Nhân sinh quan của người Việt được thể hiện qua biểu thức ngôn ngữ so sánh

Tóm tắt. So sánh là một thao tác diễn ra trong tư duy và được biểu hiện bằng biểu thức ngôn ngữ so sánh. Các biểu thức ngôn ngữ so sánh này cũng là một trong số các phương tiện để người Việt thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của mình. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tìm hiểu vấn đề nhân sinh quan của người Việt được thể hiện qua các biểu thức ngôn ngữ so sánh.

pdf7 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 227 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhân sinh quan của người Việt được thể hiện qua biểu thức ngôn ngữ so sánh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00015 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 3, pp. 89-95 This paper is available online at NHÂN SINH QUAN CỦA NGƯỜI VIỆT ĐƯỢC THỂ HIỆN QUA BIỂU THỨC NGÔN NGỮ SO SÁNH Trần Thị Oanh Khoa Tiểu học – Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh Tóm tắt. So sánh là một thao tác diễn ra trong tư duy và được biểu hiện bằng biểu thức ngôn ngữ so sánh. Các biểu thức ngôn ngữ so sánh này cũng là một trong số các phương tiện để người Việt thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của mình. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tìm hiểu vấn đề nhân sinh quan của người Việt được thể hiện qua các biểu thức ngôn ngữ so sánh. Từ khóa: So sánh, văn hóa, nhân sinh quan của người Việt. 1. Mở đầu Con người ngay từ khi bắt đầu nhận thức thế giới khách quan đã thực hiện thao tác so sánh nhằm tri nhận những sự vật, hiện tượng chung quanh để tồn tại và phát triển. So sánh là một phạm trù của tư duy và là hiện tượng phổ biến. Nói như Macdonal so sánh và đối lập là một phần quá quen thuộc của đời sống hàng ngày đến nỗi chúng ta thường không ý thức được là ta đang dùng chúng [8;285]. Phải chăng, có lẽ so sánh là hiện tượng “quá quen thuộc” trong cuộc sống như vậy nên nó trở thành đối tượng của nhiều ngành nghiên cứu khác nhau. Với tâm lí học, so sánh là một thao tác thuộc về tư duy và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nhận thức của con người nói chung, quá trình tư duy nói riêng. Như K.D. Usinxki nhận định: Chúng ta nhận biết mọi vật trong thế giới không bằng cách nào khác ngoài cách thông qua sự so sánh và nếu như một vật mới nào đó được giới thiệu với chúng ta mà chúng ta không thể nói được nó giống cái gì hoặc nó khác cái gì (nếu quả thực là có thể có một đồ vật như vậy) thì chúng ta không thể tạo lập được một ý nghĩ nào đó về đồ vật đó cũng như không thể nói một lời nào về đồ vật đó [dẫn theo 10;14]. Với ngôn ngữ học, cụ thể là phân ngành phong cách học, tác giả Đinh Trọng Lạc viết cùng với Nguyễn Thái Hòa đã đưa ra định nghĩa về so sánh như sau: So sánh là phương thức diễn đạt tu từ khi đem sự vật này đối chiếu với sự vật khác miễn là giữa hai sự vật có một nét tương đồng nào đó, để gợi ra hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mĩ trong nhận thức của người đọc, người nghe [5;190]. Những quan niệm trình bày trên là tiền đề cơ sở để chúng tôi đi đến quan niệm về so sánh. Theo chúng tôi, trước hết so sánh là thao tác của tư duy. Kết quả của thao tác so sánh sẽ được thể hiện cụ thể bằng biểu thức ngôn ngữ. Bởi ngôn ngữ là cái vỏ vật chất chứa đựng tư duy. Nghĩa là Ngày nhận bài: 2/12/2014 Ngày nhận đăng: 2/4/2015 Liên hệ: Trần Thị Oanh, e-mail: tranthioanh979@gmail.com 89 Trần Thị Oanh muốn tư duy cũng cần có ngôn ngữ và muốn thể hiện kết quả