Chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức là một trong những chính sách kinh tế - xã hội hết sức cần thiết và cấp bách của quốc gia, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tầm vĩ mô, có tác động đến hàng triệu người lao động hưởng lương, trong đó có đối tượng là cán bộ, công chức.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm cải cách, sửa đổi bổ sung chính sách tiền lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu nhiều lần, góp phần cải thiện đời sống người lao động hưởng lương, thúc đẩy người lao động sáng tạo, hăng say trong công việc. Tuy nhiên, bên cạnh một số những ưu điểm mang tính giải pháp tạm thời, chính sách tiền lương thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế cần sớm được khắc phục. Việc cải cách chính sách tiền lương phải đạt đến cái đích là: đảm bảo cho cán bộ, công chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội. Muốn vậy, nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa những chính sách có sự tác động trực tiếp đến việc cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức cụ thể như sau:
1. Phải đổi mới hơn nữa về tư duy trong cải cách chính sách tiền lương
Muốn có tư duy mới về cải cách tiền lương cán bộ, công chức đòi hỏi các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và người lãnh đạo, quản lý phải bắt đầu từ nhận thức về sự cần thiết cải cách nền công vụ, đáp ứng những đòi hỏi trong thời kỳ đổi mới của nước ta hiện nay.
9 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1271 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số đề xuất về cải cách chính sách tiền lương cán bộ, công chức trong giai đoạn 2012 – 2020, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một số đề xuất về cải cách chính sách tiền lương cán bộ, công chức trong giai đoạn 2012 – 2020
Chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức là một trong những chính sách kinh tế - xã hội hết sức cần thiết và cấp bách của quốc gia, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên tầm vĩ mô, có tác động đến hàng triệu người lao động hưởng lương, trong đó có đối tượng là cán bộ, công chức.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm cải cách, sửa đổi bổ sung chính sách tiền lương, điều chỉnh mức lương tối thiểu nhiều lần, góp phần cải thiện đời sống người lao động hưởng lương, thúc đẩy người lao động sáng tạo, hăng say trong công việc. Tuy nhiên, bên cạnh một số những ưu điểm mang tính giải pháp tạm thời, chính sách tiền lương thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế cần sớm được khắc phục. Việc cải cách chính sách tiền lương phải đạt đến cái đích là: đảm bảo cho cán bộ, công chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội. Muốn vậy, nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa những chính sách có sự tác động trực tiếp đến việc cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức cụ thể như sau:
1. Phải đổi mới hơn nữa về tư duy trong cải cách chính sách tiền lương
Muốn có tư duy mới về cải cách tiền lương cán bộ, công chức đòi hỏi các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và người lãnh đạo, quản lý phải bắt đầu từ nhận thức về sự cần thiết cải cách nền công vụ, đáp ứng những đòi hỏi trong thời kỳ đổi mới của nước ta hiện nay.
- Phải hiểu tiền lương theo đúng nghĩa của nó, tiền lương phải được trả tương xứng với giá trị sức lao động mà người cán bộ, công chức đã bỏ ra để thực thi công vụ. Tiền lương không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội. Nó phản ánh sự ưu việt của bản chất chế độ, hay sự quan tâm của nhà nước đối với người lao động hưởng lương, sự phát triển của xã hội và mối tương quan giữa các tầng lớp trong xã hội.
- Tiếp tục thống nhất về nhận thức, coi chi tiền lương cho cán bộ, công chức chính là chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy cán bộ, công chức nâng cao năng lực để thực thi công vụ có hiệu quả hơn. Bản chất tiền lương công chức là cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiếp cận với giá trị sức lao động thị trường. Công chức Việt Nam là một bộ phận của lực lượng lao động Việt Nam. Do vậy, tiền lương công chức cũng chịu sự chi phối của quy luật chung trong bối cảnh thị trường lao động Việt Nam đang phát triển.
