Ngày nay, khi các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ và gặp phải những vấn đề có liên quan đến sức tải đô thị như các thành phố lớn khác trên thế giới, chính quyền các thành phố này đã cùng với các chuyên gia quy hoạch và các nhà kinh doanh bất động sản hướng tới khai thác không gian trên cao bằng cách xây dựng các cao ốc có nhiều tầng hầm và móng cọc sâu, đồng thời phát triển các tuyến đường bộ và đường sắt trên cao và ngầm dưới đất cùng với các hầm chứa xe ngầm
13 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 1534 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị Phần 1, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phần 1
Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thịNgày nay, khi các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ và gặp phải những vấn đề có liên quan đến sức tải đô thị như các thành phố lớn khác trên thế giới, chính quyền các thành phố này đã cùng với các chuyên gia quy hoạch và các nhà kinh doanh bất động sản hướng tới khai thác không gian trên cao bằng cách xây dựng các cao ốc có nhiều tầng hầm và móng cọc sâu, đồng thời phát triển các tuyến đường bộ và đường sắt trên cao và ngầm dưới đất cùng với các hầm chứa xe ngầm
QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂNKHÔNG GIAN NGẦM ĐÔ THỊ
MỞ ĐẦU
Mỗi đô thị đều ít nhiều có khai thác không gian ngầm để lấy nước sạch và lắp đặt các tuyến đường ống kỹ thuật như đường ống cấp nước, đường cống thoát nước. Việc khai thác không gian ngầm như vậy tương đối đơn giản, nói chung không cần phải đặc biệt lưu ý khi quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đô thị (tuy vậy nếu khai thác nước ngầm quá mức có thể gây lún cho mặt đất). Nhưng khi đô thị tăng trưởng đến mức độ nhất định thì sức tải (dung lượng) hiện hữu của một số khu vực, trước tiên là khu trung tâm thương mại, đạt tới mức độ tới hạn, khiến sự vận hành của đô thị bị tắc nghẽn và môi trường đô thị bị ô nhiễm nặng nề. Để tăng thêm sức tải cho khu vực đó, nhất là khi cần tạo đủ không gian thoáng trên mặt đất cho loại hình đô thị nén (compact city) có mật độ xây dựng rất cao, người ta tìm cách chuyển việc phát triển đô thị chỉ trên mặt đất sang phát triển theo không gian, tức là cả lên cao trên không và xuống ngầm dưới đất, nhờ các tiến bộ của công nghệ xây dựng hiện đại và bổ sung nhiều nội dung mới cho quy hoạch đô thị, trong đó có quy hoạch phát triển không gian ngầm.
Ở nước ta trong hai cuộc kháng chiến, tại nhiều vùng đã xuất hiện hệ thống địa đạo, như Nam Hồng ở ngoại thành Hà Nội, Củ Chi ở ngoại thành Sài Gòn, Vĩnh Mốc ở Vĩnh Linh v.v. Để đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Hoa Kỳ, tại thủ đô Hà Nội đã xây dựng nhiều công trình ngầm sâu dành cho các cơ quan chỉ huy chiến đấu của Trung ương và của Hà Nội. Nói vậy để thấy nhân dân ta đã sớm tận dụng không gian ngầm vào mục đích chiến đấu. Công trình thủy điện Hòa Bình có không gian ngầm rộng lớn cũng chủ yếu là nhằm tăng khả năng phòng không.
Ngày nay, khi các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ và gặp phải những vấn đề có liên quan đến sức tải đô thị như các thành phố lớn khác trên thế giới, chính quyền các thành phố này đã cùng với các chuyên gia quy hoạch và các nhà kinh doanh bất động sản hướng tới khai thác không gian trên cao bằng cách xây dựng các cao ốc có nhiều tầng hầm và móng cọc sâu, đồng thời phát triển các tuyến đường bộ và đường sắt trên cao và ngầm dưới đất cùng với các hầm chứa xe ngầm. Thế nhưng việc triển khai thực hiện các dự án công trình ngầm đầu tiên đã bộc lộ nhiều bất cập về kiến thức, công nghệ, quy hoạch, pháp lý và phương thức huy động vốn.
