Quan niệm của Phùng Khắc Khoan về Trung, hiếu

Tóm tắt. Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) là danh nhân văn hóa dân tộc, nhà tư tưởng tiêu biểu thời trung đại. Ông tham gia hoạt động chính trị khá tích cực và thành công trên nhiều lĩnh vực. Tư tưởng có tính chất hệ thống ở Phùng Khắc Khoan là tư tưởng Nho giáo, tập trung vào các vấn đề đạo đức, nhân sinh, trong đó nổi lên là ý chí phấn đấu để thực hiện sự nghiệp “kinh bang tế thế”. Ông đã lựa chọn đạo Nho và thực tế ông đã thành công bởi nhân tố chủ quan - sự nỗ lực hết mình tận tâm, tận hiến trong điều kiện của xã hội đương thời. Bài viết tập trung đề cập đến quan niệm Trung, Hiếu - nội dung cơ bản của Nho giáo - trong tư tưởng Phùng Khắc Khoan.

pdf10 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 151 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quan niệm của Phùng Khắc Khoan về Trung, hiếu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Science, 2013, Vol. 58, No. 2, pp. 11-20 This paper is available online at QUAN NIỆM CỦA PHÙNG KHẮC KHOAN VỀ TRUNG, HIẾU Nguyễn Bá Cường Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) là danh nhân văn hóa dân tộc, nhà tư tưởng tiêu biểu thời trung đại. Ông tham gia hoạt động chính trị khá tích cực và thành công trên nhiều lĩnh vực. Tư tưởng có tính chất hệ thống ở Phùng Khắc Khoan là tư tưởng Nho giáo, tập trung vào các vấn đề đạo đức, nhân sinh, trong đó nổi lên là ý chí phấn đấu để thực hiện sự nghiệp “kinh bang tế thế”. Ông đã lựa chọn đạo Nho và thực tế ông đã thành công bởi nhân tố chủ quan - sự nỗ lực hết mình tận tâm, tận hiến trong điều kiện của xã hội đương thời. Bài viết tập trung đề cập đến quan niệm Trung, Hiếu - nội dung cơ bản của Nho giáo - trong tư tưởng Phùng Khắc Khoan. Từ khóa: Phùng Khắc Khoan, Trung, Hiếu, trung hiếu. 1. Mở đầu Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) là danh nhân văn hóa dân tộc, nhà hoạt động chính trị, nhà văn hoá lớn, nhà tư tưởng tiêu biểu có cống hiến xuất sắc cho lịch sử dân tộc thế kỷ XVI - XVII. Sinh trưởng trong thời kỳ có những biến chuyển lớn về chính trị - xã hội, văn hóa - tư tưởng, song ông đã tích cực hoạt động chính trị và thành công trên nhiều lĩnh vực. Phùng Khắc Khoan đã chịu tác động của các điều kiện về chính trị - xã hội, văn hóa - tư tưởng dương thời và trong tư tưởng của ông có cả Nho, Phật, Đạo. Tuy nhiên, con đường của ông vẫn trọn vẹn là con đường của người trí thức Nho học thuần thành. Tư tưởng có tính chất hệ thống ở ông là Nho giáo, tập trung vào các vấn đề đạo đức, nhân sinh, trong đó nổi lên là ý chí phấn đấu để thực hiện sự nghiệp “kinh bang tế thế”. Phùng Khắc Khoan đã lựa chọn đạo Nho và thực tế ông đã thành công bởi nhân tố chủ quan - sự nỗ lực hết mình tận tâm, tận hiến trong điều kiện của xã hội đương thời. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung đề cập đến quan niệm “Trung”, “Hiếu” - nội dung cơ bản của Nho giáo - trong tư tưởng Phùng Khắc Khoan. Ngày nhận bài 11/12/2012. Ngày nhận đăng 15/03/2013. Liên lạc Nguyễn Bá Cường, e-mail: cuongnb@hnue.edu.vn 11 Nguyễn Bá Cường 2. Nội dung nghiên cứu Tác phẩm của Phùng Khắc Khoan bao gồm có cả chữ Hán và chữ Nôm, trong đó có thơ, bi kí, diễn ca, kinh truyện và vãn ca. Nội dung nổi bật trong các tác phẩm đó là quan niệm sống tích cực, một niềm ưu ái chân thành với ý thức trách nhiệm một nhà nho chân chính yêu nước thương dân, luôn tin tưởng ở tương lai, tin ở sức mạnh bản thân có thể đổi loạn thành trị, cứu nguy thành an, xây dựng nền thái bình thịnh trị cho đất nước. Nguyễn Tài Thư đã nhận định khá xác đáng rằng: “ở Phùng Khắc Khoan thì đó là Nho thuần lý, Nho không pha tạp với các học thuyết khác” [3;375]. Thông qua việc phân tích hai phạm trù cơ bản của đạo đức Nho giáo là “Trung” và “Hiếu”, chúng tôi mong muốn sẽ phần nào làm sáng tỏ tư tưởng “thuần Nho” của Phùng Khắc Khoan. “Trung”, “Hiếu” là những phẩm chất đạo đức đặc biệt quan trọng của mẫu người Nho giáo. Trong các tác phẩm của mình, Phùng Khắc Khoan đã có những quan niệm hết sức và coi trọng đề cao hai phạm trù đạo đức này. Ông khẳng định: “Tấm lòng trung hiếu làm đầu, hàng năm sẽ có sự hoan hỉ” (Trung hiếu sơ tâm hỉ đắc niên) [1;496]. Phùng Khắc Khoan đã nhận thấy tình trạng “những người có học thời nay phần nhiều xu thời để nên công danh mà bỏ quên trung hiếu” (Dư kiến đương thời chi sĩ, đa tùy thế tựu công danh nhi hốt ư trung hiếu) [1;322] nên ông đã làm hai bài thơ “Trung” và “Hiếu” để khuyên răn mọi người nên bền chí thực hiện thì mới mong trở thành Người (“thành nhân”). 2.1. Quan niệm của Phùng Khắc Khoan về “Trung” Xét trên phương diện đạo đức của Nho giáo, “Trung” là một phạm trù dùng để chỉ thái độ chân thành, trung thực, có trách nhiệm, hết lòng hết sức trong việc đối xử với mọi người. Xét trên phương diện chính trị, “Trung” là chuẩn mực đạo đức đòi hỏi bề tôi phải trung thành đối với nhà vua và triều đình. Cùng với sự ra đời và phát triển của Nho giáo và sự xác lập chế độ phong kiến, “Trung” đã trở thành Đạo - Đạo Trung - với nội dung gắn liền giữa đạo đức và chính trị. Ở mỗi giai đoạn phát triển của Nho giáo và ở mỗi quốc gia có ảnh hưởng của Nho giáo, hoặc ở các nhà Nho, sự luận giải và thực hiện “Trung” cũng khác nhau. Đối với Nho giáo thời Khổng Tử và Mạnh Tử, “Trung” còn được xác lập tính chất hai chiều, tức là giữa nhà vua (hoặc bề trên) và bề tôi đều có có trách nhiệm và nghĩa vụ tương ứng với nhau. Nhưng đến Nho giáo thời Hán (Hán Nho) rồi đến Nho giáo thời Tống (Tống Nho) trở đi, “Trung” dần dần mang tính áp đặt một chiều, tức là chỉ có yêu cầu bề tôi phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phụng sự nhà vua (hoặc bề trên), bất kể nhận được sự đối xử (của nhà vua hoặc bề trên) như thế nào, thậm chí còn có quan điểm cực đoan: vua bắt bề tôi phải chết, bề tôi mà không chết là bề tôi bất trung (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Ở nước ta, các nhà Nho có quan niệm và cách thức thực hành “Trung” khác nhau. Phùng Khắc Khoan