Tóm tắt. Trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 về chiến tranh, phương thức
huyền thoại hóa được sử dụng qua nhân vật người kể chuyện, nhân vật hồn
ma hoặc qua những điểm báo, những giấc mơ. Nhân vật người kể chuyện kì
lạ giúp nhà văn thể hiện cái nhìn đa chiều về cuộc sống, về con người trong
và sau chiến tranh. Còn nhân vật hồn ma, hay những điềm báo, những giấc
mơ góp phần thể hiện sự khốc liệt của chiến tranh sự tàn phá khủng khiếp
của nó với tâm hồn con người. Có thể nói, phương thức huyền thoại hóa đã
góp phần không nhỏ vào việc cách tân tiểu thuyết Việt Nam về đề tài chiến
tranh.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 183 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phương thức huyền thoại hóa trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 về đề tài Chiến tranh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Science Sci., 2011, Vol. 56, No. 8, pp. 62-68
PHƯƠNG THỨC HUYỀN THOẠI HÓA TRONG TIỂU THUYẾT
VIỆT NAM SAU 1975 VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH
Nguyễn Thị Thanh
Trường Cao đẳng Hải Dương
E-mail: nguyenthithanh-cdhd@yahoo.com.vn
Tóm tắt. Trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 về chiến tranh, phương thức
huyền thoại hóa được sử dụng qua nhân vật người kể chuyện, nhân vật hồn
ma hoặc qua những điểm báo, những giấc mơ. Nhân vật người kể chuyện kì
lạ giúp nhà văn thể hiện cái nhìn đa chiều về cuộc sống, về con người trong
và sau chiến tranh. Còn nhân vật hồn ma, hay những điềm báo, những giấc
mơ góp phần thể hiện sự khốc liệt của chiến tranh sự tàn phá khủng khiếp
của nó với tâm hồn con người. Có thể nói, phương thức huyền thoại hóa đã
góp phần không nhỏ vào việc cách tân tiểu thuyết Việt Nam về đề tài chiến
tranh.
1. Mở đầu
Sau năm 1975, đặc biệt từ thời kì đổi mới, nằm trong mạch vận động chung
của cả nền văn học, tiểu thuyết về chiến tranh đã có nhiều thay đổi và đạt được
thành tựu đáng ghi nhận. Tuy không được sử dụng nhiều như ở các đề tài khác
nhưng phương thức huyền thoại hóa vẫn là yếu tố nghệ thuật quan trọng góp phần
đổi mới diện mạo tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam. Chúng ta có thể thấy điều đó
khi tìm hiểu về phương thức huyền thoại hóa trong các tác phẩm: Nỗi buồn chiến
tranh (Thân phận của tình yêu) của Bảo Ninh, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Bến
đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức, Những bức tường lửa của Khuất Quang Thụy, Mùa
hè giá buốt của Văn Lê.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái niệm huyền thoại
Từ điển Tiếng Việt đưa ra định nghĩa: “Huyền thoại là câu chuyện huyền hoặc,
kì lạ, hoàn toàn do tưởng tượng” [5;454]. Phùng Văn Tửu đã cắt nghĩa nội dung của
huyền thoại “thường không rõ ràng vì bị che lấp phía sau những thứ linh tinh chẳng
có liên quan gì đến bản thân nó” [8].
Trong Phương thức huyền thoại hoá và sự biểu hiện đời sống tâm linh trong
văn xuôi Việt Nam từ sau 1975, Đỗ Thu Hương đã rút ra ba ý nghĩa cơ bản của
phương thức huyền thoại hoá:
62
Phương thức huyền thoại hóa trong tiểu thuyết Việt Nam...
1) Huyền thoại hoá là phương thức nghệ thuật độc đáo: cái thực được diễn
đạt qua cái ảo, cái bình thường được thể hiện bằng cái kì lạ, phi thường, mà qua
đó nhà văn bộc lộ quan niệm về con người, về đời sống.
2) Nó được tạo ra nhờ trí tưởng tượng và được thể hiện bằng các yếu tố hoang
đường, siêu nhiên, kì lạ.
