1. Đặt vấn đề
Huyện Đức Thọ nằm ở phía bắc tỉnh Hà Tĩnh (tách khỏi Nghệ An từ năm
1831), có quá trình hình thành, phát triển từ lâu đời. Đầu đời Nguyễn, Đức Thọ
(lúc này có tên La Sơn) là 1 trong 6 huyện của phủ Đức Quang thuộc trấn Nghệ An.
Trong nhiều thế kỉ, đây cũng là vùng đất “gạo trắng nước trong”, “nhiều bề làm ăn”.
Án ngữ trên lưu vực sông La (hợp lưu của sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu), sông Lam
(hợp lưu của sông Cả và sông La), Đức Thọ còn là nơi “trên bến dưới thuyền” tấp
nập. Trong nền kinh tế truyền thống của huyện, lĩnh vực thủ công nghiệp đóng vai
trò quan trọng với nhiều ngành nghề và làng nghề có quy mô lớn, nổi tiếng trong
tỉnh.
Đầu thế kỉ XIX, theo thống kê trong sách Đại Nam nhất thống chí và sách
Nghệ An kí, ở Đức Thọ có 9 làng nghề lớn với 6 nghề: Dệt vải lụa, làm đồ gốm, làm
đồ mộc, đóng thuyền, ép dầu và làm nón lá [7;220-221], [4;220-221]. Số lượng nghề
và làng nghề ở Đức Thọ trong so sánh với tổng số nghề và làng nghề ở Nghệ An,
Hà Tĩnh có tỉ lệ lần lượt là 50% và 18%, cao nhất so với các huyện ở khu vực này.
Trong số các nghề thủ công truyền thống ở Đức Thọ, nghề làm nón đã hình thành
từ lâu đời. Vào thế kỉ XIX, loại nón lá sản xuất ở đây là những sản phẩm nổi tiếng
tinh xảo, bền chắc, được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài huyện, thu hút một số
lượng lớn lao động ở địa phương.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 244 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghề làm nón ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nửa đầu thế kỉ XIX, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci. Science., 2010, Vol. 55, No. 7, pp. 109-114
NGHỀ LÀM NÓN Ở HUYỆN ĐỨC THỌ (HÀ TĨNH)
NỬA ĐẦU THẾ KỈ XIX
Lê Hiến Chương
Đại học Sư phạm Hà Nội
1. Đặt vấn đề
Huyện Đức Thọ nằm ở phía bắc tỉnh Hà Tĩnh (tách khỏi Nghệ An từ năm
1831), có quá trình hình thành, phát triển từ lâu đời. Đầu đời Nguyễn, Đức Thọ
(lúc này có tên La Sơn) là 1 trong 6 huyện của phủ Đức Quang thuộc trấn Nghệ An.
Trong nhiều thế kỉ, đây cũng là vùng đất “gạo trắng nước trong”, “nhiều bề làm ăn”.
Án ngữ trên lưu vực sông La (hợp lưu của sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu), sông Lam
(hợp lưu của sông Cả và sông La), Đức Thọ còn là nơi “trên bến dưới thuyền” tấp
nập. Trong nền kinh tế truyền thống của huyện, lĩnh vực thủ công nghiệp đóng vai
trò quan trọng với nhiều ngành nghề và làng nghề có quy mô lớn, nổi tiếng trong
tỉnh.
Đầu thế kỉ XIX, theo thống kê trong sách Đại Nam nhất thống chí và sách
Nghệ An kí, ở Đức Thọ có 9 làng nghề lớn với 6 nghề: Dệt vải lụa, làm đồ gốm, làm
đồ mộc, đóng thuyền, ép dầu và làm nón lá [7;220-221], [4;220-221]. Số lượng nghề
và làng nghề ở Đức Thọ trong so sánh với tổng số nghề và làng nghề ở Nghệ An,
Hà Tĩnh có tỉ lệ lần lượt là 50% và 18%, cao nhất so với các huyện ở khu vực này.
Trong số các nghề thủ công truyền thống ở Đức Thọ, nghề làm nón đã hình thành
từ lâu đời. Vào thế kỉ XIX, loại nón lá sản xuất ở đây là những sản phẩm nổi tiếng
tinh xảo, bền chắc, được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài huyện, thu hút một số
lượng lớn lao động ở địa phương.
