Lực lượng vũ trang Bình Xuyên ở Nam Bộ (1945 – 1961)

TÓM TẮT Sau năm 1945, từ những nhóm chuyên hành nghề cướp giật, Bình Xuyên đã phát triển thành một đội quân hàng ngàn binh sĩ với nhiều nguồn gốc và xu hướng chính trị khác nhau. Giai đoạn đầu sau khi thành lập, Bình Xuyên tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ giữa năm 1948, Bình Xuyên phân hóa mạnh mẽ, một bộ phận trung thành đi theo kháng chiến, bộ phận khác dưới quyền Lê Văn Viễn đầu hàng Pháp. Sau năm 1954, Lê Văn Viễn thất bại trong cuộc xung đột với Ngô Đình Diệm, một bộ phận tan rã, một bộ phận nhỏ được chuyển hóa thành lực lượng cách mạng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.

pdf10 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 113 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lực lượng vũ trang Bình Xuyên ở Nam Bộ (1945 – 1961), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY Số 68 (02/2020) No. 68 (02/2020) Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn 57 LỰC LƯỢNG VŨ TRANG BÌNH XUYÊN Ở NAM BỘ (1945 – 1961) Bình Xuyên armed forces in Southern Vietnam (1945 – 1961) ThS. Phạm Văn Phương Trường Đại học Sài Gòn TÓM TẮT Sau năm 1945, từ những nhóm chuyên hành nghề cướp giật, Bình Xuyên đã phát triển thành một đội quân hàng ngàn binh sĩ với nhiều nguồn gốc và xu hướng chính trị khác nhau. Giai đoạn đầu sau khi thành lập, Bình Xuyên tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ giữa năm 1948, Bình Xuyên phân hóa mạnh mẽ, một bộ phận trung thành đi theo kháng chiến, bộ phận khác dưới quyền Lê Văn Viễn đầu hàng Pháp. Sau năm 1954, Lê Văn Viễn thất bại trong cuộc xung đột với Ngô Đình Diệm, một bộ phận tan rã, một bộ phận nhỏ được chuyển hóa thành lực lượng cách mạng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Từ khóa: Lực lượng vũ trang Bình Xuyên, Lê Văn Viễn, Dương Văn Dương, Nam Bộ ABSTRACT After 1945, from groups frequently committing robbery, Bình Xuyên has grown into an army of thousands of soldiers with various backgrounds and political trends. In the first phase after its establishment, Bình Xuyên actively participated in the resistance war against the French. Since the middle of 1948, Bình Xuyên was strongly divided with a loyal part following the Resistance and another part under Lê Văn Viễn surrendering to France against the Resistance. After 1954, Lê Văn Viễn failed in the conflict with Ngô Đình Diệm; consequently, Bình Xuyên disintegrated, and a small part was converted into a revolutionary force to participate in the Resistance against America to reunify the country. Keywords: Bình Xuyên armed forces, Lê Văn Viễn, Dương Văn Dương, Southern Vietnam 1. Mở đầu Lực lượng vũ trang Bình Xuyên là một hiện tượng phức tạp, mang tính đặc thù ở Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ. Bình Xuyên được gọi là lực lượng vũ trang giáo phái, mặc dù thiếu nền tảng tôn giáo như Cao Đài hoặc Hòa Hảo. Trong