Khởi nghĩa Chậu Phạ Pat Chay (1918 - 1922) - Một biểu hiện sinh động của tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt chống thực dân Pháp

1. Mở đầu Nửa sau thế kỉ XIX, thực dân Pháp nổ súng xâm lược, và từng bước thiết lập ách thống trị của mình trên toàn cõi Đông Dương. Dưới ách thống trị của chúng, nhân dân các nước Đông Dương, trong đó có nhân dân Lào đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh. Là hai nước láng giềng có chung một kẻ thù, nên ngay từ đầu cuộc chiến đấu của nhân dân hai nước Lào - Việt đã có sự liên hệ mật thiết với nhau. Khởi nghĩa Chậu Phạ Pat Chay (1918-1922), là một trong những ví dụ điển hình, nói lên tình đoàn kết chiến đấu thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc chống lại thực dân Pháp.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 227 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khởi nghĩa Chậu Phạ Pat Chay (1918 - 1922) - Một biểu hiện sinh động của tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt chống thực dân Pháp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2011, Vol. 56, No. 2, pp. 27-32 KHỞI NGHĨA CHẬU PHẠ PAT CHAY (1918 - 1922) - MỘT BIỂU HIỆN SINH ĐỘNG CỦA TÌNH ĐOÀN KẾT CHIẾN ĐẤU LÀO - VIỆT CHỐNG THỰC DÂN PHÁP Đinh Ngọc Ruẫn Trường Đại học Tây Bắc 1. Mở đầu Nửa sau thế kỉ XIX, thực dân Pháp nổ súng xâm lược, và từng bước thiết lập ách thống trị của mình trên toàn cõi Đông Dương. Dưới ách thống trị của chúng, nhân dân các nước Đông Dương, trong đó có nhân dân Lào đã nhiều lần nổi dậy đấu tranh. Là hai nước láng giềng có chung một kẻ thù, nên ngay từ đầu cuộc chiến đấu của nhân dân hai nước Lào - Việt đã có sự liên hệ mật thiết với nhau. Khởi nghĩa Chậu Phạ Pat Chay (1918-1922), là một trong những ví dụ điển hình, nói lên tình đoàn kết chiến đấu thắm tình hữu nghị giữa hai dân tộc chống lại thực dân Pháp. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Vài nét về cuộc khởi nghĩa Với hiệp ước Pháp - Xiêm kí kết tại Băngcốc (3-10-1893), thực dân Pháp đã chính thức bắt đầu đặt ách thống trị của mình trên đất nước Lào, cũng như trên toàn cõi Đông Dương. Để đạt được mục đích thống trị, thực dân Pháp không ngừng tăng cường vơ vét, bóc lột nhân dân Lào bằng đủ mọi biện pháp, như thực hiện chế độ thuế khoá rất nặng nề và chế độ lao dịch vô cùng hà khắc. Trong Lịch sử Lào hiện đại, tập II, các tác giả thông qua việc trích dẫn tư liệu, đã phản ánh về vấn đề này như sau: “Thuế má tăng vọt lên, nhiều thứ thuế xưa chưa từng có, nay phải nộp cho người Pháp. Thuế thân trước đây quy định là 0,6 đồng nay tăng vọt lên 2 đồng. Số người miễn thuế giảm dần...”, và “phu phen nặng nhọc, mỗi người phải đi phu hai tháng trong một năm, không kịp hồi sức” [7;22]. Ngoài ra, thực dân Pháp còn thực hiện chính sách ngu dân và chính sách chia để trị, gây thù hằn giữa các dân tộc. Xứ Lào thuộc Pháp chỉ khoảng ba triệu dân mà chúng đã áp dụng ba chế độ cai trị khác nhau: “bảo hộ”, “trực trị” và “quân quản”. Để nâng cao hiệu quả của chính sách chia 27 Đinh Ngọc Ruẫn để trị, bọn thực dân còn dùng bộ máy quan lại cũ và một số tù trưởng, tộc trưởng làm tay sai đàn áp và đè nén nhân dân trong và ngoài bộ tộc. Riêng với vùng Bắc Lào, nơi cư trú chủ yếu của bộ tộc Lào Xủng (mà đa số là người Mông - có khoảng từ 10 vạn đến 15, 16 vạn người), ngoài việc bóc lột bằng các chính sách trên, chúng còn bắt người dân ở đây phải đóng thêm thuế thuốc phiện. Theo đó, mỗi người Lào Xủng phải nộp 2 kg thuốc phiện một năm. Đây là một chính sách vô cùng tàn bạo, bởi nó không đếm xỉa đến việc tất cả mọi người dân ở đây, có trồng thuốc