Lễ hội đình Quan Lạn: Ý nghĩa, giá trị và sự khác biệt

Tóm tắt Nằm trong dòng chảy của lễ hội truyền thống ven biển Bắc Bộ nhưng lễ hội đình Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vẫn có những điểm khác biệt so với các lễ hội truyền thống nói chung. Là một lễ hội lịch sử, cũng đồng thời là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, lễ hội đình Quan Lạn mang sắc thái địa phương độc đáo và đậm nét văn hóa biển đảo của cư dân vùng biển Vân Đồn. Bài viết khái quát về lễ hội và diễn trình của hội đua thuyền, đi sâu phân tích ý nghĩa một số nghi lễ, hoạt động diễn ra trong lễ hội để làm rõ giá trị và sự khác biệt của lễ hội đình Quan Lạn.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 388 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lễ hội đình Quan Lạn: Ý nghĩa, giá trị và sự khác biệt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Số 30 (Tháng 12 - 2019)14 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA LỄ HỘI ĐÌNH QUAN LẠN: Ý NGHĨA, GIÁ TRỊ VÀ SỰ KHÁC BIỆT PHAN THỊ HUỆ Tóm tắt Nằm trong dòng chảy của lễ hội truyền thống ven biển Bắc Bộ nhưng lễ hội đình Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vẫn có những điểm khác biệt so với các lễ hội truyền thống nói chung. Là một lễ hội lịch sử, cũng đồng thời là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, lễ hội đình Quan Lạn mang sắc thái địa phương độc đáo và đậm nét văn hóa biển đảo của cư dân vùng biển Vân Đồn. Bài viết khái quát về lễ hội và diễn trình của hội đua thuyền, đi sâu phân tích ý nghĩa một số nghi lễ, hoạt động diễn ra trong lễ hội để làm rõ giá trị và sự khác biệt của lễ hội đình Quan Lạn. Từ khóa: Lễ hội truyền thống, đình Quan Lạn, hội bơi chèo Quan Lạn, hội đua thuyền, ý nghĩa, giá trị, sự khác biệt Abstract In spite of being in the flow of traditional coastal festivals in the North, festival of Quan Lan communal house, Van Don district, Quang Ninh province still has differences from traditional festivals in general. The festival is both a historical festival and an activity of folk cultural belief. The festival of Quan Lan communal house contains unique native nuance and maritime culture of the people living in Van Don coasts. The article outlines the festival, the process of the boat racing festival, delves into the meaning of some rituals, activities taking place in the festival to clarify the value and difference of the festival in Quan Lan communal house. Keywords: Traditional festival, Quan Lan communal house, Quan Lan boat racing festival, meaning, value, difference 1. Khái quát về lễ hội đình Quan Lạn Đảo Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh được biết đến không chỉ là địa danh nổi tiếng với những bãi biển đẹp (như Minh Châu, Sơn Hào, Quan Lạn), hệ sinh thái rừng trâm thuần chủng, hệ sinh thái rừng ngập mặn, các di tích lịch sử quan trọng gắn liền với quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc (như thương cảng Vân Đồn, cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quan Lạn). Đây còn là một vùng văn hóa đặc sắc - văn hóa vùng biển đảo, được thể hiện rõ nét qua lễ hội truyền thống đình Quan Lạn. Lễ hội đình Quan Lạn, còn gọi là lễ hội truyền thống Vân Đồn hay hội bơi chèo Quan Lạn, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 20 tháng Sáu âm lịch hàng năm: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Tháng Sáu âm lịch chèo bơi thì về”. Lễ hội là dịp tưởng nhớ trận chiến Vân Đồn trên dòng sông