giai đoạn xâm lược Việt Nam (1945 – 1954) thực dân Pháp coi Bình Xuyên là lực lượng thuộc phụ lực quân (lực lượng quân sự bổ túc), và hưởng quy chế của phụ lực quân. Bình Xuyên thường được cho là có nguồn gốc từ dân giang hồ, trộm cướp, hợp tác với Pháp chống lại kháng chiến. Bài viết của chúng tôi tập trung vào việc tìm hiểu quá trình hình thành, hoạt động và phân hóa của lực lượng vũ trang Bình Xuyên qua các giai đoạn lịch sử, với những chuyển biến và thái độ chính trị khác nhau. Email: phuongsgu1982@gmail.com SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 68 (02/2020) 58 2. Nội dung 2.1. Thời kỳ hình thành và tham gia kháng chiến chống Pháp Khoảng những năm 1930, phía Nam Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, một số nông dân, công nhân trốn thuế thân, phạm tội truy nã, những người có tính cách ngang tàng kéo bè, kết cánh hình thành các phe nhóm chuyên sống bằng nghề bảo kê bài bạc, nhà thổ, cướp giật. Tên gọi của các nhóm này lấy theo tên của những người cầm đầu như: Trần Văn Hoàng (Ba Hoàng), Trần Văn Đối (Sáu Đối), Trần Văn Thơ (Sáu Thơ), Đoàn Văn Ngọc (Ba Ngọc), Quách Văn Phải (Chín Phải), Mai Văn Vĩnh (Hai Vĩnh).v.v. Ngoài ra, có một số nhân vật: Nguyễn Văn Mạnh (thầy dạy võ), Dương Văn Dương (làm nghề chăn vịt) nhờ giỏi võ nghệ và có uy tín nên được giới giang hồ trong khu vực nể trọng. Từ rất sớm, những người cộng sản đã có ý thức tranh thủ lực lượng giang hồ để chống Pháp. Trước ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (11/1940), Nguyễn Văn Trân (đảng viên cộng sản) đến khu vực Nhà Bè, Cần Giuộc gặp gỡ, thuyết phục các nhóm giang hồ dừng hoạt động cướp giật, bảo kê để tham gia đánh Pháp giành độc lập. Nhóm Nguyễn Văn Mạnh, Mai Văn Vĩnh đồng ý tham gia, do khởi nghĩa không diễn ra ở Sài Gòn, nên lực lượng của Nhà Bè nói chung không bị lộ. Trong Cách mạng tháng Tám, lực lượng giang hồ tham gia tích cực vào việc giành chính quyền ở quận lỵ Nhà Bè và các làng trong quận. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, các nhóm giang hồ khu vực Nhà Bè, Cần Giuộc, Thủ Thiêm đã tích cực thu thập vũ khí, luyện tập quân sự, phát triển quân số. Ngoài lực lượng giang hồ, còn có bộ phận vũ trang của các tổ chức Đảng, của Tổng Công đoàn Nam Bộ tham gia tích cực vào các hoạt động chống Pháp. Tháng 10/1945, hàng chục đơn vị vũ trang với nhiều nguồn gốc khác nhau đang hoạt động ở quận Nhà Bè và vùng lân cận đã được tổ chức lại thành một lực lượng thống nhất, với quân số hơn 2.000 người. Toàn bộ lực lượng này do Dương Văn Dương chỉ huy trưởng - Tổng hành dinh đặt tại xóm Bến Đò, cầu Rạch Đỉa, làng Tân Quy (Nhà Bè) (Hồ Sơn Đài, 2005, tr.28). Lực lượng vũ trang của Dương Văn Dương đánh giặc tại Mặt trận số 4(1), ngăn quân Pháp đánh ra các vùng ngoại vi phía Nam thành phố, tạo điều kiện cho chính quyền cách mạng phía sau có thời gian chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Từ cuối tháng 10/1945, các mặt