Tóm tắt. Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) là một tài năng độc đáo trong phong trào Thơ
mới 1932 – 1945. “Điên” là một đặc trưng nổi bật trong thi pháp thơ Hàn Mặc Tử
nhưng bên cạnh đó còn là sự thuần khiết mang đậm sắc thái dân gian. Đây là lí
do để Hàn Mặc Tử được biết đến như một nhà thơ mang đậm dấu ấn vẻ đẹp thuần
khiết của thi ca phương Đông. Trong phần cuối của cuộc đời mình, sắc màu dân
gian dường như biến mất trong thơ Hàn Mặc Tử bởi những giằng xé đầy bi kịch
trong nội tâm. Tuy nhiên, sự tương phản giữa một bên là phong cách thơ huyền
nhiệm, siêu thực, tượng trưng và một bên là những sắc màu dân gian thuần khiết
vẫn là một đặc trưng nổi bật trong thơ Hàn Mặc Tử.
8 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 208 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sắc màu dân gian trong thơ Hàn Mặc Tử, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Science, 2013, Vol. 58, No. 2, pp. 41-48
This paper is available online at
SẮC MÀU DÂN GIAN TRONG THƠ HÀNMẶC TỬ
Nguyễn Toàn Thắng
Viện Văn hoá và phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt. Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) là một tài năng độc đáo trong phong trào Thơ
mới 1932 – 1945. “Điên” là một đặc trưng nổi bật trong thi pháp thơ Hàn Mặc Tử
nhưng bên cạnh đó còn là sự thuần khiết mang đậm sắc thái dân gian. Đây là lí
do để Hàn Mặc Tử được biết đến như một nhà thơ mang đậm dấu ấn vẻ đẹp thuần
khiết của thi ca phương Đông. Trong phần cuối của cuộc đời mình, sắc màu dân
gian dường như biến mất trong thơ Hàn Mặc Tử bởi những giằng xé đầy bi kịch
trong nội tâm. Tuy nhiên, sự tương phản giữa một bên là phong cách thơ huyền
nhiệm, siêu thực, tượng trưng và một bên là những sắc màu dân gian thuần khiết
vẫn là một đặc trưng nổi bật trong thơ Hàn Mặc Tử.
Từ khóa: Hàn Mặc Tử, sắc màu dân gian, ca dao dân ca.
1. Mở đầu
Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) được mệnh danh là một tài năng kì dị, phức tạp và bí
ẩn vào loại bậc nhất trong Phong trào Thơ mới Việt Nam 1932 - 1945. Hàn Mặc Tử sống
một cuộc đời tài hoa mà bạc phận, “mệnh đoản” mà “danh thọ”, tuy ngắn ngủi nhưng đã
kịp để lại một di sản thi ca đa dạng, không mấy ai sánh được. Như ánh chớp sao băng gấp
gáp, chạy đua hối hả với thời gian mong manh của cuộc đời người thi sĩ, thơ Hàn Mặc Tử
từ Lệ Thanh thi tập qua Gái quê, đến Thơ Điên (Đau thương), Xuân như ý, Thượng thanh
khí, cuối cùng là Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội... dường như đã vượt
qua một con đường sáng tạo từ thơ Đường luật cổ điển, qua lãng mạn, tượng trưng, chớm
đến siêu thực kiểu phương Tây rồi lại trở về lãng mạn mang màu sắc phương Đông.
Có lẽ vì thế mà khi cắt nghĩa về Hàn Mặc Tử, sẽ thật là phiến diện nếu không tìm
hiểu người thi sĩ tài hoa này gắn với nhóm thơ Bình Định và “cái chồi mầm kì dị” của nó
là “Trường thơ Loạn”. Thực chất đây là quá trình nghiên cứu tác giả trong mối quan hệ
với một tổ chức văn học trong bức tranh chung của Phong trào Thơ mới.
Ngày nhận bài 1/12/2012. Ngày nhận đăng 25/3/2013.