2. Nội dung nghiên cứu
Nửa đầu thế kỉ XIX, nghề làm nón ở Đức Thọ chủ yếu tập trung ở thôn Yên
Hội - xã Yên Đồng và thôn Vạn Phúc Đông - xã Việt Yên Thượng. Theo truyền
thống, thôn Yên Hội chuyên sản xuất loại nón bằng quai thao, còn gọi là nón Hạ,
người ngoài tỉnh quen gọi là nón Nghệ, nón Dâu (do các cô dâu thường sử dụng
trong ngày cưới) hoặc nón Thượng (do bán nhiều ở chợ Thượng); thôn Vạn Phúc
Đông chuyên sản xuất loại nón chóp nhọn, còn gọi là nón Thượng. Tên gọi nón Hạ
và nón Thượng còn gắn liền với hai trung tâm buôn bán nón lớn nhất trong huyện
là chợ Hạ ở xã Việt Yên Hạ và chợ Thượng ở xã Việt Yên Thượng, cùng thuộc tổng
109
Lê Hiến Chương
Việt Yên. Nguyên liệu và các công đoạn sản xuất hai loại nón nói trên ít nhiều có
khác nhau.
Đầu thế kỉ XIX, nghề làm nón Hạ ở xã Yên Đồng đang trong giai đoạn thịnh
đạt nhất. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “Nón sản xuất ở xã Yên Đồng,
huyện La Sơn, nón may tinh xảo, phụ nữ cả nước đều dùng” [7;220].
Nguyên liệu sản xuất nón Hạ gồm:
- Trảy: một loại cây họ tre mọc nhiều trên rừng, khi lấy về dùng dao sắc gọt
hết phần vỏ xanh bên ngoài, chặt thành từng đoạn dài khoảng trên 1 thước rồi chẻ,
vót tròn thành từng sợi bằng ngón tay út. Sợi này dùng làm vành chính của nón.
- Nứa: dùng loại nứa thân to, lóng dài, cắt bỏ phần đốt, chẻ nhỏ rồi vót tròn
thành từng sợi có đường kính to hơn chiếc tăm. Loại sợi này dùng làm vành nhỏ
bên trong, thông thường một chiếc nón cần 50 - 60 vành nứa.
- Lá kè non: là phần ngọn lá chưa nở hết, nằm trên ngọn cây tro (cùng họ với
cây cọ - tác giả), có màu xanh trắng, rất mềm. Sau khi chặt về, lá kè non được phơi
nắng cho xoè ra, mỗi nón cần 2 lá.
- Sợi tơ: được nhuộm các màu xanh, đỏ, vàng, dùng làm chỉ khâu (chằm) nón.
Các loại cây trảy, nứa và lá kè non đều phải mua từ huyện Hương Sơn hoặc
do người làng đi khai thác trên rừng. Riêng tơ làm chỉ khâu mua từ các làng dệt
luạ lân cận.
Sợi trảy sau khi vót xong đem tẩm nhọ nồi (từ địa phương là lọ nghẹ) rồi
“xông hầm” để được bền, dẻo và có màu vàng óng. Hầm xông là một hố sâu khoảng
40 cm, đường kính khoảng 30 cm, được đào trong vườn hoặc góc sân, bên dưới để
bã lá chè đã phơi khô. Sợi trảy được uốn tròn và chèn vào một chiếc thúng bằng
tre đã trát kín bên ngoài bằng nhựa củ nâu (củ nu). Khi hầm, thúng được úp lên
miệng hố rồi đốt bã chè bên dưới, phần khói bã chè không thoát ra được mà âm ỉ
nhiều giờ bên trong. Việc xông hầm kéo dài từ chiều tối đến sáng sớm hôm sau. Đối
với vành nứa, sau khi vót xong chỉ cần phơi nắng khoảng 1 - 2 buổi cho khô rồi bỏ
vào chum vại, tránh ẩm mốc.
