Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm là một trong những hệ sinh thái độc đáo
của vùng đất ngập nước. Vai trò và ý nghĩa kinh tế -môi trường -xã hội của rừng
ngập mặn và rừng tràm đã được khẳng định trong nghiên cứu và trong thực tiễn
không những ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt nơi có rừng
ngập mặn. ở nước ta, các nghiên cứu, dự án trong và ngoài nước đã và đang thực
hiện ở vùng rừng ngập mặn và rừng tràm khá đa dạng và phong phú từ xây dựng
chiến lược quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rừng, qui hoạch tổng thể đến tiến hành các
thực nghiệm trên hiện trường
10 trang |
Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1359 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn Đề trong quản lý, sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một số vấn Đề trong quản lý, sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn và
rừng tràm
Đỗ Đình Sâm
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm là một trong những hệ sinh thái độc đáo
của vùng đất ngập nước. Vai trò và ý nghĩa kinh tế - môi trường - xã hội của rừng
ngập mặn và rừng tràm đã được khẳng định trong nghiên cứu và trong thực tiễn
không những ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt nơi có rừng
ngập mặn. ở nước ta, các nghiên cứu, dự án trong và ngoài nước đã và đang thực
hiện ở vùng rừng ngập mặn và rừng tràm khá đa dạng và phong phú từ xây dựng
chiến lược quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rừng, qui hoạch tổng thể đến tiến hành các
thực nghiệm trên hiện trường. Những cuộc hội thảo quốc tế và trong nước trong
thời gian gần đây cũng đã đề cập tới nhiều khía cạnh liên quan tới rừng ngập mặn
và rừng tràm như đặc điểm hệ sinh thái, các mô hình lâm ngư kết hợp, vấn đề lâm
nghiệp xã hội và các chính sách liên quan, giáo dục tuyên truyền và phổ cập. Gần
đây nhất, đầu tháng 11 năm 1999 Hội thảo khoa học "Quản lý và sử dụng bền
vững tài nguyên và môi trường đất ngập nước cửa sông, ven biển " do Trung tâm
nghiên cứu tài nguyên môi trường (Trường Đại học quốc gia Hà Nội) và Tổ chức
hành động phục hồi rừng ngập mặn (ACTMANG) Nhật Bản đã được tổ chức ở Hà
Nội.
Hướng tới khôi phục và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng
tràm chúng ta hãy khái quát nhìn lại và xem xét những vấn đề chủ yếu đặt ra,
thành tựu đạt được và bài học kinh nghiệm, những khó khăn và trở ngại cần khắc
phục. Chúng tôi cố gắng xem xét những nội dung cần đặc biệt trong hoàn cảnh
hiện tại và tương lai.
I.Có thể khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm khi rừng bị phá
hoại
1. Như chúng ta đều biết rừng ngập mặn và rừng tràm phân bố tập trung và có
năng suất sinh học cao ở vùng Nam Bộ thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Huỷ diệt
nhiều vùng rừng ngập mặn trên một diện rộng trước hết phải kể tới trong thời kỳ
chiến tranh khi Mỹ sử dụng chất độc màu da cam, đặc biệt vào những năm 1966 -
1970. Những diện tích rộng lớn hàng nghìn ha rừng ngập mặn Cần Giờ, Kiến
Vàng (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) hoặc rừng tràm ở khu vực Tràm Chim ( Đồng
Tháp Mười ) đã bị huỷ diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, bằng việc gây trồng lại rừng,
thúc đẩy tái sinh tự nhiên, hàng nghìn ha rừng ngập mặn huyện Cần Giờ đã được
khôi phục trở thành vùng rừng phòng hộ lớn của thành phố Hồ Chí Minh, một khu
du lịch sinh thái hấp dẫn và hướng tới xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập
mặn Cần Giờ, rừng ngập mặn ở Kiến Vàng (Cà mau) cũng được gây trồng lại,
phát triển tốt và nhìn ngoại mạo khó mà phân biệt đó là những diện tích rừng
trồng. Hệ sinh thái rừng tràm ở tràm chim Đồng Tháp Mười cũng được khôi phục
nhanh sau hoà bình lập lại (1986) với sự xuất hiện của loài Sếu đầu đỏ với rừng
tràm nhiều cỡ tuổi, với các loại cỏ nặng, có mồm- nguồn thức ăn cho sếu và trở
thành khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Tràm Chim (1994) rồi chuyển thành VQG
Tràm Chim (1998).
