Tóm tắt. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề xuất một hướng giảng dạy từ vựng
tiếng Việt cho người nước ngoài theo hướng liên ngành Ngôn ngữ - Văn hóa. Bằng
cách ứng dụng lí thuyết của ngôn ngữ học tri nhận, đặc biệt là lí thuyết về ẩn dụ
ý niệm, chúng tôi mong muốn giúp người học rút ra các công thức tư duy để hiểu
được đặc trưng cấu trúc và ý nghĩa của trường từ vựng tiếng Việt, từ đó biết cách
cấu tạo từ theo quy luật tư duy của người bản ngữ và vận dụng trong các tình huống
một cách phù hợp. Chúng tôi đã thử thiết kế một số bài giảng để dạy trường từ vựng
“thức ăn” cho người nước ngoài ở cả trình độ cơ bản và nâng cao như một ví dụ cho
mô hình trên. Mục đích cuối cùng là người học biết vận dụng từ vựng vào đúng bối
cảnh văn hóa giao tiếp của người Việt.
8 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 244 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một hướng dạy từ vựng tiếng Việt cho người nước ngoài từ góc độ ngôn ngữ - văn hóa (Qua trường hợp trường từ vựng “thức ăn”), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Interdisciplinary Sci., 2014, Vol. 59, No. 6, pp. 63-70
MỘT HƯỚNG DẠY TỪ VỰNG TIẾNG VIỆT CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ - VĂN HÓA
(QUA TRƯỜNG HỢP TRƯỜNG TỪ VỰNG “THỨC ĂN”)
Đỗ Phương Thảo
Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề xuất một hướng giảng dạy từ vựng
tiếng Việt cho người nước ngoài theo hướng liên ngành Ngôn ngữ - Văn hóa. Bằng
cách ứng dụng lí thuyết của ngôn ngữ học tri nhận, đặc biệt là lí thuyết về ẩn dụ
ý niệm, chúng tôi mong muốn giúp người học rút ra các công thức tư duy để hiểu
được đặc trưng cấu trúc và ý nghĩa của trường từ vựng tiếng Việt, từ đó biết cách
cấu tạo từ theo quy luật tư duy của người bản ngữ và vận dụng trong các tình huống
một cách phù hợp. Chúng tôi đã thử thiết kế một số bài giảng để dạy trường từ vựng
“thức ăn” cho người nước ngoài ở cả trình độ cơ bản và nâng cao như một ví dụ cho
mô hình trên. Mục đích cuối cùng là người học biết vận dụng từ vựng vào đúng bối
cảnh văn hóa giao tiếp của người Việt.
Từ khóa: Tiếng Việt, người nước ngoài, ngôn ngữ thứ hai, trường từ vựng, ngôn
ngữ, văn hóa, tư duy.
1. Mở đầu
Trong thời gian gần đây, việc giảng dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai đang
thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới cả
về giáo trình và phương pháp giảng dạy theo hướng chú ý nhiều hơn đến vấn đề ngữ dụng,
giao tiếp nhưng có thể thấy, vẫn còn tồn tại hiện tượng dạy tiếng Việt theo truyền thống
của ngôn ngữ học cấu trúc, tức là dạy ngôn ngữ trong trạng thái tĩnh với những ý nghĩa
và cấu trúc khô cứng. Ví dụ: dạy từ vựng thì mới dừng lại ở ý nghĩa của từ trong từ điển
mà ít gắn liền từ với bối cảnh văn hóa và hoàn cảnh giao tiếp, dạy cấu trúc ngữ pháp thì
phần lớn là những cấu trúc được sử dụng trong sách vở mà không gần gũi, thiết thực và
cập nhật.
