1. Mở đầu
Trong các chính sách của nhà nước Lê - Trịnh với thương nhân nước ngoài
khi đến giao thương với nước ta thế kỷ XVII thì chính sách lập thương điếm là một
vấn đề rất quan trọng. Bởi thương điếm đóng vai trò sống còn với quá trình gom
hàng, tập kết hàng, dỡ hàng và cũng là nơi đại diện cho các thương nhân nước ngoài
tại nước buôn bán sở tại. Vì vậy, chúng tôi muốn tìm hiểu cụ thể hơn về các quy
định của nhà nước Lê - Trịnh đối với việc lập thương điếm của thương nhân nước
ngoài tại Phố Hiến và Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII. Qua đó, bước đầu chỉ ra
một vài đặc điểm về chính sách của chính quyền phong kiến Đàng Ngoài với việc
lập thương điếm nói riêng và ngoại thương nói chung.
11 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 362 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhà nước Lê - Trịnh với việc lập thương điếm của thương nhân nước ngoài ở Phố Hiến và Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci. Science., 2010, Vol. 55, No. 7, pp. 88-98
NHÀ NƯỚC LÊ - TRỊNH VỚI VIỆC LẬP THƯƠNG ĐIẾM
CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI Ở PHỐ HIẾN
VÀ THĂNG LONG - KẺ CHỢ THẾ KỶ XVII
Phạm Thị Nết
Học viện Chính trị Hành chính khu vực I
Hoàng Thị Nga
Trường THPT Chuyên - Đại học Sư phạm Hà Nội
1. Mở đầu
Trong các chính sách của nhà nước Lê - Trịnh với thương nhân nước ngoài
khi đến giao thương với nước ta thế kỷ XVII thì chính sách lập thương điếm là một
vấn đề rất quan trọng. Bởi thương điếm đóng vai trò sống còn với quá trình gom
hàng, tập kết hàng, dỡ hàng và cũng là nơi đại diện cho các thương nhân nước ngoài
tại nước buôn bán sở tại. Vì vậy, chúng tôi muốn tìm hiểu cụ thể hơn về các quy
định của nhà nước Lê - Trịnh đối với việc lập thương điếm của thương nhân nước
ngoài tại Phố Hiến và Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII. Qua đó, bước đầu chỉ ra
một vài đặc điểm về chính sách của chính quyền phong kiến Đàng Ngoài với việc
lập thương điếm nói riêng và ngoại thương nói chung.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái niệm “thương điếm” và vai trò của thương điếm với
thương nhân nước ngoài
a. Khái niệm thương điếm.
Thương điếm xuất phát từ thuật ngữ “Entrepôt”, có nghĩa là một trụ sở, một
chi nhánh, một đại lý thương mại, một kho hàng tạm thời, trung tâm trung chuyển
và phân phối hàng hóa.
Thương điếm xuất hiện trong lịch sử kinh tế nước ta từ thời trung đại. Nó là
nơi đặt cửa hàng, kho chứa hàng hóa, phòng làm của thương nhân nước ngoài tại
nơi thường xuyên đến buôn bán.
Liên quan đến khái niệm “thương điếm” là khái niệm “Công ty Đông Ấn”. Công
ty Đông Ấn thực chất là các công ty thương mại của một số nước châu Âu hoạt
88
Nhà nước Lê - Trịnh với việc lập thương điếm của thương nhân...
động ở phương Đông (chủ yếu ở Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á). Một số công ty
Đông Ấn hoạt động mạnh trong thế kỷ XVII ở nước ta như: Công ty Đông Ấn Hà
Lan VOC (Vereenigde Oost-Indische Compagnie), công ty Đông Ấn Pháp CIO (La
Compagnie franc¸aise des Indes orientales), công ty Đông Ấn Anh EIC (English East
India Company). Về nguyên tắc, đó là những công ty của các tập đoàn tư bản tư
nhân, nhưng có sự bảo trợ từ phía chính phủ. Các công ty này có chức năng thám
hiểm, thăm dò, bang giao chính trị, thực hiện buôn bán, thậm chí là trợ giúp vào
việc can thiệp quân sự và chiếm đất.
