Tiếp cận mảng văn học Việt Nam 1930-45, hầu hết các nhà nghiên cứu đều
nhận thấy rằng, tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, được tiếp nhận từ tư tưởng văn hoá phương
Tây, là cơ sở quan niệm về xã hội và con người trong hầu hết các sáng tác văn học thời
kỳ này như trong Thơ mới, trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, v.v Tuy vậy, cho đến
tận nay, chúng ta hầu như chưa có nỗ lực nghiên cứu chuyên sâu nào nhằm tìm hiểu việc
các trí thức Việt Nam đương thời tiếp nhận ra sao tư tưởng chủ nghĩa cá nhân phương
Tây và truyền bá tư tưởng này vào công chúng đồng bào của mình, tạo ra những hiểu
biết và đồng thuận ở mức cần thiết để họ có thể tiếp nhận những sáng tác như tiểu thuyết
Tự Lực văn đoàn hay Thơ mới lãng mạn, ít nhất là ở bình diện quan niệm về con người
cá nhân của nó.
Trong bài này, dựa vào việc tìm hiểu một tác giả mà những năm 1920-40 đã hoạt
động trong môi trường văn hóa Việt Nam như một nhà báo, một cây bút nghị luận về
các vấn đề văn hoá xã hội, − tác gia Phan Khôi (1887-1959), − tôi muốn đề cập việc tư
tưởng chủ nghĩa cá nhân của xã hội phương Tây đã được tiếp nhận và lý giải ra sao, ở
trường hợp một tác gia Việt Nam cụ thể. Vượt ngoài phạm vi xem xét ở đây, những vấn
đề như liệu có nên xem Phan Khôi như người chuẩn bị về tư tưởng cho những tư trào
văn chương của Thơ mới, của Tự Lực văn đoàn hay không, − cần phải là đề tàikhảo sát
của những chuyên đề khác.
9 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1548 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phạm trù Chủ nghĩa cá nhân của tư tưởng phương Tây trong sự lý giải của Phan Khôi, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phạm trù Chủ nghĩa cá nhân
của tư tưởng phương Tây
trong sự lý giải của Phan Khôi
1. Tiếp cận mảng văn học Việt Nam 1930-45, hầu hết các nhà nghiên cứu đều
nhận thấy rằng, tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, được tiếp nhận từ tư tưởng văn hoá phương
Tây, là cơ sở quan niệm về xã hội và con người trong hầu hết các sáng tác văn học thời
kỳ này như trong Thơ mới, trong tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, v.v Tuy vậy, cho đến
tận nay, chúng ta hầu như chưa có nỗ lực nghiên cứu chuyên sâu nào nhằm tìm hiểu việc
các trí thức Việt Nam đương thời tiếp nhận ra sao tư tưởng chủ nghĩa cá nhân phương
Tây và truyền bá tư tưởng này vào công chúng đồng bào của mình, tạo ra những hiểu
biết và đồng thuận ở mức cần thiết để họ có thể tiếp nhận những sáng tác như tiểu thuyết
Tự Lực văn đoàn hay Thơ mới lãng mạn, ít nhất là ở bình diện quan niệm về con người
cá nhân của nó.
Trong bài này, dựa vào việc tìm hiểu một tác giả mà những năm 1920-40 đã hoạt
động trong môi trường văn hóa Việt Nam như một nhà báo, một cây bút nghị luận về
các vấn đề văn hoá xã hội, − tác gia Phan Khôi (1887-1959), − tôi muốn đề cập việc tư
tưởng chủ nghĩa cá nhân của xã hội phương Tây đã được tiếp nhận và lý giải ra sao, ở
trường hợp một tác gia Việt Nam cụ thể. Vượt ngoài phạm vi xem xét ở đây, những vấn
đề như liệu có nên xem Phan Khôi như người chuẩn bị về tư tưởng cho những tư trào
văn chương của Thơ mới, của Tự Lực văn đoàn hay không, − cần phải là đề tài khảo sát
của những chuyên đề khác.
