Tóm tắt. Quan hệ Indonesia - Việt Nam (1964-2010) là mối quan hệ láng
giềng, trải qua những bước thăng trầm đáng kể trên lĩnh vực an ninh chính
trị trong lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước. Tuy ở vào những thời điểm
khó khăn nhất Indonesia vẫn giữ quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là thời
kỳ Chiến tranh lạnh. Điều này hoàn toàn củng cố niềm tin của Việt Nam
đối với Indonesia và ngược lại, Indonesia cũng thể hiện sự tin tưởng sâu
sắc vào Việt Nam trong việc giải quyết “vấn đề Campuchia”. Việc “vấn đề
Campuchia” được giải quyết đã mở ra một điều kiện thuận lợi cho hai nhóm
nước trong khu vực đến với nhau. Qua đó, vai trò của Indonesia ngày càng
được củng cố trong khu vực và nâng cao trên trường quốc tế.
5 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 311 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những bước thăng trầm trong quan hệ Indonesia - Việt Nam trên lĩnh vực an ninh chính trị (1964-1991), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Science Sci., 2011, Vol. 56, No. 8, pp. 111-115
NHỮNG BƯỚC THĂNG TRẦM
TRONG QUAN HỆ INDONESIA - VIỆT NAM
TRÊN LĨNH VỰC AN NINH CHÍNH TRỊ (1964-1991)
Lê Thị Liên
Trường Đại học An Giang
E-mail: lelien4580@yahoo.com
Tóm tắt. Quan hệ Indonesia - Việt Nam (1964-2010) là mối quan hệ láng
giềng, trải qua những bước thăng trầm đáng kể trên lĩnh vực an ninh chính
trị trong lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước. Tuy ở vào những thời điểm
khó khăn nhất Indonesia vẫn giữ quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là thời
kỳ Chiến tranh lạnh. Điều này hoàn toàn củng cố niềm tin của Việt Nam
đối với Indonesia và ngược lại, Indonesia cũng thể hiện sự tin tưởng sâu
sắc vào Việt Nam trong việc giải quyết “vấn đề Campuchia”. Việc “vấn đề
Campuchia” được giải quyết đã mở ra một điều kiện thuận lợi cho hai nhóm
nước trong khu vực đến với nhau. Qua đó, vai trò của Indonesia ngày càng
được củng cố trong khu vực và nâng cao trên trường quốc tế.
1. Mở đầu
Cuối những năm 60 và suốt thập niên 70 của thế kỷ XX, Chiến tranh lạnh
bước vào giai đoạn cao trào, sự đối đầu căng thẳng giữa hai phe TBCN và XHCN
đã biến Đông Nam Á trở thành một trong những điểm nóng trong quan hệ quốc
tế. Sự tranh giành ảnh hưởng của hai cường quốc Xô - Mỹ đã biến bán đảo Đông
Dương thành nơi mà hai bên đều muốn tỏ rõ sức mạnh quân sự của mình. Theo
đó, các nước Đông Nam Á cũng chia làm hai phe, tạo nên một mâu thuẫn lớn ngay
chính trong khu vực, thể hiện rõ sự chi phối giữa hai khối Đông - Tây trong quan
hệ quốc tế, ASEAN và Đông Dương là đại diện cho mâu thuẫn đó. Từ đó, quan
hệ Indonesia - Việt Nam cũng bị tác động và bước vào những thăng trầm đáng kể
(1964-1991).
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Bước khởi đầu: quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ (1964-1965)
Chính phủ Indonesia cùng với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quyết
định nâng mối quan hệ hai nước từ hàng Tổng lãnh sự lên cấp Đại sứ quán (10-8-
1964). Đây là việc làm của một người bạn tốt, thuỷ chung và thể hiện niềm tin sâu
111
Lê Thị Liên
sắc đối với Việt Nam trong lúc Việt Nam gặp cảnh khó khăn. Hơn nữa, Chính phủ
Indonesia cắt quan hệ ngoại giao với Chính quyền Sài Gòn cũng là sự thể hiện hết
lòng ủng hộ của Chính phủ Indonesia đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
của nhân dân Việt Nam. Sự ủng hộ này đã góp phần đưa mối quan hệ hai nước lên
tới đỉnh cao của tình đoàn kết trên mặt trận chống chủ nghĩa đế quốc thực dân vì
độc lập dân tộc. Năm 1965, nhiều tổ chức phụ nữ, thanh niên, sinh viên, công nhân
ở các nhà máy xí nghiệp kéo đến Lãnh sự quán Mỹ (Jakarta) để phản đối đế quốc
Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam [2].
Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất cảm kích khi nhận được sự đồng tình
ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Indonesia đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước. Càng xúc động hơn nữa khi Hội những nhà khoa học Indonesia cũng quan
tâm và bày tỏ quan điểm của mình là cực lực lên án mọi hình thức lạm dụng khoa
học mà bọn đế quốc Mỹ đã làm trong cuộc chiến tranh bẩn thỉu của chúng ở Việt
Nam và đòi Chính phủ Mỹ chấm dứt ngay hành động can thiệp đó [3].
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam lên tiếng ủng hộ Indonesia đấu tranh chống
lại sự can thiệp và lật đổ của nước ngoài, giải phóng Tây Irian, đồng thời “đập tan
Malaysia” tiến tới xây dựng đất nước. Để tỏ rõ thiện chí của Việt Nam trong buổi
đầu thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ, Chính phủ Việt Nam đã có chuyến
thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (4-1965), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ
Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đến Indonesia.
Tuy cuộc đảo chính ngày 30-9-1965 ở Indonesia bất thành nhưng đã đưa đến
thời kỳ “Trật tự mới” với sự nắm quyền của tướng Suharto với những thay đổi quan
trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại. Những thay đổi này đã tác động không
nhỏ và làm cho quan hệ Indonesia - Việt Nam trở nên trầm lắng trong gần một thập
kỷ sau đó.
2.2. Thời kỳ trầm lắng trong quan hệ hai nước (1966-1974)
Sau khi Tổng thống Suharto lên nắm chính quyền, Chính phủ và nhân dân
Việt Nam không còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Chính phủ Indonesia như
thời Tổng thống Sukarno nữa. Đây chính là “nốt trầm” chủ đạo của quan hệ hai
nước trong gần suốt thập kỷ đầu tiên của chế độ mới này (1966-1974).
Chính phủ Suharto hướng tới ủng hộ và muốn nối lại quan hệ ngoại giao với
Chính quyền Sài Gòn đã bị cắt đứt từ năm 1964, trục xuất những người ở Mặt trận
Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam đang làm nhiệm vụ ở Jakarta, giữ khoảng
cách nhất định với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (dẫn theo [4;135-136]).
Mặc dù có những hành động thiếu thiện chí đối với Việt Nam nhưng Chính phủ
Indonesia vẫn duy trì chính sách ngoại giao “độc lập” và “tích cực”, không lệ thuộc
vào bất cứ một quốc gia nào, do đó Indonesia là nước duy nhất trong ASEAN không
tiếp tay với đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Hơn thế nữa, một
bộ phận quan chức trong Chính phủ và nhân dân Indonesia, cũng bày tỏ sự cảm
thông cũng như công khai ủng hộ cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân
Việt Nam [4;130-150].
Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (27-1-1973), chiến tranh Việt Nam
112
Những bước thăng trầm trong quan hệ Indonesia - Việt Nam...
đi vào giai đoạn kết thúc, Indonesia là một trong những nước nằm trong Ủy ban
giám sát và kiểm soát quốc tế, tích cực ủng hộ việc Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam
Việt Nam. Phía Việt Nam cũng tỏ thiện chí với Indonesia, cử đại sứ Nguyễn Hoà
đến Jakarta nhận nhiệm vụ (9-1973) [1;108].
2.3. Quá trình cải thiện quan hệ (1975-1978)
Cuộc chiến ở Đông Dương kết thúc (1975) mở ra những cơ hội thuận lợi hơn
nữa cho việc phát triển quan hệ thân thiện và hợp tác giữa các nước trong khu vực
Đông Nam Á nói chung, giữa Indonesia và Việt Nam nói riêng.
Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam công bố chính sách bốn điểm là Việt
Nam sẵn sàng thiết lập và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác về mọi mặt với
tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á. Từ đây, mối quan hệ hữu nghị giữa
Indonesia và Việt Nam đã thật sự nồng ấm trở lại sau thời kỳ trầm lắng. Do vậy, các
cuộc thăm viếng lẫn nhau của các đoàn đại biểu giữa hai nước bắt đầu được tăng
cường hơn. Biểu hiện rõ nhất cho tình hữu nghị này là đặc phái viên của Thủ tướng
Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phan Hiền (7-1976), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Nguyễn Duy Trinh (cuối 1977 đầu 1978) dẫn đầu sang thăm các nước thành viên
ASEAN, trong đó có Indonesia. Có thể nói, đây là cuộc đối thoại trực tiếp giữa Việt
Nam với các nước ASEAN, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ giữa
các bên, việc nối lại tình hữu nghị nồng thắm giữa Indonesia và Việt Nam là điều
cần thiết. Đỉnh cao trong những nỗ lực của Việt Nam để phát triển quan hệ hữu
nghị hợp tác và thân thiện với các nước trong khu vực là chuyến thăm chính thức
của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Indonesia (9-1978).
