1. Mở đầu
Những năm 30 của thế kỉ XX, khi một số luồng tư tưởng mới từ phương Tây lan tới Việt
Nam, văn học đã có chuyển dịch trong cách tiếp cận cuộc sống. Nếu trước đây, phụ nữ và trẻ em là
đối tượng không được nhắc tới trong văn học, thì nay, các nhà văn dần hướng ngòi bút tới những
con người này. Ngoài việc phỏng dịch, người viết cũng có ý thức sáng tác cho các em. Nhóm Tự
lực văn đoàn cho xuất bản loại Sách hồng, tập hợp một số sáng tác về đề tài trinh thám, phiêu lưu,
cổ tích, thần thoại và sinh hoạt đời thường của trẻ em. Bên cạnh đó, những nhà văn hiện thực như
Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố,. . . cũng đề cập đến số phận của những đứa bé bị xã
hội vứt ra lề đường, sống đói rét cực khổ, ở đâu chúng cũng gặp những cửa đóng, nhốt chặt cái
êm ấm không cho thoát ra ngoài. Tuy nhiên, những sáng tác này chưa hình thành được một trào
lưu viết cho các em. Đã có một vài bài nghiên cứu về nhân vật trẻ em trong truyện thiếu nhi trước
1945 trong truyện của một số nhà văn như Nam Cao, Nguyên Hồng, Thạch Lam,. Tác giả Bích
Thu có bài: Nhân vật trẻ thơ trong sáng tác của Nam Cao in trong Tạp chí Văn nghệ quân đội,
8/2000; Nhân vật trẻ em trong sáng tác của Nguyên Hồng trước cách mạng tháng 8 – 1945 của
Đào Thị Lý (tapchinhavan.vn) hay bài Một số suy nghĩ về hình tượng trẻ em trong truyện ngắn
Thạch Lam của Nguyễn Thị Bình (vanhocnghethuatninhbinh.org.vn),. . . Các bài viết trên đã đưa
ra những nhận xét về hình tượng nhân vật trẻ em trong sáng tác của từng nhà văn trong giai đoạn
trước 1945. Song chưa chưa đề cập một cách bao quát và toàn diện về vấn đề nhân vật trẻ em trong
văn xuôi Việt Nam giai đoạn trước 1945.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 403 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhân vật trẻ em trong truyện Việt Nam trước 1945, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00011
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 3, pp. 63-67
This paper is available online at
NHÂN VẬT TRẺ EM TRONG TRUYỆN VIỆT NAM TRƯỚC 1945
Nguyễn Thị Thanh Hương
Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt.Mặc dù văn học Việt Nam trước 1945 chưa có nhiều sáng tác viết cho thiếu nhi,
nhưng các nhà văn đã bước đầu có sự quan tâm tới đối tượng trẻ em trong trang văn. Bài
viết nêu lên một số phân tích về hình ảnh nhân vật trẻ em trong truyện Việt Nam trước năm
1945, như một tiền đề cho sự xuất hiện hình tượng trẻ em trong văn xuôi thiếu nhi Việt
Nam sau này.
Từ khóa: Nhân vật trẻ em, truyện Việt Nam trước 1945.
