Những rủi ro từ việc nhận thế chấp bất động sản và giải pháp phòng ngừa trong hệ thống ngân hàng Việt Nam

Bất động sản là gì? Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, Bất động sản (BĐS) là các tài sản bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; Các tài sản khác gắn liền với đất đai; Các tài sản khác do pháp luật quy định.

doc11 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 1642 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những rủi ro từ việc nhận thế chấp bất động sản và giải pháp phòng ngừa trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NHỮNG RỦI RO TỪ VIỆC NHẬN THẾ CHẤP BẤT ĐỘNG SẢN VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM Posted on 08/09/2009 by civillawinfor LÊ DUY KHÁNH Bất động sản là gì? Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, Bất động sản (BĐS) là các tài sản bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; Các tài sản khác gắn liền với đất đai; Các tài sản khác do pháp luật quy định. Tại sao các ngân hàng xem BĐS là ưu tiên hàng đầu khi nhận tài sản thế chấp? Về mặt lý thuyết, khi quyết định cho vay thì tình hình hoạt động kinh doanh tạo ra nguồn trả nợ của khách hàng mới là điều kiện quan trọng nhất. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều ưu tiên cấp tín dụng có tài sản thế chấp, xem đó như là chiếc phao cuối cùng để thu hồi khoản vay trong trường hợp xảy ra khả năng vỡ nợ. Tại hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về giao dịch đảm bảo nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tín dụng tại Việt Nam” ngày 27/6/2007, Công ty Tài chính Quốc tế và Hiệp hội Ngân hàng đã công bố khảo sát về tình hình hoạt động cho vay cho thấy có đến 93% các ngân hàng muốn nhận BĐS làm tài sản thế chấp cho các khoản vay thương mại. Còn theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì năm 2008, dư nợ BĐS ở mức hơn 9% tổng dư nợ, song giá trị BĐS thế chấp lên đến 50% tổng tài sản ngân hàng, tức bằng GDP của Việt Nam. Những số liệu này cho thấy, hệ thống ngân hàng vẫn xem BĐS là ưu tiên hàng đầu khi nhận tài sản thế chấp. Rủi ro của hoạt động tín dụng chủ yếu xuất phát từ vấn đề thông tin bất cân xứng với hai hành vi phổ biến là lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức. Lựa chọn đối nghịch xảy ra trước khi cho vay, do ít thông tin mà ngân hàng có thể sai lầm trong việc lựa chọn khách hàng và dẫn đến những rủi ro trong thanh toán sau này. Rủi ro đạo đức xảy ra sau khi cho vay, cũng vì ít thông tin và khả năng kiểm soát quá trình sử dụng vốn, tình hình hoạt động kinh doanh, nguồn trả nợ… gặp khó khăn mà một lần nữa, ngân hàng lại gặp phải những khó khăn trong việc thu hồi nợ. Chính vì vậy mà khi cho vay, vấn đề đầu tiên các ngân hàng xem xét là tài sản và giá trị tài sản thế chấp. Các ngân hàng ưu tiên nhận BĐS làm tài sản thế chấp xuất phát từ những đặc điểm sau: - Nhờ tính cố định mà khi nhận BĐS làm tài sản thế chấp, các ngân hàng dễ dàng thực hiện quá trình xác định, định giá, giám sát trong và sau cho vay; cũng không tốn thêm các chi phí liên quan đến việc quản lý tài sản. - Tính thanh khoản và khả năng xử lý tài sản thế chấp là BĐS khi khách hàng không trả được nợ vẫn cao hơn nhiều tài sản khác nhờ tính khan kiếm và sự phát triển của thị trường BĐS. - BĐS là những tài sản ít hao mòn. Trong khi các tài sản khác, giá trị và giá trị sử dụng thường giảm, có thể giảm rất nhanh theo thời gian, thậm chí, giá trị của tài sản có thể giảm từ 10% đến 20% ngay sau khi nhận thế chấp như xe