Công ty Đông Ấn hoạt động thông qua các thương điếm đặt tại các nước
phương Đông mà thương nhân phương Tây đến buôn bán, như: Thương điếm Hirado
của Anh ở Nhật, thương điếm Kẻ Chợ của Hà Lan ở Đàng Ngoài. . .
Công ty Đông Ấn và thương điếm cùng có chức năng là các trụ sở, đại lý
thương mại của các nước châu Âu đặt tại phương Đông. Nhưng, giữa công ty và
thương điếm có những điểm khác nhau nằm ở quy mô và phạm vi hoạt động. Công
ty Đông Ấn có quy mô lớn hơn, nó như một công ty mẹ, còn thương điếm đóng vai
trò như một chi nhánh. Công ty Đông Ấn thực hiện các chức năng căn bản: chính
trị và kinh tế, còn thương điếm chỉ dừng lại ở chức năng kinh tế, hỗ trợ cho hoạt
động của công ty mẹ.
b. Vai trò của thương điếm.
Thương điếm thực tế đã xuất hiện ở nước ta từ lâu. Vân Đồn được nhà Lý
chú ý tới cũng là do một số thương nhân nước lân cận đến đặt thương điếm buôn
bán ở đó.
Vào thế kỷ XVII, khi ngoại thương nước ta không đơn thuần chỉ giao thương
với các bạn hàng truyền thống ở phương Đông như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mã
Lai. . .mà đã xuất hiện thương nhân nhiều nước phương Tây như: Hà Lan, Anh,
Pháp, Bồ Đào Nha. . . thì thương điếm là yếu tố thực sự cần thiết.
Vai trò của thương điếm tại Đàng Ngoài được thương nhân Hà Lan khái quát
cụ thể như sau:
- Có thương điếm tức là những người sản xuất tơ yên tâm, không còn lo ngại
là lái Hà Lan vụ mùa sau có còn trở lại buôn bán nữa hay không, mà không dễ dàng
bỏ việc sản xuất tơ để đi sản xuất đường.
- Có thương điếm, không còn lo chuyện mỗi khi chuyến tàu đến lại phải giao
thiệp, đánh bạn, làm quen, không phải lễ lạt chè lá.
- Có thương điếm không cần phải cập rập, vất vả cứ đến hết gió mùa là tàu
nhất định phải nhổ neo rời đi, mặc dầu là đang giữa mùa buôn bán, cứ buôn bán
suốt năm tích lại ở thương điếm là tiện nhất.
89
Phạm Thị Nết và Hoàng Thị Nga
- Có thương điếm, công việc chạy rất nhanh, vì trước kia mỗi lần tàu đến là
mất hàng tháng chầu chực trong triều.
- Có thương điếm, trong một chừng mực nào đó được sự tin cậy, tín nhiệm
của dân bản xứ.
Với thương nhân nước ngoài, việc lập thương điếm xuất phát từ mong muốn
có nhiều điều kiện thuận lợi để mua hàng, giữ hàng và bán được hàng một cách dễ
dàng và có lời nhiều nhất. Đặc biệt, từ chỗ có thương điếm, thương nhân nước ngoài
mới có điều kiện đặt hàng, giấm hàng, cất hàng thuận tiện, hơn nữa đi sâu tìm hiểu
phong tục, tập quán, tính nết, yêu cầu của khách hàng. Nó cũng hạn chế được trở
ngại của thiên nhiên ảnh hưởng tới mùa sản xuất và mùa đi biển.
Thương nhân nước ngoài ý thức được nhiều lợi ích của việc có một thương
điếm của công ty mình ở Đàng Ngoài trong việc buôn bán như vậy nên với họ yêu
cầu đặt thương điếm là cần thiết. Tuy nhiên, trong chính sách của nhà nước Lê -
Trịnh với vấn đề đặt thương điếm của các công ty, thương nhân nước ngoài ở từng
thời điểm không hoàn toàn giống nhau. Nhiều quy định không được ban hành bằng
văn bản pháp quy mà chủ yếu do Chúa tự quy ước. Vì vậy, đôi khi việc cho phép
thương nhân nước ngoài đặt thương điếm cũng rất cảm tính. Khảo sát lịch sử chính
sách của nhà nước Lê - Trịnh đối với vấn đề đặt thương điếm có thể thấy vẫn còn
nhiều điểm cần phải làm rõ.