1. Mở đầu
Những năm 30 của thế kỉ XX, khi một số luồng tư tưởng mới từ phương Tây lan tới Việt
Nam, văn học đã có chuyển dịch trong cách tiếp cận cuộc sống. Nếu trước đây, phụ nữ và trẻ em là
đối tượng không được nhắc tới trong văn học, thì nay, các nhà văn dần hướng ngòi bút tới những
con người này. Ngoài việc phỏng dịch, người viết cũng có ý thức sáng tác cho các em. Nhóm Tự
lực văn đoàn cho xuất bản loại Sách hồng, tập hợp một số sáng tác về đề tài trinh thám, phiêu lưu,
cổ tích, thần thoại và sinh hoạt đời thường của trẻ em. Bên cạnh đó, những nhà văn hiện thực như
Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố,. . . cũng đề cập đến số phận của những đứa bé bị xã
hội vứt ra lề đường, sống đói rét cực khổ, ở đâu chúng cũng gặp những cửa đóng, nhốt chặt cái
êm ấm không cho thoát ra ngoài. Tuy nhiên, những sáng tác này chưa hình thành được một trào
lưu viết cho các em. Đã có một vài bài nghiên cứu về nhân vật trẻ em trong truyện thiếu nhi trước
1945 trong truyện của một số nhà văn như Nam Cao, Nguyên Hồng, Thạch Lam,... Tác giả Bích
Thu có bài: Nhân vật trẻ thơ trong sáng tác của Nam Cao in trong Tạp chí Văn nghệ quân đội,
8/2000; Nhân vật trẻ em trong sáng tác của Nguyên Hồng trước cách mạng tháng 8 – 1945 của
Đào Thị Lý (tapchinhavan.vn) hay bài Một số suy nghĩ về hình tượng trẻ em trong truyện ngắn
Thạch Lam của Nguyễn Thị Bình (vanhocnghethuatninhbinh.org.vn),. . . Các bài viết trên đã đưa
ra những nhận xét về hình tượng nhân vật trẻ em trong sáng tác của từng nhà văn trong giai đoạn
trước 1945. Song chưa chưa đề cập một cách bao quát và toàn diện về vấn đề nhân vật trẻ em trong
văn xuôi Việt Nam giai đoạn trước 1945.
Ngày nhận bài: 15/11/2014 Ngày nhận đăng: 20/4/2015
Liên hệ: Nguyễn Thị Thanh Hương, e-mail: thanhhuong_nv@yahoo.com
63
Nguyễn Thị Thanh Hương
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Nhân vật trẻ em – những thân phận thấp hèn
Những nhà văn như Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố,. . . khi viết
về các em, thường đặt nhân vật trẻ em vào bối cảnh xã hội đương thời nhiều rối ren và bất trắc. Số
phận trẻ em, trong các sáng tác này, thường gắn với số phận của những người nghèo, những người
bất hạnh. Chúng là những thân phận thấp hèn trong xã hội. Người ta coi thường chúng, vì chúng
là trẻ em, người ta không tính đến chúng, cũng vì chúng là trẻ con: “Trước ánh lửa bếp lom nhom
và ánh đèn lù mù, sắc mặt Thạo càng xạm thêm, ngây dại và cô độc hơn. Con bé ấy gắp rau, húp
nước dưa và nhất là xới cơm đều rón rén như sợ rằng nó không được phép ăn những thứ quý báu
lắm ấy. Vì nó thấy rằng nó không thể theo mẹ đi chợ như con chị nó người đen như củ súng, nhanh
nhẹn, khôn ngoan hơn cả nhiều đứa con gái lớn hơn nó ở ngoài xóm. Và nó lại không bé hẳn như
cái Tý con, bụng ỏng đít vòn, đặt đâu là ngồi ỉa đái đấy, để được hưởng sự đặc biệt ăn uống no nê
và không phải làm gì” [3;86]. Những đứa trẻ ít tuổi đã sớm phải ý thức về thân phận của mình, về
trách nhiệm đối với miếng ăn của gia đình. Chúng có thể không được ăn (Trẻ con không được ăn
thịt chó) nhưng chúng không thể không làm. Chúng bị đánh tráo tuổi thơ bằng những công việc
nhọc nhằn của người lớn. Cái Thạo bé (Giọt máu – Nguyên Hồng) phải làm vườn, trồng ngô để góp
vào nồi cơm vốn chẳng bao giờ được đầy của gia đình. Hai đứa trẻ trong Hai nhà nghề - Nguyên
Hồng, thậm chí phải đánh cược cả mạng sống của mình ở mấy trò xiếc để kiếm cơm. Khi cha mẹ
chết, không có tiền thuê nhà, tiền ăn, cậu bé Đức (Tấm lòng vàng – Nguyễn Công Hoan) vừa phải
làm việc như một thằng ở trong nhà mụ chủ vừa chịu những lời nhiếc móc của bà ta. Mười hai tuổi
cái đĩ (Một bữa no – Nam Cao) phải đi ở đợ, bảy tuổi, cái Tí (Tắt đèn – Ngô Tất Tố) bị mẹ gán cho
nhà Nghị Quế cùng ổ chó con mới đẻ. Tất cả các em đã không còn tuổi thơ, không có những niềm
vui non trẻ với những trò chơi thơ bé, không có được cái nhìn yêu thương trìu mến của xã hội. Các
em bị rẻ rúng, bị coi thường, bị lạm dụng sức lao động.