một mặt vẫn có những quan niệm và cách hành xử theo quan điểm truyền thống của Nho giáo nhưng mặt khác, trong thực tế ông cũng đã vượt lên để tiếp nối tư tưởng nhân văn, hiện thực của các bậc danh Nho thời trước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,. . . là “Trung” với vua, với triều đại biết vì nước, vì dân. Điều đó thể hiện ở 12 Quan niệm của Phùng Khắc Khoan về Trung, Hiếu những nội dung sau đây: 2.1.1. “Trung” thể hiện ở lí tưởng xây dựng triều chính Đối với Phùng Khắc Khoan, lí tưởng sống bắt đầu được thực hiện sự tu thân và đó là điều không ngừng nghỉ. Với lí tưởng phấn đấu sục sôi để được thành đạt (làm quan) nhằm mục đích hành đạo, Phùng Khắc Khoan luôn mơ ước được vào chốn cung đình quyền quý, được vua tiếp đón thân mật, gần gũi [1;162]. Lí tưởng đó của ông cũng giống như nhiều đại biểu trí thức Nho học chân chính mọi thời. Tâm lí khoa hoạn dù có bao trùm lên đầu óc của họ thì cũng nói lên một điều: người trí thức có lí tưởng, có hoài bão, sẵn sàng dấn thân nhưng nếu không được trọng dụng để có được một địa vị nhất định thì làm sao có thể được vinh hiển cá nhân, làm sao có đầy đủ điều kiện để đem hết tài sức, tâm trí của mình mà cống hiến vì dân, vì nước một cách thiết thực được. Hoài bão đó của các trí thức Nho học, trong đó có Phùng Khắc Khoan là thanh cao bởi mục đích cuối cùng là “hoằng đạo”. Bởi vậy, với ông, “sự mơ tưởng thanh cao vẫn quanh quẩn nơi tử cấm” (Tử cấm lũ triền thanh mộng tại) [1;181]. Phùng Khắc Khoan mong muốn mình sẽ “là trụ cột chân chính của nước nhà” (Ngã thị quốc gia chân trụ thạch) [1;267]. Bởi thế, ông tự khẳng định rằng: nếu gặp cơ hội tốt để thi thố được thì thành công (của ông) chưa chắc đã kém với Trương Lương (tự là Tử Phòng, người giúp Hán Cao Tổ lập đế vương) (Nhược ngộ khả vi cơ hội xứ,/ Công thành vị tất thiểu Trương Lương) [1;212]. Năm 25 tuổi, Phùng Khắc Khoan đi thi đỗ Tam trường (1552) trên đất nhà Mạc. Ông vui mừng “đón buổi tốt lành” và nghĩ “đây đúng là lúc nhà Nho ta được đại dụng” (Chính thị ngô nho đại dụng thân) [1;185]. Tuy nhiên, lúc này nhà Mạc đã dần dần mất uy tín (trước đó 7 năm, Nguyễn Bỉnh Khiêm - người thầy của Phùng Khắc Khoan, đã phải cáo quan về quê bởi triều chính đã rơi vào suy thoái) và nhà Lê (Trung hưng) đang dần phục hồi. Ông nhận thấy rõ sự biến đổi của các giá trị xã hội đương thời: người ta chỉ chú ý tới việc tranh hùng bằng gươm đao, chuộng lao lực, sự thanh cao lẫn lộn với sự thấp hèn... Ông tiếc nuối vì người ta không chú ý tới ý chí ưu thời mẫn thế, ưu chuộng văn chương, coi trọng trí tuệ, nhân cách, phẩm giá con người của nhà Nho... Ông đành hy vọng “đợi đến thái bình, thời vận tốt” thì “lúc ấy mới tin rằng đọc sách là cao quý”, tức là người trí thức được trọng dụng [1;257]. Phùng Khắc Khoan cũng ý thức được phải biết bình tĩnh, tập trung tu thân để đợi thời rồi ra giúp thiên hạ trị bình. Ông viết: “Chưa đến được lúc ra tay sắp đặt thiên hạ, ta hãy làm lành mạnh trong sạch chính cái thân ta” [1;338]. Như thế, lí