Tóm tắt. Văn học Việt Nam không chỉ cấu thành bởi văn học dân tộc Kinh mà
còn có sự góp mặt của nhiều bộ phận văn học dân tộc ít người khác. Người Thái
có dân số đông vượt trội, địa bàn cư trú rộng lớn, có bề dày văn hóa. Ở lĩnh vực
văn học, tộc Thái có nhiều thành tựu tiêu biểu, trong đó truyện thơ là thể loại điển
hình. Truyện thơ người Thái có nhiều điểm tương đồng và khác biệt với truyện
Nôm người Kinh. So sánh cốt truyện Trạng nguyên (Thái) với Tống Trân Cúc Hoa
(Kinh), chúng tôi thu được những kết quả khá thú vị. Đây là minh chứng cụ thể,
khẳng định mối giao lưu văn hóa và bản sắc văn hóa tộc người.
9 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 263 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu truyện thơ cùng cốt truyện: Trạng nguyên (Người Thái) với Tống Trân Cúc Hoa (Người Kinh) ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Science, 2013, Vol. 58, No. 2, pp. 32-40
This paper is available online at
NGHIÊN CỨU TRUYỆN THƠ CÙNG CỐT TRUYỆN:
TRẠNG NGUYÊN (NGƯỜI THÁI) VỚI TỐNG TRÂN CÚC HOA
(NGƯỜI KINH) Ở VIỆT NAM
Ngô Thị Phượng
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Bắc
Tóm tắt. Văn học Việt Nam không chỉ cấu thành bởi văn học dân tộc Kinh mà
còn có sự góp mặt của nhiều bộ phận văn học dân tộc ít người khác. Người Thái
có dân số đông vượt trội, địa bàn cư trú rộng lớn, có bề dày văn hóa. Ở lĩnh vực
văn học, tộc Thái có nhiều thành tựu tiêu biểu, trong đó truyện thơ là thể loại điển
hình. Truyện thơ người Thái có nhiều điểm tương đồng và khác biệt với truyện
Nôm người Kinh. So sánh cốt truyện Trạng nguyên (Thái) với Tống Trân Cúc Hoa
(Kinh), chúng tôi thu được những kết quả khá thú vị. Đây là minh chứng cụ thể,
khẳng định mối giao lưu văn hóa và bản sắc văn hóa tộc người.
Từ khóa: Truyện thơ, cốt truyện, tương đồng, khác biệt, Trạng Nguyên, Tống Trân
Cúc Hoa, văn học dân tộc ít người...
1. Mở đầu
Trong số các thể loại văn học Thái còn lại đến nay, truyện thơ có giá trị hơn cả. Nhà
nghiên cứu Thái học Cầm Cường đó nhận định: “xã hội bản mường Thái sau thời kì anh
hùng mở đất đã bước vào thời kì củng cố và xây dựng hòa bình cũng như giữ gìn hòa bình
các bản mường. Đó là thời kì bắt đầu nở rộ thơ ca và các đỉnh cao của trào lưu văn học
này là các truyện thơ” [1;116]. Hiện nay, trong thư viện của tỉnh Sơn La, nguyên là thủ
phủ của khu tự trị Thái Mèo xưa, còn lưu giữ khoảng 300 truyện thơ viết bằng chữ Thái
cổ, nhưng số tác phẩm được dịch sang tiếng Việt còn khá khiêm tốn. Xuất phát từ thực tế
đó, chúng tôi đã dành nhiều tâm sức sưu tầm, dịch, biên soạn, nghiên cứu về truyện thơ
Thái. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, có một số truyện thơ Thái cùng cốt
truyện với truyện Nôm Kinh như Ngu háu, Ý Nọi – Nàng Xưa, Trạng nguyên, Trạng Tư,
Ú Thêm. Ở các sáng tác kể trên, truyện Trạng nguyên (viết tắt là TN), có cốt truyện giống
truyện Nôm Kinh Tống Trân - Cúc Hoa (viết tắt là TTCH), được coi là “thành công lớn
về mọi mặt. Nó chứng tỏ ngôn ngữ văn học, nghệ thuật thơ ca dân tộc, tầm uyên bác của
Ngày nhận bài 5/5/2012. Ngày nhận đăng 25/12/2012.
