Quyền được xét xử công bằng trong pháp luật quốc tế

Quyền được xét xử công bằng” (right to a fair trial) là một nhân quyền cơ bản và có tính phổ quát cao, tồn tại trong cả các vụ án hình sự và phi hình sự. Pháp luật nhiều quốc gia quy định quyền này với quan niệm rằng nó là quyền thiết yếu (essential) trong mọi quốc gia pháp trị. Việc đối xử với một người khi họ bị buộc tội phản ánh rõ nhà nước tôn trọng nhân quyền đến mức nào, bởi vậy, quyền được xét xử công bằng đã được coi là một hòn đá tảng (acornerstone) của các xã hội dân chủ.

doc11 trang | Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 2021 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quyền được xét xử công bằng trong pháp luật quốc tế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Quyền được xét xử công bằng trong pháp luật quốc tế. THS. LÃ KHÁNH TÙNG – Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội 1. Khái quát về quyền được xét xử công bằng 1.1. Khái niệm “quyền được xét xử công bằng” “Quyền được xét xử công bằng” (right to a fair trial) là một nhân quyền cơ bản và có tính phổ quát cao, tồn tại trong cả các vụ án hình sự và phi hình sự. Pháp luật nhiều quốc gia quy định quyền này với quan niệm rằng nó là quyền thiết yếu (essential) trong mọi quốc gia pháp trị. Việc đối xử với một người khi họ bị buộc tội phản ánh rõ nhà nước tôn trọng nhân quyền đến mức nào, bởi vậy, quyền được xét xử công bằng đã được coi là một hòn đá tảng (acornerstone) của các xã hội dân chủ. Giống như đặc tính của mọi nhân quyền là phụ thuộc lẫn nhau, quyền được xét xử công bằng với các quyền khác có mối quan hệ hai chiều. Một phiên toà công bằng là yếu tố thiết yếu để bảo đảm các quyền cơ bản khác của con người như quyền sống, quyền được an toàn về thân thể, tự do ngôn luận… Ngược lại, trong một xã hội không dân chủ, các quyền cơ bản của con người không được tôn trọng thì khó có thể có chuyện mọi người đều được xét xử công bằng. Quan hệ chặt chẽ giữa quyền được xét xử công bằng với pháp trị và dân chủ cũng đã được khẳng định chính thức trong Tuyên ngôn Dakar về quyền được xét xử công bằng tại châu Phi. Phạm vi của quyền được xét xử công bằng được hiểu tương đối khác nhau trong lập pháp và trong nhiều tài liệu nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng. Nếu dịch sát nghĩa “right to a fair trial” được hiểu là quyền đối với (quyền có một) phiên xử công bằng. Tức là không phải bị xét xử bởi một phiên toà không công bằng (unfair trial), dù là hình sự hay phi hình sự. Về mặt lập pháp, ngoài hệ thống pháp luật của các quốc gia, quyền được xét xử công bằng được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế và khu vực. Trước hết phải kể đến Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16 tháng 12 năm 1966. Tuy nhiên, theo nhiều quan điểm thì quyền được xét xử công bằng không chỉ gồm các quy định liên quan đến giai đoạn xét xử, được quy định tại Điều 14 mà cả ở nhiều điều luật khác (Điều 7, 9, 15…) của ICCPR. Về thời điểm phát sinh, nhiều luật gia cho rằng ngay từ khi một cá nhân bị bắt họ đã có quyền này. Bởi lẽ các quyền trước, trong và sau khi xét xử đều có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả chủ yếu tập trung vào giai đoạn xét xử của Toà án, đây cũng là phạm vi mà các quy định của pháp luật quốc tế tập trung điều chỉnh và được đề cập rộng rãi khi tìm hiểu về quyền này. Từ những phân tích trên, có thể nêu khái niệm khoa học pháp lý về quyền được xét xử công bằng như sau: Quyền được xét xử công bằng là quyền cơ bản của người bị buộc tội trong vụ án hình sự và của các bên trong vụ việc phi hình sự trước cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát và Toà án), được pháp luật quốc gia và quốc tế ghi nhận và bảo vệ, bao gồm nhiều quyền cụ thể (như được bảo đảm quyền bào chữa, được xét xử nhanh chóng, công khai bởi Toà án độc lập, không thiên vị…) nhằm bảo