phiện hay không. Vì vậy, trên thực tế, thực dân Pháp có thể chiếm đoạt hầu hết số thuốc phiện sản xuất được ở vùng này. Thuế thuốc phiện cùng với những chính sách thống trị khác, đã làm cho mâu thuẫn giữa người Lào Xủng với thực dân Pháp diễn ra gay gắt. Hệ quả tất yếu của nó, là dẫn tới sự bùng nổ nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Trong số các cuộc khởi nghĩa diễn ra ở Bắc Lào, tiêu biểu nhất phải kể đến cuộc khởi nghĩa do Chậu Phạ Pat Chay lãnh đạo (1918 - 1922). Phong trào khởi đầu từ vùng Tây Bắc - Việt Nam, và đến đầu năm 1918 thì nổi lên mạnh mẽ, rồi sau đó đến mùa thu 1919, chiến sự lan rộng sang vùng Đông Bắc Lào (Sầm Nưa, Xiêng Khoảng...). Trong giai đoạn từ năm 1918 đến nửa đầu năm 1919, đã diễn ra nhiều cuộc tấn công của quân đội thực dân Pháp vào các căn cứ của nghĩa quân ở Tây Bắc Việt Nam như Thuận Châu, Sơn La (thuộc địa bàn tỉnh Sơn La), Long Hẹ (thuộc Điện Biên). Tuy nhiên, các cuộc tấn công của chúng, đã bị nghĩa quân phục kích chặn đánh, hoặc chủ động tấn công, nên gặp nhiều tổn thất nặng nề. Trong những trận giao chiến giữa quân khởi nghĩa và quân đội thực dân vào các ngày 16, 17 và 21 tháng 1 năm 1919 trên địa bàn Sơn La, Gôchiê - tên quan ba Pháp chỉ huy cuộc tấn công, cùng một số hạ sĩ quan quân đội thực dân đã bị tiêu diệt. Từ mùa hè năm 1919, khi nghĩa quân di chuyển lên Điện Biên, cuộc khởi nghĩa bắt đầu phát huy ảnh hưởng của mình sang vùng Đông Bắc Lào trên địa bàn các tỉnh Sầm Nưa và Xiêng Khoảng. Đến mùa thu năm 1919, chiến sự nổ ra chủ yếu ở các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng và sau đó lan rộng sang phía Tây, đến tận vùng biên giới Lào - Xiêm. Giai đoạn này, quân đội thực dân đã mở nhiều cuộc hành quân càn quét vào các khu căn cứ của nghĩa quân. Pat Chay một mặt lãnh đạo quân khởi nghĩa phục kích chặn đánh địch, mặt khác còn chủ động mở những cuộc tấn công đối phương, mà điển hình là cuộc tấn công đồn Mường Hợp, gần biên giới Lào - Việt. Song song với những hoạt động quân sự, Pat Chay cũng gấp rút chỉ đạo việc củng cố các căn cứ địa để kịp thời đối phó với địch. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhiều căn cứ như Phu Lơi, Phù Phantrung thuộc khu trung tâm được xây dựng. Các khu căn cứ khác tại Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Luông Phabang cũng đều ở trong thời kì củng cố tổ chức. Đầu năm 1920, quân Pháp phải thay đổi kế họach tác chiến: trước hết tập trung lực lượng càn quét các vùng ngoại vi, sau đó sẽ dồn lực lượng đánh vào khu 28 Khởi nghĩa Chậu Phạ Pat Chay (1918 - 1922) - một biểu hiện sinh động... trung tâm. Vì vậy, trong những tháng đầu năm 1920, đã diễn ra nhiều cuộc giao chiến dữ dội giữa hai bên. Nhận thấy tương quan lực lượng chênh lệch, nên nghĩa quân chủ động rút lui khỏi các căn cứ ở vùng núi Phu Lơi, bản Phu Đeng về củng cố căn cứ Pa Kha và một số căn cứ khác thuộc Xiêng Khoảng. Trước nguy cơ lan rộng của cuộc khởi nghĩa, tháng 12 năm 1920, sau khi có sự điều chỉnh về kế hoạch tác chiến và chỉ huy, quân Pháp bắt đầu mở những cuộc tấn công lớn vào căn cứ nghĩa quân ở Sùng Quán, Lào Ván, Phìa Chàm... Sau nhiều cuộc chiến đấu ác liệt, nghĩa quân rút sâu vào rừng núi tiếp tục cuộc chiến đấu. Nhân dân cũng bỏ bản ra rừng với nghĩa quân, thực hiện vườn không nhà trống. Sang năm 1921, các hoạt động quân sự diễn ra lẻ tẻ và yếu dần. Cùng với việc sử dụng vũ lực, thực dân Pháp còn thực hiện nhiều biện pháp thâm độc như dùng tiền bạc để dụ dỗ, mua chuộc, chia rẽ nội bộ... Cho đến cuối năm 1922, sau khi Pat Chay bị ám sát, cuộc khởi nghĩa tan dần. 