Những bậc tiên phong của tư duy Hậu hiện đại

Jacque Lacan (1901-1981), kế tục S. Freud, là nhà tâm phân học có ảnh hưởng đến giới lý luận phê bình văn học nhiều nhất ở phương Tây. Nếu S. Freud dùng phương pháp khoa học thực nghiệm để thiết lập ra môn Tâm phân học (Psychoanalysis) mang đầy tính chất hiện đại, thì J. Lacan đã vận dụng ngôn ngữ học vào tâm phân học, chuyển hẳn sang tính chất hậu hiện đại. Thời sinh viên J. Lacan theo học tâm phân học và triết học cả ở Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Paris. Ra trường, ông vừa giảng dạy tâm phân học vừa chữa bệnh tâm thần. Với khẩu hiệu “trở về với S. Freud”, từ năm 1951 trở đi, hàng tuần ông đều công khai chủ trì một cuộc hội thảo khoa học, và từ năm l964 lại sáng lập và lãnh đạo “Trường phái S. Freud ở Paris”, cả hai việc đều kéo dài đến lúc cuối đời. Trong thực tế, tâm phân học của J. Lacan từ chỗ kết hợp với ngôn ngữ học như đã nói trên, hơn nữa còn tiến lên vận dụng cả chủ nghĩa cấu trúc, hình thành nên tâm phân học cấu trúc, rồi không phải ngẫu nhiên mà cuối đời ông đã ly khai với Hội tâm phân học quốc tế. Công trình chủ yếu gồm có: Trước tác1937-1966 (1966); Bốn khái niệm cơ bản của tâm phân học (1973); Cái tôi trong lý thuyết của S. Freud và trong kỹ thuật của tâm phân học (1978);Tập luận văn về ngôn ngữ với tâm phân học (1981), v.v. Trên ý nghĩa trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan với lý luận phê bình văn học nghệ thuật, có thể triển khai lý thuyết của J. Lacan theo các vấn đề cấu trúc ngôn ngữ của vô thức, chủ thể manh nha và song hành với vô thức, phương pháp bóc trần những trá hình chủ quan, v.v

pdf7 trang | Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1680 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những bậc tiên phong của tư duy Hậu hiện đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Những bậc tiên phong của tư duy Hậu hiện đại Lâu nay về lý luận hậu hiện đại, chúng ta thường nhắc đến những nhà lý luận giải cấu trúc R. Barthes và J. Derida cùng các nhà nghiên cứu phê bình văn hoá hậu hiện đại I. Hassan, J.F. Lyotard, J. Harbemas, J. Baudrillard, F. Jameson, v.v... mà chưa chú ý đầy đủ đến J. Lacan và M. Foucault, những người tiên phong của tư duy hậu hiện đại. I) Jacque Lacan: Vô thức, ngôn ngữ, chủ thể Jacque Lacan (1901-1981), kế tục S. Freud, là nhà tâm phân học có ảnh hưởng đến giới lý luận phê bình văn học nhiều nhất ở phương Tây. Nếu S. Freud dùng phương pháp khoa học thực nghiệm để thiết lập ra môn Tâm phân học (Psychoanalysis) mang đầy tính chất hiện đại, thì J. Lacan đã vận dụng ngôn ngữ học vào tâm phân học, chuyển hẳn sang tính chất hậu hiện đại. Thời sinh viên J. Lacan theo học tâm phân học và triết học cả ở Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Paris. Ra trường, ông vừa giảng dạy tâm phân học vừa chữa bệnh tâm thần. Với khẩu hiệu “trở về với S. Freud”, từ năm 1951 trở đi, hàng tuần ông đều công khai chủ trì một cuộc hội thảo khoa học, và từ năm l964 lại sáng lập và lãnh đạo “Trường phái S. Freud ở Paris”, cả hai việc đều kéo dài đến lúc cuối đời. Trong thực tế, tâm phân học của J. Lacan từ chỗ kết hợp với ngôn ngữ học như đã nói trên, hơn nữa còn tiến lên vận dụng cả chủ nghĩa cấu trúc, hình thành nên tâm phân học cấu trúc, rồi không phải ngẫu nhiên mà cuối đời ông đã ly khai với Hội tâm phân học quốc tế. Công trình chủ yếu gồm có: Trước tác1937-1966 (1966); Bốn khái niệm cơ bản của tâm phân học (1973); Cái tôi trong lý thuyết của S. Freud và trong kỹ thuật của tâm phân học (1978);Tập luận văn về ngôn ngữ với tâm phân học (1981), v.v... Trên ý nghĩa trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan với lý luận phê bình văn học nghệ thuật, có thể triển khai lý thuyết của J. Lacan theo các vấn đề cấu trúc ngôn ngữ của vô thức, chủ thể manh nha và song hành với vô thức, phương pháp bóc trần những trá hình chủ quan, v.v 1) Cấu trúc ngôn ngữ của vô thức Năm 1953 trong bài Phạm vi và chức năng của ngôn ngữ và ngữ ngôn trong tâm phân học, J. Lacan đã phê phán quan niệm “cái biểu đạt” với “cái được biểu đạt” gắn chặt như hai mặt trên một tờ giấy của F. Saussure, và khẳng định chúng nằm trong những bình diện độc lập với nhau. Cái biểu đạt thật ra không biểu đạt cái gì xác định, nó tự do phiêu dạt, còn cái được biểu đạt cũng luôn chuyển động(1). Theo J. Lacan, cái biểu đạt, có nghĩa là đã diễn đạt ra được rồi, thì chính là ý thức, còn cái được biểu đạt thì chính là cái vô thức chưa biết. Vận dụng ngôn ngữ học vào phân tâm học chính là giải thích cái vô thức bằng cái biểu đạt có tính chất ý thức. Nói vô thức có cấu trúc ngôn ngữ bởi vì vô thức, theo J. Lacan chẳng qua là cái được che đậy đằng sau ý thức, nó ẩn tàng ở nơi sâu kín trong tâm linh của con người, tất yếu mang ý nghĩa của một loại ngôn ngữ nội tại. Cho nên không chỉ phân tích vô thức trên bình diên tâm sinh lý, mà còn phải với góc độ ngôn ngữ học. Mặc dù đã tập trung nghiên cứu rất có hệ thống, nhưng với S. Freud vô thức chỉ là một loại mô thức chìm sâu trong tư duy của con người, một thực thể vốn có, nhưng tồn tại như một vương quốc mịt mờ. Ở đó bản năng con người tha hồ thao túng, lắm khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ý thức mà chuyển biến thành chính ý thức. Con người không thể nào trực tiếp nhận thức và nắm bắt được vô thức. Tất nhiên S. Freud cũng đã từng xem những “ngưng tụ” (condensation), “chuyển dịch” (displacement) trong những gíấc mơ hay chuyện tếu với tư cách là những tật chứng ngoại hiện của vô thức như những ẩn dụ (metaphor) hay hoán dụ (metonymy) trong ngôn ngữ để giải thích. Tiếp bước S. Freud, J. Lacan khẳng định vô thức cũng giống như những ẩn dụ hoặc hoán dụ trong ngôn ngữ, có thể căn cứ vào ngữ cảnh (context) để giải thích. Ẩn dụ chẳng qua là dùng một cái biểu đạt thay thế một cái biểu đạt khác đang bị ức chế. Hoán dụ là dùng cái biểu đạt này thay mặt cho cái biểu đạt kia. Ngôn ngữ của cái biểu đạt tuy là có ý thức, nhưng là ý thức nhằm che đậy cái được biểu đạt là những dục vọng vô thức bên trong với tư cách là những động lực luôn luôn có ý hướng muốn chi phối, bộc lộ, cho nên tất yếu sẽ tạo nên những khoảng trống, những độ vênh, những chỗ nhấn trong dây chuyền của cái biểu đạt. Tính hệ thống của những điều này làm nên cấu trúc ngôn