Không chỉ bị ngược đãi, hành hạ về thể xác, những đứa trẻ còn phải chịu đựng sự đọa đày
về tinh thần. Tâm hồn non nớt, dễ tổn thương của Hồng (Những ngày thơ ấu – Nguyên Hồng) đã
từng run lên vì giận dữ trước những xúc phạm của người cô cay nghiệt với mẹ cậu. Cha mất, mẹ
bỏ nhà đi làm xa, bé Hồng một mình trơ trọi trước giông bão của cuộc đời, trước những định kiến
của xã hội. Em phải nuốt lặng những hờn tủi, cay đắng vào lòng mà chống chọi với bao ngang trái
của cảnh mồ côi. Thế giới tinh thần vốn rộng mở, vô tư của các em đáng lẽ cần được yêu thương,
vỗ về, âu yếm, vậy mà, dưới chế độ cũ, các em lại là những nạn nhân đau khổ, dằn vặt. Thay vì
hồn nhiên vui đùa các em đã phải trăn trở, suy tư trước sự nghiệt ngã của cuộc đời: “Không thể nói
nhanh tới chừng nào, những cảm giác chua cay và đau đơn ran lên khắp người Nhân. Nhân không
thể cầm lòng nhìn thằng bé dạn dầy ở đất khách quê người và lang thang bơ vơ kia quỳ lâu thêm
một phút nữa để chìa giỏ xin tiền những người xem kia chỉ có thể xem không và ngượng nghịu rút
lui. Chỉ thêm một phút nữa, con tim trơ trọi của nhân sẽ vỡ tan. . . Nước mắt đã tràn ra, Nhân chạy
vội lại, đỡ thằng bé múa dao kia dậy: Nhân muốn nói với nó một câu gì nhưng cổ họng đã nghẹn
ứ mất rồi” [3;136]. Có thể thấy, trong gia đình, các em bị người thân hắt hủi, ghẻ lạnh, ngoài xã
hội các em bị xúc phạm về phẩm cách, bị đối xử vô nhân đạo. Trước những nghịch cảnh ấy, trẻ em
không thể tự bảo vệ được mình, cách chống đỡ duy nhất (mà cũng đau đớn nhất) của các em chỉ có
thể là khóc. Càng ý thức được thân phận thấp hèn của mình thì các em lại càng đau đớn, càng đau
đớn thì lại càng muốn khóc. Thế giới nội tâm đầy non nớt không đủ sức ngăn những giọt những
mắt mặn chát nhưng nỗi đau bị dồn nén khiến những giọt lệ trong veo ấy như bị nghẹn lại, chặt
cứng nơi cuống họng. Những trang viết của Nguyên Hồng đã gợi lên sự cảm thương, lòng trắc ẩn
64
Nhân vật trẻ em trong truyện Việt Nam trước 1945
sâu sa trong lòng người đọc từ chính những đồng cảm của nhà văn với những thân phận bé nhỏ
trong xã hội.
