Một số khó khăn và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố trong quá trình dạy học học phần “Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục” cho sinh viên trường đại học sư phạm theo quan điểm tích hợp

1. Mở đầu Ngoài chức năng và nhiệm vụ chung như sinh viên (SV) ở các trường khác, SV trường sư phạm còn có một sứ mệnh quan trọng là phấn đấu trở thành giáo viên, nhà giáo dục, có trách nhiệm dẫn dắt thế hệ trẻ đi vào con đường khoa học kĩ thuật. Những nội dung mà họ được học trong trường sư phạm bao gồm tri thức khoa học và tri thức về phương pháp với mục đích để chuyển tải đến thế hệ đi sau; do đó, bản thân giáo viên cũng phải không ngừng tự hoàn thiện, đổi mới chính mình. Đặc biệt, quá trình hoàn thiện nhân cách giáo sinh sư phạm có những đòi hỏi cao hơn về phẩm chất và năng lực; trong đó, năng lực nghiên cứu khoa học được xem là cốt yếu. Học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục (PPNCKHGD) có vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo ngành cử nhân sư phạm, giúp cho SV nắm được cách thức và phương pháp để thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục hay khóa luận tốt nghiệp. Tuy nhiên, thực tế dạy và học học phần này cho thấy SV chưa nắm vững những kiến thức về phương pháp luận, chưa sử dụng tốt các PPNCKHGD, đặc biệt là hai nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn và phương pháp thống kê toán học, còn nhiều lúng túng trong việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tiễn. Nguyên nhân một phần là do việc giảng dạy học phần PPNCKHGD còn khá nặng về lí thuyết, đã có sự gắn kết với thực hành nhưng hiệu quả chưa cao. Bản thân kiến thức học phần PPNCKHGD lại mang tính liên ngành cao. Vì vậy, để nâng cao chất lượng dạy học các học phần này, có thể thực hiện việc dạy học theo quan điểm tích hợp. Việc tìm hiểu thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dạy học học phần này theo quan điểm tích hợp có vai trò quan trọng trong việc xác định và xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học nói chung và dạy học học phần PPNCKHGD nói riêng.

pdf5 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 532 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số khó khăn và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố trong quá trình dạy học học phần “Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục” cho sinh viên trường đại học sư phạm theo quan điểm tích hợp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 480 (Kì 2 - 6/2020), tr 36-40 ISSN: 2354-0753 36 MỘT SỐ KHÓ KHĂN VÀ MỨC ĐỘ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC YẾU TỐ TRONG QUÁ TRÌNH DẠY HỌC HỌC PHẦN “PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GIÁO DỤC” CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THEO QUAN ĐIỂM TÍCH HỢP Phạm Thị Diệu Thúy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Email: thuyptd@hnue.edu.vn Article History ABSTRACT Received: 24/3/2020 Accepted: 13/4/2020 Published: 20/6/2020 Currently, the competency of doing research is considered one of the important competencies that need to be developed for pedagogical students, especially through Educational Research Methodology module. The paper analyzes some difficulties and the influences of some factors in the teaching process of Educational Research Methodology module for pedagogical universities students from an integrated perspective. Lecturers and students pointed out some difficulties they encountered in the teaching and learning process, of which the biggest difficulty is that students still lack specialized knowledge. The influencing factors include both subjective and objective ones, among which subjective factors are assessed to be more influential. Keywords difficulties, influencing factors, an integrated perspective, educational research methodology, students of educational universities. 