2.2. Nhà nước Lê - Trịnh với việc đặt thương điếm tại Phố Hiến
Trong bối cảnh chung của thế giới và khu vực, vào thế kỷ XVII, nhà nước Lê
- Trịnh đã cho phép một số thương nhân đặt thương điếm tại phố Hiến như: thương
nhân Hà Lan, Anh, Pháp. . . Lịch sử Phố Hiến hay còn gọi là phố Khách gắn liền
với lịch sử ngoại thương phát triển nhưng thương nhân nước ngoài không được đến
buôn bán trực tiếp kinh thành (Thăng Long - Kẻ Chợ). Trước đó, thương nhân nước
ngoài đến buôn bán ở nước ta vẫn phải tập trung ở Vân Đồn. Vân Đồn mỗi ngày
một phồn thịnh, đến thế kỷ XV, thương nhân Nhật đến đây mua tơ đã mạnh dạn
vào tận trong đất liền, tới thẳng nơi sản xuất tơ là Thăng Long. Sau những lần như
vậy, tất cả các thương nhân Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm đều xin lên nhà nước Lê
- Trịnh xin được buôn bán trong đất liền. Lúc này, nhận thấy nguy cơ xâm chiếm là
không có, một mặt tình hình kinh tế thúc đẩy nên nhà nước phong kiến Lê - Trịnh
đã cho các thương nhân tập trung ở một nơi không cách xa kinh thành, đó là Phố
Hiến.
Được sự cho phép của chúa Trịnh, lần lượt các thương điếm của thương nhân
nước ngoài được lập ở Phố Hiến. Phố Hiến nằm phía Đông, cách kinh thành 128
dặm, tức 80 km. Việc đi lại giữa Phố Hiến và Thăng Long - Kẻ chợ rất thuận lợi,
vừa có con đường bộ, vừa có đường sông. Năm 1637, thương nhân Hà Lan được
90
Nhà nước Lê - Trịnh với việc lập thương điếm của thương nhân...
Chúa cho phép đặt thương điếm, gần 30 năm sau là: thương nhân Anh (năm 1673)
(xem thêm [6]), thương nhân Pháp (năm 1680). Các thương nhân châu Á như Trung
Quốc, Nhật Bản, Xiêm cũng xây dựng ở đây các thương điếm của họ. Về tổ chức
thương điếm thì chúa Trịnh không quy định một cách cụ thể. Thường thì ngoài
giám đốc, phó giám đốc thương điếm, Chúa cho phép trong thương điếm có một số
lao công và một số lính để phục vụ cho việc buôn bán, khuân vác, chở hàng hóa.
Trong thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến người ta thấy có 6 lính trông coi và bảo vệ
thương điếm. Tuy nhiên, sau khi được đặt thương điếm rồi thì việc đi lại cũng do
Chúa quy định, chẳng hạn: “giám đốc thương điếm mỗi khi đi đâu đều được mang
theo hai tên lính đi hộ vệ, đeo súng chứ không được cầm giáo” [9;169].
Ngoài việc chịu sự kiểm soát đi lại, các thương điếm phải đáp ứng một số yêu
cầu của chúa Trịnh và các quan lại. Tất nhiên, các thương điếm này chấp nhận sự
“hạch sách” đó để đổi lấy việc làm ăn lâu dài. Nhiều tài liệu đã phản ánh thực trạng
trên, chẳng hạn ngày 26/8/1672, thương điếm Anh ở Phố Hiến họp lần đầu tiên để
quy định công việc trị sự của thương điếm. Họ phân công nhau: một người giữ việc
lễ vật, biếu tặng, hai người giữ kho hàng: “Cũng trong phiên họp này họ quyết định
đòi công ty của họ phải cung cấp cho họ một số rượu vang và thực phẩm nhiều hơn
để họ phải thiết đãi, mua chuộc quan lại vì chính bản thân họ đã chứng nghiệm
thấy cần phải như thế để khỏi phải thua kém bọn lái Hà Lan rất chịu khó tốn rượu
cho quan lại” [9;170]. Ngay cả với thương nhân Hà Lan - người vẫn được coi là giành
được nhiều ưu ái của chúa Trịnh cũng nhiều lần phải đáp ứng những yêu cầu của
Chúa, để lấy lòng Chúa và khi họ không làm vừa ý Chúa, giám đốc thương điếm
của họ vẫn bị cầm tù như bình thường. Đó là trường hợp của viên giám đốc cuối
cùng của thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến là Jacob Van Loo, trước khi về nước
người này đã bị Trịnh Căn bắt nhốt vào tù vì không cung cấp được hàng mà Chúa
đã đặt trước.