Liên lạc Nguyễn Toàn Thắng, e-mail: toanthangvh@gmail.com
41
Nguyễn Toàn Thắng
2. Nội dung nghiên cứu
Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, kể từ sau khi người bệnh Nguyễn Trọng Trí từ giã cõi
đời tại nhà thương Quy Hòa bên bờ biển Quy Nhơn xanh thẳm muôn trùng sóng vỗ, đầy
nắng, đầy gió trời phiêu bạt, ra đi với “Tấm linh hồn thanh khiết” (La pureté de L’âme
[4]), thì Hàn Mặc Tử thi sĩ lại bắt đầu một “cuộc sống” mới bằng thơ mãnh liệt và bí ẩn
trên thi đàn Việt Nam. Vào những năm ba mươi của thế kỉ XX, bên cạnh những vì tinh tú
rực rỡ như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận... ngôi sao Hàn Mặc Tử đã toả sáng ở cõi trời thơ
phía Nam cùng với các thi hữu Quy Nhơn, Bình Định.
Với những bút danh đầu tiên là Minh Duệ Thị và Phong Trần, Nguyễn Trọng Trí đã
làm thơ Đường luật “hoạ vận” với Mộng Châu và bất ngờ nổi tiếng trong cuộc thi thơ của
Mộng Du Thi Xã bằng ba bài thơ Chùa hoang, Gái ở chùa, Thức khuya.
Trên Thực nghiệp dân báo số 3256 ngày 21/10/1931, nhà chí sĩ Phan Bội Châu -
Mộng Du Thi Xã chủ nhân, người dám bất chấp sự bủa vây kiểm duyệt của thực dân Pháp,
“mở cửa hàng dạy thơ” để thu hút và khơi gợi tinh thần yêu nước của kẻ sĩ văn nhân lúc
bấy giờ, đã tấm tắc khen ngợi: “Thưa tác giả P.T tiên sinh! Tác giả cho tôi được đọc ba bài
thơ, tôi lấy làm hân hạnh cho Mộng Du Thi Xã lắm. Xem trong thơ, u oán cao tình, thanh
tâm nhã điệu... Ôi! Hồn giao nghìn dặm, biết làm sao được bắt tay nhau mà cười lớn một
tiếng mới là thoả hồn thơ đó...”.
Sau khi sớm đạt đến trình độ mĩ học Đường thi cổ điển đáng nể bằng Lệ Thanh thi
tập, với tập Gái quê (1936), Hàn Mặc Tử đã rời bỏ kiểu Thơ cũ Đường luật để bước đến
chân trời Thơ mới hết sức nhanh chóng. Với những điểm nhìn khác nhau, người ta bắt đầu
bước chân vào cái “vườn thơ rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa càng ớn lạnh...” của Hàn
Mặc Tử và xảy ra không ít tranh cãi. Thế giới nghệ thuật thơ kỳ dị của Hàn Mặc Tử trở
thành một trong những “ẩn số” dài lâu trong đời sống phê bình văn học Việt Nam nửa sau
thế kỉ XX. Sau này, Chế Lan Viên luôn tìm cách đi sâu cắt nghĩa tài năng Hàn Mặc Tử
nhưng đã ôm trọn niềm khắc khoải Hàn Mặc Tử, anh là ai? đến cuối đời. Từ góc nhìn cổ
điển, Quách Tấn luôn coi Hàn Mặc Tử là “người tình cũ của thơ Đường luật”. Trong nhóm
thơ Bình Định, riêng Quách Tấn là gắn bó mãi với thể thơ Đường luật. Bởi vậy nhà thơ xứ
Trầm Hương tự hào rằng chính ông là người biết sâu sắc về tài thơ Đường luật của Tử.
Trần Tái Phùng có nhiều phát hiện tiên tri về giá trị âm vang của thơ Hàn Mặc Tử
trong tương lai. Nhà nghiên cứu hình dung về dòng sông thi ca Hàn Mặc Tử như sau: “...