cộ, máy móc thiết bị. - Giá chuyển nhượng BĐS trong thực tế chứng minh luôn tăng trong dài hạn do đặc tính khan hiếm, mặc dù, trong ngắn hạn dưới sự tác động của khủng hoảng nhà đất, chu kỳ kinh tế, các qui định của chính quyền hoặc những nguyên nhân khác có thể sụt giảm ở một số khu vực, một số phân khúc thị trường. - BĐS là một trong số những tài sản có các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu/sử dụng rõ ràng nhất, nhờ đó mà việc xác nhận chủ sở hữu/sử dụng tương đối dễ dàng. Bất kỳ một sự thay đổi như mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng theo qui định đều phải qua công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm. Hệ thống pháp luật liên quan đến việc xác nhận quyền sở hữu, sử dụng, giao dịch dù còn nhiều bất cập song vẫn được đánh giá là khá đầy đủ so với các qui định trong các lĩnh vực khác. Những rủi ro của ngân hàng trong hoạt động tín dụng BĐS Mặc dù BĐS thật sự có những ưu điểm so với những tài sản khác trong việc nhận thế chấp đối với ngân hàng, song việc nhận thế chấp này vẫn chứa đựng nhiều rủi ro. Rủi ro kỳ hạn Cho vay đầu tư BĐS là những khoản cho vay trung, dài hạn và kỳ hạn điều chỉnh lãi suất thường từ 6 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, phần lớn nguồn vốn huy động của các ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn và lãi suất khá linh hoạt theo thị trường. Sự chênh lệch về kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay là vấn đề nan giải nhất mà các ngân hàng phải tính toán và cân đối trong cho vay BĐS. Rủi ro được đẩy lên cao, khi trong đợt sốt BĐS vừa qua (2007 – đầu 2008), các ngân hàng cho vay đầu cơ BĐS kỳ hạn 12 tháng với nguồn trả nợ từ việc bán chính BĐS hình thành từ vốn vay đồng thời là tài sản bảo đảm. Trong thời gian đầu, giao dịch nhà đất diễn ra sôi động, khách hàng thanh toán đúng hạn đã khiến nhiều ngân hàng mạnh tay thực hiện hình thức này, tuy vậy khi chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng và khuyến cáo từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hạn chế cho vay BĐS, thị trường đóng băng và nợ quá hạn, nợ xấu tăng nhanh ở nhiều ngân hàng. Rủi ro từ năng lực thẩm định và xét duyệt khoản vay Việc giành giật nhân sự trong thời kỳ mở rộng đã tạo điều kiện cho một bộ phận đông đảo nhân sự gia nhập ngành Ngân hàng, trong đó nhiều nhân sự chưa có kinh nghiệm và không đúng chuyên môn được đào tạo. Sau thời gian thử việc ngắn ngủi, họ được giao công tác thẩm định (có ngân hàng còn phải kiêm luôn việc định giá tài sản) đã dẫn đến những khoản vay chứa đựng nhiều rủi ro. Ở Việt Nam, ngành Ngân hàng vẫn còn non trẻ, lao động trong ngành càng ít kinh nghiệm. Tuy vậy, một nhân viên vào làm việc ở ngân hàng nếu không giao cho họ một chức vụ “quan trọng” nào đó sau 2-3 năm làm việc thì có thể họ sẽ “nhảy việc”. Còn non kém kinh nghiệm nhưng được giao những trọng trách lớn, đặc biệt là quyết định cho vay đã dẫn đến những rủi ro khó lường. Những dự án BĐS thường có mức vốn đầu tư lớn mà việc thẩm định đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao, yêu cầu cán bộ tín dụng (CBTD) phải nắm vững các qui định pháp lý, hành chính, định mức xây dựng, đơn giá vật liệu, dòng tiền và nhiều những vấn đề khác liên quan đến dự án. Điều này phần lớn vượt quá khả năng, kinh nghiệm và năng lực giám sát của CBTD, những người có vai trò quyết định khoản vay trong ngân hàng. Các ngân hàng hiện nay đều giao chỉ tiêu hoạt động nói chung và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nói riêng kèm theo những qui định về xếp loại cá nhân, xếp loại đơn vị và những khoản thưởng. Những lợi ích nhận được trong ngắn hạn là “động lực” để lãnh đạo và nhân viên tại các đơn vị lách qui định, thực hiện những khoản cho vay chứa đựng rủi ro trong dài hạn. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân có trách nhiệm trong việc ra quyết định cho vay đã xem thường rủi ro, bất chấp hậu quả vì tin vào khả năng “nhảy việc” dễ dàng. Rủi ro từ công tác tổ chức và thực hiện kiểm soát qui trình cấp tín dụng Tất cả các ngân hàng đều xây dựng qui trình cấp tín dụng từ Hội sở, Sở giao dịch đến Chi nhánh, Phòng giao dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện qui trình này còn nhiều vấn đề: - Hội đồng tín dụng phần lớn hoạt động không đúng vai trò. Theo phân cấp thẩm quyền phê duyệt, những hồ sơ vượt mức phán quyết của Tổng Giám đốc sẽ phải trình Hội đồng tín dụng, song Tổng Giám đốc có thể là người giữ chức Chủ tịch Hội đồng nên việc có thêm Hội đồng chỉ là chia sẻ trách nhiệm, không có tác dụng phòng ngừa rủi ro. - Các qui chế cho vay đều yêu cầu khách hàng vay vốn phải có vốn đối ứng (thường khoảng 30% tổng vốn đầu tư), tuy nhiên, không khó để lách qui định này nếu khách hàng tăng chi phí dự toán. Vấn đề thẩm định chính xác vốn đầu tư dự án là cực kỳ khó khăn dẫn đến nhiều trường hợp ngân hàng cấp vốn vượt nhu cầu của phương án và được bên vay sử dụng vào những mục đích không thể kiểm soát. Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc NHNN về phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng yêu cầu trong vòng 3 năm, các ngân hàng phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để hỗ trợ cho việc phân loại nợ, quản lý chất lượng tín dụng phù hợp với phạm vi hoạt động, tình hình thực tế của ngân hàng. Rõ ràng, không một ngân hàng Việt Nam nào có kinh nghiệm trong vấn đề này. Vì vậy, chúng ta có hơn 40 ngân hàng thương mại nhưng chỉ có 02 ngân hàng đã xây dựng và áp dụng thành công qui trình xếp hạng tín dụng nội bộ với sự tư vấn của các tổ chức quốc tế, hầu hết, các ngân hàng khác chỉ sao chép và điều chỉnh một số chỉ tiêu để áp dụng tại ngân hàng mình mà không giải thích được cơ sở xây dựng và tính khoa học của qui trình này. Nhiều chỉ tiêu định tính được đưa vào bảng xếp hạng tín dụng với độ rộng thang điểm rất cao, từ đó, việc xếp hạng tín dụng khách hàng từ rủi ro cao thành rủi ro trung bình để cho vay là một “thủ thuật” đơn giản. Nhiều ngân hàng chưa có phòng quản lý rủi ro tín dụng, chưa tách biệt chức năng giữa định giá tài sản và thẩm định tín dụng. Phòng kiểm soát nội bộ chỉ kiểm tra hồ sơ sau cho vay và không có chức năng ngăn ngừa, khuyến cáo rủi ro trong toàn hệ thống. Hoạt động của Ban kiểm soát chưa đạt hiệu quả kỳ vọng. Rủi ro từ năng lực cạnh tranh và những vấn đề nội tại của các ngân hàng Nhiều ngân hàng nhỏ, yếu năng lực cạnh tranh buộc phải xem việc định giá tài sản thế chấp cao, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thẩm định, cho vay là phương thức cạnh tranh. Việc thẩm định trở nên sơ sài, chiếu lệ, định giá tài sản theo giá thị trường. Hậu quả là, chỉ cần khách hàng chậm trả lãi 1-2 tháng hoặc giá BĐS giảm từ 5-10% thì giá trị thực của tài sản không còn bảo đảm đủ cho khoản vay. Khi nợ quá hạn xảy ra, các ngân hàng lại tìm cách đảo nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, chuyển nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro sai qui định khiến khả năng thu hồi càng khó khăn, kéo dài. Để tránh trình trạng người thân và các