Như vậy, chính sách ngoại giao và những hoạt động đối ngoại của Việt Nam
trong giai đoạn 1975-1978 đối với các thành viên ASEAN nói chung, Indonesia nói
riêng đã tạo ra bước chuyển biến tốt đẹp, bước sang xu thế cải thiện. Tuy nhiên, sự
cải thiện này chưa được bao lâu thì ở Đông Nam Á lại xuất hiện luồng gió ngược
chiều thổi tan đi những tình cảm tốt đẹp vừa mới tạo dựng xong, đó là “vấn đề
Campuchia” xuất hiện. Chính những điều này đã làm cho mối quan hệ giữa Việt
Nam với các nước ASEAN, trong đó có Indonesia bước vào giai đoạn thăng trầm
trở lại trong hơn một thập kỷ (1979-1991).
2.4. Những bước thăng trầm mới trong quan hệ Indonesia - Việt
Nam (1979-1991)
Trong suốt thời gian từ năm 1980 đến năm 1986, Indonesia - Việt Nam vẫn có
những đoàn thăm viếng qua lại lẫn nhau, chủ yếu là thăm dò động thái nhằm tiến
tới giải pháp tốt đẹp cho “vấn đề Campuchia”. Bước khởi đầu đánh dấu sự chuyển
biến tích cực trong quan hệ an ninh chính trị giữa Indonesia và Việt Nam, được biểu
hiện bằng các chuyến thăm của các cấp lãnh đạo hai nhà nước như Ngoại trưởng
Indonesia Mochtar đến Việt Nam (1982); tướng Murdani dẫn đầu đoàn sang thăm
Việt Nam (1984); Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch sang thăm
Indonesia vào năm 1980, 1982 và 1984. Mặc dù còn nhiều bất đồng về quan điểm
113
Lê Thị Liên
nhưng cuộc trao đổi giữa hai bên đã tiến hành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và
cùng nhau hợp tác để giải quyết ổn thoả vấn đề an ninh trong khu vực.
Năm 1985 đã đánh dấu sự chuyển biến tích cực hơn trong quan hệ giữa Việt
Nam và ASEAN nói chung, với Indonesia nói riêng. Một biểu hiện cho động thái
quan trọng này là tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 18 họp tại
Thái Lan (tháng 2-1985), các nước ASEAN đã nhất trí cử Indonesia làm đại diện,
“đối thoại” trực tiếp với Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam trong việc giải quyết
“vấn đề Campuchia”. Sự kiện này đã mở ra xu hướng đối thoại giữa hai nhóm nước
ASEAN và Đông Dương, thông qua vai trò hoà giải trung gian của Indonesia và
Việt Nam. Thêm một sự kiện nữa, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ba nước Đông
Dương (8-1985), Việt Nam bày tỏ thiện chí của mình bằng hành động đơn phương
rút quân tình nguyện ở Campuchia về nước và tuyên bố sẽ rút hết quân vào năm
1990, nếu có giải pháp sẽ rút sớm hơn. Hai sự kiện lịch sử đó cùng diễn ra vào năm
1985, điều này không chỉ có ý nghĩa đối với lợi ích của mối quan hệ Indonesia và
Việt Nam mà còn vì lợi ích đến an ninh khu vực. Cũng từ thời điểm đó, Indonesia
đã chủ động liên hệ riêng với Việt Nam để thảo luận “vấn đề Campuchia” và hai
nước đã có những biểu hiện tích cực bằng việc thông qua các cuộc gặp gỡ giữa lãnh
đạo hai bên. Với vai trò và trọng trách của mình, Indonesia tiếp tục kiên trì vận
động mở những cuộc hội đàm không chính thức với Việt Nam để giải quyết “vấn
đề Campuchia”. Trong quá trình Indonesia cùng với Việt Nam tìm cách hoà giải,
xoa dịu sự căng thẳng giữa hai nhóm nước, có thể ví hai nước là hai đầu dây kéo
hai nhóm nước ở Đông Nam Á xích lại gần nhau. Mặc dù cuộc đối thoại giữa hai
nhóm nước chưa đạt được một kết quả đáng kể nào do còn nghi ngờ, thiếu thông
cảm với nhau, song đã bớt căng thẳng hơn trước. Bắt đầu từ năm 1987, quan hệ
Indonesia và Việt Nam đã có những bước phát triển mới vượt xa so với quan hệ
giữa các nước ASEAN khác với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao
những đóng góp tích cực của Indonesia trong việc duy trì hoà bình an ninh ở khu
vực. Vào năm 1988, Indonesia đưa ra sáng kiến “tiệc rượu” để tạo điều kiện cho các
bên có liên quan ngồi vào bàn đàm phán giải quyết “ vấn đề Campuchia” theo xu
hướng hoà dịu. Kết quả là các cuộc Hội nghị không chính thức đã được tổ chức ở
Jakarta (Indonesia) như JIM-1 (7-1988); JIM-2 (2-1989) và IMC (2-1990), tạo diễn
đàn cho các nước ASEAN, Đông Dương trực tiếp đối thoại với nhau. Với vị trí của
mình, Indonesia tỏ ra là vai trò trụ cột trong việc giải quyết “vấn đề Campuchia”,
thông qua đó Indonesia cũng muốn nâng cao vị thế của mình hơn trong khu vực và
trên trường quốc tế.