2.2. Tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai nước Lào - Việt trong cuộc khởi nghĩa Điều đáng lưu ý là qua khởi nghĩa Chậu Phạ Pat Chay (1918 – 1922), truyền thống đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc Lào - Việt, tiếp tục được củng cố và phát triển. Trong cuộc khởi nghĩa, chúng ta thấy, địa bàn hoạt động của nghĩa quân trải ra trên một vùng rộng lớn, dọc hai bên biên giới Lào - Việt ở phía Bắc, bao gồm nhiều tỉnh như Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Luông Phabang, Sơn La, Điện Biên... Lợi dụng điều kiện núi non hiểm trở, giao thông đi lại hết sức khó khăn, bên cạnh đó, lại được nhân dân che chở nên nghĩa quân đã xây dựng được một loạt các căn cứ kháng chiến trên địa bàn của cả hai nước (Thuận Châu, Long Hẹ... thuộc các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Phu Lơi, Phù Phantrung, Lào Ván. . . thuộc các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng). Dựa vào hệ thống căn cứ này, quân khởi nghĩa vừa triển khai chiến đấu vừa tiến hành sản xuất. Như vậy, cuộc khởi nghĩa đã trở thành một chiến trường chung của hai dân tộc trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù chung. Cuộc khởi nghĩa ban đầu đơn thuần chỉ là sự phản kháng của bộ tộc Lào Xủng (mà đa số là người Mông) ở các tỉnh Bắc Lào, và người Mông ở Tây Bắc - Việt Nam, nhưng sau đó đã thu hút được sự tham gia của nhiều dân tộc khác. Trong giai đoạn đầu năm 1918, hưởng ứng phong trào đánh Pháp của nghĩa quân Pat Chay, đồng bào Mông khắp vùng É Tòng, Long Hẹ, Cò Mạ thuộc Thuận Châu – Sơn La dưới sự lãnh đạo của Vàng Nểnh Pha đồng loạt nổi dậy chống thuế, không nộp tiền bạc và thuốc phiện cho thực dân Pháp, sau đó hội tụ lại trong cuộc khởi nghĩa Pat Chay. Đầu năm 1919, trên địa bàn Điện Biên, cũng diễn ra sự hợp nhất giữa nghĩa quân ở vùng rừng núi Long Hẹ do Cầm Xu lãnh đạo, với quân khởi nghĩa của Pat Chay. Những sự kiện trên, vừa đánh dấu bước phát triển của cuộc khởi nghĩa, vừa là minh chứng cho tình đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc trong giai đoạn đầu chống thực 29 Đinh Ngọc Ruẫn dân Pháp. Khi nhận định về cuộc khởi nghĩa, bọn thực dân cho rằng: “Cuộc nổi dậy có xu hướng mất dần tính chất địa phương của nó và hình như muốn lôi cuốn các nhóm người Mông phân bố trên toàn bộ miền Thượng Lào” [1;124]. Tên tư lệnh đạo quân binh thứ 4, trong báo cáo gửi về Phủ Toàn quyền phải thú nhận: “Thời kỳ đầu cuộc tác chiến rõ ràng không phải chúng ta (Pháp) chỉ phải đương đầu với một lũ giặc cỏ (nghĩa quân vùng cao) có từ 80 đến 100 tay súng mà phải đối phó với cả một dân tộc đã nổi dậy theo Pat Chay” [3;19-20]. Lời nhận định đó chỉ đúng một phần, vì trên thực tế, cuộc khởi nghĩa không chỉ bó hẹp trong phạm vi của người Mông ở Bắc Lào, mà còn lôi kéo được sự tham gia của một bộ phận người Mông và người Thái ở Tây Bắc - Việt Nam. Qua sự phân tích trên, có thể đi tới nhận định sau: cuộc khởi nghĩa Pat Chay là cuộc nổi dậy có quy mô lớn, thu hút được sự tham gia của một bộ phận khá đông các dân tộc ít người sinh sống trên vùng núi cao Thượng Lào và Tây Bắc - Việt Nam, trong đó người Mông giữ vai trò chủ thể. Vậy cơ sở nào góp phần vào việc xây đắp tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai nước trong cuộc khởi nghĩa? Về vấn đề này, có thể lí giải như sau: Xét về góc độ địa lí, Lào và Việt Nam là hai quốc gia núi liền núi, sông liền sông. Vùng Đông Bắc Lào tiếp giáp Tây Bắc - Việt Nam, được tạo nên một địa bàn tự nhiên đặc biệt với núi cao, rừng rậm. Các dãy núi phía Tây (dãy núi Sông Mã với chiều dài 500 km, có nhiều đỉnh núi cao tới 1.800 m) chạy