Tóm tắt. Bài báo đề cập tới cách thiết lập sơ đồ tư duy nội dung kiến thức
cần nhớ trong các bài ôn tập, luyện tập phần Hóa học Phi kim lớp 11 (nâng
cao) và sử dụng sơ đồ tư duy thiết kế các hoạt động học tập của HS trong
giờ học. Phương pháp sử dụng sơ đồ tư duy trong các bài ôn tập, luyện tập
giúp HS khái quát hóa, hệ thống hóa, tìm ra mối liên hệ giữa các kiến thức,
khắc phục được những hạn chế của phương pháp dạy học truyền thống, góp
phần thực hiện được mục tiêu của quá trình dạy học.
8 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 227 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển năng lực nhận thức và tư duy logic cho học sinh trong các giờ ôn tập, luyện tập phần Hóa học phi kim Lớp 11 (Nâng cao) bằng việc sử dụng sơ đồ tư duy, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci. 2011, Vol. 56, No. 4, pp. 69-76
PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NHẬN THỨC VÀ TƯ DUY LOGIC
CHO HỌC SINH TRONG CÁC GIỜ ÔN TẬP, LUYỆN TẬP
PHẦN HÓA HỌC PHI KIM LỚP 11 (NÂNG CAO)
BẰNG VIỆC SỬ DỤNG SƠ ĐỒ TƯ DUY
Phạm Thị Huyền, Nguyễn Đức Dũng và Vũ Quốc Trung(∗)
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Nguyễn Thị Phương Thúy
Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên
(∗)E-mail: vuquoctrungvn@yahoo.com
Tóm tắt. Bài báo đề cập tới cách thiết lập sơ đồ tư duy nội dung kiến thức
cần nhớ trong các bài ôn tập, luyện tập phần Hóa học Phi kim lớp 11 (nâng
cao) và sử dụng sơ đồ tư duy thiết kế các hoạt động học tập của HS trong
giờ học. Phương pháp sử dụng sơ đồ tư duy trong các bài ôn tập, luyện tập
giúp HS khái quát hóa, hệ thống hóa, tìm ra mối liên hệ giữa các kiến thức,
khắc phục được những hạn chế của phương pháp dạy học truyền thống, góp
phần thực hiện được mục tiêu của quá trình dạy học.
1. Mở đầu
Theo định hướng đổi mới dạy và học ngày nay, việc dạy học không chỉ dừng
lại ở dạy kiến thức mà còn dạy học sinh cách thức, con đường chiếm lĩnh kiến thức
đó một cách tích cực, chủ động và sáng tạo [1]. Trong các bài dạy thì dạng bài ôn
tập, luyện tập có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành phương pháp nhận thức
và tư duy logic cho học sinh. Qua đó, giáo viên có điều kiện rèn luyện cho học sinh
phương pháp tự học, tự tổng kết, hệ thống kiến thức đã được hình thành tản mạn
ở các bài, các phần thành một hệ thống hóa kiến thức có quan hệ chặt chẽ với nhau
theo một logic xác định, đồng thời hình thành và rèn luyện cho học sinh các kĩ năng
hóa học cơ bản [2]. Qua khảo sát thực tế, việc ôn tập còn mang tính nhắc lại bài cũ
theo một trình tự nhất định, chỉ mới “ôn” chứ chưa “tập” và “luyện”. Do đó học sinh
chưa biết cách hệ thống hóa kiến thức, sẽ thụ động nghe giảng, ghi chép mà không
biết tự lưu kiến thức trọng tâm vào trí nhớ của mình. Vì vậy, việc phát triển năng
lực nhận thức và tư duy logic cho học sinh trong các bài ôn tập, luyện tập là một
việc làm cần thiết [3].
69
Phạm Thị Huyền, Nguyễn Đức Dũng, Vũ Quốc Trung và Nguyễn Thị Phương Thúy
Trong các kĩ thuật dạy học được sử dụng để hệ thống hóa và hoàn thiện kiến
thức, chúng tôi nhận thấy kĩ thuật dạy học sử dụng sơ đồ tư duy đã khắc phục được
những hạn chế về ghi nhớ của học sinh, mặt khác có thể giúp học sinh phát triển
được năng lực nhận thức, tư duy logic, hệ thống và khái quát kiến thức một cách
có hiệu quả [4, 5].