Nhằm lưu ý các nhà hoạch định chính sách và chính quyền các đô thị nước ta về một chủ đề đang được thế giới quan tâm, hội thảo này đặt trọng tâm vào giới thiệu các nguyên lý cơ bản của quy hoạch không gian ngầm đô thị, làm sáng tỏ mối quan hệ giữa quy hoạch không gian trên mặt đất với quy hoạch không gian ngầm, thảo luận việc lập quy hoạch chi tiết không gian ngầm tại khu thương mại trung tâm và các khu nhà ở, cuối cùng là xem xét việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế có liên quan nhằm tạo điều kiện phát triển không gian ngầm tại các đô thị nước ta.
Mong rằng kết quả của Hội thảo có thể bổ ích cho việc xây dựng chính sách mới mẻ nhưng rất quan trọng về khai thác sử dụng không gian ngầm để “phát triển đô thị cả bề rộng lẫn bề sâu”!
PHẦN THỨ NHẤT
KHAI THÁC KHÔNG GIAN NGẦMPHỤC VỤ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
1. Khái niệm chung về không gian ngầm đô thị
1.1. Đô thị hóa và không gian ngầm
Ở nước ta, quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh từ khi Đổi mới: nếu năm 1990 cả nước mới có 500 đô thị với 12,9 triệu dân, chiếm19,5% tổng dân số thì đến tháng 12/2010 đã có 755 đô thị với 26,3 triệu dân, chiếm 30,5 % tổng dân số, và dự báo đến 2025 có thể đạt tới 52 triệu người, chiếm khoảng nửa tổng dân số! Đáng chú ý là hiện nay đã có 12 đô thị lớn thuộc loại đặc biệt và loại 1 (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên), và hai trong số đó là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang trở thành đô thị trung tâm của hai vùng đô thị lớn (metropolitan areas).
Trên quan điểm sử dụng đất, có thể phân ra 3 loại hình đô thị hóa (16):
1) Đô thị hóa gắn với mở rộng diện tích đất đô thị;
2) Đô thị hóa gắn với tăng mật độ dân cư trên đất đô thị hiện có;
3) Đô thị hóa kết hợp hai loại hình trên.
Loại hình đô thị hóa thứ hai thể hiện xu hướng đô thị học mới gọi là “tăng trưởng thông minh" (Smart Growth), khuyến khích áp dụng chỉ tiêu mật độ đô thị tương đối cao thỏa đáng và việc sử dụng hỗn hợp đất đai với nhiều chức năng. Các khu đô thị như vậy được gọi là “đô thị nén” (Compact Cities), theo tên gọi do G.Dantzig và T.L. Saaty đưa ra từ năm 1973.
Chú. Bà Victoria Kwakwa (Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) trong bài báo “Đô thị hóa ở Việt Nam đứng trước ngã ba đường” nhân dịp công bố Báo cáo Đánh giá Đô thị hóa ở Việt Nam, nêu nhận xét: “Quy hoạch Tổng thể Phát triển Đô thị Hà Nội được phê duyệt gần đây là một ví dụ với một hệ thống các thành phố vệ tinh chiếm diện tích lớn để giảm mật độ đô thị, đòi hỏi đầu tư lên đến hàng chục tỷ đô la Mỹ. Quy hoạch này dễ dẫn đến rủi ro đầu tư công có thể bị “nhốt” vào những khu vực không có nhu cầu…Với nguy cơ biến đổi khí hậu thì Việt Nam nên chuyển hướng tập trung phát triển thành phố gọn (tức đô thị nén), mật độ cao, tiết kiệm năng lượng mà vẫn đảm bảo nhu cầu nhà ở và việc làm cho mọi người”(Tuần Việt Nam - 4/5/2012).
