1. Đặt vấn đề
Truyện Nghiệp oan của Đào Thị là một trong 11 truyện viết về đề tài phụ nữ
của Nguyễn Dữ. Đây là câu chuyện kể về số phận bi thương của người phụ nữ. Kiếp
sống của Đào Thị phong phú, phức tạp và không giống bất kỳ nhân vật phụ nữ
nào trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Nếu cái chết của Nhị Khanh (trong
truyện Người nghĩa phụ ở Khoái Châu) và của Vũ Thị Thiết (trong truyện Người
con gái Nam Xương) và của nhiều nhân vật khác trong Truyền kỳ mạn lục chỉ là
sự chuyển hoá giữa hai giai đoạn: từ cuộc đời tạm bợ ở cõi trần sang cuộc đời vĩnh
hằng ở cõi thần thì cái chết của Đào Thị là kết quả của cuộc đời thăng trầm ở hai
giai đoạn: giai đoạn làm người và giai đoạn làm ma. Kết cục của Đào Thị là kết
cục bi thảm của con người tài hoa không chịu nhẫn nhục và luôn luôn vùng dậy để
giằng lấy sự sống.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 553 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Oan và giải oan trong truyện Nghiệp oan của Đào Thị của Nguyễn Dữ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Science., 2010, Vol. 55, N◦. 5, pp. 71-76
OAN VÀ GIẢI OAN TRONG TRUYỆN
NGHIỆP OAN CỦA ĐÀO THỊ CỦA NGUYỄN DỮ
Trần Thị Thu Hiền
Học viện Phụ nữ Việt Nam
1. Đặt vấn đề
Truyện Nghiệp oan của Đào Thị là một trong 11 truyện viết về đề tài phụ nữ
của Nguyễn Dữ. Đây là câu chuyện kể về số phận bi thương của người phụ nữ. Kiếp
sống của Đào Thị phong phú, phức tạp và không giống bất kỳ nhân vật phụ nữ
nào trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Nếu cái chết của Nhị Khanh (trong
truyện Người nghĩa phụ ở Khoái Châu) và của Vũ Thị Thiết (trong truyện Người
con gái Nam Xương) và của nhiều nhân vật khác trong Truyền kỳ mạn lục chỉ là
sự chuyển hoá giữa hai giai đoạn: từ cuộc đời tạm bợ ở cõi trần sang cuộc đời vĩnh
hằng ở cõi thần thì cái chết của Đào Thị là kết quả của cuộc đời thăng trầm ở hai
giai đoạn: giai đoạn làm người và giai đoạn làm ma. Kết cục của Đào Thị là kết
cục bi thảm của con người tài hoa không chịu nhẫn nhục và luôn luôn vùng dậy để
giằng lấy sự sống.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Nỗi oan của Đào Thị
Trước hết, nỗi oan của Đào Thị là nghiệp chướng: vận vào thân, đeo bám lấy
số phận người phụ nữ tài hoa bạc mệnh, khiến oan chồng lên oan.
Đào Thị vốn là người phụ nữ tài hoa. Xuất thân là người con gái xinh đẹp,
vừa là một danh kỹ vừa “thông hiểu âm luật và chữ nghĩa”. Thời phong kiến, những
người con gái thông minh, giỏi chữ nghĩa như Đào Thị không nhiều. Vì thế, nàng
được tuyển vào làm cung nhân, hàng ngày chầu vua ở tiệc rượu hay chiếu bạc, được
vua khen ngợi, gọi một cách đáng yêu là A Hàn Than.
Nhưng Đào Thị cũng đại diện kiếp phụ nữ bạc mệnh. Vua Dụ Tông qua đời,
đang từ một cung nhân, Hàn Than bị thải ra ngoài phố. Thời điểm xuân sắc trẻ
trung nhất của Hàn Than là ở nơi cung cấm, phục vụ nhà vua. Vua mất đi, Hàn
Than không còn chỗ đứng, chỗ dựa. Nàng bị thải ra ngoài như bao nhiêu cung nhân
khác bởi vị vua mới không dùng lại cung nhân của vị vua cũ và cũng có thể một
lớp cung nhân mới vào trẻ trung, xuân sắc và tài tình hơn.