Liên lạc Ngô Thị Phượng, e-mail: lengotracviet@yahoo.com
32
Nghiên cứu truyện thơ cùng cốt truyện: Trạng Nguyên (người Thái) với Tống Trân Cúc Hoa...
tác giả [. . . ] làm nên một trong những niềm tự hào lớn lao của văn học Thái Việt Nam
ta” [1;128]. Truyện rất đáng để người đọc chú ý. Dưới đây, chúng tôi tiến hành trình bày
một số vấn đề liên quan đến hai truyện thơ có cùng cốt truyện nói trên, chỉ ra điểm tương
đồng, khác biệt, làm sáng tỏ hơn mối quan hệ giữa văn học Thái và Kinh.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Truyện thơ và cốt truyện
Truyện thơ - thuật ngữ định danh dùng để chỉ một thể loại văn học của người Kinh;
các dân tộc ít người trong đó có người Thái trên lãnh thổ Việt Nam.
Trước hết, xin bàn về thuật ngữ truyện thơ Nôm. Từ khi có khoa văn học sử dân tộc,
giới nghiên cứu đã đưa ra một số thuật ngữ gọi tên thể loại như: truyện thơ Nôm, truyện
thơ, trường ca tự sự, truyện dài, truyện Nôm, truyện thơ lục bát. Đây là một trong bốn thể
loại lớn nhất của nền văn học trung đại Việt Nam. Bàn về văn học Việt Nam nửa cuối
thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, ở cuốn Việt Nam văn học sử yếu, nhà nghiên cứu Dương
Quảng Hàm đã định nghĩa: “Truyện Nôm là tiểu thuyết viết bằng văn vần. . . ” [3;308].
Trong chương 3, chuyên luận Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, Đặng Thanh Lê khẳng
định: “Truyện Nôm, thể loại tiểu thuyết cổ điển nhất Việt Nam”, “nó nằm trong hệ thống
tác phẩm phản ánh cuộc sống bằng phương thức tự sự” [5;55]. Như vậy, bàn về truyện thơ
Nôm, các ý kiến nêu trên đều thống nhất khẳng định yếu tố hạt nhân là truyện (tự sự) và
thơ (trữ tình).
Tiếp theo, chúng tôi xin bàn về truyện thơ. Đây cũng là một thể loại lớn của văn học
các dân tộc ít người, “thể loại đạt đến trình độ cao nhất trong sự phát triển của các thể loại
văn học dân gian”. Đặc trưng thể loại là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Trong Văn học
dân gian, Đinh Gia Khánh viết: Truyện thơ là “truyện dài bằng thơ”. Giới thiệu tác phẩm
Ú Thêm, Đặng Nghiêm Vạn khẳng định: truyện thơ “là loại hình mang tính chuyển tiếp,
không dừng lại ở phạm trù dân gian, tuy còn đượm nhiều hương sắc, mà đá qua phạm trù
bác học”...
Phan Đăng Nhật trong trang 150, cuốn Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam tổng
kết như sau: “Nếu như người Kinh có truyện thơ Nôm thì các dân tộc thiểu số có một loại
hình tương đương: Truyện thơ. Đó là những tác phẩm tự sự dưới hình thức thơ ca. Ở các
dân tộc thiểu số không cần phải phân biệt với tính bác học và hình thái ghi chép bằng chữ
Hán”. Sau này, Cầm Cường khi tìm hiểu chung về văn học dân tộc Thái cho rằng: “Truyện
thơ (. . . ) thực chất là tiểu thuyết bằng thơ” [1;116].
Hai thuật ngữ: truyện thơ Nôm dân tộc Kinh, truyện thơ dân tộc Thái đều có mẫu
số chung: yếu tố hạt nhân là truyện. Truyện là “tác phẩm văn học miêu tả tính cách nhân
vật và diễn biến của sự kiện thông qua lời kể của nhà văn” [6;1018]. Nghĩa là, truyện thơ
thuộc phương thức tự sự. Tác phẩm tự sự phản ánh đời sống khách quan của con người,
hành vi, sự kiện, được kể lại bởi một người kể chuyện nào đó. Tác phẩm tự sự thường có
cốt truyện, “là lõi diễn biến của truyện từ mở đầu đến kết thúc, cốt truyện do các sự kiện
xâu chuỗi lại mà thành”.
