự mơ hồ đó, Seto sử dụng hai thuật ngữ thay thế taxonomy (phân loại) và partonomy (phân cấp).
Taxonomy là mối quan hệ giữa một phạm trù bao quát hơn và một phạm trù ít bao quát hơn, tức
thuộc về cái trừu tượng, thuộc về sự phân loại các phạm trù mang tính tinh thần. Còn partonomy
là mối quan hệ giữa một thực thể và các bộ phận của nó, tức thuộc về các thực thể vật chất cụ thể
trong thế giới thực, như mối quan hệ giữa cái bàn và những cái chân của nó. Taxonomy là mối liên
hệ phạm trù, partonomy là mối liên hệ thực thể.
Hình 2. Hai loại liên hệ
(Thông là một loại cụ thể của phạm trù cây, trong khi tay là một bộ phận của thân thể )
7
Tạ Thành Tấn
Seto đề xuất sử dụng thuật ngữ cải dung cho mối liên hệ phạm trù (taxonomy) và thuật ngữ
hoán dụ cho mối liên hệ thực thể (partonomy). Nếu một bà mẹ sai con đi siêu thị mua trứng và
sữa thì ý bà ta là mua trứng gà, sữa bò. Đây là phép cải dung khi sử dụng loại lớn (trứng, sữa) để
gọi tên cho loại cụ thể (trứng gà, sữa bò). Hoặc khi có người nhờ ta đi mua Coca, ta có thể mua
CocaCola hoặc Pepsi, hay bất cứ loại nước giải khát có gas nào khác. Đây lại là trường hợp của
phép cải dung khi sử dụng loại cụ thể (Coca) để gọi tên cho loại lớn (nước giải khát có gas). Sự
phân biệt giữa hoán dụ và cải dung của Seto dựa trên sự phân biệt mối liên hệ giữa hai thực thể
liên quan với nhau là thuộc về thế giới vật chất thực tế hay thuộc về thế giới phạm trù trừu tượng.
Tuy nhiên sự phân biệt này là tinh tế và đôi khi không thật cần thiết nên chúng tôi giữ quan điểm
coi cải dung là một trường hợp của hoán dụ.
2.3. Bằng chứng về hoán dụ trong tư duy
Dù chưa có sự thống nhất cuối cùng, nhưng về cơ bản, các nhà nghiên cứu đều cho rằng
hoán dụ là một hiện tượng, một quá trình tư duy của con người hình thành nên năng lực tri nhận
chứ không chỉ là một hiện tượng ngôn ngữ thông thường. Trong bài viết của mình, Radden và
Ko¨vecses [13;17-59] đã chỉ ra đặc trưng của hoán dụ là:
(i) Hoán dụ là một hiện tượng ý niệm;
(ii) Hoán dụ là một quá trình tri nhận;
(iii) Hoán dụ hoạt động trong một mô hình tri nhận lí tưởng.
Sau đây chúng tôi xin đưa ra những bằng chứng đã được các nhà khoa học khảo sát về sự
tồn tại của hoán dụ trong tư duy.
2.3.1. Hoán dụ - hiện tượng ý niệm
Ví dụ chúng ta có phát ngôn Cô ta chỉ được cái mặt đẹp (She is just a pretty face). Theo
quan điểm truyền thống, ở đây, “từ mặt được coi như một biểu thức thay thế cho người, nên câu
này có nghĩa là Cô ta là một người xinh đẹp. Nhưng đây không phải là toàn bộ ý nghĩa bởi vì Cô
ta chỉ được cái mặt đẹp không có nghĩa là cô ta đẹp “tổng thể”, mà nó đề xuất rằng, quan trọng
hơn cả là cô ta có một khuôn mặt xinh đẹp. Điều này có thể được nhận thấy trong một câu có vẻ kì
cục biểu thị sự không như mong đợi: Cô ta là một người xinh đẹp, nhưng khuôn mặt thì không. Do
đó hai hoán dụ KHUÔN MẶT THAY CHO NGƯỜI và NGƯỜI THAY CHO KHUÔN MẶT bổ
sung cho nhau: Một khuôn mặt gợi lên một con người và một con người gợi lên một khuôn mặt”
[13;18-19].
Như vậy hoán dụ KHUÔN MẶT THAY CHO CON NGƯỜI (cùng rất hiều hoán dụ khác
CÁI ĐẦU THAY CHO TRÍ THÔNG MINH, TRÁI TIM THAY CHO TÌNH CẢM, ĐỊA ĐIỂM
THAY CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐẠI DIỆN CHO TỔ CHỨC. . . ) và sự hành chức của chúng
trong đời sống và văn hoá hàng ngày cho chúng ta thấy rằng hoán dụ không đơn thuần là vấn đề từ
ngữ, nó còn là cách thức chúng ta tư duy, hành động trong thế giới. Hoán dụ không chỉ đơn thuần
là hoạt động thay thế tên gọi của hai thực thể mà còn làm chúng tương tác với nhau để tạo ra một
nghĩa mới phức hợp. Hoán dụ thuộc về lĩnh vực của ý niệm và văn hoá.
2.3.2. Phạm trù và điển dạng
Trong thập niên 70 của thế kỉ XX, rất nhiều các nhà nghiên cứu thuộc các ngành Triết học,
Ngôn ngữ học, Tâm lí học. . . tập trung lật lại vấn đề về phạm trù và sự phạm trù hoá của con người.