Mang lịch sử vào năm 1288 và cầu mong các vị thần phù hộ cho dân chúng tránh được bão giông, đi biển đánh bắt được nhiều tôm cá. Nhân vật chính của lễ hội là các nhân vật lịch sử có thật: Trần Khánh Dư, một vị tướng tài ba có công lớn thời Trần, được vua Trần phong tước Nhân Huệ Vương, chức Phiêu Kỵ đại tướng quân. Ông là một vị tướng văn võ 15Số 30 (Tháng 12 - 2019) DI SẢN VĂN HÓA NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA song toàn, gắn bó với mảnh đất Vân Đồn; ba anh em họ Phạm người Quan Lạn: Phạm Công Chính, Phạm Quý Công và Phạm Thuần Dụng là các phó tướng của Trần Khánh Dư cùng tham gia chỉ huy và hy sinh trong trận chiến Vân Đồn năm 1288. Ngoài ra, tại đình Quan Lạn, nhân dân còn thờ các vị thần, nhân vật lịch sử: Vua Lý Anh Tông, người có công thành lập thương cảng Vân Đồn năm 1149; Không Lộ, Giác Hải, hai vị thiền sư thời Lý, là ông tổ của nghề đúc đồng nhưng ở đây lại được xem như ông tổ của nghề chài lưới, đánh bắt hải sản; công chúa Liễu Hạnh, người có công bảo vệ đất nước; các vị Tiên công đã có công khai phá vùng đất này. Các nghi lễ của lễ hội được thực hiện tại cụm di tích kiến trúc nghệ thuật Quan Lạn gồm đình, chùa, miếu Đức ông và nghè Trần Khánh Dư, nhưng không gian lễ hội bao trùm cả khu vực xã đảo Quan Lạn và các vùng lân cận. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có các nghi lễ chính như: Lễ mộc dục, lễ treo cờ hội, lễ Cai đám, lễ Nghinh thần, lễ khao quân, lễ tế Yên vị, lễ tế tại chùa, lễ tế tại miếu Đức Ông, lễ cầu bình yên, lễ xe giá hoàn cung1. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian như: đánh vật, kéo co, cờ người, đấu long đao, cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Tâm điểm của lễ hội đình Quan Lạn là Hội đua thuyền. Trò diễn này nhằm tái hiện trận chiến Vân Đồn trên dòng sông Mang lịch sử do Trần Khánh Dư chỉ huy đánh tan hơn 500 chiếc thuyền lương của quân giặc Nguyên Mông góp phần làm nên chiến thắng của quân và dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ III vào năm 1288. Sở dĩ dân làng chọn ngày 18 tháng Sáu là ngày đua thuyền, vì đó là ngày dân làng đón sắc của vua Trần ban thưởng công trạng cho quân dân Vân Đồn và những tướng sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Vân Đồn, có công tiêu diệt giặc Nguyên Mông. Hội đua thuyền bắt đầu từ lúc 14 giờ, ngày 18 tháng Sáu, vị trí tổ chức cuộc đua ở bến Đình trước khu di tích đình, chùa, miếu Quan Lạn. Từ ngày 13 tháng Sáu, dân làng chia làm hai phe Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ, lựa chọn tướng Văn, tướng Võ và các tay chèo, lập doanh trại để luyện quân, chuẩn bị thuyền đua, hai giáp làm lễ tế tại miếu Đức Ông để nhận lệnh lên đường (Ảnh 1). Khoảng 14 giờ 30 phút, lệnh của trung tâm được phát ra, hai cánh quân từ giáp Văn và giáp Võ “hành quân” từ doanh trại ra sân miếu, vừa đi vừa múa long đao, vừa đánh trống, cồng, phèng, la liên tục để biểu dương lực lượng. Khi hai bên gặp nhau tại điểm giữa trung tâm, tướng và quân reo hò như sấm dậy, binh khí chạm vào nhau tưởng Ảnh 1. Hai cánh quân giáp Văn và giáp Võ xếp hai hàng trước Miếu Đức Ông đợi lệnh xuống thuyền (Nguồn: Huy Hoàng Photo) Số 30 (Tháng 12 - 2019)16 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA như cuộc giao tranh trên chiến trường, hai tướng cầm đao dẫn đường, khi tung người lên, khi né tránh đối phương. Sau khi diễu hành đường lớn ba vòng, hai tướng dẫn quân theo hai cổng chạy vào trung tâm sân miếu Đức Ông, lượn ba vòng