71
Trần Thị Thu Hiền
Bị thải ra ngoài, Hàn Than “thường đi lại nhà quan Hành Khiển là Nguỵ
Nhược Chân”. Bà vợ quan “không có con, tính lại hay ghen, ngờ Hàn Than tư thông
với chồng, bắt nàng, đánh một trận rất tàn nhẫn”. Thực ra bà vợ quan Hành Khiển
chỉ “ngờ” Hàn Than có hành vi “tư thông” với chồng mình bởi hoàn cảnh thực tế:
bà “không có con”, bản tính “lại hay ghen”. Còn việc đó có mười mươi hay không thì
chưa có chứng cứ để khẳng định. Vậy mà Hàn Than đã bị một trận đòn nhừ tử.
Công bằng mà nói, việc Hàn Than bị đánh đòn một phần cũng bởi lỗi ở cô.
Trước khi đi lại nhà quan Hành Khiển, nàng phải biết vợ chồng quan chưa có con,
tính vợ quan lại hay ghen. Vậy thì nàng phải kín kẽ, tránh để sự hiểu lầm xảy ra.
Bà vợ quan biết gốc tích của nàng “vốn là một cung nhân, bị thải ra ngoài” nên đã
nảy sinh mối ngờ vực. Hành vi “thường đi lại nhà quan” của Hàn Than khiến mối
ngờ vực của bà vợ quan càng dày thêm. Tất yếu là cơn ghen bùng phát và bà vợ
quan phải tìm cách để hả cơn ghen. Hơn nữa, bà vợ quan ghen với Hàn Than bởi
nàng giỏi giang, có tài hơn bà. Nàng vốn là một danh kỹ, giỏi âm luật và thạo thơ
phú. Nhưng cuối cùng, nàng phải hứng chịu trận đòn tơi tả. Đúng là:
Nghĩ đời mà ngán cho đời,
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen.
[1;câu 2153-2154].
Và:
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
[1;câu 3247-3248]
Thói đời, “Ghen tuông thường đa nghi, mà đa nghi dễ dẫn đến định kiến. Do
đó chỉ cần một cớ rất nhỏ, có khi hết sức mơ hồ, thậm chí chẳng cần một cớ gì cũng
có thể tưởng tượng ra thành sự việc nghiêm trọng . . . và oan khiên giáng xuống”
[3]. Ngày trước ở trong cung cấm, Hàn Than đã quen với việc sớm tối hầu rượu,
đối đáp thơ phú với vua Dụ Tông. Nên khi bị thải ra ngoài, thói quen đó không bỏ
được. Việc nàng “thường đi lại” nhà quan Hành Khiển như một động thái duy trì
thói quen cũ bởi gặp được người “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, bởi
niềm đam mê văn chương của những người “cùng hội cùng thuyền”. Hàn Than cùng
với Hành Khiển đối đáp thơ phú như những hàng “tao nhân mặc khách”, là niềm
vui, thể hiện sự thanh tao, nho nhã. Vậy mà bà vợ quan đã hiểu sai lệnh mối quan
hệ này, đã xử sự bằng thói đàn bà tồi tệ: “đánh ghen”. Hàn Than vốn mang trong
mình tài văn chương cao ngạo nhưng tâm lý “đàn bà” vẫn ngự trị, bị đánh ghen vô
cớ thì “tức tối vô cùng” và cũng đối đáp lại vợ quan bằng thói đàn bà thường tình:
“đem trâm hoa bằng vàng ngọc bán đi để thuê thích khách vào nhà Nhược Chân
72
Oan và giải oan trong truyện Nghiệp oan của Đào Thị của Nguyễn Dữ
trả thù”. Nhưng thích khách bị bắt, khai ra người chủ mưu là Hàn Than. So với thế
lực nhà quan, Hàn Than chỉ là hàng dân đen. Cái án tội lù lù trước mặt. Một lần
nữa Hàn Than phải đối mặt với nỗi khiếp sợ của thân gái bơ vơ. Lúc này Hàn Than
thấm thía cái kiếp má hồng ba chìm, bảy nổi.
Nàng muốn tĩnh tâm, tìm đến chốn tu hành “cạo trọc đầu, mặc đồ nâu sòng,
trốn đến tu ở chùa Phật Tích, giảng kinh, thuyết kệ”. Nhưng vốn “anh hoa phát
tiết ra ngoài”, việc “giảng kinh, thuyết kệ, chỉ mấy tháng đã làu thông”. Nàng lập
am Cư Tĩnh với mong muốn được an cư, tĩnh tâm tu hành, không vướng bụi trần.