3) Nó là sự phản ứng trước những trật tự gò bó, cũ kĩ, làm lộ ra khả năng
hoài nghi đối với những gì mà lí trí kiểm soát được, chống lại chủ nghĩa duy ý chí,
bệnh xơ cứng của lí trí thuần tuý [2].
Chúng tôi cho rằng đây là ý kiến giàu sức thuyết phục.
2.2. Đôi nét về huyền thoại hóa trong văn học Việt Nam
Huyền thoại đã xuất hiện từ xa xưa trong sáng tác văn chương. Qua các thời
kì phát triển, nó được nhìn nhận chủ yếu từ hai góc độ: thứ nhất là một kiểu tư
duy, thứ hai là một thủ pháp nghệ thuật. Chẳng hạn, ở thần thoại, yếu tố huyền
thoại gắn với tư duy cổ sơ, thể hiện khát vọng nhận thức thế giới của người xưa. Tới
văn học viết trung đại, yếu tố huyền thoại được sử dụng đậm đặc nhất trong truyện
truyền kì và huyền thoại hóa đã trở thành một phương thức nghệ thuật. Phương
thức huyền thoại hóa cũng được sử dụng khá thành công trong nhiều tác phẩm văn
học Việt Nam hiện đại từ đầu thế kỉ XX đến 1945. Có thể kể tới một số truyện
ngắn của Thế Lữ như Cái đầu lâu, Lưỡi tầm sét, Vàng và máu,. . . Trong Thơ Mới,
yếu tố huyện thoại cũng được các thi sĩ như Thế Lữ, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử
sử dụng đầy hiệu quả. Từ 1945 đến 1975, do yêu cầu “phản ánh chân thực và hùng
hồn” cuộc chiến đấu và xây dựng đất nước của nhân dân ta, yếu tố huyền thoại ít
được các nhà văn Việt Nam sử dụng.
Từ năm 1975 tới nay, đặc biệt là từ thời kì đổi mới, yếu tố huyền thoại đã
góp phần làm nên giá trị cho nhiều tác phẩm văn học. Phương thức huyền thoại
đã phát huy tác dụng trong việc khám phá những vùng hiện thực đa chiều. Nhờ
huyền thoại, thực tại có thể biến thành cõi mộng ảo và bức tranh đời sống trở nên
mới lạ, đa diện, đa nghĩa hơn. Nhiều khi, tác phẩm trình bày hiện thực bất khả tín
lại tạo được hiệu quả nghệ thuật phong phú hơn một hiện thực quen thuộc. Đồng
thời, nhờ yếu tố huyền thoại, bạn đọc có thể thả sức trôi dạt vào những miền phong
phú của trí tưởng tượng phi thường mà nhà văn tạo ra để trải nghiệm những cảm
xúc mới. Chính phương thức huyền thoại hóa đã làm nên thành công cho hàng loạt
tác phẩm như Sự tích những ngày đẹp trời của Hòa Vang, Con gái thủy thần của
Nguyễn Huy Thiệp, Sống mãi với cây xanh của Nguyễn Minh Châu, Thiên sứ của
Phạm Thị Hoài, Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo,
Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái,...
Nằm trong mạch vận động chung của cả nền văn học, tiểu thuyết chiến tranh
sau 1975 đã có nhiều thay đổi. Tuy không được sử dụng nhiều như ở các đề tài
khác nhưng phương thức huyền thoại hóa là yếu tố nghệ thuật quan trọng góp phần
đổi mới diện mạo tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam. Vì chiến tranh xưa nay vẫn
được xem như là một đề tài lịch sử, chất liệu của đề tài này được coi là xác thực,
63
Nguyễn Thị Thanh
và quan trọng hơn, các tác phẩm thường đưa ra mục đích tái tạo hiện thực qua
một tình huống lịch sử để phân biệt chính nghĩa – phi nghĩa nên người ta khó chấp
nhận huyền thoại. Sau 1975, trong nhiều tác phẩm, chiến tranh không phải mục
đích phản ánh mà là phương tiện, là “thi pháp” để khám phá con người, để triết lí
về lịch sử, về cuộc sống. Và huyền thoại đã xuất hiện như một minh chứng cho sự
đổi mới tư duy nghệ thuật của nhà văn.