Sau khi đất nước thống nhất (1975), nhiều diện tích rừng ngập mặn, rừng tràm bị
phá để sản xuất nông nghiệp cũng đã được gây trồng lại, đặc biệt đối với rừng
tràm áp dụng biện pháp Nông Lâm Ngư kết hợp có hiệu quả như ở Lâm trường
Sông Trẹm (Cà Mau ).
Nghiên cứu theo dõi gần đây của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Nguyễn
Bội Quỳnh, 1999 ) cho thấy sự phát triển tốt của rừng mắm trắng tự nhiên có xu
hướng lấn át cả rừng đước trồng trên vùng đất bãi bồi phía Tây tỉnh Cà Mau sau
khi đã giải toả các vuông tôm do dân xâm chiếm và bao ví vào những năm 1994 -
1995. Nhận xét này cũng thấy rõ khi chúng tôi khảo sát ở một số tỉnh như Kiên
Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh Ngoài loài mắm trắng tiên phong trên đất bãi bồi
non ven biển thì ở vùng nước lợ, giữa cửa sông và biển ở Trà Vinh đã xuất hiện
những dải rộng lớn bần chua tự nhiên hoặc tái sinh chồi sau khai thác.
Từ kết quả trong thực tiễn có thể thấy rằng: Việc gây trồng, khôi phục lại hệ sinh
thái rừng ngập mặn, rừng tràm trên những diện tích rừng bị phá hoại mà môi
trường đất và nước không bị biến đổi mạnh là hoàn toàn thực hiện được. Môi
trường đất và nước đã tạo điều kiện thuận lợi đã tạo điều kiện thuận lợi khôi phục
lại rừng và hệ sinh thái. Vấn đề đặt ra không phải ở khía cạnh kỹ thuật mà chủ yếu
là ở khâu tổ chức thực hiện và quản lý bảo vệ rừng được tốt. Có thể nói không có
một hệ sinh thái rừng nhiệt đới nào lại dễ dàng khôi phục lại hoàn toàn khi bị phá
huỷ như hệ sinh thái rừng ngập nước này.
2. Giai đoạn 2 của sự thay đổi mạnh mẽ diện tích rừng ngập mặn ở hầu hết các
tỉnh Nam Bộ là việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm trên một diện rộng, đặc biệt
vào những năm 1993 - 1995 làm cho nhiều rừng ngập mặn bị thu hẹp lại và tạo
nên tình trạng "da báo", xen kẽ không có qui luật giữa các mảnh rừng và vuông
tôm. Do hình thành các vuông tôm nên xuất hiện nhiều bờ liếp cao trên mực thuỷ
triều chiếm một diện tích đáng kể trong khu rừng ngập mặn. Cùng với sự tồn đọng
thức ăn nuôi tôm, bùn bã ở đáy ao, sự kém lưu thông của nước triều đã làm cho
môi trường đất và nước có nhiều biến đổi, xu hướng ô nhiễm môi trường đất và
nước gia tăng. Rất tiếc cho tới nay chúng ta chưa có đủ tư liệu đánh giá sự biến
đổi, ô nhiễm này trên diện rộng. Một vài nghiên cứu sơ bộ trên diện hẹp tại một số
vuông tôm hay kênh rạch đã xác nhận một số yếu tố ô nhiễm môi trường xuất hiện
như độ pH trong nước giảm, nồng độ NH4
+ tăng, lượng DO giảm, lượng BOD
tăng, Gần đây, hiện tượng sục bùn và hút bùn trong các đầm nuôi tôm chuyển
vào các kênh rạch cũng tạo nên tình trạng ô nhiễm nhất định môi trường nước và
cũng chưa có nghiên cứu nào được thực hiện. Tất cả sự biến đổi đó dẫn tới sự khôi
phục rừng trong các vùng rừng ngập mặn đã có những thay đổi nhất định:
- Các loài cây có thể gây trồng trên bờ liếp cao sẽ không phải là các loài cây rừng
ngập mặn mà là các loài khác như kết quả nghiên cứu, khảo sát bước đầu của
Trung tâm rừng ngập mặn Cà Mau khuyến cáo. Các nhóm cây trồng bao gồm: Cây
gỗ (keo lá tràm, keo tai tượng, so đũa, me, muồng đen, ), các loài cây ăn trái (
sapo, ổi, táo, chuối, dứa, dừa, ) và rau củ (dưa hấu, bí đỏ, bắp, khoai sọ).