Trong khi đó, mối quan hệ mật thiết của bộ ba ngôn ngữ - tư duy - văn hóa là một
sự thật hiển nhiên được các nhà ngôn ngữ học trên thế giới và các nhà Việt ngữ học từ lâu
đã thừa nhận [4, 5, 6, 7, 8, 9, 10]. Từ thực tế trên, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một hướng
Ngày nhận bài: 22/1/2014 Ngày nhận đăng: 15/6/2014
Liên hệ: Đỗ Phương Thảo, e-mail: phuongthaovnh@gmail.com
63
Đỗ Phương Thảo
giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, trước hết là giảng dạy từ vựng, theo hướng
liên ngành Ngôn ngữ - Văn hóa. Đây cũng có thể coi là một cuộc thử nghiệm nhằm góp
phần thúc đẩy quá trình ứng dụng lí thuyết của ngôn ngữ học tri nhận vào thực tiễn giảng
dạy tiếng Việt hiện nay.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và vấn đề dạy từ vựng
tiếng Việt cho người nước ngoài
Như trên đã nói, “ngôn ngữ và văn hóa gắn bó mật thiết với nhau và không thể
tách rời nhau, vì không có một nền văn hóa nào mà không được biểu thị bằng ngôn ngữ,
và ngược lại, không có một ngôn ngữ nào lại không mang tính văn hóa của riêng mình”
[2;67]. Tuỳ vào mỗi một dân tộc, mỗi một nền văn hoá khác nhau mà có cách nghĩ, cách
nói khác nhau về các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Ví dụ: Người Việt Nam
thuộc nhóm cư dân trồng lúa nước điển hình ở Đông Nam Á, và cũng là chủ nhân quan
trọng của nền văn minh lúa nước. Chính điều này đã để lại dấu ấn đậm nét trong ngôn
ngữ Việt, mà minh chứng rõ nét là từ “lúa”. Nếu như những dân tộc không thuộc nền văn
minh lúa nước chỉ sử dụng một từ duy nhất để chỉ lúa và các sản phẩm làm ra từ lúa (Ví
dụ: tiếng Anh có từ “rice”) thì sự tri nhận của người Việt về lúa lại chi tiết hóa đến nỗi
hình thành nên cả một trường từ vựng chỉ lúa. Theo khảo sát của chúng tôi trong “Từ điển
tiếng Việt” (2012) và trong đời sống, hiện nay tiếng Việt có khoảng 237 từ thuộc trường
chỉ lúa (bao gồm: từ chỉ tên gọi của lúa và các sản phẩm làm ra từ lúa; tên gọi các bộ phận
của cây lúa; tính chất, trạng thái và quá trình phát triển của lúa; các hoạt động của con
người tác động đến lúa). Nếu như không sinh ra ở một đất nước “coi cây lúa và những sản
phẩm do nó tạo ra là lẽ sống, máu thịt, vận mệnh” của mình [6, 43] thì có lẽ, rất khó để
có thể hiểu và phân biệt được sự khác nhau giữa “hạt lúa”, “hạt thóc” và “hạt gạo”; “tấm”
và “cám”; “cơm” và “xôi”, “rơm” và “rạ”. . . , càng không thể hiểu được vì sao người ta lại
nói “Chán cơm thèm phở”... Rõ ràng, “trong trường hợp ngôn giao xuyên văn hóa, tức là
trường hợp người thụ ngôn và người phát ngôn thuộc về hai bối cảnh văn hóa khác nhau
(. . . ) thì họ rất dễ chệch choạc, thiếu nhất trí, như vậy sẽ dẫn đến sự sai lệch ngữ nghĩa
trong ngôn giao” [4;26].
Dựa trên nền tảng là mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hóa và tư duy dân tộc, ngôn
ngữ học tri nhận đề xướng một phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ “trên cơ sở kinh nghiệm
và sự cảm thụ của con người về thế giới khách quan cũng như cái cách thức mà con người
tri giác và ý niệm hóa các sự vật và sự tình của thế giới khách quan đó” [6;16]; và xây
dựng một hệ thống khái niệm lí thuyết mới mẻ, đột phá như “ẩn dụ ý niệm” (conceptual
metaphor), “điển mẫu” (prototype), “không gian tinh thần” (mental space). . . Vận dụng lí
thuyết của ngôn ngữ học tri nhận vào việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài giúp
chúng ta vừa có một cơ sở văn hóa vững chắc trong việc lí giải nhiều hiện tượng ngôn ngữ
cho người học, vừa đi đúng mục tiêu gắn liền việc học ngôn ngữ của một dân tộc với văn
hóa giao tiếp của dân tộc đó.
Trong ngôn ngữ, đặc trưng văn hóa – dân tộc được biểu hiện ở nhiều đơn vị, nhiều
64
Một hướng dạy từ vựng tiếng Việt cho người nước ngoài từ góc độ ngôn ngữ - văn hóa...
cấp độ khác nhau, trong đó từ và ý nghĩa của từ, trường từ vựng là vấn đề được quan tâm
nhiều nhất. Đây là một mảnh đất màu mỡ để khảo sát đặc điểm tri nhận về thế giới của
một dân tộc. Bởi vì: “ngôn ngữ không tồn tại ngoài văn hóa, và từ vựng của một ngôn
ngữ đều phản ánh ít nhiều trung thành cái nền văn hóa mà nó phục vụ”; “Trong từ ngữ
của một ngôn ngữ cụ thể, xét từ bình diện văn hóa tộc người, ta đều thấy có bóng dáng
của nền văn hóa và đời sống đa dạng của mỗi dân tộc” [2;67]. Đối với ý nghĩa của từ, đặc
trưng văn hóa – dân tộc thể hiện rõ nét ở sự chuyển nghĩa và ý nghĩa biểu trưng của từ. Nó
cũng thể hiện ở kiểu tư duy phạm trù – bản chất của ẩn dụ ý niệm. Cho nên, khi dạy về từ
vựng, chúng ta có thể vận dụng không chỉ lí thuyết của ngôn ngữ học cấu trúc mà còn có
thể sử dụng lí thuyết của ngôn ngữ học tri nhận, đặc biệt là ẩn dụ ý niệm để đưa ra những
mô hình giúp người học hiểu và ghi nhớ ý nghĩa của từ một cách hiệu quả. Điều này sẽ
được làm rõ ở phần dưới đây.
2.2. Ứng dụng lí thuyết ngôn ngữ học tri nhận vào việc giảng dạy trường
từ vựng tiếng Việt cho người nước ngoài (qua trường từ vựng “thức
ăn”)
Để thử nghiệm mô hình ứng dụng ngôn ngữ học tri nhận vào việc giảng dạy từ vựng
tiếng Việt cho người nước ngoài, chúng tôi lựa chọn trường từ vựng “thức ăn”. Sở dĩ lựa
chọn trường từ này trong hàng loạt các trường từ vựng của tiếng Việt là bởi tính phổ biến,
thiết thực của nó trong giao tiếp và tính tiêu biểu, điển hình trong đời sống văn hóa của
người Việt.
Trong cuộc sống, bất cứ người nước ngoài nào dù đến Việt Nam học tiếng Việt hay
học tại nước mình, dù mới bắt đầu học hay đã ở trình độ cao, cũng đều phải đối diện với
vấn đề “cơm ăn, nước uống” hàng ngày. Hơn nữa, họ có thể tìm đến ẩm thực như là một
cánh cửa để hiểu đặc trưng văn hóa, phong tục của một dân tộc. Cho nên, họ rất cần được
cung cấp một vốn từ vựng phong phú về chủ đề “ẩm thực” để có thể lựa chọn và sử dụng
trong giao tiếp.
Còn đối với văn hóa Việt Nam, đất nước có khí hậu nhiệt đới ẩm, gồm đầy đủ các
dạng địa hình, nguồn nguyên liệu để làm thức ăn rất đa dạng, phong phú. Nhưng “sự khắc
nghiệt của thời tiết khiến nỗi lo về cái ăn luôn hằn dấu trong tâm thức người Việt” [5;32].
Từ xưa, cha ông ta đã quan niệm “Có thực mới vực được đạo”. Hạt cơm nhỏ bé được gọi
trân trọng là “ngọc thực”. Việc ăn uống còn được nâng lên thành văn hóa, trở thành vấn
đề đầu tiên mà mọi trẻ em cần được dạy dỗ: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trần
Ngọc Thêm đã chỉ ra, trong kho từ tiếng Việt, có rất nhiều từ ghép bắt đầu bằng yếu tố
“ăn”: ăn uống, ăn ở, ăn chơi, ăn mặc, ăn nói, ăn ngủ. . . [7]. Còn Nguyễn Văn Chiến khi
tiến hành xác lập vốn từ vựng văn hóa tiếng Việt đã dành hẳn một chương nói về từ “ăn”
cùng những cách kết hợp của nó trong sử dụng [1]. Joe Ruelle, một người Canada đang
sống và làm việc tại Việt Nam đã nhận xét rằng: Khó có ngôn ngữ nào có thể diễn đạt về
tất cả các vấn đề trong cuộc sống mà chỉ dùng những từ thuộc lĩnh vực ăn uống như trong
tiếng Việt [5;34]. Rõ ràng, từ “ăn” đã trở thành một “từ - văn hóa” điển hình của tiếng
Việt, tự nó đã hình thành nên một trường từ vựng phong phú bao quanh mà các cơ chế để
lí giải ý nghĩa của chúng nhiều khi không thể dừng lại ở cụm từ “tính võ đoán”.