tưởng tu thân để tề gia, trị quốc của Nho giáo đã được Phùng Khắc Khoan thẩm thấu và thực hiện một cách mẫu mực. 2.1.2. “Trung” là phải biết chọn vua/chúa để phụng sự và cống hiến Có chí, chờ thời để tham gia chính sự với ông vua và triều đại được coi là chính thống thì với Nho giáo đó cũng là “Trung”. Phùng Khắc Khoan đã chuẩn bị hành trang cho con đường dấn thân của mình, nhưng việc phải lựa chọn ai đại diện cho chính nghĩa để phụng sự lại là quá trình trăn trở, suy tư. Ông viết: “Giúp đời, ta vốn sẵn có chí của người hiền,/ Chọn chúa, xấu hổ nhiều vì chưa có cái sáng suốt của bậc trí giả” (Tế thời thô hữu hiền nhân chí,/ Trạch chủ do tàm trí giả minh) [1;216]. 13 Nguyễn Bá Cường Phùng Khắc Khoan cho rằng, khi đã chọn được vua/chúa để phụng sự, thì bề tôi cần tỏ rõ chức trách là phải tận trung. Nhưng “Trung” ở ông cũng là “Trung” có điều kiện, không phải với bất cứ ông vua nào mà phải là những ông vua biết lo việc nước theo hình mẫu thời Tam đại như đế Nghiêu, đế Thuấn, Văn Vương, Vũ Vương. Trong bài “Trung”, ông viết: “Cái đáng quý ở kẻ làm tôi là phải biết kính giữ chức phận làm tôi,/ Thờ vua nên dốc lòng trung” (Sở quý hồ thần thức khắc thâm,/ Sự quân nghi đốc cá trung tâm). Ông đã nâng việc thực hiện đạo trung với người trần - vua thành một điều linh thiêng dưới sự chứng kiến của thần minh, đất trời: “Mười phần nghĩa lớn đối được với thần minh,/ Một tấc lòng thành, trời đất xét cho được” (Thập phần đại nghĩa thần minh đối,/ Nhất phó linh thành thiên địa lâm). Ông cũng mong muốn noi gương những bậc hiền thần nổi tiếng ngày xưa giúp các vua thời Tam đại (Trung Quốc) dựng nghiệp để có được sự nghiệp rực rỡ ngút trời, tỏa rạng đời xưa như Y Doãn, có được công lao như Chu Công rạng tỏ như ánh dương ngày nay. Ông khẳng định “chức phận bề tôi đương nhiên là phải như thế” bởi “Bậc đại trượng phu sao để cho giàu sang mê hoặc” [1;319]. Như trên đã nói, dù thi đỗ Tam trường nhưng ông không chọn nhà Mạc để thi thố tài năng mà một năm sau đó (1553) vào Thanh Hóa giúp vua Lê. Quyết định dứt khoát này của Phùng Khắc Khoan là theo Nho giáo truyền thống tôn thờ dòng chính thống (lúc đó là nhà Lê), thực hiện theo đúng quan điểm “trung thần bất sự nhị quân”. Nhà Mạc khi đó vẫn đang bị coi là “ngụy triều”. Về việc này, cho đến nay còn nhiều ý kiến khác nhau, song chúng tôi cho rằng, sự lựa chọn con đường tiến thân của mỗi trí thức Nho học dựa trên quan điểm cá nhân và điều kiện thời đại nhưng quan trọng là sự lựa chọn đó cùng với những nỗ lực cá nhân có đóng góp vào sự tiến triển của lịch sử đất nước hay không? Sự “chọn đường” của người trí thức Nho học trẻ tuổi Phùng Khắc Khoan tại thời điểm lịch sử đó đã trải qua một quá trình chiêm nghiệm, đắn đo, trăn trở. Ông đã chọn đúng đường và con đường ông đi đã giúp được nhiều cho triều đình và dân chúng. Ông đã vui với con đường mình chọn và chấp nhận cả sự tị hiềm, nghi kị, thậm chí bị giam hãm tù đày nhưng vẫn cảm thấy sự thanh thản và tự hào được nối nghiệp Nho gia. Thực