2.3. Phương thức huyền thoại hóa trong tiểu thuyết chiến tranh
sau 1975
Qua việc khảo sát một số tiểu thuyết chiến tranh sau 1975, chúng tôi nhận
thấy, phương thức huyền thoại hóa chủ yếu được thể hiện qua hai phương diện sau:
2.3.1. Một thế giới bị ám ảnh bởi những hồn ma chết trận
Hồn ma là loại nhân vật khá quen thuộc trong văn học dân gian và văn học
trung đại. Có nhiều kiểu nhân vật hồn ma: oan hồn, ma quấy nhiễu cuộc sống người
trần thế, ma lấy người... Trong tín ngưỡng dân gian và trong văn học, ma quỷ là
thế giới đầy bí ẩn, luôn đe dọa cuộc sống bình yên của con người. Giai đoạn 1945
- 1975, kiểu nhân vật hồn ma hầu như không xuất hiện trong văn học cách mạng.
Song từ thời kì đổi mới, kiểu nhân vật này đã trở lại như một phương thức nghệ
thuật, thể hiện sự tìm tòi và cách tân của một số nhà văn.
Nhân vật hồn ma xuất hiện trong khá nhiều tiểu thuyết chiến tranh. Đó có
thể là những anh bộ đội đã hy sinh vì Tổ quốc, là những người lính chết trận phía
bên kia hay là người phụ nữ hậu phương. Tất cả hồn ma ấy đều hiền lành vô sự.
Nhân vật kể chuyện của Bến đò xưa lặng lẽ là hồn ma liệt sĩ Khảm: “Thành
người thiên cổ, không vướng bận thể xác, tôi có thể lặn vào bất cứ ngõ ngách kín
đáo nào của bất kỳ một ai đó, để biết rành rọt họ đang toan tính những gì” [1].
Người kể chuyện “biết tuốt” này là một kiểu nhân vật siêu thực rất hiếm gặp trong
tiểu thuyết chiến tranh. Khảm trở lại dương thế, đến phiên tòa đặc biệt với mong
muốn kêu oan cho một người trong vụ án xử những kẻ bất lương, vì tiền mà dám
“bấu xé, bứt ra, chia bo” khoảng một trăm bộ hài cốt liệt sĩ thành con số vài trăm.
Từ phiên tòa đó, Khảm kể chuyện mình, chuyện người trong thời gian suốt bốn
mươi năm (từ năm 1952 đến năm 1992).
Vì đã trở thành ma, không còn bị ràng buộc bởi bất kì một “sinh mệnh chính
trị nào” nên Khảm có vẻ dễ dàng hơn khi kể lại những hành động đáng chê trách
đối với vợ con. Lỗi lầm lớn nhất của anh là sợ việc thăng tiến bị ảnh hưởng nên
không dám công khai mối quan hệ với Lương và cũng không dám nhận con mình.
Trước cải cách ruộng đất, cũng vì sợ ảnh hưởng tới “sinh mệnh chính trị” của mình
mà Khảm - Lương đã không dám công khai nhận lại con gái khi Li và Đọt phải vượt
sông đem bé Linh đến cho họ. Chính Khảm - Lương đã đẩy Li - Đọt đến cuộc hôn
nhân vô cùng bất hạnh. Khảm, Lương, Li đã tự gây nên mối hận thù suốt hơn ba
chục năm ròng giữa hai người bạn gái vốn vô cùng thân thiết Lương – Li.
Vì là ma, có thể đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn từng người, Khảm nhìn rõ tâm
64
Phương thức huyền thoại hóa trong tiểu thuyết Việt Nam...
địa đen tối của Thuẫn, một kẻ “cướp người yêu, cướp chức vụ, địa vị” và cướp luôn
cả cái biệt danh “gấu xám đường Chín” của Đọt. Anh còn nhìn rõ những góc khuất,
u ám nhất trong tâm hồn hai người phụ nữ có liên quan mật thiết tới cuộc đời mình
là Lương và Li.