qua các tỉnh Điện Biên, Sơn La là bộ phận kéo dài của hệ thống núi Bắc Lào. Yếu tố tự nhiên này, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp chiến đấu trên chiến trường. Trong quá trình triển khai chiến đấu, địa bàn hoạt động của nghĩa quân lúc thì diễn ra trên lãnh thổ các tỉnh Đông Bắc Lào (Sầm Nưa, Luông Phabang. . . ), lúc lại diễn ra trên lãnh thổ Tây Bắc - Việt Nam (Điện Biên, Sơn La). Do đó, tuy có lực lượng quân đội mạnh với vũ khí trang bị hiện đại, nhưng thực dân Pháp đã gặp rất nhiều khó khăn và tổn thất trong việc đối phó với cuộc khởi nghĩa. Chính yếu tố gần gũi về mặt địa lí là một cơ sở quan trọng để thiết lập nên tình cảm đoàn kết hữu nghị của hai dân tộc, trong cuộc sống lao động sản xuất, cũng như trong chiến đấu. Đông Bắc Lào và Tây Bắc - Việt Nam, là địa bàn cư trú của những dân tộc ít người: người Mông, người Thái và nhiều dân tộc khác. . . Tuy có sự phân chia về mặt địa giới, nhưng xét về nguồn gốc, các dân tộc trên lại có quan hệ họ hàng đồng tộc với nhau. Vì vậy mà giữa họ có sự gần gũi về tình cảm, ngôn ngữ, văn hoá, tín ngưỡng,. . . qua đó hình thành tinh thần tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Riêng với người Mông – yếu tố chủ thể của cuộc khởi nghĩa, thì dòng họ và quan hệ dòng họ là một đặc điểm văn hóa quan trọng, hiếm thấy ở các dân tộc khác. Tổ chức dòng họ ở người Mông (với vai trò nổi bật của trưởng họ, các lễ thức chung của dòng họ. . . ) giúp tạo nên sự cố kết chặt chẽ của những người cùng huyết thống. Chính sự cố kết này, đã cho phép họ vượt lên sự phân tán về địa bàn cư trú và sự chia cắt bởi ranh giới hành chính. Đây là một lý do quan trọng giải thích vì sao cuộc 30 Khởi nghĩa Chậu Phạ Pat Chay (1918 - 1922) - một biểu hiện sinh động... khởi nghĩa Pat Chay lại huy động được đông đảo cộng đồng người Mông sinh sống trên một địa bàn rộng lớn bao gồm các tỉnh Đông Bắc Lào và một số tỉnh Tây Bắc Việt Nam tham gia. Ngoài ra, xuất phát từ tâm lý tín ngưỡng đặc thù của dân tộc Mông là mong muốn khôi phục lại chữ viết riêng, cho nên khi lãnh đạo khởi nghĩa, Pat Chay đã ra lời kêu gọi về chữ viết duy nhất cho dân tộc. Ông cho viết các ký tự lạ lên những mảnh vải trắng hình vuông và đem phân phát cho các chiến binh của mình với mục đích phát huy sức mạnh cộng đồng, đảm bảo cho thắng lợi trước quân xâm lược Pháp. Như vậy, có thể nói rằng trong cuộc khởi nghĩa, lãnh tụ Pat Chay đã biết kết hợp lòng yêu nước, yêu độc lập, tự do với những tình cảm dân tộc, để tập hợp sức mạnh quần chúng của người Lào Xủng ở Lào, cũng như của nhân dân hai nước trên vùng biên giới Lào - Việt ở phía Bắc. Sự hình thành liên minh chiến đấu Lào - Việt, còn dựa trên truyền thống hữu nghị, đoàn kết của hai dân tộc. Theo dòng lịch sử các triều đại phong kiến, có thể nhận thấy nhiều minh chứng sinh động, nói tới sự tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Trong khởi nghĩa Lam Sơn của nhân dân Đại Việt chống sự đô hộ của nhà Minh (1418 - 1427), do Lê Lợi lãnh đạo, ở giai đoạn khởi đầu đầy cam go, đã nhận được sự đùm bọc chở che của nhân dân các bộ tộc Lào. Giai đoạn đầu thế kỉ XIX, khi nhân dân Lào dưới sự lãnh đạo của Chậu Anụ, tiến hành cuộc kháng chiến chống lại sự thống trị của phong kiến Xiêm, cũng nhận được sự hẫu thuẫn của nhà Nguyễn ở Việt Nam, trên các phương diện ngoại giao và quân sự. Truyền thống này, là một nhân tố quan trọng, tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa hai dân tộc trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp. Hơn nữa, trong giai đoạn nửa sau thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, hai