Bộ luật Hồng Đức là bộ luật thành văn nổi tiếng và có giá trị bậc nhất trong cổ pháp Việt Nam. Bộ luật này gồm 722 Điều, được chia làm 13 Chương, đa phần các điều luật được xây dựng theo phương thức cả 3 bộ phận là giả định, quy định và chế tài đồng thời xuất hiện trực tiếp, thậm chí ngay trong cùng một Điều luật.
6 trang |
Chia sẻ: oanh_nt | Lượt xem: 2539 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nét độc đáo của quy phạm pháp luật trong bộ luật Hồng Đức, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC
Bộ luật Hồng Đức là bộ luật thành văn nổi tiếng và có giá trị bậc nhất trong cổ pháp Việt Nam. Bộ luật này gồm 722 Điều, được chia làm 13 Chương, đa phần các điều luật được xây dựng theo phương thức cả 3 bộ phận là giả định, quy định và chế tài đồng thời xuất hiện trực tiếp, thậm chí ngay trong cùng một Điều luật.1. Muốn xây nhà phải có gạch, từng viên gạch trong tòa nhà pháp luật chính là các qui phạm pháp luật. Một qui phạm pháp luật thường rất chặt chẽ vì xét về mặt logic nó gồm có 3 bộ phận là giả định, qui định và chế tài. Giả định trả lời câu hỏi chủ thể nào, thời gian nào, hoàn cảnh nào phải thực hiện pháp luật? Bộ phận qui định trả lời câu hỏi nếu đặt vào hoàn cảnh đã nêu ở phần giả định thì chủ thể đó sẽ phải xử sự như thế nào, và bộ phận chế tài trả lời câu hỏi trường hợp không xử sự đúng yêu cầu đó thì chủ thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả bất lợi như thế nào?Bộ luật Hồng Đức là bộ luật thành văn nổi tiếng và có giá trị bậc nhất trong cổ pháp Việt Nam. Bộ luật này gồm 722 Điều, được chia làm 13 Chương, đa phần các điều luật được xây dựng theo phương thức cả 3 bộ phận là giả định, quy định và chế tài đồng thời xuất hiện trực tiếp, thậm chí ngay trong cùng một Điều luật.Chẳng hạn như:Điều 586 có ghi: “Trâu của 2 nhà đánh nhau, con nào chết thì 2 nhà cùng ăn thịt, con nào sống thì 2 nhà cùng cày, trái luật thì sẽ xử phạt 80 trượng”. Trong đó: trâu của 2 nhà đánh nhau là giả định; con nào chết thì 2 nhà cùng ăn thịt, con nào sống thì 2 nhà cùng cày là quy định; trái luật thì sẽ xử phạt 80 trượng là chế tài.Hoặc, Điều 89: “Trước sau ngày hoàng đế lên ngôi một tháng, cấm các nhà ở trong kinh thành cử hành việc tang, người nào phạm phải thì phạt 50 roi, biếm một tư”. Trong đó: Trước sau ngày hoàng đế lên ngôi một tháng là giả định; cấm các nhà ở trong kinh thành cử hành việc tang là qui định; trái luật thì sẽ xử phạt 80 trượng là chế tài.Với cách mô tả hành vi vi phạm pháp luật và chế tài đối với chủ thể thực hiện hành vi đó rõ ràng như vậy, người dân sẽ biết được hành vi nào nên làm, hành vi nào nên tránh. Quan xử án cũng biết được cần phải xử như thế nào, mức cụ thể ra sao.Tính chất cụ thể, rõ ràng của cách diễn đạt thể hiện rất rõ ở việc mô tả ngắn gọn lại một tình huống cụ thể. Thí dụ như điều 393: “Người cha lấy vợ trước sinh được một con trai, phần hương hoả đã giao cho giữ; nhưng người con trai ấy lại chỉ sinh được một người con gái; mà cha có vợ lẽ hay nàng hầu lại sinh được một con trai nhưng lại bị cố tật, người con trai cố tật ấy sinh được cháu trai, thì ruộng đất hương hoả phải giao cho người cháu trai con kẻ cố tật, để tỏ ra rằng dòng họ không thể để tuyệt.”