1. Thuật ngữ
1.1. Thuật ngữ là những từ ngữ làm tên gọi cho các khái niệm, các đối tượng được
xác định một cách chặt chẽ, chuẩn xác trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực khoa học
chuyên môn.
Ví dụ: Trong sinh vật học ta có: họ, loài, giống, bộ, lớp, ngành, đột biến, di truyền,
tính trội, tính lặn, biến dị, phân bào, đơn bào, đa bào, miễn dịch, kháng thể, kháng
nguyên,.
Trong ngôn ngữ học ta có: âm vị, hình vị, từ vị, cú vị, nghĩa vị, ngữ pháp vị, âm tố,
âm vực, nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm, âm tiết, âm đệm, âm chính, âm cuối,
âm đoạn, âm vực,.
Như vậy, mỗi môn khoa học, kĩ thuật đều có một hệ thống thuật ngữ của mình.
Tuy nhiên, đó không phải là những từ vựng biệt lập mà chúng là những bộ phận
riêng trong từ vựng của một ngôn ngữ thống nhất.
9 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1387 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân lớp từ ngữ theo phạm vi sử dụng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phân lớp từ ngữ theo phạm vi sử dụng
1. Thuật ngữ
1.1. Thuật ngữ là những từ ngữ làm tên gọi cho các khái niệm, các đối tượng được
xác định một cách chặt chẽ, chuẩn xác trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực khoa học
chuyên môn.
Ví dụ: Trong sinh vật học ta có: họ, loài, giống, bộ, lớp, ngành, đột biến, di truyền,
tính trội, tính lặn, biến dị, phân bào, đơn bào, đa bào, miễn dịch, kháng thể, kháng
nguyên,...
Trong ngôn ngữ học ta có: âm vị, hình vị, từ vị, cú vị, nghĩa vị, ngữ pháp vị, âm tố,
âm vực, nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm, âm tiết, âm đệm, âm chính, âm cuối,
âm đoạn, âm vực,...
Như vậy, mỗi môn khoa học, kĩ thuật đều có một hệ thống thuật ngữ của mình.
Tuy nhiên, đó không phải là những từ vựng biệt lập mà chúng là những bộ phận
riêng trong từ vựng của một ngôn ngữ thống nhất.
1.2. Thuật ngữ luôn luôn biểu thị khái niệm được xác định trong một ngành khoa
học và lệ thuộc vào hệ thống khái niệm của ngành đó. Trong các khoa học còn có
danh pháp (danh từ khoa học) của từng ngành. Danh pháp và thuật ngữ không phải
là một. Danh pháp chỉ là toàn bộ tên gọi cụ thể của các đối tượng được dùng trong
từng ngành khoa học mà thôi. Chẳng hạn, nếu ta có một danh sách về tên các loài
thực vật ở Việt Nam: xoan, muồng, bằng lăng, lát hoa, lát vân, lim, sến, táu, dổi,
dẻ, xoan đào,... thì đó là danh pháp thực vật Việt Nam.
So với từ ngữ thông thường thì thuật ngữ có ngoại diên hẹp hơn nhưng nội hàm
sâu hơn và được biểu thị một cách logic chặt chẽ hơn. Trong thuật ngữ không bao
giờ biểu thị những sắc thái phụ như thái độ đánh giá của người nói, xấu nghĩa hay
đẹp nghĩa, khen hay chế, kính trọng hay xem thường,... Từ ngữ bình thường cũng
biểu thị khái niệm nhưng đó là “khái niệm đời thường” chứ không hẳn là “khái
niệm khoa học”, có tính nghiêm ngặt của nó. Ví dụ: NƯỚC – “hợp chất của ô-xi
và hi-đrô” khác với NƯỚC trong nước mắt, nước dãi, nước bọt, nước tiểu, mỡ
nước, nước phở, nước xốt, nước mắm, nước mưa, nước ao...
1.3. Thuật ngữ có 3 đặc điểm cơ bản sau đây
1.3.1. Tính chính xác
Chính xác ở đây là chính xác và chuẩn tắc về nội dung khái niệm do nó biểu thị.