- Gạt bỏ những tư duy còn mang nặng tính bao cấp, cơ chế xin cho dễ nảy sinh tính cửa quyền, độc đoán, tham nhũng làm suy thoái đạo đức công vụ của một nhóm người có quyền lực, gây tổn thất kinh tế và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nền kinh tế quốc dân.
- Xác định nhóm ngành, nghề để đưa ra từng vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị; sắp xếp lại bộ máy tổ chức phù hợp không bị chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức tương xứng với giá trị sức lao động.
Để làm được điều này, cần phải có một hệ thống đánh giá kết quả làm việc của công chức, hệ thống chấm điểm hoàn chỉnh áp dụng phù hợp với trình độ chuyên môn, với nhiệm vụ mà xã hội đang yêu cầu.
2. Đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương
Để triển khai thực hiện thành công việc cải cách cơ bản chế độ tiền lương trong thời kỳ mới, cần có quan điểm sâu sắc hơn về tiền lương cán bộ, công chức trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường, xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Từ thực trạng tiền lương công chức hiện nay, việc quan trọng trước tiên là cần phải thay đổi cách quản lý của nhà nước về tiền lương. Bởi nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đề ra mục tiêu cũng như triển khai thực hiện những cải cách liên quan đến tiền lương cán bộ, công chức...
Trước hết, cần đặt vấn đề tiền lương công chức trong tổng thể hệ thống chính trị - kinh tế, bảo đảm sự hài hòa giữa Nhà nước pháp quyền, thị trường và các tổ chức xã hội của nước ta. Trong đó, liên quan chặt chẽ với tiền lương là vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Từ chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước trong nền kinh tế thị trường cho đến việc thiết kế tổng thể cơ cấu bộ máy và các mối quan hệ trong vận hành của bộ máy. Bộ máy hành chính nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm chức năng quản lý vĩ mô bằng quy hoạch, kế hoạch, chính sách pháp luật đối với toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
Xây dựng hệ thống công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, tiến kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, làm cơ sở cho việc cải cách cơ bản tiền lương công chức. Phải thiết kế một cách khoa học về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức nhà nước gọn nhẹ; đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động nền công vụ. Nền công vụ mới phải được xây dựng phát triển trên cơ sở nền kinh tế tri thức và khoa học tổ chức nhà nước, khoa học hành chính. Cần xác định rõ nhiệm vụ của từng chức danh trong bộ máy, từ người quản lý đến các chuyên viên; có cơ sở để đánh giá năng lực, trình độ và xác định tiền lương của mỗi công chức trong bộ máy hành chính nhà nước. Gắn việc trả lương cho công chức với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Việc đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương còn có sự liên quan chặt chẽ đến sự phát triển nguồn nhân lực công từ Trung ương đến cơ sở. Công chức nhà nước là nhân lực công thực thi quyền lực nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, đó là một dạng lao động quyền lực đặc biệt với yêu cầu trình độ cao, được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, huấn luyện kỹ năng quản trị đáp ứng nhiệm vụ đặt ra. Như vậy, khâu quan trọng của tuyển chọn, bố trí nhân lực là chất lượng đầu vào và bổ nhiệm vị trí công chức lãnh đạo, quản lý (người đứng đầu tổ chức) cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn công khai, có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ứng viên; tiền lương và các chính sách kèm theo phải có sự công khai, minh bạch; trả lương theo đúng vị trí việc làm và mức độ cống hiến của họ. Những chuyên gia có trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao cần được trả lương xứng đáng.
Một nội dung quan trọng trong tư duy quản lý đó là: Nhà nước cần chú ý hơn nữa việc xác định rõ đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nhằm mục đích đưa ra chính sách tiền lương thích hợp, phù hợp với lao động đặc thù của họ.
Để có cơ sở trả lương đúng cho cán bộ, công chức hành chính nhà nước, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ công, nhằm giảm bớt quỹ tiền lương viên chức từ ngân sách nhà nước. Sắp xếp lại bộ máy tổ chức, xác định rõ những người là công chức để trả lương cho đúng. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi sự dôi dư một số người, do vậy phải có cơ chế, chính sách phù hợp để thu xếp việc làm ổn định cho họ.