33
Ngô Thị Phượng
Cốt truyện trong truyện thơ phản ánh những nội dung khá phong phú như tình yêu
lứa đôi, hôn nhân gia đình, đấu tranh xã hội, vấn đề tôn giáo, lịch sử, tín ngưỡng. . . Tuy
nhiên, nội dung mang tính nhân văn cao đẹp được biểu hiện nhiều nhất trong các sáng tác
của thể loại. Cốt truyện tự sự phức tạp hay đơn giản còn tùy thuộc vào nội dung, ý đồ tư
tưởng của tác giả. Những tác phẩm tự sự cỡ lớn có nhiều tuyến nhân vật sẽ có nhiều tuyến
cốt truyện tương ứng, đan xen, chồng chéo lên nhau.
Theo mối liên hệ của sự kiện, tác giả tự sự có thể dẫn dắt người đọc đi về những
miền khác nhau, có thể lùi về dĩ vãng hay đắm mình trong hiện tại, có thể lướt qua mặt
này, tập trung vào phương diện kia. Nó có thể kể về những khoảnh khắc, lại có thể diễn
đạt các sự kiện đã xảy ra bao thế hệ, hàng chục năm, hàng trăm năm. Với truyện thơ nội
dung cốt truyện đa phần mang trật tự tuyến tính. Nghĩa là, sự kiện có “tính chất nối tiếp
nhau theo đường thẳng”, trật tự thời gian trước sau.
Nhân vật trong phương thức tự sự được khắc họa đầy đặn nhiều mặt hơn hẳn nhân
vật trữ tình và kịch. Nó được miêu tả kĩ lưỡng cả bên trong lẫn bên ngoài, cả điều nói ra
lẫn không nói ra, cả ý nghĩ và cái nhìn, cả tình cảm, cảm xúc, ý thức và vô thức, quá khứ
hoặc tương lai. Nhân vật trung tâm của truyện thơ thường là những cặp đôi nam nữ trong
truyện tình yêu hôn nhân, những nhân vật lịch sử, tôn giáo. Trong đó, nhân vật cặp đôi
nam nữ phổ biến nhất vì vấn đề tình yêu và hôn nhân gia đình thuộc dòng tiêu biểu của
thể loại.
2.2. Khái quát truyện thơ Tống Trân Cúc Hoa (người Kinh), Trạng nguyên
(người Thái)
TTCH là truyện thơ dài 1680 câu lục bát, hiện không rõ tên tác giả, năm sáng tác.
Tác phẩm có nguồn gốc từ truyện dân gian Việt Nam, rất được nhân dân ưu yêu thích
và truyền tụng. Văn bản chữ Nôm hiện nay có: Tống Trân tân truyện, Quan Văn Đường,
khắc in năm Duy Tân Nhâm Tý, (tức năm 1912), kí hiệu Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm
AB.217. Văn bản quốc ngữ hiện nay là ấn phẩm Tống Trân - Cúc Hoa, Nhà xuất bản Phổ
thông Hà Nội, in năm 1960 và 1961. Truyện được kể theo kết cấu xâu chuỗi, lắp ghép, có
hai lần gặp gỡ, chia li và đoàn tụ. Sự kiện chủ yếu xoay quanh mối quan hệ của ba nhân
vật chính là chàng Tống Trân, nàng Cúc Hoa và cha nàng, tên phú ông. Tống Trân là điển
hình cho loại “tài trai”, Cúc Hoa là gái sắc và đức hạnh. Cả hai đều là những con người
chung thủy trong tình yêu. Còn phú ông thì điển hình cho loại địa chủ tàn ác, tham lam,
bội bạc. Vì truyện quen thuộc với người Việt, chúng tôi không giới thiệu những sự kiện
chính như truyện TN chỉ xin tạm khái quát mô hình cốt truyện như sau:
Truyện xuất hiện 2 lần gặp gỡ, 2 lần lưu lạc và 2 lần đoàn tụ.
Như đã trình bày, truyện thơ TN là sáng tác tiêu biểu của người Thái. Truyện có độ
dài 3372 câu. Văn bản viết tay bằng chữ Thái cổ không còn rõ tên tác giả. Tác phẩm hiện
34
Nghiên cứu truyện thơ cùng cốt truyện: Trạng Nguyên (người Thái) với Tống Trân Cúc Hoa...