Nội dung đó có thay đổi hay không, thay đổi như thế nào là tuỳ theo sự phát triển,
khám phá của ngành khoa học chứ không lệ thuộc vào những biến đổi của hệ thống
từ vựng, ngôn ngữ như các từ thông thường.
1.3.2. Tính hệ thống
Mỗi thuật ngữ đều nằm trong một hệ thống nhất định và hệ thống ấy phải chặt chẽ.
Trước hết là phải bảo đảm tính hệ thống về mặt nội dung trong toàn bộ hệ thống
các khái niệm của từng ngành. Từ tính hệ thống về nội dung, dẫn đến tính hệ thống
về hình thức biểu hiện. Tính hệ thống về hình thức, ngược lại giúp cho người ta
biểu thị được và nhận ra được tính hệ thống trong nội dung. Ví dụ: Trong Toán học
ta có: đại số, hàm số, tham số, hiệu số, thương số, tích số, tổng số, tử số, mẫu số,
cơ số, căn số, hằng số, biến số, biến chính, biến bổ trợ, biến lưỡng trị, biến bù,
biến phụ thuộc, biến riêng, biến độc lập, biến ngẫu nhiên,...
1.3.3. Tính quốc tế
Trước hết phải là quốc tế hoá về mặt nội dung. Đây là yêu cầu tất yếu và nói chung
nội dung khái niệm của một ngành khoa học trong các nước là không lệch nhau.
Đó là biểu hiện của sự thống nhất khoa học trên con đường nhận thức chân lí.
Cái khó là quốc tế hoá về mặt hình thức. Không thể đòi hỏi sự quốc tế hoá hoàn
toàn về mặt hình thức của các thuật ngữ được, vì mỗi ngôn ngữ có những thuộc
tính riêng của nó. Có nên chăng là chỉ phấn đấu đạt tới tính quốc tế ở cách xây
dựng cấu trúc của mỗi thuật ngữ mà thôi.
Tuy vậy, thực tế cho thấy nhiều ngành khoa học ở một số khu vực trên thế giới đã
có những hệ thống thuật ngữ ít nhiều mang tính quốc tế trong khu vực đó. Ví dụ:
khu vực châu Âu với các ngôn ngữ Ấn Âu; khu vực tiểu Á, Bắc Phi với tiếng A-
rập; khu vực Đông Á và Nam Á với ảnh hưởng của tiếng Hán...
1.4. Vấn đề xây dựng và tiêu chuẩn hoá các hệ thống thuật ngữ thuộc các ngành
khoa học ở nước ta đã được nêu ra, thực hiện và vẫn đang tiếp tục thực hiện. Một
số từ điển thuật ngữ đối chiếu đã được biên soạn để phục vụ cho những ngành hữu
quan và đang tiếp tục xây dựng, biên soạn thêm, hoặc bổ sung, hoàn thiện.
2. Từ ngữ địa phương
2.1. Những từ thuộc một phương ngữ (tiếng địa phương) nào đó của ngôn ngữ dân
tộc và chỉ phổ biến trong phạm vi lãnh thổ địa phương đó, thì được gọi là từ địa
phương.
Như vậy, khái niệm từ địa phương trước hết nhằm vào những khác biệt về mặt từ
vựng chứ không phải là những khác biệt về mặt ngữ âm. Sự khác biệt chẳng hạn
như: lắt lẻo – lắc lẻo, gập ghềnh – gập ghình,... không phải là mục tiêu chú ý của
từ vựng.
2.2. Có những con đường khác nhau đã dẫn tới sự hình thành những kiểu phương
ngữ khác nhau.
2.2.1. Do sự vật được gọi tên chỉ có ở một vài địa phương nhất định nên tên gọi
của chúng trở thành từ địa phương. Loại này, trong từ vựng chung của toàn dân tộc
không có từ tương ứng với chúng. Ví dụ: nhút, lớ, (quả) tắt, chẻo... (phương ngữ
Trung Bộ), sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, tràm, trâm bầu, chao,... (phương ngữ
Nam Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam).