2. Phạm trù chủ nghĩa cá nhân (Individualisme) của tư tưởng phương Tây được
Phan Khôi (1887-1959) đề cập từ cuối những năm 1920 đầu những năm 1930, khi mà
một trong những đề tài thu hút ngòi bút viết báo của ông chính là vấn đề thời sự của đời
sống văn hoá tư tưởng đương thời: trạng thái và số phận của những tư tưởng cổ truyền
phương Đông trước một xu thế đang diễn ra trên chính phương Đông, được gọi là xu
hướng “Âu hoá”. Ông từng tham gia luận bàn về “học thuyết cũ với vận mạng mới nước
Tàu”(1) thảo luận và đưa ra ý kiến phủ định đối với “cái thuyết Âu châu sắp tan nát” của
học giả Trung Hoa Cô Hồng Minh(2) kiểm điểm di sản Nho giáo trên đất Việt
Nam(3) nhìn rộng ra cuộc tiến hoá trong “cạnh tranh sinh tồn” của loài người trên toàn
cầu và đi tới nhận định chung: “... cái đại thể các dân tộc yếu ở Á châu ngày nay là phải
học theo Âu châu thì mới có thể sanh tồn”(4) hơn thế nữa, “muốn duy tân cải cách thì
phải bắt từ học thuật tư tưởng mà duy tân cải cách trước”(5).
Theo sự sưu tầm nghiên cứu của tôi, trong những năm này, ít nhất có 2 tài liệu
cho thấy rõ nhất sự lý giải của Phan Khôi về phạm trù chủ nghĩa cá nhân của tư tưởng
phương Tây.
Năm 1928, trong bài Tư tưởng của Tây phương và Đông phương (Đông Pháp thời
báo, 27/9/1928; 2/10/1928)(6)Phan Khôi nêu ra 3 điểm so sánh sự khác biệt giữa tư
tưởng của phương Tây và của phương Đông: “1/ Tây phương chuộng khoa học, Đông
phương chuộng huyền học”; “2/ Tây phương trọng tự chủ, Đông phương trọng thống
thuộc”; “3/ Tây phương quý tấn thủ, Đông phương quý an phận”. Nội dung thứ hai trong
các điểm so sánh này, − “trọng tự chủ” chính là nói về chủ nghĩa cá nhân.
Phan Khôi viết:
“Chữ tự chủ ở đây nghĩa là mỗi người làm chủ lấy mình, cũng tức là cá
nhân chủ nghĩa. Ở phương Tây, nói rằng “một người”, nghĩa là đối với thế giới,
đối với quốc gia mà nói, chớ không phải phiếm nhiên. Đã gọi là người, thì người
nào cũng vậy, ai ai cũng có cái địa vị cái tư cách đối với thế giới đối với quốc
gia, thật như ta thường nói "đội trời đạp đất ở đời". Như vậy, người nào tự chủ
lấy người ấy, không ai thuộc về ai cả.
Bởi đó mới có sự tự do. Một người đã tới tuổi thành nhân rồi thì không
còn ở dưới quyền cha mẹ nữa. Mà cũng không ở dưới quyền chánh phủ hay là
dưới quyền ông nguyên thủ, song chỉ ở dưới quyền pháp luật. Một người được y
theo trong vòng pháp luật mà tự do. Pháp luật cho mọi người được tư tưởng tự
do, ngôn luận tự do, cư trú tự do,... những quyền tự do ấy, người khác − dầu là
cha mẹ nữa − không được can thiệp đến. Pháp luật đặt ra cốt là hạn chế sự tự
do của từng người để binh vực sự tự do cho từng người.
Lại bởi đó mới có sự bình đẳng. Mọi người đối với quốc gia xã hội đều có
nghĩa vụ và quyền lợi bằng nhau. Ai nấy đều phải nộp thuế, đều phải đi lính, thì
ai nấy đều được hưởng quyền tự do của pháp luật. Trước mặt pháp luật, ai
cũng như nấy, hễ có tội thì bị phạt, không cứ ông nguyên thủ hay là người bình
dân. Pháp luật đặt ra cũng cốt để duy trì sự bình đẳng giữa từng người”.
Tất nhiên cái chủ nghĩa cá nhân với nội hàm như vậy không phải vốn dĩ đã có từ
xa xưa ở các nước phương Tây, mà chỉ mới hình thành từ thời Khai sáng rồi định hình
dưới các xã hội theo kinh tế tư bản thị trường, dưới các chính thể cộng hoà pháp trị.
