Tóm tắt. Rối loạn phổ tự kỉ (RLPTK) là rối loạn phát triển với những khiếm khuyết phức
tạp thể hiện ở tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ, giao tiếp phi ngôn ngữ và tư duy dập
khuôn. Trẻ RLPTK do thiếu hụt về giao tiếp và tương tác xã hội nên trẻ cũng thể hiện
những thiếu hụt kĩ năng bắt chước trong tương tác và giao tiếp. Bài viết mô tả những nét
cơ bản nhất về vai trò, đặc điểm của kĩ năng bắt chước ở trẻ RLPTK và đưa ra một số gợi
ý nhằm phát triển kĩ năng bắt chước cho trẻ RLPTK.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 317 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển kĩ năng bắt chước cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0119
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 6BC, pp. 129-135
This paper is available online at
PHÁT TRIỂN KĨ NĂNG BẮT CHƯỚC CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỈ
Phạm Thị Hải Yến
Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội
Tóm tắt. Rối loạn phổ tự kỉ (RLPTK) là rối loạn phát triển với những khiếm khuyết phức
tạp thể hiện ở tương tác xã hội, giao tiếp ngôn ngữ, giao tiếp phi ngôn ngữ và tư duy dập
khuôn. Trẻ RLPTK do thiếu hụt về giao tiếp và tương tác xã hội nên trẻ cũng thể hiện
những thiếu hụt kĩ năng bắt chước trong tương tác và giao tiếp. Bài viết mô tả những nét
cơ bản nhất về vai trò, đặc điểm của kĩ năng bắt chước ở trẻ RLPTK và đưa ra một số gợi
ý nhằm phát triển kĩ năng bắt chước cho trẻ RLPTK.
Từ khóa: Rối loạn phổ tự kỉ, kĩ năng, bắt chước.
1. Mở đầu
Trẻ RLPTK có khiếm khuyết đặc trưng là kĩ năng bắt chước [7]. Những khiếm khuyết thể
hiện ở những nhiệm vụ khác nhau như chuyển động của cơ thể mang tính biểu tượng và không biểu
tượng, biểu tượng và chức năng sử dụng đồ vật, sự thể hiện của nét mặt, điệu bộ cử chỉ. Ở trẻ bình
thường, bắt chước xuất hiện trong giai đoạn phát triển của trẻ và đóng vai trò rất quan trọng trong
phát triển nhận thức, giao tiếp xã hội, hành vi của trẻ như phát triển ngôn ngữ, chơi, tập trung chú
ý. Vấn đề này đã được các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu từ cuối thế kỉ XIX: Guernsey, Ritvo
và Provence, Uzgiris, Libby, S., Powell, S., Messer, D., & Jordan, R. (1997) [6, 8-11]. Các tác giả
nghiên cứu và so sánh khả năng bắt chước hành vi chơi giả vờ giữa nhóm trẻ Down, tự kỉ và trẻ
bình thường tronng quá trình thực hiện các nhiệm vụ [8].
Tiến sĩ Brooke Ingersoll, nhà tâm lí học thuộc trường đại học tại bang Michigan, người
nghiên cứu về lĩnh vực bắt chước ở trẻ tự kỉ. Ingersoll và các cộng sự đã nghiên cứu ảnh hưởng
của việc sử dụng phương pháp tiếp cận "tự nhiên" để dạy bắt chước cho trẻ em mắc chứng tự kỉ.
Bà nghiên cứu việc dạy trẻ tự kỉ sử dụng bắt chước cử chỉ điệu bộ, can thiệp hành vi một cách tự
nhiên. Bà đề cao cách tiếp cận hành vi trong môi trường tự nhiên để dạy trẻ cách bắt chước hành
động, cử chỉ điệu bộ trong môi trường tương hỗ. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng thiếu
hụt khả năng bắt chước ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập và phát triển của trẻ RLPTK [7].