Nếu Nguyên Hồng dựng lên thế giới nhân vật trẻ em là những người cùng khổ trong xã hội
thì Nam Cao lại đặt trẻ em trong hoàn cảnh phải đối mặt với cách ứng xử của người lớn trước cái
đói và miếng ăn. Sự vật lộn dai dẳng và khốc liệt đó đã tạo ra những cách ứng xử, hành vi, thái độ
và tình cảm của con người đối với con người nói chung và của người lớn đối với trẻ em nói riêng.
Những đứa trẻ trong sáng tác của Nam Cao thường là nạn nhân của người lớn, nạn nhân của lối
sống vô trách nhiệm của cha mẹ mà nguyên nhân sâu sa cũng chỉ vì cái đói, miếng ăn. Ở truyện Từ
ngày mẹ chết, nhân vật người cha đã tự làm tiêu mòn nhân cách của mình vào việc rượu chè, bài
bạc, vứt bỏ những đứa con bơ vơ, đói rách: “Tìm thầy, thì biết đâu mà tìm được. Ninh chẳng tìm.
Không có ăn thì nhịn! Ninh nhịn từ bữa chiều hôm qua. Đật Khóc, Ninh đi tìm moi được một củ
dong về nướng. Đật một nửa, Ninh một nửa” [1;152]. Trong truyện Bài học quét nhà, đứa con nhỏ
vô tội bỗng dưng lại phải gánh chịu những lời mắng nhiếc, thậm chí bị đòn oan chỉ vì bố mẹ chúng
không biết giải tỏa sự căng thẳng, lo lắng cho cuộc sống hàng ngày như thế nào, ngoài cách trút
tức giận vào những đứa con mà họ đã dứt ruột đẻ ra và thương chúng đến thắt lòng: “Hồng bị mẹ
kéo đi xềnh xệch. Những nhát chổi tay mẹ đưa rộng qua, tay con bị giật theo lạng cả người đi. Con
bé gần chúi đầu xuống đất. Nước mắt nó tuôn ra mờ cả mắt. Nhưng nó vẫn mím chặt môi. Không
dám khóc. . . ” [1;206]. Dễ nhận thấy trong truyện ngắn của Nam Cao vì sự lầm than, nhọc nhằn,
vật vã, thậm chí vô tâm, tàn nhẫn của người lớn - nhân vật chính mà những đứa trẻ - nhân vật phụ -
trong sáng tác của nhà văn ít tiếng cười và niềm vui, chúng chỉ biết im lặng và rơi nước mắt. Cùng
với bố mẹ, chúng sớm phải chịu đựng và nhận vào mình những đắng cay, tủi nhục, tai ương của số
phận đang trùm lên cuộc sống của gia đình và bản thân chúng. Số phận bất hạnh của những đứa
trẻ thường gắn với thân phận nhỏ bé của người phụ nữ trong xã hội cũ. Bởi thế, trẻ con, vốn đã bị
coi thường nay lại càng yếu thế hơn: “Người mẹ rất còm cõi và bốn đứa con gầy ốm, quây quần
với nhau trong xó bếp. Trong gia đình này, năm mẹ con thường giống như một bọn dân hèn yếu,
cùng chung phận con sâu, cái kiến dưới cái ách một ông bạo chúa” [1;137].