thành viên của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban điều hành và các cổ đông lớn của ngân hàng chi phối hoạt động tín dụng theo hướng sử dụng vốn của ngân hàng vào mục đích riêng, Điều 77 và 78 Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997; Điều 19 và 20 của Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc NHNN đã có những qui định những trường hợp không được cho vay và hạn chế cho vay. Tuy nhiên, thực tế các qui định này hoàn toàn không có tác dụng. Các đối tượng trên hoàn toàn có thể chi phối nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng, thậm chí lập ra Hội đồng sáng lập để hợp thức hoạt động này. Lợi nhuận trước mắt từ hoạt động cho vay BĐS dưới áp lực của cổ đông đã khiến Ban điều hành của nhiều ngân hàng tin vào khả năng thu hồi từ cho vay đầu cơ BĐS. Ở mức độ nào đó, các ngân hàng đều nhận thức được rủi ro của đầu cơ, đặc biệt khi chứng kiến chu kỳ tăng, giảm của giá BĐS ngày càng dồn dập, tuy nhiên hầu hết các ngân hàng nhỏ không có nhiều sự lựa chọn trong việc đa dạng hóa danh mục cho vay. Cho vay BĐS vẫn là kênh nhanh nhất để để tăng dư nợ hiện nay. Rủi ro từ sự yếu kém của hạ tầng thông tin tín dụng Thông tin bất cân xứng trong hoạt động tín dụng là rất lớn. Khi xem xét cho vay đối với một khách hàng mới, ngân hàng hầu như không có những thông tin đủ độ tin cậy để ra quyết định. Trong công tác thẩm định thì những mối quan hệ với láng giềng, với đối tác… là những thông tin quan trọng, tuy nhiên, việc CBTD từ địa bàn này đến địa bàn khác xét vay, với cách sống biệt lập của người dân thành phố, ngân hàng không có thêm bất kỳ thông tin nào ngoài thông tin từ chính khách hàng vay. Nguồn duy nhất mà các ngân hàng có thể khai thác thông tin tín dụng hiện nay là Trung tâm Thông tin Tín dụng của NHNN (CIC). Tại đây, các ngân hàng có thể hỏi tin về tình hình tài chính, tài sản bảo đảm, quan hệ tín dụng, xếp hạng tín dụng. Tuy nhiên, chất lượng thông tin không đáp ứng được yêu cầu, đã có nhiều khách hàng phàn nàn với ngân hàng rằng thông tin CIC của họ vẫn còn dư nợ mặc dù khoản vay đã tất toán từ lâu. Từ đó có thể thấy thông tin chưa theo được thực tế, đặc biệt là thông tin về tài chính của khách hàng. Bên cạnh đó, liệu thông tin xếp hạng tín dụng doanh nghiệp của CIC có đáng tin cậy khi các ngân hàng không biết CIC đã dựa trên tiêu chuẩn nào để xếp hạng và liệu xếp hạng đó có phù hợp với xếp hạng tín dụng tại mỗi ngân hàng hay không? Rủi ro từ tính chu kỳ của nền kinh tế và những quyết định, thủ tục của cơ quan nhà nước Thực tế chu kỳ kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với sự biến động giá BĐS. Trong thời kỳ hưng thịnh, sản xuất và tiêu dùng đều mở rộng, nguồn cung tiền dồi dào và giá BĐS leo thang, các ngân hàng cũng mở rộng tín dụng BĐS. Ngược lại khi nền kinh tế phát triển quá nóng, NHNN thực hiện thắt chặt tiền tệ thì BĐS là thị trường đầu tiên bị ảnh hưởng, giá BĐS sụt giảm, tính thanh khoản hạn chế và khả năng trả nợ của các khoản vay gặp khó khăn, đặc biệt là các khoản vay đầu cơ BĐS. Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay xuất phát từ việc cho vay dưới chuẩn của thị trường Mỹ, khi các ngân hàng rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần, phá sản và ngưng các khoản cho vay BĐS, thị trường nhà đất rơi vào cảnh đóng băng. Ở Việt Nam, từ cuối tháng 01/2008, sự thiếu hụt và mất cân đối kỳ hạn của nguồn vốn huy động ngân hàng bắt đầu bộc lộ, BĐS là lĩnh vực đầu tiên trong danh mục cho vay bị hạn chế, 18 tháng đã trôi qua nhưng thị trường BĐS Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Khách hàng vay không thể chuyển nhượng BĐS để trả nợ ngân hàng. Thị trường BĐS cũng rất nhạy cảm với các quyết định của cơ quan nhà nước. Chỉ thị số 08/2002/CT-UB ngày 22/4/2002 của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh về “Chấn chỉnh và tăng cường quản lý Nhà nước về nhà đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” đã khiến thị trường BĐS thành phố Hồ Chí Minh đóng băng trong thời gian dài. Bên cạnh đó, các qui định về qui hoạch cũng ảnh hưởng đến tính thanh khoản và giá BĐS trong khu vực. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh BĐS được đánh giá là rối ren, chồng chéo và nhiêu khê. Để một dự án được cấp phép triển khai phải mất 3 năm, qua 33 cửa, có những dự án phải mất 4-5 năm mới xong (1), rõ ràng những điều này không chỉ gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức mà còn mang lại cho ngân hàng nhiều rủi ro khi tham gia tài trợ. Rủi ro từ hệ thống luật pháp và việc thực thi luật pháp Điều 320 Bộ Luật Dân sự năm 2005 đã qui định “Vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có hoặc hình thành trong tương lai”. Qui định này có thể xem là khá rõ ràng theo cách hiểu của các ngân hàng, đã tạo điều kiện cho các ngân hàng tham gia tài trợ các dự án đầu tư xây dựng, mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất… dù người vay chưa phải là chủ sở hữu/sử dụng của các tài sản này vào thời điểm vay vốn, chính xác là chưa có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sở hữu/sử dụng tài sản theo luật định. Tuy nhiên, rủi ro xuất phát từ chính những giao dịch này khi hầu hết các công chứng viên hiện nay không công chứng giao dịch thế chấp tài sản hình thành trong tương lai khi viện dẫn khoản 1, điều 41 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 về công chứng, chứng thực, theo đó: “Trong trường hợp hợp đồng liên quan đến tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, thì người yêu cầu công chứng, chứng thực phải có đầy đủ giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đó…”, các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cũng không thực hiện đăng ký. Để giải quyết vấn đề công chứng và đăng ký thế chấp đối với các tài sản hình thành trong tương lai, ngày 09/5/2007 Bộ Tư pháp đã có công văn số 2057/BTP-HCTP ghi rõ: “Các phòng công chứng căn cứ từng trường hợp cụ thể để chứng nhận các hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp” và công văn số 232/ĐKGDBĐ-NV ngày 04/10/2007 hướng dẫn các bên ký hợp đồng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua nhà ở và được đăng ký tại một trong các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm. Từ đây làm phát sinh hai vấn đề: Thứ nhất, câu “các phòng công chứng căn cứ từng trường hợp cụ thể” là rất không rõ ràng vì hầu hết các tài sản này đều có chung đặc điểm là tài sản đã được chuyển giao cho người mua, quyền sở hữu/sử dụng đã được xác lập nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu/sử dụng tài sản, các công chứng viên có quyền từ chối công chứng và thực tế hiện nay các ngân hàng vẫn không công chứng được hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Thứ hai, dù tên gọi của hợp đồng thế chấp có là gì thì điều mà các ngân hàng quan tâm là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nơi nhà ở tọa lạc, các tài sản này phải được thế chấp cho ngân hàng. Tuy nhiên, các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm không đăng ký vì cho rằng đó là