Nhưng Phan Khôi không bàn về phương diện lịch sử của phạm trù chủ nghĩa cá nhân ở
xã hội phương Tây; ông chủ yếu trình bày nội dung sự việc ở mặt đồng đại, hơn nữa,
nhấn vào trạng thái đương đại, chỉ ra sự tương đồng giữa chủ nghĩa cá nhân với cơ chế
chính trị ở các nước phương Tây:
“Bởi mỗi người đều có địa vị tư cách vững vàng, tự chủ lấy mà không xâm
phạm đến ai như vậy, cho nên khi hiệp với nhau thành đoàn thể thì chỉnh tề và
ổn kiện lắm. Quốc gia, tức là của chung của quốc dân; hội xã tức là của chung
của hội viên; đối với quốc gia xã hội ai có bổn phận gì thì làm hết bổn phận ấy,
có lợi ích thì mọi người cùng hưởng. Mới nghe họ nói những là "quốc gia lợi ích,
xã hội lợi ích" thì tưởng là xung đột với chủ nghĩa cá nhân, mà xét kỹ ra thì
những cái lợi ích ấy cũng chỉ là lợi ích cho từng người vậy.
Các nước bên Tây đều dùng cái chánh thể lập hiến, cộng hoà được, là nhờ
họ sẵn có cái tư tưởng như đã nói trên đó. Cái tư tưởng ấy tức là cái tinh thần
dân chủ”.
Để làm rõ sự khác biệt giữa tính tự chủ, − tức là đặc điểm chính của con người
cá nhân Tây phương, − so với tính chất “thống thuộc” ở đơn vị tương đương của
phương Đông, Phan Khôi chỉ rõ cái đặc điểm mà sau này một số nhà nghiên cứu sẽ
mô tả như là “con người chức năng”. Ông viết:
“Theo cái ý nghĩa của chữ “một người” ở phương Tây, thì ở phương Đông,
trừ ông vua ra, hầu như không có “người” nào hết. Bởi vì “xuất thổ chi tân, mạc
phi vương thần”, ai cũng là thần thiếp của vua, ai cũng là dân của vua. Cứ như
sách dạy, nhân thần không được tư giao với ngoại quốc, ấy là không có tư cách
đối với thế giới; thứ nhân không được nghị luận việc chánh, ấy là không có tư
cách đối với quốc gia. Bởi vậy ai nấy đều phải nộp của cải cho vua, nộp cả đến
thân mình nữa; vua thương thì nhờ, bằng vua không thương mà giết đi cũng
phải chịu. Như vậy gọi là trọn cái bổn phận thờ bề trên; như vậy gọi là thiên
kinh địa nghĩa.
Không những thuộc về vua mà thôi, ai còn có cha mẹ đến chừng nào thì
phải kể cái thân mình là của cha mẹ đến chừng nấy. Lại không những cái thân
mà thôi, mình dầu có của cải, có vợ con, cũng phải kể là của cha mẹ. Theo Kinh
Lễ dạy: con yêu vợ mà cha mẹ ghét thì con phải để [= bỏ] vợ đi; con ghét vợ
mà cha mẹ yêu thì con phải hoà thuận với vợ. Lại dạy: có dư của thì nộp cho
tông, thiếu thì lấy của tông. Tông là người tông chủ trong gia đình, tức là cha
mẹ. Còn chưa kể đến những lời tục thường nói "Cha mẹ đặt đâu ngồi đó, bảo
chết hay chết, bảo sống hay sống" thì lại còn nghiêm khắc quá nữa.
Trọng nhứt là vua và cha mẹ, rồi thứ đến quan, làng, họ, cũng đều có
quyền trên một người. Quan, nào có phải một ông, có đến năm bảy lớp, cứ dùi
đánh đục, đục đánh săng, rút lại trăm sự chi cũng đổ trên đầu người dân cả.
Người trong làng thì kể như con của làng, cho nên nói rằng "con làng nhờ làng".
Người trong họ đối với họ cũng vậy”.
Phan Khôi tóm tắt về tính chất thống thuộc của con người chức năng phương
Đông:
“Ấy vậy, lấy ra một người ròng rặt Đông phương mà nói, thì người ấy
không tự mình làm chủ lấy mình được; song là thuộc về vua, về cha mẹ, về
quan, về làng, về họ, nếu là đàn bà thì còn thuộc về chồng nữa.
Bởi cớ ấy, trong xã hội ta như một cái thang có nhiều nấc. Nghĩa vụ và
quyền lợi của mọi người không đồng nhau: người trên đối với người dưới không
có nghĩa vụ; còn ai có nhiều quyền hơn thì được hưởng nhiều lợi hơn. Pháp luật
đối với mọi người thì tùy từng bậc mà khác: cùng phạm một tội mà dân bị phạt
trọng [= nặng], quan được phạt khinh [= nhẹ]; cùng phạm một tội mà kẻ thứ
ấu bị phạt trọng, kẻ tôn trưởng được phạt khinh. Theo Tây phương, như thế là
bất bình đẳng; song theo Đông phương thì như thế là có trật tự”.