Ở Việt Nam, vấn đề trẻ RLPTK cũng bắt đầu được quan tâm từ những năm đầu của thế kỉ
XXI. Hiện nay, đây vẫn đang là vấn đề hết sức mới mẻ. Một số các công trình nghiên cứu đề cập
đến vấn đề trẻ RLPTK như Nguyễn Thị Hương Giang & Trần Thị Thu Hà (2008) [2], Đào Thị
Thu Thủy (2010) [4]; Nguyễn Nữ Tâm An (2013) [1], Nguyễn Thị Thanh (2014) [3], Nguyễn Thị
Hoàng Yến (2014) [5]. . . . Các nghiên cứu trên chủ yếu nghiên cứu về rối loạn tâm lí, hành vi, biện
Ngày nhận bài: 20/5/2015. Ngày nhận đăng: 16/8/2015.
Tác giả liên lạc: Phạm Thị Hải Yến, địa chỉ e-mail: yenphamhai12@gmail.com
129
Phạm Thị Hải Yến
pháp can thiệp sớm, hỗ trợ giáo dục cho trẻ RLPTL. Chưa có nghiên cứu nào về vai trò, đặc điểm
của kĩ năng bắt chước ở trẻ RLPTK nhằm đưa ra những biện pháp hỗ trợ phát triển kĩ năng bắt
chước cho trẻ RLPTK.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Kĩ năng bắt chước và vai trò của bắt chước với sự phát triển của trẻ rối loạn
phổ tự kỉ
* Kĩ năng bắt chước
Bắt chước là việc thực hiện lại một hoạt động của người khác như việc lặp lại âm thanh, cử
chỉ, hành động hay lời nói... cụ thể là:
- Bắt chước hành động với đồ vật;
- Bắt chước cử chỉ, điệu bộ;
- Bắt chước môi - miệng;
- Bắt chước âm thanh;
- Bắt chước lời nói.
Kĩ năng bắt chước là một trong những kĩ năng nền tảng để hình thành kĩ năng giao tiếp và
phát triển ngôn ngữ cho trẻ RLPTK.
* Vai trò của bắt chước với sự phát triển của trẻ rối loạn phổ tự kỉ
Bắt chước xuất hiện rất sớm trong quá trình phát triển của trẻ và thỏa mãn hai chức năng
khác biệt: chức năng học tập thông qua việc trẻ học tập kiến thức cũng như các kĩ năng mới và
chức năng xã hội, trẻ thực hiện trao đổi tình cảm và giao tiếp xã hội với người khác. Từ đó, hình
thành các kĩ năng giao tiếp xã hội thông qua việc học bắt chước xã hội nhưng trẻ RLPTK lại thiếu
hụt kĩ năng này.
Khi trẻ tương tác trực diện với người chăm sóc thể hiện đặc trưng của việc tương tác qua lại
và bắt chước trong đó người chăm sóc và trẻ tham gia vào việc bắt chước cách phát âm và sự thể
hiện của nét mặt của người khác. Thông qua trò chơi bắt chước, trẻ thể hiện sự quan tâm giao tiếp
xã hội với người khác và tham gia vào hội thoại, luân phiên và cuối cùng là giao tiếp lời nói.
Trong năm đầu đời, hoạt động chơi của trẻ và người chăm sóc tập trung vào đồ vật và trẻ bắt
chước hành động của người lớn thông qua đồ chơi. Khi lên hai tuổi, các trò chơi bắt chước thường
liên quan đến cử chỉ, điệu bộ tình cảm. Bắt chước qua lại thể hiện sự quan tâm của trẻ và sự tham
gia vào giao tiếp giữa trẻ với người chăm sóc, chiến lược học tập hành động giao tiếp thông thường
qua việc sử dụng trò chơi và cử chỉ tình cảm.
Bắt chước qua lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tương tác với người khác. Việc
thực hiện các hành động tương tự trên cùng đối tượng/bắt đầu quá trình tương tác giữa trẻ mới biết
đi và kết quả là việc duy trì hoặc tăng cường tương tác xã hội theo hình thức bắt chước qua lại.
Duy trì bắt chước qua lại là phương thức chủ yếu của tương tác xã hội và giao tiếp tiền lời nói giữa
trẻ cùng độ tuổi. Những trao đổi bắt chước xuất hiện thúc đẩy tương tác xã hội bằng cách giao tiếp
về các hoạt động đang diễn ra và đóng vai trò tiếp thu các kĩ năng chơi phức tạp hơn.
