Nhận diện về nguồn gốc và nội dung cuộc vận động dân tộc dân chủ ở Việt Nam đầu thế kỉ XX

Tóm tắt. Tư tưởng dân chủ phương Tây được du nhập vào Việt Nam trong cuộc vận động dân tộc dân chủ đầu thế kỉ XX còn ở giai đoạn chưa hoàn thiện và phương thức du nhập là bằng con đường thực dân và qua Tân thư Tân văn. Tuy còn một số hạn chế nhưng cuộc vận động dân tộc, dân chủ mà các nhà nho Duy tân phát động có ý nghĩa vạch thời đại với việc đề cao vai trò người dân và đề xướng chủ trương "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" cũng như lựa chọn mô hình chính trị dân chủ mới.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 233 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhận diện về nguồn gốc và nội dung cuộc vận động dân tộc dân chủ ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE 2012, Vol. 57, No. 10, pp. 166-172 NHẬN DIỆN VỀ NGUỒN GỐC VÀ NỘI DUNG CUỘC VẬN ĐỘNG DÂN TỘC DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỈ XX Nguyễn Thị Thanh Thuỷ Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình E-mail: thuyhistory@gmail.com Tóm tắt. Tư tưởng dân chủ phương Tây được du nhập vào Việt Nam trong cuộc vận động dân tộc dân chủ đầu thế kỉ XX còn ở giai đoạn chưa hoàn thiện và phương thức du nhập là bằng con đường thực dân và qua Tân thư Tân văn. Tuy còn một số hạn chế nhưng cuộc vận động dân tộc, dân chủ mà các nhà nho Duy tân phát động có ý nghĩa vạch thời đại với việc đề cao vai trò người dân và đề xướng chủ trương "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" cũng như lựa chọn mô hình chính trị dân chủ mới. Từ khóa: Vận động dân tộc, Việt Nam đầu thế kỉ XX, phong trào Duy Tân, mô hình nhà nước mới. 1. Mở đầu Dân chủ không nằm trong xu hướng phát triển của Việt Nam do khu vực này chịu sự chi phối của hệ tư tưởng Nho giáo. Cho nên dân chủ được đưa từ ngoài vào với phong trào Duy tân, khoảng nửa cuối thế kỉ XIX. Đây là thời kì mà chủ nghĩa tư bản phát triển đạt quy mô thế giới và cuốn cả thế giới vào quỹ đạo quay của nó. Câu hỏi đặt ra là mô hình dân chủ phương Tây khi du nhập vào Việt Nam là ở nấc thang nào của sự phát triển? Nó ảnh hưởng đến Việt Nam ở mức độ nào và có hệ quả ra sao? Những nghiên cứu trước đây chưa chú ý nhiều đến trình độ của tư tưởng dân chủ phương Tây khi truyền sang Việt Nam vào thời cận đại. Vì vậy việc nhận diện bản chất và trình độ của tư tưởng dân chủ ở phương Tây khi du nhập vào Việt Nam để đánh giá lại một số nội dung chủ yếu của cuộc vận động dân tộc dân chủ ở Việt Nam đầu thế kỉ XX là điều cần thiết. Đây cũng là vấn đề mà bài viết quan tâm và giải quyết. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Trình độ phát triển của tư tưởng dân chủ phương Tây được du nhập vào Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX Vào cuối thế kỉ XIX, nền dân chủ phương Tây được du nhập vào Việt Nam một phần là sản phẩm kế thừa tinh hoa của nền dân chủ chủ nô thời cổ đại đồng thời chủ yếu 166 Nhận diện về nguồn gốc và nội dung cuộc vận động dân tộc dân chủ ở Việt Nam... là kết quả của sự ra đời và xác lập của chủ nghĩa tư bản. Thời kì xác lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản (từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX) là thời kì của những cuộc cách mạng diễn ra trên nhiều địa hạt. Đó là cuộc cách mạng về văn hoá tư tưởng phủ nhận tận gốc chế độ phong kiến, ca ngợi quyền lực, trí tuệ tư duy của con người, giải phóng con người