Mật độ “cao” là so với tiêu chuẩn quy hoạch đô thị hiện hành, còn “thỏa đáng” đến đâu là tùy theo điều kiện cụ thể của từng đô thị chứ không nhất loạt như nhau. Ở Hoa Kỳ, đối với đô thị nén, mật độ 100 hộ/acre (= 4050m2), tức 247người/ha được xem là mức tối thiểu. Ở nước ta, theo quy định hiện hành thì đô thị loại đặc biệt và loại 1 có mật độ bình quân tối thiểu tương ứng là từ 15.000 người và 12.000 người trên km2 trở lên, tức là ≥150-120 người/ha. Mật độ khu trung tâm thường cao nhất rồi giảm dần khi ra xa hơn, chẳng hạn tại Hà Nội, mật độ Q. Đống Đa là 353 người/ha, Q.Hoàn Kiếm là 336 người/ha (riêng khu phố cổ đến 800 người/ha!), nhưng đến Q. Cầu Giấy thì chỉ còn 122 người/ha và Q. Long Biên còn ít hơn nữa, chỉ 52 người/ha.
Khai thác không gian ngầm chính là giải pháp thích hợp được quốc tế thừa nhận để tăng diện tích xây dựng nhằm nâng cao mật độ đô thị mà vẫn đảm bảo giao thông thông suốt, ít tiếng ồn, môi trường trong lành, cung ứng đầy đủ nhà ở và các dịch vụ công cộng, góp phần phát triển đô thị bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
1.2. Đặc điểm của không gian ngầm đô thị
Có nắm vững đặc điểm của không gian ngầm thì mới làm tốt quy hoạch không gian ngầm đô thị.
Với cách tiếp cận tổng hợp, không gian ngầm đô thị không chỉ là địa điểm xây dựng công trình và hạ tầng, mà còn là nơi chứa đựng nhiều tài nguyên, bao gồm tài nguyên vật liệu xây dựng, tài nguyên nước, tài nguyên địa nhiệt và cả tài nguyên khảo cổ học.
Vì ở trong lòng đất nên không gian ngầm là không gian khuất mắt, khép kín, cách ly với âm thanh, các chấn động và khí hậu trên mặt đất (10,17):
- Là không gian khuất mắt nên có thể chứa đựng các loại đường dây, đường ống, và các công trình “khó coi” hay cần sự kín đáo;
- Là không gian khép kín, ít lối ra vào nên dễ bảo đảm an toàn, chẳng hạn cho các kho hàng quý hoặc chứa chất độc hại;
- Nhờ cách ly tốt với âm thanh và chấn động trên mặt đất nên có thể tạo môi trường tĩnh lặng thuận lợi cho một số thực nghiệm khoa học & công nghệ, hoặc công trình trú ẩn phòng không. Công trình ngầm chịu đựng động đất tốt hơn công trình trên mặt đất vì tránh được các sóng địa chấn bề mặt;
- Nhờ cách ly với khí hậu trên mặt đất nên có thể làm nơi tránh bão, nơi cần có nhiệt độ ổn định, nhất là tại các vùng khí hậu khắc nghiệt.
Việc sử dụng không gian ngầm cũng có một số hạn chế, chủ yếu về tâm lý, như:
· Tối tăm và độ ẩm cao, tách rời khỏi thiên nhiên;
· Gây liên tưởng đến nấm mồ;
· Nỗi sợ bị mắc kẹt khi có sự cố;
· Khó định hướng;
· Cần công nghệ đặc thù và chi phí tương đối tốn kém.
Để khắc phục các mặt hạn chế nói trên, môi trường không gian ngầm phải hợp vệ sinh, an toàn và dễ chịu, do đó phải giám sát chặt chẽ chất lượng chống thấm, bảo đảm duy trì liên tục việc cung ứng năng lượng cho chiếu sáng, điều hòa không khí, bơm nước thải, có đủ các biển chỉ dẫn được chiếu sáng và lối thoát an toàn khi gặp sự cố.