Do chính sách cho phép lập thương điếm ở Phố Hiến của nhà nước Lê - Trịnh
đối với các thương nhân nước ngoài nên vào năm 1688, theo mô tả của William
Dampier: “Phố Hiến có 200 nóc nhà. Trụ sở ban đầu của thương quán Anh ở Phố
Hiến là nhà tranh, nhưng sau đó là một số dinh thự, gồm có thương quán Hà Lan
và Anh, nhà của hai viên giám mục người Pháp và phố của Hoa thương đã được
xây dựng bằng gạch” [1;30].
Để đảm bảo an ninh và điều hành các hoạt động buôn bán, chính quyền Lê -
Trịnh đã phái cử nhiều quan chức về trấn thủ ở đây, thậm chí còn cho lập một đồn
binh. Vào cuối thế kỷ XVII, quan trấn thủ ở đây là Lê Đình Kiên, trị nhậm suốt 40
năm. Ông không chỉ chăm lo đến việc bảo đảm an ninh và quản lý hành chính mà
còn trực tiếp tham gia điều hành một số hoạt động kinh tế ở đây. Dampier cũng
đưa ra nhận xét về ông: “Viên trấn thủ hoặc đại diện của ông ta đã cấp giấy thông
91
Phạm Thị Nết và Hoàng Thị Nga
hành cho các tàu thuyền xuôi ngược, ngay cả một chiếc thuyền nhỏ cũng không khởi
hành được nếu không có giấy phép” [1;35]. Do vậy, dưới góc độ an ninh, Phố Hiến
như một trạm kiểm soát vòng ngoài bảo vệ kinh thành nhà nước Lê - Trịnh là Kẻ
Chợ. Còn dưới góc độ kinh tế, thời kỳ đầu, Phố Hiến điều tiết các hoạt động ngoại
thương và ở mức độ nào đó có thể đại diện cho chính quyền Lê - Trịnh giao dịch
với thương nhân nước ngoài. Và mặc dù không hề có văn bản pháp luật quy định
cụ thể thì nhà nước Lê - Trịnh vẫn để mắt tới việc lập thương điếm ở Phố Hiến và
có nhiều động thái can thiệp, quản lý.
2.3. Nhà nước Lê - Trịnh với việc đặt thương điếm ở Thăng
Long - Kẻ Chợ
Dù đã đặt được thương điếm tại Phố Hiến, nhưng đây cũng chỉ là một khu
vực lân cận, cách kinh thành 80 km nên về lâu dài các thương nhân nước ngoài đều
không “mặn mà” ở đây. Họ muốn có thương điếm đặt ở Thăng Long - Kẻ Chợ, nơi
vừa là kinh đô của Đàng Ngoài, vừa là trung tâm diễn ra mọi hoạt động buôn bán,
trao đổi, kể cả với triều đình, quan lại cũng như với các thợ thủ công và thương
nhân bản địa.
Nhưng kế tục các chính sách ngoại thương từ thời Lý, Trần, Lê sơ, chưa bao
giờ thương nhân nước ngoài được phép vào tận kinh thành để giao dịch buôn bán
và cư trú ở đó, nên thời kỳ đầu nhà nước Lê - Trịnh cũng ban hành lệnh cấm đặt
thương điếm ở Kẻ Chợ. Mà nguyên nhân chủ yếu là chúa Trịnh lo giữ xã tắc, không
muốn cho thương nhân nước ngoài vào buôn bán tự do để dò la, thám thính về mặt
chính trị. Tuy nhiên, qua thời gian, Chúa thấy động thái chính trị của các thương
nhân nước ngoài gần như không có, hơn nữa những lễ vật hậu hĩnh, những đơn đặt
hàng đầy hứa hẹn đã khiến cho Chúa thay đổi. Dần dần, chúa Trịnh cho phép các
thương nhân lập thương điếm ở ngay Kẻ Chợ - trung tâm chính trị, kinh tế của
Đàng Ngoài.
