Lịch sử quốc gia với thế mạnh riêng của mình: sở hữu trên 200.000 hiện vật,
tư liệu bao gồm nhiều bộ sưu tập hiện vật phong phú; đa dạng, nhiều chất
liệu, quý hiếm; là bảo tàng giới thiệu toàn diện đầy đủ tiến trình lịch sử Việt
Nam từ thời Tiền sử đến ngày nay. Bảo tàng có đội ngũ cán bộ viên chức được
đào tạo theo đúng chuyên môn; có nhiều chuyên gia giỏi về nhiều lĩnh vực
chuyên ngành như: nghiên cứu khoa học, khảo cổ học, bảo quản, phục chế
hiện vật, trưng bày. Để tìm hướng phát triển mới và nỗ lực phấn đấu khẳng
định vai trò một bảo tàng đầu hệ, một trong những cố gắng của BTLSQG là
đổi mới công tác trưng bày trong bảo tàng.
12 trang |
Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1684 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những đổi mới trong hoạt động trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thời gian gần đây, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Những đổi mới trong hoạt động trưng bày của Bảo tàng
Lịch sử Quốc gia thời gian gần đây.
Lịch sử quốc gia với thế mạnh riêng của mình: sở hữu trên 200.000 hiện vật,
tư liệu bao gồm nhiều bộ sưu tập hiện vật phong phú; đa dạng, nhiều chất
liệu, quý hiếm; là bảo tàng giới thiệu toàn diện đầy đủ tiến trình lịch sử Việt
Nam từ thời Tiền sử đến ngày nay. Bảo tàng có đội ngũ cán bộ viên chức được
đào tạo theo đúng chuyên môn; có nhiều chuyên gia giỏi về nhiều lĩnh vực
chuyên ngành như: nghiên cứu khoa học, khảo cổ học, bảo quản, phục chế
hiện vật, trưng bày... Để tìm hướng phát triển mới và nỗ lực phấn đấu khẳng
định vai trò một bảo tàng đầu hệ, một trong những cố gắng của BTLSQG là
đổi mới công tác trưng bày trong bảo tàng.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam giới thiệu và trưng bày
toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử cho đến nay. Trưng bày của Bảo
tàng Lịch sử Quốc gia được thể hiện theo phương pháp biên niên sử kết hợp với
các trưng bày chuyên đề theo sưu tập. Những năm gần đây, để thu hút công chúng,
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có nhiều đổi mới trong hoạt động trưng bày, cách tổ
chức các hoạt động trưng bày cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, hoạt động
giáo dục công chúng. Công tác trưng bày là một hoạt động quan trọng hàng đầu,
được coi như bộ mặt của một bảo tàng. Do vậy đổi mới công tác trưng bày ở bảo
tàng chính là làm cho diện mạo của bảo tàng đó thay đổi, khởi sắc, tạo ra sức hấp
dẫn mới với công chúng.
Một góc không gian trưng bày ngoài trời của BTLSQG.
Về hệ thống trưng bày cố định: trước đây, với 2 cơ sở trưng bày tại số 1 Tràng
Tiền và 216 Trần Quang Khải, không thể không nhận thấy sự bất cập giữa cơ sở
vật chất và ý tưởng trưng bày của bảo tàng. Cơ sở 216 Trần Quang Khải ngày một
xuống cấp, thiếu những điều kiện cần thiết để trưng bày và không thể mở rộng
thêm. Phương tiện, thiết bị trưng bày: tủ, kệ, bục bệ, hệ thống ánh sáng đã bị lạc
hậu. Còn nhiều hiện vật và các bộ sưu tập hiện vật quý vẫn cất trong kho hiện vật
vì không có đủ diện tích cũng như các điều kiện cần thiết để trưng bày. Mặt khác,
nội dung trưng bày của cả hai khu vực này chủ yếu tập trung vào lịch sử chống
xâm lược và đấu tranh cách mạng, chưa phản ánh và thể hiện toàn diện tiến trình
lịch sử, đặc biệt giai đoạn lịch sử cận hiện đại cũng như các lĩnh vực kinh tế, văn
hóa xã hội khác. Hơn nữa, hai khu vực này diện tích chật hẹp (khoảng hơn 1 ha).
Không gian trưng bày bị đóng khung cố định, hẹp và cũ, không thể mở rộng; muốn
bổ sung các sưu tập, trưng bày chuyên đề thường không đủ diện tích để thực hiện.
Một cái khó nữa là về phương pháp trưng bày: nếu trưng bày theo biên niên sử mà
không chú ý tạo ra các điểm nhấn để hấp dẫn du khách thì với tiến trình lịch sử rất
dài, kiến thức rộng, hiện vật nhiều; người xem dễ bị choáng ngợp, mất hứng thú.