Ông trở lại sự so sánh hai kiểu xã hội phương Tây, phương Đông, ứng với hai
kiểu đơn vị con người:
“Một đằng thì trọng tự chủ, một đằng thì trọng thống thuộc, hai đằng tư
tưởng khác nhau, cho nên trình bày ra hai cái xã hội khác nhau. Xã hội Tây
phương thì như bầy chim sẻ, con nào cũng một lứa như con nào, và con nào
cũng tự kiếm ăn cho con nấy, song cũng hiệp nhau thành bầy. Xã hội Đông
phương thì như bầy kiến, có con lớn con nhỏ, con lớn giữ phần cai quản, con
nhỏ lo việc đi kiếm ăn, song cũng hiệp nhau thành bầy”.
Như vậy có thể thấy là ở bài viết kể trên, Phan Khôi đã ghi nhận chủ nghĩa cá
nhân của phương Tây như một quan niệm và một thực tiễn đời sống xã hội; quan niệm
về tính chất, về quyền và lợi ích của đơn vị con người trong các xã hội phương Tây, và
phù hợp với nó là quy chế tổ chức của xã hội phương Tây, ở đương thời Phan Khôi, tức
là những năm 1920, xét trên những nét bao quát nhất.
Những nét chính yếu của chủ nghĩa cá nhân ở phương Tây, theo sự lĩnh hội của
Phan Khôi ở bài báo nói trên, là sự độc lập, tự chủ, tự do, bình đẳng − đối với nhau và
đối với các thiết chế xã hội − của mọi con người thành niên; theo Phan Khôi, quan niệm
ấy chứa đựng tinh thần dân chủ, vì vậy, nó là cơ sở của thể chế lập hiến, của chính thể
cộng hoà.
Mấy năm sau, trong một bài báo nhan đề Cá nhơn chủ nghĩa (Trung lập, Sài Gòn,
28/11/1931), Phan Khôi đề cập đến tư tưởng chủ nghĩa cá nhân trong sự liên hệ của nó
với “sự thiệt hành cái chủ nghĩa dân trị hay là biết hưởng sự lợi ích của cái chủ nghĩa
ấy”(7) tức là bàn về sự liên quan giữa tư tưởng dân chủ với tư tưởng chủ nghĩa cá nhân.
Hơn thế, lần này vấn đề được Phan Khôi nêu ra với chính con người và xã hội
Việt Nam đương thời ông.
“Trong xã hội ta ngày nay có một phần rất đông người khuynh hướng về
chủ nghĩa dân trị (démocratie). Chẳng những người có học thức mới như thế;
trong đám bình dân, kém học thức mà mở miệng ra cũng ưng nói bình đẳng tự
do. Sự khuynh hướng đó, không phải là sự bắt chước nói theo mà thôi đâu; họ
muốn thiệt tình, vì họ ở dưới chính thể chuyên chế đã lâu, gần đây lại gặp lấy
phong trào ở ngoài làm như thúc giục họ (Bị kiểm duyệt bỏ).
Tuy vậy, họ ham muốn cái chủ nghĩa dân trị thiệt tình, mà làm thế nào cho
được thiệt hành cái chủ nghĩa ấy thì hình như ít ai suy nghĩ tới. Mà cũng đừng nói
đến sự thiệt hành nữa, giá có ai thiệt hành rồi để sẵn cho họ hưởng, là cũng chưa
chắc họ biết hưởng đâu"(8).
Phan Khôi ghi nhận sự tiến bộ về nhiều mặt của con người Việt Nam đương thời,
kể cả về tư tưởng xã hội, chính trị. Ông ghi nhận “mấy năm gần đây người mình quả có
phát đạt về tư tưởng quốc gia”, song ông nghi ngờ khả năng thực hành tư tưởng dân chủ
của đồng bào đương thời mình, thậm chí cho rằng họ chưa biết “hưởng sự lợi ích” của
chủ nghĩa dân chủ.
Vì sao vậy? Vì theo ông, chủ nghĩa dân trị (= dân chủ) trong đời sống quốc gia chỉ
có thể được thực hành bởi những người dân đã sống theo chủ nghĩa cá nhân (với những
hàm nghĩa như ông đã nói ở bài trên); thế mà ở xã hội của chúng ta thì chưa hề có cái
chủ nghĩa cá nhân đó; như vậy thật khó nói đến chuyện dân trị.