Công đoạn tiếp theo sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu là lắp ráp, tạo dáng
trên khuôn nón, còn gọi là mở nón. Đây là việc khó nhất, quyết định hình dáng, kích
thước và tính thẩm mỹ của sản phẩm. Mỗi chiếc nón có 3 vành trảy và cũng là vành
chính (vành cái (vành cấy) gồm: vành dưới, vành giữa và vành trên cùng, trong đó
vành dưới có đường kính khoảng 70 cm). Xen giữa ba vành trảy là vành nứa (vành
con) ken dày. Thông thường càng nhiều vành nứa thì nón càng chắc chắn, nhưng
cũng nặng hơn.
Sau khi tạo dáng xong, nón được chằm bằng cách lấy lá kè non rẽ ra, phủ
lên đỉnh rồi dùng chỉ tơ khâu với khung từ trên xuống. Bên trong vành thêu chữ
“hoa”, chữ “thọ” hoặc hình “phượng ngậm bao kinh” bằng chỉ tơ ngũ sắc. Nón sau
khi chằm và thêu xong được gắn một cái gàu đan bằng nan tre vót nhỏ bên dưới
phần chóp, dùng để đặt lên búi tóc khi đội. Quai nón là 24 sợi dây thao tết bằng
110
Nghề làm nón ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nửa đầu thế kỉ XIX
sợi tơ nhiều màu, hai đầu có hai ngù thao rủ xuống. Quai thao không mắc vào cằm
như nón thường mà vòng xuống tận thắt lưng. Thành nón được gắn một thẻ bạc
mỏng, ở giữa có khuy nhỏ để treo móc bằng bạc, gọi là “mỏ vịt”, bộ quai thao được
móc vào đấy nên còn gọi là nón “quai thao mỏ vịt”. Người đội loại nón này phải
dùng một tay giữ nếu không nón sẽ rơi, đó cũng là một điệu bộ làm duyên. Ngoài
loại nón quai thao mỏ vịt tinh xảo nói trên còn có loại nón thô mộc hơn, quai nón
thường làm bằng vải, thậm chí là sợi mây, giá của loại nón này cũng rẻ hơn nhiều.
Do qua nhiều công đoạn, lại tiến hành tỉ mỉ nên quá trình hoàn thiện một
chiếc nón tốn khá nhiều thời gian, trung bình một hộ có 5 người làm việc liên tục
1 ngày đêm cũng chỉ làm được 2 chiếc nón đẹp. Từ nhu cầu lớn của thị trường tiêu
thụ, vào thế kỉ XIX, những gia đình có nghề làm nón ở Yên Hội thường phải thuê
thêm người làm từ các làng xã lân cận, số người làm nón trong một hộ lúc cao điểm
có thể lên tới 10 - 15 người. Một số hộ lại giao khoán việc chẻ, vót trảy, nứa, và
chằm nón, thêu nón cho người khác đưa về nhà làm, sau 1 - 2 ngày nộp lại sản
phẩm. Người nhận làm thuê được trả tiền hoặc thóc gạo. Vào trước những ngày có
phiên chợ lớn trong vùng, hầu hết các hộ làm nón đều phải thức suốt đêm. Ở giữa
nhà đặt một ngọn đèn dầu to, nhiều bấc, mọi người tập trung chằm nón để sáng
mai kịp đưa đi bán. Riêng đến phiên chợ Vĩnh (chợ Vinh), họ phải làm liên tục từ
ngày hôm trước tận chiều tối hôm sau để kịp đưa nón xuống đò chở đi.
Loại nón bằng sản xuất ở thôn Yên Hội không chỉ đẹp, nhẹ, tinh xảo mà còn
rất bền. Một chiếc nón tốt có thể đội 3 - 4 năm, nếu giữ cẩn thận còn được lâu hơn
nữa mà không sợ mối mọt, cong vênh. Nón quai thao mỏ vịt cùng bộ áo “mớ ba”
“mớ bảy” là phục sức quen thuộc của quý bà, quý cô trong dịp hội hè, đình đám,
chỉ những người giàu có mới mua được. Nửa đầu thế kỉ XIX là giai đoạn thị trường
tiêu thụ nón Hạ bùng nổ ở cả hai miền Nam Bắc, tạo việc làm và thu nhập thường
xuyên cho người dân địa phương. Chợ Thượng, chợ Hạ và chợ Vĩnh là những trung
tâm mua bán nón Hạ lớn nhất. Trong sách Yên Hội thôn chí đầu thế kỉ XIX, Bùi
Dương Lịch cho biết: “Nghề làm nón lá cũng rất tinh xảo, so với những nơi khác là
tốt nhất, truyền rộng ra cả nước. Những nón nhẹ, đẹp, sáng thì giá đến 2.000 đồng
tiền. Những nón thô, xấu, giá cũng không dưới 200 đồng tiền. Già, trẻ, trai, gái đều
làm được, đây là một nghề nhàn ở địa phương” [5;37].