của tư duy cũng phải thông qua ngôn ngữ. Biểu thức ngôn ngữ thể hiện kết quả của thao tác so sánh trong tư duy gọi là biểu thức ngôn ngữ so sánh. Tiếp thu quan niệm gọi các đối tượng so sánh là thực thể theo quan niệm của Lyons được Lưu Quý Khương giới thiệu ở [4]. Một cách khái quát, biểu thức ngôn ngữ so sánh có cấu trúc chung gồm 4 yếu tố: thực thể được so sánh (TTĐSS), phương diện được so sánh (PDĐSS), từ chỉ kết quả so sánh (TCKQSS) và thực thể so sánh (TTSS), cụ thể như sau: Mô hình 1: TTĐSS PDĐSS TCKQSS TTSS Anh gầy như một chiếc tăm Tuy nhiên, chúng ta thấy không tự nhiên người nói dùng so sánh chỉ để cho biết cái này giống, khác, hơn, kém cái kia mà khi sử dụng so sánh sẽ hướng tới một đích khác ngoài việc chỉ ra sự giống và khác nhau, hơn và kém nhau giữa các đối tượng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tìm hiểu vấn đề nhân sinh quan của người Việt được thể hiện trong các biểu thức ngôn ngữ so sánh. 2. Nội dung nghiên cứu Biểu thức ngôn ngữ so sánh là một trong các phương tiện để người Việt thể hiện quan niệm sống của mình. Các quan niệm nhân sinh được thể hiện qua biểu thức ngôn ngữ so sánh rất đa dạng. Theo ngữ liệu khảo sát, chúng tôi thấy được các quan niệm sống của người Việt như sau: đề cao con người, đề cao tính cộng đồng lãng xã, đề cao danh dự, đề cao người quân tử, người tài, người có học và cách sống trọng tình của người Việt. 2.1. Biểu thức ngôn ngữ so sánh và việc đề cao con người Trong mối quan hệ tam tài: trời – đất – người, người được coi là trung tâm của vũ trụ, cai quản vũ trụ. Vì vậy, trong trời đất không có gì quý bằng con người. Và con người trở thành chuẩn mực để đo lường các sự vật hiện tượng trong thế giới tự nhiên như: Lá liễu dài như một nét mi (Xuân Diệu). Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu các biểu thức ngôn ngữ so sánh thể hiện quan niệm nhân sinh của người Việt, cụ thể là quan niệm đề cao con người. Để đề cao con người, người Việt đã đặt con người làm thực thể được so sánh để so sánh với một số thực thể so sánh như sau: Ví dụ (1): Người ta là hoa đất [1;130]. Biểu thức ngôn ngữ so sánh trên thể hiện rõ quan niệm của người Việt: Đề cao con người, con người là tinh hoa của đất. Trong mối quan hệ giữa người với những vật chất có giá trị. Người là thực thể được so sánh và vật chất được lựa chọn làm thực thể so sánh. Ví dụ (2): Một mặt người là mười mặt của [1;118]. Biểu thức ngôn ngữ so sánh trên có đích là sự khẳng định: người được coi trọng hơn của cải vật chất. Theo ngữ liệu khảo sát có 21 biểu thức ngôn ngữ so sánh với TTĐSS (A) là con người và TTSS (B) là những vật có giá trị, kết quả cụ thể như sau: 17 biểu thức ngôn ngữ so sánh khẳng định giá trị của con người hơn mọi thứ của cải, vật chất khác và chỉ có 4 biểu thức ngôn ngữ so sánh khẳng định giá trị của vật chất hơn con người. Tỷ lệ cụ thể: Biểu thức ngôn ngữ so sánh khẳng 90 Nhân sinh quan của người Việt được thể hiện qua biểu thức ngôn ngữ so sánh định con người hơn mọi của cải chiếm 81% còn biểu thức ngôn ngữ so sánh khẳng định giá trị vật chất hơn con người chiếm 19% tổng các biểu thức ngôn ngữ so sánh nói về mối quan hệ giữa con người và những vật có giá trị. Có lẽ vì vậy, người Việt luôn mong mỏi được đông con nhiều cháu vì: rậm người hơn rậm của và bền người hơn bền của. Vì đề cao con người, và luôn coi trọng con người nên người Việt phê phán lối sống trọng của hơn trọng người và quan niệm chẳng gì tươi tốt bằng vàng, chẳng gì lịch sự vẻ vang bằng tiền. Những người có lối