Tóm tắt. Bằng việc đưa ra một hệ thống các cách thức hướng dẫn học
sinh phân tích nội dung TPVH, bài báo đã thực hiện một mục tiêu kép:
vừa trang bị cho SV sư phạm, Khoa Ngữ văn các cách thức cần thiết trong
tiếp nhận TPVH vừa góp phần rèn luyện kỹ năng hướng dẫn học sinh tiếp
nhận TPVH một cách chủ động, tích cực. Đây là một kỹ năng đặc biệt quan
trọng. Nó vừa đòi hỏi một khả năng chuyên môn sắc sảo kết hợp với năng
lực sư phạm thuần thục, khả năng thấu hiểu tâm lý HS phổ thông, biết
đánh giá tương đối chính xác năng lực tiếp nhận văn học của các em.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 40 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Rèn luyện kỹ năng hướng dẫn học sinh phân tích nội dung tác phẩm văn học cho sinh viên khoa Ngữ văn trường đại học sư phạm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
IER., 2011, Vol. 56, pp. 24-30
RÈN LUYỆN KỸ NĂNG HƯỚNG DẪN HỌC SINH
PHÂN TÍCH NỘI DUNG TÁC PHẨM VĂN HỌC
CHO SINH VIÊN KHOA NGỮ VĂN TRƯỜNG ĐHSP
Trương Thị Bích
Viện Nghiên cứu Sư phạm - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
E-mail: bichnxbgd@gmail.com
Tóm tắt. Bằng việc đưa ra một hệ thống các cách thức hướng dẫn học
sinh phân tích nội dung TPVH, bài báo đã thực hiện một mục tiêu kép:
vừa trang bị cho SV sư phạm, Khoa Ngữ văn các cách thức cần thiết trong
tiếp nhận TPVH vừa góp phần rèn luyện kỹ năng hướng dẫn học sinh tiếp
nhận TPVH một cách chủ động, tích cực. Đây là một kỹ năng đặc biệt quan
trọng. Nó vừa đòi hỏi một khả năng chuyên môn sắc sảo kết hợp với năng
lực sư phạm thuần thục, khả năng thấu hiểu tâm lý HS phổ thông, biết
đánh giá tương đối chính xác năng lực tiếp nhận văn học của các em.
1. Đặt vấn đề
Để trở thành một giáo viên (GV) dạy Văn trưởng thành, một sinh viên (SV) /
giáo sinh (GS) cần phải được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng sư phạm cần thiết.
Đó là hệ thống kiến thức về lịch sử văn học (văn học Việt Nam, văn học thế giới;
văn học hiện đại, văn học trung đại; văn học dân gian, văn học viết); là vốn hiểu
biết về tâm lý học sinh (HS) phổ thông; là sự am tường về công tác giáo dục. Đặc
biệt, điều làm nên sự khác biệt giữa GV Văn với GV các bộ môn khác là các phương
pháp giảng dạy bộ môn, trong đó, việc rèn luyện kỹ năng phân tích nội dung TPVH
và triển khai vận dụng hướng dẫn HS là việc làm cần thiết trong Khoa, nhất là đối
với tổ bộ môn Phương pháp dạy học.
2. Nội dung nghiên cứu
Trong giờ đọc - hiểu, việc hướng dẫn học sinh phân tích nội dung TPVH là
công việc khó khăn và cũng là quan trọng nhất để rèn luyện cho HS năng lực chủ
động tiếp nhận TPVH. Công việc phân tích này sẽ quyết định điểm khác cơ bản
giữa một bên GV là người cảm thụ và bình giảng TPVH, rồi truyền đạt lại cho HS,
còn một bên là sự dẫn dắt, tổ chức, điều khiển để HS tự khám phá, tự cảm nhận,
cùng cảm nhận tác phẩm. Chính vì vậy mà đây là lúc cần huy động cao nhất tính
tích cực trong nhận thức của HS. Với sự quán xuyến, chi phối của chủ đề, của bố
24
Rèn luyện kỹ năng hướng dẫn học sinh phân tích nội dung tác phẩm văn học...