Những nhân vật trẻ em trong văn xuôi trước năm 1945 thường bị làm mờ diện mạo. Các
em đều giống nhau ở dáng vẻ nhỏ bé, địa vị thấp hèn. Có em không được gọi bằng một cái tên
(cái đĩ trong truyện Một bữa no – Nam Cao); có em mang tên của chị (cái Thạo em truyện Giọt
máu – Nguyên Hồng). Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trẻ em trong những sáng tác này cũng
bị “tinh giảm” đáng kể. Điều này góp phần tạo nên sự nhỏ bé, đơn độc của các em trong xã hội
nhưng phần nào cũng cho thấy sự hạn chế trong cách viết của các tác giả. Phải chăng, khi các nhà
văn chưa thực sự quan tâm tới đối tượng trẻ thơ thì việc hóa thân vào trẻ thơ để nói, để nhìn, để
cảm nhận thế giới như các em là điều khó khăn. Các em chỉ còn là những cái bóng mờ, chìm khuất
trong thế giới của người lớn: “Trước vẻ sợ sệt, ngơ ngác của Thạo bé, lắm khi cả nhà đi vắng, tôi
muốn đến với nó mà không được. Hoặc Thạo bé lảng bế em đi, hoặc vì tôi thấy nao nao trong lòng,
đành yên lặng mà nhìn Thạo bé, vừa nghe cái bâng khuâng của im vắng đi vào tâm hồn tôi như
một mạch ngầm” [3;86]. Hạn chế các đối thoại, những nhà văn hiện thực thường xây dựng hình
tượng nhân vật trẻ em trước năm 1945 bằng điểm nhìn của người kể chuyện. Qua điểm nhìn ấy,
những đứa trẻ hiện lên như những thân phận bị đọa đày nơi địa ngục trần gian. Có thể nói, nhân
vật trẻ em trong sáng tác trước năm 1945, đều là những đứa trẻ nghèo khổ, bất hạnh, không có tuổi
thơ. Chúng không chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội mà còn là nạn nhân của người lớn trước
cuộc sống khắc nghiệt.
65
Nguyễn Thị Thanh Hương
2.2. Nhân vật trẻ em – những tâm hồn thánh thiện và đầy ước mơ
Cho dù cũng bị guồng xoáy của xã hội cuốn vào cái nghiệt ngã, khốc liệt của việc mưu sinh
như người lớn, những đứa trẻ, trong các sáng tác văn xuôi trước 1945, vẫn ánh lên vẻ đẹp trong
sáng, hồn nhiên của tuổi nhỏ. Bởi trước khi là một thằng ăn xin, một đứa ở, một tên trộm, một
người làm thuê,. . . thì chúng là những đứa trẻ. Những đứa trẻ như biết bao nhiêu trẻ con trên thế
gian, đều vô tư, thánh thiện, ngây thơ và luôn tin vào những điều kì diệu trong cuộc sống.
Khi viết về trẻ em, Thạch Lam thường quan tâm tới những kiếp người nhỏ nhoi, đáng thương
(Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê), những tâm hồn thơ dại, thánh thiện (Gió lạnh đầu mùa, Tiếng chim kêu).
Nhân vật trẻ em trong sáng tác của ông thường được đặt trong một khoảnh khắc thời gian ngắn
ngủi như một đêm mưa rét, thời gian đợi tàu hay lúc chuyển mùa, qua đó thế giới tâm hồn của các
em được khắc họa sâu sắc bằng cảm quan tinh tế của tác giả. Có thể nói, Thạch Lam quan tâm
nhiều tới việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của trẻ. Trong sáng tác của ông, trẻ em, dù ở trong hoàn
cảnh nào, cũng sáng lên nét đẹp của sự thuần khiết, vô tư. Trong truyện Gió lạnh đầu mùa, nhà
văn đã đặt nhân vật trẻ thơ vào tình huống chuyển mùa để làm nổi lên sự đối lập giữa những đứa
trẻ khá giả và những em nhỏ nghèo khó, đói rách. Nhưng trong hoàn cảnh éo le đó, chị em Sơn
– những đứa trẻ nhà giàu, lại có cách ứng xử rất nhân văn. Sơn mang áo bông của mình cho bạn
khi trời trở rét một cách rất bột phát, ngây thơ, không toan tính. Bởi thế mà việc làm của hai chị
em đã tạo nên một sự cộng hưởng trong cách cư xử của người lớn. Mẹ Hiên tuy nghèo nhưng là
người biết tự trọng, không lợi dụng lòng tốt của hai đứa trẻ, nên đã đem trả áo. Mẹ Sơn rất thương
yêu các con, biết các con tự tiện cho áo, bà trách yêu: “ Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem
cho người ta không sợ mẹ mắng ư?”. Trong sâu thẳm lòng mình, bà cũng đồng tình với hành động
thương người như thể thương thân của các con. Chiếc áo là kỉ vật không thể đem cho, nhưng bà đã
cho mẹ Hiên vay năm đồng để mua áo ấm cho con. Cái đẹp trong sáng trong tâm hồn các em còn
được Thạch Lam phát hiện qua lòng trắc ẩn của hai em nhỏ với những người lang thang và lũ chim
trong một đêm mưa rét ở truyện Tiếng chim kêu: “Hai anh em chúng tôi vừa cuộn kín trong chăn
cho ấm vừa nói chuyện. Chúng tôi nghĩ đến, rồi thương hai những người lữ khách vào giờ này hãy
còn trên đường vắng, ướt như chuột lột và run như cầy sấy, đi vội vàng để tìm một chỗ trú thân.
