“Kinh tế vỉa hè” (KTVH) -một bộ phận của khu vực kinh tế phi chính thức -về
bản chất là một dạng hoạt động buôn bán nhỏ để kiếm sống của một bộ phận
người dân đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ và hàng hóa giá rẻ, tiện lợi và tiết
kiệm thời gian cho cư dân đô thị. KTVH là khái niệm tạm dùng để chỉ các hoạt
động mua bán, kinh doanh của người dân có liên quan đến vỉa hè, đường hẻm, khu
vực dân cư (không phải tại chợ, nơi được quy hoạch chính thức). KTVH ở TP Hồ
Chí Minh có thể tạm chia thành hai nhóm đối tượng hoạt động chính: nhóm cố
định(mặt tiền nhà kết hợp với không gian công cộng) và nhóm lưu động(không
có mặt tiền nhà, buôn bán ngay trên vỉa hè, đường hẻm, trong khu dân cư).
8 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 1467 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hoạt động kinh tế vỉa hè và quá trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở TP.Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hoạt động kinh tế vỉa hè và quá trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị ở
TP.HCM
Phạm Thanh Thôi
Khoa Nhân học
Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM
“Kinh tế vỉa hè” (KTVH) - một bộ phận của khu vực kinh tế phi chính thức - về
bản chất là một dạng hoạt động buôn bán nhỏ để kiếm sống của một bộ phận
người dân đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ và hàng hóa giá rẻ, tiện lợi và tiết
kiệm thời gian cho cư dân đô thị. KTVH là khái niệm tạm dùng để chỉ các hoạt
động mua bán, kinh doanh của người dân có liên quan đến vỉa hè, đường hẻm, khu
vực dân cư (không phải tại chợ, nơi được quy hoạch chính thức). KTVH ở TP Hồ
Chí Minh có thể tạm chia thành hai nhóm đối tượng hoạt động chính: nhóm cố
định (mặt tiền nhà kết hợp với không gian công cộng) và nhóm lưu động (không
có mặt tiền nhà, buôn bán ngay trên vỉa hè, đường hẻm, trong khu dân cư).
Từ lâu, hoạt động KTVH ở TP Hồ Chí Minh đã gắn liền với sự phát triển không
gian đô thị và quá trình tăng trưởng kinh tế và quần cư đô thị. Các loại hàng hoá
và dịch vụ của hoạt động KTVH luôn đa dạng, phong phú về chủng loại, đáp ứng
được nhiều các nhu cầu về ăn, uống, mặc, ở, dụng cụ lao động, vui chơi, giải trí,
học hành, thư giãn,… của đông đảo cư dân. Bên cạnh những tác động xấu do hoạt
động KTVH đem lại cho không gian văn hóa và văn minh đô thị như mất trật tự, ô
nhiễm môi trường, kẹt xe, không có không gian đi bộ, không gian nghỉ ngơi….
Hoạt động KTVH cũng đã đóng góp rất quan trọng đến việc ổn định thu nhập và
đời sống của hàng nghìn người dân, kể cả những đơn vị quản lý hành chánh cấp
phường xã (thông qua việc thu thuế)… Dù vậy, từ lâu các loại hình hoạt động
KTVH vẫn được coi là lĩnh vực kinh tế phi chính thức.
Nguyên nhân tồn tại KTVH
Cùng với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ, TP Hồ Chí Minh mỗi
năm đã thu hút hàng trăm nghìn người từ các tỉnh khác di chuyển đến học hành,
mưu sinh,… Là một quốc gia đang phát triển, gần 80% dân số sinh ra và lớn lên ở
nông thôn, do đó phần lớn những người di chuyển từ các tỉnh đến TP Hồ Chí
Minh (đô thị lớn nhất nước) đã xuất phát từ những điều kiện sống thấp. Đặc biệt là
trình độ học vấn, tay nghề, thói quen, kỹ năng và kỹ luật lao động… không cao.