2.2.2. Có những từ cùng gọi tên một sự vật, hiện tượng với từ trong từ vựng chung,
nhưng hai từ khác nhau hoàn toàn về mặt ngữ âm. Ví dụ: ngái – xa, nỏ – không,
rào – sông, rú – núi, mô – đâu, tê – kia, rứa – thế, chộ – thấy, trốc – đầu, nhủ –
bảo, xán – đập/ném,... (phương ngữ Trung Bộ); má – mẹ, điệp – phượng, mè –
vừng, muỗng – thìa, lượm – nhặt, mắc cỡ – xấu hổ,... (phương ngữ Nam Trung Bộ
và Nam Bộ).
Trường hợp này có thể có hai nguyên nhân chính. Một là, cùng một sự vật nhưng
mỗi địa phương, trong quá trình phát triển cùng dân tộc, đã định danh một cách
khác nhau. Dần dần, một tên gọi (một cách định danh) của một địa phương trở nên
phổ biến rộng rãi, khiến cho tên gọi của địa phương kia không thể phổ biến được
nữa. Nó chỉ còn hoạt động tồn tại trong phạm vi địa phương và trở thành từ địa
phương. Hai là, cả hai từ vốn đã cùng là từ của từ vựng chung, nhưng sau đó, vì
xung đột đồng nghĩa, một từ phải rút lui và được bảo toàn trong phạm vi địa
phương rồi trở thành từ địa phương. Các cặp từ: đầu – trốc, nhủ – bảo,... là như
vậy.
2.2.3. Nhiều từ vốn là dạng cổ của từ tương ứng trong từ vựng chung hiện nay.
Dạng cổ đó được bảo toàn trong một địa phương, còn dạng mới, dạng hậu kì của
chúng thì đi vào từ vựng chung. Kết cục là hai dạng chỉ khác nhau ở một bộ phận
ngữ âm nào đó mà thôi. Ví dụ: gấy – gái, chí – chấy, nác – nước, kha – gà, khót –
gọt, cúi – gối, ví – với,...
2.2.4. Kiểu từ địa phương thứ tư là những từ đồng âm với từ trong từ vựng chung.
Có hai khả năng có thể dẫn tới tình hình này: Một là chúng quan hệ đồng âm thuần
tuý, ngẫu nhiên, hai là do trước đây, chúng vốn chỉ là một từ, nhưng một địa
phương nào đó đã chuyển đổi đối tượng gọi tên của từ đi, theo những chiều hướng
khác nhau; hoặc ngược lại, từ trong từ vựng chung đã chuyển đổi đi như thế.
Chúng ta có thể so sánh những ví dụ sau đây:
Từ Nghĩa chung Nghĩa trong phương ngữ Nam Bộ
ốm có bệnh gầy
hòm vật hình hộp để đựng đồ đạc săng, quan tài
thằn lằn thằn lằn thạch sùng
kiềng bếp kiềng rế
2.3. Các biến dạng địa phương của ngôn ngữ về mặt này hay mặt khác, hiện đang
tồn tại như một tất yếu. Điều đó, một mặt nói lên rằng ngôn ngữ thống nhất của
dân tộc vẫn tồn tại và thể hiện trong tính đa dạng của nó; mặt khác, lại nói lên rằng
sự tồn tại các tiếng địa phương là kết quả của những diễn biến lịch sử xã hội rất
khác nhau. Chính vì thế, từ vựng địa phương được xem như nơi bảo tồn được
những chứng tích xa xưa của ngôn ngữ dân tộc. Trong nhiều khía cạnh khảo sát, xử
lí đối với từ địa phương, việc tìm tòi những tàn dư cổ còn sót lại trong đó, là điều
rất có giá trị và đáng chú ý.
3. Từ nghề nghiệp
3.1. Từ nghề nghiệp là một lớp từ bao gồm những đơn vị từ ngữ được sử dụng phổ
biến trong phạm vi những người cùng làm một nghề nào đó.
Ví dụ: Các từ: thìu, choòng, lò chợ, lò thượng, đi lò,... là những từ thuộc về nghề
thợ mỏ. Các từ: bó, vét, xịt, phủ, bay, hom, thí một, thí hai, lót sống,... là của nghề
sơn mài.