sống này bị coi là theo chủ nghĩa thực dụng, trái với lẽ thường nên bị người đời khinh rẻ. 2.2. Biểu thức ngôn ngữ so sánh và việc đề cao tính cộng đồng làng xã Ở Việt Nam, làng xã là một tổ chức xã hội đặc biệt, có tính bền vững cao. Làng xã là nơi hình thành, phát triển và lưu giữ bản sắc văn hóa của người Việt. Những người sống trong một làng luôn có ý thức liên kết lại với nhau để cùng lao động sản xuất và bảo vệ làng xã nơi họ sinh sống. Điều này đã tạo nên tính cộng đồng trong từng làng xã. - Quan niệm phép vua thua lệ làng. Biểu thức ngôn ngữ so sánh có phép vua (pháp luật của nhà nước) là thực thể được so sánh và lệ làng (quy định của làng) là thực thể so sánh. Theo lẽ thường, phép vua sẽ hơn lệ làng nhưng do quá đề cao tính cộng động làng xã nên người Việt đã khẳng định thông qua biểu thức ngôn ngữ so sánh trên. Do vậy, trong việc đóng góp để xây dựng đất nước cũng bị đem ra so sánh và kết quả vẫn khẳng định theo quan niệm trên như sau: Ví dụ (3): Thà thiếu thuế vua hơn thua việc làng [1;159]. - Quan niệm đề cao tính tập thể. Người Việt từ xưa sống trong làng xã với những điều kiện sống, làm việc, vui chơi đều diễn ra trong lũy tre làng gắn với sân đình, bến nước, cây đa. Họ sống định cư và không có sự thay đổi. Nếu có sự thay đổi chỗ ở thường bị coi rẻ (quan niệm coi thường, khinh rẻ dân ngụ cư và đề cao dân chính cư) nên đã hình thành ý nghĩ mọi người trong làng xã phải biết dựa vào nhau để cùng tồn tại. Cho nên, họ đề cao tính tập thể như một loạt các BTNNSS sau: Ví dụ (4): + Cả bè hơn cây nứa [1;22]. + Dại bầy hơn khôn độc [1;58]. + Khôn độc không bằng ngốc đàn [1;93]. - Quan niệm đề cao người cùng làng. Do quá đề cao tính cộng đồng nên người Việt cũng đề cao người cùng làng, xã của mình. Tư tưởng này chi phối sâu sắc tới cả cách chọn vợ chọn chồng của người dân trong các làng xã xưa. Trong hôn nhân, nếu người con trai, con gái lấy vợ lấy chồng không cùng làng bị coi là chẳng ra gì nên mới phải lấy vợ/chồng thiên hạ. Ví dụ (5): + Lấy chồng khó giữa làng hơn lấy chồng sang thiên hạ [1;102]. + Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Dẫu rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm [1;180]. Như vậy, các quan niệm sống trên đều bắt nguồn từ việc người Việt đề cao tính cộng đồng làng xã, không muốn giao lưu trao đổi với bên ngoài. Nhưng ngày nay, những quan niệm này đã thay đổi theo xu hướng giao lưu, trao đổi để cùng nhau xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chính việc giao lưu trao đổi văn hóa giữa các làng xã, các vùng miền khác nhau, thậm chí là giao lưu giữa các nước với nhau tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa. Cho nên, quan niệm đề cao tính cộng động làng xã trở thành những hạn chế đã và đang được khắc phục để mỗi người, mỗi làng xã thích hợp với sự hội nhập mới. Mỗi cá nhân có điều kiện để phát triển thể hiện hết mình trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, kinh tế, chính trị xã hội,. . . để góp phần nhỏ bé vào sự phát triển của đất nước. 91 Trần Thị Oanh 2.3. Biểu thức ngôn ngữ so sánh và việc đề cao danh dự Qua nghiên cứu ngữ liệu, chúng tôi thấy người Việt cũng đề cao danh dự. Từ xa xưa, quan niệm này được thể hiện trong những câu tục ngữ, ca dao của người Việt và có ảnh hưởng lớn đến phong cách sống của một số nhà nho như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến,. . . cho đến các nhà chí sĩ yêu nước, những người con ưu tú trong giai đoạn cách mạng sau này. Quan niệm trọng danh dự trong các biểu thức