- Sinh trưởng rừng ngập mặn trồng ở ngoài đồng nuôi tôm và trong một số đầm
nuôi tôm bỏ hoang chắc sẽ bị ảnh hưởng theo chiều bất lợi. Những nghiên cứu này
hiện còn rất ít, loại trừ gần đây có nghiên cứu đề cập đến tăng trưởng, sinh khối
của rừng trồng Trang (Kandelia candel) trong các đầm nuôi tôm bỏ hoang ở Cần
Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.
- Có thể nhận thấy rằng cho tới nay, các nghiên cứu về những biến đổi môi trường
đất và nước vùng rừng ngập mặn, mức ngập triều trong điều kiện phá rừng tràn lan
để nuôi tôm cũng như ảnh hưởng các yếu tố môi trường thay đổi tới sinh trưởng
rừng trồng ngập mặn ngoài và trong vuông tôm bỏ hoang còn là một khoảng trống
lớn. Chỉ dựa trên các cơ sở nghiên cứu nhất định chúng ta mới có thể đề xuất và
thực nghiệm các biện pháp phù hợp nhằm khôi phục rừng ngập mặn trong điều
kiện môi trường thay đổi đạt kết quả khả quan. Phải chăng đó là những nội dung
quan trọng chúng ta cần quan tâm nghiên cứu trong thời gian tới.
II. Kinh doanh tổng hợp rừng ngập mặn và rừng tràm - những vấn đề thực tiễn đặt
ra.
Trong hoàn cảnh Việt Nam có thể khẳng định kinh doanh tổng hợp rừng ngập
mặn, rừng tràm đặc biệt áp dụng các mô hình nông - lâm - ngư kết hợp là phù hợp,
nhất là đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tỷ lệ hộ nghèo khá cao.
1. Đối với vùng rừng ngập mặn các mô hình lâm ngư kết hợp giữa rừng và nuôi
tôm theo kinh nghiệm nhiều nước là rừng 70-75%, vuông tôm 25-30% có thể đảm
bảo sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường rừng ngập mặn. Tuy nhiên, do lợi
ích trước mắt thời gian qua đã xảy ra hiện tượng phá tràn lan và với tỷ lệ cao rừng
ngập mặn để nuôi tôm, để lại hậu quả về sinh thái và môi trường khá lớn, dẫn tới
thất bại trong nhiều mô hình lâm ngư kết hợp, nảy sinh ra một số vấn đề chủ yếu
cần quan tâm:
+ Tỷ lệ rừng/ tôm là bao nhiêu thì phù hợp? Chúng ta cũng đã tiến hành một số
nghiên cứu nhất định để rút ra những kết luận cần thiết, nhưng do rừng bị phá hoại
mạnh trong thời gian qua nên các nghiên cứu không còn tiếp tục được. Tuy nhiên,
với câu hỏi này trong điều kiện hiện nay chúng ta cần áp dụng các tỷ lệ rừng/ tôm
tối thiểu đã nêu trên.
+ Việc quy hoạch tổng thể lại các mô hình lâm ngư kết hợp là hết sức quan trọng
để có kế hoạch lâu dài khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập mặn. Những điều tra
tổng thể, đánh giá lại rừng, vuông tôm, liếp cao trong vùng rừng ngập mặn cần
phải được tiến hành làm cơ sở qui hoạch lại. Trong qui hoạch, chúng ta cần chú ý
tới những kết quả đánh giá đất đai và phân chia các lập địa vùng rừng ngập mặn
đặc biệt của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu rừng
ngập Cà Mau liên quan tới việc xây dựng các mô hình lâm - ngư kết hợp khác
nhau như rừng - tôm hoặc tôm - rừng hoặc kinh doanh rừng kết hợp nuôi tôm vv
+ Những biện pháp kỹ thuật khôi phục lại rừng kết hợp kinh doanh thuỷ sản, đặc
biệt trong điều kiện biến đổi môi trường đất và nước cần phải dựa trên những cơ
sở khoa học nhất định và cần có những nghiên cứu, thực nghiệm có kết hợp chặt
chẽ giữa một số ngành khoa học khác nhau như Lâm nghiệp, Thuỷ lợi, Thuỷ sản
v.v Tổng kết kinh nghiệm của dân, phổ cập và thông tin đầy đủ tới người dân là
một khâu khá then chốt. Những thất bại trong các mô hình lâm ngư kết hợp vừa
qua đã chỉ ra các khâu rất then chốt phải thực hiện như chọn giống tôm, biện pháp
chăm sóc, nuôi dưỡng tôm, khắc phục và xử lý ô nhiễm đất và nước, tạo rừng. Một
số mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh và thâm canh qui mô hộ gia đình thiết kế
theo kiểu " bình thông nhau-ao trong ao " được trình bày trong hội nghị cần phải
được nhân rộng.