Trong nhiều thế kỉ, ở Đức Thọ và khu vực Nghệ Tĩnh, “quai thao thâm nón
Hạ, khăn nhiễu lục thắt lưng” là phục sức sang trọng, gắn liền với vẻ đẹp dịu dàng,
đài các của các cô gái. Nón Hạ còn đi vào thơ ca:
Nón Hạ mà buộc quai thao
Lưng ong thắt đáy trai nào chẳng ưa
Hay:
Nón Hạ buộc quai thao vàng
111
Lê Hiến Chương
Em về dưới Trổ (xã Đức Nhân) đổ đàng (đường) với anh
Đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nón Hạ vẫn là đồ trang sức quen thuộc
của phụ nữ nhiều nơi trên cả nước. Trong bài Nón Thượng, chiếc nón của người phụ
nữ Việt Nam đăng trên tạp chí Đô thành hiếu cổ số 1 năm 1918, tác giả Hồ Đắc
Hàm cho biết: “Tại vùng Bắc Trung kì, nó được gọi là nón Nghệ,. . . Trước kia nó
rất được thịnh hành ở Huế, được các mệ trong giới thượng lưu ưa chuộng, nó còn
phổ biến ở phía bắc Trung kì, đặc biệt là các tỉnh Bắc kì” [3;20].
Đối diện với làng Yên Hội bên kia sông La là làng Vạn Phúc Đông, chuyên
sản xuất loại nón chóp nhọn. Nguyên liệu làm nón ở đây gồm các loại cây trảy, nứa,
giang, mây và lá kè non, ngoài ra còn có cây vọt (còn gọi là cây tiến, mọc nhiều ở
vùng đồi núi).
Các loại cây nứa, giang, mây, vọt sau khi chẻ và vót thành sợi được ngâm
nước để tránh mối mọt. Lá kè non khi chặt về phơi nắng khoảng 2 tiếng cho xoè ra,
sau đó hơ trên bếp lửa khoảng 10 phút, rồi lại phơi nắng 1 buổi. Sau khi phơi, lá kè
có màu trắng ngà và rất mềm, dẻo. Trước khi đưa vào chằm nón, lá kè được nhúng
(trấn) nước một lúc rồi vớt ra, để khô khoảng 2 tiếng là có thể đưa vào làm. Sợi cây
trảy cũng được “xông hầm” như kĩ thuật làm nón Hạ ở thôn Yên Hội, nhưng bên
dưới hầm đốt rơm thay vì bã lá chè phơi khô.
Khác với nón Hạ, việc tạo dáng cho nón Thượng không cần khuôn, khung
nón được tạo đơn giản bằng 3 vành trảy từ trên xuống và to dần: vành trên cùng
gần chóp, vành giữa và vành dưới cùng. Nối từ vành trên cùng xuống bên dưới là
những vành con bằng sợi nứa, được buộc chặt với nhau bằng sợi mây mỏng. Phía
bên dưới chóp nón lấy sợi giang khoanh thành nhiều vòng để phần chóp được chắc
chắn, không sụp, gãy. Sau khi làm xong khung nón, lấy 2 lá kè non có cuống đối
diện lợp chồng lên nhau tạo thành đỉnh nón (núp) rồi dùng kim và chỉ may lá kè từ
trên xuống vào khung. Đến vành dưới cùng, dùng 2 thanh nứa nhỏ ép lá kè lại, bên
ngoài 2 thanh nứa bọc một sợi tiến to, tròn rồi ráp lại với nhau bằng sợi mây, vành
nón bên dưới vì thế rất chắc chắn và tròn đẹp, phần đuôi lá kè không lộ ra ngoài.