khỏi sự u mê về tôn giáo với câu tuyên ngôn "Tôi tư duy tức là tôi tồn tại" (Descartes). Đó cũng là cuộc cách mạng về chính trị, xã hội với một loạt các thể chế tư sản đã ra đời, khai tử chế độ phong kiến. Mặc dù vậy thể chế dân chủ ở châu Âu thời kì đó vẫn chưa được xác lập chắc chắn và mặc nhiên thừa nhận như hiện nay. Sự phục hồi của các triều vua, các thể chế lưỡng hợp trong lịch sử các nước châu Âu (triều Napôlêông III ở Pháp, chế độ quân chủ lập hiến ở Anh) thể hiện việc nền dân chủ còn bị hạn chế. Vào thế kỉ XIX ở phương Tây còn tồn tại một nền dân chủ ở trình độ phát triển chưa hoàn thiện và với hiện trạng như vậy nó được truyền bá sang phương Đông. Tư tưởng dân chủ này được truyền bá vào Á Đông bằng bạo lực thông qua sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân là chủ yếu. 2.2. Nhận diện tư tưởng dân chủ phương Tây được truyền bá đếnViệt Nam Như đã nói ở trên, nền dân chủ phương Tây thế kỉ XIX còn chưa hoàn bị và đang phát triển với cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các thế lực mới và cũ. Nền dân chủ này được truyền bá vào Việt Nam bằng con đường thực dân. Do đó cái mà nó du nhập vào chỉ là những mảnh vỡ của thể chế dân chủ mà thôi. Thay vì khai hoá, các ông chủ thực dân đã thiết lập một ách áp bức còn tàn bạo hơn đối với người dân thuộc địa - ách áp bức của kẻ chiến thắng đối với người chiến bại, sự phân biệt kì thị giữa các ông chủ da trắng và người đầy tớ da màu. Nhưng cũng chính sự tàn bạo và mất dân chủ đó càng khiến khát vọng tự do và dân chủ thêm cháy bỏng khi tầng lớp trí thức Việt Nam được biết đến nền văn minh phương Tây với sức mạnh của nó. Ngọn gió tự do dân chủ từ phương Tây đã mang đến cho phương Đông một nguồn sinh lực mới. Nó hiện hữu trên thực tế là những thành tựu về kinh tế, chính trị và mối quan hệ xã hội và đồng thời cũng hiện hữu bằng các học thuyết tư tưởng dân chủ mới làm người phương Đông say mê. Tuy nhiên nếu như tại châu Âu, các học thuyết của Motesquieu, Voltaire, J.J. Rousseau. . . có thể tìm thấy một cách dễ dàng tại các thư viện và người dân có thể tiếp cận trực tiếp các văn bản gốc thì ở Việt Nam các nhà Nho đầu thế kỉ chỉ có thể biết đến các học thuyết này thông qua Tân thư, Tân văn từ Trung Quốc. Đó là những sách biên dịch, tóm lược đã bị khúc xạ qua con mắt của các sĩ phu Trung Quốc, vì vậy tư tưởng dân chủ phương Tây đến với các nhà Nho Duy tân Việt Nam đã bị hạn chế đáng kể. Một đặc điểm cơ bản của các cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam là tất cả các cuộc vận động dân chủ này đều đặt trên nền tảng của động cơ cứu nước. Ở đây, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam lại toả sáng và việc giành quyền làm chủ về cho người dân theo hệ tư 167 Nguyễn Thị Thanh Thủy tưởng phương Tây đã trở thành cuộc đấu tranh giành lại quyền làm chủ cho toàn bộ cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giải phóng dân tộc đã trở thành một nội dung của vấn đề dân chủ và là nội dung quan trọng nhất. 2.3. Nội dung chủ yếu của cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam đầu thế kỉ XX 2.3.1. Quan niệm mới của các nhà Nho Duy tân về vai trò của người dân trong xã hội và trong cuộc vận động cứu nước Thực ra trong lịch sử chính trị của Việt Nam, không phải đến thế hệ nhà Nho Duy tân mới luận giải về vai trò của người dân. Trong thời phong kiến, vai trò của dân vẫn thường được nhắc đến: "Dân là gốc nước, gốc vững thì nước