Bằng lời kể chuyện của hồn ma, Xuân Đức đã thể hiện một bầu không khí
ngột ngạt vì hận thù và nghi kị, ghen ghét. Qua cái nhìn của Khảm, phần lớn nhân
vật đều là những người bất toàn; trong tâm hồn họ có cả “rồng phượng lẫn rắn rết”,
có cả “thiên thần và ác quỷ”. Thông qua hệ thống nhân vật ấy, phải chăng nhà văn
muốn đem đến tư tưởng đối thoại với quan niệm về con người vẹn toàn, không tì vết
trong văn học chiến tranh giai đoạn 1945 – 1975? Khi hồn ma liệt sĩ – một người
trong cuộc nhưng không còn bị ràng buộc bởi bất kì “sinh mệnh chính trị nào” –
trở thành nhân vật kể chuyện, việc tự thú và phơi bày những góc khuất trong tâm
hồn người lính có phần thẳng thắn hơn, vì thế ý thức đối thoại cũng mạnh mẽ hơn,
quyết liệt hơn. Với kiểu nhân vật kể chuyện huyền thoại, “không đáng tin cậy”, Xuân
Đức đã công khai thừa nhận khả năng hư cấu về lịch sử. Như vậy, nhà văn đã viết
về “chiến tranh như một thi pháp”.
Trong một số tiểu thuyết chiến tranh, hồn ma thường xuất hiện ở nghĩa trang
hoặc ở các khu rừng đã diễn ra những trận đánh ác liệt. Gặp gỡ với hồn ma thường
là những người lính bị chấn thương tinh thần. Có lẽ do chấn thương tinh thần nên
Kiên và đồng đội (Nỗi buồn chiến tranh) rất hay gặp ma. Khi còn chiến tranh, “nhiều
người đã chính mắt nom thấy những toán lính da đen không đầu chơi trò rước đèn
ở ven rừng” [6;16]. Khi hòa bình, Trần Sơn, lính lái xe chở hài cốt liệt sĩ còn kể rằng:
“Mà nói chung ở cả cái B3 này đâu chả nhiều ma quỷ. Tôi lái cho đoàn gom xương
nhặt cốt này từ hồi 73 tới giờ mà đã quen nổi với đám hành khách từ trong mồ
hiện ra kia đâu. Chẳng đêm nào mà họ không lay mình dậy để chuyện gẫu. Phát
khiếp lên được. Đủ loại. Lính cũ. Lính mới. Linh sư 10, sư 2, quân tỉnh đội, quân
cơ động 320, đoàn 559. Thỉnh thoảng có các “mộng” tóc dài... Đôi khi chen vào vài
anh ngụy” [6;44]. Kiên là người bị chấn thương nặng nề nhất nên hồi ức của anh
hầu như chỉ là ấn tượng khủng khiếp về chiến trận tàn khốc với những trận “mưa
cẳng chân, cẳng tay”, những cảnh “máu tới bụng chân, lội lõm bõm”, những con
đom đóm to kinh dị, tiếng chim khóc than như tiếng người, măng mọc lên có màu
đỏ như những tảng thịt ròng ròng máu, những âm thanh gào rú, ca hát trong các
hang động tối om... Cũng vì vậy mà anh thường gặp phải các hồn ma trong những
cơn mơ hãi hùng: “Và trống ngực nện thùm thùm, tôi nhìn chằm chằm vào các góc
tối cầu thang nơi các hồn ma rách nát thường vẫn hiện hình, ôm theo những vết
thương đỏ lòm, toác hoác” [6;51]. Còn gì đau hơn những sinh lực trẻ trung mà trở
thành những hồn ma “rách nát”, vất vưởng ôm nỗi nhớ tiếc cõi trần!
