Chương này sẽ trình bày các bước tiến hành nghiên cứu xã hội học, sau đó giới
thiệu một số phương pháp nghiên cứu cơ bản có thể giúp những người mới nghiên
cứu có thể tiến hành được một nghiên cứu xã hội học như phỏng vấn sâu, phỏng
bằng bảng hỏi, phỏng vấn nhóm và phát vấn bằng bảng hỏi. Chương này kết thúc
bằng việc giới thiệu cách thức xây dựng bảng hỏi trong nghiên cứu xã hội học.
12 trang |
Chia sẻ: tranhoai21 | Lượt xem: 1399 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phương pháp nghiên cứu xã hội học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU XÃ HỘI HỌC
Chương này sẽ trình bày các bước tiến hành nghiên cứu xã hội học, sau đó giới
thiệu một số phương pháp nghiên cứu cơ bản có thể giúp những người mới nghiên
cứu có thể tiến hành được một nghiên cứu xã hội học như phỏng vấn sâu, phỏng
bằng bảng hỏi, phỏng vấn nhóm và phát vấn bằng bảng hỏi. Chương này kết thúc
bằng việc giới thiệu cách thức xây dựng bảng hỏi trong nghiên cứu xã hội học.
9.1. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH NGHIÊN CỨU XÃ HỘI HỌC
Trong nghiên cứu khoa học nói chung và xã hội học nói riêng, trong quá trình
nghiên cứu, người nghiên cứu đều phải trải qua các giai đoạn nhất định để đạt đến
đích của nghiên cứu. Đối với nghiên cứu xã hội học, các bước tiến hành được xác
định như sau:
9.1.1. Chuẩn bị
a. Xác định vấn đề nghiên cứu
Với bất cứ một công trình nghiên cứu nào, để bắt đầu, người nhiên cứu phải xác
định được vấn đề nghiên cứu. Trong xã hội học, vấn đề nghiên cứu là các câu hỏi
của người nghiên cứu về các hiện tượng, quá trình xã hội. Nói cách khác, thông
qua vấn đề nghiên cứu người ta sẽ biết được khi nghiên cứu kết thúc nó sẽ trả lời
cho câu hỏi nào.Cụ thể hơn, vấn đề nghiên cứu cho biết người nghiên cứu sẽ
nghiên cứu cái gì. Vấn đề nghiên cứu không phải là lĩnh vực hay chủ đề nghiên
cứu.
Việc xác định vấn đề nghiên cứu một cách rõ ràng có vai trò rất quan trọng trong
quá trình thực hiện nghiên cứu, nó quyết định sự thành công của nghiên cứu xã hội
học. Theo Quyết & Thanh (2001), vấn đề nghiên cứu được sử dụng như kim chỉ
nam của nghiên cứu. Xác định được vấn đề nghiên cứu giúp cho người nghiên cứu
định hướng được nghiên cứu. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu nó cũng có
thể được điều chỉnh cho phù hợp với nội dung nghiên cứu. Vấn đề nghiê cứu có
thể được xác định dựa vào các yếu tố như sau:
o Các tranh luận khoa học: là những tranh cãi của các nhà khoa học về những chủ
đề nghiên cứu nào đó. Trên thực tế, đối với mỗi chủ để nghiên cứu, các nhà xã hội
học có những cách tiếp cận và lập luận khác nhau. Họ có thể đồng ý hay không
đồng ý lẫn nhau. Đây là một căn cứ tốt để người nghiên cứu có thể bày tỏ lập luận
của mình về chủ đề nghiên cứu đó, có thể ủng hộ, bác bỏ hay đưa ra lập luận hoặc
tranh cãi hoàn toàn mới tùy thuộc vào hướng nghiên cứu của người nghiên cứu
o Những lỗ hổng của những nghiên cứu trước đó. Với mỗi chủ đề nghiên cứu,
thông thường, có rất nhiều khía cạnh khác nhau. Mặc dù, có thể chủ đề nghiên cứu
không có gì mới nhưng chưa chắc đã bao quan hết được các khía cạnh. Việc người
nghiên cứu nào đó tìm ra được những khía cạnh hay những mặt mà các nhà nghiên
cứu trước đó chưa nghiên cứu sẽ là cơ hội tốt để phát triển nghiên cứu của mình.
o Những thành công và thất bại từ các hiện tượng, vấn đề xã hội trong thực tiễn:
theo cách này, người nghiên cứu có thể quan sát các hiện tượng thực tiễn trong xã
hội, thông qua đó đặt câu hỏi cho các hiện tượng. Ví dụ, trong cùng một địa bàn,
có một nhóm dân cư giải quyết tốt vấn đề tệ nạn xã hội, một nhóm khác thì thất
bại. Khi đó người nghiên cứu có thể xác định vấn đề nghiên cứu của mình bằng
việc đặt câu hỏi tại sao.