tròn khép kín. Quân Văn ở vòng trong, quân Võ ở vòng ngoài. Ở đây bắt buộc tướng và quân của hai giáp phải chạy nhanh và theo sát nhau. Sau đó tướng, quân hai giáp xếp thành hai hàng đứng trang nghiêm trước bàn thờ tưởng niệm. Phát lệnh hai hồi trống báo hiệu tới phần việc của các vị chức sắc trong làng, lần lượt các quan chức, hai tướng lên thắp nhang, tiếp đến hai tướng vào lễ thần rồi đưa quân xuống thuyền rồng. Đội hình xuống thuyền là 50 người, trong đó có 01 tướng, 34 quân chèo, 15 người còn lại gồm: trọng tài, người sử dụng sào, người sử dụng cồng, người lái, người đánh trống, người cầm cờ lọng, người phục vụ nước, chống đắm, dương văn, chỉ huy quân chèo (Ảnh 2). Đường đua trên biển dài khoảng 1.500m. Ngoài biển có cắm hai lá cờ trắng làm mốc dành cho hai đội. Tại đây có hai trọng tài đứng chứng kiến cuộc đua. Trong khi đua, hai thuyền chỉ được bơi trong khu vực hai hàng cờ. Mốc bắt đầu từ cây cờ trắng ngoài biển. Hai thuyền cùng hướng mũi về phía đó. Đến nơi, nhổ cờ trắng trao cho nhau rồi cùng nghỉ ngơi khoảng 30 phút để chuẩn bị bước vào cuộc đua. Thuyền của giáp Đông Nam Văn rẽ sang phía đông (thuyền Đông), thuyền của giáp Đoài Bắc Võ rẽ sang phía tây (thuyền Tây). Thuyền Đông rẽ sang đông quay vòng về phía tây, thuyền Tây rẽ sang tây vòng về phía đông, cứ như vậy ba vòng rồi theo hướng bến đình mà trở lại, hai tướng đứng ở mũi thuyền hiên ngang hùng dũng. Cờ tướng, cờ trung phất lên liên tục, đuôi cờ trung luôn sát đầu hai hàng quân chèo. Sau ba vòng lượn, hai thuyền chèo vào bến để hai tướng đọc lời rao. Tướng Văn đọc trước, tướng Võ đọc sau. Nội dung các bài rao nói lên lòng tự hào về truyền thống của cha ông, quyết tâm xây dựng quê hương và lời cầu mong mưa thuận gió hoà, trời yên biển lặng, công việc làm ăn phát đạt. Lời rao cũng như lời hịch, lời cáo hoặc lời truyền, một hình thức bố cáo phổ biến và phù hợp với thời đại nhà Trần xưa. Dứt lời rao của hai tướng, các tay chèo quay thật nhanh hai mũi thuyền rồng ra phía trước và dựng toàn bộ dầm, chèo lên be thuyền và ở tư thế chèo. Khi hiệu lệnh xuất phát, hai thuyền lao như tên bắn tới mục tiêu quy định. Lúc này quân tướng không một ai được nghỉ ngơi, ra sức đâm mái dầm thật sâu, vớt nước thật nhanh, tất cả đều theo nhịp trống, theo Ảnh 2. Đua thuyền trong lễ hội đình Quan Lạn (Nguồn: Huy Hoàng Photo) 17Số 30 (Tháng 12 - 2019) DI SẢN VĂN HÓA NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA tiếng hô “chèo”. Người điều khiển thuyền làm sao để khi quay thuyền, mặc chiều gió thuận hay nghịch, phải lợi dụng được sức gió, chống sào và cầm lái quay thuyền cho nhanh. Điểm về đích là một sợi dây thừng chăng ngang, nếu đầu thuyền rồng của bên nào chạm vào trước thì thuyền đó đạt giải nhất. Trong thời gian hai thuyền đua nhau, trên bờ dân làng và những người xem hội reo hò, cổ vũ không ngớt. Nếu nhìn thấy thuyền nào có khả năng vào trước thì tiếng reo hò cổ vũ cho bên đó lại càng vang dội hơn. Thuyền nào chạm tới bến trước, tướng sẽ được quân cõng chạy tới cột treo giải ở miếu Đức Ông, vuốt vào khăn đỏ là chiến thắng. Ngày nay, chỉ cần tướng kéo quân về lễ đài miếu Đức Ông để ban tổ chức trao giải. Dù thắng hay thua, hai tướng đều dẫn quân đứng nghiêm trang trước miếu Đức Ông để vào lễ thần, sau đó mới dẫn quân về doanh trại nghỉ ngơi. 2. Ý nghĩa, giá trị của lễ hội đình Quan Lạn Tồn tại hàng trăm năm qua, lễ hội đình Quan Lạn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Lễ hội gắn liền với mảnh đất, con người, nét