“Muốn thực hành cái chủ nghĩa dân trị trong một nước nào thì người làm
dân trong nước ấy trước phải thực hành cái cá nhân chủ nghĩa (individualisme)
mới được. Mà cái cá nhân chủ nghĩa ấy, ở nước ta xưa nay chưa hề có, cho đến
ngày nay cũng chưa thấy mấy ai đề xướng ra, thế mà nói chuyện dân trị, ôi, có
dễ dầu gì!”(9).
Phan Khôi trình bày sơ lược nội dung cái “chủ nghĩa cá nhân” ấy, theo cách hiểu
của ông:
“Cá nhân chủ nghĩa là hết thảy người trong nước, mỗi người đều độc lập
về phần mình; mà độc lập cả hai đường: về tinh thần và về vật chất vậy. Độc
lập về tinh thần, tức là mỗi người đều biết tự suy nghĩ lấy, tự phán đoán lấy,
nhắm lẽ phải ở đâu thì theo đó, chớ không làm nô lệ cho ý kiến của người nào
hay đảng phái nào. Độc lập về vật chất tức là độc lập về kinh tế, mỗi người đều
làm lấy mà nuôi sự sống mình, chớ không chịu nhờ vả ai, dầu con cũng không
nhờ cha, vợ cũng không nhờ chồng.
Có độc lập như vậy rồi mới nói chuyện hiệp quần được. Sự hiệp quần ví dụ
cũng như khi có bão to mà đông người đứng ra, giăng hàng chữ nhứt để đón
gió. Trong hàng chữ nhứt đó, người nào người nấy phải có sức mạnh mà trụ
chưn cho vững thì mới được. Bằng chẳng vậy, trong đó hết già nửa người yếu,
chỉ dựa vào mấy người mạnh kia, thì cái hàng chữ nhứt ấy sẽ không cự với gió
được mà lại ngã làm một cùng nhau. Bởi vậy, trước khi hiệp quần phải cần cho
mỗi người độc lập, tức là thiệt hành cái chủ nghĩa cá nhân"(10).
Theo Phan Khôi, nội dung ấy của chủ nghĩa cá nhân chưa hề có trong xã hội Việt
Nam, từ xa xưa cho đến thời ông:
“Xã hội ta xưa nay chưa hề chiêm bao tới cái sự độc lập đó! Ấy chẳng
đáng trách gì, cũng tại cái luân lý và cái chế độ kinh tế của ta nó ngăn cấm ta,
không cho mộng tưởng tới đó thôi. Theo đức Khổng Tử, «cha chết ba năm rồi
mà không đổi cái cách cuộc ăn ở của cha, như vậy gọi là hiếu». Thế thì bao
nhiêu những kẻ còn có cha phải vâng lời cha, phải tuân mạng lịnh của cha, là
sự mà luân lý bắt buộc, đã rõ ràng lắm rồi. Lại còn theo cái chế độ đại gia đình,
một người làm, nuôi không biết mấy người, như vậy là kẻ nầy phải nhờ kẻ kia
mà sống, đường kinh tế không độc lập.
Theo luân lý và chế độ ấy thì sống làm «thần dân» dưới chánh thể chuyên
chế mới được, chớ còn mong thiệt hành chủ nghĩa dân trị hay là hưởng sự lợi
ích của nó, có được đâu?"(11).
Bài báo Cá nhơn chủ nghĩa ấy, Phan Khôi viết nhân đọc bài diễn thuyết của
viên Tổng trưởng bộ Thuộc địa trong chính phủ Pháp là Paul Reynaud khi ông ta
sang công cán xứ Đông Dương thuộc địa (1931). Cái ý mà Phan Khôi muốn nhắc
tới là nhận xét của Paul Reynaud: “nước An Nam chưa có cái cá nhân chủ nghĩa
thì cũng chưa cho họ hưởng cả sự lợi ích của dân chủ được đâu”. Từ lập luận về
quan hệ thiết yếu giữa chủ nghĩa cá nhân của công dân và tính chất dân chủ của
thiết chế xã hội, Phan Khôi tán thành sự khuyến dụ của viên chức người Pháp nọ:
“Tôi nhận cho lời quan Tổng trưởng nói đó là một bài học hay cho người
Việt Nam, nếu chúng ta muốn hưởng sự tự do bình đẳng sau nầy thì ngay từ
đây ta phải, theo lời ngài, làm cho cái cá nhân chủ nghĩa nó nẩy nở ra trong xã
hội ta mới được”(12).