Khả năng tương tác xã hội, tưởng tượng, tư duy của trẻ RLPTK kém nên việc thực hiện
hành động, cử chỉ điệu bộ là vô cùng khó khăn. Vì thế, người lớn nên làm mẫu và hướng dẫn trẻ
bắt chước làm theo là bước không thể thiếu trong quá trình dạy trẻ RLPTK.
130
Phát triển kĩ năng bắt chước cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
Bắt chước là điều kiện quan trọng để trẻ tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm từ người lớn và mở
rộng vốn kinh nghiệm của bản thân trẻ. Từ đó, tăng vốn hiểu biết, trải nghiệm, khả năng giao tiếp
và tư duy tưởng tượng cho trẻ.
Bắt chước xã hội trong thời thơ ấu là nền tảng để phát triển các kĩ năng giao tiếp xã hội
phức tạp sau này. Nó có tác động quan trọng vào việc phát triển kĩ năng giao tiếp xã hội khác.
2.2. Đặc điểm bắt chước ở trẻ tự kỉ
Giống như trẻ phát triển bình thường, trẻ RLPTK có khả năng bắt chước khác nhau và mức
độ cũng khác nhau. Nhìn chung, trẻ RLPTK có khó khăn trong việc bắt chước động tác của người
khác. Những khó khăn của trẻ thể hiện ở các nhiệm vụ bắt chước: hành động trên đồ vật, bắt chước
chuyển động của cơ thể, và bắt chước biểu hiện trên khuôn mặt...
Đặc trưng của trẻ RLPTK là khiếm khuyết về bắt chước các hành động đơn giản trên đồ
vật. Trẻ RLPTK khoảng 20 tháng thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bắt chước hành động trên đồ
vật quen thuộc kém hơn nhiều so với trẻ KTTT và trẻ bình thường. Một số nghiên cứu khác về trẻ
RLPTK mầm non cho thấy trẻ có khiếm khuyết bắt chước đồ vật kể cả hành vi bình thường và bất
bình thường. Ngược lại, một số nhóm khác chưa xác định được những khó khăn đó. McDonough,
Stahmer, Schreibman, và Thompson (1997) [10] không tìm thấy sự khác biệt đáng kể trong nhóm
trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nhiệm vụ bắt chước luôn và bắt chước lại hành động với đồ vật quen thuộc.
Trong mẫu trẻ lớn hơn (tuổi trung bình 8,1 tuổi), Hammes và Langdell (1981) [10] thấy rằng mặc
dù bắt chước hành động với đồ vật tưởng tượng và bắt chước hành động với một đối tượng thông
thường (ví dụ, sử dụng một cốc giả làm chiếc mũ) để phân biệt trẻ RLPTK với trẻ KTTT dựa trên
khả năng ngôn ngữ, thì việc bắt chước đồ vật thật giữa hai nhóm không có sự khác biệt. Trong
nhóm trẻ thiếu niên, Hobson và Lee (1999) [7] đã không tìm thấy khiếm khuyết đặc trưng ở trẻ
RLPTK khi phân tích hành động bắt chước chức năng trên đồ vật. Sự khác biệt về khả năng bắt
chước giữa các nhóm trẻ RLPTK lớn và nhỏ do khả năng bắt chước thuần thục của trẻ cũng như
các vấn đề liên quan đến phương pháp mã hóa hệ thống hay lựa chọn các nhiệm vụ quá đơn giản.