cục, GV phải xây dựng được một quy trình giải mã, tiếp nhận TPVH, phải cho HS
biết cần bắt đầu công việc ấy từ đâu ? Triển khai như thế nào ? Để làm gì ? Dạy
văn nhất thiết không phải chỉ nói cho thật hay, thật cảm động, HS không chỉ chăm
chú ghi nhiều, nhớ nhiều. Nhấn mạnh điều này, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã
căn dặn: "Dạy làm văn chủ yếu là dạy cho HS diễn tả cái gì mình suy nghĩ, mình
cần bày tỏ một cách trung thành, sáng tỏ, chính xác, làm nổi bật điều mình muốn
nói". Và cố Thủ tướng kết luận: "Ngày nay, sự hiểu biết của con người luôn luôn
đổi mới. Cho nên dù học được trong nhà trường bao nhiêu chăng nữa cũng chỉ là
rất hạn chế. Thế thì cái gì là quan trọng ? Cái quan trọng là rèn luyện bộ óc, rèn
luyện phương pháp suy nghĩ, phương pháp học tập, phải tìm tòi phương pháp vận
dụng kiến thức, phải vận dụng tốt nhất bộ óc của mình..." [2].
Trước một áng văn chương, GV phải biết bắt đầu từ đâu, khai thác như thế
nào để HS không những hiểu vấn đề mà còn tích luỹ một cách thức nhất định về
tiếp nhận và khám phá TPVH. GV vừa truyền đạt kiến thức, lại vừa phải giới thiệu
cho HS cách thức để hiểu, để lĩnh hội kiến thức đó. Từ kinh nghiệm bản thân, tác
giả Trương Chính đã có những gợi ý: "lúc lập luận, tôi chỉ cho các em rõ tôi đang
dùng thao tác gì của tư duy lô gích, xác định các luận điểm tăng tiến hay giảm
lùi, muốn nối ý trên và ý dưới như thế nào cho liền mạch, rồi câu phức tạp này tôi
dùng như thế nào, từ kia tôi dùng với dụng ý gì ?... Nghĩa là tôi huy động tất cả
những thủ thuật tạo văn. Tôi có cảm giác tôi đang dạy võ, vừa múa chậm lại, vừa
giải thích từng động tác. Mỗi động tác phải tập đi tập lại nhiều lần đến mức thành
kỹ năng, kỹ xảo" [1].
Để làm được điều này, trong giờ đọc - hiểu TPVH, GV phải hướng dẫn HS
thực hiện theo trình tự các thao tác sau:
2.1. Cách thức xác định các tín hiệu thẩm mỹ
2.1.1. Thế nào là tín hiệu thẩm mỹ ?
"Tín hiệu thẩm mỹ là những nút động mà nếu nhấn vào thì cả bài văn sáng
bừng lên. Những nút động đó là những từ, ngữ, cách dùng từ, cách đặt câu..." [3].
Tín hiệu thẩm mỹ là những từ, những câu, những hình ảnh, những chi tiết,...
có khả năng bộc lộ một cách tập trung những khía cạnh cơ bản thuộc chủ đề và
tư tưởng tác phẩm. Đó là nơi quy tụ nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của
tác phẩm. Có thể so sánh các tín hiệu thẩm mỹ như là những chỗ xoáy của một
dòng sông; những đỉnh cao từ đó có thể phóng tầm mắt nhìn chung quanh một cách
bao quát; những cái nút bấm vào đấy cả một bộ máy phức tạp liền chuyển động; là
những ngọn đèn nếu được thắp lên sẽ soi sáng lung linh cả một toà nhà. "TPVH là
một thể thống nhất phức tạp của những thành tố tác động qua lại lẫn nhau, đồng
thời cũng phụ thuộc lẫn nhau chứ không phải là tổng số đơn giản của những thành
tố có giá trị ngang nhau và có chức năng như nhau". Giữa rất nhiều yếu tố tạo nên
nội dung trực tiếp của tác phẩm, bao giờ cũng nổi lên vai trò then chốt của các tín
hiệu thẩm mỹ.
25
Trương Thị Bích
2.1.2. Cách thức xác định các tín hiệu thẩm mỹ
- Giới hạn phạm vi văn bản có chứa các tín hiệu thẩm mỹ
Khoanh vùng, giới hạn phạm vi TPVH có chứa các tín hiệu thẩm mỹ theo
một tiêu đề, một nội dung nhất định là công việc hoàn toàn phù hợp với HS phổ
thông. Phạm vi giới hạn này có thể theo chiều ngang (theo thứ tự từ đầu đến cuối
tác phẩm). Hoặc có thể đan xen giữa chiều ngang và dọc tác phẩm (những tác phẩm
có kết cấu phức tạp như tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao). Với người tiếp nhận
ngoài nhà trường thì không cần phải có thao tác này. Nhưng với bạn đọc - HS, với
người tiếp nhận trong sự dẫn dắt của GV, GV cần phải có những thao tác định
hướng như vậy để rèn luyện cho HS những hình dung ban đầu và sau đó là kỹ năng,
là năng lực tự tiếp nhận, tự khám phá, chiếm lĩnh một TPVH.
