Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật đất đai năm 2003, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự trong các trường hợp sau:
1.1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
10 trang |
Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 2246 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề về tranh chấp và khiếu nại về đất đai theo quy định tại các Điều 136 và Điều 138 của Luật đất đai 2003, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một số vấn đề về giải quyết tranh chấp và khiếu nại về đất đai theo quy định tại các Điều 136 và Điều 138 của Luật đất đai 2003
Tháng Hai 21, 2010 in Pháp Luật Dân Sự, Pháp Luật Thương Mại
Ths. Đặng Xuân Đào – Trưởng ban thư ký TANDTC
Bài sưu tầm trên Tạp chí tòa án số 23 tháng 12/2004
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
1. Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 Luật đất đai năm 2003, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự trong các trường hợp sau:
1.1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
1.2. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại các khoản 1,2, và 5 Điều 50 Luật đất đai 2003
Các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1,2 và 5 Điều 50 Luật đất đai 2003 bao gồm những loại giấy tờ sau đây:
1. Những giấy tờ về quyền sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
3. Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất;
4. Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đẩt trước ngày 15/10/1993, nay được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993;
đ. Giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;
e. Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
g. Một trong các giấy tờ nêu tại các điểm từ a tới e trên đây mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng trước ngày 01/07/2004 chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
h. Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;
1.3 Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.
Tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất bao gồm; Tranh chấp về tài sản là nhà ở, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn liền với nhà ở, các công trình xây dựng trên đất được giao để sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh như nhà xưởng, kho tàng, hệ thống tưới tiêu, chuồng trại chăn nuôi hay vật kiến trúc khác hoặc trên đất có các tài sản khác như cây lấy gỗ, cây lấy lá, cây ăn quả, cây công nghiệp, hay các loại cây lâu năm khác gắn liền với đất đó.
Theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và quy định của nghị định số 181/2004/NĐ –CP thi hành Luật đất đai thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho người sử dụng đất theo Mẫu ( do Tổng cục quản lý ruộng đất hoặc Tổng cục Địa chính ( trước đây) hoặc do Bộ tài nguyên và Môi trường phát hành ) thống nhất trong cả nước đối với mỗi loại đất. Trường hợp có tài sản như ( nhà ở, công trình kiến trúc khác, cây rừng, cây lâu năm) gắn liền với đất thì tài sản đó được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp theo đúng quy định của Luật đất đai năm 1987, Luật đất đai năm 1993 hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và các quyền sử dụng đất ở được cấp phép theo quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 05/07/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị có giá trị pháp lý như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo quy định của Luật đất đai và được gọi chung và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không phải đổi giấy chứng nhận đó sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2003.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 146 Luật đất đai năm 2003 thì Chính phủ có trách nhiệm quy định thời hạn hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất trong phạm vi cả nước. Trong thời hạn này, người đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các điểm a tới h mục I.1.2 trên đây mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo theo quy định của Luật đất đai 2003. Khi áp dụng quy định này cần lưu ý: Thủ tướng chính phủ đã có Chỉ thị số 05/2004/CT- TTg ngày 09/02/2004 về việc triển khai thi hành Luật đất đai năm 2003 trong đó xác định rõ “ Đến năm 2005 hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại”. Do đó, kể từ ngày 1/7/2004 trở đi, trong thời hạn đã được Chính phủ quy định mà người đang sử dụng đất thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 146 Luật đất đai 2003 có một trong các giấy tờ nêu tại các điểm a tới h mục I.1.2 trên đây cũng được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai 2003. Vì vậy các tranh chấp liên quan tới quyền sử dụng đất mà người đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định trên mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.
Như vậy, đối với các trường hợp tranh chấp liên quan tới quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các giấy tờ nêu tại các điểm từ a tới h mục I.1.2 trên đây ( Bao gồm: Tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất; tranh chấp hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất; thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất) và tranh chấp về tài sản gắn liền với việc sử dụng đất đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân bằng vụ án dân sự.
Theo quy định tại Điều 136 Luật đất đai 2003, thì tranh chấp đất đai nhất thiết phải qua hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tranh chấp ( Sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) trong trường hợp tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân thụ lý để giải quyết. Khi thụ lý để giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất, Tòa án nhân dân cần yêu cầu đương sự xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các giấy tờ liên quan nêu tại các điểm a tới h mục I.1.2 trên đây kèm theo biên bản hoà giải có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đã tiến hành hòa giải.