Nhưng hình như cái nghiệp văn chương vẫn đeo bám lấy nàng. Ý tưởng “mời họp
các văn nhân để xin một bài bảng văn” ở am Cư Tĩnh lại là mầm tai hoạ tiếp theo
của nàng. Cái máu văn chương thường có sự ganh đua. Thói thường những người
có tài văn chương lại kiêu ngông. Nàng đem sự kiêu ngông bộc lộ với với cậu học
trò 14, 15 tuổi – đang ở độ tuổi “ngựa non háu đá”. Để trả thù lòng sĩ diện bị tổn
thương, cậu học trò đi dò hỏi gốc tích của Hàn Than và không cần phải suy nghĩ,
làm bài văn chế nhạo cái gốc gác xuất thế, quá khứ đau buồn của nàng. Với giọng
văn giễu cợt pha chút mỉa mai, bài văn vô tình là một gạch nối, đối lập của những
tháng ngày hoen ố trước đây với hiện tại thanh tịnh của nàng. Bài văn được dán
ngay trước cửa chùa, rất nhiều người đọc và chép lại. Đó có khác nào một hình thức
dồn đuổi, phong toả Đào Thị, bởi đã dính đến “bia miệng” thì sao mà gột rửa được.
Nỗi xấu hổ vì ô nhục, nỗi ám ảnh bi thương khiến Hàn Than không thể dung thân
được nơi “Phật Tích” mà phải “đương đêm bỏ chùa mà chốn”. Đức Phật ở trên cao,
từ bi quảng đại, nhìn thấu sáu cõi, cứu nhân độ thế nhưng không cứu nổi một phật
tử Hàn Than. Bài văn xâm nhập vào cả cõi chùa, dán trên tường cửa chùa cho thấy
phật pháp không thắng nổi cường quyền và dư luận. Oái oăm thay! Đáng thương
thay! Xã hội ấy khiến “phật cũng bó tay, thánh thần cũng vô dụng”. Tiếng kêu của
Hàn Than chìm vào vô vọng.
Rời chùa Phật Tích nàng chạy đi đâu? Xã hội này nơi nào có thể trú thân
được? Chắc chắn trong đầu Hàn Than đã nảy sinh câu hỏi đó. Sự lựa chọn lúc này
vẫn là cửa chùa thôi, nhưng một ngôi chùa xa nơi dân cư, thật u tĩnh, thanh tịch.
Nàng chạy đến chùa Lệ Kỳ - hạt Hải Dương. Sau bao nỗi đớn đau, tủi hổ, nàng
tưởng sư cụ Pháp Vân chấp nhận nhưng điều đó đã không xảy ra. Sư cụ Pháp Vân
đã nhìn thấy cái xuân sắc lồ lộ của Hàn Than mà cửa phật không thể khống chế
được. Sư cụ Pháp Vân phản đối sự hiện diện của Hàn Than bằng cách dời lên núi
Phượng Hoàng. Chùa Lệ Kỳ chỉ còn lại sư bác Vô Kỷ. Sau bấy nhiêu biến cố tai
vạ và sự dồn đuổi, một người con gái như Hàn Than cũng kiệt quệ về thể xác, tinh
thần. Sư bác Vô Kỷ có lẽ hiểu được nỗi bơ vơ chống chếnh đó của Hàn Than. Từ
cảm, thương rồi yêu. Mà đã yêu thì bỏ ngoài tai những điều quy phạm của giáo
lý, giáo luật. Hàn Than và Vô Kỷ đã yêu nhau nồng nàn. Có lẽ đến lúc tụt xuống
đáy của sự tuyệt vọng và đớn đau, Hàn Than mới tìm được người đàn ông của đời
mình, yêu mình đích thực. Thời ở cung vua, nàng chỉ như “cánh én ba ngàn”, mua
73
Trần Thị Thu Hiền
vui cho vua khi thảnh thơi yến tiệc; thời sống ở kinh kỳ, nàng chỉ như “mây gió”,
mua vui cho thiên hạ khi chén rượu say nồng. Chưa có người đàn ông nào thực sự
yêu nàng. Đến giờ gặp sư Vô Kỷ thì tình yêu đến tựa như “con bướm gặp xuân, trận
mưa cửu hạn”. Nàng được sống những tháng ngày hạnh phúc, được chăm chút yêu
thương, được đàm đạo thơ phú “hàng ngày hai người cùng nhau làm thơ liên cú,
phàm những cảnh vật trong núi, cái gì có thể ngâm vịnh được đều đặt bút để vịnh
đề ghi danh thắng”.