Nếu như nón Hạ chỉ dành cho người “thanh quý” và giới phụ nữ nói chung
thì nón Thượng lại phục vụ người dân lao động. Ở Đức Thọ, đàn ông đi làm đồng,
phụ nữ đi chợ, học trò ra đường hay trẻ em đi chăn trâu đều đội nón Thượng. Do
có khung chắc chắn, lại được lợp dày nên loại nón này rất bền, mặc dù hơi nặng.
Thông thường một chiếc nón có thể dùng thường xuyên đến 3 - 4 năm. Nếu hỏng
phần lá bên ngoài, người trong huyện và vùng lân cận lại đem đến cho thợ trong
làng chằm lại.
Nón Thượng không chỉ đội đầu lúc mưa nắng mà còn làm quạt khi trời nóng,
làm trống cho trẻ em chơi trò “cầu đồng roi” (một người đánh vào sợi dây bắc qua
đỉnh nón để “cầu đồng”, cho “hồn nhập” vào người ngồi trước mặt), thậm chí dùng
làm gàu để tát nước bắt cá. Nón Thượng cũng là vật che mưa hữu hiệu, thường
dùng với loại áo tơi bằng lá tro sản xuất ở xã Tộ Vượng - huyện Đức Thọ, còn gọi
112
Nghề làm nón ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nửa đầu thế kỉ XIX
là áo “tơi ống”, khi cần có thể kéo che quanh người.
So với làng nón Yên Hội, nghề làm nón ở thôn Vạn Phúc Đông có quy mô nhỏ
hơn, kĩ thuật cũng đơn giản hơn. Mọi quy trình làm nón chủ yếu do người trong
làng tiến hành theo từng gia đình, ít có hiện tượng thuê người làm hoặc giao khoán
sản phẩm. Nghề làm nón ở đây hoạt động quanh năm nhưng tấp nập nhất là vào
mùa hè, dịp cấy gặt. Thông thường một người thạo việc và chăm chỉ có thể làm
được 2 chiếc nón trong 1 ngày. Hai trung tâm tiêu thụ nón lớn nhất của thôn Vạn
Phúc Đông giai đoạn này là chợ Thượng và chợ Vĩnh.
Nửa đầu thế kỉ XIX, loại nón lá chóp nhọn là vật dụng phổ biến ở khu vực
Nghệ An, Hà Tĩnh. Sách Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh dẫn một tài liệu cổ
giữa thế kỉ XIX cho biết: “Xưa hơn nữa thì “học trò đội nón Thượng (làng Việt Yên
Thượng làm), kẻ thanh quý đội nón Xuân Canh (tục gọi là nón Lứ), người đi cày
đội nón nhỏ trên tròn, đàn bà cũng đội như thế. Nay (1857) thì ai cũng đội nón
chóp nhọn, học trò thêm nan tre sơn đen, quai nón bằng lụa trắng có giải thòng
xuống” (Tài liệu số 51)” [2;418].
Đến đầu thế kỉ XX, nón Thượng vẫn được cư dân ở khu vực Nghệ Tĩnh sử
dụng rộng rãi. Trong sách Tỉnh Hà Tĩnh năm 1925, tác giả Bulateau cho biết: “Trên
đầu họ thường đội cái nón chóp nhọn gọi là nón Thượng. Các bà đứng tuổi trở lên
thì đội nón bằng quai thao. Kiểu nón Thượng chỉ lưu hành sử dụng từ đèo Ngang
trở ra. Còn ở miền trong thì không hề thấy” [1;44].
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nghề làm nón giúp các hộ đủ ăn, đủ mặc,
nhưng cư dân làng nghề cũng thường mắc phải “bệnh nghề nghiệp”. Phổ biến là
tình trạng bàn tay chai sạn, đầy sẹo, thường xuyên bị trầy xước khi chẻ, vót nứa,
mây, trảy,. . . Những người chằm nón cũng thường xuyên đau mỏi vai, lưng, đầu gối.