ngôn ngữ so sánh được thể hiện như: Ví dụ (6): + Chết trong còn hơn sống đục [1;30]. + Tốt danh hơn lành áo [1;175]. Có lẽ do đề cao danh dự mà người Việt rất trọng việc động viên khuyến khích kịp thời. Người Việt quan niệm tiền thưởng quan trọng hơn tiền công nên một quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng [7;382]. Thực thể được so sánh là một quan tiền công, thực thể so sánh là một đồng tiền thưởng. Theo lẽ thường, giá trị vật chất của một quan tiền lớn hơn một đồng tiền nhưng có lẽ do quý trọng danh dự nên biểu thức ngôn ngữ so sánh này hướng tới đích khẳng định một đồng tiền thưởng cao hơn hẳn một quan tiền công. Tiền công là tiền đương nhiên người lao động được nhận sau quá trình lao động của mình còn tiền thưởng là tiền ngoài tiền công do người chủ thấy ưng ý, hài lòng với việc làm của người lao động nên thưởng cho người lao động. Vì thế, tiền thưởng đem lại nguồn động viên kịp thời cho người lao động. Người lao động cảm thấy tự hào vì được nhận tiền thưởng. Cho dù tiền thưởng có ít ỏi về vật chất nhưng mang giá trị tinh thần rất lớn. Điều đó thể hiện sự hài lòng của người chủ. Qua đó, chúng ta thấy được người lao động rất quý trọng danh dự của mình. Họ cố làm cho tốt, cho được việc để có thể nhận được sự công nhận của người chủ. Sự công nhận của người chủ được thể hiện thông qua những đồng tiền thưởng. Phải chăng, vì đề cao danh dự nên câu nói trên còn có nhiều dị bản khác như: Mười quan tiền công không bằng một đồng tiền thưởng hoặc Một vạn tiền công không bằng một đồng tiền thưởng. Giống như việc đề cao con người và khẳng định con người hơn mọi của cải vật chất, danh dự cũng vậy. Thà nghèo khó nhưng giữ được danh dự trong sạch còn hơn giàu có mà danh dự bị vấy bẩn. Ví dụ (7): Thanh bần hơn phú trọc. Hoặc: Đói cho sạch, rách cho thơm [1;68]. Trong các đám xứ, người Việt cũng rất kĩ tính trong việc xem xét cách hành xử của những gia chủ có đám. Chính vì vậy, người Việt quan niệm lời chào cao hơn mâm cỗ. Do đề cao danh dự, người Việt sẽ không đến đám cỗ nếu được mời quá cận với thời gian tổ chức đám cỗ. Vì người ta cho rằng mời như vậy là mời thêm, không thật lòng muốn mời và có ý coi thường người được mời. Tuy nhiên, có lẽ do đề cao danh dự mà người Việt cũng hình thành một loại bệnh đó là bệnh sĩ diện. Căn bệnh này bắt nguồn từ xã hội cũ. Đó là tục hương ẩm, chè chén ở đình làng, mọi người coi miếng ăn ở hàng phe, hàng giáp là quan trọng nên họ cho rằng: Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp. Quan niệm này theo chúng tôi cũng bắt nguồn từ việc trọng danh dự. 2.4. Biểu thức ngôn ngữ so sánh và việc đề cao người quân tử, người tài, người có học Người Việt Nam vốn trọng người, đặc biệt là đề cao những người quân tử, người tài, người có học. Qua tìm hiểu ngữ liệu, chúng tôi thấy có nhiều biểu thức ngôn ngữ so sánh thể hiện rõ những quan niệm này. - Quan niệm đề cao người quân tử được thể hiện thông qua biểu thức ngôn ngữ so sánh sau: Ví dụ (8): Đói cơm hơn kẻ no rau,/ Nghèo mà quân tử hơn giàu tiểu nhân [1;68]. 