Đây là bài toán khó đặt ra đối với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trong khi nhu cầu thể
hiện trưng bày của bảo tàng còn bất cập thì nhu cầu tham quan, học tập, nghiên
cứu, tìm hiểu và trải nghiệm của công chúng đòi hỏi ngày một cao. Do vậy đổi mới
trưng bày và hoạt động trưng bày để thu hút khách trở nên một yêu cầu cấp thiết
hơn bao giờ.
Phòng trưng bày văn hóa Óc Eo hấp dẫn hơn nhờ sử dụng các kỹ thuật ánh sáng
hiện đại.
Từ năm 1998 đến 2003, đặc biệt là mấy năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia
đã tiến hành nhiều đợt chỉnh lý nâng cấp toàn bộ hệ thống trưng bày; đồng thời cải
tạo, xây dựng khu trưng bày ngoài trời với quy mô lớn.
Đối với không gian trưng bày ngoài trời: Tại khuôn viên số1-Tràng Tiền cho bổ
sung trưng bày hàng trăm hiện vật quý, gồm hai khu trưng bày Đại Việt (có 66
hiện vật gốc, 12 hiện vật phục chế); khu trưng bày Chăm Pa (có 13 hiện vật gốc, 1
hiện vật thể khối). Toàn bộ không gian trưng bày này được bố trí xen kẽ giữa hiện
vật với nhiều cây xanh, cây cảnh đẹp. Với chương trình đổi mới đó, đến nay du
khách đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã được thưởng ngoạn một không gian
trưng bày ngoài trời tuy nhỏ nhưng khá đẹp, hấp dẫn, có nhiều hiện vật quý và cây
cảnh đẹp được bổ sung.
Để từng bước giải quyết vấn đề khó khăn, bất cập ở 2 cơ sở trưng bày thường
xuyên(số 1- Tràng Tiền và 216 -Trần Quang Khải); Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã
tiến hành nâng cấp, chỉnh lý, bổ sung hiện vật ở cả hai hệ thống trưng bày này cho
hợp lý hơn. Việc đổi mới này được tiến hành toàn diện từ: đổi mới nội dung trưng
bày, hình thức trưng bày đến phương pháp trưng bày. Trước đây nội dung giữ nước
thường được ưu tiên thể hiện nổi bật, thì Bảo tàng đã chỉnh lý lại, bổ sung thêm
nhiều hiện vật phần lịch sử dựng nước và lịch sử cận hiện đại. Về hình thức trưng
bày, trước đây, các phòng trưng bày đươc bố trí theo chiều ngang tòa nhà, tuyến
tham quan chưa khoa học. Bảo tàng đã sắp xếp lại bố cục mặt bằng, xác lập tuyến
tham quan theo chiều dọc. Sự thay đổi này đã tạo ra cho hệ thống trưng bày của
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia một diện mạo mới, hấp dẫn hơn. Đội ngũ Hướng dẫn
viên được nâng cao kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ bảo tàng. Hệ thống chú
thích, bảng chỉ dẫn, băng đĩa ghi âm, ghi hình, các tài liệu viết, các bản đồ, sơ đồ...
đã được bổ sung đầu tư, chỉnh trang hoặc làm mới. Hệ thống nghe nhìn, hệ thống
thuyết minh tự động tiếng Việt, tiếng Anh đang được đầu tư và sẽ đưa vào sử dụng
cuối năm 2013 Các tủ trưng bày được bố trí sắp xếp lại hiện vật; không để quá
nhiều hiện vật như trước dễ tạo cho du khách cảm giác rối, thiếu tập trung; đồng
thời tăng cường bố trí ánh sáng để làm nổi bật hiện vật. Mặt khác, trong trưng bày,
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tìm cách khai thác tạo ra các điểm nhấn. (Ví dụ như
trưng bày về văn hóa Đông Sơn, điểm nhấn chính là bộ sưu tập về trống đồng
Đông Sơn. Du khách nếu có nhu cầu tìm hiểu về bộ trống đồng này hoặc về văn
hóa Đông Sơn, có thể dành thời gian từ một giờ đến nửa ngày để tìm hiểu thêm với
sự giúp đỡ của hướng dẫn viên).
Phòng trưng bày văn hóa Đông Sơn với điểm nhấn là bộ sưu tập trống đồng Đông
Sơn.