Nhưng tình yêu đấy không có yếu tố nền tảng bền vững bởi sư bác Vô Kỷ là
người tu hành đã niệm theo việc tu tâm, diệt dục. Tình yêu của họ nảy sinh nơi nhà
chùa linh thiêng, trái với luân lý thông thường của đạo Phật. Hơn nữa, họ lại quá
đắm say, u muội: “hai người ham mê nhau quá, ngoài cái thú vui sướng trước mắt,
không còn nghĩ đến điều gì là lạ” và lại còn “chẳng còn để ý gì đến kinh kệ nữa...”.
Kết quả của tình yêu ấy là Hàn Than “có thai, rồi ốm từ mùa xuân đến mùa hạ,
ngồi lên nằm xuống đều phải có người đỡ vực”. Kết cục của tình yêu ấy khiến Hàn
Than quằn quại chết trên giường cữ.
Hàn Than có được hạnh phúc nhưng hạnh phúc ấy thật mong manh, ngắn
ngủi. Cái chết của Hàn Than là dấu chấm hết cho tình yêu và hạnh phúc. Nói một
cách khác để có được hạnh phúc ngắn ngủi đó Hàn Than phải trả giá bằng cái chết
của mình. Vậy, đó là hạnh phúc hay là nỗi bất hạnh?! Trước cái chết của người yêu,
sư Vô Kỷ chỉ còn biết khóc than: “Em ơi! Em vì anh mà chết một cách oan uổng”.
Hết một kiếp người, dặt những oan khổ. Đúng như câu thơ của đại thi hào Nguyễn
Du khóc thương cho số phận của nàng Kiều:
Thương thay cũng một kiếp người,
Hại thay mang lấy sắc tài làm chi!
Những là oan khổ lưu li,
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân.
[1;câu 2639;2642]
2.2. Giải oan và bị trừng trị
2.2.1. Tự mình giải nỗi oan
Hàn Than chết nhưng không khuất phục. Tự mình, nàng đã giải nỗi oan khiên
cho mình. Nguyễn Dữ thấu hiểu tâm lý con người “người bị giày vò phải đứng ra
tự mình rửa sạch oan khiên” [4]. Khối tình chưa thoả nguyện và khối hận chưa trả
xong khiến oan hồn Hàn Than nuôi chí trả thù. Hồn Hàn Than hiện về trong mơ
bảo Vô Kỷ: “Thiếp buổi trước ngàn dâu xế bóng, cửa Phật nương mình, đáng cười
thay chưa dứt lòng trần, thêm ngán nỗi còn vương nợ nghiệt. Đài dao mệnh đứt,
đến nỗi chia bầy, sống còn chưa được thoả yêu thương, chết xuống sẽ cùng nhau
quấn quýt. Mong chàng hiểu câu Kệ Lục như, bỏ cõi Thiên Tứ đại, tạm rời cảnh
74
Oan và giải oan trong truyện Nghiệp oan của Đào Thị của Nguyễn Dữ
Phật về chốn suối vàng, để thiếp được ngửa nhờ phật lực, thác hoá đầu thai, đặng
trả cho xong cái nợ oan gia ngày trước”.
Hàn Than và Vô Kỷ đã đầu thai làm con Long Thúc và Long Quý ở nhà quan
Hành Khiển – nhà kẻ thù của mình để âm thầm đợi ngày báo oán: “Nhà ông chứa
đầy cái khí yêu quái, nếu không là nghiệp báo kiếp trước thì tất là oan gia kiếp này.
Người ta đã ở trong nhà ông, chỉ năm tháng nữa thì cả nhà không còn sống sót một
mống”.
2.2.2. Bị trừng trị
Nhưng ngay cả khi chết đi rồi, oan hồn của Hàn Than vẫn bị trừng trị. Mặc
dù đã trải qua tám năm sống trong nhà quan, thế mà rắp tâm trả thù kẻ gây đau
đớn cho mình cũng không thành hiện thực. Nhược Chân nghe được Long Thúc nói
với Long Quý: “Trừ được chúng ta, duy chỉ có một sư cụ Pháp Vân. Còn những kẻ
khác, ta chỉ giơ tay là cướp được bùa dấu của họ”. Nhược Chân rời nhà, đi tìm sư
cụ có tên hiệu là Pháp Vân rồi nhờ sư cụ cứu giúp.
Sư cụ Pháp Vân dựng đàn tràng ngay trên núi, treo đèn bốn mặt, lấy bút son
vẽ bùa dấu. Ước một trống canh thì có đám mây đen mươi trượng bao bọc ở xung
quanh đàn, một cơn gió lạnh thổi ào làm cho người phải ghê rờn rợn. Sư cụ cầm cây
tích trượng chỉ huy tả hữu, có lúc lại ra khỏi đàn làm ra bộ quát mắng... chỉ nghe
trên không có tiếng khóc ti tỉ, một lúc tiếng tắt mà đám mây cũng tan”.