. Hoặc thí dụ, Điều 395: “Cha mẹ sinh được hai con trai, người con trai trưởng chỉ sinh con gái, con thứ lại có con trai thì phần hương hỏa giao cho con trai người con thứ; nhưng con trai người con thứ chỉ sinh cháu gái thì phần hương hỏa trước kia lại phải giao trả cho con gái người con trưởng”. Ưu điểm của cách qui định ngắn gọn một tình huống, ngoài việc dễ thuộc, dễ nhớ, dễ vận dụng còn cho thấy từ một vấn đề pháp lý khá phức tạp đã được chuyển hóa thành một tình huống rất đơn giản.2. Một nét đặc sắc khác trong quy phạm pháp luật của Bộ luật Hồng Đức chính là cách qui định chế tài dưới dạng chế tài cố định. Nghĩa là với mỗi một vi phạm cụ thể thì có một hình phạt cụ thể tương ứng; mức độ tăng nặng hay giảm nhẹ cũng được quy định ngay sau đó một cách cụ thể, rõ ràng.Ví dụ như điều 466 quy định: “Đánh gãy răng, sứt tai mũi, chột 1 mắt, gãy ngón chân, ngón tay, giập xương, hay lấy nước sôi, lửa làm người bị thương và rụng tóc, thì xử tội đồ làm khao đinh. Lấy đồ bẩn thỉu ném vào đầu mặt người ta thì xử biếm 2 tư; đổ vào miệng mũi thì biếm 3 tư. Đánh gãy 2 răng, 2 ngón tay trở lên thì xử tội đồ làm tượng phường binh. Lấy gươm giáo đâm chém người, dẫu không trúng cũng phải lưu đi châu gần (người quyền quý phạm tội thì xử tội biếm). Nếu đâm chém bị thương và làm đứt gân, chột 2 mắt, đọa thai thì xử tội lưu đi châu xa. Nếu trong khi đương xét hỏi, người bị thương lại bình phục, thì tội nhân được giảm tội 2 bậc. Nếu đánh bị thương 2 người trở lên và nhân bị thương mà thành cố tật, hay đánh đứt lưỡi, huỷ hoại âm, dương vật đều xử tội giảo; và phải đền tiền thương tổn như lệ định”. Với chế tài cố định này, nó đã đảm bảo tính chính xác trong việc áp dụng luật của các cơ quan Nhà nước, tránh được sự tuỳ tiện trong việc áp dụng luật.3. Làm luật quan trọng nhất là dự đoán được các vấn đề phát sinh. Dự đoán tốt, luật sẽ có sức sống lâu dài. Trong Bộ luật Hồng Đức từ một sự kiện hay vụ việc, nhà làm luật đã khéo léo lường tính các vấn đề phát sinh xung quanh vụ việc đó. Thí dụ, Điều 234: “Những quan coi quân đội ở các trấn, lộ hay huyện cùng những quan viên trong các cục các viện, đi lại giao kết với nhau, mưu làm việc phản nghịch, mà quan ty quản giám chẳng lưu tâm xem xét, hay dung túng giấu giếm không tâu lên, thì cùng với người phản nghịch cùng một tội; nếu đã tâu lên mà lại ngầm sai người báo cho kẻ phản nghịch biết thì tội cũng thế. Nếu vì tâu lên không giữ kín đáo để cho kẻ phản nghịch biết thì viên quan tâu được giảm tội 1 bậc. Nếu việc mưu phản nghịch đã lộ, việc hung ác đã rõ, mà quan giám không xét tình thế mà lung bắt và tâu lên, thì bị tội như tội đồng mưu; nếu việc mưu phản chưa lộ thì được giảm nhẹ hai bậc.”.(II) Cách diễn đạt qui phạm pháp luật hiện hànhThực tế qui phạm pháp luật hiện hành thường không xuất hiện đầy đủ, trực tiếp cả ba bộ phận giả định, qui định và chế tài mà thông thường chỉ thể hiện một cách trực quan hai bộ phận trong một qui phạm đó là giả định và qui định hoặc giả định và chế tài.Ví dụ 1: Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình 2000: “Khi ly hôn, nếu một bên túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng, thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng cấp dưỡng”Ví dụ 2: Điều 151 Bộ luật hình sự 1999 có quy định: “Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị xử phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.”Như vậy, ví dụ thứ nhất chỉ xuất hiện trực tiếp 2 bộ phận là Giả định và Qui định. Khá nhiều