Thương điếm đầu tiên của thương nhân phương Tây được mở ở Kẻ Chợ là
thương điếm Hà Lan của công ty VOC. Vì vậy, chúa Trịnh Căn từng nhắc đến ưu ái
đặc biệt này trong thư gửi Toàn quyền Hà Lan ở Batavia: “Trong khi tất cả các lái
nước ngoài đến Đàng Ngoài đều phải trú ngụ ở ngoài phạm vi Kẻ Chợ, riêng người
Hà Lan được phép đến ở ngay kinh thành và được cả phép xây dựng nhà bằng đá,
như vậy chứng tỏ sự thiên vị của Chúa đối với họ” [9;172].
Với các thương nhân khác, việc xin lập thương điếm ở Kẻ Chợ rất khó khăn.
Chúa Trịnh không thoải mái với tất cả các thương nhân khác như với thương nhân
Hà Lan. Thực tế, để đổi lấy sự cho phép của Chúa với việc đặt thương điếm ở Kẻ
Chợ, người Hà Lan đã hỗ trợ chúa Trịnh về mặt quân sự trong cuộc chiến tranh với
Đàng Trong. Vì vậy, với người Anh, mặc dù cũng xin phép đặt thương điếm ở Kẻ
92
Nhà nước Lê - Trịnh với việc lập thương điếm của thương nhân...
Chợ, nhưng chúa Trịnh không đồng ý. Thương nhân Anh phải mất nhiều thời gian,
công sức đi lại và cả tiền bạc để đạt được mục đích đó.
Trước khi xin đặt thương điếm ở Kẻ Chợ, người Anh đã đặt được thương
điếm ở Phố Hiến. Nhưng đó là vào cuối thế kỷ XVII (1673), lúc này Phố Hiến rất
nghèo và vắng vẻ. Người Anh đã than phiền về nó rất nhiều: “Nó quá xa trung tâm
thương mại (Kẻ Chợ), chúng tôi chẳng thể làm gì được, chẳng có thương nhân nào
đến buôn bán với chúng tôi cả” [3;30]. Do đó, thương nhân Anh đã nỗ lực vận động
để được chuyển thương điếm lên Kẻ Chợ nhưng chúa Trịnh không cho phép người
ngoại quốc sống ở kinh thành trừ người Hoa, Nhật Bản và người Hà Lan. Trong giai
đoạn 1672 - 1682, những lời thỉnh cầu của người Anh lên chúa Trịnh đều bị từ chối.
Theo nhật ký của W. Gyfford thì sau 5 năm buôn bán, thương nhân Anh lại
đặt lại vấn đề một lần nữa để xin chúa Trịnh cho đặt thương điếm ở Kẻ Chợ. Cho
tới tháng 5/1679, thương nhân Anh mới được phép đến trú ngụ ở Kẻ Chợ, nhưng
lại chưa được phép xây nhà. Sau đó, họ bị bọn quan đòi 2000 lạng bạc mới cho đất
xây nhà. Tuy nhiên, sự vòi vĩnh này làm thương nhân Anh mất hết kiên nhẫn. Họ
quyết định không xây nữa và thuê lại của một phụ nữ người Bồ Đào Nha là Monica
Dabada. Đến cuối tháng 5/1683, sau 9 năm buôn bán ở Đàng Ngoài, Gyfford mới
được Trịnh Căn cho phép xây nhà làm thương điếm ở Kẻ Chợ. Tuy nhiên, thương
điếm Anh ở đây không tồn tại được bao lâu thì đến 30/11/1697, họ quyết định bỏ
thương điếm ở đó.