Việc khai thác không gian ngầm là không thể đảo ngược như trên mặt đất, do đó cần được xem xét cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Cần đánh giá tác động của sự có mặt của công trình ngầm tới hiện trạng nước ngầm và ảnh hưởng của quá trình thi công công trình ngầm đến sự lún nứt của các công trình khác trên và dưới mặt đất gần kề với nó. Ngoài ra, nên chú ý rằng móng sâu của công trình cao tầng trên mặt đất cũng là một dạng công trình ngầm cần đưa vào quy hoạch vì có liên quan đến việc chọn tuyến cho giao thông ngầm.
2. Hiện trạng và xu thế phát triển không gian ngầm đô thị trên thế giới
2.1. Quá trình phát triển không gian ngầm hiện đại
Đầu thế kỷ XX, kiến trúc sư người Pháp Hénard gợi ý nên chuyển giao thông đô thị, vận chuyển chất lỏng, rác thải và hàng hóa vào đường hầm nhiều tầng (20). Tuy vậy, trước Thế chiến II các đô thị chỉ mới chú ý khai thác nước ngầm, xây dựng hành lang kỹ thuật, và một số đô thị lớn như New York, Paris, Berlin, Mátxcơva phát triển hệ thống tàu điện ngầm. Trong chiến tranh, ga tàu điện ngầm Mátxcơva và Berlin là nơi trú ẩn phòng không rất an toàn.
Vào nửa sau Thế kỷ XX, khi quá trình đô thị hóa trên thế giới tiến triển nhanh thì không gian ngầm đô thị được khai thác rộng rãi. Ngoài tàu điện ngầm và đường hầm vượt sông ngày càng nhiều, tại các đô thị xuất hiện nhiều loại công trình ngầm mới như đường phố ngầm, đầu mối giao thông ngầm (Nhật); nhà hát, bể bơi, sân vận động ngầm (Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan); kho hàng và kho lạnh ngầm (Hoa Kỳ)…
Không gian ngầm rất cần thiết cho dự án cải tạo các khu đô thị cũ cần bảo tồn cảnh quan và các di sản văn hóa, lịch sử. Một dự án rất thành công và nổi tiếng thuộc loại này là dự án mở rộng Bảo tàng Louvre (Paris) (14): việc khai thác diện tích 6,2 vạn m2 của hai tầng ngầm (có chỗ 3 tầng) dưới toàn bộ Quảng trường Napoléon cho phép vừa tăng gấp đôi diện tích trưng bầy vừa có chỗ cho thư viện, nhà ăn, cửa hàng, nơi giải trí, khu thiết bị và nơi đỗ xe. Kim tự tháp bằng kính rất lớn để lấy ánh sáng cho khu đại sảnh được khen là không làm tổn hại đến kiến trúc cổ điển của Bảo tàng, không những thế, còn tạo ra nét đặc sắc hấp dẫn.
TP Helsinki của Phần Lan đưa nhà máy xử lý nước thải xuống dưới đất và phát triển hệ thống hành lang kỹ thuật dài hơn 40km, sâu 30-80m, cao 5m, rộng 7m để lắp đặt cáp điện, cáp viễn thông, đường ống cấp nước, cấp nhiệt, và có một đường cho xe sửa chữa đi lại (15).
Thế nhưng cũng có dự án rất lớn nhưng đầy trắc trở như dự án của TP Boston (Hoa Kỳ) nhằm “hạ thổ” đường cao tốc trên cao 6 làn xe xuống hầm đường cao tốc dài 5,6km cho 8-10 làn xe đi xuyên qua trung tâm đô thị, tạo ra không gian thoáng rộng 110 ha trên mặt đất. Dự án “Big Dig” này nổi tiếng là dự án đường cao tốc đắt nhất Hoa Kỳ với tổng mức đầu tư leo thang từ 2,8 tỷ USD theo dự kiến năm 1986 và dự toán 5,8 tỷ USD lúc khởi công năm 1991, lên đến tổng chi 22 tỷ USD vào năm 2006, cùng một loạt tai tiếng về chậm tiến độ, kém chất lượng và sự cố công trình (Big Dig. Wikipedia).