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Sơ đồ tư duy
Sơ đồ tư duy là một công cụ tổ chức tư duy nền tảng và đơn giản, là phương
tiện ghi chép đầy đủ và sáng tạo do G.S Tony Buzan, một trong những giáo sư hàng
đầu thế giới phát minh ra. Sơ đồ tư duy có thể được sử dụng trong các buổi thuyết
trình, đọc sách, làm việc theo nhóm,. . . [6]. Hiện nay trên thế giới có khoảng 250
triệu người thường xuyên sử dụng sơ đồ tư duy và tại Việt Nam sơ đồ này đã được
sử dụng nhiều trong dạy học ở các môn như Văn học, Giáo dục công dân, Toán học,
Vật lí. Tuy nhiên sơ đồ tư duy chưa được sử dụng nhiều trong lĩnh vực dạy và học
môn Hóa học.
Sơ đồ tư duy có cấu trúc cơ bản là các nội dung được phát triển rộng ra từ
trung tâm, nó giống như cấu trúc của cây trong thiên nhiên [6]. Trong môn Hóa
học, có thể sử dụng sơ đồ tư duy để liên kết các khái niệm quan trọng, các tính chất
của chất và hợp chất,... khi học sinh ôn tập, hệ thống hóa kiến thức.
Việc tạo lập sơ đồ tư duy được thực hiện nhanh chóng và trực quan thông qua
phần mềm Mindjet MindManager Pro 7.0.
Để thiết lập sơ đồ tư duy, chúng ta có thể bắt đầu từ trung tâm với một chủ
đề hoặc hình ảnh của chủ đề, nối các nhánh chính đến các nhánh nhỏ sao cho khoa
học, súc tích, trực quan để làm nổi bật được kiến thức trọng tâm cần ghi nhớ và
mối liên hệ hữu cơ giữa các kiến thức đó. Cần sử dụng màu sắc và các đường kẻ
cong được tổ chức rõ ràng để kích thích não và thu hút sự chú ý của mắt.
Có hai cách thiết lập sơ đồ tư duy là vẽ bằng tay và sử dụng phần mềm vi
tính. Với cách vẽ bằng tay, chúng ta cần giấy và bút màu. Hãy đặt ngang tờ giấy, vẽ
một khung hình trung tâm có ý chính của bài học, kéo dài các nhánh từ khung hình
mà bạn đã vẽ sau đó liên kết các ý trong bài bằng các từ ngắn gọn. Hãy điền biểu
tượng hay hình minh họa vào từng nhánh để nổi bật vấn đề đặc biệt là việc phối
hợp các màu sắc. Mặt khác, việc thiết lập sơ đồ tư duy còn được thiết lập nhanh
chóng thông qua phần mềm Mindjet MindManager Pro 7.0.
Trong các bài dạy thì dạng bài ôn tập, luyện tập giúp học sinh khái quát hóa,
hệ thống hóa, đào sâu, mở rộng kiến thức đã được học tản mạn ở các phần, tìm
ra mối liên hệ giữa các kiến thức, khắc phục được những hạn chế của phương pháp
70
Phát triển năng lực nhận thức và tư duy logic cho học sinh trong các giờ ôn tập,...
dạy học truyền thống. Có thể nói sơ đồ tư duy là một công cụ đắc lực giúp học sinh
thực hiện được điều đó. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh sử dụng phần mềm
này để sơ đồ hóa kế hoạch tự học dưới dạng sơ đồ tư duy [6, 7].
Hình 1. Sử dụng sơ đồ tư duy để sơ đồ hóa kế hoạch tự học của học sinh
Với học sinh, để thực hiện được kế hoạch này thì bản thân các em cần phải
sắp xếp công việc học tập ở nhà và trên lớp một cách thật khoa học, trình tự khâu
chuẩn bị theo các bước từ 1 đến 5, khi đã chuẩn bị sơ đồ hóa bài học, đến lớp học
sinh không còn bị động ở khâu ghi chép bài mà dành thời gian tham gia các hoạt
động dạy học dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Đối với giáo viên, không tiến hành kiểm tra miệng đầu giờ mà thay vào đó
là kiểm tra sự chuẩn bị lập sơ đồ tư duy bài học của học sinh ở nhà, đánh giá cho
điểm thông qua sự tham gia hoạt động trên lớp của học sinh. Giáo viên cần phối
hợp nhịp nhàng giữa dạy học và tự học của học sinh theo sơ đồ tư duy, đặc biệt chú
ý đến kiến thức trọng tâm của bài giảng, phân bố thời gian tổ chức các hoạt động
hợp lí, chuẩn bị phiếu học tập cho từng bài học để học sinh có điều kiện vận dụng
kiến thức ngay tại lớp.