yên" (Kinh thư). Tuy nhiên, quan điểm này dựa trên một tiền đề là dân và nước cũng như chủ quyền đều thuộc về vua theo "Thiên mệnh". Vì vậy, mặc dù tỏ ra coi trọng dân nhưng về thực chất thì cách hiểu "dân vi quý" của Nho gia là hoàn toàn khác với nội dung của tư tưởng dân chủ phương Tây. Bởi vì dù dân là gốc của nước nhưng nước là của vua. Và "dân vi quý", ở đây chỉ có nghĩa là yêu thương dân chứ không có nghĩa là dân được làm chủ và dân có quyền. Do đó ở phương Đông và Việt Nam thời phong kiến, không có chỗ cho dân chủ. Đầu thế kỉ XX, phong trào Duy tân ở Nhật Bản, Trung Quốc như "sóng trào, thác đổ" và luồng tư tưởng dân chủ tư sản qua Tân thư, Tân văn tràn tới Việt Nam. Lúc này, Việt Nam đã mất chủ quyền dân tộc. Trên cơ sở lĩnh hội tư tưởng của Tân thư, Tân văn và thực tiễn mới diễn ra trước mắt, các nhà nho Duy tân đã nhận ra sức mạnh của phương Tây không chỉ là tàu đồng súng thép, là kĩ xảo hơn người mà còn là tinh thần dân chủ, pháp luật hoàn bị, giáo dục phổ cập, là tư tưởng cạnh tranh, ý thức trách nhiệm của người dân với quốc gia. . . So sánh với văn minh phương Tây, các nhà Nho Duy tân nhận ra sự thua kém của văn minh phương Đông và luận giải lại nguyên nhân mất nước với việc xác định lại vai trò của người dân. Lần đầu tiên, các nhà nho Duy tân đã đặt chữ "dân" ở vị trí trung tâm khi đánh giá về vấn đề vận nước. Lí do mất nước được nêu ra là do dân ngu hèn, vô trách nhiệm với nước. Nước mất hay còn là phụ thuộc vào dân, người dân được đặt ở vị trí trung tâm, là lực lượng quyết định sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Đây chính là tư tưởng dân chủ của các nhà Nho Duy tân. Dân chủ tức là dân là chủ của nước và đây cũng là lần đầu tiên, người dân được nhắc đến trong mối quan hệ với nước, nước gắn với dân: "Người dân ta, của dân ta Dân là dân nước, nước là nước dân". Phan Bội Châu đã nhận ra vai trò của đông đảo nhân dân trong sự nghiệp cứu nước. Vì vậy, Phan Bội Châu đã chủ trương đoàn kết toàn dân đồng tâm chống Pháp. Ông là người đầu tiên nói đến 10 hạng người trong xã hội và chủ trương đoàn kết tất cả vào một khối không phân biệt giàu có hay nghèo khổ, miễn là có tấm lòng yêu nước và muốn cứu nước. 168 Nhận diện về nguồn gốc và nội dung cuộc vận động dân tộc dân chủ ở Việt Nam... Không chỉ đặt người dân ở vị trí trung tâm của cuộc vận động cứu nước mà các nhà Nho Duy tân còn một đóng góp quan trọng: Phải làm cho người dân có đủ tư cách, đủ năng lực để làm chủ vận nước. Để thực hiện điều này phải tiến hành "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Trước hết là phải làm cho người dân thức tỉnh về trách nhiệm của mình, ai cũng chung tay vào nhiệm vụ cứu nước. Để người dân có đủ tư cách và năng lực tham gia cứu nước, các nhà nho Duy tân đã phát động phong trào khai dân trí bằng việc từ bỏ "cựu học"của Nho giáo và học theo "Tân học", tức mô hình học của phương Tây. Những năm đầu thế kỉ XX đã chứng kiến phong trào vận động học chữ Quốc ngữ do các nhà Nho Duy tân phát động để làm phương tiện khai mở tri thức cho người dân theo quan điểm: "Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước". Phong trào đi du học để cứu nước xuất hiện mà tiêu biểu là phong trào Đông Du do Phan Bội Châu phát động. Phong trào lập trường Tân học trong nước thì do Phan Châu Trinh đề xướng đã phát triển mạnh tại Quảng Nam với hơn 40 trường Tân học và sau đó rộng khắp cả nước. Đông Kinh nghĩa thục là một trung