1. Mở đầu Ngoài chức năng và nhiệm vụ chung như sinh viên (SV) ở các trường khác, SV trường sư phạm còn có một sứ mệnh quan trọng là phấn đấu trở thành giáo viên, nhà giáo dục, có trách nhiệm dẫn dắt thế hệ trẻ đi vào con đường khoa học kĩ thuật. Những nội dung mà họ được học trong trường sư phạm bao gồm tri thức khoa học và tri thức về phương pháp với mục đích để chuyển tải đến thế hệ đi sau; do đó, bản thân giáo viên cũng phải không ngừng tự hoàn thiện, đổi mới chính mình. Đặc biệt, quá trình hoàn thiện nhân cách giáo sinh sư phạm có những đòi hỏi cao hơn về phẩm chất và năng lực; trong đó, năng lực nghiên cứu khoa học được xem là cốt yếu. Học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục (PPNCKHGD) có vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo ngành cử nhân sư phạm, giúp cho SV nắm được cách thức và phương pháp để thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục hay khóa luận tốt nghiệp. Tuy nhiên, thực tế dạy và học học phần này cho thấy SV chưa nắm vững những kiến thức về phương pháp luận, chưa sử dụng tốt các PPNCKHGD, đặc biệt là hai nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn và phương pháp thống kê toán học, còn nhiều lúng túng trong việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tiễn. Nguyên nhân một phần là do việc giảng dạy học phần PPNCKHGD còn khá nặng về lí thuyết, đã có sự gắn kết với thực hành nhưng hiệu quả chưa cao. Bản thân kiến thức học phần PPNCKHGD lại mang tính liên ngành cao. Vì vậy, để nâng cao chất lượng dạy học các học phần này, có thể thực hiện việc dạy học theo quan điểm tích hợp. Việc tìm hiểu thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dạy học học phần này theo quan điểm tích hợp có vai trò quan trọng trong việc xác định và xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học nói chung và dạy học học phần PPNCKHGD nói riêng. 2. Kết quả nghiên cứu 2.1. Dạy học học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục cho sinh viên trường đại học sư phạm theo quan điểm tích hợp - Tích hợp: Theo Từ điển tiếng Việt, tích hợp có nghĩa là “lắp ráp, nối kết các thành phần của một hệ thống theo quan điểm tạo nên một hệ thống toàn bộ” (Viện Ngôn ngữ học, 2006, tr 981). - Dạy học tích hợp (DHTH): Theo Xavier Roegiers (1996), “Quan điểm sư phạm tích hợp là một quan niệm về quá trình học tập góp phần hình thành ở học sinh những năng lực rõ ràng, có dự tính trước những điều cần thiết cho học sinh, nhằm phục vụ cho các quá trình học tập tương lai hoặc nhằm hòa nhập học sinh vào cuộc sống lao động. Như vậy, “sư phạm tích hợp nhằm làm cho quá trình học tập có ý nghĩa”. Từ định nghĩa trên, có thể hiểu DHTH là quá trình dạy học mà ở đó, các thành phần năng lực được tích hợp với nhau trên cơ sở các tình huống cụ thể để hình thành năng lực cho người học (Đặng Thị Thuận An và Trần Trung Ninh, 2015). VJE Tạp chí Giáo dục, Số 480 (Kì 2 - 6/2020), tr 36-40 ISSN: 2354-0753 37 Ngoài ra, qua nghiên cứu tài liệu, chúng tôi thấy còn nhiều quan niệm khác nhau về DHTH, như quan niệm