người dân hiện nay do không có điều kiện tiếp cận một cách cơ bản về luật học nên họ có suy nghĩ rằng qui phạm qui định như ở Điều 60 đến đó là hết, nhiều người còn hiểu rất nguy hiểm rằng như vậy luật chỉ mang tính chất khuyên răn, không cấp dưỡng cũng không sao?! Họ không hề biết rằng, đây là hình thức gửi chế tài, chế tài đã được gửi ở cuối văn bản ở Chương xử lý vi phạm, hoặc được dẫn chiếu đến văn bản pháp luật khác có liên quan, có thể là Bộ luật, Luật hoặc một văn bản hướng dẫn khác. Ai phải thi hành, tuân thủ pháp luật nếu không phải là những người dân, mà cách qui định thường thấy như lâu nay, người dân dễ gì tiếp cận, mà tiếp cận nó thì dễ gì để hiểu, mà chưa hiểu thì nói gì đến việc làm đúng được.Ví dụ thứ hai, bộ phận qui định đã bị ẩn đi, người ta gọi đó là qui định ẩn, vì theo cách lập luận của các nhà lý luận, bất kì ai cũng hiểu hành vi “ngược đãi ông bà cha mẹ…” là một hành vi bị pháp luật ngăn cấm rồi, vì liền sau nó là chế tài. Người dân thì lại dễ hiểu lầm rằng đây là qui phạm không có qui định.Phần chế tài của ví dụ 2 là “thì bị xử phạt cảnh cáo….đến ba năm”. Ai đọc đến đây cũng hiểu rằng phần chế tài ở đây không phải là chế tài cố định như Bộ luật Hồng Đức, ngược lại phạm vi áp dụng chế tài ở đây rất rộng “phạt tù từ ba tháng đến ba năm”. Có người cho rằng phạm vi chế tài rộng như thế, sao tránh được tình trạng tùy tiện, tình trạng “xử kiểu gì cũng được”?(III) Trao đổi và kiến nghịBộ luật Hồng Đức ra đời ở một thời điểm rất xa so với hiện tại, nhiều vấn đề không thể so sánh được, song những giá trị của Bộ luật về kĩ thuật lập pháp thì lại như một hằng số đang liên quan trực tiếp đến những vướng mắc của hiện tại, rất đáng để ta phải suy ngẫm, kế thừa:1- Việc xây dựng các chế tài cố định trong Bộ luật Hồng Đức ở một chừng mực nhất định rất thuận lợi cho việc áp dụng, và có ưu điểm là tránh được sự tùy tiện trong việc áp dụng. Không nên xây dựng chế tài mà khoảng cách giữa mức thấp nhất và mức cao nhất của chế tài rộng, rất dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc áp dụng. Xây dựng nhà nước pháp quyền thì nguyên tắc “cán bộ, công chức sẽ chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép” phải được tuyệt đối tuân thủ.2- Pháp luật được đảm bảo thực hiện ngày nay phần quan trọng là ở người dân, nếu vậy luật phải được xây dựng một cách rõ ràng, đầy đủ và cụ thể tất cả các bộ phận (giả định, quy định, chế tài) của quy phạm pháp luật. Có như thế mới tạo điều kiện để toàn thể mọi tầng lớp nhân dân hiểu luật, sống và làm việc theo pháp luật. Cũng nên nghiên cứu và học tập các mô tả tình huống, rồi mở rộng, lường tính tất cả các vấn đề phát sinh trong Bộ luật. Nhà làm luật nên chăng cần suy nghĩ về các vấn đề phát sinh trong cuộc sống, dự đoán, lường tính các vấn đề phát sinh, chứ không phải là đi sửa chữa về mặt câu chữ theo kiểu “làm văn tập thể” như một Đại biểu quốc hội đã nói trước Quốc hội.3- Lý giải về vấn đề phương thức diễn đạt “gửi chế tài” hay “qui định ẩn” của pháp luật hiện hành, có quan điểm cho rằng làm như thế là vì “muốn tránh việc lặp lại không cần thiết”. Nếu như theo cách lý giải trên thì tại sao Luật tổ chức Quốc Hội năm 2001 có “quá nhiều việc lặp lại không cần thiết”? Cụ thể như Điều 1 của Luật tổ chức Quốc Hội năm 2001 giống với điều 83 của Hiến pháp nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi); cũng