65
Đỗ Phương Thảo
Đối với hoạt động giảng dạy trường từ này, phương pháp làm việc mà chúng tôi xây
dựng đi theo đúng trình tự của quá trình nhận thức nói chung (từ dễ đến khó, từ đơn giản
đến phức tạp) và quá trình thụ đắc ngôn ngữ thứ hai của người học ngoại ngữ nói riêng
(từ tiếp cận từ mới, tìm hiểu nghĩa và ghi nhớ đến mở rộng vốn từ và đưa vào sử dụng).
Trong đó, dù ở trình độ nào (trình độ A, B hay C), các hoạt động này đều không nên chỉ
dừng lại ở phạm vi Ngôn ngữ học mà đều cần hướng tới hoạt động giao tiếp nói chung.
Có điều, ở trình độ A, khi dạy từ mới, nên chú trọng nhiều hơn đến hoạt động giải thích
nghĩa của từ và vận dụng vào giao tiếp một cách chính xác. Còn ở trình độ B và C, có thể
đầu tư thêm thời gian cho hoạt động mở rộng vốn từ theo trường nghĩa và luyện tập vận
dụng vào hoàn cảnh giao tiếp cho hiệu quả. Lúc này, do khả năng và cả nhu cầu của người
học, chúng ta có thể sử dụng kiến thức và phương pháp liên ngành Ngôn ngữ - Văn hóa
để lí giải và phát triển vốn từ cho họ.
2.2.1. Hoạt động giải thích nghĩa của từ và ghi nhớ hệ thống từ
Đây là hoạt động đầu tiên của việc dạy và học từ vựng. Ở hoạt động này, do trình
độ tiếng Việt của người học chưa cao nên phần lớn, chúng tôi vẫn sử dụng phương pháp
truyền thống là đi theo cách tiếp cận của ngôn ngữ học cấu trúc trong việc phân tích nghĩa
vị và miêu tả mô hình cấu trúc ngữ nghĩa của từ.
Hoạt động này có thể diễn ra lần lượt theo các bước sau:
- Bước 1: Liệt kê từ mới, phân loại thành các nhóm.
- Bước 2: Giải thích nghĩa của từ (Sinh viên tự tra từ điển hoặc giáo viên giúp đỡ.
Có thể sử dụng các phương tiện trực quan như tranh ảnh, băng hình. . . )
- Bước 3: Ghi nhớ từ (Giáo viên đưa ra các mô hình cấu trúc ngữ nghĩa để giúp sinh
viên ghi nhớ)
Ví dụ: Bài 23 “Cho tôi thêm một cốc bia nữa” - Giáo trình “Tiếng Việt cho người
nước ngoài” (trình độ A2), Đoàn Thiện Thuật (cb), Đại học Quốc gia HN, Viện Việt Nam
học và Khoa học phát triển, NXB Thế giới, H.2009.
Đây là bài học về chủ đề “ăn uống” với một lượng từ mới khá lớn xoay quanh trường
từ vựng “thức ăn”. Đi dọc theo bài học, hệ thống từ mới có thể phân về 6 tiểu trường như
sau:
- Các từ chỉ tên gọi món ăn: súp ngô gà, sa lát dưa chuột, nem cuốn, thịt gà rán, rau
bí xào, canh rau cải, canh cá chua, phở gà, phở xào, bún bò, bánh mì trứng. . .
- Các từ chỉ tên gọi nguyên liệu: trứng, lạc, cá, mực, cà rốt, khoai tây, tôm, thịt bò,
đậu cô ve, ngô, gà, cua. . .