về DHTH của UNESCO (dẫn theo Trần Bá Hoành, 2002), khái niệm về DHTH trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Bộ GD-ĐT, 2018). Các quan niệm trên đều có sự thống nhất ở chỗ coi DHTH là một quan điểm sư phạm; ở đó, người học cần huy động mọi nguồn lực để giải quyết một tình huống phức hợp, có vấn đề nhằm phát triển các năng lực và phẩm chất cá nhân (Trần Thị Thanh Thủy và cộng sự, 2016). DHTH là quá trình dạy học mà ở đó các hoạt động dạy học, kiến thức, kĩ năng và thái độ được tích hợp với nhau trong cùng một nội dung dựa trên các tình huống thực tiễn, hoạt động nghề nghiệp để hình thành và phát triển năng lực cho người học (Phạm Hồng Quân, 2019). - DHTH ở trường đại học sư phạm: Theo chúng tôi, DHTH ở trường đại học sư phạm là Hoạt động kết hợp các đối tượng học tập có liên quan đến nhau của một hoặc một số lĩnh vực môn học khác nhau thành một nội dung thống nhất nhằm hình thành cho SV trường đại học sư phạm các năng lực chung và năng lực nghề nghiệp cần thiết để giải quyết hiệu quả các vấn đề học tập, vấn đề xã hội và thực tiễn nghề nghiệp. - Dạy học học phần PPNCKHGD cho SV trường đại học sư phạm theo quan điểm tích hợp: Theo chúng tôi, đây là hoạt động kết hợp các đối tượng học tập của học phần PPNCKHGD có liên quan đến nhau và có liên quan đến đối tượng học tập của một số lĩnh vực môn học khác, tạo thành một nội dung dạy học thống nhất nhằm hình thành cho SV trường đại học sư phạm những năng lực và phẩm chất cần thiết, vận dụng được tổng hợp các kiến thức đó một cách hợp lí để giải quyết các vấn đề trong học tập, nghiên cứu khoa học, trong cuộc sống và thực tiễn nghề nghiệp. 2.2. Tổ chức khảo sát thực trạng - Đối tượng khảo sát: Khảo sát được thực hiện trên 77 cán bộ quản lí (CBQL), giảng viên (GV) trong đó có 53 GV đã tham gia giảng dạy học phần PPNCKHGD thuộc 11 trường đại học sư phạm bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Hải Phòng, Trường Đại học Hạ Long, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Vĩnh Long và 816 SV thuộc 5 trường bao gồm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. - Phương pháp khảo sát: sử dụng phối kết hợp các phương pháp nghiên cứu như: Phương pháp phỏng vấn; phương pháp quan sát, phương pháp điều tra bằng bảng hỏi Ankét, phương pháp chuyên gia, phương pháp phân tích kết quả hoạt động và phương pháp xử lí số liệu bằng thống kê toán học trên phần mềm thống kê SPSS 22.0. Trong đó, phương pháp chủ yếu là điều tra bằng bảng hỏi với 02 mẫu phiếu hỏi được thiết kế cho CBQL, GV và SV. - Thang đánh giá: Đối với các câu hỏi sử dụng thang Likert 5 bậc, chúng tôi sử dụng thang đo khoảng giá trị trung bình và mức độ đánh giá tương ứng là 1,00-1,80: Ảnh hưởng rất thấp; 1,81-2,60: Ảnh hưởng thấp; 2,61-3,40: Tương đối ảnh hưởng; 3,41-4,20: Ảnh hưởng cao; 4,21-5,00: Ảnh hưởng rất cao. 2.3. Kết quả khảo sát thực trạng 2.3.1. Những khó khăn trong quá trình dạy và học học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục theo quan điểm tích hợp - Những khó khăn GV gặp phải khi thực hiện dạy học học phần PPNCKHGD theo quan điểm tích hợp: Bảng 1. Những khó khăn GV gặp phải khi thực hiện dạy học học phần PPNCKHGD theo quan điểm tích hợp STT Vấn đề gặp khó khăn Số lượng Tỉ lệ (%) Thứ bậc 1 Rà soát chương trình môn học để lựa chọn nội dung/chủ đề tích hợp 32 60,4 2 2 Xác định mục tiêu bài học tích hợp 21 39,6 4 3 Xác định các năng lực cần hình thành cho SV 18 34,0 7 4 Lập kế hoạch bài giảng tích hợp 17 32,1 