trận xung quanh Sài Gòn bị vỡ, các lực lượng vũ trang chiến đấu trên địa bàn Nhà Bè, Cần Giuộc rút về rừng Sác. Đầu tháng 11/1945, tại ấp Phước Cơ, xã Đa Phước, quận Cần Giuộc (Chợ Lớn), Hội nghị quân sự được tổ chức dưới sự chủ trì của Nguyễn Văn Hoành (Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh Chợ Lớn). Hội nghị đã bầu Dương Văn Dương làm chỉ huy trưởng toàn bộ lực lượng vũ trang Nhà Bè và Cần Giuộc, Nguyễn Văn Mạnh làm tham mưu trưởng. Về tên gọi, lúc đầu các nhóm vũ trang chiến đấu trên địa bàn Nhà Bè nên gọi chung là Lực lượng vũ trang Nhà Bè, về sau những người tham dự hội nghị đã quyết định lấy tên Bình Xuyên(2) – Bộ đội Bình Xuyên làm danh xưng. Bộ đội Bình Xuyên được tổ chức thành 2 chi đội lấy phiên hiệu là Chi đội 2 và Chi đội 3 thuộc Khu 7, một bộ chỉ huy chung gọi là Bộ Chỉ huy Liên chi đội 2 và 3 Bình Xuyên được bầu ra, do Dương Văn Dương làm chỉ huy trưởng (Hồ Sơn Đài, 2005, tr.55). Như vậy, tên gọi Bộ đội Bình Xuyên PHẠM VĂN PHƯƠNG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 59 ra đời vào khoảng cuối năm 1945, thành phần hợp thành “Bộ đội Bình Xuyên” không phải chỉ có nguồn gốc từ dân giang hồ mà đến từ nhiều nguồn khác nhau: có bộ phận vũ trang của các tổ chức ở địa phương xây dựng, có bộ phận đến từ Tổng công đoàn Nam Bộ chi viện, có bộ phận là nam nữ thanh niên yêu nước tham gia kháng chiến. Thời điểm này, trên địa bàn Quân khu 7 thành lập thêm một số chi đội về sau cũng được gọi là bộ đội Bình Xuyên như Chi đội 4 (bộ đội Huỳnh Văn Trí), Chi đội 7 (bộ đội Nguyễn Văn Mạnh, Mai Văn Vĩnh), chi đội 9 (Bộ đội Lê Văn Viễn – Bảy Viễn), chi đội 21 (Bộ đội Nguyễn Văn Hoạch), chi đội 25 (bộ đội Tư Tỵ). Tháng 2/1946, theo lệnh của Khu bộ trưởng Khu 7 - Nguyễn Bình, một bộ phận của Liên chi đội 2 và 3 gồm 5 đại đội (khoảng 500 người) do Dương Văn Dương chỉ huy vượt sông Soài Rạp, hành quân về Bến Tre chi viện cho mặt trận An Hóa. Tại chiến trường Bến Tre, bộ đội Bình Xuyên tham gia nhiều trận đánh chống quân Pháp. Trong một trận càn, Dương Văn Dương trúng đạn hy sinh(3), Bình Xuyên mất đi một thủ lĩnh uy tín, có khả năng tập hợp được nhiều nhóm giang hồ cá biệt. Dương Văn Hà – em trai của Dương Văn Dương được bầu làm chỉ huy trưởng Liên chi đội 2 và 3. 2.2. Âm mưu của thực dân Pháp và sự kiện “thanh trừng” trong lực lượng Bình Xuyên Thất bại trong chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” buộc thực dân Pháp phải chuyển sang chiến lược đánh lâu dài “dùng người Việt đánh người Việt”. Thực hiện chiến lược mới, một mặt Pháp lập ra Chính phủ Nam Kỳ tự trị, mặt khác tìm cách lôi kéo các lực lượng tôn giáo, giáo phái chống lại kháng chiến. Lê Văn Viễn (Bảy Viễn), một tướng cướp trở thành con bài của tình báo Pháp để thâm nhập, khống chế Bình Xuyên. Tháng 2/1946, Lê Văn Viễn đưa Chi đội 9) từ Vườn Thơm – Bà Vụ (Chợ Lớn) xâm nhập vào rừng Sác rồi kéo đến Tổng hành dinh Bình Xuyên ở xã Phước An (Long Thành). Lúc