Khởi đầu từ 1960, TP Montreal của Canada bắt đầu xây dựng “thành phố dưới thành phố” có khí hậu “mùa xuân vĩnh cửu”, không tuyết, không mưa, không bão, không nắng nóng! Đến nay, ngoài hệ thống giao thông ngầm, thành phố ngầm Montreal có hơn 1600 cửa hàng, 200 khách sạn, 40 ngân hàng và 30 rạp chiếu bóng, nhà hát, bể bơi (16).
Nhật Bản là nước sớm phát triển các đường phố ngầm nhiều tầng, thế nhưng ở châu Á thì Trung Quốc mới là nước phát triển không gian ngầm đô thị mạnh mẽ nhất hiện nay (22).
Nhận thấy không gian ngầm có vai trò ngày càng quan trọng, năm 1983 Ủy ban Kinh tế & xã hội của LHQ (ECOSOC) ra nghị quyết về không gian ngầm, xem không gian ngầm là một loại tài nguyên(14).
2.2. Xu thế phát triển trong Thế kỷ XXI
Không gian ngầm ngày càng trở thành “không gian thứ hai của đô thị”. Năm 1991, Hiệp hội quốc tế về Hầm và Không gian ngầm (ITA) tổ chức Hội thảo quốc tế, ra Tuyên ngôn Tokyo nhận định Thế kỷ XXI là thế kỷ sử dụng không gian ngầm, xem không gian ngầm cũng như đất đai và khoáng sản, đều là tài nguyên thiên nhiên quý báu (14). Việc phát triển và sử dụng chúng phải có quy hoạch nghiêm túc để không hủy hoại và lãng phí loại tài nguyên này. Quy hoạch không gian ngầm đô thị là chủ đề được “Hiệp hội các Trung tâm Nghiên cứu Sử dụng Không gian ngầm đô thị” (ACUUS) quan tâm đưa ra thảo luận tại các hội thảo quốc tế ở Paris (1995), Tây An (1999), Thâm Quyến (2009).
Nói chung, các chuyên gia (14) cho rằng sau khi GDP đầu người đạt 500USD thì quốc gia đã có điều kiện phát triển không gian ngầm; khi đạt mức 1000 USD thì bắt đầu đi vào giai đoạn quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị; đạt tới 3000 USD thì giá đất đô thị tăng cao nên việc phát triển không gian ngầm đô thị đã chín muồi và tiến tới cao trào.
Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ không gian ngầm đô thị, trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này trên thế giới: ngoài tàu điện ngầm với chiều dài mỗi năm tăng thêm 180km, nhiều đô thị còn xây dựng đường cao tốc ngầm, hệ thống công trình ngầm đa chức năng, thậm chí nhiều khu đô thị ngầm với diện tích bằng 20-30% tổng diện tích khu vực trên mặt đất, chẳng hạn ở Bắc Kinh, diện tích ngầm khu Tây Trung Quan Thôn là 500.000m2, khu Vương Phủ Tỉnh là 600.000m2. Hiện nay hơn 20 đô thị đã có quy hoạch không gian ngầm (22).
Nói chung, trong Thế kỷ XXI, không gian ngầm đô thị sẽ phát triển mạnh mẽ trên quy mô rộng lớn để giải quyết một loạt vấn đề giao thông đô thị, cải tạo các khu đô thị cũ, tăng thêm không gian xanh, tăng trưởng kinh tế. Vì vậy ngày nay người ta đã đề cập đến phát triển tổng hợp “đô thị ngầm” hay “đô thị sâu” (deep cities) chứ không chỉ là sử dụng không gian ngầm đô thị.
3. Phát triển không gian ngầm đô thị tại Việt Nam
Ở nước ta, không gian ngầm đô thị trước đây chỉ được quan tâm như là nơi có tài nguyên nước ngầm, và cũng là nơi đặt hệ thống đường ống cấp nước và đường cống thoát nước, bao gồm cả các cống hộp thay thế cho các kênh mương. Chỉ có một số cáp điện và viễn thông được chôn riêng rẽ và rất nông, dễ gặp sự cố. Để khắc phục tình trạng không an toàn và mất mỹ quan của các tuyến dây điện và viễn thông treo ngổn ngang dọc đường phố, các đô thị lớn thực hiện một số dự án “ngầm hóa” nhằm gom chúng vào các đường ống chất dẻo chôn xuống đất và một số đoạn hào kỹ thuật ngắn, nhưng kết quả chưa nhiều.