Theo lời kể của William Dampier về 2 thương điếm nổi tiếng nhất ở Kẻ Chợ:
“Thương điếm Anh ở Kẻ Chợ không có nhiều người, tọa lạc một cách yên bình ở
phía Bắc của thành phố và quay mặt ra ngoài sông. Đây là một ngôi nhà thấp,
trông đẹp mắt và là ngôi nhà đẹp nhất trong thành phố. Ngôi nhà được xây song
song với con sông, ở mỗi đầu hồi lại có các ngôi nhà nhỏ hơn, mang các công dụng
khác nhau như: nhà bếp, nhà kho. . . Ở góc sân phía bờ sông có một cột cờ treo cờ
Anh trong các dịp lễ vì người Anh có thói quen treo quốc kỳ trong ngày chủ nhật
cũng như các ngày lễ tiết khác” [1;67,68]. Ông cũng mô tả thương điếm Hà Lan ở
giáp thương điếm Anh ở mạn Nam và mô tả thương điếm của họ không rộng như
thương điếm Anh dù họ đã đến đây trước nhiều năm.
Tuy nhiên, sau khi được phép xây dựng thương điếm rồi cũng không phải là
yên trí. Ngày 22/12/1669, khi giám đốc thương điếm Hà Lan là Phillip Schillmans
từ Batavia trở về Đàng Ngoài thì ông thấy thương điếm của mình “hoàn toàn bị
phá hủy” vì Trịnh Tráng lấy cớ cần miếng đất có thương điếm đó để làm trường
bắn. Schillmans được chỉ cho một miếng đất khác làm trụ sở. Dù sao, thương điếm
Hà Lan ở Phố Hiến và Kẻ Chợ cũng được chính quyền ưu ái, vì vậy, nó được hình
thành sớm và tồn tại khá lâu, trải qua 13 đời giám đốc.
93
Phạm Thị Nết và Hoàng Thị Nga
Bảng 1. Danh sách các đời giám đốc thương điếm Hà Lan
ở Phố Hiến và Kẻ Chợ [9;170]
STT Thời gian Tên giám đốc thương điếm
1 1637 - 1640 Korel Hartsinck
2 1640 - 1647 Antony Van Brookorst
3 1647 - 1649 Philip Schileman
4 1649 - 1659 Nicolans de Voogel
5 1659 - 1663 Hendsik Baron
6 1663 - 1666 Léonard Morre
7 1666 - 1667 Devis Verdonk
8 1667 - 1668 Constantyn Rondt
9 1668 - 1672 Kornélis Valchender
10 1672 - 1677 Albert Brevink
11 1677 - 1687 Léonard du Moy
12 1687 - 1691 Jean Sibens
13 1691 - 1700 Jacob Van Loo
Ở đây, vấn đề đặt ra là tại sao nhà nước Lê - Trịnh lại cho thương nhân nước
ngoài đặt thương điếm tại Phố Hiến, thậm chí tận sâu trong kinh thành? Thực ra,
bối cảnh chính trị lúc bấy giờ ở Đàng Ngoài cho thấy nhà nước Lê - Trịnh là 1 thể
chế đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử trước đó; nhà nước này trong quá trình tồn
tại vốn phải lo đối phó với nhiều lực lượng chống đối như: nhà Mạc ở phía Bắc, nhà
Nguyễn ở Đàng Trong. Do đó, nhà nước Lê - Trịnh cần thúc đẩy buôn bán, lấy đó
là cái cớ để tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng bên ngoài. Sự ưu ái của chúa Trịnh
với thương nhân Hà Lan cũng giúp Chúa rất nhiều trong cuộc chiến tranh với Đàng
Trong. Người Hà Lan không chỉ giúp đỡ đơn thuần về mặt vũ khí mà thậm chí họ
còn tham gia trực tiếp trong đoàn quân của Chúa đi ra chiến trận trong hai năm
1642, 1643.
Mặt khác, bối cảnh năng động của nền kinh tế khu vực và trong nước cũng
đã lôi kéo, cuốn hút các nhà cầm quyền vào trong guồng quay của nền kinh tế đó.