Do đó, khi đến TP Hồ Chí Minh nhiều người đã làm các việc phi chính thức để
mưu sinh, trong đó một bộ phận người dân đã tham gia vào những hoạt động
KTVH. Theo kết quả khảo sát của Viện kinh tế TP Hồ Chí Minh (2003) tại 35
tuyến đường tại một số quận nội thành, hầu hết người dân hoạt động KTVH lưu
động đều đến từ các tỉnh (miền) khác: các tỉnh đồng bằng Sông Hồng (48%); các
tỉnh duyên hải miền Trung (23%); ở TP Hồ Chí Minh (12%). Còn với số người
hoạt động KTVH cố định có nơi sinh ở TP Hồ Chí Minh (53,6%); DHMT (17,4%)
và ĐBSCL (13,6%); ĐBSH (6,6%). Với những người hoạt động KTVH cố định đa
phần đã định cư ở TP Hồ Chí Minh trên 10 năm, ngược lại những người hoạt động
trong lĩnh vực KTVH lưu động có thời gian đến TP Hồ Chí Minh trể hơn, từ 5-7
năm chiếm hơn 50% mẫu khảo sát. Và số người hoạt động KTVH nói chung, có
trình độ học vấn không cao, từ cấp 2 trở lại chiếm khoảng 80% (Dư Phước Tân,
Viện Kinh tế TP, 2004).
Do điều kiện và khả năng cá nhân, nhiều người cũng chưa tha thiết với việc học
nghề, học việc mà họ đã hài lòng với việc “hành nghề” và khoảng thu nhập có
được từ các hoạt động KTVH của mình. Những loại hình dịch vụ và buôn bán nhỏ
có lẻ đã rất phù hợp với thói quen “tự do” (về thời gian), phù hợp với năng lực,
tuổi tác… của họ. Với những người bán thịt, cá, rau quả, quán ăn, thức uống, vé
số, chạy xe ôm, ba gác, xích lô, sửa xe, bán báo, quần áo, nón, giày dép... có thể
ngưng và bắt đều công việc lại bất cứ lúc nào tuỳ thích.
Đáng lưu ý, liên quan đến nguyên nhân vì sao người dân lại hoạt động trong lĩnh
vực KTVH, theo kết quả điều tra vào tháng 6/2004 tại 8 quận nội thành (Nguyễn
Thế Cường, Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) cho thấy: ít vốn: 69,3%; không
cần chuyên môn: 47,1%; giờ giấc thoải mái: 40,7%; không có nhà mặt tiền (bán
lưu động): 40,0%. Với nhiều hộ (cá nhân) hoạt động KTVH, trong thời gian qua
họ không phải không cảm nhận được nỗi nhọc nhằn khi bị lực lượng công an khu
vực phạt tiền, tịch thu tài sàn, cảnh cáo, rượt đuổi, hoặc thường xuyên bị khiển
trách tại buổi họp tổ dân phố, khu phố… nhưng do nhiều nguyên nhân như đã nói
ở trên, họ vẫn phải tiếp tục “tự thu xếp” để “bấu víu” với việc buôn bán. Những
năm qua, với áp lực từ những lần “giải toả” của lực lượng công an khu vực, mặc
dù đã có nhiều người, nhiều hộ đã bỏ hoạt động KTVH trong nội thành, nhưng sau
vài tháng họ lại tìm đến các tuyến đường chính ở ngoại thành để tiếp tục “hàng
nghề”. Phải chăng đó cũng “cái nghiệp”, “cái nghề” chính yếu để họ tồn tại
chăng?