Cần cân nhắc kỹ việc sử dụng quỹ lương từ nguồn ngân sách nhà nước đối với những người làm việc trong các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội... không phải là công chức. Vì nếu trả lương từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ dễ nảy sinh “hành chính hóa” bộ máy các đoàn thể, các tổ chức xã hội, làm cho các tổ chức này ỷ lại vào quỹ lương đã có sẵn, không phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân cũng như tập thể về các hoạt động để có thu nhập tương xứng theo kết quả hoạt động của tổ chức mình; số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng ngày càng nhiều lên, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng ngay được. Tuy nhiên, đối với các tổ chức này cũng cần có sự trợ giúp trong một thời gian nếu cần, ngân sách nhà nước có thể cấp cho họ một khoản tiền và được công bố công khai minh bạch, được Quốc hội thông qua, họ có trách nhiệm tự lo liệu các khoản chi trả lương cho cán bộ, nhân viên của mình.
Việc đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương cần phải được thực hiện quyết liệt một số nội dung sau:
- Đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, tiến hành đưa ra khỏi diện công chức những người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, kinh tế, dịch vụ công; xã hội hóa một số lĩnh vực dịch vụ như: Y tế, giáo dục, khoa học và hoạt động văn hóa, thể thao,... gắn liền với đổi mới cơ chế tiền lương, nâng cao thu nhập của những người làm việc trong các lĩnh vực này, một mặt gắn với nâng cao kết quả và chất lượng hoạt động sự nghiệp, mặt khác, tạo điều kiện nâng cao tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức.
- Khoán biên chế và khoán chi hành chính hằng năm để khuyến khích việc giảm biên chế và tiết kiệm chi phí hành chính. Đồng thời, thực hiện chế độ thuê, khoán hợp đồng một số công việc trong cơ quan hành chính, thay cho việc tuyển người vào biên chế công chức, từ đó có điều kiện trả lương tương xứng với giá trị sức lao động. Cơ chế khoán biên chế và chi hành chính có ưu điểm là không làm tăng chi ngân sách nhà nước quá mức cho tiền lương cán bộ, công chức, đồng thời tạo sức ép để cắt giảm biên chế hành chính.
- Xác định rõ những vị trí việc làm cụ thể, hạn mức biên chế của từng cơ quan, đơn vị; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức sao cho phù hợp với thực tế yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Việc tinh giản biên chế bộ máy hành chính nhà nước phải được coi như một khâu đột phá quan trọng, song đây cũng là việc làm khó khăn, phức tạp. Tinh giản biên chế về số lượng nhưng phải đồng thời chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức (vừa cắt giảm, vừa thay thế, vừa phải bồi dưỡng thường xuyên), tuyển dụng công chức có đủ năng lực xứng đáng vào làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước. Đây cũng là biện pháp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, hoàn thiện chương trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2012 - 2020 của Chính phủ.
- Nhà nước tiếp tục có chính sách để khuyến khích, tạo thuận lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư từ thực hiện xác định vị trí việc làm, sắp xếp lại bộ máy cơ quan hành chính; người không tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, không bố trí được vào vị trí công tác mới; cán bộ, công chức chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của vị trí công việc đang đảm nhận nhưng không có vị trí công tác khác phù hợp để bố trí; những người không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong nhiều năm liền do năng lực chuyên môn, nghiệp vụ yếu kém hoặc sức khoẻ không bảo đảm hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật kém.
3. Từng bước tách tổng quỹ lương hưu, chế độ mất sức lao động (BHXH) và trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội từ ngân sách nhà nước
Lý do cần phải tách dần:
Trong thực tế ở nước ta hiện nay, có nhiều nhóm đối tượng hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước đó là: Nhóm công chức hành chính; nhóm cán bộ công tác đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; nhóm cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang (quân đội và công an); nhóm viên chức sự nghiệp; nhóm cán bộ xã, phường, cán bộ thuộc Hội đồng nhân dân các cấp; nhóm hưu trí và mất sức lao động; nhóm người hưởng chính sách ưu đãi người có công, chính sách xã hội; trong mỗi nhóm như vậy lại có nhiều loại đối tượng khác nhau.