Như vậy, để xác định được vấn đề nghiên cứu, người nghiên cứu có thể dựa vào
quan sát, kinh nghiệm cá nhân hoặc dựa vào những nguồn tài liệu đã xuất bản
(sách, báo, báo cáo dự án...). Tuy nhiên, trong quá trình xác định vấn đề nghiên
cứu, để tăng tính thuyết phục người nghiên cứu cần trả lời câu hỏi tại sao vấn đề
đó là vấn đề nghiên cứu; tại sao vấn đề nghiên cứu đó cần được nghiên cứu chứ
không phải nghiên cứu vấn đề khác. Bên cạnh đó, người nghiên cứu cũng cần xem
xét tính khả thi của vấn đề nghiên cứu trước khi thực hiện nghiên cứu. Nó phải hội
tụ đủ các điều kiện khách quan và chủ quan cho việc thực hiện nghiên cứu, từ kinh
phí nghiên cứu đến đối tượng nghiên cứu và cách thức thu thập thông tin (Baker,
1995)
b. Xác định mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu là những nội dung nghiên cứu cần đạt được, là cái đích mà
nghiên cứu cần làm rõ. Mục tiêu nghiên cứu, về cơ bản, khác với mục đích nghiên
cứu. Cụ thể, nếu mục tiêu nghiên cứu trả lời câu hỏi cần phải làm cái gì hay
nghiên cứu cái gì để làm rõ vấn đề nghiên cứu thì mục đích nghiên cứu trả lời câu
hỏi nghiên cứu để làm gì.
Việc xác định mục tiêu nghiên cứu cần căn cứ vào các vấn đề do chính yêu cầu
của công trình nghiên cứu đặt ra. Nói cách khác, nó phụ thuộc vào những vấn đề
mà tác giả nghiên cứu muốn làm sáng tỏ.
Thông thường mục tiêu nghiên cứu bao gồm mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ
thể. Mục tiêu tổng quát là mục tiêu hướng đến giải quyết vấn đề trung tâm xuyên
suốt đề tài. Các mục tiêu cụ thể được phát triển dựa trên mục tiêu tổng quát đó.
Việc giải quyết các mục tiêu cụ thể sẽ giúp làm rõ mục tiêu tổng quát. Như vậy,
mục tiêu cụ thể là tập hợp các công việc cụ thể được coi như thành phần cấu thành
nên mục tiêu tổng quát. Trong một đề tài nghiên cứu, số lượng mục tiêu cụ thể tùy
thuộc vào nội dung cũng như tính phức tạp của công trình nghiên cứu đó.
c. Xây dựng giả thuyết nghiên cứu
Giả thuyết nghiên cứu là những kết luận hay giả định của người nghiên cứu đối
với vấn đề nghiên cứu nhằm xem xét, phân tích, kiểm chứng nó trong toàn bộ quá
trình nghiên cứu. Nó là những dự đoán của người nghiên cứu về những cái mà họ
hy vọng và chờ đợi từ nghiên cứu. Như vậy, trong một nghiên cứu khoa học, bên
cạnh mục tiêu nghiên cứu, giải thuyết nghiên cứu có vài trò định hướng nghiên
cứu. Xây dựng giả thuyết nghiên cứu được coi như là một bước nhận thức sơ bộ
về vấn đề nghiên cứu.
Khi tiến hành xây dựng giả thuyết nghiên cứu, cần chú ý đến tính khả thi của giả
thuyết (có thể kiểm định được hay không). Một nghiên cứu có thể có nhiều giả
thuyết nghiên cứu, tuy nhiên, mỗi giả thuyết nghiên cứu thường gắn liền với một
mục tiêu nghiên cứu cụ thể. Giả thuyết có thể đi ngược lại những kết luận của các
nghiên cứu trước, song, trường hợp này được sử dụng khi người nghiên cứu có đủ
bằng chứng để chứng minh. Giả thuyết nghiên cứu phải được khẳng định lại trong
kết luận của đề tài nghiên cứu. Sự phù hợp hay không phù hợp của giả thuyết sau
khi được kết luận/kiểm chứng đều có ý nghĩa.
Căn cứ vào nội dung diễn đạt trong giả thuyết, người ta chia giả thuyết nghiên cứu
thành ba loại: Giả thuyết mô tả, giả thuyết giải thích và giả thuyết xu hướng.Giả
thuyết mô tả chỉ ra những nét đặc trưng, thực trạng của đối tượng nghiên cứu. Giả
thuyết mô tả không cho biết nguyên nhân của các sự kiện, tình huống. Giả thuyết
giải thích: chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng xã hội. Giả thuyết xu hướng: Chỉ ra
xu hướng sẽ diễn ra trong tương lai của vấn đề nghiên cứu)
d. Xác định khung khung phân tích
Khung phân tích là hệ thống các khái niệm liên quan đễn lĩnh vực nghiên cứu
(Ngọ et al., 1997). Khung phân tích có thể xuất hiện với tên gọi khác như: khung
lý thuyết; mô hình lí luận; mô hình lý thuyết.