ngữ của cái vô thức. Và giải mã vô thức bằng ngôn ngữ học là vì vậy. 2) Chủ thể manh nha và song hành cùng vô thức Trong hệ thống lý thuyết của J. Lacan có một khái niệm quan trọng là “giai đoạn ảnh trong gương”. Trẻ con mấy tháng tuổi chưa có cảm giác hoàn chỉnh về chính thân thể của mình, xem tay chân như những vật thể bên ngoài, thậm chí còn mút ngón tay, ngón chân, chưa có thể nghiệm gì, chỉ có những cảm xúc của bản năng tự vệ, nghĩa là gần như hoàn toàn vô thức. Nhưng một quá trình dần dần được biết về mình, sẽ diễn ra đối với trẻ, tất nhiên chủ yếu với trạng thái bị động. Bản thân mình đối với trẻ trong trường hợp này, hoá ra là cái cần được biểu đạt, phải bị động chờ đợi những cái biểu đạt bên ngoài đến xác định. J. Lacan quan sát khi trẻ con chừng sáu tháng thấy ảnh trong gương di động theo bản thân thì rất thích thú, liền bò tới sát gương sờ soạng lên ảnh như muốn biết rõ đây là ai, rồi vô cùng hoan hỉ dần dần cảm thấy được đó chính là mình. Đó là bước quá độ đầu tiên từ vô thức chuyển sang ý thức, nhưng chưa phải là ý thức hoàn toàn, bởi vì ảnh trong gương vẫn là ảo ảnh, chứ đâu phải là bản thân đích thực của trẻ, và hẳn là trẻ chưa có thể phân biệt được điều đó. Tuy nhiên sự nhận biết sơ khởi này vẫn vô cùng quan trọng. Cứ xem trong trạng thái tâm thần phân liệt, hoàn toàn vô thức, không gợn lên được nhân tố nào của ý thức, các con bệnh đã, chẳng hạn, xem cùi tay như lỗ mũi, có lúc tự xưng là Napoléon, có khi lại diễn vai hề, v.v thì đủ rõ. Trẻ con dù mới chỉ nhận biết mình qua hình ảnh trong gương, nghĩa là rất sơ khởi, rất không đầy đủ, còn ngộ nhận, nhưng vẫn không có những biểu hiện rối loạn thần kinh nói trên. Vả chăng khái niệm “hình ảnh trong gương” của J. Lacan còn có tính chất ẩn dụ. Theo nghĩa rộng nó chính là một “kẻ khác” rất thiết thân với mình, qua họ, có thể nhận biết thêm bản thân, chẳng hạn qua bà mẹ. Qua sự ngắm nhìn, mỉm cười, vỗ về, hôn hít của người mẹ, đứa con như được ý thức thêm về mình. Quả vậy, chỉ cần quan sát những trẻ con lớn lên trong côi cút thường nhút nhát thiếu tự tin thì đủ rõ. J. Lacan gọi “hình ảnh trong gương” là “thế giới tưởng tượng” theo nghĩa trẻ con tưởng là thật một điều không có thật. Khi sờ soạng, xoa đi xoa lại có va chạm được thứ gì đâu trên mặt gương, nhưng cảm thấy là mình, thì tất yếu phải có yếu tố tưởng tượng. Nói theo danh từ là trẻ con đã đem cái được biểu đạt là mình gán ghép trên cái biểu đạt là hình ảnh trong gương, và do đó, chủ thể vẫn lẩn quất trong thế giới vô thức. Nhưng rồi chả bao lâu, trẻ con biết nói, và thế là giai đoạn hình ảnh trong gương được tiếp nối bằng giai đoạn ngôn ngữ, và J. Lacan cho rằng “thế giới tưởng tượng” bắt đầu chuyển hoá sang “thế giới tượng trưng”. Vì ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu, nhờ đó con trẻ ngày càng biết được xiết bao điều trong thế gian rộng rãi bao la. Nghĩa là con trẻ đã đi dần vào đời sống văn hoá xã hội, qua đó xác định được dần bản thân với ý thức đầy đủ, nhưng vẫn không thoát khỏi vô thức. Ở đây trước hết cần lưu ý rằng J. Lacan không phân biệt vô thức với ý thức theo cấp độ cao thấp, mà cho chúng luôn luôn