này, Dương Văn Dương đã hi sinh, Lê Văn Viễn âm mưu dùng vốn liếng giang hồ để tìm cách nắm lấy lực lượng vũ trang Bình Xuyên. Giữa tháng 6/1946, lấy lý do cần thống nhất lực lượng để có sức mạnh đánh Pháp, nhân danh chỉ huy Chi đội 9, Lê Văn Viễn mời chỉ huy trưởng và phó các Chi đội 2, 3, 4, 7, 9, 21, 25 đến Ba Giồng – xã An Thới Đông (Rừng Sác – Cần Giờ) để bàn về lập “Liên quân các chi đội”, “Liên khu Bình Xuyên”. Những người tham dự Hội nghị đã thống nhất một số nội dung: + Tất cả các chi đội 2, 3, 7, 4, 9, 21, 25 đều mang danh xưng Bình Xuyên. + Lực lượng Bình Xuyên mở rộng thống nhất thành một khối. + Bầu Lê Văn Viễn làm tổng chỉ huy các lực lượng Bình Xuyên. + Lập “Liên khu Bình Xuyên” trong trong phạm vi Rừng Sác (Câu lạc bộ truyền thống Trung đoàn 300, 2002, tr.15). Như vậy, từ giữa năm 1946, Bộ đội Bình Xuyên từ hai chi đội: Chi đội 2, Chi đội 3 đã được mở rộng thành bảy chi đội. Với sự mở rộng này, Lê Văn Viễn trở thành người đứng đầu Bình Xuyên. Trước tình hình mới, Bộ chỉ huy Quân khu 7 đã quyết định phong Lê Văn Viễn làm Khu bộ phó; Chấp nhận lập Liên khu Bình Xuyên, và chỉ định Dương Văn Hà làm chỉ huy trưởng, Nguyễn Văn Mạnh làm tham mưu trưởng. Mục đích việc lập Ban chỉ huy Liên khu Bình Xuyên là để phân quyền lực, không để SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 68 (02/2020) 60 Lê Văn Viễn nắm Bình Xuyên. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy Liên khu Bình Xuyên chỉ có danh nghĩa mà không hoạt động. Do đó, lấy vị thế của Khu bộ phó Khu 7, Lê Văn Viễn dần dần từng bước chi phối các chi đội: 9, 21, 25 (Câu lạc bộ truyền thống Trung đoàn 300, 2002, tr.15). Lê Văn Viễn lập ra 20 ban do thám, thành phần chủ yếu là dân lưu manh, lính biệt kích, hạ sĩ quan. Các ban do thám này có nhiều hoạt động gây tổn hại cho kháng chiến: “Bọn này thủ tiêu người theo lệnh của Tài, Sang, Bảy Viễn. Danh từ “mò tôm”, “gãy chèo” cũng từ bọn này mà ra. Chúng cờ bạc, rượu chè công khai, uy hiếp dân, bắt người có của nộp tiền, tổ chức tiệc tùng cho chúng ăn nhậu, bắt nhà có con gái đẹp gả cho chúng...” (Câu lạc bộ truyền thống Trung đoàn 300, 2002, tr.17). Ngoài các ban do thám, Lê Văn Viễn đặt 40 trạm thu thuế trong rừng Sác vừa để thu thuế vừa theo dõi mọi di chuyển, truyền đi tin tức về Tổng hành dinh. Tháng 3/1947, Lê Văn Viễn lập ra Bộ Tham mưu Bình Xuyên nhằm khống chế các chi đội 2, 3, 4, 7 (còn chưa chịu sự chi phối). Tuy bề ngoài, Lê Văn Viễn là Khu bộ phó Khu 7, nhưng thái độ bên trong gần như đã chuyển biến hoàn toàn. Những cán bộ bị tình nghi là đảng viên cộng sản bị khủng bố, thủ tiêu; bắt giam một số chính trị viên cấp đại đội và trung đội, răn đe những người có ý kiến phải đối. Lê Văn Viễn cho người tiếp xúc với cơ quan tình báo Pháp để thỏa hiệp về một vùng lãnh thổ “tự trị” ở Sài Gòn (A.W.McCoy, 1972, tr.115). Tháng 11/1947, Quân khu 7 thành lập Trung đoàn 300 do Đặng Văn Thìn (Mười Thìn) làm Trung đoàn trưởng. Sau