Nguyên nhân gắn bó với hoạt động KTVH có rất nhiều, mỗi người một lý do, một
hoàn cảnh, nhưng cũng cần thấy rằng, hiện nay do nhu cầu cầu và thói quen mua
hàng của người dân ở khu vực này cũng rất lớn. Thực vậy, ở TP Hồ Chí Minh hiện
vẫn có hàng nghìn người làm việc với mức thu nhập quá thấp (sau khi trừ các chi
phí thiết yếu). Hàng trăm nghìn công nhân tại các KCN, KCX, những người cao
tuổi hưởng lương hưu, hàng trăm nghìn sinh viên học sinh đang phải ở trọ cần
có… bữa ăn, đồ dùng hằng ngày. Và thực tế, loại hình kinh tế phi chính thức,
KTVH từ nhiều năm qua đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu mua (bán) nhanh, tiện
lợi (tại nhà, tại nơi làm hoặc trên đường đi làm về),… cùng với các loại hàng hóa
giá rẻ cho họ. Xung quanh các KCN, KCX và khu nhà trọ của hàng nghìn công
nhân lao động là những “mãnh đất màu mỡ” để cho các hoạt động KTVH từ lâu ở
thành phố nảy sinh và tồn tại. Cả trong nội và ngoại thành, những buổi “họp chợ
chớp nhoáng” với các mặt hàng tiêu dùng đa dạng, giá rẻ (có thể có chất lượng
thấp) của những người hoạt động trong lĩnh vực KTVH cung cấp, đã đáp ứng
được nhu thiết yếu của đông đảo người dân. Sống ở 1 đô thị khi mà các siêu thị chỉ
mở cửa từ sau 7 giờ sáng, ở những nơi không tiện đường, số lượng hàng hóa cần
sắm không nhiều,… thì rõ ràng những tiện lợi từ các hoạt động KTVH đem lại,
quả là vẫn còn ý nghĩa. Hơn nữa, mấy năm gần đây khi mà các chi phí cho các nhu
cầu thiết yếu ở thành phố như thuê nhà ở, tiền điện, tiền nước, y tế, giao dục luôn
tăng, trong khi đó mức thu nhập của hàng nghìn hộ thu nhập thấp và nghèo không
tăng bao nhiêu, nên nhu cầu mua sắm hàng hóa từng bữa, từng ngày với số lượng
và chất lượng (hàng hóa) không lớn và thực tế hoạt động KTVH đã trở nên rất sôi
nổi. Hàng loạt các hộ gia đình ở các quận nội thành như quận 4, 5, 10, 11, Bình
Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình… thay vì vô tư hoạt động buôn bán ở các tuyến
đường như trước đây, thì đến nay học đã “rút lui” và “tự thu xếp” vào trong các
con hẻm, các khoảng không còn sót lại trong khu dân cư để buôn bán. Tại hầu hết
các tuyến đường lớn ở các quận trong nội thành này đến nay đã “sáng ra”, bớt đi
các cảnh chen lấn buôn bán mất trật tự, chiếm dụng vỉa hè đến nổi không còn lối
đi. Nhưng ngược lại, tại hầu hết các con hẻm, các khoảng không gian nằm bên
trong các con đường lớn thì dường như mỗi lúc một “tối lại”, người bán, kẻ mua
hàng hóa ở đó mỗi lúc một nhiều, cũng nhộn nhịp không kém gì bức tranh của 1
cái cái chợ!
Phải thừa nhận rằng, hoạt động KTVH trong thời gian qua ở thành phố dù ở nơi
đâu, trên vỉa hè hay trong đường hẻm đều đã đáp ứng được những nhu cầu rất thực
(từ tâp quán tiêu dùng, tiện ích, khả năng chi trả…) của đông đảo người dân. Và
dù, các hoạt động KTVH được nhìn nhận dưới góc độ nào, thì đến nay nó cũng là
lĩnh vực kinh tế nảy sinh và tồn tại mang tính khách quan. Hơn nữa, nó còn được
xem là “cứu cánh” đáp ứng nhu cầu mưu sinh của hàng nghìn hộ dân nghèo và thu
nhập thấp đang sống ở thành phố. Hoạt động KTVH tại hầu hết các tuyến đường,
các KCN, KCX, khu nhà trọ, hẻm dân khu dân cư,.. đã giúp cho người dân rất tiện
lợi khi cần mua 1 -2 món hàng cần thiết trong giây lát, khỏi phải gửi xe, vừa tốn
tiền lại tốn thời gian. Hoạt động KTVH đến nay cũng rất thích hợp với nhu cầu ăn
uống của hàng nghìn công nhân lao động vì thường xuyên phải đi làm sớm về