Không gian ngầm đô thị chỉ mới được quan tâm nhiều hơn khi có các dự án hầm vượt cho người đi bộ, hầm đỗ xe, hầm vượt cho xe cơ giới qua nút giao cắt, và hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn dài 1490m cho 6 làn xe.
Tuy không gian ngầm đô thị được đưa vào quy hoạch từ năm 2007, khi Viện Quy hoạch Xây dựng Thanh Hóa cùng với Louis Berger Group điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể thành phố Thanh Hóa đã duyệt từ năm 1999, với tầm nhìn đến 2020 và xa hơn, nhưng phải đến mấy năm gần đây thì quy hoạch không gian ngầm mới trở nên tương đối cấp bách đối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh cần triển khai các dự án hầm đỗ xe, nhất là dự án phát triển tàu điện ngầm, và đáp ứng nhu cầu cải tạo khu thương mại trung tâm mà vẫn bảo tồn được cảnh quan đặc sắc vốn có. Năm 2012 này, thành phố Đà Nẵng cũng vừa mới duyệt quy hoạch chi tiết hầm đỗ xe tại khu vực rộng 2,5 ha trong Công viên 29/3.
Một số cuộc hội thảo về không gian ngầm đã được tổ chức trong các năm 2008 và 2009(6,7). Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 có một số điều khoản đề cập đến không gian ngầm và công trình ngầm. Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2010 về quản lý không gian ngầm đô thị. Cuốn sách “Quy hoạch xây dựng công trình ngầm đô thị” của Nguyễn Hồng Tiến (2011) đã bước đầu hệ thống hóa các kiến thức cơ bản và giới thiệu khung pháp lý về công trình ngầm và không gian ngầm, thúc đẩy kịp thời việc khai thác không gian quan trọng này để phát triển đô thị nước ta. Năm 2012, nhóm nghiên cứu do TS.KTS Nguyễn Trúc Anh chủ trì (Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị Nông thôn - Bộ Xây dựng) cũng vừa hoàn thành đề tài “Nghiên cứu hướng dẫn thiết kế quy hoạch không gian ngầm lồng ghép trong đồ án quy hoạch đô thị”(12), trong đó có phần tổng quan quốc tế và trong nước về xây dựng công trình ngầm đô thị khá phong phú.
Tuy vậy, do chủ đề này còn quá mới mẻ nên mỗi khi gặp phải vấn đề phát triển không gian ngầm cụ thể, chẳng hạn hầm đỗ xe, hầm bộ hành kết nối khách sạn với ga tàu điện ngầm, siêu thị ngầm…, thì các chuyên gia quy hoạch và chính quyền các đô thị còn gặp nhiều lúng túng, thậm chí còn nghi kỵ. Trong nhận thức của nhiều người thì công trình ngầm đô thị thuộc loại cá biệt, tốn kém, đòi hỏi kỹ thuật đặc thù, vượt quá khả năng tài chính và công nghệ hiện tại của các đô thị, nhất là khi có vài tiền lệ không thành công như hầm bộ hành bỏ hoang, siêu thị ngầm bị ngập nước v.v. Ngay loại hình hào/hầm kỹ thuật vốn đã là công trình hạ tầng quen thuộc đối với đô thị các nước nhưng vẫn còn khá xa lạ đối với đô thị nước ta đang trên con đường hiện đại hóa! Hai đô thị loại đặc biệt đã bắt đầu thực hiện dự án phát triển tàu điện ngầm dựa vào nguồn vốn ODA khá tốn kém, nhưng xem ra một số vấn đề về quy hoạch và công nghệ vẫn còn cần được tiếp tục xem xét.
…
(còn nữa)