Có lẽ đầu tiên là phải quay lại với những định nghĩa chính thức. Theo
Luật Quản lý nợ công mới được ban hành và có hiệu lực từ đầu năm nay, nợ
công bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính
quyền địa phương. Như vậy, các khoản vay như vay vốn ODA, phát hành
trái phiếu chính phủ (trong cũng như ngoài nước), trái phiếu công trình đô
thị, hay một tập đoàn kinh tếvay nợ nước ngoài được chính phủ bảo lãnh
đều được xem là nợ công.
7 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2320 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quản lý nợ công, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Quản lý nợ công
Mỗi khi nói đến nợ công của Việt Nam, chúng ta thường thấy một
nhận xét đi kèm là tình hình vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát, tổng nợ đang
ở mức an toàn, không có gì đáng lo... Tuy nhiên, vấn đề là con số nợ công
dựa vào để nhận xét như thế là con số nào?
Thế nào là nợ công?
Có lẽ đầu tiên là phải quay lại với những định nghĩa chính thức. Theo
Luật Quản lý nợ công mới được ban hành và có hiệu lực từ đầu năm nay, nợ
công bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính
quyền địa phương. Như vậy, các khoản vay như vay vốn ODA, phát hành
trái phiếu chính phủ (trong cũng như ngoài nước), trái phiếu công trình đô
thị, hay một tập đoàn kinh tế vay nợ nước ngoài được chính phủ bảo lãnh
đều được xem là nợ công.
Trước nay mọi người thường chỉ nghĩ đến nợ chính phủ khi nói đến
tổng nợ công. Khi Chính phủ phát hành 1 tỉ đô la trái phiếu ở nước ngoài, ai
cũng biết nó được tính vào tổng nợ công nhưng khi đọc tin một doanh
nghiệp thu xếp ký kết một khoản vay 2 tỉ đô la với một ngân hàng nước
ngoài nào đó, có sự bảo lãnh của Chính phủ, có thể có người vẫn nghĩ đó là
nợ doanh nghiệp, đâu phải là nợ công!
Ngoài ra cần chú ý thêm khái niệm “nợ nước ngoài của quốc gia”, là
tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh,
nợ của doanh nghiệp và tổ chức khác vay theo phương thức tự vay, tự trả.
Vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á hay Ngân hàng Thế giới đương
nhiên là nợ nước ngoài rồi nhưng một doanh nghiệp vay từ đối tác nước
ngoài vài trăm triệu đô la, chẳng hạn, dù có hay không có bảo lãnh của chính
phủ, thì khoản tiền đó vẫn phải tính vào tổng nợ nước ngoài của quốc gia.
Nợ công là bao nhiêu?
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tuần trước,
báo cáo cho thấy nợ chính phủ đang tăng cao: bằng 33,8% GDP năm 2007;
36,2% GDP năm 2008, 41,9% GDP năm 2009 và dự báo lên đến 44,6% vào
cuối năm 2010. Dựa vào các con số này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của
Quốc hội cảnh báo mức nợ chính phủ đã tăng sát mức trần cho phép.
Nhưng ở đây có hai điểm cần làm rõ. Mức nợ này, nếu đúng theo báo
cáo, chỉ mới là nợ chính phủ, chưa phải là tổng mức nợ công vì chưa tính
đến các khoản nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa
phương. Hơn nữa, mức trần để xem nợ công là an toàn được tính khi tổng nợ
công bằng hay dưới mức 50% GDP. Nếu cộng hai khoản nói trên, nhất là
những khoản vay của các tập đoàn được chính phủ bảo lãnh trong mấy năm
vừa rồi, nợ công của Việt Nam đã vượt trần.
Theo một báo cáo cuối năm rồi của Bộ Tài chính, nợ công của Việt
Nam tính đến hết năm 2009 đã là 44,7% GDP (trong đó nợ Chính phủ bằng
35,4% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh bằng 7,9% GDP và nợ chính
quyền địa phương là 1,4% GDP).