Từ kết quả của các nghiên cứu tâm lí thực nghiệm, Eleanor Rosch đã khái quát thành lí thuyết điển
8
Hoán dụ từ góc nhìn tri nhận
dạng, trong đó chỉ ra rằng phạm trù không phải là tập hợp các điều kiện cần và đủ, tập hợp các đặc
tính chia sẻ chung giữa các thành viên mà hơn hết là tập hợp của các thành viên châu tuần xung
quanh một thành viên điển hình nhất - điển dạng, prototype. Trong mỗi phạm trù có một thành
viên, hay một tiểu phạm trù, có tính tiêu biểu đối với toàn bộ phạm trù hơn những thành viên khác.
Nó là một “thí dụ tốt” (good example), tiêu biểu, trung tâm của phạm trù và có thể được sử dụng
để đại diện cho cả phạm trù đó. Ví dụ, trong phạm trù CHIM thì chim cổ đỏ (robins) hay chim
sẻ (sparrow) là điển dạng, tiêu biểu hơn cả vì nó mang những đặc tính nhỏ, biết bay, biết hót, chứ
không phải là loài gà tây (quá to), đà điểu (không biết bay), chim cánh cụt (không biết hót). Trong
phạm trù NỘI THẤT thì bàn, ghế là điển dạng, vì nó tiêu biểu hơn so với giường, tủ, thảm. . . Một
thành viên tiêu biểu nhất có thể đại diện cho toàn bộ phạm trù rõ ràng thể hiện tư duy hoán dụ.
Lakoff cho rằng trong nền văn hoá Mỹ (có lẽ cùng đúng với đa phần các nền văn hoá
khác), mọi người thường tư duy về phạm trù MẸ (mother) thông qua điển dạng bà mẹ-nội trợ
(housewife-mother) chứ không phải bà mẹ-công việc (working-mother). Bà mẹ-nội trợ có tính
chất tiêu biểu nhất, và do đó dại diện cho cả phạm trù MẸ. Các thành viên (tiểu phạm trù) còn lại
như mẹ ghẻ, mẹ đẻ, mẹ nuôi, mẹ đại diện. . . xoay quanh trung tâm của phạm trù là điển dạng bà
mẹ-nội trợ. Thậm chí bà mẹ-nội trợ là tiểu phạm trù chưa được đặt tên nhưng chúng ta vẫn tư duy
về và bằng phạm trù MẸ thông qua điển dạng này [10].
Như vậy chúng ta luôn luôn tư duy về bất kì một phạm trù nào đó thông qua điển dạng
(thành viên, tiểu loại. . . ) của nó với những đặc trưng cơ bản và nổi bật nhất chứ không và không
thể tư duy về toàn bộ phạm trù trong tính đa dạng, phong phú, nhiều biến thể trên phổ liên tục
(spectrum) của nó được. Sự chọn lựa chiến lược tư duy này nhằm đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa
nỗ lực tri nhận nhưng vẫn đảm bảo được lượng thông tin tối đa; đồng thời thể hiện sự nhận thức
thế giới của con người là một hệ thống thông tin được cấu trúc rõ ràng chứ không phải tùy tiện.
Quá trình tư duy, tri nhận của con người thông qua các phạm trù và điển dạng hàm chứa thao tác
hoán dụ, và điều này được thể hiện trong ngôn ngữ chúng ta sử dụng hàng ngày.
2.3.3. Kịch bản hành động
Khi trả lời câu hỏi liên quan tới một hành động nào đó, chúng ta thường đưa ra một thông
tin bộ phận có thể khơi gợi lên toàn bộ hành động. Ví dụ: trước câu hỏi Bạn đến sân bay bằng cách
nào vậy?, ta có thể có các câu trả lời:
- Tôi lái ô tô.
- Tôi có ô tô.
- Tôi mượn ô tô của anh trai. . .
Bởi vì đi đến một nơi nào đó là một kịch bản hành động đã được cấu trúc (theo cách gọi
của Lakoff là mô hình tri nhận lí tưởng ICM – idealized cognitive model) bao gồm:
Điều kiện tiên quyết: Bạn có (hay được quyền sử dụng) phương tiện.
Lên xe: Bạn lên phương tiện và khởi động.
Giữa: Bạn lái (chèo, bay. . . ) tới điểm đến của bạn.
Kết thúc: Bạn đỗ và xuống xe.
Điểm cuối: Bạn ở điểm đến của mình.
Chúng ta có thể sử dụng một phân đoạn trong kịch bản (Điều kiện tiên quyết, hay Giữa, Kết
thúc, hoặc Điểm cuối. . . ) để thay thế và khơi gợi lên toàn bộ kịch bản. Như vậy:
- Tôi lái ô tô. (Giai đoạn giữa đại diện cho toàn bộ kịch bản hành động)
9
Tạ Thành Tấn
- Tôi có ô tô. (Điều kiện tiên quyết đại diện cho toàn bộ kịch bản hành động)
- Tôi mượn oto của anh trai. . . (Chi tiết hoá điều kiện tiên quyết, sau đó đại diện cho toàn
bộ kịch bản hành động)
2.3.4. Hành động ngôn ngữ gián tiếp
Khi yêu cầu ai làm một việc gì đó, chúng ta thường sử dụng hành động cầu khiến gián tiếp
dưới hình thức câu hỏi về năng lực, khả năng thực hiện của người được cầu khiến:
- Bạn có thể mở cửa giúp tôi được không?
- Đưa cho mình quyển sách được chứ?
- Chị có thể mua thức ăn giúp tôi được chứ?...
Theo lí thuyết hành động ngôn ngữ (speech act), một hành động cầu khiến thành công khi
đảm bảo trình tự các điều kiện và các bước tiến hành sau đây:
- Người nói S (speaker) muốn người nghe H (hearer) t