Trong Ăn mày dĩ vãng, Hai Hùng, người lính trinh sát bị chấn thương nặng
nề, đã đối thoại với rất nhiều hồn ma khi đến một nghĩa trang liệt sĩ: “Cái bóng của
Viên vượt lên, hơi thở ram ráp liếm vào tai tôi: “Anh quên em rồi sao anh Hai? Giá
như đêm ấy anh đừng lệnh đi thì em đâu có chết! Em biết là sẽ chết nhưng không
thể nói ra, không dám nói. Em sợ anh đánh giá em là bể bạt, là hèn nhát. Em chỉ
65
Nguyễn Thị Thanh
còn cách dùng cái chết để biện minh...”. Bóng Viên biến mất, cái bóng của Bảo thay
thế, cũng hơi thở ram ráp: “Sao lại chôn vội thế thủ trưởng ơi! Lúc ấy giá anh cứ
cho rút bỏ cái chuôi đạn ác nghiệt ra khỏi bụng tôi, tất nhiên ruột gan sẽ theo ra
cả đống nhưng biết đâu tôi chả có thể sống? Sao chôn vội thế? Sao ác thế?” (...)
Một cái bóng khác, cái bóng khác nữa... Rồi lại một cái bóng... Xào xào, rin rít,
khò khè” [3;58].
Trong Nỗi buồn chiến tranh và Ăn mày dĩ vãng, phương thức huyền thoại hóa
vừa thể hiện được sự khốc liệt của chiến tranh, vì nó diễn tả những ấn tượng, những
trải nghiệm đã trở thành ám ảnh, thành ảo giác nơi người lính, vừa giúp nhân vật
tự đối thoại với góc khuất trong tâm hồn mình. Theo chúng tôi, dùng hồn ma để
nói về chiến tranh khác nói bằng hiện thực ở chỗ: nỗi đau thì đau hơn, phê phán
thì quyết liệt hơn, giá trị sống khi đã mất thì lớn hơn nên tiếc nuối hơn. Nhờ vậy,
phương thức huyền thoại hóa đã góp phần gia tăng giá trị hiện thực và giá trị nhân
đạo cho hai tác phẩm.
Trong Mùa hè giá buốt, Văn Lê dùng hồn ma nhân vật Lụa (vợ tiểu đoàn
trưởng Nguyễn Sĩ Việt) để nói về sự mong manh của hạnh phúc và thân phận con
người. Nhận được tin vợ chết, sau hơn ba mươi giờ đồng hồ cuốc bộ liên tục, Việt
về nhà đúng vào lúc gia đình đang tổ chức lễ cầu hồn cho Lụa. Mẹ Việt kể rằng:
“Con Lụa thiêng lắm... Ngay đêm ấy, nó đã báo mộng cho mẹ. Thấy người nó ướt
sũng, mẹ nhắc là phải vào buồng thay quần áo kẻo bị cảm lạnh. Nhưng nó cứ đứng
nhìn mẹ mà không nói một lời nào. Một lúc sau đó, nó khóc, bảo rằng nó bị nạn
ở sông Cái, hiện trôi dạt vào làng Thanh Giang. Nói xong, nó theo gió đi mất. Mẹ
tỉnh dậy, hoảng hốt kêu người đi tìm. Đến gà gáy, thì vớt được xác nó dạt vào ngay
bên gốc nhãn, cuối làng Thanh Giang” [4;217]. Đêm cuối cùng trước khi trả phép,
Việt mơ thấy Lụa về nhà, cô đã nói với anh: “Sinh ra làm con gái thời buổi can qua
thì phải thế thôi. Em phải lìa bỏ mình vì mệnh em mỏng, mình à. Mình cũng đừng
dằn vặt đau khổ lâu dài về cái chết của em. Mình càng thương em, thì em càng
khó siêu thoát. Mình phải cứng rắn lên mới được. Sau này, nếu mình có thương ai
thì đừng thương vào thời tao loạn. Thương nhau thời buổi như vậy, làm chồng cũng
đau, làm vợ cũng buồn” [4;222]. Những tâm sự ngậm ngùi giống như lời trăng trối
đã gieo vào lòng người cảm giác tái tê, “giá buốt”, bởi nó nói đúng cảnh ngộ bao lứa
đôi trong thời tao loạn.
Nhân vật hồn ma đi vào tiểu thuyết về chiến tranh như một thủ pháp nghệ
thuật. Nó mở rộng biên độ sáng tạo khi dùng thế giới ảo để phản chiếu thế giới thật,
khi công khai thừa nhận tiểu thuyết là thế giới của hư cấu, tưởng tượng. Hồn ma
bao giờ cũng tự do hơn người sống, nên khi xây dựng kiểu nhân vật này, nhà văn đã
bộc lộ nhu cầu gỡ bỏ những cấm kị để được thể hiện kinh nghiệm của riêng mình.