tâm tiêu biểu của phong trào tân học ở miền Bắc có ảnh hưởng to lớn trong dân chúng với tinh thần "thực học, thực dụng, thực nghiệp" với mục đích "học làm người và làm quốc dân", xem việc nước như việc nhà. Đây là cũng là mục đích của phong trào Duy tân nhằm khai dân trí và chấn dân khí, khơi gợi lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm của người dân đối với nước. Không chỉ tuyên truyền học tập, các nhà Nho còn kêu gọi người dân tham gia trực tiếp vào các hoạt động nhằm thay đổi phong tục, bỏ các thói hư tật xấu, xây dựng nếp sống mới theo Âu hóa như cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn và chấn hưng thực nghiệp, hợp quần, lập hội buôn... Phan Châu Trinh đã là người tiên phong của phong trào Duy tân trong tuyên truyền và nêu gương. 2.3.2. Sự đề xuất những mô hình nhà nước mới sau khi giành được độc lập Một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động dân chủ do các nhà Nho Duy tân tiến hành là đề xuất mô hình nhà nước mới sau khi Việt Nam giành được độc lập. Trên con đường xác định và lựa chọn một mô hình mới cho đất nước, các nhà Nho Duy tân không ai còn đề xuất trở về mô hình phong kiến cũ nữa. Đây là một sự tiến bộ của các nhà Nho Duy tân. Phan Bội Châu và nhóm của ông trong giai đoạn lập Duy tân hội và phát động phong trào Đông du đã đề xuất mô hình quân chủ lập hiến. Có quyết định này là do Phan Bội Châu muốn tận dụng "Hằng tâm, hằng sản" của những nhà giàu miền Nam khi ông biết họ còn nặng tư tưởng "trung quân". Cho đến năm 1912, khi thành lập Việt Nam Quang phục hội, Phan Bội Châu đã tuyên bố từ bỏ chủ trương quân chủ lập hiến thời Duy Tân hội để chuyển hẳn sang lập trường cộng hoà dân chủ không có vua. Đây là bước tiến trong tư tưởng của Phan Bội Châu. Tuy nhiên, tư tưởng của ông vẫn còn chưa triệt để do một số nguyên nhân. Một là Phan Bội Châu vốn xuất thân từ nhà Nho nên vẫn bị quan điểm Nho giáo chi phối. Hai là Phan Bội Châu chỉ được tiếp xúc gián tiếp với tư tưởng dân chủ 169 Nguyễn Thị Thanh Thủy qua Tân thư, Tân văn nên chưa thể có nhận thức sâu sắc và đẩy đủ về thể chế chính trị của phương Tây. Một điểm nữa là do thiếu bệ đỡ kinh tế xã hội nên mô hình dân chủ tư sản mà Phan Bội Châu đề xuất chỉ mới chỉ là do ông tự kiến thiết theo hình dung của mình. Mô hình đó vẫn nhuốm màu sắc Nho giáo khi ông nhấn mạnh thiên lệch chức năng giáo hoá của các tổ chức bộ máy nhà nước, giữ đạo "nhân chính", vì "công đức" chứ không cần gì "hình pháp" nữa. Dù sao thì đây cũng là một bước tiến trong lựa chọn mô hình phát triển của Việt Nam mà Phan Bội Châu đưa ra và đối với ông thì chính thể quân chủ đã hoàn toàn bị đoạn tuyệt. Trong khi đó, Phan Châu Trinh và nhóm của ông thì ngay từ đầu đã phủ định thể chế quân chủ và cổ suý cho chế độ cộng hoà dân chủ. Điều này thể hiện rõ tầm tư duy đi trước thời đại của ông. Nhiều nghiên cứu trước đây cũng khẳng định ông là người đi tiên phong trong tư tưởng dân quyền ở nước ta. Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi, ông mới chỉ là người đi trước thời đại về mặt tư tưởng, còn về thực tiễn lại là chuyện khác. Lưu ý rằng trong quá trình phấn đấu cho một mô hình dân chủ thật sự đều có một cuộc đấu tranh khốc liệt giữa cái mới và cái cũ. Thực tế xảy ra ở phương Tây và ngay ở Trung Quốc đều biểu hiện rõ điều này. Sự quay trở lại của vương triều Pháp ngay sau Đại Cách mạng 1789 và sự trỗi dậy của phái bảo thủ Viên Thế Khải tại Trung Quốc ngay sau Cách mạng Tân Hợi là những ví dụ. Thực tiễn ở Việt Nam lúc đó còn thiếu điều kiện kinh tế xã hội cho sự xuất hiện một giai cấp tư sản đủ mạnh để đấu tranh cho sự thắng thế của thể chế dân chủ. Để một nền dân chủ có thể tồn tại trên thực tiễn còn phụ thuộc vào việc người dân phải đủ năng lực để sáng lập và duy trì nền dân chủ đó. Xét về mọi mặt, Việt Nam đầu thế kỉ XX chưa hội đủ mọi điều kiện cho việc thiết lập một nền dân chủ trong thực tế. Do đó, việc Phan Châu Trinh đề xuất dựa vào thực dân Pháp để lật đổ Nam triều hoặc ít nhất là cải cách chính sách cai trị ở Việt Nam là vấn đề không tưởng. Đóng góp lớn nhất của ông là thông qua việc đề xuất đến nhà cầm quyền thuộc địa cũng như các sáng tác thơ văn đã tuyên truyền nội dung hạ bệ chế độ vua quan, coi vua là "dân tặc", tố cáo sự mọt ruỗng của chế độ chuyên chế. 2.3.3. Sự gắn kết hữu cơ giữa mục tiêu duy tân với cứu nước trong cuộc vận động dân tộc dân chủ đầu thế kỉ XX Từ trước đến nay vẫn tồn tại quan niệm cho rằng nếu như Phan Châu Trinh là người đề xướng duy tân và cải cách thì Phan Bội Châu đi theo con đường bạo động đánh Pháp và vọng ngoại và hai ông là đại diện cho hai con đường khác nhau trong công cuộc cứu nước đầu thế kỷ. Tuy nhiên, như đã biết, bạo động vốn là con đường đấu tranh truyền thống của dân tộc và nhà yêu nước Phan Bội Châu chịu ảnh hưởng của truyền thống đó. Còn "vọng ngoại" vốn không phải là tư tưởng của riêng Phan Bội Châu, cũng không phải là một vấn đề mới mẻ mà là một giải pháp chiến lược truyền thống thường được áp dụng trong lịch sử cả Trung Quốc và Việt Nam. Ở đây "vọng ngoại" không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là 170 Nhận diện về nguồn gốc và nội dung cuộc vận động dân tộc dân chủ ở Việt Nam... cầu viện quân sự từ bên ngoài để giành độc lập mà còn có thể hiểu là hướng ra bên ngoài và học hỏi những gì tiến bộ từ bên ngoài. Việt Nam vốn là một tiểu quốc nằm ở vị trí giao lưu khu vực, học hỏi từ bên ngoài là một ứng xử tất yếu của một nước muốn tồn tại và vươn lên. Xét ở một góc độ rộng hơn, xu thế cải cách, duy tân cũng chính là một sự "vọng ngoại", học theo mô hình tiến bộ của các nước phương Tây để mở ra cơ hội phát triển tự cường cho dân tộc. Vậy thì theo cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng thì "vọng ngoại" đều xuất phát từ động cơ yêu nước và thống nhất ở mục đích cứu nước, làm cho nước nhà độc lập và cường thịnh. Tư tưởng vọng ngoại này cũng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Đác-uyn xã hội, "mạnh được yếu thua" mà các nhà Nho duy tân tiếp nhận được từ phương Tây trong đó có Phan Bội Châu. Điều cần nhấn mạnh ở đây là tư tưởng "vọng ngoại" của Phan Bội Châu bao hàm cả hai nội dung là cầu viện quân sự và học hỏi duy tân theo phương Tây để tự cường. Bởi lẽ, trong khi Phan Bội Châu chủ trương tìm ngoại viện mà cụ thể là sự giúp đỡ về vũ khí của nước ngoài để đánh Pháp bằng con đường vũ trang, giành độc lập thì chưa bao giờ ông phản đối duy tân cải cách cả. Vì vậy có thể nói: về quan điểm Duy tân và mục đích cứu nước thì Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh là giống nhau. Điểm khác nhau cơ bản giữa Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh chính là ở biện pháp thực hiện con đường cứu nước mà thôi. Phan Bội Châu cho rằng trước hết phải đánh Pháp và bạo động giành độc lập là mở đường cho cuộc vận động duy tân đất nước. Phan Bội Châu không phản đối dân