- Muốn giới hạn phạm vi văn bản có chứa các tín hiệu thẩm mỹ, phải luôn
luôn nhìn vào chủ đề và dựa vào bố cục (đã xác định) để liên tưởng soi sáng. Dưới
sự quán xuyến của chủ đề, bố cục, việc tìm hiểu các tín hiệu thẩm mỹ sẽ luôn đặt
trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau, đặt trong một chỉnh thể toàn vẹn. Như vậy, khi
thực hiện thao tác xác định các tín hiệu thẩm mỹ, HS một lần nữa được đối chiếu,
suy ngẫm, so sánh về chủ đề cũng như bố cục TPVH. Các tín hiệu thẩm mỹ nhất
định phải được đặt trong mỗi phần, mỗi đoạn cụ thể của cấu trúc TPVH, phải luôn
luôn được soi sáng, kiểm chứng trong sự định hướng của chủ đề, bố cục.
- Các dấu hiệu giúp xác định các tín hiệu thẩm mỹ
+ Các biện pháp tu từ về từ: ẩn dụ, nhân hoá, so sánh, hoán dụ, điệp từ
ngữ,...
+ Các biện pháp tu từ về câu: các phép liên kết: phép lặp, phép thế, phép
đối, phép tương phản,...
+ Các chi tiết, hình ảnh lạ
+ Các loại câu đặc biệt:
* Câu là một mệnh đề bỏ ngỏ:
"Khi con tu hú" (Tên bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu).
"Buổi hầu sáng hôm ấy" (Trong Đồng hào có ma của Nguyễn Công Hoan).
* Câu văn, câu thơ gãy nhịp, ngắt đôi: "Đồng chí !" (Bài thơ Đồng chí của
Chính Hữu). Sức nặng của bài thơ dường như dồn cả vào câu thơ đặc biệt này. Hay:
Thôi rồi !
Lượm ơi ! (Trong bài Lượm của nhà thơ Tố Hữu).
+ Có khi tín hiệu thẩm mỹ cũng chính là nhịp điệu (nếu là tác phẩm trữ
tình), hoặc là giọng văn (nếu là tác phẩm văn xuôi). Có khi là ngôi kể,...
Tóm lại, tín hiệu thẩm mỹ thường được ẩn tàng dưới lớp vỏ "kỹ thuật" ngôn
ngữ, người đọc phải khám phá được bản chất, cấu tạo cũng như tác dụng của các
hình thức có tính chất kỹ thuật này để làm rõ chủ đề của tác phẩm. Tuy nhiên,
không phải bất cứ biện pháp nghệ thuật nào cũng có tác dụng trong việc thể hiện
26
Rèn luyện kỹ năng hướng dẫn học sinh phân tích nội dung tác phẩm văn học...
nội dung. Người đọc cần phải biết chọn lọc những biện pháp, những "kỹ thuật" tiêu
biểu, trọng tâm để phân tích, bình giá nhằm làm nổi rõ chủ đề của TPVH.
- Những câu hỏi gợi ý của GV rất quan trọng trong việc hướng dẫn HS phát
hiện các tín hiệu thẩm mỹ. GV không đưa ra những câu hỏi quá khái quát, quá xa
để hỏi HS, phải biết hỏi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ tái hiện đến
tái tạo và sáng tạo.