Việc duy trì trả lương, trợ cấp với lượng đối tượng như vậy phải sử dụng nguồn từ ngân sách nhà nước là khá lớn và không hợp lý, cụ thể:
* Khu vực Bảo hiểm xã hội:
Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang thực hiện chi trả chế độ hưu trí, trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ hai nguồn khác nhau:
+ Đối với người được hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995 thì được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm.
+ Đối với người được hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/1995 trở đi thì được thực hiện bằng nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội.
Do vậy, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, Chính phủ cần có những chính sách thích hợp nhằm tăng nguồn thu cho quỹ Bảo hiểm xã hội; đảm bảo sự phát triển Quỹ một cách bền vững, đủ khả năng chi trả chế độ cho cả những người được hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội trước ngày 01/01/1995 mà không cần phải sử dụng bằng nguồn từ ngân sách nhà nước.
* Khu vực trợ cấp ưu đãi người có công; trợ cấp bảo trợ xã hội:
+ Số đối tượng người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng hiện nay lên đến 1.429.587 người, hưởng Bảo hiểm y tế là 1.849.547 người, hưởng ưu đãi giáo dục và đào tạo là 241.604 người1; ngoài ra, chưa tính đến đối tượng người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần.
+ Số đối tượng hưởng chế độ trợ cấp xã hội: Tính đến ngày 10/02/2012, cả nước hiện có 1.071.032 người cao tuổi (trên 80 tuổi) hưởng trợ cấp hàng tháng2, chưa kể số người yếu thế trong xã hội như bị tàn tật, khiếm thính, khiếm thị, các hộ nghèo...
Đây là nhóm đối tượng đang hưởng trợ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, chiếm tỷ lệ lớn trong kinh phí chi trả từ ngân sách, đã phần nào tác động không nhỏ đến việc trả lương cho cán bộ, công chức cũng như quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương hiện nay.
Từ những thực tế nêu trên, Nhà nước cần có cơ chế tạo nguồn để chi trả chế độ (BHXH), trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội tương đối độc lập với ngân sách nhà nước, giảm dần áp lực tăng kinh phí chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2012- 2020.
Tóm lại: Vấn đề cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức hiện nay là công việc hệ trọng, phạm vi rộng lớn, phức tạp và nhạy cảm, tác động đến năng suất và hiệu quả lao động của cán bộ, công chức. Do vậy, đòi hỏi phải có sự tháo gỡ một cách căn bản trong thời gian tới. Để thành công việc cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2012 - 2020, cần có sự thay đổi về phương thức trả lương, đảm bảo tiền lương tương xứng với giá trị sức lao động, khắc phục tình trạng bình quân, cào bằng trong trả lương như hiện nay.
Quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương đòi hỏi có sự cải cách đồng bộ với nhiều chính sách khác có tác động liên quan trực tiếp đến tiền lương như:
Cải cách hành chính, cải cách tài chính công; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội; đồng thời phải xuất phát từ tình hình bối cảnh thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Sự đồng thuận giữa các cấp, các ngành, sự lựa chọn lộ trình thực hiện là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công trong cải cách chính sách tiền lương, song cũng phải xác định được đâu là khâu có tính chất đột phá, trọng tâm trọng điểm, không thực hiện dàn đều tất cả. Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức phải kết hợp chặt chẽ với cải cách về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; tinh giản biên chế, cải cách cơ chế quản lý và kiểm soát về tiền lương và các khoản thu nhập ngoài lương, nâng cao mức sống cho đội ngũ cán bộ, công chức thu hút được người có tài năng; tạo động lực cho cán bộ, công chức tận tâm, tận lực, trung thành với công việc, nâng cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng cao.
Nguyễn Đình Nghĩa
Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