- Các từ chỉ tên gọi các bữa ăn: bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, bữa chính, bữa phụ, bữa
tráng miệng. . .
- Các từ chỉ cách nấu: luộc, rán, hấp, nướng, quay. . .
- Các từ chỉ mùi vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng. . .
- Các từ chỉ dụng cụ phục vụ hoạt động ăn uống: dĩa, thìa, đũa, bát, đĩa, cốc. . .
Sáu tiểu trường này được đưa ra để sinh viên tiếp cận ở từng thời điểm khác nhau,
tùy theo sự phân bổ, sắp xếp các đơn vị kiến thức của bài học. Sau khi giải nghĩa từ (bằng
66
Một hướng dạy từ vựng tiếng Việt cho người nước ngoài từ góc độ ngôn ngữ - văn hóa...
tranh ảnh hoặc từ điển), giáo viên có thể cùng với sinh viên đưa ra một số mô hình để giúp
họ ghi nhớ ý nghĩa và cách cấu tạo của từ. Ví dụ: Với tiểu trường 1 – các từ chỉ tên gọi
món ăn, có thể khái quát một số mô hình cấu trúc định danh món ăn như sau:
(1) Tên gọi món ăn = Từ chỉ loại thức ăn + Từ chỉ nguyên liệu
Ví dụ: súp ngô gà, súp cua, sa lát dưa chuột, sa lát thập cẩm, canh rau cải, canh cá,
phở gà, phở bò, bún cua, bún bò, bánh mì trứng. . .
(2) Tên gọi món ăn = Từ chỉ nguyên liệu + Từ chỉ cách nấu
Ví dụ: thịt gà rán, cá rán, đậu phụ sốt, sườn lợn nướng, rau bí xào, rau muống luộc,
trứng luộc, tôm hấp, thịt bò nướng, vịt quay. . .
Khi đã nắm được một số mô hình cấu tạo từ, sinh viên có thể tự thiết lập các ví dụ
tương tự để mở rộng vốn từ của mình. Giáo viên định hướng và sửa sai.
2.2.2. Hoạt động mở rộng vốn từ theo sự chuyển di ý niệm
Sau khi ghi nhớ được một số từ thuộc chủ điểm “thức ăn”, người học sẽ có nhu
cầu mở rộng vốn từ, đặc biệt khi tiếp tục học lên trình độ nâng cao hoặc học các kĩ năng
(nghe, nói, đọc, viết). Ở hoạt động này, chúng ta không thể chỉ thỏa mãn với những kiến
thức đơn thuần về ngôn ngữ, bởi có rất nhiều vấn đề cần vận dụng đến các tri thức nền để
lí giải, như kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lí, du lịch, chính trị. . . Ở đây, ngôn ngữ học
tri nhận phát huy tác dụng của nó một cách rõ nét, nhất là khi cần giải quyết các vấn đề
về ngôn ngữ - văn hóa.
Chúng ta có thể học theo phương pháp của Lakoff: sử dụng lí thuyết ẩn dụ ý niệm
như là xương sống của hoạt động giảng dạy từ vựng – văn hóa với mục đích chính là giúp
người học rút ra các công thức tư duy để hiểu được đặc trưng cấu trúc và ý nghĩa của
các trường từ vựng, từ đó biết cách cấu tạo từ theo quy luật tư duy của người bản ngữ và
vận dụng trong các tình huống một cách phù hợp. Nếu ở hoạt động 1, người học chỉ mở
rộng vốn từ theo những mô hình cấu trúc đơn giản, sẵn có (chủ yếu của trường biểu vật và
trường biểu niệm) bằng thao tác lặp lại, mô phỏng thì ở hoạt động này, sự mở rộng vốn từ
được thực hiện chủ yếu dựa trên sự chuyển di ý niệm, chuyển di trường liên tưởng, tư duy
của người học từ một miền nguồn đến một miền đích khác. Và như vậy, người học không
chỉ mô phỏng hay bắt chước đơn thuần theo công thức mà phải biết vận dụng sáng tạo và
huy động tri thức nền để hiểu và sử dụng từ ngữ cho phù hợp.