Trong nghiên cứu đầu tiên của De Myer (1972), các nhiệm vụ về bắt chước được phân
tích [10]. Ohta (1987) thấy sự khác biệt giữa trẻ tự kỉ chức năng cao không có ngôn ngữ với trẻ
mẫu giáo bình thường về bắt chước cử động của tay [10]. Rogers, Bennetto, McEvoy, và Pennington
(1996) tìm thấy thiếu niên tự kỉ chức năng cao có khiếm khuyết về bắt chước cử động đơn giản của
bàn tay [10]. Dawson et al. (1998) thấy khiếm khuyết ở trẻ tự kỉ có liên quan tới chậm phát triển
và việc điều khiển các động tác tay quen thuộc và mới [11]. Vì vậy, khiếm khuyết điển hình của
trẻ RLPTK là bắt chước sự chuyển động của cơ thể. Bắt chước sự chuyển động cơ thể tạo ra những
tác động lớn nhất trong các nhiệm vụ bắt chước. Trẻ RLPTK do có những khiếm khuyết về giao
tiếp và tương tác xã nên trẻ khó khăn trong việc bắt chước chuyển động cơ thể, ngôn ngữ không
lời. Cũng giống như chuyển động của cơ thể, sự cử động của môi miệng cũng là khiếm khuyết ở
trẻ RLPTK. Trẻ RLPTK có khiếm khuyết về bắt chước cử động môi miệng hơn là sự bắt chước
chuyển động của cơ thể so với trẻ bình thường. Với những khiếm khuyết giao tiếp xã hội dẫn đến
khả năng bắt chước người khác kém.
Vấn đề bắt chước ở trẻ RLPTK có thể là do khó khăn trong phối hợp động tác. Những khó
khăn trong việc phối hợp động tác ở trẻ RLPTK đã ngăn cản trẻ tham gia vào các hoạt động giao
tiếp phi ngôn ngữ hàng ngày, khiến cho trẻ mất khả năng học ý nghĩa và sử dụng hành vi giao
tiếp phi ngôn ngữ. Sự khó khăn trong phối hợp động tác và các bộ phận tương ứng ở người trưởng
thành, về sau trẻ suy yếu khả năng dùng động tác để lập kế hoạch và thực hiện chuyển động trong
131
Phạm Thị Hải Yến
khi mất đi các triệu chứng vận động. Trẻ RLPTK nhận thức cơ thể kém là do khó khăn về thói
quen lập kế hoạch và thực hiện chuyển động bắt chước.
Trẻ RLPTK có thể thể hiện sự bất thường trong tích hợp đầu vào thị giác và vận động, dẫn
đến ảnh hưởng bắt chước chuyển động của cơ thể.
Các mô hình xử lí thông tin bắt chước nằm bên dưới một số các nghiên cứu trước đó đã
được thử thách nặng do việc phát hiện ra tế bào thần kinh đặc biệt trong các khe thái dương trên
(STS) của khỉ xuất hiện để dành cho việc xử lí thông tin thị giác về hành động của người khác.
Một số tế bào thần kinh xuất hiện mã hoá tư thế cơ bản của khuôn mặt, tay chân, hoặc toàn bộ cơ
thể, trong khi những người khác xuất hiện để tham gia trong mã hóa sự chuyển động của cơ thể
các bộ phận liên quan đến các đối tượng hoặc mục tiêu. Một nhóm các tế bào thần kinh, xác định
trong vỏ não thùy trán ở khỉ, xuất hiện hành động cụ thể (chẳng hạn như tiếp cận và nắm bắt) đã
được thực hiện bởi những con khỉ cũng như khi quan sát những con khỉ khác khỉ thực hiện cùng
hành động cụ thể. Những tế bào thần kinh đã được dán nhãn "Nơron phản ánh" và được đặt tại khu
vực 44 Brodmann, tương ứng với vùng Broca trong não người [10]. Phát hiện này cho thấy khả
năng kết nối giữa các quan sát khác hành động của người khác, bắt chước, và giao tiếp ý nghĩa, với
các liên kết quan trọng đến ngôn ngữ. Trẻ RLPTK khiếm khuyết về trao đổi cảm xúc - xã hội cũng
như giảm sự chia sẻ, quan tâm, cảm xúc cũng như thiếu hụt khả năng bắt chước xã hội. Do vậy trẻ
khó khăn trong việc bắt chước hành động của đồ vật, cử chỉ, điệu bộ, âm thanh và lời nói.