song hành, (thậm chí có những hiện tượng, nhìn ở góc độ này là vô thức, nhưng liền chuyển hoá thành ý thức, nếu nhìn ở góc độ khác). Quả vậy, con người trưởng thành có nghĩa là ý thức ngày càng trở nên sâu rộng, phong phú, phức tạp, nhưng không khi nào có thể hoàn toàn thoát khỏi trạng thái vô thức, hay nói một cách khác, con người khi nào ít nhiều được phân biệt qua hai trạng thái ý thức và vô thức. J. Lacan đã chứng minh điều này ngay trong trường hợp con người tự nói về mình. Khi chúng ta nói “Tôi là thế nào, tôi làm gì, v.v” và đều ngộ nhận rằng “Tôi” là đại biểu cho bản thân trăm phần trăm. Tất nhiên ở đây không bàn chuyện đạo đức, nói dối hay nói thật, v.v... mà chỉ bàn về tâm lý thể hiện trên bình diện ngữ dụng. Vận dụng ngôn ngữ học hiện đại J. Lacan cho rằng con người thường ngộ nhận “chủ thể trong ngôn từ” (tức chủ ngữ trong câu nói) với “chủ thể phát ngôn”. Khi chúng ta nói: “Tôi thế này, thế kia” thì trên thực tế, chúng ta đã lùi lại một bước, gián cách bên ngoài, để tả hoặc kể “Tôi” như thế nào mà thôi, chứ không phải trực tiếp bộc lộ hoặc biểu hiện gì cả. “Tôi” vẫn là chủ ngữ trong câu nói, nhưng trong ngữ cảnh, thực tế đã trở thành tân ngữ, mặc dù nó vẫn là chủ thể phát ngôn. Nói cho cùng, không phải ngẫu nhiên, “Tôi” chỉ là một đại từ, nghĩa là một vật thay thế. Mà đã thay thế được, thì có thể bằng những cách dùng từ khác nhau, chứ không nhất thiết là “Tôi”, như nói với con cái thì xưng bố, mẹ, nói với hạ thần, thì xưng trẫm, v.v... Việc nhầm lẫn giữa chủ thể trong ngôn từ với chủ thể phát ngôn này rất phổ biến, ngay cả Descartes với câu: “Tôi tư duy tức tôi tồn tại”. Tất nhiên đây là chân lý trong triết học (duy lý), nhưng là sai lầm về mặt ngữ dụng học. Bởi vì nếu quả thực là mình đang suy nghĩ, thì không thể nào đồng thời có thể lộ diện tả và kể lại những điều mình đang suy nghĩ. Còn nếu đang đứng ra tả và kể lại những điều mình suy nghĩ, thì có nghĩa là mình đang không tư duy gì thêm nữa, chỉ thuật lại những cái vốn đã được tư duy rồi. Cho nên, Lacan đã chữa lại câu của Descartes thành: “Tôi tư duy thì tôi không tồn tại, Tôi tồn tại thì tôi không tư duy”. Sự nhầm lẫn rất tự nhiên và sâu rộng như vậy, chứng tỏ vô thức tồn tại ngay trong ngôn ngữ, một sản phẩm tất yếu và vĩnh hằng của xã hội loài người. Và xưng tôi, nhưng không phải đang là tôi thực sự và trọn vẹn, chứng tỏ cái biểu đạt không phải tương ứng với cái được biểu đạt theo quan niệm của chủ nghĩa cấu trúc, và tư tưởng của J. Lacan đã góp phần mở đầu cho chủ nghĩa giải cấu trúc. 3) Phương pháp lột trần những trá hình chủ quan J. Lacan không chuyên luận bàn về văn học nghệ thuật, nhưng tư tưởng của ông nhiều khi gây tác dụng khá trực tiếp đến lĩnh vực này. Chẳng hạn sự nhầm lẫn một cách vô thức giữa cái Tôi với tư cách chủ ngữ trong câu nói với cái Tôi với tư cách chủ thể phát ngôn nói trên đã giúp ích rất nhiều trong việc phân biệt giữa tác giả với nội dung tác phẩm ngay ở chủ nghĩa lãng mạn và thơ trữ tình là những phương pháp và thể loại thường xuất hiện đại từ Tôi. Tuy nhiên, J. Lacan thảng hoặc cũng có trực tiếp luận bàn về văn học, mà tiêu biểu nhất là bài phân