Một điểm mới nữa: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không chỉ chỉnh lý, sắp xếp hiện
vật mà còn bổ sung thêm thông tin về hiện vật, hoặc sự kiện lịch sử trên các
phương tiện hiện đại và dễ sử dụng như màn hình cảm ứng, phim video tư liệu, hệ
thống thuyết minh tự động. (Ví dụ như trong phần trưng bày giới thiệu về cố đô
Huế). Việc đổi mới này không chỉ làm phong phú thêm câu chuyện về các hiện vật
(hoặc sự kiện lịch sử) mà còn giúp cho các khách tham quan lẻ, dù không có hướng
dẫn viên vẫn có thể hiểu được nội dung trưng bày.
Trưng bày chuyên đề Báu vật Hoàng cung.
Đồng thời với các hoạt động nâng cấp, chỉnh lý, bổ sung hiện vật trên 2 hệ thống
trưng bày cố định, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đặc biệt chú ý tăng cường tổ chức
trưng bày chuyên đề, giới thiệu các bộ sưu tập. Trưng bày chuyên đề giữ vai trò rất
quan trọng trong mỗi bảo tàng. Có thể coi đó là một trong những hoạt động then
chốt của bảo tàng. Nếu như hệ thống trưng bày thường xuyên chỉ có thể giới thiệu
giai đoạn (sự kiện) lịch sử một cách khái quát bằng những hiện vật (hoặc bộ sưu
tập hiện vật được chọn lọc rất kỹ vì không gian chật hẹp) thì các trưng bày chuyên
đề, sẽ là dịp để bảo tàng có thể khai thác một hoặc nhiều khía cạnh chuyên sâu nào
đó mà hệ thống trưng bày thường xuyên chưa có đủ các điều kiện để chuyển tải.
Về điểm này, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có khá nhiều lợi thế vì trước đây đã từng
trưng bày các chuyên đề nhằm giới thiệu những sưu tập cổ vật đặc sắc quý hiếm,
những vấn đề lịch sử - văn hóa chuyên sâu, những sự kiện lịch sử nhân ngày lễ lớn
mà hệ thống trưng bày cố định chưa thể hiện một cách toàn diện sâu sắc. Kết quả
những trưng bày chuyên đề đó đã góp phần làm cho bảo tàng luôn luôn có được sự
đổi mới, sống động, hấp dẫn.
Những năm gần đây, khoảng hai chục cuộc trưng bày chuyên đề trong và ngoài
nước mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thực hiện đã gây được tiếng vang lớn. Nhất là
những cuộc trưng bày tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Indonexia, Bỉ
và đặc biệt tại Trung Quốc. Cùng với trưng bày là việc giới thiệu các ấn phẩm của
bảo tàng như:Cổ vật Việt Nam, Báu vật phương Đông, Trống đồng Việt Nam,... đã
thu hút hàng vạn lượt du khách các nước. Ở trong nước, có các cuộc trưng bày
chuyên đề lớn như:Kho báu từ 5 con tàu cổ dưới đáy biển Việt Nam; Báu vật
Hoàng Cung (nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội); Di sản văn hóa biển;
Văn hóa Trầu cau Việt Nam; Đèn cổ Việt Nam; Di sản văn hóa Phật giáo Việt
Nam; Trang sức cổ Việt Nam...
Khai mạc Trưng bày chuyên đề Đèn cổ Việt Nam và công bố Bảo vật Quốc gia của
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Mỗi cuộc trưng bày như thế, ngoài việc giới thiệu các bộ sưu tập gốc, quý hiếm,
những hiện vật độc bản, đặc biệt là bảo vật quốc gia của mình, Bảo tàng Lịch sử
Quốc gia còn liên kết với các Bảo tàng trong nước, các nhà sưu tập tư nhân trưng
bày hiện vật rất phong phú và sinh động theo các chủ đề đã được lựa chọn. Trong
các trưng bày thường xuyên cũng như trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Lịch sử Quốc
gia đã sử dụng phương pháp: coi trọng yếu tố mỹ thuật và áp dụng các kỹ thuật,
công nghệ tiên tiến để trưng bày, giới thiệu hiện vật và các câu chuyện về hiện vật
một cách sinh động và hấp dẫn. Hiện vật gốc là chủ đạo, là linh hồn của việc trưng
bày nhưng được kết hợp với các tài liệu khoa học hỗ trợ và ảnh tư liệu, đặc biệt là
việc kết hợp ứng dụng các thiết bị, công nghệ trưng bày: màn hình cảm ứng, video...