2.3. Một số biện pháp phát triển kĩ năng bắt chước
* Thu hút sự chú ý của trẻ
Mục tiêu: Trẻ tập trung chú ý, lắng nghe, quan sát hành động, lời nói của giáo viên và cha
mẹ để từ đó có thể học kĩ năng bắt chước và làm theo.
Nội dung: Thu hút sự chú ý của trẻ tới giáo viên, đồ dùng, đồ chơi và nội dung chơi; Giúp
trẻ thoải mái và tham gia vào hoạt động và học cách bắt chước các hành động; Hướng sự chú ý
của trẻ tới các hoạt động đồng thời dạy trẻ cách lắng nghe, tiếp thu những điều giáo viên và cha
mẹ nói.
Cách tiến hành: Tổ chức các hoạt động chơi tạo ra tiếng động, âm thanh và bài hát có kèm
âm thanh để trẻ bắt chước tiếng động và hành động; Thu hút sự chú ý của trẻ bằng cách đưa ra các
đồ chơi, đồ dùng phong phú và hấp dẫn.
Điều kiện thực hiện: Khi thu hút sự chú ý của trẻ, giáo viên và cha mẹ phải hướng dẫn cụ
thể, có sự tương tác bằng mắt, đưa ra lời hướng dẫn ngắn gọn.
* Hướng dẫn qua băng mẫu
Mục tiêu: Trẻ hình thành và phát triển kĩ năng bắt chước với người khác thông qua các tình
huống xem mẫu qua băng hình.
Nội dung: Giáo viên, cha mẹ sưu tầm, quay các đoạn băng hoặc trực tiếp làm mẫu nội dung
giáo dục liên quan đến kĩ năng bắt chước cho trẻ RLPTK. Sau đó cùng trẻ theo dõi và hướng dẫn
trẻ cách bắt chước hành động, cử chỉ điệu bộ cũng như lời nói... Rút ra bài học và củng cố để trẻ
ghi nhớ và bắt chước.
Cách tiến hành: Giáo viên, cha mẹ xây dựng hoặc sưu tầm video, băng hình về các tình
huống liên quan; Trình chiếu băng hình cho trẻ xem; Hướng dẫn cho trẻ biết cách bắt chước; Rút
ra bài học cho trẻ; Củng cố và nhắc lại để trẻ ghi nhớ kiến thức.
Điều kiện thực hiện: Các tình huống trong băng phải cụ thể, ngắn gọn và rõ ràng. Giáo viên
132
Phát triển kĩ năng bắt chước cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
và cha mẹ phải tham gia tích cực cùng trẻ, luôn khuyến khích, động viên trẻ tham gia.
* Hướng dẫn, làm mẫu cụ thể, chi tiết
Mục tiêu: Trẻ hiểu được nhiệm vụ cần thực hiện là quan sát và lắng nghe giáo viên và cha
mẹ để có thể bắt chước và thực hiện được giống như người lớn.
Nội dung: Lựa chọn các trò chơi và hành động phù hợp với trẻ RLPTK. Giáo viên và cha
mẹ quan sát cách trẻ chơi và tương tác với người khác. Giáo viên hướng dẫn kết hợp với làm mẫu
cụ thể một cách chi tiết và rõ ràng.
Cách tiến hành: Lựa chọn trò chơi và hành động cụ thể; Làm mẫu cụ thể cho trẻ quan sát;
Chia nhỏ từng hoạt động và làm mẫu cho trẻ.
Điều kiện thực hiện: Hướng dẫn cụ thể, chia thành từng bước nhỏ và làm mẫu theo từng
bước. Đồng thời, điều chỉnh tốc độ làm mẫu cũng như độ dễ, khó của nhiệm vụ.
* Tổ chức trò chơi trong giờ hoạt động tự do
Mục tiêu: Thông qua các trò chơi giúp trẻ bắt chước hành động, cử chỉ điệu bộ, âm thanh
và có thể mô phỏng lại.
Nội dung: Giáo viên hoặc cha mẹ sưu tầm các trò chơi. Sau đó, tổ chức các trò chơi, thu hút
trẻ tham gia vào các trò chơi để trẻ bắt chước âm thanh, hành động, cử chỉ, điệu bộ của cô và các
bạn trong lớp.