Chúng tôi lại ái ngại cho những nhà nghèo bên hàng xóm, giờ này vợ chồng con cái đều phải dậy
để chống cái nhà lá mà mỗi cơn gió mạnh làm lung lay và để đem cái chậu thau hứng những chỗ
dột nước” [5]. Sự dùng dằng vừa muốn ra giúp con chim trú mưa vừa ngại trời rét là tâm lí rất bình
thường ở trẻ con. Thạch Lam nói về vẻ đẹp tâm hồn của trẻ nhỏ nhưng không khiên cưỡng, cứng
nhắc mà rất thành thực, sinh động. Vì thế, nhân vật trẻ thơ, trong sáng tác của ông vừa mang cái
dung dị của đời sống hằng ngày vừa toát lên sự thánh thiện, trong sáng.
Tự lực văn đoàn đã nỗ lực gây dựng phong trào sáng tác và phổ biến tác phẩm văn học thiếu
nhi. Loại Sách Hồng của nhà xuất bản Đời nay của nhóm bút này cùng những sáng tác in trên báo
Phong Hóa đã cho thấy sự quan tâm của các nhà văn lãng mạn tới trẻ thơ. Với tôn chỉ: không khuất
phục lễ giáo phong kiến, hăng hái theo con đường mới, lấy lương tri mà xét đoán theo lẽ phải... Tự
lực văn đoàn đã có nhiều đóng góp cho sự cách tân văn học theo hướng hiện đại. Với chủ trương
này, nhóm bút đã hướng ngòi bút tới những đối tượng ít xuất hiện trong văn học trung đại như phụ
nữ và trẻ em. Trong số những tác giả viết về trẻ em của nhóm, Khái Hưng nổi lên như một cây bút
viết nhiều và viết hay về trẻ thơ. Sáng tác của ông, về mặt thể loại, gồm: Truyện cổ tích hiện đại,
truyện đồng thoại và truyện sinh hoạt. Trong đó, truyện cổ tích hiện đại được nhà văn tập trung
nhiều hơn cả. Đó là những tác phẩm được Khái Hưng sáng tác trên cơ sở hoặc dựa vào cốt truyện
dân gian, hoặc dựa vào thi pháp thể loại, như: Vợ Cóc, Cây tre trăm đốt, Cái ấm đất. . . Trong các
sáng tác đó, ông đã thể hiện một lối kể chuyện cổ tích mới mẻ, kế thừa có phát triển thi pháp thể
66
Nhân vật trẻ em trong truyện Việt Nam trước 1945
loại truyện cổ tích dân gian. Nhân vật trẻ em trong các truyện này đều có chung một đặc điểm là
những em nhỏ ngây thơ, trong sáng, luôn tin vào cái thiện, vào những điều kì diệu trong cuộc sống:
“Đã hơn một tuần lễ, nó sống trên hòn núi giả, đặt trong cái bể cạn mà bây giờ ngoái cổ nhìn lại
nó thấy chỉ rộng bằng cái bàn giấy của cha nó. Trên núi bên những đình, chùa, cầu quán, những
công trình tạo tác bé xíu của nó còn để y nguyên dấu vết. Cả cái thang làm bằng cuống huệ và gai
cam cũng vẫn bắc ở thành bể cạn. Nó mỉm cười nghĩ thầm: “Nếu thầy mẹ không tin câu chuyện li
kì của ta, ta sẽ đưa đến xem cái thế giới tí hon này, ta sẽ chỉ cho thầy mẹ thấy nơi ta ăn, nơi ta ngủ,
chỗ ta ngồi nghỉ mát ngắm cảnh thiên nhiên”. Và Tô rảo bước về nhà” [4;165]. Chính niềm tin vào
những điều kì diệu của cuộc sống đã giúp các em cảm nhận thế giới đẹp hơn, trong sáng hơn, cũng