như thế điều 2 giống với điều 84, điều 6 giống với điều 90, điều 7 giống với điều 91, điều 43 là sự ghép lại của điều 97 và một ý nhỏ thêm vào, một phần điều 49 giống điều 98, 1 phần điều 58 giống điều 99, điều 62 giống điều 86, điều 65 viết lại theo ngôn ngữ khác của 1 phần điều 86, Hay như Luật tổ chức chính phủ năm 2001 cũng như vậy, có quá nhiều điều lặp lại hoàn toàn hoặc 1 phần của Hiến pháp 92 sửa đổi. Đó không phải là lời giải thích thuyết phục. Để tránh việc “lồng ghép” lợi ích của ngành của Bộ cả trong việc trình dự thảo luật lẫn việc ban hành văn bản hướng dẫn, tại sao chúng ta không nghĩ đến một cơ chế hiệu quả hơn thay thế cách làm lâu nay là ngay trong một văn bản luật ta chia làm hai phần: Phần chung và phần riêng. Phần chung chỉ nêu lên những nguyên tắc chung, còn Phần riêng nêu tất cả các tình huống, các vấn đề phát sinh một cách cụ thể, chi tiết?Luật của ta hiện nay chủ yếu vẫn là luật khung chứ không phải luật chi tiết. Luật khung tạo cơ hội cho sáng kiến cá nhân phát triển và có khả năng thích ứng cao với những thay đổi trong thực tiễn, nhưng đó cũng chính là thiên đường của sự lạm quyền. Còn luật chi tiết thì hạn chế sự lạm quyền, nhưng lại ít có khả năng thích ứng với thực tiễn thay đổi. Thực trạng “Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư” hiện nay đã quá phổ biến, làm nảy sinh hiện tượng nhiều vấn đề cụ thể, thậm chí cả vấn đề khó thì dành cho văn bản hướng dẫn thi hành, khó nữa lại đẩy cho cấp thấp hơn. Những người cần đến luật cứ phải ngóng cổ chờ dài và vô tình tiếp tay cho lối tư duy cục bộ ngành, cục bộ Bộ, cục bộ địa phương, dễ cho nhà nước mà khó cho dân . Ngẫm mới thấy, thời nào cũng vậy, Luật càng chi tiết thì người dân càng dễ nắm bắt, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu, dễ vận dụng và thực hiện theo luật. Phải chăng đã đến lúc phải suy nghĩ một cách dũng cảm về việc qui định một cách chi tiết một cách tối đa các vấn đề ngay trong chính văn bản luật?Không những độc đáo về quy phạm pháp luật, bộ luật HĐ đã có rất nhiều điểm tiến bộ: Đặc biệt là bảo về quyền lợi của người phụ nữ.Tính đặc thù của "Quốc triều hình luật" thể hiện rõ trong hai chương "Hộ hôn" và "Điền sản". Qua hai chương này, các nhà làm luật đã coi trọng cá nhân và vai trò của người phụ nữ - điều mà các bộ luật trước và sau không mấy quan tâm. Có 53/722 điều luật (7%) bàn về hôn nhân - gia đình; 30/722 điều luật (4%) bàn về việc hương hỏa, tế lễ, thừa kế và sở hữu tài sản. Những điều luật này ít nhiều đã đề cập đến một số quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội và trong gia đình.Người vợ, trên lý thuyết, bị đòi hỏi phải lệ thuộc vào chồng và không được làm điều gì nếu không có sự chỉ đạo hay đồng ý của chồng. Nhưng trên thực tế, địa vị của người vợ - chồng thay đổi nhiều tùy thuộc theo vị trí xã hội và kinh tế của họ. Cũng giống như chồng, người phụ nữ Việt Nam xưa có tài sản riêng và tham gia các hoạt động kinh tế. Đó là điều khác biệt với người phụ nữ Trung Quốc. Trong lao động, người phụ nữ được trả công ngang bằng với người thợ nam, "không có sự phân biệt về tiền công nhật cho lao động đàn ông với đàn bà"(1). Điều 23 trong "Quốc triều hình luât" quy định tiền công nhật cho nô tỳ là 30 đồng. Việc trả công ngang bằng như thế rõ ràng cho thấy lao động của phụ nữ được đánh giá cao và vị trí của người phụ nữ được tôn trọng trong xã hội.Trong hôn nhân, người phụ nữ cũng có thể yêu cầu ly hôn (đâm đơn kiện).