2.3.2. Dùng cái nghịch dị, cái phi lí theo lối cường điệu để diễn tả những
điềm gở và những giấc mơ hãi hùng
Cái nghịch dị, cái phi lí trong tiểu thuyết chiến tranh được sử dụng qua yếu
tố mộng ảo hư huyền, qua thế giới dị thường, trái tự nhiên. Một số nhà văn đã dùng
66
Phương thức huyền thoại hóa trong tiểu thuyết Việt Nam...
cái nghịch dị, cái phi lí để thể hiện những điềm gở và những giấc mơ hãi hùng một
cách ấn tượng. Điềm gở vốn không xa lạ với quan niệm dân gian. Ở các bộ tiểu
thuyết lịch sử Trung Quốc (Tam Quốc diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc...), những
trận gió bất ngờ làm gẫy cán cờ của một đạo quân nào đó hay ác mộng của vua
chúa, tướng lĩnh thường báo hiệu điềm gở. Trong tiểu thuyết chiến tranh sau 1975,
một số tác giả sử dụng chi tiết giấc mơ hoặc hình ảnh báo hiệu điềm gở như sự trở
lại với tư duy dân gian, không chút mặc cảm về “khoa học biện chứng” hay “mê tín
dị đoan” như thời trước.
Bao trùm Mùa hè giá buốt là bầu không khí rờn rợn ma quái. Tác phẩm mở
đầu bằng tiếng cú cười, thêm vào đó là màu sắc kì lạ của vầng trăng, màu đen và
những tiếng kêu ghê rợn của hàng ngàn con quạ như điềm báo trước tai họa. Đây
là hồi ức của nhân vật Việt về một lần hành quân của tiểu đoàn bộ binh 505: “Tiểu
đoàn khởi hành vào đúng đêm trăng úa vàng như mạ úng. Chưa bao giờ Việt nhìn
thấy vầng trăng héo hắt, ảm đạm và quái gở như đêm ấy. Ba hồi vàng, ba hồi đỏ.
Xanh. Rồi lại trắng bợt, bủng như da người chết. Mới đi được chừng hai tiếng đồng
hồ, không biết trời xui đất khiến thế nào, đơn vị lại chui vào đúng rừng quạ. Có
tới hàng ngàn con quạ từ trong những đám lá tăm tối hoảng loạn bay túa lên bầu
trời như những ánh chớp đen. Rừng đêm xao xác tiếng quạ” [4;30]. Vầng trăng được
miêu tả qua linh cảm của nhân vật theo lối cường điệu hóa cái nghịch dị (trăng đỏ
- xanh – trắng). Ánh trăng ma quái kết hợp với hình ảnh “rừng quạ” làm cho ấn
tượng rùng rợn về điềm gở tăng lên bội phần. Và kết cục bi thảm của trận đánh
như là sự linh ứng của những điềm báo ấy.
Những giấc mơ của nhân vật nhiều khi cũng là điềm gở. Có thể thấy giấc mơ
của Can (Nỗi buồn chiến tranh) như là điềm báo cho cái chết khổ sở của nhân vật:
“Dạo này, đêm nào tôi cũng mộng thấy mình chết và tôi bơi ra khỏi xác biến thành
con ma cà rồng đi hút máu người” [6;22].