Xác định khung phân tích là điều không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu.
Khung phân tích cho biết vấn đề nghiên cứu sẽ được tiếp cận theo cách nào hay
được phân tích như thế nào trong quá trình nghiên cứu. Khung phân tích có thể
dựa vào một hay một vài mô hình lý thuyết hiện có hoặc được người nghiên cứu
xây dựng trong quá trình nghiên cứu. Ví dụ khi nghiên cứu về sinh kế của hộ gia
đình, người nghiên cứu có thể nhìn dưới dạng năm nguồn vốn: vật chất, tài chính,
tự nhiên, con người và xã hội.
e. Thao tác hóa khái niệm và xây dựng các chỉ báo
Trong các nghiên cứu nói chung và nghiên cứu xã hội học nói riêng người nghiên
cứu luôn phải sử dụng các những khái niệm để mô tả, đánh giá hay để giải thích
những tình huống, những trường hợp riêng biệt nào đó. Những khái niệm này đôi
khi mang hàm ý quá rộng hoặc có thể làm cho những người tham gia hiểu theo các
cách khác nhau. Quá trình biến các khái niệm trừu tượng, phức tạp thành các khái
niệm đơn giản hơn được gọi là thao tác hóa khái niệm.
Kèm theo quá trình thao tác hóa khái niệm là việc xây dựng các chỉ báo. Chỉ báo
là đặc tính của đối tượng nghiên cứu cho phép người nghiên cứu có thể quan sát,
đo lường (Quyết & Thanh, 2001). Ví dụ khi nghiên cứu về địa vị xã hội các chỉ
báo có thể là vị trí trong hệ thống tổ chức quản lý, thu nhập. Đối với mỗi khái
niệm có thể có nhiều chỉ báo ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, cấp độ chỉ báo
cuối cùng là chỉ báo thực nghiệm. Trên thực tế, trong các nghiên cứu xã hội học,
chỉ báo thực nghiệm thường được đặc trung bởi hành vi của người thực hiện
nghiên cứu được biểu hiện bằng lời nói hay bằng hành động. Theo Quyết & Thanh
(2001), mỗi chỉ báo thực nghiệm có thể là một hoặc một vài câu hỏi trong bảng
hỏi nhằm thu thập thông tin thực nghiệm.
Khái niệm lý luận Chỉ báo
Thao tác hóa
Tính tích cực xã hội Tính tích cực kinh tế
Tính tích cực chính trị
Tính tích cực văn hóa - Số giờ đọc sách
- Số giờ tham gia văn hóa nghệ thuật
- Số tác phẩm sáng tác
......
Nguồn: (Ngọ et al., 1997)
f. Xác định phương pháp thu thập thông tin
Phương pháp thu thập thông tin là toàn bộ những cách thức mà người nghiên cứu
sử dụng để có được những thông tin phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Trong
nghiên cứu xã hội học, phương pháp thu thập thông tin bao gồm: tổng quan/nghiên
cứu tài liệu; quan sát; phỏng vấn; phát vấn. Các phương pháp thu thập thông tin
chỉ được tiến hành sau khi người nghiên cứu thiết lập được các chỉ báo. Mỗi
phương pháp thu thập thông tin cần được gắn với nội dung cụ thể. Thông tin nào?
lấy ở đâu? Ai có thể cung cấp?
g. Chuẩn bị bảng hỏi và điều tra thử
Sau khi xác định phương pháp thu thập thông tin hợp lý, nếu trong quá trình thu
thập chỉ báo cần thống kê ví dụ như bình quân thu nhập của các hộ hoặc có bao
nhiêu người đồng ý hay không đồng ý về một vấn đề nào đó thì người nghiên cứu
cần chuẩn bị bảng hỏi. Nội dung nay sẽ được đề cập chi tiết trong phần sau, tuy
nhiên, để sử dụng bảng hỏi, người nghiên cứu phải thực hiện điều tra thử tại hiện
trường nghiên cứu trước khi tiến hành thực hiện chính thức vì luôn có sự khác biệt
giữa thực tế và việc thiết kế bảng câu hỏi trên bàn giấy.
e. Lập phương án xử lý thông tin
Công đoạn cuối cùng của chuẩn bị là lên phương án dự kiến xử lý thông tin. Đây
là dự kiến của người nghiên cứu trong việc lựa chọn cách thức, mô hình xử lý
thông tin đã được thu thập. Ví dụ, đối với các thông tin mang tính định lượng,
người nghiên cứu cần xác định nhập số liệu như thế nào, dùng phầm mền gì để xử
lý...