văn hoá đặc trưng của một vùng biển đảo mang nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục và nhân văn sâu sắc. Điều này được thể hiện thông qua một số nghi lễ, hoạt động diễn ra trong lễ hội như sau: - Lễ treo cờ hội, tục khóa làng cùng tiếng trống thu quân vào ngày 10 tháng Sáu mang ý nghĩa báo hiệu có giặc xâm phạm bờ cõi Tổ quốc. Từ ngày này đến khi kết thúc lễ hội không ai được ra khỏi làng, nếu ai trái lệnh sẽ bị đốt thuyền. Sở dĩ lệnh nghiêm khắc như vậy vì xưa kia khi có giặc là có lệnh khóa làng để đảm bảo an toàn cho người dân. Tục khóa làng mở đầu vào hội thể hiện tâm thế ngày hội lịch sử, ngày hội đánh giặc truyền thống của nhân dân xã đảo. - Việc dựng doanh trại để luyện quân, diễu hành trên bờ, trên biển, tiếng trống, chiêng, thanh la, cùng tiếng reo hò, tiếng binh khí chạm vào nhau mỗi khi tướng và quân hai bên gặp nhau tại điểm giữa trung tâm khi diễu hành, tưởng như cuộc giao tranh trên chiến trường thực sự, cùng lời rao của tướng Văn, tướng Võ trước khi vào cuộc đua... Tất cả như tái hiện “Hào khí Đông A” của quân và dân nhà Trần thế kỷ XIII, thể hiện truyền thống lâu đời của mảnh đất Vân Đồn oai hùng. - Trang phục của người tham gia đua thuyền: quân giáp Văn mặc quần xanh áo trắng, chân quấn xà cạp xanh; quân giáp Võ trang phục quần xám đỏ, đầu thắt đai xanh (cũng có khi quân giáp Văn trang phục màu xanh viền vàng, đầu chít khăn vàng; quân giáp Võ trang phục áo đỏ, viền xanh, đầu chít khăn đỏ); Tướng Văn mặc áo xanh, tướng Võ mặc áo đỏ (gọi là áo phù giá) thắt đai chéo hai bên, cả hai đều có mũ, giày và thanh long đao. Hai tướng được hóa trang “mắt phượng, mày ngài” Tất cả nhằm khắc họa khí chất trung dũng, oai phong, lẫm liệt, văn võ song toàn của tướng Trần Khánh Dư; sự tinh nhuệ, thiện chiến, kỷ luật cao của binh sĩ nhà Trần. - Hành động của quân và tướng hai giáp (giáp Văn, giáp Võ) diễu hành trên bờ 3 vòng, chạy trong sân miếu Đức Ông 3 vòng, cũng như việc hai thuyền khởi động 3 vòng trên biển, mang ý nghĩa tượng trưng cho ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân nhà Trần thế kỷ XIII. - Hai thuyền diễu hành trên biển có chỗ nghỉ ước chừng 30 phút, tượng trưng lúc quân ta mai phục chỗ khúc sông hẹp nhất, bất ngờ tung ra đánh phủ đầu tiêu diệt đoàn tải lương của giặc Nguyên Mông tại dòng sông Mang (địa danh Vân Đồn xưa). Số 30 (Tháng 12 - 2019)18 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA - Khi đua, các tay chèo ra sức đâm mái dầm thật sâu, vớt nước thật nhanh, tất cả đều theo nhịp trống, theo tiếng hô “chèo”; khi quay thuyền, phải biết lợi dụng sức gió, chống sào và cầm lái quay thuyền cho nhanh. Đó chính là bí quyết làm nên chiến thắng của mỗi chiến thuyền, đồng thời cũng thể hiện tính đoàn kết, sự đồng tâm hợp lực và kinh nghiệm đi biển của cư dân nơi đây. - Việc làm lễ và thả đèn hoa đăng tối 17 tháng Sáu mang ý nghĩa cầu cho những linh hồn chết trận, kể cả những linh hồn quân giặc Nguyên Mông thua trận, được siêu thoát, được về quê bình an. Cũng vì nghĩa này mà các cây đèn hoa đăng có nhiều màu: màu xanh tượng trưng cho những người chết trẻ, màu hồng tượng trưng cho người lính, màu vàng tượng trương cho những người tướng trong quân đội nhà Trần; màu đen và màu tím tượng trưng cho linh hồn quân giặc Nguyên Mông Màu sắc của các cây đèn hoa đăng thể hiện truyền thống nhân văn và lòng vị tha của dân tộc Việt Nam. - Việc hóa mã các ngựa thần, hai chiếc thuyền giấy trong lễ cầu bình yên sáng ngày 20 tháng Sáu mang