9 5 Thiết kế các tình huống DHTH 18 34,0 7 6 Lựa chọn phương pháp, kĩ thuật, hình thức tổ chức DHTH 17 32,1 9 VJE Tạp chí Giáo dục, Số 480 (Kì 2 - 6/2020), tr 36-40 ISSN: 2354-0753 38 7 Lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá 11 20,8 14 8 Quản lí hoạt động của lớp học 13 24,5 11 9 Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu 21 39,6 4 10 Thời lượng giảng dạy chưa đủ để tổ chức DHTH 21 39,6 4 11 Bản thân GV chưa hiểu đầy đủ về DHTH 13 24,5 11 12 Nguồn tài liệu về DHTH còn hạn chế 24 45,3 3 13 SV còn thiếu kiến thức chuyên ngành 33 62.3 1 14 SV chưa hứng thú với hình thức DHTH 13 24,5 11 Bảng 1 cho thấy, trong những khó khăn được đưa ra, có 62,3% GV (xếp thứ bậc 1) cho rằng “SV còn thiếu kiến thức chuyên ngành” khi học học phần này. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, trong đa số các chương trình đào tạo, học phần PPNCKHGD được tổ chức giảng dạy ở năm thứ hai, thậm chí trong một số chương trình đào tạo, học phần này được tổ chức giảng dạy ở năm thứ nhất, một số ít học ở năm thứ ba hoặc năm thứ tư. Do đó, nhiều GV cho rằng việc học học phần này sớm sẽ gặp phải khó khăn trong giảng dạy đó là SV còn đang thiếu nhiều kiến thức chuyên ngành. Trong khi bản thân môn học, đặc biệt là khi thực hiện DHTH, đòi hỏi cần sự huy động tổng hợp nhiều kiến thức chuyên ngành và liên ngành để có thể đạt được những mục tiêu mà môn học này đã đặt ra. Khó khăn xếp vị trí thứ 2 được GV lựa chọn là việc “Rà soát chương trình môn học để lựa chọn nội dung/chủ đề DHTH” với 60,4% ý kiến. Đa số GV cho rằng, để có thể lựa chọn được nội dung/chủ đề DHTH, việc rà soát chương trình môn học, cũng như mối liên hệ của nó với các môn học khác trong chương trình đào tạo là một việc làm tốn nhiều công sức, cần thiết có sự phối kết hợp của các GV giảng dạy những học phần khác có liên quan để có thể lựa chọn được nội dung/chủ đề tích hợp, cũng như thời gian để thực hiện giảng dạy nội dung/chủ đề tích hợp đó một cách hợp lí và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, có 45,3% GV (xếp thứ bậc 3) cho rằng “Nguồn tài liệu về DHTH còn hạn chế”. GV chủ yếu tự tìm kiếm tài liệu về DHTH thông qua các tài liệu tập huấn, sách tham khảo, báo, tạp chí, Internet. GV cho rằng vẫn còn khá ít những serminar, hội nghị, hội thảo và các lớp bồi dưỡng về DHTH được tổ chức cho GV các trường đại học sư phạm. Các khó khăn tiếp theo liên quan đến những khâu chuẩn bị bài học tích hợp và khó khăn liên quan đến yếu tố con người như bản thân GV chưa hiểu đầy đủ về DHTH, khả năng quản lí hoạt động của lớp học, SV chưa hứng thú với hình thức DHTH. - Những khó khăn SV gặp phải khi tham gia học tập học phần PPNCKHGD với những nội dung DHTH: Bảng 2. Những khó khăn SV gặp phải khi tham gia học tập học phần PPNCKHGD với những nội dung DHTH STT Nội dung Số lượng Tỉ lệ (%) Thứ bậc 1 Kiến thức chuyên ngành chưa đầy đủ 593 72,7 2 2 Thời gian tổ chức dạy học trên lớp ít 349 42,8 3 3 Bản thân không hứng thú với chủ đề DHTH mà GV lựa chọn 197 24,1 5 4 Cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường chưa đảm bảo 213 26,1 4 5 Năng lực DHTH của GV còn hạn chế 100 12,3 6 6 Khả năng tự học, tự nghiên cứu chưa đủ đáp ứng mục tiêu của DHTH học phần này 603 73,9 1 Bảng 2 cho thấy, tất cả những khó khăn đưa ra đều được SV lựa chọn. Trong đó, những khó khăn lớn nhất mà SV cho rằng họ gặp phải trong quá trình học tập theo quan điểm tích hợp chủ yếu xuất phát từ ngay chính bản thân họ như do khả