2.2. Cách thức phân tích các tín hiệu thẩm mỹ
Thực ra khi HS xác định được các tín hiệu thẩm mỹ tức là đã bắt đầu thao
tác cảm nhận và phân tích, cắt nghĩa các tín hiệu nghệ thuật. Thế nào là phân tích
và cắt nghĩa ? Phân tích văn học thực chất là hoạt động chia nhỏ đối tượng để có cái
nhìn cụ thể những yếu tố làm nên chỉnh thể đó. Hoạt động phân tích đã giúp người
tiếp nhận nhìn nhận một cách thấu đáo, bản chất và có cơ sở nội dung ý nghĩa của
TPVH. Cần phải tiến hành hoạt động phân tích trong mối quan hệ với chỉnh thể
của tác phẩm. Khi phân tích phải biết lựa chọn đối tượng bởi TPVH không phải là
sự ”cộng lại” các chi tiết văn học mà là sự sắp xếp có dụng ý của nhà văn, có chi
tiết trọng tâm, có chi tiết phụ... Cắt nghĩa có nghĩa là giải thích có suy nghĩ. Cắt
nghĩa được xem như là sự mô tả những thao tác, là điều kiện then chốt tạo khả
năng dạy văn, học văn có hiệu quả, là để tìm ra ý nghĩa của văn bản. Thông qua
việc cắt nghĩa, các yếu tố, các hình ảnh, các từ, câu, các bộ phận,... trong chỉnh thể
của mạch văn, người đọc sẽ bộc lộ ý nghĩ riêng của mình. Trong quá trình cắt nghĩa
phải luôn luôn đối chiếu các bộ phận, các thành phần được cắt nghĩa với chỉnh thể
của văn bản để làm bộc lộ ý nghĩa chung. "Cắt nghĩa là một cách tìm ra câu trả
lời của tác giả gửi đến bạn đọc thông qua văn bản". Giữa phân tích và cắt nghĩa
có những điểm gần nhau, thậm chí giống nhau. Mặt khác, giữa chúng cũng có mối
quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau. Cắt nghĩa để cho việc phân tích được
sâu sắc hơn và phân tích để cho việc cắt nghĩa được nhìn nhận ở mức độ khái quát
hơn, ”chỉnh thể" hơn. ở đây, tạm cho rằng hai khái niệm này đều thực hiện một
nhiệm vụ quan trọng là cùng làm sáng rõ tác dụng của các chi tiết văn học quan
trọng hay là các tín hiệu thẩm mỹ. Từ các giá trị rất cụ thể và chi tiết này, vẻ đẹp
nội dung và hình thức của tác phẩm sẽ được gọi tên và đánh giá, sẽ trở thành những
giá trị thẩm mỹ riêng của người tiếp nhận.
Phân tích các tín hiệu thẩm mỹ phải thực hiện theo quy trình sau
+ Phân tích để làm rõ giá trị bản thân các tín hiệu thẩm mỹ.
+ Phân tích các tín hiệu thẩm mỹ trong sự soi sáng của chủ đề và trong tính
chỉnh thể của TPVH.
+ Trong quá trình phân tích, người đọc phải sử dụng đến khả năng cảm, hiểu,
khả năng liên tưởng, tưởng tượng, hình dung, sử dụng phép so sánh để nhận xét,
bình giá.
Định hướng tiến trình bài học, xác định các tín hiệu thẩm mỹ có thể nói là
điều không khó đối với HS nếu được GV hướng dẫn có phương pháp. Điều khó ở
27
Trương Thị Bích
đây là làm sao giúp HS cảm và hiểu đúng các chi tiết nghệ thuật cũng như các tầng
ý nghĩa thuộc về nội dung TPVH. Và điều quan trọng nữa là biết diễn đạt sự cảm,
hiểu ấy bằng ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết của mình. Với các thao tác sau, người
GV có thể sẽ góp phần vào việc giúp HS phát triển khả năng rung cảm, hiểu đúng
và biết diễn đạt hay một nội dung văn học:
2.2.1. Phải thiết lập được một bầu không khí văn chương trong giờ dạy
học văn
Bầu không khí văn chương theo như một số tác giả thì đó là sự bình đẳng của
HS với GV, sự hoà nhập, sự tự tin của HS trong tiếp nhận TPVH. Theo chúng tôi,
muốn thiết lập được một bầu không khí văn chương thực sự, ngoài không khí dân
chủ, cởi mở trao đổi giữa GV và HS còn cần phải tạo được không khí văn chương,
tức là phải tạo được chất văn, chất nghệ thuật trong giờ dạy học văn. Một giờ dạy
học văn có sự mạn đàm, trao đổi, thảo luận rất sôi nổi của HS nhưng chỉ là những
lời hỏi đáp cộc lốc, quá ngắn gọn, quá thiên về ý thì sẽ làm mất đi chất văn mềm
mại đặc trưng trong khám phá, chiếm lĩnh TPVH. GV phải tạo được chất văn mềm
mại này bằng lời bình của mình, bằng cách cảm, cách hiểu của mình hoặc cũng
có thể đưa ra một lời bình của một người khác. GV cần hướng dẫn cho HS cách
diễn đạt một nội dung văn học bằng cách diễn đạt văn chương, cách diễn đạt một
bộ môn nghệ thuật. Đây chính là điểm riêng làm nên đặc trưng của bộ môn văn
học. HS phải được "tắm mình" trong không khí văn chương, trong môi trường văn
chương đó để tự mình rèn luyện cách cảm, cách hiểu và cách diễn đạt một TPVH,
phải định hướng cho HS nhìn nhận văn học như một cái "thú" văn chương giàu tính
văn hoá và thẩm mỹ chứ không phải là một môn học trừu tượng và khó khăn.