đang được lưu giữ trong kho sách Địa chí, Thư viện tỉnh Sơn La. Năm 1997, nhằm bảo
tồn vốn văn hóa cổ truyền, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chép lại trong Truyện thơ trường
ca dân gian Thái. Nếu chỉ đọc tên nhân vật và sơ lược vài phần, độc giả có cảm nhận rất
giống với truyện Nôm TTCH của dân tộc Kinh. Người Thái đã kế thừa cốt truyện trên, tái
tạo lại, thêm bớt tình tiết, tạo ra sinh mệnh mới mang hồn cốt dân tộc mình khiến nó mang
dáng dấp khác. Đây là sáng tác minh chứng cho nhận định của nhà nghiên cứu Lê Trường
Phát: “hàng loạt truyện thơ của một số dân tộc thiểu số có thể đi cặp đôi với những truyện
Nôm của dân tộc Việt như những cặp bài trùng”. Điểm độc đáo dễ thấy ở đây là “truyện
thơ này không hẳn đã là dịch phẩm của truyện Nôm kia, từ truyện Nôm này đến truyện
thơ kia đã có khoảng cách khá xa về cốt truyện, các tình tiết (...) về tính dân tộc của hình
tượng nhân vật, của ngôn ngữ nhân vật” [8;88]. Cũng giống như sáng tác cùng loại, nhân
vật trong truyện chia làm hai tuyến rõ rệt. Nhân vật chính bao gồm: Túng Tân, Cúc Hoa.
Hệ thống nhân vật phụ: Bành Hoa, Cao Vương, Linh Tương,. . .
Như vậy, truyện TN dài hơn truyện TTCH 1798 câu. Để người đọc tiện theo dõi,
chúng tôi cần điểm qua những sự kiện khác biệt với bản TTCH gồm:
Quan Tri phủ Thái An tài đức, nhưng vợ chồng hiếm muộn. Một hôm, đến thăm
người bạn làm chức sen pằn (giúp việc cho an nha) vốn đuề huề con cái ở Mường Vạt,
xứ Yên Châu, ngài Thái An xin được con út của họ về nuôi, liền đặt tên con là Túng Tân.
Toàn bộ đoạn sau, sự kiện trùng khít với TTCH: đỗ trạng, đi sứ, vua thử tài. Sự kiện vua
thử tài có thêm chi tiết diệt hổ dữ ở Mường Lang, nước chư hầu. Cúc Hoa ở nhà, bị cha
Tương độc ác đòi ép gả, Túng Tân về đúng lúc giải thoát cho nàng. Công chúa nước Ngô,
Bành Hoa buồn bã nhớ chồng, đi tìm, bị bão. Trạng nguyên đi săn. Đến đảo, nhờ có vết
chân in trên cát, trạng nhận ra công chúa. Cả gia đình đoàn tụ.
Sau đây là đoạn có sự kiện khác biệt:
Đất nước thái bình, Túng Tân bỗng nằm mơ mình có thể đi lại trên nước, làm rể
Long Vương. Tỉnh dậy, Túng Tân bàn với hai người vợ tìm cách lên đường đi Long cung.
Chàng có thêm người vợ thứ ba, công chúa Cao Vương.
Trở về đất liền, quỷ thuồng luồng gian ác quấy nhiễu, bao dũng sĩ đã ra đi mà không
một người trở về. Thuỷ thần mến tài phò mã nên mời chàng đi giúp. Túng Tân được Long
Vương cứu giúp, bày mưu giết được thuồng luồng.
Mở tiệc ăn mừng nhưng trong lòng ghanh tị, vua bỏ thuốc độc giết chết Túng Tân.
Biết mưu vua, trước khi đi dự tiệc, chàng dặn ba bà nàng cách đối phó. Vua tưởng nhầm
thuốc độc nên trạng không chết liền cho vào miệng nếm thử. Vua chết, cùng lúc đám tang
đức vua và trạng diễn ra. Thiên thượng trên trời biết chàng tài trí mà oan khuất, liền mách
bảo thuốc quý, chàng sống lại.