để hỗ trợ trưng bày có hiệu quả. Những phương tiện và công cụ này, nhất là màn hình
cảm ứng giúp cho du khách có cảm nhận tốt hơn, đầy đủ, chi tiết hơn về hiện vật, nội
dung và chủ đề trưng bày. Trong cuộc trưng bày chuyên đề Văn hóa trầu cau Việt Nam,
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã mời nghệ nhân trình diễn nghệ thuật têm trầu cau và biểu
diễn hát quan họ, một sinh hoạt văn hóa có nhiều gắn bó với văn hóa trầu cau. Việc trình
diễn đó đã tạo ra nét mới trong trưng bày chuyên đề và được công chúng đón nhận thích
thú. Tuy nhiên, những mạnh dạn cách tân trong hoạt động trưng bày chuyên đề như thế,
chúng ta cần phải làm nhiều hơn, tốt hơn thế nữa để duy trì đươc lượng khách tham quan
thường xuyên với các trưng bày chuyên đề.
Đặc biệt, để đông đảo công chúng được hưởng thụ những giá trị văn hóa của mỗi trưng
bày chuyên đề thường chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
đã phát huy kết quả các trưng bày chuyên đề này không chỉ qua các chương trình giáo
dục, hướng dẫn,đẩy mạnh quảng bá, truyền thông khi trưng bày diễn ra mà còn in ấn
nhiều tài liệu, ấn phẩm để lưu giữ và phát huy lâu dài các trưng bày chuyên đề
này. Những hoạt động này đều hỗ trợ tích cực cho mỗi cuộc trưng bày chuyên
đề. Đặc biệt, hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã bước đầu thể nghiệm và ứng dụng
thành công công nghệ bảo tàng ảo 3D để lưu lại các trưng bày chuyên đề và giới thiệu
trên website Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Trước mắt bảo tàng đã thực hiện hoàn thiện
2 trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Phật giáo Việt Namvà trưng bày chuyên
đề Đèn cổ Việt Nam; giới thiệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Với việc sử dụng
công nghệ 3D tiên tiến, sẽ giúp người xem cảm nhận tốt hơn về hiện vật, tư liệu
liên quan. Hệ thống thanh điều hướng với chế độ tự động có thể dẫn khách sang
phải, sang trái, nhìn và nghe âm thanh một cách dễ dàng.
Hát quan họ trong Trưng bày chuyên đề Văn hóa trầu cau Việt Nam.
Tuy nhiên, việc trưng bày của một Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có nội dung xuyên suốt
theo tiến trình lịch sử từ thời Tiền sử đến ngày nay, mà bị phân chia ở hai cơ sở tách rời
nhau (số 1 Tràng Tiền và 216 Trần Quang Khải), thì quả là bất cập và không tiện cho du
khách đến tham quan. Chính vì thế, Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử
Quốc gia mới đã được Chính phủ phê duyệt và đang tiến hành thực hiện.
Trưng bày chuyên đề Trang sức cổ Việt Nam.
Tất cả những nỗ lực đổi mới công tác trưng bày trên đây của Bảo tàng Lịch sử Quố
không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu thu hút khách tham quan hiện tại mà còn là sự
tập dượt, là bước chuẩn bị vững chắc để chờ đón nhận một cơ hội lớn, một trọng
trách lớn hơn khi công trình xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới tại khu đô thị
Tây Hồ Tây- Hà Nội được xây dựng và đưa vào sử dụng. Dự án này, hàng chục
năm nay, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đã có sự tính toán và chuẩn bị rất
kỹ lưỡng cho công trình. Giờ đây mong ước của ngành bảo tàng Việt Nam nói
chung cũng như của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và đông đảo nhân dân cả nước nói
chung là công trình sẽ sớm được khởi công xây dựng. Bởi vì chỉ khi có một Bảo
tàng Lịch sử quốc gia khang trang, rộng lớn, được kết cấu liên hoàn và hết sức
khoa học từ thiết kế công trình đến nội dung và hình thức trưng bày bên trong bảo
tàng, mới tương xứng với tầm vóc lịch sử của dân tộc và vị thế của đất nước ta
hiện nay trên con đường hội nhập và phát triển. Du khách nếu không có điều kiện
đi khắp Việt Nam chỉ cần đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ hiểu được đầy đủ lịch
sử và văn hóa của Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hình ảnh thu nhỏ của đất
nước Việt Nam có những nền văn hóa phát triển rực rỡ đầy sáng tạo từ thời Tiền sử
đến nay; một dân tộc vừa anh dũng, mưu lược, kỳ tài trong đấu tranh chống giặc
ngoại xâm; vừa thân thiện, dễ mến, cần cù, năng động, sáng tạo trong công cuộc
xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Một công trình văn hóa như thế
sẽ là niềm tự hào của người Việt Nam hôm nay và mai sau như ý kiến của một du
khách trẻ đã viết trong sổ cảm tưởng sau khi đi thăm Bảo tàng Lịch sử quốc gia: “
Rất tự hào và hãnh diện là con dân của nước Việt Nam”