Điều 322 - "Quốc triều hình luật" ghi: "Con gái thấy chồng chưa cưới có ác tật có thể kêu quan mà trả đồ sính lễ", nếu "con rể lăng mạ cha mẹ vợ, đem thưa quan, cho ly dị". Trong gia đình người vợ tương đối bình quyền với người chồng và do đó, hôn nhân không được coi là sự chuyển giao hoàn toàn cô gái từ gia đình bên nội của mình sang gia đình chồng như ở Trung Quốc. Không những thế, luật pháp còn bảo vệ người phụ nữ. Họ được phép đến nhà đương chức xin ly hôn trong trường hợp chồng không chăm nom, săn sóc vợ trong 5 tháng (1 năm - nếu vợ đã có con). Nếu vợ đem đơn đến công đường thì bộ luật cho phép cưỡng bức ly hôn. Nghĩa là, người chồng không làm tròn nghĩa vụ với vợ thì người vợ cũng không buộc phải làm tròn bổn phận của mình. Quy định này không có trong bất kỳ bộ luật nào của Trung Quốc cũng như các văn bản cổ luật trước hay sau triều Lê. Ngay cả khi luật bắt buộc người chồng phải bỏ vợ ngoài ý muốn chủ quan, điều 310 quy định "Vợ, nàng dâu đã phạm vào điều "thất xuất" mà người chồng ẩn nhẫn không bỏ thì phải tội biếm tùy theo nặng nhẹ". Tuy nhiên, sẽ không thể ly hôn được nếu như khi phạm vào điều thất xuất người vợ đang ở trong ba trường hợp (tam bất khứ): đã để tang nhà chồng 3 năm; khi lấy nhau nghèo mà sau giàu có; khi lấy nhau có bà con mà khi bỏ lại không có bà con để trở về. Đồng thời, khi hai bên vợ chồng đang có tang cha mẹ thì vấn đề ly hôn cũng không được đặt ra. Khi ly hôn, con cái thường thuộc về chồng, nhưng nếu muốn giữ con, người vợ có quyền đòi chia một nửa số con. Điều 167 - Hồng Đức thiện chính thư - quy định rõ hình thức thuận tình ly hôn: Giấy ly hôn được làm dưới hình thức hợp đồng, người vợ và người chồng mỗi bên giữ một bản làm bằng. Vậy là, bên cạnh sự ưng thuận của cha mẹ hay các bậc tôn thuộc rất quan trọng thì sự ưng thuận của hai bên trai - gái cũng là một thành tố được nhà lập pháp chú ý đến.Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng sau khi ly hôn hoàn toàn chấm dứt, hai bên đều có quyền kết hôn với người khác mà không bị pháp luật ngăn cấm.Thông thường, nếu ly hôn không do lỗi của người vợ thì phần tài sản riêng (gồm cả điền sản và tư trang), người vợ có quyền mang về nhà mình. Trong trường hợp có lỗi; thường thì tự ý người vợ không đem theo tài sản hoặc trong một vài trường hợp luật định người vợ buộc phải để lại tài sản đó cho chồng, "người vợ mà đi gian dâm, tài sản phải trả về cho chồng"(2).Ngoài ra, việc phân chia và thừa kế tài sản còn tùy thuộc vào việc vợ chồng có con hay không có con. Pháp luật quy định cụ thể ở các điều 374, 375 và 376 (Quốc triều hình luật). Tài sản của vợ chồng được hình thành từ 3 nguồn: Tài sản của chồng thừa kế từ gia đình nhà chồng; tài sản của người vợ thừa kế từ gia đình nhà vợ và tài sản do hai vợ chồng tạo dựng trong quá trình hôn nhân (tài sản chung). Khi gia đình tồn tại, tất cả tài sản được coi là của chung. Khi ly hôn, tài sản của ai, người đó được nhận riêng và chia đôi tài sản chung của hai người.Còn khi chồng chết trước (hay vợ chết trước) tài sản có do bố mẹ dành cho được chia làm hai phần bằng nhau, một phần dành cho gia đình bên chồng/vợ để lo việc tế lễ (bố mẹ bên chồng/vợ hoặc người thừa tự bên chồng/vợ giữ). Một phần dành cho vợ/chồng để phụng dưỡng một đời (nhưng không có quyền sở hữu). Khi người vợ/chồng chết, thì phần tài sản này giao lại cho gia đình bên chồng.Đối với tài sản do hai người tạo ra cũng chia làm hai phần bằng nhau: một phần dành cho vợ/chồng làm của riêng; một phần dành cho vợ/chồng chia ra như sau: 1/3 dành cho gia đình nhà chồng/vợ để lo việc tế lễ; 2/3 dành cho vợ/chồng để phụng dưỡng một đời, không được làm của riêng, khi chết giao lại cho gia đình bên chồng. "Quốc triều hình luật" không nhắc tới động sản, chỉ đề cập tới điền sản, theo Vũ Văn Mẫu: "Điểm này cũng dễ hiểu vì trong một nền kinh tế trọng nông, các động sản khác chỉ là những vật có ít giá trị". Song trong "Hồng Đức thiện chính thư" (điều 258-259) đã không gạt hẳn các động sản ra ngoài thừa kế. "Đến như nhà cửa chỉ có thể chia làm hai, người sống được một phần làm chỗ ở, người chết được một phần làm nơi tế lễ". "Còn đến của nổi, phải để cung vào việc tế tự và theo lệ dân trả nợ miệng, còn thừa bao nhiêu cũng chia cho vợ con". "Của nổi" ở đây được hiểu là vàng, bạc, lụa, vải, thóc lúa, giường chiếu, đồ sứ, mâm thau... Như vậy, pháp luật đã ghi nhận một cách bình đẳng sự đóng góp của người vợ trong tài sản chung của vợ chồng và bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản do hai vợ chồng làm ra.Trong quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, pháp luật nhà Lê không phân biệt con trai - con gái. Nếu cha mẹ mất cả thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hỏa, giao cho người con trưởng giữ, còn lại chia đều cho các con (điều 388); "người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng" (điều 391). "Ruộng hương hỏa giao cho con trai, cháu trai, nếu không có thì giao cho cháu gái ngành trưởng".Về việc áp dụng hình phạt "ngũ hình" (3), có sự phân biệt giữa đàn ông và đàn bà: không áp dụng hình phạt "trượng" cho đàn bà và áp dụng riêng từng loại tội "đồ" cho đàn ông và đàn bà (điều 1 - Quốc triều hình luật).Tóm lại, bộ luật Hồng Đức có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Pháp luật ấy về cơ bản được duy trì để thi hành ở những thế kỷ sau, cho đến khi nhà Nguyễn ban hành bộ luật Gia Long thì uy tín, tinh thần những điều khoản luật Hồng Đức vẫn còn sống trong dân gian. Bộ luật ấy đã có những quy định tương đối tiến bộ, công nhận cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến một số quyền lợi và phần nào bảo vệ họ đối với thái độ "trọng nam khinh nữ"... Có lẽ vì thế mà chúng ta mới thấy xuất hiện trong lịch sử những Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan... mạnh mẽ, mãnh liệt, khát khao bày tỏ tình cảm, mà cũng sâu sắc, trầm lắng biết bao! Họ lên tiếng cho người phụ nữ. Họ đấu tranh cho người phụ nữ... Và cho đến bây giờ, dưới thời đại Hồ Chí Minh, người phụ nữ đã bình đẳng với nam giới, không còn sự "trọng nam khinh nữ" nữa, quyền lợi của người phụ nữ đã được công nhận và bảo vệ như nam giới, thì chúng ta mới thấy được những quyền lợi của người phụ nữ xưa vẫn còn quá ít ỏi, họ còn bị gò bó, ràng buộc, chi phối bởi biết bao nhiêu nguyên tắc đạo đức phong kiến, những "tam tòng, tứ đức"... Tuy nhiên, phải thấy rằng, nhà nước thời Lê đã bắt đầu nhận thấy vai trò lớn lao của người phụ nữ trong sản xuất và trong cuộc sống. Đó là điều tiến bộ trong các triều đại phong kiến Việt Nam.(theo tạp chí Xưa và nay)