Tóm tắt. Mô hình quản lý giáo dục có vai trò quan trọng, quyết định sự
thành công hay thất bại trong giáo dục đào tạo của một khu vực, một quốc
gia. Lý luận về xây dựng mô hình quản lý giáo dục có nhiều quan điểm,
phương pháp tiếp cận khác nhau, một trong số đó là lý thuyết hệ thống.
Vận dụng lý thuyết hệ thống trong định hướng xây dựng mô hình quản lý
giáo dục là coi mô hình giáo dục như một chỉnh thể trong mối quan hệ đa
chiều với các yếu tố bên ngoài cũng như bên trong của mô hình.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 305 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lý thuyết hệ thống - Một cách tiếp cận trong xây dựng mô hình quản lý giáo dục Việt Nam giai đoạn hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci. 2011, Vol. 56, No. 6, pp. 73-78
LÝ THUYẾT HỆ THỐNG - MỘT CÁCH TIẾP CẬN TRONG XÂY DỰNG
MÔ HÌNH QUẢN LÝ GIÁO DỤC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Phạm Bích Thuỷ
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: thuyqlgd08@yahoo.com.vn
Tóm tắt. Mô hình quản lý giáo dục có vai trò quan trọng, quyết định sự
thành công hay thất bại trong giáo dục đào tạo của một khu vực, một quốc
gia. Lý luận về xây dựng mô hình quản lý giáo dục có nhiều quan điểm,
phương pháp tiếp cận khác nhau, một trong số đó là lý thuyết hệ thống.
Vận dụng lý thuyết hệ thống trong định hướng xây dựng mô hình quản lý
giáo dục là coi mô hình giáo dục như một chỉnh thể trong mối quan hệ đa
chiều với các yếu tố bên ngoài cũng như bên trong của mô hình.
1. Mở đầu
Phân tích về mô hình quản lý giáo dục hiện nay, hầu hết các nhà nghiên cứu
giáo dục tại Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục (Bộ GD-ĐT) đều có chung một
nhận định: “Bước vào thế kỷ 21, toàn cầu hóa đã thúc đẩy giáo dục Việt Nam phát
triển theo định hướng hội nhập và cạnh tranh với nhiều loại hình đào tạo ngoài công
lập, trong khi đó phương thức quản lý giáo dục vẫn mang tính hành chính bao cấp.
Chế độ quản lý giáo dục mang tính chắp vá đang là nguyên nhân của những sự lộn
xộn không đáng có của đời sống giáo dục” [6].
Vậy mô hình quản lý giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay như thế
nào? Những nhà quản lý cần xây dựng mô hình quản lý giáo dục như thế nào để
đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và thời đại? Về mặt lý luận, có nhiều cách
tiếp cận trong việc định hướng xây dựng mô hình quản lý giáo dục. Bài viết này
muốn trình bày về một cách tiếp cận - lý thuyết hệ thống trong xây dựng mô hình
quản lý giáo dục Việt Nam giai đoạn hiện nay.
73
Phạm Bích Thuỷ
2. Lý thuyết hệ thống - một cách tiếp cận trong xây dựng
mô hình quản lý giáo dục Việt Nam trong giai đoạn
hiện nay
2.1. Khái niệm lý thuyết hệ thống
Hệ thống
Trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và công
nghệ đang phát triển mạnh mẽ, thì việc mở rộng thông tin và đa dạng hoá các tri
thức khoa học đã mang lại một bức tranh chung hết sức đa dạng và phức tạp về
thế giới. Chính vì vậy, việc xem xét các khách thể với tư cách là một hệ thống ngày
càng trở nên cấp thiết. Khái niệm "hệ thống” đã được các nhà triết học trong lịch
sử quan tâm xem xét, song chỉ đến khi triết học Mác ra đời mới mang lại cho nó
một quan niệm thật sự khoa học. Đặc biệt, hiện nay "hệ thống” được coi như một
phạm trù triết học có nội dung phong phú, mang ý nghĩa phương pháp luận trong
nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Hệ thống là “tập hợp nhiều yếu tố đối với cùng loại hoặc cùng chức năng có
quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ làm thành một thể thống nhất” (nguồn: Từ
điển tiếng Việt).
Lý thuyết hệ thống
Lý thuyết hệ thống được đề xướng năm 1940 bởi nhà sinh vật học Ludwig
von Bertalanffy thuộc trường đại học tổng hợp Chicago. Lí thuyết của ông là một lí
thuyết sinh học cho rằng: mọi tổ chức hữu cơ đều là những hệ thống được tạo nên
từ các tiểu hệ thống và ngược lại cũng là một phần của hệ thống lớn hơn. Do đó
con người là một bộ phận của xã hội và được tạo nên từ các phân tử, mà được tạo
dựng từ các nguyên tử nhỏ hơn. Lí thuyết này được áp dụng đối với các hệ thống
xã hội cũng như những hệ thống sinh học. Sau này, lí thuyết hệ thống được các nhà
khoa học khác như Hanson (1995), Mancoske (1981), Siporin (1980). . . nghiên cứu.
Sự xuất hiện của "Lý thuyết chung của các hệ thống" (Ludwig von Bertalanffy,
1940), một lý thuyết thuộc dạng những quan điểm khoa học chung mang tính hình
thức và phổ quát, đã thúc đẩy mong muốn của cộng đồng khoa học muốn tiến tới
phổ quát hoá các công cụ nhận thức khoa học và tiến tới sự nhận được đặc trưng
mang tính luận điểm của toàn bộ các phổ quát. Một trong những nhiệm vụ chính
của tiếp cận này là làm rõ và phân tích các quy luật, các quan hệ qua lại chung đối
với các lĩnh vực khác nhau của hiện thực. Do vậy cách tiếp cận hệ thống đã được
sử dụng trong lý thuyết đã nêu mang tính chất liên ngành, bởi vì nó tạo ra cơ hội
đem những quy luật và những khái niệm từ một lĩnh vực nhận thức sang một lĩnh
vực khác.
74
Lý thuyết hệ thống - một cách tiếp cận trong xây dựng mô hình...
Trong chương trình xây dựng lý luận của mình L. Bertalanffy đã chỉ ra những
nhiệm vụ cơ bản của nó:
- Thứ nhất, làm sáng tỏ những nguyên tắc và quy luật chung hành vi của các
hệ thống, không phụ thuộc vào bản chất của các thành tố và của các quan hệ giữa
chúng.
- Thứ hai, xác lập những quy luật tương tự của khoa học tự nhiên nhờ tiếp
cận hệ thống đối với các khách thể sinh học, xã hội.
- Thứ ba, tạo ra sự hợp thức khoa học hiện đại trên cơ sở làm rõ tính tương
đồng của các quy luật trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau.
Các nhiệm vụ này dẫn đến sự thay đổi nội dung trên cơ sở những quan niệm
hệ thống (chỉnh thể), chức năng, cấu trúc. Chính điều này đã tạo ra những tiền đề
phương pháp luận để hình thành hệ thống khái niệm mới với nội dung xác định và
với quan hệ đã cho một cách rõ ràng với những chuyển đổi giữa chúng. Tổ hợp các
khái niệm hệ thống là bộ khung khái niệm khởi điểm, tạo ra sơ đồ nguyên nguyên
tắc của sự phân chia khách thể.
2.2. Vận dụng lý thuyết hệ thống nhằm định hướng xây dựng
mô hình quản lý giáo dục tại Việt Nam
2.2.1. Nguyên tắc vận dụng
Việc vận dụng lý thuyết hệ thống nhằm định hướng xây dựng mô hình quản
lý giáo dục tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cần đảm bảo 5 nguyên tắc:
- Thứ nhất, nguyên tắc cùng một cội nguồn, cho rằng bất cứ sự vật nào trên
thế giới đều nảy sinh từ một bản nguyên chung (ví dụ các quá trình giáo dục ở tất
cả các cấp đều mang bản chất xã hội chủ nghĩa);
- Thứ hai, nguyên tắc nương tựa ủng hộ lẫn nhau (ví dụ các ngành học, các
cấp học đều có tác động qua lại lẫn nhau);
- Thứ ba, nguyên tắc vận động phát triển (ví dụ các ngành học, các cấp học
phát triển theo mục tiêu nhất định và đều hướng vào mục tiêu chung);
- Thứ tư, nguyên tắc hài hòa coi sự vật phát triển lấy hài hòa và cân bằng
làm mục tiêu (ví dụ phát triển toàn diện nhân cách người học);
- Thứ năm, nguyên tắc hồi quy tuần hoàn: Coi sự phát triển của sự vật là
quay trở về cội nguồn nguyên thủy, sau đó lại triển khai, lại sáng tạo, tuần hoàn trở
đi trở lại, không ngừng phát triển (ví dụ mô hình nhân cách, sản phẩm của giáo dục
thay đổi qua các thời kỳ, nhưng phải luôn luôn dựa vào bản chất xã hội chủ nghĩa
của nền giáo dục để xác định; vì thế mô hình nhân cách thời kinh tế thị trường tuy
khác với cơ chế bao cấp, nhưng vẫn giữa nguyên bản chất xã hội chủ nghĩa của nó).
75
Phạm Bích Thuỷ
2.2.2. Tính hệ thống trong mô hình quản lý giáo dục
* Mô hình quản lý giáo dục của các quốc gia chịu sự chi phối của các nhân
tố, đặc điểm của mỗi quốc gia về thể chế chính trị - xã hội, thể chế nhà nước, chính
sách quốc gia về giáo dục, mô hình và trình độ phát triển kinh tế, truyền thống văn
hóa, lịch sử...
Sơ đồ 1. Mô quản lí giáo dục dưới tác động của nhiểu nhân tố
- Thể chế Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Theo Điều 2, Hiến pháp
nước CHXHCN Việt Nam, “nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà
nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực của Nhà nước
thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông
dân và tầng lớp trí thức”. Nhà nước Việt Nam là một nhà nước pháp quyền, gắn
liền với nền dân chủ, Nhà nước hướng tới lợi ích của các bộ phân dân cư trong xã
hội và bản thân tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Quyền lực Nhà nước là thống
nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước trong việc
thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Không phân lập phân quyền
mà thống nhất, nhưng nhất thiết phải có sự phân công rành mạch và phối hợp chặt
chẽ, sự phân công phối hợp đòi hỏi phải có tính nguyên tắc, chuyên môn hóa của
các cơ quan, đòi hỏi sự phân định thẩm quyền của các cơ quan, tránh tình trạng
chồng chéo lên nhau. Bộ máy Nhà nước Việt Nam là một tổng thể của các cơ quan
cấu thành.
- Cơ chế kinh tế: Hiện nay chúng ta đang phát triển theo mô hình quản lý
thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa và hội nhập. Mô
hình này đã có nhiều thay đổi so với mô hình quản lý thời bao cấp. Quản lý giáo
dục trước xu thế toàn cầu hóa, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, kinh tế
tri thức đang xuất hiện, xu thế dân chủ hóa giáo dục... sẽ chịu sự thách thức và đối
diện với một quá trình đổi mới.
- Truyền thống văn hóa giáo dục: Việt Nam chúng ta là một phương Đông,
có truyền thống trọng đạo. Nếu văn hóa phương Tây đề cao cá thể, nhấn mạnh tư
duy phân tích, chú trọng phương pháp thực chứng, đề cao giá trị vật chất. Thì văn
76
Lý thuyết hệ thống - một cách tiếp cận trong xây dựng mô hình...
hóa phương Đông coi trọng khuynh hướng tập thể, nhấn mạnh tư duy tổng hợp, đề
cao giá trị tinh thần. Trong quản lý giáo dục, việc vận dụng mô hình theo văn hóa
phương Tây hay phương Đông hoặc kết hợp cả hai loại mô hình là điều cần phải
tính toán, bởi nó phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và đặc điểm của chủ thể quản lý.
* Mô hình quản lý giáo dục là một hệ thống.
Mô hình là một khái niệm có tính đàn hồi lớn, trong phạm vi hẹp, một phương
thức cũng có thể gọi là một mô hình, ví dụ: một phương thức quản lý cũng có thể
gọi là “mô hình quản lý”.
Khi nghiên cứu về mô hình quản lý giáo dục có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Chúng ta có thể phân loại mô hình quản lý dưới 2 dạng: vĩ mô (mô hình quản lý
giáo dục theo các cấp từ trung ương đến địa phương) và vi mô (mô hình quản lý
giáo dục trong nhà trường).
Ở cấp vĩ mô, mô hình quản lý giáo dục Việt Nam theo thứ bậc bao gồm các
cấp: Nhà nước, Bộ Giáo dục đào tạo, Sở Giáo dục đào tạo và Phòng Giáo dục đào
tạo. Ở cấp vi mô – nhà trường có thể coi là một hệ thống bao gồm các bộ phận
(giáo viên, học sinh, tập thể lãnh đạo; nếu mở rộng ra cả phạm vi ngoài nhà trường
còn có cha mẹ học sinh, các lực lượng xã hội).