khi thành lập, Trung đoàn 300 sáp nhập vào Liên chi đội 2 và 3, quyết định này đưa Trung đoàn 300 trở thành “đơn vị thứ tám” của bộ đội Bình Xuyên (Câu lạc bộ truyền thống Trung đoàn 300, 2002, tr.24). Những hành động của Lê Văn Viễn đều được Đảng ủy Trung đoàn 300 báo cáo về Khu 7 và đề nghị Khu ủy có chủ trương đối phó. Tháng 4/1948, Lê Văn Viễn được Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ (UBKCHC) phong chức Khu bộ trưởng Khu 7. Cuối tháng 4/1948, Khu 7 cử Huỳnh Văn Nghệ (Khu bộ phó Khu 7) xuống Rừng Sác thuyết phục Lê Văn Viễn đi Đồng Tháp Mười nhận chức, mặt khác bí mật chỉ thị Ban Chỉ huy Trung đoàn 300 chuẩn bị một kế hoạch thanh trừng. Nhiệm vụ của cuộc thanh trừng là bắt giữ các tình báo viên của cơ quan tình báo Pháp, những phần tử hô hào chống kháng chiến, chống cộng, những kẻ có tội ác với nhân dân; giải tán tổ chức bất hợp pháp của Lê Văn Viễn ở các chi đội 9, 21, 25 (Câu lạc bộ truyền thống Trung đoàn 300, 2002, tr.34). Các chi đội 2, 3, 4, 7 Bình Xuyên trung thành với đường lối kháng chiến không phải là đối tượng của cuộc thanh trừng này. Ban chỉ đạo thanh trừng do Quân khu chỉ định gồm: Nguyễn Đức Huy (Phó bí thư Khu ủy, kiêm bí thư Đảng bộ Liên chi đội 2 và 3); các ủy viên gồm: Dương Văn Hà (Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Liên chi đội 2 và 3); Nguyễn Việt Hồng (Phó bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Trung đoàn 300); Trương Văn Bang (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 922); Võ Văn Thạnh (Tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 300). Tối 27/5, một bộ phận của Trung đoàn 300 bắt giữ Nguyễn Văn Tỵ (Tư Tỵ - chỉ huy Chi đội 25) người đang thay Lê Văn Viễn ở Tổng hành dinh. Sáng ngày 28/5, tất cả các cánh quân theo kế hoạch thực PHẠM VĂN PHƯƠNG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 61 hiện nhiệm vụ, đến chiều cùng ngày, cuộc thanh trừng về cơ bản kết thúc, các mục tiêu đều hoàn thành nhiệm vụ. Hầu hết tay chân thân tín của Lê Văn Viễn, nhân viên tình báo Pháp, 10 gián điệp, một số đối tượng trong Chi đội 9, 21, 25; 70% lực lượng trong các ban trừ gian, các trạm thu thuế bị bắt (Hồ Sơn Đài, 2005, tr.162). Sự kiện thanh trừng đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong Lực lượng vũ trang Bình Xuyên. Do yêu cầu mới của cuộc kháng chiến, toàn thể cán bộ chiến sĩ Bình Xuyên dần dần được biên chế, sáp nhập, bổ sung với các đơn vị khác để thành lập các trung đoàn chính quy như: 300, 301, 302, 304, 306, 307, 308, 310, 311, 312.v.v. Một bộ phận khác được bổ sung vào lực lượng vũ trang của các tỉnh, thành phố, các huyện trên địa bàn Quân khu 7. Từ tháng 9-1949, lực lượng vũ trang Bình Xuyên kháng chiến không còn dấu tích, phiên hiệu riêng, họ đã hòa mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc. 2.3. Lực lượng vũ trang Bình Xuyên ly khai Thời điểm Lê Văn Viễn đang ở chiến khu Đồng Tháp Mười, cuộc thanh trừng trong nội