+ Quy hoạch, quản lý và phát triển rừng phòng hộ vùng ngập mặn một cách hợp lý
như thế nào? Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Vai trò phòng hộ rừng
ngập mặn, đặc biệt vùng ven biển cửa sông là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, xác định
và phân chia các đai rừng phòng hộ với các mức độ khác nhau (rất xung yếu, xung
yếu và ít xung yếu) còn là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và điều đó liên
quan tới việc quản lý sử dụng hệ thống rừng phòng hộ như thế nào bảo đảm chức
năng phòng hộ và kinh tế - xã hội.
Chúng ta cần quan tâm tới kết quả điều tra xã hội và ý kiến đề xuất của tác giả về
vấn đề tỉa thưa rừng phòng hộ Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh cũng như việc
phân chia, quản lý và sử dụng rừng bần chua trong khu vực phòng hộ tỉnh Trà
Vinh.
Kết quả trồng rừng bần chua chống xói lở ở Mỹ Long (Trà Vinh), trồng mắm đen
ở Kiên Giang, những kết quả điều tra, quan sát về quá trình lấn át mắm đen đối với
rừng đước trồng ở Kiên Giang, Cà Mau và nhiều tỉnh ở Nam Bộ cũng như rừng
bần chua tái sinh chồi (rừng phòng hộ) ở Trà Vinh trên một diện tích rộng là
những kinh nghiệm quý phát triển, gây trồng rừng phòng hộ ven biển tuân theo
quy luật tái sinh và diễn thế tự nhiên.
2. Đối với rừng tràm với nhiều mô hình nông lâm ngư kết hợp
Tràm- lúa- cá đã phát triển trên diện rộng trong thực tiễn và thu được những kết
quả khả quan. Tuy nhiên, hiện nay bắt đầu nảy sinh một số vấn đề bất cập:
+ Quy hoạch lại cụm dân cư và vấn đề phòng cháy rừng tràm. Nội dung này sẽ
trình bày trong phần sau về lâm nghiệp xã hội.
+ Mâu thuẫn giữa việc duy trì nước để phòng cháy rừng trong mùa khô và ảnh
hưởng của nó tới sự phát triển cây lúa do úng ngập, ảnh hưởng tới sự phát triển
rừng tràm và kinh doanh ngư nghiệp. Những vấn đề này cần được nghiên cứu sâu
hơn và tìm các giải pháp khắc phục.
3. Sử dụng đất chua phèn mạnh trong lâm nghiệp
Đa số là những vùng ngập nước sâu, trũng và đọng phèn, có tràm tự nhiên rất thấp
phân bố ( ví dụ ở Long An) hoặc các loài cỏ chịu phèn: Nănkim, cỏ mồm, Hiện
nay trong lâm nghiệp đang tiến hành lên liếp để trồng bạch đàn, áp dụng một số
mô hình nông lâm kết hợp trồng điều, dứa, đu đủ,v.vvà gần đây ở Phân viện
nghiên cứu khoa học lâm nghiệp Nam Bộ đã tiến hành thử nghiệm các biện pháp
làm đất, bón phân, chăm sóc hoặc không chăm sóc và gây trồng các xuất xứ Tràm
úc hoặc Keo lai Những vấn đề kỹ thuật này cần tiếp tục theo dõi và đánh giá,
đặc biệt xác định ảnh hưởng của các yếu tố môi trường (đất và nước) tới sinh
trưởng cây rừng và vấn đề kiểm soát môi trường, hạn chế ảnh hưởng xấu trên đất
chua phèn mạnh sau khi lên liếp.
III. Những vấn đề về chính sách và lâm nghiệp xã hội
Để quản lý, sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn và rừng tràm, có thể coi
đây là những vấn đề mấu chốt.
1. Đối với đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt là những vùng có phân bố rừng
ngập mặn và rừng tràm cần quan tâm những đặc điểm cơ bản về kinh tế xã hội và
dân cư.