Nguy cơ hoả hoạn cũng luôn thường trực do để nhiều nguyên vật liệu dễ cháy trong
nhà và đốt lửa hầm vành nón. Nhẹ thì hỏng hết vành trong thúng, nặng hơn thì
cháy cả đụn rơm, chuồng gà, chuồng lợn, và tệ nhất là thiêu rụi cả cơ ngơi trong
chốc lát. Sách Đại Nam thực lục cho biết 2 vụ hoả hoạn lớn xảy ra trên địa bàn
Đức Thọ nửa đầu thế kỉ XIX: năm 1848: “Vạn Phúc trung thôn bị lái lửa, cháy lan
đến các thôn Vạn Phúc Đông, Cửu An, Trường Xuân và phố Minh Lương (tức phố
cảng Phù Thạch) 487 hộ” [6;77]; năm 1853: “(Triều đình) chẩn cấp cho thôn Trường
Xuân bị hoả tai” [6;274]. Theo truyền ngôn, đây là những vụ hỏa hoạn lớn nhất
trong huyện đầu đời Nguyễn, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, và phần lớn đều xuất
phát từ những hộ làm nón, đan lát đồ tre nứa ở phía bắc sông La.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với sự biến đổi về phục sức,
nghề làm nón Hạ nhanh chóng bị mai một. Từ khoảng những năm 60 của thế kỉ
XX, nghề làm nón Thượng ở thôn Vạn Phúc Đông cũng thu hẹp dần về quy mô và
thị trường tiêu thụ, một số hộ trong làng chuyển sang sản xuất loại mũ lá chóp tròn
có vành. Đến nay, nghề làm nón lá, mũ lá ở Yên Hội và Vạn Phúc Đông không còn
nữa.
113
Lê Hiến Chương
3. Kết luận
Nửa đầu thế kỉ XIX, Đức Thọ là huyện có số lượng ngành nghề và làng nghề
thủ công lớn nhất ở khu vực Nghệ Tĩnh. Trong đó nghề làm nón - một vật dụng
truyền thống không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của cư dân - có vị trí quan
trọng, được phản ánh qua các tư liệu thành văn và tư liệu truyền miệng.
Nghề làm nón ở Đức Thọ gắn liền với những kĩ thuật, kinh nghiệm riêng. Tận
dụng lợi thế về mặt nguyên liệu, cư dân ở đây đã sản xuất những loại nón bền, chắc,
có tính thẩm mĩ cao, tạo điều kiện công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho cư
dân làng nghề và các làng xã lân cận.
Thị trường tiêu thụ của nghề làm nón ở Đức Thọ được mở rộng khắp địa bàn
Nghệ Tĩnh và nhiều nơi trong nước. Tổ chức sản xuất ở các làng nghề chủ yếu theo
hộ gia đình, có sự phân công lao động khá rõ nét. Sự phát triển của nghề làm nón
cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân làng nghề và cả yếu tố cảnh quan, môi
trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] R.Bulateau, 1925. La province de Ha Tinh. Tài liệu chép tay, bản lưu tại
Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh.
[2] Nguyễn Đổng Chi (chủ biên), 1995. Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh.
Nxb Nghệ An. Vinh.
[3] Hồ Đắc Hàm, 1918. Le Non Thuong - chapeau des femmes Annamites.
Bullentin des Amis du vieux Hue.
[4] Bùi Dương Lịch, 1993. Nghệ An kí. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.
[5] Bùi Dương Lịch, 2000. Yên Hội thôn chí. Sở Văn hoá - Thông tin Hà Tĩnh,
Hà Tĩnh.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007. Đại Nam thực lục, tập 7. Nxb Giáo dục.
Hà Nội.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, 1997. Đại Nam nhất thống chí, tập 2. Nxb
Thuận Hóa, Huế.
ABSTRACT
Producing traditional hats in Duc Tho district (Ha Tinh province)
in the early 19th century
By using old documents in 19th and early 20th century, the paper presents the
job of producing traditional hats (Ha hat and Thuong hat) in Duc Tho district in the
early 19th century. The author described in detail the production process. From the
choosing of raw materials to decorating individual hats. At this stage, hats produced
in Duc Tho were consumed boardly in the country, especially from Hue capital city
to provinces in the north. These products were also highly assessed by their fine
quality and precision.
114