Ví dụ:
- Bài 5 “Nấu nướng” - Giáo trình “Thực hành tiếng Việt (Sách dùng cho người nước
ngoài)” (trình độ C), Đoàn Thiện Thuật (cb), Đại học Quốc gia HN, Viện Việt Nam học
và khoa học phát triển, NXB Thế giới, H.2007
- Bài đọc số 16 “Bữa ăn hàng ngày” – “Bài đọc tiếng Việt nâng cao”, Hwang Gwi
Yeon, Trịnh Cẩm Lan, Nguyễn Khánh Hà – NXB Thông tin và truyền thông, H.2010
Ở những bài học này, sinh viên phần lớn đã biết hoặc có thể tự tra từ điển các từ
67
Đỗ Phương Thảo
mới trong bảng từ vựng. Giáo viên nên dành thời gian để mở rộng, nâng cao vốn từ cho
sinh viên theo hướng chọn lọc và ưu tiên giới thiệu những trường hợp từ vựng thể hiện rõ
đặc trưng tư duy, văn hóa của người Việt. Một số công thức tư duy có thể kể ra là:
* BỮA ĂN→ THỜI GIAN
Việc nấu nướng, ăn uống thường được tiến hành vào những khoảng thời gian nhất
định trong ngày gọi là “bữa”. Mỗi ngày thường có ba bữa cố định: bữa sáng, bữa trưa, bữa
tối. . . Nhưng trong một số trường hợp, chúng ta lại bắt gặp cách nói:
- Vài bữa không gặp em mà em gầy quá.
- Bữa nọ, anh ấy đã đến thăm tôi.
- Bữa sáng, tôi có gặp anh ấy.
Đó là do người Việt thường có thói quen đo và tính thời gian theo bữa ăn. Thời điểm
diễn ra các bữa ăn trở thành dấu mốc quan trọng. Ví dụ: trước bữa ăn, đúng bữa, quá bữa,
sau bữa ăn. . . Người Việt cũng sử dụng thời gian bữa ăn để chỉ “buổi” hoặc “ngày”. Cách
tính thời gian như vậy chủ yếu dựa vào thói quen theo kiểu áng chừng, thể hiện đặc trưng
của đời sống nông nghiệp: làm việc theo mùa vụ, không đề cao sự chuẩn xác, chi li như xã
hội công nghiệp. Vì thế, trong những trường hợp này, nếu người nước ngoài nào lại hiểu
từ “bữa” một cách chính xác là “bữa ăn” thì chưa đúng với sự tri nhận về thời gian của
người Việt.
* THỨC ĂN→ CON NGƯỜI
Người Việt cũng có một công thức tư duy khá phổ biến là: dùng các từ chỉ thức ăn
để ánh xạ tới nhiều bình diện khác nhau của đời sống con người:
- Thức ăn→ Hình thức bề ngoài của con người: da bánh mật, tóc muối tiêu, đầu mì
tôm, má bánh đúc, mặt tròn như cái bánh bao, trắng như trứng gà bóc. . . Cách diễn đạt
này có cơ sở là sự tương đồng giữa ngoại hình của con người (màu da, kiểu tóc, khuôn
mặt. . . ) với màu sắc, hình dạng của món ăn. Đặc biệt, khi nhận xét về nữ giới có ngoại
hình đẹp, người Việt thường dùng một từ vốn là để miêu tả cảm giác của con người khi
ăn: “ngon”. Ví dụ:
- Cô gái kia nhìn ngon quá!
- Cô ấy trông ngon mắt đấy.
- Ảnh người đẹp nhìn no mắt/ bổ mắt/ đã mắt quá.
- Mùi vị của thức ăn → Tình cảm của con người (đặc biệt là tình yêu): tình cảm
mặn nồng, nhạt nhẽo, tình yêu cay đắng, ngọt ngào. . . Cơ sở của cách diễn đạt này là sự
tương đồng giữa các trạng thái của tình cảm với mùi vị của thức ăn: có khi đậm, nhạt, có
lúc ngọt ngào, đắng cay. Hệ quả của cách diễn đạt này là cách nói: thêm gia vị cho tình
yêu (thêm những yếu tố đặc biệt nhằm tạo sự bất ngờ, mới lạ cho tình yêu), hâm nóng tình
yêu (nỗ lực phục hồi một quan hệ đã suy yếu). . .