tích tác phẩm Lá thư bị đánh cắp của Edgar Poe. Khác với S. Freud, J. Lacan không tuyệt đối hoá vô thức, và cho nó luôn luôn song hành với ý thức, cho nên nó gần như là một loại trá hình chủ quan. Cho nên ông đã định nghĩa phê bình tâm phân học là “phương pháp lột trần những trá hình chủ quan” (la méthode de démystification des camouflages subjectifs). J. Lacan thường chú ý hiện tượng vì để lừa người mà phải tự lừa mình, và ông gọi là trò “Autruicherie”, tạm dịch là “trò đà điểu” (Đáng lẽ chỉ viết Autrucherie, nhưng ông cố ý thêm chữ i vào cho có trọn chữ Autrui, có nghĩa là một kẻ khác, nhằm cố ý gây liên tưởng đến mệnh đề sai ngữ pháp Je est un autre nhưng lại diễn đạt đúng hơn quan niệm có vẻ ngược đời của ông: Tôi là kẻ khác). Để thuyết minh điều này, J. Lacan nêu lại hai cảnh có phần trùng lặp trong Lá thư bị đánh cắp. Cảnh một là trong phòng khuê của hoàng hậu, khi hoàng đế và thượng thư đi vào, thì tay đang cầm lá thư, hoàng hậu đã đặt nó xuống bàn với vẻ tự nhiên. Nhưng thượng thư lại thản nhiên cầm ngay lá thư ấy, và đánh tráo bằng lá thư khác, nhưng hoàng hậu buộc phải thản nhiên, vì rất sợ vua để ý. Cảnh sau là trong phòng thượng thư, thám tử tư bước vào xin gặp, và liếc nhìn quanh lò sưởi, trong sọt giấy lộn, có một phong bì thư lật trái đoán chắc chính là lá thư của hoàng hậu bị đánh cắp. Lúc cáo từ, thám tử giả vờ để quên hộp thuốc lá. Hôm sau, lấy cớ trở lại xin chiếc hộp thuốc, đồng thời cố ý gây một vụ lộn xộn ở trước cổng để đánh lạc hướng chú ý của thượng thư, thám tử đã đánh tráo lấy lại được lá thư của hoàng hậu. Qua đây, J. Lacan lưu ý đến ba cái nhìn khác nhau. Đó là cái nhìn không thấy gì của hoàng đế. Cái nhìn thứ hai là của hoàng hậu, chỉ nhìn được một người không nhìn thấy gì, cho nên cứ chủ quan để ngỏ cái mình cần giấu. Thứ ba là cái nhìn của người thấy luôn được một người khác giả vờ bỏ ngỏ cái cần giấu, đó là thượng thư. Nhưng đó là trong cảnh đầu, song đến cảnh sau, thì thượng thư lại biến thành loại người thứ hai. Vì trước đó, cảnh sát trưởng có đến lục lọi phòng ông ta, mà không phát hiện được lá thư để ở sọt giấy bên cạnh lò sưởi, cho nên cứ chủ quan để luôn ở đấy. Nhưng chính lúc thượng thư biến thành loại người thứ hai, thì liền có người khác là thám tử đóng vai trò người thứ ba. Thì ra người ta có thể che giấu trong từng nơi từng lúc, chứ trong tương quan và quá trình, tất yếu sẽ bị lộ. Giấu đầu hở đuôi, Autruicherie là như vậy. J. Lacan còn lưu ý trong truyện của E. Poe không nói rõ thư do ai viết, nội dung nói gì, v.v Nhưng điều đó không quan trọng, bởi vì đích thị do ai viết, nội dung xác định như thế nào, thì cũng trở nên đa nghĩa, bởi vì nó sẽ có những ý nghĩa khác nhau đối với hàng loạt người từ hoàng đế, hoàng hậu, thượng thư, đến thám tử và cảnh sát trưởng. Có thể thấy cách phân tích của J. Lacan không phải là giải mã những ẩn ức vô thức được thăng hoa theo đúng quan niệm của S. Freud, mà có kết hợp với chủ nghĩa cấu trúc, cho vô thức có cấu trúc của ngôn ngữ, nhưng để vươn đến chủ nghĩa giải cấu trúc, vì đã chứng minh một cái biểu đạt không tương ứng với một cái được biểu đạt, mà vô cùng đa nghĩa.