bộ Bình Xuyên diễn ra. UBKCHC Nam Bộ thông báo cho Lê Văn Viễn lệnh đình chỉ không đến kịp, và đề nghị giao nộp Lại Hữu Tài, Lại Văn Sang, Viễn vẫn sẽ nhậm chức Khu bộ trưởng Khu 7. Trước đề nghị của UBKCHC Nam Bộ, Lê Văn Viễn từ chối, cho Lại Hữu Tài về Sài Gòn liên lạc với thực dân Pháp chuẩn bị ra đầu hàng. Trước thái độ của Lê Văn Viễn, UBKCHC Nam Bộ không có hành động ngăn chặn vì: “để cho Bảy Viễn tự chọn con đường của mình” (Câu lạc bộ truyền thống Trung đoàn 300, 2002, tr.50). Với đoàn hộ tống khoảng 200 binh lính, Lê Văn Viễn hành quân về hướng Sài Gòn. Trên đường đi, đại bộ phận chiến sĩ trong đoàn tìm cách tách ra quay lại với kháng chiến, khi đến xã An Phú (Cần Giuộc) Lê Văn Viễn chỉ còn lại gần 40 người, phần lớn là chỉ huy (Hồ Sơn Đài, 2005, tr.168). A.M. Savani (trưởng phòng tình báo của Pháp ở Nam Bộ) trực tiếp xuống Cần Giuộc thuyết phục Lê Văn Viễn đầu hàng. Ngày 13-8-1948, lễ “ra mắt” của “Bình Xuyên ly khai” được tổ chức tại chợ Phạm Thế Hiển, có sự tham gia của các quan chức thực dân Pháp và chính phủ bù nhìn Bảo Đại. Tại buỗi lễ, Lê Văn Viễn hứa trung thành với “chính phủ Quốc gia” và “chiến đấu chống Việt Minh và cộng sản độc tài” (A.W.McCoy, 1972, tr.116). Tướng De Latour (chỉ huy quân đội Pháp ở Nam Bộ) thay mặt nhà cầm quyền Pháp – Việt tiếp nhận Bình Xuyên ly khai, gắn cho Lê Văn Viễn quân hàm đại tá. Như vậy, từ tháng 8/1948 “Bình Xuyên ly khai” là một lực lượng vũ trang hoàn toàn mới, không liên quan gì đến Bộ đội Bình Xuyên yêu nước, kháng chiến trước đó. “Bình Xuyên ly khai” thực chất là một tổ chức vũ trang ô hợp, được lập ra bởi Lê Văn Viễn và cơ quan tình báo Pháp để chống lại kháng chiến. Với nguồn cung cấp tài chính, vũ khí từ thực dân Pháp, Lê Văn Viễn tiếp tục tăng cường lực lượng, xây dựng sở chỉ huy, doanh trại. Cuối năm 1948, lực lượng Bình Xuyên ly khai đã có một trung đoàn với 6 tiểu đoàn quân sự; 3 tiểu đoàn cảnh sát. Tổng hành dinh của Lê Văn Viễn đặt ở khu vực phía Nam cầu chữ Y (quận 8 hiện nay). Bình Xuyên ly khai được giao đảm trách khu vực phía Nam và Đông Nam Sài Gòn, (khu vực Nhà Bè, Quận 7, Quận 8, Bình Chánh, Cần Được, Cần Giuộc, Cần SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 68 (02/2020) 62 Giờ hiện nay). Như vậy, địa bàn kiểm soát của Bình Xuyên ly khai bao trọn cả vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và cả khu vực rừng Sác (căn cứ cũ của Bình Xuyên). Để chống lại kháng chiến, Pháp giao luôn cho Bình Xuyên kiểm soát các tuyến thủy lộ từ biển vào thương cảng Sài Gòn (Lê Văn Dương, 1972, tr.410). Ngoài khoản trợ cấp thường xuyên hàng năm đến từ thực dân Pháp, Bình Xuyên tiến hành nhiều hoạt động kinh tế cả công khai lẫn bí mật như: khai thác gỗ, thu thuế, thiết lập các đoàn vận tải, thiết lập các công ty xe đò từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây và Vũng Tàu, bắt cóc tống tiền, bảo kê hoạt động mại dâm, mở nhà chứa ở xóm Bình Khang(4), giành quyền