71
Phạm Thị Huyền, Nguyễn Đức Dũng, Vũ Quốc Trung và Nguyễn Thị Phương Thúy
2.2. Cách thiết lập sơ đồ tư duy nội dung kiến thức cần nhớ bài
ôn tập, luyện tập phần Hóa học phi kim lớp 11 (nâng cao)
Hình 2. Sơ đồ tư duy kiến thức cần nhớ ở Bài 13. Luyện tập tính chất
của nitơ và hợp chất của nitơ (SGK 11 nâng cao)
Hình 3. Sơ đồ tư duy kiến thức cần nhớ ở Bài 17. Luyện tập tính chất
của photpho và các hợp chất của photpho (SGK 11 nâng cao)
72
Phát triển năng lực nhận thức và tư duy logic cho học sinh trong các giờ ôn tập,...
Để thiết lập sơ đồ tư duy kiến thức cần nhớ của các bài ôn tập và luyện tập,
chúng tôi dựa vào nội dung kiến thức của từng phần để xác định các vấn đề trung
tâm và các nhánh phụ. Sau đó chúng tôi sử dụng phần mềm Mindjet Mindmanager
Pro 7.0 để xây dựng và hướng dẫn học sinh tự xây dựng sơ đồ tư duy cho bài luyện
tập phần Hóa học phi kim lớp 11 (nâng cao). Sơ đồ tư duy kiến thức cần nhớ về các
nguyên tố phi kim được trình bày ở Hình 2, Hình 3 và Hình 4.
Hình 4. Sơ đồ tư duy kiến thức cần nhớ ở Bài 24. Luyện tập tính chất
của cacbon, silic và hợp chất của chúng (SGK 11 nâng cao)
2.3. Sử dụng sơ đồ tư duy thiết kế các hoạt động học tập của
học sinh trong giờ học
Giáo viên có thể sử dụng sơ đồ tư duy theo các bước sau:
- Giáo viên kiểm tra sơ đồ tư duy đã chuẩn bị ở nhà của các nhóm theo nội
dung được phân công.
- Một số nhóm lên trình bày sơ đồ tư duy của mình, các nhóm khác theo dõi
và nhận xét.
- Giáo viên tổng kết và đưa ra sơ đồ tư duy nội dung kiến thức của bài luyện
tập hoặc giao cho một nhóm khác đảm nhiệm công việc này.
- Giáo viên đưa ra hệ thống bài tập củng cố để rèn luyện kĩ năng cho học sinh.
73
Phạm Thị Huyền, Nguyễn Đức Dũng, Vũ Quốc Trung và Nguyễn Thị Phương Thúy
Từ cơ sở lí luận và thực tế áp dụng sơ đồ tư duy trong việc thiết kế các hoạt
động học tập của học sinh trong các bài ôn tập, luyện tập, chúng tôi đã thu được
kết quả như sau:
- Học sinh rất hứng thú khi cùng các bạn trong nhóm trao đổi để thiết kế sơ
đồ tư duy theo một chủ đề kiến thức. Nhờ sơ đồ tư duy mà học sinh có thể khắc
sâu được kiến thức và vận dụng linh hoạt vào các tình huống trong thực tiễn.
- Sử dụng thành thạo và hiệu quả sơ đồ tư duy sẽ giúp học sinh sáng tạo hơn,
ghi nhớ tốt hơn, tiết kiệm thời gian, nhìn thấy bức tranh tổng thể, tổ chức và phân
loại suy nghĩ của bạn, do đó nâng cao được năng lực nhận thức và tư duy logic cho
học sinh. Mặt khác phương pháp này rất đơn giản, dễ sử dụng, nó tạo ra cho các
em phương pháp tư duy không chỉ trong giờ ôn tập, tổng kết môn Hóa học mà cả
trong từng bài học và các môn học khác.
Chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm sư phạm để đánh giá tính hiệu quả của
việc áp dụng sơ đồ tư duy trong việc thiết kế các hoạt động học tập của học sinh.
Quá trình được thực hiện tại trường THPT Nguyễn Trãi và THPT Nguyễn Du -
Thái Bình, năm học 2009 – 2010. Ở mỗi trường chúng tôi chọn một cặp lớp có trình
độ tương đương, số lượng học sinh như nhau và của cùng một giáo viên dạy môn
Hóa. Ở lớp thực nghiệm dạy theo giáo án có sử dụng sơ đồ tư duy, lớp đối chứng
dạy theo giáo án của giáo viên thường sử dụng. Kết quả giờ dạy được đánh giá bằng
bài kiểm tra cuối giờ với đề bài hai lớp là như nhau sau đó được xử lí bằng phương
pháp thống kê toán học.