ngụ ý: trang bị phương tiện cho các linh hồn trở về quê hương sau khi kết thúc lễ hội. Đây là nghi thức mang đậm nét tín ngưỡng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. - Các nghi lễ, bài diễn xướng, văn tế, lời rao, trong lễ hội đều bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng và ước muốn của nhân dân vùng biển đảo với các vị anh hùng dân tộc, với lực lượng siêu nhiên; thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ tôn vinh với người có công với nước, với làng; giáo dục thế hệ trẻ giữ vững truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông và có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Những nghi lễ, những hoạt động diễn ra trong lễ hội cho thấy, lễ hội đình Quan Lạn không chỉ là một sinh hoạt văn hoá dân gian đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hoá và sinh hoạt tinh thần của người dân Quan Lạn (nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển), mà còn là một lễ hội lịch sử có quy mô tầm vóc quốc gia, thể hiện tinh thần thượng võ chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền đất nước. Thông qua lễ hội, bản sắc văn hoá và lòng tự hào dân tộc ngày càng được khẳng định, từ đó xây dựng niềm tin, củng cố tình đoàn kết, gắn bó của người dân xã đảo. Với những ý nghĩa và giá trị đó, lễ hội đình Quan Lạn là một di sản văn hóa quý báu cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. 3. Sự khác biệt của lễ hội đình Quan Lạn Lễ hội đình Quan Lạn có những điểm tương đồng về nghi lễ, nghi thức thờ cúng và tế lễ như các lễ hội truyền thống nói chung, nhưng bên cạnh đó vẫn có nhiều điểm khác biệt: - Về địa điểm tổ chức lễ hội: Điều khác biệt của lễ hội đình Quan Lạn là diễn ra ở nhiều di tích: đình, chùa, miếu, nghè, chứ không chỉ diễn ra ở một di tích đình/đền/chùa/miếu như các lễ hội ở làng quê khác. Ở lễ hội đình Quan Lạn, đình cũng đóng một vai trò quan trọng. Vào hội, dân làng rước tượng, sắc phong của Trần Khánh Dư từ nghè về đình, tổ chức nhiều nghi lễ của lễ hội tại đây. Song các hoạt động chính của hội đua thuyền lại diễn ra ở miếu Đức Ông. Có lẽ do đặc trưng là lễ hội mang đậm dấu ấn lịch sử đánh giặc, nên hoạt động chủ yếu được tổ chức ở miếu Đức Ông, là nơi thờ một trong các phó tướng của Trần Khánh Dư, người Quan Lạn, trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong trận chiến Vân Đồn xưa. - Về các vị thần được thờ cúng trong lễ hội: Thông thường, mỗi làng khi tổ chức lễ hội chỉ trình báo với một hay hai thần (hoặc thánh). Trong khi đó, lễ hội đình Quan Lạn cũng là 19Số 30 (Tháng 12 - 2019) DI SẢN VĂN HÓA NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA trình thần, hầu thần nhưng không phải với một hay hai thần mà là đa thần: ngoài thờ Trần Khánh Dư và ba anh em họ Phạm, nhân dân còn thờ các vị thần, nhân vật lịch sử và các vị tiên công. - Về hội đua thuyền trong lễ hội: Nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ninh cũng tổ chức đua thuyền/bơi chải vào dịp lễ hội như: Hội đua thuyền trong lễ hội đình Trà Cổ chỉ mang tính hội nhằm vui chơi, giải trí; hay lễ hội bơi chải Bạch Đằng ở đảo Hà Nam lại mang đậm dấu ấn nông nghiệp là cầu mùa màng tốt tươi. Nhưng hội đua thuyền trong lễ hội đình Quan Lạn vừa mang tính lễ, vừa mang tính hội. Ở đây, hội đua thuyền diễn ra dưới hình thức là một cuộc đua tài, diễn lại trận chiến Vân Đồn năm 1288, ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần liên quan tới các danh tướng là Trần Hưng Đạo và Trần Khánh Dư, cùng