muộn do tăng ca. Không giống như những người khá giả, họ chỉ cần đi siêu thị
hay chợ 1 vài lần là có thể đủ dùng cho cả tuần, người nghèo và thu nhập thấp
không thường chỉ mua từng bữa ăn sau giờ lao động…
Tìm giải pháp “sống chung”
Chủ trương “dẹp bỏ” các hoạt động KTVH đã được UBND TP Hồ Chí Minh xác
định từ khi có nghị định 36/CP của Chính phủ (1995) và các chỉ thị 02/2001/CT-
UB (tháng 3/2001) và 13/2001CT-UB (tháng 6/2001).. do UBND TP Hồ Chí
Minh trực tiếp ban hành. Đặc biệt, thành phố cũng đẩy mạnh việc lập lại trật tự
hoạt động KTVH trong các kế hoạch “12 chương trình/ công trình trọng điểm
(2001-2005)”, “năm trật đô thị”, “trật tự kỷ cương, nếp sống văn minh đô thị”…
Theo đó, cụ thể thành phố đã chỉ thị cho các quận huyện, phường xã triển khai và
thực hiện nhiều các giải pháp nhằm ngăn cấm hoạt động KTVH với các hình thức
xử phạt như thu gom, phạt tiền, đặc biệt là giải pháp “giải toả trắng” kết hợp giúp
dân “chuyển đổi nghề” (tức bỏ việc củ). Và trên thực tế, giải pháp phạt tiền và thu
gom đã được áp dụng nhiều hơn các giải khác như là chuyển đổi nghề. Tại hầu hết
các phường xã, những nỗ lực để chuyển đổi nghề của chính quyền và của các cá
nhân, rất ít hiệu quả như mong đợi (do nhiều khó khăn chủ quan lẫn khách quan,
phía người dân lẫn chính quyền…). Mong muốn của chính quyền là khi giải toả
những người có hoạt động KTVH và sau đó triển khai cho vay vốn chuyển đổi
nghề, tổ chức lớp dạy nghề, động viên đi học nghề, hoặc nhờ các trung tâm giới
thiệu việc làm mới… Thực tế, chủ trương giúp đỡ chuyển đổi nghề của chính
quyền được người dân rất hưởng ứng, nhưng do tuổi tác, trình độ, khả năng lao
động,… phần lớn những người hoạt động KTVH đã không thể tham gia (hoặc có
ít nhưng không đến cùng). Ở một số phường con em của các hộ liên quan cũng
được ưu tiên đi học nghề hoặc được giới thiệu việc (nhằm nâng thu nhập cho gia
đình), nhưng lại gặp khó khăn do nhu cầu của nghề cần học (của người trẻ) và khả
năng tổ chức đào tạo, kinh phí,.. của phường lại chưa gặp nhau…. Theo ý kiến của
nhiều cán bộ ở cấp phường, việc giải quyết được cho 1/3 trong số người trước đây
hoạt động KTVH (người có hộ khẩu làm ăn lấn chiếm lòng lề đường) chuyển đổi
nghề, ổn định thu nhập từ các việc làm khác, quả là chuyện không dễ dàng như ta
vẫn nghĩ.
Tuy vậy, phải thừa nhận rằng, với hàng loạt những cố gắng và nỗ lực của chính
quyền các cấp và người dân, đến nay những kết quả đạt được trong lĩnh vực hoạt
động KTVH là rất lớn: người dân mặc dù còn phải chiếm dụng lề đường, trong
hẻm, khu dân cư để buôn bán nhưng họ đã có ý thức trong việc giữa gìn vệ sinh
môi trường; có ý thức tránh buôn bán vào các giờ cao điểm, tránh các tuyến giao
thông đông đúc, tránh việc cải cọ, xô xát hay tranh dành địa điểm. Vào các ngày lễ
lớn, họ đã tự “yên nghỉ” để tạo đường thông, hè thoáng và giữ vệ sinh sạch đẹp
cho các tuyến đường, khu dân cư... Ở mỗi phường, mỗi khu dân cư, mỗi con hẻm,
dường như người dân đã quy định thời gian và địa điểm buôn bán “cố định” cho
nhau và “có trật tự”. Nhiều nơi, sau giờ buôn bán mỗi người tự biết dọn dẹp vệ
sinh và dừng đúng giờ nghỉ ngơi (của bàn con trong hẻm)… Hơn thế, nhiều người
cũng dần nhận thức được khá sâu sắc về quyền lợi và trách nhiệm của mình tại nơi
buôn bán (với các biểu hiện văn hóa kinh doanh rất đáng trân trọng). Do đó, với