Sự chia rẽ và hoài nghi về việc cải thiện quan hệ giữa hai nhóm nước ASEAN
và Đông Dương vẫn còn là nỗi ám ảnh và bao trùm các nước trong khu vực, do vậy
chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Suharto, vị nguyên thủ đầu tiên đại diện
cho các quốc gia ASEAN, đến Việt Nam vào tháng 11-1990 có một ý nghĩa đặc biệt
quan trọng. Có thể nói, đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống
Suharto kể từ khi ngài lên nhậm chức và là vị nguyên thủ đầu tiên của một nước
trong ASEAN đến thăm Việt Nam, cho nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong
quan hệ hai nước nói riêng, Việt Nam với ASEAN nói chung. Kết quả của chuyến
thăm này đã mở ra giai đoạn mới trong quan hệ Indonesia và Việt Nam, góp phần
114
Những bước thăng trầm trong quan hệ Indonesia - Việt Nam...
đẩy lùi một bước quan trọng chính sách bao vây cô lập Việt Nam, quan hệ của Việt
Nam với các nước khác, đồng thời vị thế của Indonesia cũng được nâng cao trên
trường quốc tế.
Như vậy, trải qua nhiều bước thăng trầm đáng kể trong quan hệ giữa các quốc
gia trong khu vực, cùng với sự kết thúc Chiến tranh lạnh, Hiệp định hoà bình về
Campuchia được ký kết (tháng 10-1991). Sự kiện này đánh dấu sự chấm dứt khủng
hoảng ở Campuchia, sự chia rẽ nội bộ, đối đầu giữa hai nhóm nước trong khu vực,
đồng thời mở ra thời kỳ mới, hợp tác và phát triển các quốc gia Đông Nam Á.
3. Kết luận
Quan hệ giữa Indonesia và Việt Nam (1964-1991) là mối quan hệ hữu nghị,
trải qua những bước thăng trầm đáng kể trong lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước.
Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại giữa Việt Nam và Indonesia cũng như các nước
ASEAN đã dần dần được giải quyết có hiệu quả bằng thái độ thiện chí và hiểu biết
lẫn nhau, trong đó Indonesia và Việt Nam đóng vai trò là chiếc cầu nối cho hai
nhóm nước trong khu vực đến với nhau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Hoàng An, 2004. Nền ngoại giao Indonesia (đề tài nghiên cứu). Jakarta,
Indonesia.
[2] Phòng Lưu trữ, Bộ Ngoại giao Việt Nam, 1964. Nâng quan hệ ngoại giao Việt
Nam - Indonesia lên hàng Đại sứ. Phông Á châu III, Hồ sơ số 127, Hà Nội.
[3] Phòng Lưu trữ, Bộ Ngoại giao Việt Nam, 1965. Việt Nam - Indonesia ủng hộ
lẫn nhau. Phông Á châu III, Hồ sơ số 131, Hà Nội.
[4] Franklin B. Weinstein, 1976. Indonesian foreign policy and the dilemma of inde-
pendence from Sukarno to Soeharto. Cornell University Press, Ithaca and London.
ABSTRACT
Rise and fall in Indonesia - Vietnam relations
on political and secure areas (1964-2010)
Indonesia and Vietnam have enjoyed close neighbour relationships, experi-
enced the considerable rise and fall in political and secure areas, for the long period
of diplomatic history between the two countries. However, in the most difficult times,
Indonesia still kept the relationship with Viet Nam, especially in the Cold War pe-
riod. This built up the trust in Indonesia and in contrast, Indonesia’s complete
trust in Vietnam assisting with the solutions of the “Cambodian problem”. Solving
the “Cambodian problem” is a good condition for the cooperation between the two
countries and increases the Indonesia’s position in the world.
115