2.2.3. Một vài suy nghĩ về vận dụng lý thuyết hệ thống nhằm định
hướng xây dựng mô hình quản lý giáo dục tại Việt Nam
Cải cách hành chính hiện nay đang là một nhiệm vụ cấp bách của Đảng và
Nhà nước. Một trong những giải pháp để giảm tải “con dấu” và “cửa hành chính”
đó là việc thí điểm bỏ cấp quản lý tuyến quận, huyện, thị. Đối với công tác quản
lý giáo dục, điều đó đồng nghĩa với việc bỏ cấp Phòng. Mọi nhiệm vụ quản lý nhà
nước của Phòng GD - ĐT sẽ do Sở GD - ĐT quản lý. Và hệ thống cơ quan quản lý
giáo dục đã thay đổi.
Sự thay đổi của điều kiện KT - XH, sự hội nhập với thế giới đã đặt ra một yêu
cầu cấp bách đối với tính liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân, sự liên kết
chặt chẽ giữa các loại hình nhà trường. Để đảm bảo tính hệ thống trong nền kinh tế
quốc dân chúng ta cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá, liên kết, chuyển đổi
giữa các loại hình nhà trường và các cấp học. Ví dụ, từ trường THPT có liên kết với
nước ngoài muốn chuyển sang trường THPT công lập cần có những điều kiện gì?
Ngay tại cấp vi mô – đơn vị giáo dục, mô hình quản lý cũng cần được thể
hiện thành một hệ thống: quản lý cấp trên, quản lý cấp ngang bằng và quản lý cấp
dưới. Chỉ khi nào có sự hội tụ của 3 cấp quản lý đó chúng ta mới có một mô hình
QLGD hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tiễn QLGD, tính hệ thống chưa được thể
hiện rõ nét. Mặc dù có sự liên kết giữa lãnh đạo nhà trường, trưởng bộ môn và các
77
Phạm Bích Thuỷ
giáo viên từ việc xây dựng kế hoạch năm học đến tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh
giá nhưng sự liên kết này ở nhiều nơi chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, khi áp dụng
lý thuyết hệ thống vào quản lý ở cấp vi mô sẽ đưa ra những yêu cầu cấp cao hơn
nữa trong sự liên kết giữa các thành phần trong hệ thống.
3. Kết luận
Tiếp cận xây dựng mô hình quản lý giáo dục thông qua lý thuyết hệ thống là
một phương pháp mang tính tất yếu của thời đại ngày nay. Tính tất yếu được thể
hiện qua lý luận và thực tiễn phát triển mô hình quản lý giáo dục Việt Nam. Tuy
nhiên, việc xây dựng mô hình quản lý giáo dục là trừu tượng hóa. Vì vậy, không
thể kỳ vọng một mô hình nào đó nắm bắt mọi thực tiễn trong QLGD. Mức độ áp
dụng mỗi mô hình thay đổi theo sự việc, tình huống và người tham gia. Sự đa dạng
của các mô hình cho thấy không một mô hình lý thuyết nào đủ sức để hướng dẫn
thực tiễn. Người quản lý cần phát triển quản lý đa chiều để có thể lựa chọn cách
tiếp cận thích hợp nhất trong những điều kiện và tình huống cụ thể nhằm tránh sự
phiến diện. Điều này cũng phần nào thể hiện tính hệ thống trong định hướng xây
dựng mô hình quản lý giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Brent Davies và Linda Ellison, 2005. Lãnh đạo nhà trường thế kỷ 21. Nxb Đại
học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
[2] Vũ Ngọc Hải, 2003. Đổi mới giáo dục và đào tạo nước ta trong những năm đầu
thế kỷ 21. Tạp chí Phát triển Giáo dục số 4 (52), Hà Nội.
[3] Vũ Ngọc Hải, 2005. Giáo dục Việt Nam và những tác động của WTO. Tạp chí
Khoa học Giáo dục số 2, Hà Nội.
[4] Bùi Minh Hiền (chủ biên), 2006. Quản lý giáo dục. Nxb Đại học Sư phạm Hà
Nội, Hà Nội.
[5] John C. Maxwell, 2010. Nhà lãnh đạo 360 độ. Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội.
ABSTRACT
System theory - an approach model construction
in Vietnam education management
Education management models play an important role in deciding either suc-
cess or failure of a nation’s education and training. Theory of education management
models have many perspectives and approaches; One of these is the system theory.
Applying system theory in orienting construction of education management model
is considering the model of education as a whole education in multi-dimensional
relationship with external as well as internal factors of the model.
78