nhu cầu an sinh xã hội, có lẻ chúng ta cần phải nhìn nhận kỹ hơn về hoạt động
KTVH để có những giải pháp và hành động đúng. Nên “dẹp bỏ”, hay nên “sống
chung” với hoạt động KTVH? Một đô thị lớn nhất nước cả về phương diện kinh
tế, dân số thì ắc sẽ không chấp nhận được tình trạng mất trật tự, ô nhiễm môi
trường, kẹt xe,… do các hoạt động KTVH gây nên. Vậy, nên sống chung với hoạt
động KTVH như thế nào? Làm gì để sắp xếp, quy hoạch các được hoạt động
KTVH, chuyển từ những hoạt động được coi “không văn hóa, không văn minh”
trở thành hoạt động “có văn hóa, có văn minh”, để đáp ứng được các nhu cầu lớn
hơn của đô thị ở hiện tại và tương lai. Vì thế quá trình xâydựng trật tự kỷ cương,
nếp sống văn minh đô thị sẽ phải:
- Tiếp tục xây dựng các tuyến/ phố chuyên doanh, nơi chuyên cung cấp những mặt
hàng và dịch vụ nhất định, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Thông qua các
tuyến/phố chuyên doanh, mỗi địa phương phường xã dễ dàng xây dựng và thể hiện
các nét “văn hóa kinh doanh” của mình. Và cũng từ đó, sẽ có điều kiện thuận lợi
về mặt không gian để quản lý trật tự, xây dựng nếp sống văn minh với sự tham gia
của cộng đồng.
- Khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia xây dựng mạng lưới những cửa
hàng giá rẻ dưới dạng những siêu thị nhỏ, phân bố tương đối dày, đều khắp, tương
tự mạng lưới của các đại lý bưu điện hiện nay.
- Cùng với người dân, các phường xã xây dựng các mô hình quản lý kinh doanh tự
quản, tiến tới xây dựng những nội quy, những “hương ước” nhằm tuyên truyền
hoặc chế tài mạnh mẽ người dân tham gia hoạt động KTVH biết được quyền lợi
và nghĩa vụ khi thực hiện giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự,… trong kinh doanh,
buôn bán (dù là buôn bán nhỏ). Nên chấm dứt tình trạng “chế tài nữa vời”, tức
phạt tiền theo mức quy định, trong khi đó người dân hoạt động KTVH vi phạm trật
tự vỉa hè, vi phạm đến nếp sống văn minh đô thị chỉ cần nâng giá hàng hóa rồi kết
luận: “sau khi trừ các khoảng chi phí (cả tiền thuế, tiền phạt…) vẫn có lời!
- Ngăn chặn kịp thời hiện trạng hoạt động KTVH đang “lấn sân”, “rút lui” vào
hoạt động trong các đường hẻm nhỏ, các khu dân cư nhằm tránh các thảm họa về
môi trường, tiếng ồn, cháy nổ… có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
- Cần có lực lượng “cảnh sát đô thị” (cảnh sát đường phố) hoạt động chuyên
trách, để phạt nặng các trường hợp cố tình hoặc nhắc nhở những trường hợp chưa
ý thức làm mất trự, chiếm dụng lòng lề đường sai quy định. Đồng thời, ngăn chăn
kịp thời các biểu hiện buôn bán thiếu văn hóa.
- Tiếp tục làm sạch các vỉa hè, các đường hẻm, các khu chơ bằng cách lót các nền
gạch, đá… Tuyên truyền, nâng cao nhận thức để cả người bán hàng lẫn người mua
hàng thấy được việc đi mua sắm là một hoạt động sinh hoạt văn hóa, giải trí luôn
cần có không gian sạch sẽ và thoáng mát.v.v.
Tóm lại, sự hình thành và tồn tại của các hoạt động KTVH ở TP Hồ Chí Minh là
do một nhu cầu tất yếu, khách quan. Đến nay, để ngăn cấm hoặc “giải toả trắng”
các hoạt động KTVH rõ ràng không còn là chuyện của “một năm”, “một tháng”
hay “nhiều đợt cao điểm” với các hình thức như tuần tra, “rượt đuổi”, thu gom,
phạt tiền…(mặc dù tất cả đều rất cần thiết). Vì vậy, đã đến lúc các nhà quản lý,
quy hoạch đô thị và người dân thành phố phải suy nghĩ thêm dựa trên những luận
cứ khoa học và thực tiễn, để cùng nhận thức, cùng đồng thuận trong hành động/.