92 Nhân sinh quan của người Việt được thể hiện qua biểu thức ngôn ngữ so sánh Biểu thức ngôn ngữ so sánh trong ví dụ (8) khẳng định người quân tử luôn được đề cao cho dù người quân tử có nghèo cũng hơn hẳn kẻ tiểu nhân, dù kẻ tiểu nhân là người giàu có. Quan niệm này tương tự như quan niệm trọng danh dự đã tìm hiểu ở mục 2.3. trên. Người quân tử trong quan niệm của người Việt được đặt trong mối quan hệ so sánh cụ thể như trong câu ca dao sau: Ví dụ (9) [9;34]: Chim khôn đậu nóc nhà quan, Trai khôn tìm vợ gái ngoan tìm chồng. Xưa nay những bọn má hồng, Thà hầu quân tử hơn chồng đần ngu. Trong biểu thức ngôn ngữ so sánh của câu ca dao trên đã chứng tỏ ngay từ ngày xưa người Việt đã rất trọng người quân tử. Đặc biệt người phụ nữ từ xưa đã rất đề cao người quân tử: Ví dụ (10): Một đêm quân tử nằm kề,/ Còn hơn thằng nhắng vỗ về quanh năm [6;202]. - Quan niệm đề cao người tài giỏi, người có học. Thời nào, người Việt cũng tôn trọng người tài như ý kiến của Thân Nhân Trung: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Trong xã hội xưa, người Việt trọng văn hơn trọng võ nên khi chọn những người ra làm quan đều phải trải qua các cuộc thi như thi Hương, thi Hội, thi Đình. Các cuộc thi này đều là những cuộc thi văn chứ không có thi võ. Người Việt đề cao người tài đến mức sẵn sàng chấp nhận làm tôi tớ cho người giỏi như biểu thức ngôn ngữ so sánh sau: Ví dụ (11): Làm đầy tớ thằng khôn hơn làm thầy thằng dại [9;380]. Người Việt đề cao người tài đến mức: người phụ nữ trong xã hội xưa không mong muốn phải làm lẽ chồng người thà chết trẻ còn hơn lấy lẽ chồng người nhưng so sánh giữa một người tài giỏi với một người đần ngu thì người phụ nữ lại chấp nhận làm lẽ: Ví dụ (12): Thà rằng làm lẽ thứ mười, còn hơn chính thất những người đần ngu [9;380]. Người có tài thường là những người được học hành bởi người không học như ngọc không mài cho nên người Việt đề cao những người có học. Ví dụ (13): Lấy chồng biết chữ là tiên/ Lấy chồng mù chữ là duyên nợ nần [9;79]. Biểu thức ngôn ngữ so sánh trong ví dụ (13) cho chúng ta thấy người phụ nữ xưa lấy được ông chồng biết chữ là sung sướng, hạnh phúc giống như tiên. Ngược lại, lấy phải người chồng không có học, không biết chữ thì chẳng ra gì. Họ coi đó là cái nợ nần từ kiếp trước mà kiếp này phải trả. Quan niệm trên có thể ra đời từ sau khi đạo Nho vào Việt Nam. Bởi khi đạo Nho du nhập vào Việt Nam và được đề cao thì chỉ có con nhà khá giả, con quan lại,. . . mới được học. Việc biết chữ là rất đáng quý, đến mức chữ được so sánh với vàng: Một chữ ông thánh bằng gánh vàng hoặc Một kho vàng không bằng một nang chữ. Đây là một truyền thống đẹp về tinh thần hiếu học của người Việt. 2.5. Biểu thức ngôn ngữ so sánh và việc đề cao nguyên tắc trọng tình Văn hóa của người Việt là nền văn hóa nông nghiệp nên họ ưa sống theo nguyên tắc trọng tình. Nguyên tắc trọng tình này được thể hiện ở việc đề cao tình thân trong dòng tộc, họ hàng; đề cao cái tình trong cách đánh giá nhìn nhận sự vật, hiện tượng. - Người Việt đề cao dòng tộc, họ hàng, điều này được thể hiện trong biểu thức ngôn ngữ so sánh sau: Ví dụ (14): Một giọt máu đào hơn ao nước lã [1;117]. 93 Trần Thị Oanh Biểu thức ngôn ngữ so sánh trên có thực thể được so sánh là một giọt máu đào, thực thể so sánh là ao nước lã. Một giọt với ao là sự so sánh giữa cái ít với cái nhiều, so sánh về lượng; máu đào với nước lã là so sánh về chất của hai đối tượng. Biểu thức ngôn ngữ so sánh trên hướng tới khẳng định thực thể được so sánh tuy chỉ là một giọt máu đào nhưng hơn cả ao nước lã. Điều đó, chứng tỏ người Việt rất trọng tình thân, huyết thống, gia tộc. Quan niệm này được thể hiện trong một số biểu thức ngôn ngữ so sánh như sau: Ví dụ (15): Máu loãng còn hơn nước lã,/ Chín đời họ mẹ còn hơn người dưng [1;110]. Hoặc: Cửu đại hơn ngoại nhân [2;273]. Ở Việt Nam, hầu như mỗi ngôi làng đều có một ngôi chùa, người dân thường lên chùa lễ phật để cầu mong cho mùa màng bội thu, cho mạnh khỏe, hạnh phúc, cho làm ăn thuận