2.2.2. Phải dạy học tác phẩm theo đặc trưng thi pháp
Tức là phải hướng dẫn HS biết khai thác, tìm hiểu tác phẩm ở góc độ hình
thức nghệ thuật trong mối quan hệ với nội dung. Một giờ học văn không những giúp
HS nắm được những kiến thức về nội dung, hiểu thêm về đời sống thực tế mà còn
giúp các em hiểu sâu sắc hơn tác phẩm ở phương diện nghệ thuật. Như vậy, điều
quan trọng sau khi học xong một giờ văn là HS sẽ nắm được kỹ năng phân tích, cắt
nghĩa tác phẩm bên cạnh việc nắm được nội dung tác phẩm.
2.2.3. Hướng dẫn HS phân tích các điểm sáng thẩm mỹ
Hướng dẫn HS phân tích các điểm sáng thẩm mỹ, phải luôn luôn đặt trong sự
soi sáng của chủ đề. Chủ đề dẫn người đọc, người tiếp nhận đi đến tính hướng đích
và trong quá trình tiếp nhận thẩm mỹ lại quay trở lại làm nổi lên, làm sáng rõ chủ
đề.
2.2.4. Tìm ra nhiều ý nghĩa đa dạng phong phú tiềm ẩn trong tác phẩm
Một cách thức để hướng dẫn HS cảm, hiểu đúng nội dung văn học là GV phải
giúp HS hiểu rằng nhà văn khi xây dựng một TPVH đã "ký thác”, đã gửi gắm vào
28
Rèn luyện kỹ năng hướng dẫn học sinh phân tích nội dung tác phẩm văn học...
đó một nỗi lòng, một tâm sự, một bài học nhân sinh, một cách nhìn nhận về nhân
tình, thế thái. Nhưng khi văn bản đến với người đọc (chủ thể tiếp nhận) nó lại được
cộng hưởng với vốn sống, vốn văn hoá, với con người tinh thần của người đọc để tạo
ra những ý nghĩa mới, đa dạng và phong phú, nhiều khi vượt ra ngoài ý đồ của tác
giả. Trong tình huống này, GV cần khuyến khích và động viên HS liên hệ với chính
bản thân mình để tìm ra nhiều ý nghĩa đa dạng phong phú tiềm ẩn trong tác phẩm
một cách độc đáo và hợp lý. Ví dụ bài ca dao:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
Khi đưa ra cho HS cảm, hiểu và phát biểu về nội dung, GV có thể gợi ý bằng
nhiều cách hiểu khác nhau:
Cách hiểu thứ nhất: Bài ca dao là lời than thở của đứa con bé bỏng phải ở
với dì ghẻ khi người mẹ mất.
Cách hiểu thứ hai: Bài ca dao là tâm sự của người vợ khi người chồng đã mất,
tức là đã mất đi trụ cột gia đình, có thể bị người đời khinh thường.
Cách hiểu thứ ba: Bài ca dao là lời than thở của một cô gái "trót" lỡ làng
mà người yêu lại đã bỏ cô mà đi. Cô mang trong lòng một khối oan tình không thể
thanh minh, phải chịu sự dè bỉu của người đời.
Mỗi cách hiểu đều có những khía cạnh hợp lý. GV cho HS trao đổi, suy nghĩ
và mỗi em tự rút ra một cách hiểu cho chính bản thân mình, không bó hẹp chỉ bằng
3 cách hiểu trên. HS có thể nêu lên cách hiểu khác, tất nhiên, phải có cơ sở, có lý,
có "sức thuyết phục".
Như vậy, qua những giờ hướng dẫn HS đọc - hiểu TPVH, GV dần dần hình
thành cho HS một cách thức tiếp cận, một phương pháp đọc - hiểu theo hướng vận
dụng tổng hợp hàng loạt các thao tác sau:
- Xác định thể loại và vai trò tác dụng của thể loại đó trong việc biểu đạt nội
dung. Cần chú ý câu hỏi: Tại sao tác giả dùng thể loại này mà không dùng thể loại
khác ?
- Xác định được bố cục và vai trò của bố cục trong việc làm nổi bật nội dung
tác phẩm.
- Xác định được chủ đề (cảm hứng, nội dung tư tưởng) của tác phẩm.
- Tìm và chỉ ra được những tín hiệu thẩm mỹ, những điểm sáng của tác phẩm
một cách cụ thể: từ việc xác định được các từ ngữ, hình ảnh, âm điệu, vần nhịp, tu
từ, không gian, thời gian,... đến các câu văn, đoạn văn giàu ý nghĩa. Phân tích các
yếu tố đó để chỉ ra vai trò và tác dụng của chúng trong việc làm nổi bật chủ đề đã
xác định.
- Liên hệ với chính bản thân để lý giải, phát hiện thêm những ý nghĩa mới,
cách hiểu mới riêng biệt, độc đáo và có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, GV cũng cần lưu ý HS biết vận dụng những hiểu biết về tác giả,
hoàn cảnh ra đời của tác phẩm,... để có thể giúp người đọc hiểu sâu hơn nội dung
29
Trương Thị Bích
của tác phẩm ấy.
Kết quả là, sau nhiều giờ học đọc - hiểu, sau nhiều tiết tập phân tích theo
quy trình trên, HS sẽ dần dần biết vận dụng quy trình ấy vào việc đọc - hiểu một
tác phẩm tương tự, dù tác phẩm ấy các em chưa được học trên lớp.
3. Kết luận
Thiết nghĩ, kết quả trên chính là mục đích của SV Ngữ văn trong những năm
tháng học tập ở trường SP. Trong tương lai, muốn hướng dẫn được HS phân tích
TPVH hiệu quả, bản thân SV phải nỗ lực rèn luyện, tự tích lũy và trang bị cho
mình những kiến thức và kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Đây cũng là
trách nhiệm của giảng viên bộ môn Phương pháp dạy học. Trách nhiệm này chắc
chắn sẽ rất nặng nề bởi hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho SV, trong đó có
kỹ năng phân tích tác phẩm văn học thực tế chưa phải là nhiệm vụ hàng đầu của
giảng viên phương pháp trong trường SP. Các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu xây
dựng khung chương trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, các giảng viên phương pháp
cần có định hướng rõ ràng và những yêu cầu cụ thể cho hoạt động này. Đặc biệt, ở
mỗi khoa đào tạo GV THPT, cần xây dựng một chương trình rèn luyện nghiệp vụ
sư phạm riêng theo đặc trưng của từng khoa. Chắc chắn khi đó, khoa Ngữ văn sẽ có
những yêu cầu cụ thể trong việc rèn luyện cho SV kỹ năng phân tích TPVH, điều
mà hiện nay, SV Ngữ văn chưa được rèn luyện với dung lượng và chất lượng thích
hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trương Chính, 1981. Kỷ niệm... kinh nghiệm dạy Văn. Tạp chí Nghiên cứu Giáo
dục, 1/1981.
[2] Phạm Văn Đồng, 1973. Dạy Văn là một quá trình rèn luyện toàn diện. Tạp chí
Nghiên cứu Giáo dục, số 28, 11/1973.
[3] Vũ Anh Tuấn, 1970. Về rèn luyện cho học sinh năng lực cảm thụ văn học. Tạp
chí Nghiên cứu Giáo dục, 3/1970.
ABSTRACT
Guiding student teachers how to analyze the content of a literary work
– a skill needed for students literature in the University of Education
By putting forth a system of methods to guide student teachers how to analyze
a literary work, the article can achieve a double objective, i.e. both equipping student
teachers in the Faculty of Philology with necessary methods to perceive a literary
work and contributing to helping make them active in perceiving the literary work.
This skill is of special importance, requiring a good perceiving skill and competence
and the ability to understand school children and evaluate their ability to perceive
a literary work.
30