tế đã chứng minh rằng, việc ông chọn nhà Lê để phụng sự và lí tưởng trụ cột triều đình của ông được thực hiện thành công. 2.1.3. “Trung” là phải sẵn sàng đem tài đức giúp vua, giúp nước, hoàn thành bất cứ việc gì được nhà vua giao phó, giữ bền khí tiết Trong bài Quá thiết thụ lâm (Qua rừng lim), Phùng Khắc Khoan có ý khuyến khích những người có tài đức nên ra giúp triều đình làm rường cột chứ không nên như những cây gỗ lim có khí chất: thân cành như cột chống trời, ngạo nghễ với tuyết sương, lòng thật sắt đá mà ở lâu mãi trong rừng sâu [1;278]. Tin tưởng vào vận mệnh tốt đẹp trong tương lai của đất nước: “Đời gặp buổi cực loạn, thế nào rồi cũng trị yên” (Thế phùng loạn cực ưng hoàn trị) [1;291] nên ông cho rằng khi thời cơ đến sẽ tạo cho người ta cơ hội để được dùng tài năng giúp ích cho đời (Thời tiết đáo lai liêu thí thủ) [1;476]. Với tinh thần khiêm tốn và ý chí muốn vươn lên khẳng định bản thân, 30 tuổi, ông đã “tỏ đạo lập đức, xấu hổ vì kém bậc thánh đời trước,/ Hiển thân dương danh, mong được như bậc hiền tài xưa” 14 Quan niệm của Phùng Khắc Khoan về Trung, Hiếu [1;370]. Với những nỗ lực của người bề tôi bền chí, Phùng Khắc Khoan đã thỏa nguyện được cống hiến và con đường khoa hoạn của ông cũng ngày càng được rạng tỏ. Ông viết “Thư đường bát cảnh” (Tám cảnh ở nhà học), trong đó tỏ rõ con đường của mình đang mỗi bước được khẳng định: giúp đời bình trị, thỏa ước vọng của dân. Đó là: “Thời thịnh trị, vua sáng tôi hiền mừng tao ngộ với nhau,/ Đường mây được lối, mỗi bước lên cao./ Tay vin cành nguyệt quế, vượt cả điều chúng nhân ngưỡng vọng,/ Chân dạo đường trời phẳng rộng, hơn hết bậc tài giỏi ngày nay” [1;366]. Theo Phùng Khắc Khoan, khi được nhà vua tin dùng, tức là cơ hội để thỏa chí “dương danh hiển thân” thì người bề tôi nhất định không quản gian lao vượt vách hiểm, khe sâu [1;271]. Đối với ông, ngay khi đang là cận thần bên vua Lê - chúa Trịnh, nhưng để có cơ hội cống hiến được tốt hơn, ông không quản ngại tuổi cao, năm 53 tuổi vẫn đi thi và đỗ Tiến sĩ. Được vua sủng vinh, ông xác định: “Mưu tính luận bàn việc nước đâu dám ngại ngùng, chỉ mong trời phù trì xã tắc để được cống hiến và có công danh rạng rỡ đất Việt trời Nam” [1;443]. Ông nêu lên những phẩm chất của người bề tôi, tựa như cây Cối (một loài gỗ quý được sánh ngang với Tùng, Bách): “Vươn lên tầng mây, cao trội bên bờ suối, đáng ngưỡng vọng; Nhờn với tuyết, lấn cả sương, tiết tháo tỏ ra vững vàng... được đời xem trọng,... phẩm giá chẳng thường; Vượt qua sông lớn, dùng nhà ngươi làm bơi chèo, thỏa mãn lòng trông cậy của nhà vua ta” [1;652]. “Trung” với hàm nghĩa giữ bền khí tiết, hoàn thành mọi việc được nhà vua tin tưởng giao phó đã được Phùng Khắc Khoan đề cập như trên đã bao hàm nội dung của khái niệm “trung nghĩa”. Ông quan niệm “phận làm tôi đâu dám từ nan công việc của nhà vua,... Chẳng sợ hiểm nghèo, bền giữ một khí tiết” [1;435]. Vì thế, ông sẵn sàng gánh vác mọi việc quan trọng, ngay cả khi tuổi cao sức yếu. Tấm lòng trung nghĩa