điều hành sòng bài Kim Chung (Cloche d'Or), sòng bài Đại Thế Giới (Grand Monde)(5). Từ năm 1950, Bình Xuyên tham gia vào đường dây điều chế và phân phối thuốc phiện của cơ quan tình báo Pháp. Năm 1954, Bình Xuyên kiểm soát hầu như tất cả các nhà máy điều chế thuốc phiện và việc phân phối trên toàn Nam Bộ (A.W.McCoy, 1972, tr.109). Tháng 4/1954, Bảo Đại giao chức vụ Giám đốc cảnh sát Quốc gia cho Lại Văn Sang, một tay chân thân tín của Lê Văn Viễn với giá được cho là khoảng 1 triệu USD (Gabriel Kolko, 1991, tr.110). Lại Văn Sang đưa người của Bình Xuyên làm Giám đốc cảnh sát Sài Gòn – Chợ Lớn, thải hồi các nhân viên cũ và lập một lực lượng cảnh sát mới gọi là “Công an xung phong”. Nắm được lực lượng cảnh sát, người của Bình Xuyên được tự do đi lại ở Sài Gòn – Chợ Lớn mà gần như không gặp phải bất kỳ sự kiểm soát nào. Từ một nhóm vũ trang tập hợp toàn những thành phần côn đồ, bất hảo, phạm pháp, Bình Xuyên “trở thành Mafia giữ an ninh cho vùng Sài Gòn – Chợ Lớn” (Bảo Đại, 1990, tr.417). Sau Hiệp định Genève (7/1954), Bình Xuyên kiểm soát tiểu khu chiến Bình Xuyên (khu vực gồm một phần Quận 8, Quận 7 và Nhà Bè ngày nay), Kervella (Rừng Sác), Phú Mỹ (Bà Rịa). Tiểu khu chiến Bình Xuyên có 23 đồn lớn, 20 bót nhỏ; Tiểu khu chiến Kervella có 3 đồn lớn; Tiểu khu chiến Phú Mỹ gồm có 3 đồn lớn (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Hồ sơ số 4343, tờ 20). Tổng cộng, Bình Xuyên có gần 3.000 binh lính, sĩ quan chia thành 5 tiểu đoàn, chỉ huy chung là Lê Văn Viễn (thiếu tướng), Tổng Hành dinh đóng ở khu vực gần cầu chữ Y. Ngoài lực lượng quân sự, Lê Văn Viễn còn có công an xung phong với quân số 1.500 binh sĩ, biên chế thành 2 tiểu đoàn, các tiểu đoàn chia thành các đại đội, trung đội đóng chốt rải rác ở 21 đồn khắp trong khu vực nội thành Sài Gòn – Chợ Lớn như: bót Théophile Đa Kao, sòng bài Kim Chung, sòng bài Đại Thế Giới, trường đua Phú Thọ, Tân Thuận, Hàng Xanh, trường Pétrus Ký, Phú Thọ Hòa, Phú Lâm.v.v. (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Hồ sơ số 14684, tờ 68). Ngoài ra, 350 công an xung phong bố trí ở Đà Lạt, 10.000 đảng viên Mặt trận Bình dân làm cơ sở nòng cốt, và sự hứa hẹn ủng hộ từ Pháp. Trong các nhóm giáo phái, Bình Xuyên là lực lượng đe dọa trực tiếp đến con đường nắm quyền lực của Ngô Đình Diệm. Các báo cáo gửi cho Ngô Đình Diệm cũng tỏ ra lo ngại về số lượng quá nhiều đồn bót trong Tiểu khu chiến Bình Xuyên, khi cho rằng: “đây là một lực lượng kiên cố để bảo vệ Tổng hành dinh Bộ Tư lệnh Quân đội Bình Xuyên hơn là bảo vệ dân chúng và lãnh thổ” (Trung tâm PHẠM VĂN PHƯƠNG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 63 Lưu trữ Quốc gia II, Hồ sơ số 4343, tờ 20). Lê Văn Viễn không muốn đánh mất những đặc quyền về kinh tế, quyền quản lý địa bàn mà trước đây thực dân Pháp đã ưu ái. Vì vậy, Viễn muốn Ngô Đình Diệm cho Bình Xuyên tiếp tục duy trì các cơ sở kinh tài như: sòng bài Kim Chung, Đại Thế giới, nhà th