Cách tiến hành: Giáo viên hoặc cha mẹ sưu tập trò chơi bắt chước tiếng kêu con vật, cho trẻ
nghe âm thanh và yêu cầu trẻ mô phỏng lại âm thanh.
Điều kiện thực hiện: Căn cứ vào khả năng, nhu cầu cũng như điều kiện gia đình, trường lớp
để tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ RLPTK.
* Dạy học thử nghiệm riêng biệt
Mục tiêu: dạy trẻ bắt chước kĩ năng học tập trong môi trường học tập cấu trúc dựa trên các
nguyên tắc phân tích hành vi ứng dụng.
Nội dung: GV và cha mẹ lưa chọn các nhiệm vụ cụ thể trong môi trường cấu trúc gợi mở
để hướng dẫn trẻ thực hiện các hành động và phát triển kĩ năng bắt chước.
Cách tiến hành: Trẻ tham gia vào nhiệm vụ trong môi trường cấu trúc cao và có sự hướng
dẫn trực tiếp của giáo viên hoặc phụ huynh; Trẻ và giáo viên ngồi đối măt với nhau tại bàn học.
Hành động bắt chước được chia thành các kĩ năng cụ thể riêng biệt. Người lớn lựa chọn các kĩ
năng cụ thể, như các hành động phi ngôn ngữ, những hành động có ý nghĩa mà trẻ chưa được thực
hiện; Dạy trẻ cách bắt chước để phản ứng lại kích thích trong cách ứng xử thông qua việc sử dụng
nhắc nhở rõ ràng, và củng cố ngẫu nhiên với phần thưởng hoặc biện pháp củng cố nhân tạo khác.
Điều kiện thực hiện: Các tình huống cụ thể, rõ ràng. Người lớn luôn hướng dẫn trẻ theo
từng bước riêng.
* Dạy trẻ tương tác trong môi trường tự nhiên
Mục tiêu: Dạy trẻ kĩ năng bắt chước trong môi trường xã hội một cách tự nhiên. dạy các kĩ
năng bắt chước trong tương tác xã hội đang diễn ra với người lớn. Phương pháp này sử dụng một
số chiến lược tự nhiên để dạy trẻ bắt chước, tăng sự phản ứng xã hội và động lực bên trong.
Nội dung: Giáo viên, cha mẹ dạy trẻ cách bắt chước trong môi trường một cách tự nhiên
với những đối tượng khác nhau. Nhắc nhở trẻ, làm mẫu các kĩ năng bắt chước cho trẻ rồi yêu cầu
trẻ thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình dạy, giáo viên và cha mẹ thường xuyên động viên, khuyến
khích trẻ thể hiện.
133
Phạm Thị Hải Yến
Cách tiến hành: Trong quá trình chơi, người lớn bắt chước hành động với đồ chơi, cử chỉ,
chuyển động cơ thể, và các âm thanh của trẻ; Người khác bắt chước hành động với đồ vật của trẻ,
chuyển động cơ thể, cử chỉ điệu bộ và các âm thanh cùng lúc với trẻ; Giáo viên bắt đầu làm mẫu
các hành động quen thuộc với đồ vật mà trẻ được tham gia. Khi trẻ bắt chước tốt hơn hơn, giáo
viên bắt đầu thực hiện thêm một số hành động mới; Hướng dẫn thể chất để khuyến khích trẻ bắt
chước các hành động được mô hình nếu trẻ không tự bắt chước sau khi quan sát mô hình mẫu.
Điều kiện thực hiện: Lựa chọn đồ chơi phát triển phù hợp với trẻ.
Mô tả các hành động bằng cách sử dụng ngôn ngữ đơn giản kết hợp với hành động, nhắc
nhở trẻ bắt chước hành động mẫu và củng cố ngẫu nhiên.
Củng cố ngẫu nhiên: Các giáo viên khen ngợi trẻ sau khi bắt chước và cho phép trẻ tiếp tục
chơi đồ chơi.