ở ông được minh chứng bằng sự kiện “được thánh chúa tin dùng” giao sứ mệnh “cầm cờ tiết đi sứ”. Ở tuổi 70 mà Phùng Khắc Khoan cảm thấy mình “như con trai đang tráng kiện”. Ông tin rằng “sự nghiệp thành công được đều nhờ vào trung nghĩa” (Công thành sự nghiệp bằng trung nghĩa) [Mai Lĩnh Sứ Hoa thi tập;669]. Với tấm lòng trung nghĩa và bằng những nỗ lực cá nhân, Phùng Khắc Khoan đã thành công trong sự nghiệp chính trị của mình. 2.1.4. “Trung” là phải biết nâng cao thế nước, uy vua, biết an dân Phùng Khắc Khoan đã thực hiện theo đúng quan điểm trung của Khổng Tử, đó là bề tôi đi sứ bốn phương không làm nhục mệnh vua. Ông đã làm tròn bổn phận của bề tôi khi lĩnh mệnh vua đi sứ phương Bắc và kết quả là nâng cao được uy vua thế nước (Quân uy thế quốc toàn bằng tạ,/... Tái bắc hoan minh vương sự tế) [1;463]. Điều này cả Việt sử và Minh sử đều ghi nhận. Các đời sau vẫn coi ông là tấm gương của người bề tôi trung thần làm rạng danh thế nước uy vua. Phùng Khắc Khoan cũng đã nhiều lần khẳng định có được mọi thành công đều do nỗ lực học tập và thực hành đạo Nho. Theo ông, chỉ có đạo Nho mới giúp cho người ta có khả năng “kinh bang tế thế” (Đạo hành kinh tế ngô nho sự) [1;468]. Phùng Khắc Khoan đau lòng khi thấy “dân trong cảnh khổ lưu lạc li tán triền miên”, “non sông tan nát, mấy độ vật đổi sao dời”. Từ đó phê phán thái độ của những kẻ có trách 15 Nguyễn Bá Cường nhiệm mà tỏ ra là “chẳng hay biết gì”, cứ để cho “tranh cướp mặc bọn họ”. Đồng thời ông nêu cao ý thức trách nhiệm mà người làm quan (bề tôi của vua) đối với người dân. Theo ông, những người “có sức gạt mây tối, rửa sáng mặt trời” thì phải biết “làm cho bốn phương được yên ổn” chứ không thể “cứ ngồi mà cười nói được” [1;307]. Ông còn khẳng định mục đích cao nhất của nhà Nho là “tôn chúa cứu dân”, lấy đó là sự nghiệp của mình (Tôn chủ tí dân Nho sự nghiệp) [1;204]. Bên cạnh đó, ông yêu cầu người làm quan phải theo đạo, theo thời thực hành, hết mực yêu dân, tích đức làm việc chăm chỉ, giữ thanh liêm, tránh xa cái ô uế của sự vụ lợi, tham lam. Chỉ có như vậy mới kì vọng mở ra được cuộc trị bình để lại thấy được “ngày Nghiêu tháng Thuấn thái bình thịnh trị” [1;410]. Tinh thần trách nhiệm đối với việc trị nước yên dân của người bề tôi được Phùng Khắc Khoan chú trọng không chỉ trong lời nói mà ngay cả trong mọi hoạt động của mình suốt cuộc đời thăng trầm của ông. Tuy nhiên, ông không chỉ nêu chữ trung một chiều của bề tôi đối với nhà vua mà còn đặt ra những yêu cầu nhất định để nhà vua thực hiện trong công cuộc trị bình và lấy đó làm mực thước cho bề tôi noi theo. Ông đưa ra nhận định có tính quy luật về việc thực hiện đạo đức chính trị đối với dân. Đó là: “Hướng theo giáo hóa, người dân vẫn không hai lòng. Xưa nay người sáng nghiệp công đức đầy đặn, càng nghiệm rõ trời giúp người có đức và dân quy về người có nhân” (Hướng hóa tâm do bất nhị dân./ Tự cổ tác tiền công đức hậu,/ Dũ trưng thiên hựu dữ dân thân) [1;303]. Ông cũng cho rằng, chỉ có đạo đức của nhà vua