năng tự học, tự nghiên cứu còn chưa đủ đáp ứng và do lượng kiến thức chuyên ngành của bản thân chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, mặc dù với tỉ lệ lựa chọn thấp hơn, nhưng vẫn có một số SV cho rằng nguyên nhân một phần xuất phát từ phía GV và cơ sở đào tạo như cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường chưa đảm bảo, năng lực DHTH của GV còn hạn chế. Điều này cho thấy, bên cạnh việc rèn luyện cho SV khả năng tự học, tự nghiên cứu để VJE Tạp chí Giáo dục, Số 480 (Kì 2 - 6/2020), tr 36-40 ISSN: 2354-0753 39 nâng cao lượng kiến thức chuyên ngành của bản thân họ, GV và cơ sở đào tạo cần có những biện pháp nâng cao năng lực dạy học của GV, đầu tư hơn nữa trang thiết bị dạy học hiện đại phục vụ quá trình dạy học. 2.3.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến dạy học học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục cho sinh viên trường đại học sư phạm theo quan điểm tích hợp - Đánh giá của CBQL, GV về các yếu tố ảnh hưởng đến dạy học học phần PPNCKHGD cho SV trường đại học sư phạm theo quan điểm tích hợp Bảng 3. Đánh giá của CBQL, GV về các yếu tố ảnh hưởng đến dạy học học phần PPNCKHGD cho SV trường đại học sư phạm theo quan điểm tích hợp STT Các yếu tố ảnh hưởng Điểm trung bình Độ lệch chuẩn Thứ bậc Yếu tố chủ quan 1 Nhận thức của đội ngũ CBQL, GV trường đại học sư phạm về DHTH 4,08 0,664 4 2 Năng lực DHTH của GV 4,35 0,684 1 3 Tính tích cực, tự giác trong học tập của SV 4,27 0,662 3 4 Công tác quản lí của cơ sở đào tạo 3,83 0,657 8 Trung bình 4,13 0,460 Yếu tố khách quan 5 Mục tiêu, nội dung chương trình học phần 3,95 0,724 6 6 Xu hướng đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay 4,04 0,572 5 7 Quy trình DHTH học phần 4,34 0,754 2 8 Cơ sở vật chất, phương tiện dạy học và môi trường học tập 3,91 0,692 7 Trung bình 4,06 0,448 Bảng 3 cho thấy, có 4 yếu tố chủ quan và 4 yếu tố khách quan được CBQL và GV đánh giá có ảnh hưởng đến dạy học học phần PPNCKHGD cho SV trường đại học sư phạm theo quan điểm tích hợp. Cả 8 yếu tố đều được các CBQL và GV đánh giá ở mức “Ảnh hưởng cao” và “Ảnh hưởng rất cao”. Trong đó, các yếu tố được đánh giá ở mức độ “Ảnh hưởng rất cao” bao gồm “Năng lực DHTH của GV”, “Quy trình DHTH học phần” và “Tính tích cực, tự giác trong học tập của SV”. Trong các yếu tố được đưa ra, nhóm các yếu tố chủ quan được CBQL và GV đánh giá có ảnh hưởng cao hơn các yếu tố khách quan (điểm trung bình của các yếu tố chủ quan là 4,13 so với điểm trung bình của các yếu tố khách quan là 4,06). Như vậy, những yếu tố được GV đánh giá có ảnh hưởng nhiều nhất chính là năng lực DHTH của bản thân, quy trình DHTH học phần mà GV lựa chọn và tính tích cực, tự giác trong học tập của SV. - Đánh giá của SV về các yếu tố ảnh hưởng đến việc học tập những nội dung DHTH học phần PPNCKHGD Bảng 4. Đánh giá của SV về các yếu tố ảnh hưởng đến việc học tập những nội dung DHTH học phần PPNCKHGD STT Các yếu tố ảnh hưởng Điểm trung bình Độ lệch chuẩn Thứ bậc Yếu tố chủ quan 1 Tính tích cực, tự giác trong học tập của SV 4,25 0,714 1 2 Lượng kiến thức chuyên ngành của SV 4,09 0,706 4 3 Khả năng tự học, tự nghiên cứu của SV 4,13 0,733 3 Trung bình 4,16 0,623 Yếu tố khách quan 4 Mục tiêu, nội dung chương trình học phần 3,83 0,815 6 5 Quy trình DHTH mà GV lựa chọn 4,21 0,767 2 6 Năng lực DHTH của GV 4,07 0,813 5 7 Thời gian tổ chức dạy học trên lớp 3,72 0,799 7 8 Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học 3,71 0,838 