Túng Tân cùng ba người vợ sinh được một hoàng tử và hai công chúa. Lương Ngau
được cha truyền ngôi và kết duyên cùng Sam Phiêu, người đẹp Mường Chuông. Thiên
thượng ở trên cao đã quá già, muốn lột xác phải kiếm người tài thay thế, Túng Tân cùng
mẹ và ba bà nàng được mời về trời làm then Luông. Lương Ngau cùng hoàng hậu trị vì
đất nước thái bình. Từ kết cấu truyện, người đọc có thể thấy rõ qua mô hình dưới đây.
Như vậy, tác phẩm TN xuất hiện 3 lần gặp gỡ, 2 lần lưu lạc và 3 lần đoàn tụ.
35
Ngô Thị Phượng
Trên cơ sở sự kiện cốt truyện trên, so sánh với truyện thơ TTCH, chúng tôi tìm thấy
những điểm tương đồng và khác biệt cụ thể.
2.3. Giá trị tư tưởng tương đồng, khác biệt
2.3.1. Giá trị tư tưởng tương đồng
Tương đồng là điểm giống nhau giữa hai đối tượng so sánh. Về giá trị tư tưởng, TN
và TTCH có điểm chung sau:
Phản ánh hiện thực xã hội đương thời. Xã hội phong kiến đồng bằng hay xã hội
phìa tạo miền núi đều đã đi qua thời kì thái bình thịnh trị, bắt đầu tuột dốc. Chuẩn mực
đạo đức với bề dày truyền thống đã bị đổ vỡ, xã hội dột từ nóc dột xuống.
Ở tác phẩm TTCH, vua Nam Việt tuy đứng đầu quốc gia nhưng không đặt lợi ích
xã tắc lên trên hết mà chỉ chú ý đến lợi ích của cá nhân mình. Không cân nhắc trước sau,
sẵn có quyền lực trong tay, tên vua Việt tiểu nhân ngay lập tức đồng tình với ác ý của con
gái, xuống chỉ bắt chàng lên đường. Vua chẳng quang minh, xã hội tất loạn. Cảnh trường
thi nhốn nháo diễn ra ở xã hội phong kiến xế chiều thêm một nốt nhấn tô đậm hiện thực
đương thời. Việc thu tiền ở trường thi nhất định không phải là một sự việc ngẫu nhiên chỉ
nhằm tô đậm thêm sự nghèo khổ của nhân vật.
Vua đã vậy, quan lại phụ mẫu chi dân, bộ phận giúp việc ở làng xã cũng té nước
theo mưa. Thái độ lên án gay gắt nhất được đặt vào nhân vật trưởng giả. Tên trưởng giả
tuy giàu có nhưng cạn tình người, đặc biệt là lạnh lùng với người nghèo khổ. Thực ra, hắn
gả Cúc Hoa chỉ là một sự dứt bỏ, bởi hắn chỉ thích giàu có tiền bạc, trái ngược với bản tính
trọng tình cảm. Khi ấy, Tống Trân chỉ là một kẻ ăn mày, một hoàn cảnh đối lập với điều
kiện đầy đủ, cao sang của gia đình Cúc Hoa. Nếu lúc đó, Tống Trân là quan trạng hay chí
ít có chút tài sản thì số phận họ đã khác nhiều. Vì tham tiền, Trưởng giả sẵn sàng chà đạp,
mua bán cả ruột thịt của mình. Những tưởng sau khi con rể phú quý thì hắn tốt với họ.
nhưng bản chất con người bạc ác của hắn ngày càng lộ rõ hơn. Tống Trân vì không nhận
lời kết hôn với công chúa cho nên bị đày đi sứ mười đông. Được bảy năm thì tên trưởng
giả liền bắt Cúc Hoa về để gả cho kẻ khác. Ban đầu hắn còn dụ dỗ nàng bằng lời ngon
ngọt. Khuyên không thành, hắn tống giam rồi đánh đập nàng một cách tàn nhẫn. Hắn còn
bắt mẹ chồng nàng nhốt xuống chuồng trâu như nhốt một con vật. Một người cha không
có tình người, tên trưởng giả chính là nhân vật điển hình cho tầng lớp địa chủ cường hào
ở nông thôn.
Hiện thực xã hội phong kiến Thái cũng hiện lên đậm nét. Đội ngũ quan lại chia
làm hai phe đối lập, có quan lại đức độ, số ấy không nhiều, song đa phần là những kẻ tàn
36
Nghiên cứu truyện thơ cùng cốt truyện: Trạng Nguyên (người Thái) với Tống Trân Cúc Hoa...