đảm cho việc xét xử được công bằng, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân. 1.2. Quy định trong các văn kiện mang tính ràng buộc và không mang tính ràng buộc pháp lý Quyền được xét xử công bằng, như đã đề cập, được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế và khu vực. Trước hết phải kể đến Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), mà Việt Nam đã gia nhập từ năm 1982, là văn kiện quốc tế có giá trị cao trong hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người. Trong Công ước này, quyền được xét xử công bằng được ghi nhận một cách trang trọng tại Điều 14 và một số điều luật khác. Mặc dù Điều 14 không gọi trực tiếp bằng tên “quyền được xét xử công bằng” nhưng quyền này đã được Uỷ ban Nhân quyền (Human rights Committee), cơ quan được thiết lập nhằm giám sát việc thi hành ICCPR, sử dụng khi phân tích các nội dung của điều luật. Đồng thời, nội hàm của Điều 14 cũng trùng với các quy định về “quyền được xét xử công bằng” trong nhiều điều ước quốc tế về nhân quyền. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948) (Tuyên ngôn) cũng đã bảo vệ quyền này khi khẳng định tại Điều 10 rằng mọi người đều được hưởng quyền bình đẳng hoàn toàn trong việc xem xét công khai và công bằng bởi một Toà án “có năng lực, độc lập và không thiên vị”. Đối chiếu với quy định về quyền này trong ICCPR với Công ước về nhân quyền của một số khu vực (châu Âu, châu Mỹ, châu Phi) cũng thấy rất nhiều điểm tương đồng. Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và tự do căn bản (ECHR) năm 1950 tại Điều 6, cũng như Công ước châu Mỹ về nhân quyền (1969) tại Điều 8, đều quy định với tiêu đề “quyền được xét xử công bằng” (Right to a fair trial), khẳng định quyền được xét xử bởi “Toà án độc lập và không thiên vị, được thiết lập theo luật pháp” trong các vụ việc dân sự hay hình sự, quyền được suy đoán vô tội và các quyền tối thiểu liên quan đến việc bị buộc tội. Tại các điều ước của một số khu vực khác, có thể không gọi trực tiếp tên quyền này, như Điều 7 của Hiến chương châu Phi về nhân quyền và quyền của các dân tộc, nhưng cũng quy định về một số quyền như được kháng cáo, được suy đoán vô tội, được bào chữa, được xét xử bởi “một Toà án không thiên vị”. Cũng cần lưu ý là châu Phi đã có riêng một văn kiện về quyền được xét xử công bằng là Tuyên ngôn Dakar về quyền được xét xử công bằng tại châu Phi (2000), như đã nhắc đến ở trên. Hiến chương nhân quyền ả-rập (1994), dù không có điều nào đề cập trực tiếp đến Toà án, nhưng cũng có quy định về quyền được suy đoán vô tội (Điều 7), quyền không bị xét xử hai lần, được bồi thường nếu bị giam giữ oan (Điều 16). Các điều ước khu vực hiển nhiên chỉ có giá trị bắt buộc đối với các quốc gia tham gia điều ước, nhưng rõ ràng quyền được xét xử công bằng mang tính phổ quát cao và được quan tâm bảo vệ trên khắp thế giới. Bên cạnh các văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý (công ước, điều ước), nhiều văn kiện không mang tính ràng buộc pháp lý như Hướng dẫn, Nguyên tắc, Quy tắc có liên quan đến bảo vệ quyền được xét xử công bằng. Chẳng hạn như liên quan đến người tiến hành tố tụng và các nghĩa vụ của họ có Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Toà án (1985), Quy ước đạo đức của quan chức thi hành pháp luật (1979), Hướng dẫn về vai trò của Công tố viên (1990)… Liên quan đến người tham gia tố tụng có Các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay tù dưới bất kỳ hình thức nào (1988), Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh) (1985), Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do (1990), Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của Luật sư (1990)… Những văn kiện này dù không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng lại là những tiêu chuẩn chung đã được cộng đồng quốc tế nhất trí nhằm hướng đến bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm của con người – những giá trị mang tính phổ quát. Bên cạnh giá trị đạo đức và chính trị, các văn kiện này đã và đang được nghiên cứu và nội luật hoá bởi nhiều quốc gia. Tập hợp các văn kiện văn kiện mang tính ràng buộc và không mang tính ràng buộc pháp lý nêu trên tạo nên một hệ thống các chuẩn mực quốc tế về quyền được xét xử công bằng. Hệ thống chuẩn mực này có thể dùng làm thước đo mức độ tuân thủ của các quốc gia trên khía cạnh pháp luật thực định và thực tiễn thi hành pháp luật. 2. Các nội dung căn bản của quyền được xét xử công bằng 2.1. Một số quyền trong giai đoạn trước xét xử Mặc dù quyền được xét xử công bằng liên quan nhiều nhất đến hoạt động xét xử của Toà án, nhưng giai đoạn tiền xét xử lại có quan hệ chặt chẽ, làm tiền đề cho giai đoạn xét xử. Các quyền cơ bản nếu bị xâm hại từ giai đoạn đầu này sẽ ảnh hưởng đến các quyền ở giai đoạn sau. Chẳng hạn quyền không bị tra tấn, bức cung hay nhục hình nếu bị xâm hại, rất dễ dẫn đến những lời khai không khách quan, từ đó nội dung vụ án bị sai lệch. Mặt khác, Toà án trong giai đoạn này đã có vai trò xem xét về tính hợp pháp của việc bắt giữ người. Không bị bắt hoặc giam giữ vô cớ là một quyền sơ đẳng, bảo đảm quyền tự do và an toàn về thân thể của cá nhân. Điều 9 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, cũng như Điều 9/1 ICCPR khẳng định không ai có thể bị bắt hoặc giam giữ vô cớ. Khi bị bắt, người bị bắt có quyền được biết lý do bắt (Điều 9/2). Cũng ngay từ giai đoạn bị bắt, người bị bắt có quyền không bị tra tấn, bị đối xử tàn ác hay vô nhân đạo, đây là quyền được ghi nhận trong Điều 7 Tuyên ngôn, Điều 7 ICCPR, Bình luận chung số 7 và số 20, cũng như trong Công ước chống tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hay bị hạ nhục (1984). Hơn thế nữa, bị can còn có quyền được giam giữ, đối xử nhân đạo, theo Điều 10 ICCPR, Bình luận chung số 9, cũng như trong Các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay tù dưới bất kỳ hình thức nào (1988). Điều 9/4 ICCPR quy định về quyền được Toà án nhanh chóng xem xét về tính hợp pháp của việc bắt giữ người. Toà án với vai trò là cơ quan tư pháp sẽ đánh giá việc bắt giữ có hợp pháp hay không, tránh việc bắt giữ người bất hợp pháp hoặc không cần thiết. Đây cũng là một quyền cơ bản của công dân, được hiến pháp nhiều quốc gia ghi nhận. Khi đề cập đến các quyền trong giai đoạn tiền xét xử, nhiều quyền khác của bị can được quan tâm như quyền được bào chữa và trợ giúp pháp lý ngay khi bị bắt hoặc bị giam giữ, quyền được liên lạc với thế giới bên ngoài, quyền được thực hành tôn giáo… 2.2. Quyền bình đẳng trước Toà án và được xét xử bởi Toà án độc lập, không thiên vị, công khai Trước hết, bình đẳng thể hiện ở sự ngang bằng về quyền giữa các bên trong tố tụng. Các bên buộc tội với bên gỡ tội có quyền như nhau trong việc đưa ra chứng cứ, quan điểm, yêu cầu là những đòi hỏi đầu tiên của công bằng trong xét xử. Đây cũng là yêu cầu của Điều 7 Tuyên ngôn rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng. Thứ hai, Toà án cần phải độc lập, không thiên vị cũng là nội dung quan trọng đảm bảo công bằng. Toà án là cơ quan có thẩm quyền đưa ra phán quyết về việc một người có tội hay không và trách nhiệm hình sự mà người đó phải gánh chịu. Tại Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Toà án (Basic Principles on the Independence of the Judiciary) do Hội nghị Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội thông qua và được Đại hội đồng Liên hợp quốc chấp thuận cùng trong năm 1985, tính độc lập của Toà án đã được cụ thể hoá từ nhiều góc độ như cần có sự bảo đảm của nhà nước, bảo đảm của hiến pháp, Toà án không bị ảnh hưởng bởi dụ dỗ, sức ép, can thiệp sai trái… Bên cạnh sự độc lập của Toà án và các Thẩm phán, sự độc lập của Cảnh sát và công tố viên cũng ảnh hưởng đáng kể đến tính độc lập của hệ thống tư pháp. Hướng dẫn về vai trò của Công tố viên (được Hội nghị Liên hợp quốc thông qua năm 1990) đã khẳng định trách nhiệm của nhà nước trong bảo đảm cho Công tố viên thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn mà không bị đe doạ, ngăn cản, can thiệp (khoản 4) và Văn phòng Công tố viên phải triệt để tách khỏi chức năng xét xử (khoản 10)… Trong Quy ước đạo đức của quan chức thi hành pháp luật (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1979), một số khía cạnh liên quan đến tính độc lập như các quan chức thi hành pháp luật (thực thi quyền lực cảnh sát) không được tham nhũng (Điều 7). Công khai và minh bạch là những đòi hỏi thiết yếu của công bằng. Toà án xét xử công khai là một yêu cầu trong Điều 14/1 ICCPR. Tuy nhiên, việc xét xử công khai có thể bị hạn chế vì lý do an ninh quốc gia hoặc để giữ kín đời tư của các bên. Trong Công ước châu Âu về nhân quyền (ECHR), tính công khai của việc xét xử (Điều 6) cũng như việc đảm bảo quyền thông tin của công chúng được đề cao (Điều 10). Gần đây, Hội đồng châu Âu nêu lên kiến nghị liên quan đến tính minh bạch và khuyến cáo các quốc gia bảo đảm quyền của công chúng trong việc nhận các thông tin về hoạt động của cơ quan tư pháp, công an thông qua các phương tiện truyền thông, đồng thời, các phóng viên phải được tự do viết, bình luận về hệ thống tư pháp. Năm 2005, Hội đồng tư vấn Thẩm phán châu Âu (the Consultative Council of European Judges) cũng đã đề cao mối quan hệ giữa Toà án với các phương tiện truyền thông đại chúng. 2.3. Quyền được suy đoán vô tội Nguyên tắc suy đoán vô tội được hình thành tương đối sớm trong nhiều nền tư pháp trên thế giới. Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789) đã khẳng định mọi người đều được coi là vô tội cho đến khi bị tuyên bố phạm tội (Điều 9). Trong Hiến pháp Mỹ, dù không trực tiếp đề cập đến nhưng có thể được suy ra từ các tu chính án 4, 5 và 14. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948) tại Điều 11 và ECHR tại khoản 2 Điều 6 cũng khẳng định quyền này. Điều 14/2 ICCPR đã ghi nhận quyền được suy đoán vô tội của bị can, bị cáo, cạnh đó, khoản 7 của Bình luận chung số 13 nhấn mạnh mối quan hệ của quyền này với nghĩa vụ chứng minh của bên công tố, bên công tố có nghĩa vụ chứng minh trong suốt quá trình xét xử. Quy định về suy đoán vô tội có quan hệ chặt chẽ với quy định về Toà án không thiên vị. Các cơ quan tiến hành tố tụng, các Thẩm phán, Công tố viên có nghĩa vụ không được có định kiến trước về kết quả của việc xét xử. Cụ thể, việc tiến hành phiên toà phải được dựa trên việc giả định/suy đoán là vô tội. Liên quan đến suy đoán vô tội, các yếu tố có thể tạo nên định kiến cũng cần phải tránh như việc yêu cầu bị can, bị cáo đeo còng tay, mặc đồng phục trại giam hoặc buộc phải cạo trọc đầu. 2.4. Quyền bào chữa Quyền bào chữa có vai trò đặc biệt là quyền bảo vệ các quyền khác. Điều 14/3 ICCPR khẳng định trong quá trình xét xử hình sự, mọi người phải được các bảo đảm tối thiểu liên quan đến quyền bào chữa. Các quyền đó bao gồm quyền được biết lý do buộc tội, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, được xét xử nhanh chóng, được đối chất với người làm chứng… Trước hết, để có thể thực hiện việc bào chữa, người bị buộc tội phải được thông báo về lý do buộc tội (Điều 14/3/a). Nguyên tắc 10 trong Các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam giữ hay tù dưới bất kỳ hình thức nào (1988) cũng nhấn mạnh quyền được thông báo này của người bị bắt giữ. Bên cạnh quyền có đủ thời gian để chuẩn bị cho việc bào chữa (Điều 14/3/b), bị cáo lại có quyền được xét xử nhanh chóng (Điều 14/3/c). Quyền bào chữa của người bị buộc tội bao gồm quyền tự bào chữa và quyền nhờ Luật sư. Điều 14/3/d ghi nhận cả hai quyền này của bị cáo. Nhiều quốc gia trên thế giới, Luật sư có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội. Nguyên tắc 10 trong Các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam giữ hay tù dưới bất kỳ hình thức nào cũng khẳng định quyền của bị can, bị cáo được liên lạc, tham khảo ý kiến với Luật sư, việc tiếp xúc với Luật sư phải ngoài tầm nghe của quan chức thi hành pháp luật. Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của Luật sư (1990) cũng đặc biệt chú ý đến vai trò của Luật sư trong tư pháp hình sự. Theo đó, các Chính phủ có nghĩa vụ bảo đảm cho người bị bắt, trong mọi trường hợp không quá 48 giờ, được tiếp xúc với Luật sư. Bên cạnh quyền nhờ Luật sư, cá nhân còn có quyền được có phiên dịch miễn phí nếu không hiểu và nói được ngôn ngữ sử dụng tại phiên toà (Điều 14/3/f). Để đảm bảo quyền bào chữa còn có các quy định liên quan đến chứng minh, người làm chứng. Cá nhân có quyền thẩm vấn và yêu cầu thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình, được mời người làm chứng gỡ tội cho mình tới phiên toà (Điều 14/3/e). Về nghĩa vụ chứng minh, bị can, bị cáo không phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội (Điều 14/3/g) và nghĩa vụ chứng minh trong vụ án hình sự thuộc về phía công tố. 2.5. Quyền được xét xử theo thủ tục riêng của người chưa thành niên Do đặc điểm của người chưa thành niên có nhiều hạn chế về thể chất, tâm sinh lý, cộng đồng quốc tế đã giành nhiều quan tâm để bảo vệ người chưa thành niên về mặt pháp lý. Điều 14/4 ICCPR quy định thủ tục áp dụng đối với người chưa thành niên phải xem xét đến độ tuổi và khuyến khích sự phục hồi của trẻ. Công ước về quyền trẻ em (1989) tại Điều 40/2/b cũng đã khẳng định các quyền của trẻ em được các đảm bảo khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh) (1985) đã dành rất nhiều ưu đãi đặc biệt cho người chưa thành niên. Ngoài ra Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do (1990), bên cạnh việc quy định rất nhiều bảo đảm đối với người chưa thành niên, cũng nhấn mạnh quyền có Luật sư bào chữa và được yêu cầu trợ giúp pháp lý không phải trả tiền trong giai đoạn chờ xét xử của họ (khoản 18, Phần III)(*). 2.6. Quyền kháng cáo Điều 14/5 ICCPR quy định quyền kháng cáo, quyền được xét xử phúc thẩm. Người nào bị kết án đều có quyền yêu cầu Toà án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với họ mà Toà án cấp dưới đã tuyên. Quyền này nhằm hạn chế những sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới có thể gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của các đương sự. Trong khoản 7 của Bình luận chung số 13 về quyền kháng cáo đã nhấn mạnh rằng, trong các vụ án hình sự, quyền này không chỉ áp dụng đối với những tội phạm nghiêm trọng mà còn được áp dụng đối với tất cả các loại tội phạm. 2.7. Một số quyền khác Điều 14/6 ICCPR quy định quyền được yêu cầu bồi thường khi bị kết án oan. Điều luật quy định cụ thể nếu bản án có hiệu lực chung thẩm bị huỷ bỏ hoặc tuyên vô tội trên cơ sở tình tiết mới cho thấy việc xét xử là oan, người bị kết án oan có quyền yêu cầu bồi thường. Điều 14/7 ICCPR còn quy định quyền không bị xét xử hay phải chịu hình phạt hai lần về cùng một tội danh. Trong ICCPR, ngoài các nội dung quy định tại Điều 14 nêu trên, các nội dung quy định trong Điều 11 về không bị truy cứu hình sự vì lý do không thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng và Điều 15 về không bị coi là có tội nếu hành vi không cấu thành tội phạm theo pháp luật vào thời điểm thực hiện hành vi, không áp dụng hồi tố cũng được nghiên cứu khi đề cập đến quyền được xét xử công bằng. 3. Kết luận Quyền được xét xử công bằng là một quyền tổng hợp. Các quy phạm quốc tế về quyền này rất đa dạng, đồng thời cũng tương đối chặt chẽ, chi tiết. Việc tôn trọng, thực hiện tốt các quy phạm đó có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ được quyền được xét xử công bằng, qua đó bảo vệ các quyền cơ bản khác, cũng như góp phần quan trọng tạo nền tảng cho một xã hội dân chủ./
Tài liệu liên quan