vì thế, biết cách sống nhân văn hơn: “Tức thì Tô thấy mình cao vút lên. Nó mỉm cười cảm ơn ông
lão râu tóc bạc phơ và hứa với ông rằng từ nay không dám đánh giết những loài bé nhỏ yếu đuối
nữa, loài chim con hay các loài khác cũng vậy” [4;165]. Khái Hưng đã dùng chính cái kì ảo của
truyện cổ tích để mang đến cho trẻ thơ những bài học nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nhân vật trẻ em trong
truyện của ông là những tâm hồn đẹp, nhân hậu, biết yêu thương con người và yêu thương loài vật.
3. Kết luận
Tóm lại, trong các sáng tác văn học hiện thực trước năm 1945, nhân vật trẻ em đã được
ít nhiều tham dự vào tiến trình câu chuyện. Những nhà văn như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan,
Nguyên Hồng đều xây dựng hình tượng nhân vật trẻ em như những thân phận thấp hèn trong xã
hội. Bằng thủ pháp tỉnh lược trong miêu tả, những nhân vật trẻ em trong sáng tác của các nhà văn
này hiện lên thật nhỏ bé, đáng thương, là nạn nhân của đời sống hiện thực nghiệt ngã. Có ý thức
hơn trong việc viết cho thiếu nhi, nhóm Tự lực văn đoàn đã cho ra đời những sáng tác viết cho trẻ
em, trong đó, hình tượng nhân vật trẻ thơ gắn liền với thế giới kì ảo của truyện cổ tích. Nhìn chung,
dù sáng tác theo khuynh hướng hiện thực hay lãng mạn, các nhà văn trước năm 1945, đã chú ý tới
đối tượng trẻ thơ. Tuy nhiên, nhân vật trẻ em, trong các tác phẩm trước năm 1945, vẫn chưa thực
sự đóng vai trò là nhân vật chính. Cách nhìn nhận, miêu tả trẻ em của các nhà văn vẫn chưa thoát
ra khỏi mẫu hình người lớn. Cho nên, nhân vật trẻ em, ở những trang viết này, vẫn nói, vẫn cười,
hành xử hao hao giống người lớn, chưa có được nhiều sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ.
(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia
(NAFOSTED) trong đề tài mã sốVII.1.3-2012-10
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nam Cao, 2004. Truyện ngắn Nam Cao. Nxb Kim Đồng.
[2] Nguyên Hồng, 2010. Những ngày thơ ấu. Nxb Văn hóa Thông tin.
[3] Nguyên Hồng, 2013. Những truyện hay viết cho thiếu nhi. Nxb Kim Đồng.
[4] Băng Thanh, Hải Yến (sưu tầm, tuyển chọn), 1997. Cái ấm đất, Tuyển tập truyện hay viết cho
thiếu nhi (1940-1950). Nxb Trẻ.
ABSTRACT
Children in Vietnamese stories before 1945
Before 1945, although there were not so many stories for children, wirter started taking
caring this kinds of stories. This article presents and analyzes image of children character in
Vietnamese stories before 1945 as starting point for the appear of children image in children
literature in next period.
Keywords: Children character, Vietnamese story befor 1945.
67