3.2. Thật ra, nghề nào cũng cũng có các từ ngữ riêng của nó để chỉ: đối tượng lao
động, động tác lao động, nguyên liệu sản xuất, sản phẩm làm ra, công cụ để lao
động,...
Tuy vậy, không phải là hễ người ngoài nghề thì không thể biết được từ nghề
nghiệp. Người ta (trong phạm vi rộng rãi toàn xã hội) vẫn có thể hiểu được chúng
nhiều hay ít tuỳ theo mức độ quen biết của xã hội đối với nghề đó.
Ví dụ, nghề làm ruộng ở Việt Nam, nói chung cả xã hội đều không xa lạ với nó. Ai
cũng biết và sử dụng rất tự nhiên các từ như: cày, bừa, ruộng, bón, gieo,... nhưng
chắc chắn không phải ai cũng biết các từ: chia vè, cứt gián, nứt nanh, cắm vè, lúa
con, bông cài, đỏ đuôi, đứng cái,...
Như vậy, lớp từ nghề nghiệp tập trung chủ yếu ở những nghề mà xã hội ít quen
như: nghề làm giấy, làm đồ gốm, làm sơn mài (hoặc hát tuồng, hát chèo vốn cũng
được coi là nghề), nghề đúc đồng, nghề chài lưới,...
Ở một nước nông nghiệp như Việt Nam, những nghề thủ công nghiệp hoặc tiểu
công nghiệp vốn phân tán và không tiếp xúc rộng rãi với toàn xã hội. Vì thế, những
nghề thuộc phạm vi này có nhiều “từ nghề nghiệp” hơn cả. Ví dụ:
Nghề thợ mộc có: bào cóc, bào phá, bào xoa, chàng tách, mộng vuông, mộng nanh
sấu, mộng mỏ sẻ, xảm, phạt mộc, cất nóc, cầu bẩy, thuận, bức bàn,... Nghề hát
tuồng có: đào kép, lão, mụ, vai ấu, đào thương, đào chiến, đào điên, đào võ, đào
lẳng, đào yêu, đào đẻ, đào tiên, kép văn, kép võ, kép xanh, kép phong tình, kép
trắng, kép đỏ, kép rằn, kép núi, kép biển, lão đỏ, lão trắng, lão đen, lão văn, lão
võ, mụ ác, mụ lành,... (Xem thêm: Tạp chí Sân khấu, 11–12/1977).
3.3. Nói chung, sự hoạt động của các từ nghề nghiệp là không đồng đều, có từ thì
vô cùng hạn chế, nhưng cũng có không ít từ ngữ đã đi vào vốn từ vựng chung.
Chúng được coi là một trong những nguồn cung cấp thêm từ ngữ để làm phong
phú hơn cho vốn từ vựng chung.
4. Tiếng lóng
4.1. Nói cho giản dị thì tiếng lóng là một bộ phận từ ngữ do những nhóm, những
lớp người trong xã hội dùng để gọi tên những sự vật, hiện tượng, hành động,... vốn
đã có tên gọi trong vốn từ vựng chung, nhằm giữ bí mật trong nội bộ nhóm mình,
tầng lớp mình.
Khi nói đến tiếng lóng, người ta vẫn quen nghĩ rằng đó là ngôn ngữ riêng của
những bọn lưu manh, trộm cắp, bất lương, bọn làm ăn bất chính. Cách hiểu này có
phần hẹp hòi và không phản ánh đúng thực tế cuộc sống ngôn ngữ.
Sự thật là: mỗi tầng lớp xã hội, nói đúng hơn là mỗi một “tiểu xã hội” đều có thể
có những từ ngữ riêng (nhiều hay ít), được sử dụng riêng, nhằm giữ bí mật riêng
hoặc vui đùa riêng. Ví dụ: Bộ đội phòng không–không quân có những từ ngữ như:
lính phòng không (chưa vợ), lái F (vợ còn trẻ, chưa có con), lái bà già (vợ đã có
vài con, vợ đã cứng tuổi), đi Rờ, đi bán kính (tranh thủ về nhà trong khoảng cách
gần),...