+ Dân cư có tỷ lệ các hộ nghèo cao và tỷ lệ mù chữ lớn
+ Hạ tầng cơ sở kém và khó phát triển vì hầu hết đi lại bằng hệ thống sông, kênh,
rạch
+ Đa số là dân cư mới tới, tạo lập các ấp mới nên quan hệ làng, xã, dòng họ chưa
có cơ sở hình thành từ lâu đời.
+ Những vấn đề phát triển công nghiệp, chế biến còn gặp nhiều trở ngại
2. Giao đất khoán rừng và các chính sách hưởng lợi ích
+ Có thể thấy những thành công và bài học kinh nghiệm về giao đất khoán rừng và
áp dụng một số chính sách hưởng lợi đối với người dân trong quá trình phục hồi
hàng ngàn ha rừng ngập mặn ở Cần Giờ, ở Cà Mau (Kiến Vàng) đã bị chất độc
huỷ diệt và phục hồi rừng tràm ở sông Trẹm (Cà Mau).
+ Mặc dù vậy chính sách hưởng lợi từ rừng cần phải được bổ sung và hoàn thiện
hơn, chú ý đối với các rừng phòng hộ, đặc dụng. Với rừng sản xuất, cần xem xét
lại những qui định về " đóng cửa rừng " không hợp lý.
+ Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng của các vùng theo cụm dân cư từng bước cần
phải quan tâm.
3. Quy hoạch và bố trí cụm dân cư hợp lý, đặc biệt đối với khu rừng tràm hiện dân
cư rất phân tán, dải đều khắp lâm phần. Bố trí xen kẽ ruộng lúa kề sát rừng tràm
cũng là một vấn đề cần quy hoạch, điều chỉnh lại vì tạo mâu thuẫn giữa giữ nước
chống cháy rừng và phát triển nông nghiệp.
4 . Vấn đề lâm nghiệp cộng đồng
ở Việt Nam, vấn đề lâm nghiệp cộng đồng mới được đề cập, thảo luận trong thời
gian gần đây và mới chỉ thực hiện thí điểm ở một số dự án quốc tế tại vùng núi,
vùng đầu nguồn. Đây là một hình thức quản lý rừng có hiệu quả và khá bền vững.
Phải chăng vấn đề này cần được thảo luận đối với vùng rừng ngập mặn và rừng
tràm? ở Cà Mau, một số lâm trường đã quản lý rừng theo hộ, nhưng dựa trên cơ sở
nhóm có ràng buộc lẫn nhau là một mô hình quản lý cần thảo luận. Trong thời
gian qua, đặc biệt vùng rừng ngập mặn có nhiều diện tích rừng đã được giao khoán
cho từng hộ dân, nhưng vẫn bị xâm lấn chặt phá để nuôi tôm. Phải chăng nếu các
diện tích rừng đó không chỉ giao khoán cho từng hộ riêng lẻ quản lý mà là cho
những nhóm lớn, những cộng đồng quản lý thì sẽ có khả năng chống lại sức ép
phá rừng từ bên ngoài vì có sức mạnh của tập thể, của cộng đồng.
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Đình Sâm - Nguyễn Ngọc Bình. Đánh giá tiềm năng sử dụng đất lâm nghiệp
vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiếng Anh). Nhà xuất bản nông nghiệp Hà Nội,
1999.
2. Nguyễn Ngọc Bình. Hệ thống nông lâm kết hợp ở Việt Nam. Nhà xuất bản
nông nghiệp Hà Nội, 1995.
3. Tuyển tập Hội thảo khoa học " Quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên và môi
trường đất ngập nước cửa sông ven biển" Hà nội tháng 11/ 1999. Đại học quốc gia
Hà nội - Tổ chức hành động phục hồi rừng ngập mặn Nhật Bản
Some problems concerning the management and sustainable use of
mangrove forest ecosystems.
Summary: The author affirms the economic, environmental and social significance
of the mangro and M. leucadendron forests. Briefly revieing some activities
concerning the research on and management, protection and utilization of
mangrove and M.leucadendron forests in recent years the author raises some
problems that need to be paid attention to at present and in the future for
restoration and sustainable utilization of these ecosystems, for example, their
possible rehabilitation when they are destroyed. Practical problems in management
of these forests and the role played by the policy and social forestry in sustainable
management and utilization of these ecosystems are also mentioned