các nghi thức tế lễ cáo thần, dâng hương nghĩa sĩ, diễu võ dương oai, múa đao dẹp đường; nội dung lời rao của tướng Văn, tướng Võ nói lên lòng tự hào về truyền thống của cha ông, quyết tâm xây dựng quê hương và cầu mong mưa thuận gió hoà, một năm trời yên biển lặng, công việc làm ăn phát đạt. Như vậy, lễ hội vừa mang đậm tính lịch sử, vừa mang dấu ấn của lễ hội nông nghiệp, cầu mong mùa màng tốt tươi. - Về thành viên tham gia hội đua thuyền: Ở các hội đua thuyền nói chung, dân làng thường chọn những người tham gia đua thuyền là những thanh niên khỏe mạnh, thể lực tốt, bơi lội giỏi và phải vững tay chèo, không có tướng chỉ huy cuộc đua. Ở lễ hội đình Quan Lạn, người tham gia đua thuyền ngoài việc đảm bảo các tiêu chí như vậy, còn có các tiêu chí khác như: bắt buộc phải là người địa phương, đã làm lễ cai đám từ khi 10 tuổi. Đặc biệt, dân làng còn phong tướng (tướng Văn, tướng Võ). Người được phong tướng đảm bảo các tiêu chí: có độ tuổi từ 45 tuổi trở lên, có tài đức, có địa vị, uy tín với làng xã, thành đạt trong công việc, gia đình vẹn toàn, hạnh phúc, con cháu trưởng thành. Tướng Văn ở giáp Đông Nam, tướng Võ ở giáp Đoài Bắc. Người được phong tướng có quyền tham vấn việc làng, võng lọng trong lễ hội, chủ trì đội đua thuyền; có nghĩa vụ khao quân, khao nguyên lão, nguyên tướng; hiệu triệu dân làng theo gương tiền nhân tiên công mở đất, bảo vệ non sông hải đảo. Đây là nét riêng độc đáo chỉ có trong lễ hội đình Quan Lạn. - Về giải thưởng: Ở các hội đua thuyền nói chung chỉ trao giải cho đội thắng cuộc, nhưng ở hội đua thuyền Quan Lạn, dù thắng hay thua thì cả hai đội đều được ban tổ chức trao giải, bởi ở đây giải của cuộc đua chỉ là vấn đề rất phụ. Vấn đề chính là các thành viên được tham gia vào hội đua. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là sự tưởng nhớ bái vọng về những năm tháng hào hùng trong lịch sử giữ nước của ngư dân biển đảo. Đây mới là ý nghĩa chân chính mà mỗi người dân làng Quan Lạn bao đời hướng tới. Ngoài những điểm khác biệt nêu trên, lễ hội đình Quan Lạn còn mang những nét văn hóa riêng của người dân Quan Lạn: - Tiếng trống thu quân được đánh vào ngày 10 tháng Sáu. Đây là một kiểu đánh trống truyền thống đặc biệt với giai điệu trầm bổng rất riêng. Người đánh trống thể hiện nhiều động tác khoẻ khoắn nhưng rất uyển chuyển như múa. Người đánh trống không do truyền dạy mà nó như một cơ duyên, phải tự nghe, hiểu và tự đánh theo, nếu có năng khiếu mới thuần thục được. Nhiều người nghe và thích đánh trống nhưng rất ít người cảm nhận và đánh được điệu trống này. - Điệu múa Long đao được thể hiện trong cuộc diễu hành của đội đua thuyền. Đao là Số 30 (Tháng 12 - 2019)20 NGHIÊN CỨUVĂ N HÓA một vũ khí của các võ tướng, với những thế võ binh khí chủ yếu là đỡ, chém xuống, chém ngược, che toàn thân (quay tròn đao). Nó biểu tượng của sự dẻo dai, rèn luyện sức khỏe và tinh thần thượng võ và sức mạnh của người dân đảo Quan Lạn. Đây là một trò diễn độc đáo của lễ hội đình Quan Lạn không nơi nào có được. Quy tụ nhiều ý nghĩa, giá trị và sự khác biệt mang đặc trưng văn hóa vùng biển đảo, cùng với sự thấm đẫm tinh thần thượng võ dân tộc, lễ hội đình Quan Lạn không chỉ có sức thu hút đối với đông đảo người dân trên đảo, mà còn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Mỗi dịp lễ hội là dịp người dân trên đảo thể hiện tinh thần đoàn kết, sự gắn kết cộng đồng làng xã. Lễ hội là cơ hội để họ được sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, là chốn