trách nhiệm của các trung tâm, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nếu đưa các quyền này vào trong hợp đồng thế chấp. Chính vì vậy, mà hầu hết, các ngân hàng hiện nay đều chọn giải pháp ký hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai không qua công chứng vào giao dịch bảo đảm, đợi đến khi tài sản hình thành và có đủ giấy tờ chứng minh thì sẽ công chứng hợp đồng thế chấp và giao dịch bảo đảm, chính vì vậy, rất nhiều ngân hàng đã tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí để hầu kiện vì khách hàng vay vốn đã bán tài sản khi nó chưa hình thành, vẫn còn là “tài sản hình thành trong tương lai” như đúng tên gọi của nó nhưng ngân hàng không có khả năng kiểm soát và ngăn chặn. Bên cạnh đó, bản thân việc ngân hàng nhận các tài sản hình thành trong tương lai là các căn hộ chung cư, khu nhà ở làm bảo đảm cũng rất rủi ro do hầu hết các chủ đầu tư đều thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (chung cư, khu nhà ở hình thành sau này) cho ngân hàng ban đầu để xin tài trợ, đồng nghĩa với việc nhận thế chấp sau sẽ bị tuyên vô hiệu nếu có tranh chấp xảy ra. Hiện nay, trong xã hội có rất nhiều những giao dịch giả tạo đã dẫn đến những rủi ro cho ngân hàng trong việc nhận tài sản thế chấp và đưa ra quyết định cho vay. Khi khách hàng A vay vốn của khách hàng B, hai bên thỏa thuận làm hợp đồng mua bán căn nhà do bên A là chủ sở hữu, bên A bán cho bên B mà thực chất của giao dịch là bên A thế chấp cho bên B để làm bảo đảm cho khoản vay của bên A tại bên B. Bên B đem thế chấp tài sản này tại ngân hàng để vay vốn và đến lượt bên B không trả được nợ, ngân hàng tiến hành khởi kiện bên B để thu hồi nợ thì phát sinh tranh chấp giữa ba bên, bên A, bên B và ngân hàng. Theo Điều 29 Bộ luật Dân sự 2005: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu…”, chiếu theo điều này, giao dịch bên A bán căn nhà cho bên B sẽ bị tuyên vô hiệu và việc thế chấp căn nhà làm tài sản bảo đảm cho ngân hàng cũng sẽ vô hiệu theo. Những giải pháp để hạn chế rủi ro tín dụng BĐS Về phía các ngân hàng thương mại Tăng cường công tác huy động đối với kỳ hạn dài là giải pháp được nhiều ngân hàng chú trọng trong thời gian gần đây. Nguồn vốn huy động có kỳ hạn dài sẽ giúp các ngân hàng hạn chế được những rủi ro kỳ hạn khi cho vay đầu tư BĐS, hạn chế sự thiết hụt thanh khoản và sự phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng, chủ động trong hoạt động và thực hiện các mục tiêu kinh doanh. Tín dụng BĐS phân thành hai hình thức khá rõ, đầu cơ và đầu tư. Các ngân hàng cần hạn chế tối đa cho vay đầu cơ vốn mang tính bất ổn và chứa đựng nhiều rủi ro. Nguồn trả nợ chủ yếu được xác định từ việc mua bán, chuyển nhượng BĐS mà không có những hoạt động đem lại nguồn thu ổn định. Chính những hoạt động đầu cơ này đã tạo nên những cơn sốt BĐS thời gian qua, làm tăng tính rủi ro cho thị trường này. Có qui định và thực hiện nghiêm túc việc đánh giá lại giá trị tài sản bảo đảm, ít nhất phải 3 tháng/lần, trường hợp giá BĐS biến động bất thường có thể làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo của khoản vay thì phải đánh giá liên tục, yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản bảo đảm và/hoặc trả nợ trước hạn tương ứng với giá trị tài sản bị giảm sút sau khi đánh giá lại và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Đứng trên giác độ nào, trình độ nhân sự vẫn phải là vấn đề quan trọng nhất đối với hoạt động ngân hàng nói chung và tín dụng nói riêng. Bên cạnh việc nâng cao chất
Tài liệu liên quan