Đôi khi giấc mơ còn thể hiện sự linh thiêng kì lạ của người lính đã hi sinh. Đó
là câu chuyện về liệt sĩ Hinh (Những bức tường lửa – Khuất Quang Thụy). Hinh hi
sinh, đầu anh bị giặc bắn nát. Không đành lòng chôn người đồng đội như vậy, anh
nuôi Cung đã dùng một quả dưa hầu đặt vào chỗ chiếc đầu bị mất. Khi Cung được
giải ngũ, vừa về hôm trước thì hôm sau Thơm, vợ Hinh, đến nhà anh và nói: “Lần
nào em cũng mơ thấy nhà em mình đầy máu... Nhưng lạ nhất là chưa lần nào em
nhìn thấy mặt... Sau đó thì lại thấy toàn là dưa hấu, cứ tròn long lóc, lăn ầm ầm
khắp nơi... Lạ nhất là đêm hôm qua... Em lại thấy nhà em về, lần này cũng không
thấy mặt, trên đầu trùm một cái áo bộ đội, hai tay ôm một quả dưa hấu, em chỉ
nghe tiếng anh ấy cười rồi bảo “Bác Cung cho đấy!” [7;763]. Kỳ lạ nhất là hôm ấy
con gái Cung đi thủy lợi trên huyện về lại mua được một quả dưa. Anh bảo con
đem rửa rồi để nguyên cả quả cúng Hinh. Anh khấn rằng: “Hinh ơi, nếu mày có linh
thiêng thì từ nay hãy quên chuyện quả dưa hấu đi, đừng để vợ con mày nó hành
tao về chuyện ấy nữa” [7;763]. Lời khấn ấy đã linh ứng: “Từ sau ngày hôm đó, vợ
Hinh còn nằm mơ thấy chồng nhiều lần, nhưng không còn thấy có những quả dưa
nữa” [7;764]. Câu chuyện huyền thoại viết theo lối cường điệu hóa cái phi lí làm cho
67
Nguyễn Thị Thanh
nỗi đau về sự hi sinh, mất mát càng thêm xót xa, ám ảnh.
3. Kết luận
Tuy không xuất hiện nhiều như trong tiểu thuyết về các đề tài khác nhưng
phương thức huyền thoại hóa là một cách tân đáng ghi nhận của tiểu thuyết chiến
tranh sau 1975. Về việc sử dụng nhân vật kể chuyện kì lạ, với Bến đò xưa lặng lẽ,
Xuân Đức là nhà văn khá táo bạo. Còn dùng nhân vật hồn ma để diễn tả sự khủng
khiếp của chiến tranh, ít có nhà văn Việt Nam hiện đại nào vượt qua Bảo Ninh (Nỗi
buồn chiến tranh). Cũng có thể khẳng định, không nhiều người viết được những
cảnh rùng rợn, ma quái, dự báo điềm gở hay như Văn Lê (Mùa hè giá buốt). Từ
hiện thực ấy, chúng ta càng biết ơn những người đã xả thân cuộc sống hòa bình
hôm nay. Hiệu quả của phương thức huyền thoại hóa trong tiểu thuyết chiến tranh
góp phần khẳng định quy luật: dám vượt ra khỏi những vùng hiện thực quen thuộc,
nhà văn tài năng sẽ sáng tạo được những tác phẩm văn chương đích thực.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Xuân Đức, 2008. Bến đò xưa lặng lẽ. Nguồn: xuanduc.vn.
[2] Đỗ Thu Hương, 2001. Phương thức huyền thoại hóa và sự biểu hiện đời sống tâm
linh trong văn xuôi Việt Nam từ sau 1975. Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại
học Sư Phạm Hà Nội.
[3] Chu Lai, 2004. Ăn mày dĩ vãng, (tái bản). Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[4] Văn Lê, 2008. Mùa hè giá buốt. Nxb Văn hóa Sài Gòn.
[5] Nhiều tác giả, 1997. Từ điển Tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng.
[6] Bảo Ninh, 2005. Thân phận của tình yêu, (tái bản). Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[7] Khuất Quang Thụy, 2007. Những bức tường lửa. Nxb Quân đội nhân dân, Hà
Nội.
[8] Phùng Văn Tửu,1976. Vấn đề huyền thoại trong văn học nghệ thuật. Tạp chí Văn
học, số 12.
ABSTRACT
Mode of mythology in Vietnamese novels on war themes after 1975
In Vietnamese novels about the War after 1975, the mode of mythology War
used through tellers ghost characters and through the surveys of newspapers or
through dreams. The stage tellers help the writer express the many-sided opinions
of life, human beings during and after the War. And the ghost characters, the surveys
of newspapers dreams express the severity of the war and i