và lòng trung tín của bề tôi thì mới trở thành sức mạnh trong việc thu phục lòng dân. Bởi vậy, một khi mà “vui đem trung tín thần phục các man di” thì mới chứng tỏ rằng “yên được dân đều nhờ đức tốt của nhà vua” (Hảo tương trung tín phục chư man./ An dân toàn lại hoàng vương đức) [1;435]. Phùng Khắc Khoan đã khẳng định một chân lí rằng “Triều đình có đạo dân vô sự” (Triều đình hữu dạo dân vô sự) [Mai Lĩnh Sứ Hoa thi tập;674]. Vì thế, ông mong muốn người đứng đầu triều đình - nhà vua cần lấy đức kính làm điều căn bản thì mới điều hòa bền vững được cả trời, đất (điều kiện tự nhiên), thần (yếu tố tinh thần, tâm linh) và người (lòng dân) (Nguyện tương kính đức vi cơ bản,/ Thiên địa thần nhân vĩnh hữu y) [1;707]. Như vậy, “Trung” của Phùng Khắc Khoan cũng bắt nguồn từ Nho giáo Khổng - Mạnh, nhưng ông đã thực hiện được quan niệm “Trung” ngay trong xã hội hiện thực thông qua sự nghiệp chính trị của mình. “Trung” ở ông không chỉ là thực hiện bổn phận của bề tôi đối với nhà vua mà còn là trách nhiệm đối với dân, với nước. Ông không chỉ đòi hỏi đội ngũ quan lại, nho sĩ, quân sĩ phải trung thành với nhà vua, với triều đình mà tự mình nêu gương thông qua chính thực tiễn hoạt động chính trị sôi nổi, nhiệt thành của bản thân. Sự nhất quán theo tư tưởng Nho giáo ở Phùng Khắc Khoan còn được thể hiện trong quan niệm và thực hiện đạo hiếu của ông. 2.2. Quan niệm của Phùng Khắc Khoan về “Hiếu” “Hiếu” là một trong những phạm trù đạo đức cơ bản nhất của Nho giáo. “Hiếu” được coi là nền tảng của Tam cương, Ngũ thường, là sản phẩm của chế độ phong kiến tông pháp coi huyết thống là quan hệ xã hội chủ yếu. Nho giáo rất chú ý giáo dục tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái, lấy đó làm quan hệ căn bản của kết cấu xã hội. Nếu như 16 Quan niệm của Phùng Khắc Khoan về Trung, Hiếu “Nhân” được Nho gia coi là phẩm chất cao nhất chỉ có ở người quân tử, thì “Hiếu” là đức hạnh có ở tất cả mọi người, trở thành Đạo Hiếu với những giá trị chung của xã hội. Chủ trương thực hiện đạo hiếu trong lịch sử phát triển của Nho giáo đã chứng tỏ ý nghĩa tích cực của nó là: đề cao công lao của cha mẹ đối với con cái, coi trọng sự kính thuận của con cái đối với cha mẹ,... Ở Phùng Khắc Khoan, “Hiếu” vẫn được quan niệm và thực hiện theo Nho giáo Khổng - Mạnh. 2.2.1. “Hiếu” là phải lập được công danh để tôn vinh cha mẹ và báo đáp tổ tiên Phùng Khắc Khoan nhận thức được sự vận động biến đổi của trời đất (tự nhiên) và con người. Ông coi việc tranh giành được thua xưa nay chỉ như một cuộc cờ vì thế chỉ ai lập được công danh, có tiếng thơm lưu truyền vĩnh viễn, không để mẹ cha phải thẹn, thế mới xứng là nam nhi (Nhân sự thiên thời tương vãng phục,/ Tang điền thương hải kỷ suy di,... Kim cổ doanh thâu nhất cục kỳ./ Đản đắc công danh thùy vĩnh cửu,/ Sở sinh bất thiểm thị nam nhi) [1;200]. Trong bài “Hiếu”, Phùng Khắc Khoan viết: “Hiếu là những cái chuẩn tắc hằng thường của trời đất (thiên kinh địa nghĩa), xây dựng nên luân thường. Trăm đức hạnh đều