Trong trường hợp các đương sự nộp đơn kiện mà chưa hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, thì Tòa án phải trả lại đơn kiện cho đương sự theo quy định tại khoản 4 Điều 136 pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự ( ngày 1/1/2005 căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 168 BLTTDS ) và hướng dẫn cho họ thực hiện đúng các quy định tại Điều 135 Luật đất đai năm 2003 về hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tranh chấp.
Tòa án chỉ thụ lý vụ tranh chấp để giải quyết theo thẩm quyền sau khi các đương sự xuất trình được biên bản hòa giải.
2. Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đấy đai của cơ quan hành chính Nhà nước.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 136 Luật đất đai năm 2003 và Điều 60 Nghị định số 181/2004/NĐ – CP thì tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ nêu tại điểm a tới h mục I.1.2 trên đây được giải quyết như sau:
a. Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố, thuộc tỉnh ( Sau đây gọi chung là ủy ban nhân dân cấp huyện) giải quyết lần đầu đối với các tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện thì các bên tranh chấp có quyền khiếu nại tới Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết; quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng;
b. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ( sau đây gọi chung là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ) giải quyết đối với tranh chấp đất đai giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với nhau hoặc giữa tổ chứcc, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài, với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì các bên tranh chấp có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng bộ tài nguyên và Môi trường; quyết định của Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường là quyết định cuối cùng.
Như vậy, theo quy định tại Điều 136 Luật đất đai 2003, đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ nêu tại điểm a tới h mục I.1.2 trên, sau khi đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, Phường, thị trấn, mà một bên hoặc các bên không nhất trí thì được chuyển đến Ủy bân nhân dân cấp có thẩm quyền ( Ủy ban nhân dân Huyện, hoặc Ủy ban nhân dân Tỉnh ) giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì các đương sự có quyền khiếu nại tới người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh ( đối với quyết định giải quyết lần đầu của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Huyện) hoặc Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường ( Đối với quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh) mà không có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Do vậy, nếu đương sự có đơn khởi kiện đối với quyết định giải quyết tranh chấp đến Tòa án thì Tòa án căn cứ khoản 6 Điều 31 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính để trả lại đơn kiện cho đương sự. Nếu đã thụ lý đơn kiện để giải quyết bằng vụ án hành chính thì Tòa án căn cứ điểm g khoản 1 Điều 41 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án Hành chính đình chỉ việc giải quyết vụ án. Nếu Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án và bản án bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì, theo chúng tôi, Tòa án cấp phúc thẩm phải căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 64 và điểm g khoản 1 Điều 41 Pháp lệnh thủ tục giải quyết vụ án hành chính để hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.
II. Về việc giải quyết khiếu nại về đất đai.
1. Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại quý định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
1.1 Theo quy định tại Điều 138 Luật đất đai năm 2003 thì người sử dụng đất có quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai
Để hướng dẫn cụ thể thì Điều 162 Nghị định số 181/2004/NĐ –CP đã quy định;
+ Quyết định hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại bao gồm:
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
- Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tại định cư;
- Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất;
+ Hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại là hành vi của cán bộ, công chức nhà nước khi giải quyết công việc thuộc phạm vi liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc gia hạn thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại, theo quy định của Nghị định 181/NĐ – CP chỉ là hành vi của cán bộ, công chức nhà nước. Nghị định không quy định quyền khiếu nại đối với hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước trong quản lý đất đai. Đây là quy định khác với quy định của Luật khiếu nại, tố cáo.
Theo quy định tại Điều 165 Nghị định số 181/2004 NĐ – CP thì việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai không thuộc các trường hợp nêu trên đây được thực hiện theo quy định của luật khiếu nại, tố cáo. Nhưng các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai không thuộc những trường hợp trên đây là những trường hợp nào cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn. Theo chúng tôi, quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai không thuộc các trường hợp nêu trên đây, đó là những quyết định hành chính, hành vi hành chính có liên quan tới việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tiền thuế sử dụng đất; phí và lệ phí trong quản lý , sử dụng đất; quyết định xử lý vi phạm về đất đai…
1.2 Theo quy định tại Điều 138 Luật đất đai 2003 và quy định tại Điều 163, 164 Nghị định số 181/2004/NĐ – CP thì việc giải quyết khiếu nại được thực hiện như sau:
a. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính của mình; hành vi hành chính của cán bộ, công chức thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, thuộc Phòng Tài nguyên và môi trường, thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong trường hợp khiếu nại tới Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng. Người khiếu nại không có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo thủ tục hành chính hoặc theo thủ tục dân sự.
b. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyếy định hành chính của mình, của Sở Tài nguyên và Môi trường; hành vi hành chính của cán bộ, công chức thuộc sở Tài nguyên và Môi trường, thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân mà không có quyền khiếu nại tiếp lên cơ quan hành chính cấp trên.
Về thời hiệu khiếu nại và khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Theo quy định tại Điểm C khoản 2 Điều 138 Luật đất đai năm 2003, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được hành vi hành chính mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó thì có quyền nộp đơn khiếu nại tới Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết khiếu nại theo thời hạn quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nêu tại điểm a mục II.1.2 và của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nêu tại điểm b mục II.1.2 trên đây, mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó, thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân.
Luật đất đai 2003 không quy định quyền được khởi kiện vụ án hành chính đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trong trường hợp khi hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 36 Luật khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết như quy định tại Điều 39 Luật khiếu nại, tố cáo, là kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 36 của Luật Khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Đây là hạn chế của Luật đất đai so với Luật khiếu nại, tố cáo.
Thời hiệu khiếu nại, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 138 Luật đất đai năm 2003 cũng khác với thời hiện khiếu nại, thời hiệu khởi kiện quy định tại Điều 31, Điều 39 Luật khiếu nại, tố cáo và quy định tại khoản 1 Điều 30 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Theo quy định tại Điều 163 và Điều 164 Nghị định số 181/2004 NĐ – CP thì thời hiệu khiếu nại và tố cáo đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai tính từ ngày có quyết định hành chính trong quản lý đất đai hoặc có hành vi hành chính trong giải quyết công việc quản lý đất đai chứ không phải kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hay biết được hành vi hành chính hoặc nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu như quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo bà quy định của Luật đất đai năm 2003. Quy định trên của Nghị định số 181/2004/NĐ –CP, theo chúng tôi là không phù hợp với quy định của Luật khiếu, tố cáo và quy định của Luật đất đai về thời điểm tính thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai. Thực tiễn giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính cũng như giải quyết các vụ án hành chính tại Tòa án cho thấy, nếu quy định thời điểm tính thời hiệu khiếu nại và thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính nói chung, đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai nói riêng, được kể từ ngày có quyết định có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính là không phù hợp với thực tiễn. Chính vì vậy mà Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật đất đai năm 2003 và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính mới quy định thời điểm tính thời hiệu khởi khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính là kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính, và thời điểm tính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính là kể từ ngày nhận nhận được quyết định khiếu nại lần đầu.
Việc có những quy định khác nhau về thời hiệu khiếu nại, thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, về quản lý đất đai và thời điểm tính thời hiệu khiếu nại, thời hiệu khởi kiện như đã nêu trên theo chúng tôi, sẽ gây khó khăn, không chỉ cho đương sự trong việc thực hiện quyền khiếu nại và khởi kiện, mà cả đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm xem xét việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên cho thống nhất và đồng bộ. Khi các quy định trên chưa được sử đổi, bổ sung thì cần hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng được thống nhất.
III. Về các căn cứ giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai
1. Những bảo đảm cho người sử dụng đất.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2003 và khoản 1 Điều 4 Nghị định số 181/2004/NĐ – CP thì Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính phủ cách mạng miền Nam Việt Nam và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước không thừa nhận và không xem xét giải quyết khiếu nại về việc đòi lại đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng theo chính sách ruộng đất từ trước ngày 15/10/1993 trong các trường hợp sau đây;
a. Đất bị tịch thu, trưng thu, trưng mua khi thực hiện cải cách ruộng đất ở Miền bắc; chính sách xóa bỏ triệt để tài tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân, phong kiến miền nam;
b. Đất đã hiến tặng cho Nhà nước, cho hợp tác xã và tổ chức khác, cho hộ gia đình, cá nhân;
c. Đất đã góp vào hợp tác xã nông nghiệp theo quy định của Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao