Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, ngoài việc thiết lập các quan hệ pháp luật với cơ quan quản lý Nhà nước và với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác, doanh nghiệp còn có các quan hệ pháp luật trong nội bộ doanh nghiệp, trong đó có các quan hệ pháp luật hình thành trong quá trình doanh nghiệp thuê mướn, sử dụng lao động. Quan hệ giữa doanh nghiệp với người lao động là đối tượng điều chỉnh của luật lao động, một bộ phận hợp thành của pháp luật kinh tế và kinh doanh. Luật lao động nước ta hiện nay đã được pháp điển hoá thành Bộ luật lao động do quốc hội thông qua ngày 23 tháng 06 năm 1994, có hiệu lực kể từ ngày 1.1.1995, bao gồm 17 chương, 198 điều luật. Bộ luật lao động cùng với các nghị định quy định chi tiết thi hành luật và một số văn bản quy phạm pháp luật khác đã hình thành hệ thống pháp luật lao động. Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động (Điều 26 Bộ luật lao động)