9.1.2. Thu thập thông tin cá biệt
Để thu thập thông tin cá biệt được hiệu quả, ngoài công tác chuẩn bị chung cho
quá trình nghiên cứu, người nghiên cứu cũng cần phải có công tác chuẩn bị riêng.
Thứ nhất, cần chọn thời điểm thích hợp để thu thập thông tin, đặc biệt là thu thập
thông tin tại hiện trường. Ví dụ, trong phỏng vấn nông hộ nếu thiết kế đợt thu thập
thông tin vào thời điểm mùa vụ thì người nghiên cứu sẽ gặp khó khăn trong tiếp
cận đối tượng phỏng vấn. Bên cạnh đó, người nghiên cứu cần phải tiếp cận hiện
trường trước khi đợt thu thập thông tin chính thức bắt đầu. Việc này nhằm thống
nhất kế hoặc và tranh thủ sự giúp đỡ của địa phương nơi tiến hành nghiên cứu.
Ngoài ra, việc nắm địa bàn thu thập số liệu sẽ giúp cho người nghiên cứu lập được
kế hoạch chi tiết cho việc thu thập thông tin. Tiếp theo trong chuẩn bị thu thập
thông tin cá biệt là công tác tập huấn. Bước này đặc biệt quan trọng khi việc thu
thập thông tin cần có sự tham gia của nhiều người (phỏng vẫn bằng bảng hỏi với
số lượng lớn hay phỏng vấn nhóm). Việc tập huấn cho những người cùng tham gia
nhằm thống nhất cách thức và nội dung thu thập thông tin. Cuối cùng, để cho việc
thu thập thông tin được thành công là công tác chuẩn bị về kinh phí.
Trong quá trình thu thập thông tin cá biệt, đặc biệt tại hiện trường, sẽ có những
can thiệp không mong muốn vào quá trình thu thập thông tin của người nghiên
cứu làm ảnh hưởng đến mức độ chân thực của thông tin. Sự can thiệp không mong
muốn này có thể xuất hiện trong quá trình chọn mẫu hoặc quá trình thu thập thông
tin tại hiện trường
9.1.3. Xử lý và phân tích thông tin
Xử lý thông tin là quá trình chuyển các thông tin cá biệt thu thập được thành thông
tin tổng hợp đặc trưng cho tổng thể nghiên cứu (Dong et al., 2001). Đây là giai
đoạn hình thành kết quả cuộc nghiên cứu. Trọng tâm của xử lý thông tin là hình
thành được các chỉ báo, các dẫn chứng minh họa cho các kết luận nghiên cứu.
Việc xử lý thông tin luôn đi kèm với phân tích thông tin với công cụ và cách thức
tiến hành như sau:
a. Công cụ phân tích
Việc lựa chọn các công cụ phân tích thông tin tùy thuộc vào loại thông tin thu thập
được. Đối với những thông tin định tính, công cụ phân tích có thể là các bản tóm
tắt hay những tổng hợp từ nhật ký thực địa theo từng nội dung hay vấn đề thu thập
được. Bên cạnh đó người nghiên cứu có thể dùng nhật ký thực địa. Đây là những
ghi chép của người nghiên cứu trong quá trình thực địa. Nhật ký thực địa thường
bao gồm những nội dung như: gặp ai? ở đâu? Thu thập thông tin gì? Trong nhật ký
thực địa cũng ghi chép lại thái độ của người được phỏng vấn về vấn được hỏi. Đối
với những thông tin định lượng việc phân tích có thể dựa vào các phần mềm máy
tính (software)
b. Cách thức
Tương tự như các công cụ phân tích thông tin, cách thức phân tích thông tin cũng
được chia thành phân tích định tính và phân tích định lượng. Tùy vào thông tin thu
thập được, cách thức phân tích có thể được tiến hành như sau:
- Phân tích định tính
o Viết những bình luận, nhận xét ra lề hoặc đánh dấu một số thông tin nổi bật của
ghi chép thực địa
o Viết lại những ghi nhớ, những nhận xét từ quan sát.
o Tóm tắt ghi chép thực địa
o Sử dụng những suy luận ẩn dụ (metaphor), xem xét những tương đồng, tương
phản, so sánh
o Sử dụng bảng, đồ thị, hình vẽ
o Tạo chuỗi các sự kiện, bằng chứng một cách lô gic
o So sánh những phát hiện, kết luận của nghiên cứu với khung lý thuyết hoặc cùng
vấn đề nghiên cứu đó được thực hiện tại các điểm nghiên cứu khác nhau
- Phân tích định lượng: có thể sử dụng các phần mềm máy tính để thực hiện các
phân tích như:
o Quan sát tần suất
o Xem xét tương quan, hồi quy
o Kiểm định theo các phân phối
o Sử dụng các mô hình có tính chất toán học