Rõ ràng hai con số 41,9% GDP đưa ra vào cuối tuần trước và 35,4%
GDP theo báo cáo của Bộ Tài chính đã có sự sai lệch rất lớn. Nếu tính thêm
các khoản vay mới đây như phát hành trái phiếu bằng tiền đồng và ngoại tệ,
vay từ các định chế tài chính quốc tế (như 500 triệu đô la từ Ngân hàng Thế
giới...) tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn nhiều. Cũng trong báo cáo này, tổng
số dư nợ nước ngoài trung và dài hạn của quốc gia khoảng 30,5% GDP.
Chiến lược an toàn
Thiết nghĩ, một chiến lược quản lý nợ công sao cho đảm bảo an toàn
không nên chỉ chú trọng đến tỷ lệ. Nếu dùng cột mốc 50% GDP sẽ có người
nói ở nước này nước khác, người ta đang dùng tỷ lệ đến 80% GDP!
Vấn đề là xem xu hướng của các tỷ lệ này đang diễn tiến như thế nào.
Nếu tăng với tốc độ như Ủy ban Tài chính - Ngân sách cảnh báo thì đúng là
đáng lo ngại vì tỷ lệ này không sớm thì muộn sẽ vượt mốc an toàn, dù dùng
mốc nào chăng nữa.
Điều quan trọng hơn cả là chú ý đến hiệu quả sử dụng các khoản vay,
từ đó mới bảo đảm được dòng tiền trả nợ trong tương lai. Hiện nay dường
như chúng ta mới chỉ chú trọng đến khía cạnh giải ngân cho được các khoản
vay, bán cho được trái phiếu, thu tiền về đã xem là thành công. Trong khi
tiền đó được sử dụng như thế nào thì chưa ai xem trọng.
Một dự án ODA chẳng hạn, cho dù thời hạn vay kéo dài đến 40 năm,
thời gian ân hạn 10 năm đi nữa thì trước sau gì chúng ta cũng phải trả cho
hết nợ. Dự án ODA không chỉ triển khai làm cho xong mà còn phải theo dõi
xem dòng tiền nó thu về có đủ để trả nợ như cam kết trong dự án hay không.
Hay một khoản vay của một tập đoàn kinh tế được Chính phủ bảo
lãnh, phải theo dõi chặt chẽ xem tiền vay có được sử dụng đúng mục đích
ban đầu, tiến độ trả nợ có đúng lộ trình, hiệu quả sử dụng vốn ra sao - bởi
suy cho cùng một khi đã bảo lãnh, chính ngân sách nhà nước phải đảm
đương khoản nợ này nếu doanh nghiệp không có khả năng chi trả.
Trước đây việc quản lý nợ công được chia năm xẻ bảy cho rất nhiều
cơ quan nhà nước quản lý, cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nợ nước
ngoài cũng phân cho nhiều cơ quan. Số liệu vì vậy không được cập nhật,
không thống nhất. Nay Luật Quản lý nợ công đã tập trung công việc quản lý
này về cho Bộ Tài chính, là một dịp để chúng ta rà soát, tính toán lại tất cả
các khoản nợ công cũng như nợ nước ngoài của Việt Nam. Bộ Tài chính
bước đầu đã có những thông tin công khai về nợ công trên website của mình.
Đáng tiếc cho đến nay bản tin công khai này chỉ mới dừng lại ở các
khoản nợ nước ngoài chứ chưa phải toàn bộ nợ công và thông tin chỉ mới
cập nhật đến hết tháng 6/2009. Nên nhớ Luật Quản lý nợ công quy định Bộ
Tài chính phải công khai thông tin về nợ công, “bao gồm tổng số dư nợ, cơ
cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo
lãnh, nợ của chính quyền địa phương, số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ
hàng năm, các chỉ tiêu giám sát nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của
quốc gia”.
Cuối cùng, kỳ họp Quốc hội sắp tới là kỳ họp đầu tiên sau khi Luật
Quản lý nợ công có hiệu lực. Mặc dù ở trên có nói không nên chỉ chú trọng
đến tỷ lệ trong quản lý nợ công, các tỷ lệ này dù sao cũng là những chỉ báo
quan trọng mà Quốc hội cần theo dõi. Quốc hội cần áp dụng luật và quyết
định các chỉ tiêu như nợ công so với GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so
với GDP, trả nợ chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước.
Nợ công đang và sẽ là vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thời điểm
hiện nay. Không thể để tình trạng nợ công không ai biết rõ như trước được
nữa.