Từ chúa Trịnh cho đến các quan đại thần từ trên xuống dưới đều bằng cách này
hay cách khác nhúng tay vào việc buôn bán, tìm cách xoay sở, ăn chặn của thương
nhân. Ngoại thương lúc này không chỉ đem lại nguồn lợi cho nhà nước mà còn đem
lại lợi lộc cho chính tầng lớp quý tộc, triều đình. C. Maybon đã nhận xét: “Các vua
chúa kiếm được lời rất lớn trong các cuộc trao đổi này, không những chỉ vì họ nhận
được những tặng phẩm thật đẹp và lấy cho mình phần quý báu nhất trong số hàng
hóa được các tàu chở đến mà còn vì các tàu vào ra cảng đã bị đánh thuế khá nặng”
[12;34].
Vì mong muốn việc buôn bán được lâu dài và thuận lợi, các công ty tư bản
94
Nhà nước Lê - Trịnh với việc lập thương điếm của thương nhân...
đã yêu cầu nhà nước Lê - Trịnh cho phép đặt thương điếm. Ban đầu còn dè dặt,
e ngại, nhà nước chỉ cho phép đặt các thương điếm cách xa kinh thành như Phố
Hiến. Sau này, do sự khẩn khoản mua chuộc của các công ty, do nhìn thấy món lợi
lớn cũng như nhận thấy nguy cơ chính trị không nhiều, nhà nước đã cho phép xây
dựng thương điếm ở trung tâm chính trị của Đàng Ngoài là Thăng Long - Kẻ Chợ.
2.4. Một số nhận xét về chính sách của nhà nước Lê - Trịnh về
việc đặt thương điếm ở Phố Hiến và Thăng Long - Kẻ Chợ
Qua việc khảo sát chính sách của nhà nước với việc lập thương điếm của
thương nhân nước ngoài ở Phố Hiến và Kẻ Chợ thế kỷ XVII, chúng ta thấy nổi lên
một số điểm sau:
Thứ nhất, chính sách của nhà nước về vấn đề đặt thương điếm của thương
nhân nước ngoài thời Lê - Trịnh còn chịu ảnh hưởng của chính sách ngoại thương
của các thời kỳ trước đó, mà nổi bật nhất là từ tâm lý bảo vệ an ninh quốc gia.
Thời kỳ đầu, nhà nước Lê - Trịnh đã đưa ra những chính sách, quy định cấm thương
nhân phương Tây đi vào kinh thành, cấm họ nghỉ đêm và đặc biệt không cho họ
đặt thương điếm tại đây. Tuy nhiên, khi nhận thấy nguy cơ ngoại xâm không có và
thấy được nhu cầu đơn thuần về kinh tế thì chúa Trịnh cũng đã “cởi mở” hơn, cho
phép thương nhân xây dựng thương điếm và buôn bán trực tiếp ở Kẻ Chợ. Điều này
là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của kinh tế ngoại thương ở Kẻ
Chợ nói riêng và Đàng Ngoài nói chung, khiến cho thành phố Kẻ Chợ trở nên sầm
uất, nhộn nhịp như những thành phố phương Tây như: Venice, Roma. . .
Thứ hai, nhìn chung những quy định của nhà nước với việc lập thương điếm
của thương nhân nước ngoài thể hiện sự không giống nhau và không nhất quán đối
với từng thương nhân cụ thể. Thương nhân nào làm vừa lòng chúa Trịnh thì được
lập thương điếm sớm, ngược lại nếu không được lòng chúa Trịnh thì việc xin lập
thương điếm rất khó khăn. Điều này thể hiện rất rõ trong cách đối xử của chúa
Trịnh với thương nhân Hà Lan và thương nhân Anh. Công ty VOC của Hà Lan dễ
dàng xin Chúa cho lập thương điếm, đầu tiên ở Phố Hiến, sau được chuyển lên Kẻ
Chợ. Trong khi đó, người Anh không dễ dàng để làm được điều tương tự.
Thứ ba, sự hạn chế trong chính sách ngoại thương của nhà nước Lê - Trịnh
thế kỷ XVII còn được thể hiện ở sự yếu kém trong công tác tổ chức và quản lý.
Chúa Trịnh và quan lại thường