ác. Vua đương triều ngả theo con gái mà sẵn sàng chà đạp lên cuộc đời nhân tài vừa tuyển
dụng, không mảy may cân nhắc đúng sai. “Trả thù chàng, công chúa dâng kế tiến Ngô/
Đức vua cũng đồng tình cùng con gái/Truyền cho chàng đi sứ nước Ngô”. Dưới gầm trời,
kẻ đứng đầu u tối, nhân tài không được trọng dụng. Sau khi dùng mọi thủ đoạn, từ đi sứ
đến lên rừng săn thú, xuống biển thu phục mãng xà mà vẫn chưa triệt hạ được Túng Tân,
nhà vua thấy lúng túng rồi sợ hãi: “Liền ngượng mặt ngại ngùng/ Lòng nảy ra nhiều chước
mưu toan”. Biết mình không phải là minh quân, chẳng đủ sức thu phục lòng người, vua
tìm tới phương thức hèn hạ nhất trong đời ông ta: tiêu diệt nhân tài bằng thuốc độc để bảo
vệ ngai vàng của chính mình: “Vua đãi yến trạng nguyên dùng trước/ Sơn hào hải vị đều
tẩm độc/ Túng Tân ăn xong liền gục ngã”. Túng Tân đã gián tiếp giết được tên vua vừa
ngu muội vừa hiểm độc. Qua cái chết của kẻ ác và việc gặp được thuốc tiên mà sống lại,
tác giả Thái muốn một lần nữa khẳng định rằng: kẻ ở hiền sẽ được gặp lành, kẻ ác sẽ bị
trừng trị thích đáng.
Tầng lớp trên đã thối nát, lại thêm chuyện hôn nhân gả bán vô nhân ở phạm vi gia
đình. Trong xã hội miền núi, thân phận của người phụ nữ chỉ là “thân con bọ ngựa, bằng
thân con chẫu chuộc thôi” (Sống chụ xon xao). Ông Tương - người cha Cúc Hoa đo tình
mẫu tử thông qua lăng kính đồng tiền, lấy số phận người con làm công cụ đổi chác, mối
quan hệ ruột thịt còn bị đổ thì huống chi khác máu tanh lòng.
Bên cạnh những hình ảnh mục ruỗng ở tầng lớp trên, hiện thực tác phẩm còn được
đề cập đến qua một vài phương diện nhỏ lẻ khác. Các hủ tục rườm rà, cảnh ăn uống đình
đám trong xã hội xưa được đề cập đến ở khá nhiều trường đoạn của tác phẩm. Trước cảnh
chè chén xôi thịt, ăn trên ngồi trốc của tầng lớp phong kiến, đời sống nhân dân lao động
rơi vào cảnh lầm than. An nha, phìa tạo tổ chức tiệc tùng, chúng dân phải góp trâu, góp
rượu. Những hủ tục thách cưới nặng nề, mà mục đích là nhằm ngăn chặn sự tự do hôn
nhân giữa hai giai tầng không cùng đẳng cấp đã làm giảm đi vẻ đẹp văn hóa vùng miền. . .
Vẻ đẹp con người, lòng tự hào dân tộc, ca ngợi tình yêu tự do.
Thông qua nhân vật Tống Trân, Túng Tân và nàng Cúc Hoa, Bành Hoa, Bạch Hoa,
truyện thơ khẳng định vẻ đẹp con người lòng tự hào dân tộc, ca ngợi tình yêu tự do. Chàng
Túng Tân trải qua cuộc hai cuộc thử thách. Lần thứ nhất là thử thách về tri thức sách vở,
Túng Tân đã đỗ đạt. Đến thử thách lớn và gay go hơn, thử thách trên con đường hoạt động
chính trị: hành trình đi sứ Tàu. Nhờ có tài ba và đức độ như vậy mà Túng Tân đã giành
được hạnh phúc và vinh dự: trở thành Then Luông cai quản trời đất. Đối với người Thái,
then (vua Mường trời) là thế giới tuyệt đỉnh mà ở đó người già đi, người lột xác. Túng Tân
không chết, người Thái đã gửi gắm mong muốn con người luôn bất tử cùng thời gian.