8 Trung bình 3,91 0,625 VJE Tạp chí Giáo dục, Số 480 (Kì 2 - 6/2020), tr 36-40 ISSN: 2354-0753 40 Bảng 4 cho thấy, có 3 yếu tố chủ quan và 5 yếu tố khách quan được SV đánh giá có ảnh hưởng đến việc học tập những nội dung DHTH học phần PPNCKHGD. Cả 8 yếu tố đều được SV đánh giá ở mức độ “Ảnh hưởng cao” và “Ảnh hưởng rất cao”. Trong đó, các yếu tố được SV đánh giá ở mức độ “Ảnh hưởng rất cao” bao gồm “Tính tích cực, tự giác trong học tập của SV” và “Quy trình DHTH mà GV lựa chọn”. Đồng thời, có thể thấy, trong các yếu tố được đưa ra, nhóm các yếu tố chủ quan được đánh giá có ảnh hưởng nhiều hơn các yếu tố khách quan. Như vậy, những yếu tố được SV đánh giá có ảnh hưởng nhiều nhất đến việc học tập những nội dung DHTH học phần PPNCKHGD là tính tích cực, tự giác trong học tập của SV và quy trình DHTH mà GV lựa chọn. Qua đánh giá của CBQL, GV về những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dạy học học phần PPNCKHGD cho SV trường đại học sư phạm theo quan điểm tích hợp và đánh giá của SV về những yếu tố ảnh hưởng đến việc học tập những nội dung DHTH của học phần, chúng tôi thấy, bên cạnh những yếu tố thuộc về bản thân của chủ thể quá trình dạy học như năng lực DHTH của GV; tính tích cực, tự giác trong học tập của SV, thì một trong những yếu tố có thể tác động để nâng cao chất lượng dạy học học phần này chính là lựa chọn được một quy trình DHTH phù hợp. 3. Kết luận CBQL, GV và SV trên địa bàn khảo sát đã nêu ra nhiều khó khăn họ gặp phải trong quá trình tham gia dạy và học học phần PPNCKHGD theo quan điểm tích hợp; trong đó, khó khăn lớn nhất đó là “SV còn thiếu kiến thức chuyên ngành” khi học học phần này. Các yếu tố ảnh hưởng được CBQL, GV và SV đánh giá ảnh hưởng đến quá trình dạy học học phần PPNCKHGD theo quan điểm tích hợp bao gồm cả các yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan; trong đó, đa số các yếu tố chủ quan được đánh giá có ảnh hưởng cao hơn. Một trong những yếu tố ảnh hưởng cùng được GV và SV đánh giá có ảnh hưởng ở mức độ “rất cao” đó là quy trình DHTH mà GV lựa chọn. Đây là tiền đề để chúng tôi thực hiện biện pháp thiết kế quy trình dạy học học phần PPNCKHGD cho SV trường đại học sư phạm theo quan điểm tích hợp nhằm định hướng cho GV lựa chọn được một quy trình dạy học phù hợp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc dạy học học phần này. Tài liệu tham khảo Bộ GD-ĐT (2018). Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT). Đặng Thị Thuận An, Trần Trung Ninh (2015). Phát triển năng lực dạy học tích hợp cho sinh viên sư phạm Hóa học. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 12, tr 126-128. Phạm Hồng Quân (2019). Một số biện pháp bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho giảng viên khoa học xã hội và nhân văn ở các trường đại học trong quân đội hiện nay. Tạp chí Giáo dục, số 450, tr 24-28. Trần Bá Hoành (2002). Dạy học tích hợp. Tạp chí Khoa học giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, số 12, tr 11-14. Trần Thị Thanh Thủy (chủ biên), Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Mạnh Hưởng, Bùi Xuân Anh, Lưu Thị Thu Hà (2016). Dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh - Quyển 2. NXB Đại học Sư phạm. Viện Ngôn ngữ học (2006). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng. Xavier Roegiers (Đào Trọng Quang và Nguyễn Ngọc Nhi dịch, 1996). Khoa sư phạm tích hợp hay làm thế nào để phát triển các năng lực ở nhà trường. NXB Giáo dục.
Tài liệu liên quan