* Khuyến khích, động viên, khen thưởng trẻ
Mục tiêu: Trẻ RLPTK gặp khó khăn trong việc bắt chước. Khi được giáo viên động viên,
khuyến khích kịp thời, trẻ sẽ có thể thực hiện hành động tốt hơn.
Nội dung: Giáo viên, cha mẹ cùng tham gia vào hoạt động theo sự dẫn dắt của trẻ.
Khi người lớn và trẻ cùng tham gia vào hoạt động giao tiếp, trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ của
mình, giáo viên hoặc cha mẹ nên khen thưởng, khích lệ, động viên trẻ.
Cách tiến hành: Trong quá trình chơi, nên khuyến khích động viên trẻ trong suốt quá trình
chơi. Giáo viên, cha mẹ có thể động viên trẻ bằng phần thưởng hoặc quà hoặc khích lệ trẻ bằng
cách chạm vai, tay trẻ và nói: “Con làm tốt lắm”. Điều này giúp trẻ tăng khả năng thực hiện nhiệm
vụ của mình.
Điều kiện thực hiện: Khích lệ, động viên và khen thưởng trẻ một cách hợp lí.
* Xây dựng nhóm bạn bè
Mục tiêu: Xây dựng nhóm bạn để trẻ có thể kết bạn, vui chơi và hỗ trợ trẻ RLPTK tham gia
các hoạt động tại lớp học hòa nhập cũng như bắt chước hành động của các bạn trong nhóm.
Nội dung: Xây dựng vòng tay bạn bè là xây dựng một nhóm trẻ trợ giúp trẻ RLPTK trong
lớp học, trong học tập và vui chơi. Trẻ RLPTK có thể học cách ứng xử, hành vi của các bạn
trong nhóm.
Cách tiến hành: Những học sinh trong nhóm bạn bè được giáo viên tập huấn để thực hiện
tốt vai trò của mình. Giáo viên nên hướng dẫn học sinh như sau: Hướng dẫn trẻ RLPTK tận tình,
thực hiện cách hành vi để trẻ quan sát và mô phỏng; Khuyến khích trẻ RLPTK bắt chước các hành
động trẻ thực hiện; Sử dụng một số gợi ý, hình ảnh để trẻ RLPTK bắt chước.
Điều kiện thực hiện: Nhóm bạn bè phải thân thiện và có khả năng giúp đỡ người khác. Quy
định đơn giản, dễ thực hiện.
3. Kết luận
Các nghiên cứu về bắt chước ở trẻ RLPTK cho thấy bắt chước là khiếm khuyết đặc trưng ở
trẻ RLPTK. Khiếm khuyết này sẽ ảnh hưởng đến kĩ năng giao tiếp cho trẻ RLPTK. Để khắc phục
khiếm khuyết này, giáo viên cần giúp trẻ RLPTK hình thành và phát triển kĩ năng bắt chước, kĩ
năng nền tảng cho sự phát triển nhận thức và hành vi giao tiếp xã hội. Những hiểu biết cơ bản về
vai trò, đặc điểm cũng như các biện pháp nhằm phát triển kĩ năng bắt chước cho trẻ RLPTK giúp
giáo viên phụ huynh có thể hỗ trợ, hướng dẫn trẻ rèn luyện kĩ năng bắt chước cũng như các kĩ năng
khác để hòa nhập cộng đồng.
134
Phát triển kĩ năng bắt chước cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Nữ Tâm An, 2013. Biện pháp dạy học đọc hiểu cho học sinh RLPTK đầu cấp tiểu
học. Nxb .
[2] Nguyễn Thị Hương Giang & Trần Thị Thu Hà, 2008. Nghiên cứu xu thế mắc và một số đặc
điểm dịch tễ học của trẻ tự kỉ điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000 đến 2007.
Y học thực hành, 4, tr. 104-107.
[3] Nguyễn Thị Thanh, 2014. Biện pháp phát triển kĩ năng giao tiếp cho trẻ tự kỉ 3-4 tuổi. Luận
án tiến sĩ. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
[4] Đào Thị Thu Thuỷ, 2010. Định hướng xây dựng bài tập phát triển ngôn ngữ g