lợi,... Vì thế, việc lên chùa cũng là một nét văn hóa của người Việt và việc làm đó cũng rất quan trọng. Nhưng vì đề cao tình thân cho nên việc lên chùa cũng không còn quan trọng bằng tình yêu thương của mọi người trong gia đình. Ví dụ (16): Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa [1;170]. Hoặc: Tu đâu cho bằng tu nhà,/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu [3;408]. Hai biểu thức ngôn ngữ so sánh trên đều hướng tới khẳng định: phải ăn ở tốt với những người thân trong gia đình, phải có hiếu với cha mẹ đó chính là chân tu. - Trong cư xử, người Việt trọng tình nên đề cao chữ tình trong đánh giá, nhìn nhận sự vật. Khi giải quyết mọi việc, họ luôn luôn cân nhắc so sánh giữa cái lý và cái tình. Ví dụ (17): Một trăm cái lí không bằng một tí cái tình. Trong ví dụ (17), thực thể được so sánh là một trăm cái lí, thực thể so sánh là một tí cái tình. Theo lẽ thường, thực thể được so sánh sẽ hơn hẳn thực thể so sánh. Nhưng vì quá trọng tình nên kết quả của so sánh đã đảo ngược: dù cho có một trăm cái lí cũng không thể thắng nổi một tí cái tình. Chính vì cách hành xử theo kiểu nhất quen nhì biết này mà người Việt không thể dùng lí trí hoàn toàn trong việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống như những nước có nền văn hóa gốc du mục. Người Việt sống trọng tình nên ghét sự giả dối. Vì ghét sự giả dối, người Việt có tâm lí ghét nghề buôn bán và ghét cả những người làm nghề buôn bán. Ví dụ (18): Đi buôn nói ngay không bằng đi cày nói dối [1;67]. Hoặc: Thật thà cũng thể lái trâu, thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng [1;164]. Các biểu thức ngôn ngữ so sánh trên đều hướng tới đích: chê trách những kẻ buôn bán. Vì nghề buôn phải có lãi, muốn có lãi thì thường không thật. Bởi người Việt cho rằng buôn một bán mười nên nghề buôn là nghề ít được chú trọng và phát triển ở Việt Nam từ xa xưa. Tóm lại, người Việt luôn đề cao nguyên tắc trọng tình trong ứng xử, cũng như nhìn nhận các sự vật, sự việc của cuộc sống. 3. Kết luận Từ những phân tích trên, chúng tôi thấy nhân sinh quan của người Việt được thể hiện đa dạng và phong phú thông qua các biểu thức ngôn ngữ so sánh. Hay nói cách khác, biểu thức ngôn ngữ so sánh là một phương tiện để người Việt gửi gắm quan niệm sống của mình về các vấn đề như: đề cao con người đặc biệt là những quân tử, người tài, người có học, đề cao nguyên tắc sống trọng tình,. . . Một số quan niệm đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có thể sau này vẫn được người Việt giữ gìn và phát triển để bảo tồn văn hóa dân tộc. 94 Nhân sinh quan của người Việt được thể hiện qua biểu thức ngôn ngữ so sánh TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Cừ, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Thị Huế, Trần Thị An, 2001. Tuyển tập tục ngữ - ca dao Việt Nam. Nxb Văn học, Hà Nội. [2] Hoàng Văn Hành, 2008. Thành ngữ học tiếng Việt. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [3] Kiều Thu Hoạch (chủ biên), 2004. Tinh tuyển văn học Việt Nam, Tập 1. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [4] Lưu Quý Khương, 2004. Các phương thức biểu hiện ý nghĩa so sánh trong tiếng Anh và tiếng Việt (So sánh thang độ). Luận án Tiến sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội. [5] Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa, 1997. Phong cách học tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [6] Nguyễn Lân, 1993. Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội. [7] Nguyễn Thế Lịch, 2001. “