Bảng 1. Phân phối tần số, tần suất và tần suất
lũy tích qua bài kiểm tra
Xi
Số học sinh đạt Tỉ lệ học sinh Tỉ lệ học sinh đạt điểm
điểm Xi đạt điểm Xi(%) từ Xi trở xuống(%)
TN ĐC TN ĐC TN ĐC
0 0 0 0 0 0 0
1 0 0 0 0 0 0
2 0 1 0 1,05 0 1,05
3 0 3 0 3,16 0 4,21
4 4 7 4,30 7,37 4,30 11,58
5 3 16 3,23 16,84 7,53 28,42
6 6 23 6,45 24,21 13,98 52,63
7 17 25 18,28 26,32 32,26 78,95
8 30 12 32,26 12,63 64,52 91,58
9 26 5 27,96 5,26 92,47 96,84
10 7 3 7,52 3,16 100 100
Tổng 93 95 100 100
74
Phát triển năng lực nhận thức và tư duy logic cho học sinh trong các giờ ôn tập,...
Bảng 2. Các tham số đặc trưng của bài kiểm tra
Bài kiểm X¯ ±m S
2 S V (%)
tra lần 1 TN ĐC TN ĐC TN ĐC TN ĐC
7,85 ± 0.02 6,35 ± 0.02 1.98 2.54 1.41 1.59 17,96 25.04
Hình 5. Đồ thị đường lũy tích kết quả bài kiểm tra
Dựa trên kết quả thực nghiệm và thông qua việc xử lí số liệu thực nghiệm,
chúng tôi nhận thấy chất lượng học tập ở lớp thực nghiệm cao hơn lớp đối chứng.
3. Kết luận
Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và xây dựng sơ đồ tư duy áp dụng
cho dạng bài ôn tập, luyện tập phần Hóa học phi kim lớp 11 (nâng cao), chúng tôi
đã góp phần phát triển được năng lực nhận thức, khả năng tư duy logic, sáng tạo
cho học sinh, qua đó hình thành cho học sinh phương pháp tự học, tự khái quát
hóa, đào sâu kiến thức, ghi nhớ kiến thức bằng trí nhớ hình ảnh mang lại cho học
sinh niềm say mê, hứng thú học tập. Sử dụng sơ đồ tư duy đã góp phần khắc phục
được những hạn chế của các phương pháp dạy học truyền thống, từng bước nâng
cao chất lượng dạy và học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường, 2005. Tài liệu hội thảo tập huấn phát triển
năng lực nhận thức thông qua phương pháp dạy học và phương tiện dạy học. Bộ
Giáo dục và Đào tạo - Dự án phát triển Giáo dục Trung học phổ thông.
[2] Nguyễn Cương, Nguyễn Mạnh Dung, Nguyễn Thị Sửu, 2000. Phương pháp dạy
học Hóa học tập 1. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[3] Đặng Thị Oanh, Nguyễn Thị Sửu, 2006. Phương pháp dạy học các chương mục
quan trọng trong chương trình sách giáo khoa Hóa học phổ thông. Nxb Đại học
Sư phạm, Hà Nội.
75
Phạm Thị Huyền, Nguyễn Đức Dũng, Vũ Quốc Trung và Nguyễn Thị Phương Thúy
[4] Nguyễn Cương, 2007. Phương pháp dạy học Hóa học ở trường phổ thông và đại
học. Một số vấn đề cơ bản. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[5] Tony Buzan, 2007, Sử dụng trí tuệ của bạn. Nxb Tổng hợp, thành phố Hồ Chí
Minh.
[6] Gia Linh, 2007. Hướng dẫn sử dụng bản đồ tư duy. Nxb Từ điển Bách Khoa.
[7] Tony Buzan, 2007. How to mind map. Công ty sách Anpha.
[8] Lê Xuân Trọng, Nguyễn Hữu Đĩnh, Lê Chí Kiên, Lê Mậu Quyền, 2007. Hóa học
11 nâng cao. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
ABSTRACT
Development of awareness and capacity for logical thinking of students
in revision and practice hours in Chemistry of the 11th class (enhanced level)
with some knowledges on Non-metallic by using the scheme of thinking
The paper deals with the way of building scheme of thinking with some knowl-
edges on Non-metallic in revision and practice hours in Chemistry of the 11th class
(enhanced level) and using the scheme of thinking to organize study activities for
students. Method of using this scheme of thinking helps students to generalize, to
systematize, to find out the relationship between knowledges and overcomes short-
comings of traditional teaching methods, contributing to carrying out the aim of
teaching.
76