Nếu như Túng Tân tiêu biểu cho tài trí của bậc nam nhi thì hai nàng Cúc Hoa, Bành
Hoa lại tiêu biểu cho đức hạnh của người phụ nữ. Những tưởng bông hoa rừng trong chốn
giàu sang, lúa xếp đầy thưng, đệm ngập sàn ngang sàn dọc thì chỉ biết vui chơi ca hát
mà dửng dưng với kiếp người nghèo, nhưng không phải thế. Nhất là nàng Cúc Hoa, đức
hạnh của nàng được vua Tàu phong thành “bà hoàng ngôi phủ”. Trong cảnh đoàn viên,
chia ngôi chính thất, nàng có ngôi vị cao hơn Bành Hoa – công chúa nước Tàu và cả Cao
Vương, con gái vua Thủy Tề.
37
Ngô Thị Phượng
2.3.2. Giá trị tư tưởng khác biệt
Ngoài giá trị tư tưởng chung, hai truyện còn có những điểm khác biệt: Truyện thể
hiện khát vọng chinh phục tự nhiên. Truyện TN của người Thái mang nội dung này, trong
khi TTCH không đề cập. Ba sự kiện thể hiện điều này gồm: Thu phục hổ dữ tàn phá bản
mường, chiến thắng môi trường nước, giết thuồng luồng dưới vực sâu.
Sự kiện thứ nhất: Thu phục hổ dữ tàn phá bản mường.
Ở núi, ngoài những mối hiểm nguy khác, thú dữ luôn là nỗi khiếp sợ của dân chúng.
Điều kì lạ ở chỗ hổ vừa là một nhân vật hiền lành có thể phù trợ cho con người, chẳng hạn
như trong truyện Ngu háu, lại có thể là thế lực đe dọa đời sống con người. Nhân vật hổ
trong truyện TN là đối tượng thứ hai. Hình tượng hổ có thể là “tín ngưỡng bản địa, mang
hình bóng tín ngưỡng vật tổ” của dân tộc Thái xa xưa. Đi sứ nước Tàu, Mường Lang xuất
hiện hổ dữ, ăn thịt truy sát chúng dân, thần nhân khiếp sợ khốn cùng, xương trắng chồng
thành núi, dân số vơi đi quá nửa. Vua chư hầu dâng sớ xin hoàng đế nước Tàu trị hổ. Vua
biết sứ giả Túng Tân tài trí, bèn cử đi giết hổ. (Câu 765 đến câu 870). Đường xa thẳm dòng
dã đi hết ba tháng trời. Quả nhiên, hổ dữ không dễ gì thu phục: “Tiếng hổ gầm rung đất/
Tiếng hú ầm vang khắp rừng xanh./ Còn đất nước rộng bao la thì quạnh vắng”.
Túng Tân thu phục hổ dữ - vốn là tiên nữ trên trời bị giáng xuống hạ giới mà thành.
Nhưng chàng không thu phục cái ác bằng vũ lực mà bằng tài trí và đức độ. Thấy bốn lính
hầu cận của Trạng nguyên đang đến gần, hổ dữ nhảy ra chặn đường. Họ sợ hãi đưa danh
thiếp của Túng Tân. Hổ dữ nghe danh chàng đã lâu, tiếng vang đến tận Mường Trời nên
hiện nguyên hình khuất phục. Chàng một lần nữa được ban thêm tước phẩm nơi sứ người.
Sự kiện thứ hai: Chiến thắng môi trường nước.
Trong truyện Nôm TTCH, kết thúc tác phẩm, nhân vật Tống Trân chỉ có hai người
vợ: nàng Cúc Hoa, người vợ tao khang từ thủa hàn vi và công chúa nước Tần – Bạch Hoa.
Ở tác phẩm TN, Túng Tân có thêm người vợ thứ ba là công chúa Cao Vương. Cao Vương
là con gái yêu của Long vương, vua trị vì mường nước. Chinh phục môi trường trên cạn
vốn dễ dàng hơn, còn môi trường nước là thế giới bí ẩn, đầy hiểm nguy.
Chinh phục thể hiện quan niệm về con người lí tưởng. Xét về yếu tố địa hình, trong
quá trình di cư xuống phía Na