Ngay cả sinh viên cũng có tiếng lóng của họ: phao (tài liệu sử dụng gian lận trong
kì thi), chết (thi hỏng), ngánh (nhìn trộm bài), phim (ghi sẵn bài vào giấy để xem
trộm), a lô (ra hiệu cầu cứu hoặc bảo cho bạn),...
4.2. Mặc dù cùng là những từ ngữ được dùng hạn chế trong từng nhóm, từng tầng
lớp người, nhưng tiếng lóng và từ nghề nghiệp căn bản khác nhau. Từ nghề nghiệp
dùng để gọi tên cho những đối tượng có trong nghề. Nó không có tên gọi tương
ứng trong từ vựng chung. Như vậy, ứng xử ngôn ngữ của từ nghề nghiệp và tiếng
lóng là khác nhau. Tính chất hạn chế trong sử dụng của hai loại từ này này cũng
khác nhau: Tiếng lóng được dùng để giữ bí mật, vui đùa một cách cố ý. Mặt khác,
đôi khi cũng còn phải tính đến cả yếu tố mốt của tiếng lóng nữa.
Chính vì vậy, khi tính bí mật của một từ tiếng lóng bị giải toả, tính chất mốt của nó
mất đi, thì nó cũng bị xoá bỏ. Tiếng lóng rất ít khi đi vào vốn từ vựng chung,
nhưng từ nghề nghiệp thì ngược lại.
4.3. Ở nước ta, trong bối cảnh xã hội mà chúng ta đang sống, trừ một nhóm rất ít
người buôn gian bán lận, làm ăn bất chính hoặc trộm cắp lưu manh, có vốn tiếng
lóng khá phong phú để góp phần che giấu hành vi của họ, hoặc tỏ ra cho có vẻ
“anh chị, thời thượng” còn thì các tầng lớp xã hội khác rất ít tiếng lóng (mà tiéng
lóng của họ lại chỉ để cho vui đùa là chủ yếu).
Như đã nói, tiếng lóng có tính “thời sự” và “mốt” của nó. Việc tổng kết, phát hiện
nghĩa tiếng lóng và cách cấu tạo của nó luôn luôn “lạc hậu” so với sự đổi mới vì
tính không ổn định của nó.
5. Lớp từ chung
5.1. Trừ những từ ngữ thuộc các lớp từ được sử dụng hạn chế về mặt lãnh thổ (từ
địa phương) hoặc về mặt “phương ngữ xã hội” (thuật ngữ, tiếng lóng, từ nghề
nghiệp), số còn lại được gọi là lớp từ vựng chung hoặc từ vựng toàn dân.
Ngay tên gọi của lớp từ này cũng đã ngụ ý rằng nó gồm những từ ngữ mà toàn dân,
mọi người, mọi nơi, mọi lúc đều có thể sử dụng một cách rộng rãi.
Lớp từ này có khối lượng từ ngữ lớn nhất, và trong từ vựng của ngôn ngữ nào cũng
vậy, nó đóng vai trò làm nền tảng. Nó cũng là cơ sở để thống nhất từ vựng và
thống nhất ngôn ngữ dân tộc, đồng thời là tài sản chung để mọi thành viên trong
dân tộc, trong xã hội sử dụng làm công cụ giao tiếp chung. Bởi vì nó gọi tên cho tất
cả những sự vật, hiện tượng, thuộc tính, quá trình,... thiết yếu nhất trong sự tồn tại
của đời sống con người.
5.2. Trong tương quan với từ vựng địa phương, từ nghề nghiệp, thuật ngữ và cả
tiếng lóng, lớp từ ngữ chung vừa làm chỗ dựa cho chúng, lại vừa được chúng bổ
sung cho. Trong trường hợp cần thiết, vẫn có những từ ngữ trong các lớp từ được
sử dụng hạn chế đó, được chấp nhận và tiếp thu vào vốn từ vựng chung (dĩ nhiên,
không phải là tất cả mọi từ). Đó là sự tác động qua lại hai chiều, là biểu hiện của
tính thống nhất trong cái đa dạng của từ vựng.