Sư cụ lấy một phiến đá bôi hùng hoàng rồi vào viết mực lên, trao cho Nhược
Chân và dặn: “loài yêu quái biến ra vật gì, kíp lấy đá này mà ném thì những mối
thừa của tai hại sẽ dứt được hết.
Mở quan tài ra xem, hai thây đã hoá thành 2 con rắn vàng, lấy hòn đá ném
thì chúng liền nát ra tro cả".
Cuối cùng, Đào Thị thông minh, giỏi giang nhan sắc cũng bị truy đuổi đến
cùng và kết cục chỉ là nắm tro tàn. Nàng chết đến hai lần và cả hai lần đều đau đớn
và thảm khốc.
Đến đây, chúng ta không khỏi băn khoăn tự hỏi: Sao số kiếp Đào Thị lại khổ
thế? Người đời từng lý giải: “Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”. Nhà Phật dạy rằng
“Đời là bể khổ, tình là dây oan”. Đào Thị khổ là do kiếp sinh ra vậy, là do nghiệp
vận vào thân, thế thì còn tránh vào đâu được nữa. Con người muốn sống yên thân
cũng không xong mà muốn tranh đấu để giành hạnh phúc, dù là thứ hạnh phúc nhỏ
nhoi, đơn sơ cũng không xong, càng muốn cứu mình thì càng ngập sâu vào sự đoạ
đầy, đau khổ. Tác giả thiên truyện đã thể nghiệm, giải thích số phận bạc bẽo của
Hàn Than, tìm hiểu nguyên nhân xã hội của nó. Vượt lên trên nỗi đau khổ “Hình
tượng nhân vật bất hạnh phản ánh sức mạnh của những con người bình thường và
mơ ước về một sự công bằng xã hội” [5].
75
Trần Thị Thu Hiền
3. Kết luận
Có thể nói, với truyện Nghiệp oan của Đào Thị, Nguyễn Dữ đã tái hiện bức
tranh toàn cảnh về xã hội phong kiến Việt Nam thời bấy giờ. Thần quyền không
còn là nơi trông cậy, ngược lại là nơi gieo tai hoạ cho con người. Cường quyền và
dư luận có thể vùi dập, dồn đuổi con người đến đường cùng. Sống giữa xã hội ấy,
số phận con người nói chung và người phụ nữ nói riêng đều hết sức bấp bênh, bất
hạnh. Đào Thị tài hoa và nhan sắc nhưng lại khổ vì chính tài hoa và nhan sắc đó.
Cả cuộc đời Đào Thị là sự bị truy đuổi, tiêu diệt và trừng trị. Thông qua số phận
Đào Thị, Nguyễn Dữ đã đề cập đến nỗi thống khổ, tấn bi kịch của người phụ nữ
trong xã hội phong kiến. Cũng bởi lẽ đó, truyện Nghiệp oan của Đào Thị vẫn là nỗi
trăn trở đối với người đọc hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Du, 1995. Truyện Kiều. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[2] Nguyễn Đăng Na, 1999. Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại. Tập 1,
Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
[3] Nguyễn Đăng Na, 2006. Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam.
Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
[4] Trần Đình Sử, 1998. Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam. Nxb Hà Nội.
[5] E.M.Mêlêtinxki. Nhân vật của truyện cổ tích thần kỳ - Nguồn gốc hình
tượng. Nxb Văn học Phương Đông, 1958, tr 231.
ABSTRACT
Petitioners and cleared of petitioners in the matter
of the Company’s Dao Thi by Nguyen Du
Professional Training Market by petitioners and how the woman is cleared of
the old feudal system. Dao Thi’s life is full of ups and downs in two phases: Stage
I, Dao Thi petitioners have title to the body karma shipping, clinging on, to take
fated talented women, that petitioners face superimposed silver petitioners. Stage II,
Dao Thi was so petitioned for their self-revenge by the Controller of Administration.
But ultimately not be unfairly punished for her to die again. Death of the woman
as Dao Thi demonstrated in ancient feudal societies, where there is no spiritual
hope, is contrary to human sown disaster. Powers of the public can enjoy stamping
and chasing people. Dao Thi is the tragic outcome of human creative talent and
patience not always up to the taking of life. Through fate Dao Thi, Nguyen Du has
mentioned the anguish and tragedy of women in the feudal society. Just because of
unjust Professional Training Market which concerns readers today.
76