- Sự thay đổi món ăn → Sự thay đổi trong tình cảm: Có một trường hợp chuyển
nghĩa rất thú vị liên quan đến món ăn và tình yêu, đó là: Sự thay đổi trong tình yêu là sự
thay đổi món ăn, ví dụ: Ông ăn chả, bà ăn nem; Chán cơm thèm phở. . . Trong đó, cặp
đối lập “cơm” – “phở” được chúng tôi đặc biệt chú ý. Ở một dân tộc có nền văn minh lúa
68
Một hướng dạy từ vựng tiếng Việt cho người nước ngoài từ góc độ ngôn ngữ - văn hóa...
nước, “cơm” là thành phần chính trong các bữa ăn của người Việt, là thức ăn gắn liền với
cuộc sống của người dân Việt: “Cơm tẻ là mẹ ruột”, “Cơm ba bát, áo ba manh”. Có một
nền văn hóa “cơm” đã tồn tại trong đời sống của người Việt từ xưa đến nay, hình thành
nên một loạt các từ ngữ: “nấu cơm”, “thổi cơm”, “ăn cơm”, “xơi cơm”, “mâm cơm”. . .
mang ý nghĩa khái quát. Nhưng vì cơm là thức ăn chính, ăn thường xuyên nên nó có một
đặc tính nổi bật là sự lặp lại, dễ gây nhàm chán. Còn “phở” được xem là một thức quà có
sức hấp dẫn đặc biệt, một thứ ăn chơi lạ miệng mà nhiều người Việt Nam yêu thích. Từ đó,
có một sự ánh xạ giữa cơm – vợ; phở - tình nhân theo kiểu: vợ là cái quen thuộc thường
ngày, trong khi đó, tình nhân thì mới lạ; vợ là người gắn bó trong suốt cuộc đời của người
đàn ông, tình nhân chỉ là phút giây gắn bó trong chuỗi hành trình ấy. Những cách nói này
rất phổ biến trong cuộc sống nhưng nếu không hiểu cặn kẽ đặc trưng văn hóa của dân tộc
thì rất dễ dẫn đến hiểu sai lệch ngữ nghĩa theo hướng làm giảm đi ý nghĩa vốn có của tín
hiệu.
2.2.3. Hoạt động củng cố, luyện tập
Mục tiêu cuối cùng của việc dạy từ vựng – văn hóa vẫn là hướng vào hoạt động giao
tiếp. Vì thế, sau khi giúp sinh viên hiểu, ghi nhớ và mở rộng vốn từ, giáo viên cần đưa ra
một số bài tập thực hành để củng cố, luyện tập. Một số dạng bài luyện tập về từ vựng cơ
bản là:
- Nối từ với nghĩa của từ
- Tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa
- Viết thêm từ cùng loại; Khoanh tròn từ khác loại
- Điền từ vào ngữ cảnh (câu, hội thoại)
- Đặt câu với từ/ Cho sẵn tình huống, viết câu có sử dụng từ
Tùy vào trình độ của người học và thời lượng của bài học, chúng ta có thể lựa chọn
kiểu bài cho phù hợp.
3. Kết luận
Tính chất văn hóa Việt thể hiện trong ngôn ngữ không chỉ thông qua một vài trường
từ vựng như thế này mà còn có thể khai thác ở cấp độ hệ thống (cấp độ từ vựng: tất cả các
từ loại: danh từ, tính từ, động từ, loại từ, đại từ. . . ; cấp độ ngữ pháp: các cấu trúc ngữ pháp
và các hành vi ngôn ngữ. . . ). Tuy nhiên trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi chỉ trình
bày một vấn đề nhỏ như trên mà thôi. Rõ ràng, với việc ứng dụng ngôn ngữ học tri nhận
vào hoạt động dạy từ vựng tiếng Việt cho người nước ngoài, chúng ta có thể thực hiện
được hai mục tiêu cơ bản: cung cấp kiến thức về từ vựng của tiếng Việt cả về cấu trúc và
ngữ nghĩa; cung cấp kiến thức về văn hóa giao tiếp của n