nước Việt Nam và Lào, đều có chung một bối cảnh lịch sử như nhau. Giai đoạn này, cả hai dân tộc cùng bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị vô cùng tàn bạo. Chính sách chia để trị, không chỉ dừng lại trong phạm vi từng nước Lào, Việt Nam hay Campuchia mà còn được mở rộng trên phạm vi các dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Ở đây, chúng thường dùng lính khố xanh, khố đỏ người Việt Nam, người Khơme đi đàn áp nhân dân Lào và ngược lại. Chính sách chia để trị, đã làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp thêm sâu sắc. Đồng thời, nó còn dẫn tới sự xích lại gần nhau hơn nữa của nhân dân hai nước trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Xuất phát từ tất cả những lí do trên, cuộc chiến đấu của hai dân tộc đã hình thành một liên minh mang tính tự nhiên. Như vậy, ngay ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi chưa có sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân hai nước Lào - Việt đã cùng sát cánh bên nhau chống lại ách thống trị và nô dịch của thực dân Pháp. 31 Đinh Ngọc Ruẫn 3. Kết luận Mặc dù, cuộc khởi nghĩa cuối cùng không giành được thắng lợi, nhưng nó góp phần to lớn vào việc thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân Lào nói chung, của người Lào Xủng nói riêng trong giai đoạn đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc khởi nghĩa, còn là một đòn giáng mạnh mẽ vào âm mưu chia để trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, và qua đó củng cố thêm tình đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc Lào - Việt trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời (1930), đã phát huy những lợi thế sẵn có và đưa liên minh chiến đấu Lào - Việt phát triển lên một tầm cao mới. Điều này đã được thực tế chứng minh, qua thắng lợi của nhân dân hai nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1954), chống Mĩ (1975), cũng như trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước ngày nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phan Gia Bền, Phạm Nguyên Long, Huỳnh Lứa, Đặng Bích Hà, 1978. Lược sử nước Lào. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [2] Bộ Tư lệnh Quân khu II, 1990. Tây Bắc – Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội. [3] Bộ Chỉ Huy Quân Sự Tỉnh Sơn La, 1995. Sơn La – Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954). Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội. [4] Phạm Văn Lực, 2003. Phong trào yêu nước chống Pháp ở Sơn La từ cuối thế kỉ XIX đến 1945. LATS. ĐHSP Hà Nội. [5] Cao Văn Lượng chủ biên, 2003. Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân khu Tây Bắc (1945 – 1954). Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [6] Lương Ninh chủ biên, 1991. Lịch sử các quốc gia Đông Nam Á, tập II; Lịch sử Lào. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Hà Nội. [7] Nguyễn Hùng Phi, TS. Buasi Chalơnsúc, 2006. Lịch sử Lào hiện đại, Tập 1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. ABSTRACT Chau Pha Pat Chay Revolt (1918 – 1922) - avid manifestation of united battle between Laos and Vietnam in defeating French colonialism During the end of the 19th century and the beginning of the 20th century, Lao people rose up in arms against French colonialism many times, especially the fight led by Chau Pha Pat Chay (1918 - 1922). Apart from awakening the national spirit, the fight was the lofty and beautiful symbol of the unity between Lao and Vietnam during the fight against the enemy before the birth of the Dong Duong communist party. 32
Tài liệu liên quan