chủ nhưng theo ông "dân không còn nữa mà chủ với ai" nên ông đưa mục tiêu giành độc lập trước tiên. Trên con đường cầu viện, khi bị từ chối, Phan Bội Châu đã nhanh chóng chuyển sang cầu học, phát động phong trào Đông du. Phong trào Đông du năm 1905 mà Phan Bội Châu phát động đã gây ảnh hưởng lớn trong nhân dân chứng minh rằng ông thực sự là một lãnh tụ Duy tân. Vậy đối với phong trào dân chủ đầu thế kỉ XX, mục tiêu duy tân và cứu nước gắn kết chặt chẽ với nhau. Duy tân để cứu nước và cứu nước để đưa đất nước theo con đường tiến bộ. 3. Kết luận Qua những phân tích đã nêu trên về cuộc vận động dân chủ đầu thế kỉ XX do các nhà Nho Duy tân phát động, có thể rút ra vài nhận xét sau: Một là: Những tư tưởng dân chủ phương Tây mà các nhà Nho Duy tân Việt Nam tiếp nhận còn trong giai đoạn chưa phát triển hoàn thiện, hơn nữa khi du nhập sang Việt Nam bằng con đường Tân thư Tân văn đã bị khúc xạ qua quan điểm của các nhà Nho Trung Quốc do vậy còn nhiều hạn chế đáng kể. Hai là: Do điều kiện lịch sử, tư tưởng dân chủ phương Tây đến với các nhà Nho Duy tân Việt Nam khi Việt Nam đã bị mất chủ quyền dân tộc nên tất cả các cuộc vận động dân chủ Duy tân cho đến khi Việt Nam giành được độc lập trong đó cuộc vận động dân chủ Duy tân đầu tiên là của các nhà Nho cấp tiến đều đặt trên một nền tảng cơ bản là vì mục 171 Nguyễn Thị Thanh Thủy tiêu cứu nước, giải phóng giống nòi. Ba là: Nội dung cơ bản trong cuộc vận động Duy tân cứu nước mà các nhà Nho Duy tân phát động là quan niệm mới về vai trò vị trí trung tâm của người dân trong sự nghiệp cứu nước, vấn đề "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", đề xuất mô hình chính thể dân chủ và việc gắn kết hữu cơ giữa duy tân và cứu nước không những là quan điểm có tính vạch thời đại trong giai đoạn lịch sử lúc đó mà còn là vấn đề có ý nghĩa phổ quát trong mọi thời đại và do đó cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta có thể học hỏi và làm theo. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, 1997. Phan Bội Châu (1867- 1940), Con người và sự nghiệp. Kỉ yếu Hội thảo Khoa học của Đại học Quốc gia. [2] Phan Bội Châu toàn tập (tập 1 - tập 10), 1990. Nxb Thuận Hoá, Huế. [3] Hoàng Thanh Đạm, 2001. Nguyễn Trường Tộ - Thời thế và tư duy cách tân. Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. [4] Trần Văn Giàu, 1997. Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám (tập 2). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [5] Đỗ Thị Hoà Hới, 1996. Tìm hiểu tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [6] Huỳnh Lý, 1983. Văn thơ Phan Châu Trinh. Nxb Văn học, Hà Nội. [7] Nguyễn Hiến Lê, 1968. Đông Kinh nghĩa thục. Nxb Lá Bối, Sài Gòn. [8] Chương Thâu, 2005. Phan Bội Châu, nhà yêu nước, nhà văn hoá lớn. Nxb Nghệ An và Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây. ABSTRACT National democracy in Vietnam in the early twentieth century The Western idea of democracy which was first introduced in Vietnam in the early twentieth century was immature and arrived by way of colonialism and literature. A cam- paign for democracy in Vietnam was founded by Duy Tan (new way of thinking) Confu- cians and was important at the time because it promoted the role of the people and initiated a program called "Improve people’s knowledge, enhance their sense of patrotism and take care of their lives", as well as for selecting a new form of quazi-democratic politics. 172