Nghệ thuật chàng tựa một con sông dài đi xuyên qua thế kỉ của chúng ta và hai bờ sông
dàn bày không biết bao nhiêu cảnh sắc khác nhau đẹp đẽ đến say ngợp, đến tê liệt cả lòng
người”. Thơ Hàn Mặc Tử thường “trổ” ra thứ ánh sáng kì dị, “phát tiết” ra những ý thơ lạ
lùng, soi tỏ vào trực giác người đọc. Chẳng hạn như bài Bút thần khai:
Ngọn bút thần khai phước lộc nhà
Sáng như gươm báu, lạnh như ma
Mực lùa khí vị vô hồn chữ
42
Sắc màu dân gian trong thơ Hàn Mặc Tử
Văn hút hào quang ở miệng ta
Giấy trắng tinh khôi tuôn huyết mạch
Lời vàng nguyên vẹn trổ tài hoa
Ấm hơn tiếng nhạc reo trong ý
Thơ đợi xuân về phát tiết ra [2].
Hàn Mặc Tử không chỉ là nhà thơ của lối thơ "điên loạn", bí hiểm với những "kỳ",
những "siêu", những "ảo", với những tiếng gào tiếng rú dữ dội. Vẫn còn một Hàn Mặc Tử
khác, Hàn Mặc Tử của chất đời hiện hữu dân gian trần thế trong sáng vô ngần. Thiên nhiên
trong thơ Hàn Mặc Tử thường đẹp và buồn. Đây là nét chung của Thơ mới lãng mạn. Nét
riêng của thi sĩ chính là ở những cái nhìn phát hiện ra vẻ đẹp trong trẻo đến tuyệt vời của
thiên nhiên ngoại giới. Ta bắt gặp những lễ hội dân gian trong Mùa xuân chín, một mùa
xuân thuần lương ngoại đạo, đầy sức sống đến độ “chín” nhất, viên mãn nhất của muôn
loài. Mùa xuân ấy trong sáng thuần khiết và trinh nguyên đủ cả màu sắc, ánh sáng, đường
nét, âm thanh, thấm đẫm vẻ đẹp của tình đời, tình người:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.
(Mùa xuân chín [2])
Thiên nhiên sinh sôi, nảy nở đầy sức sống với sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời và bao
cô thôn nữ hát trên đồi. Những tiếng ca trong sáng bay ngang trời vắt vẻo lưng chừng núi...
như lời của nước mây. Con người, cảnh vật hài hoà trong bức tranh thiên nhiên với những
gam màu tươi sáng.
Hàn Mặc Tử đến với thiên nhiên trong những khoảnh khắc bừng sáng của tâm hồn.
Nhà thơ không đi sâu vào khai thác những mảng hiện thực bộn bề, mà chỉ nắm bắt những
nét thoáng qua nhưng lại tiềm ẩn cái tinh chất đằm thắm thiết tha nhất trong bức tranh
quê hương. Không phải cái đẹp tĩnh lặng cỏ non xanh rợn chân trời (Nguyễn Du) mà là
cỏ xanh tươi đang gợn sóng mãi tới trời, cái đẹp non tơ đầy sức sống của những đồng cỏ
mùa xuân trong các lễ hội dân gian vang lên tiếng hát du dương, trong vắt của các cô thôn
nữ. Khoảnh khắc này thực là hiếm có trong Thơ mới viết về làng quê và con người Việt
Nam:
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang.
(Mùa xuân chín [2])
Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức nhận xét: “Có thể nóiMùa xuân chín đã thâu tóm cái
phần ý vị thanh tao nhất của tập Gái quê” [3]. Nếu Mùa xuân chín là vẻ đẹp thuần lương
của một thiên nhiên đầy ấn tượng thìĐây thôn Vĩ Dạ là hình ảnh của quê hương của người
thương, một phần cuộc sống đầy thi vị của Hàn Mặc Tử. Huế đẹp, thơ mộng và đa tình
với sông Hương, núi Ngự, cầu Tràng Tiền, với “những cô áo tím nước da trắng nõn nà”,
những miệt vườn xanh tươi bốn mùa, những ngôi nhà xinh xắn, những hàng cau, khóm
43
Nguyễn Toàn Thắng
trúc, sông nước, mây trời rực rỡ nắng mai đã hiện lên sinh động trong thơ Hàn Mặc Tử.
Đầu năm 1933, sau chuyến đi thăm Đà Lạt cùng Quách Tấn, hình ảnh những đêm trăng
Đà Lạt bên hồ Than Thở, những hàng thông lặng chìm ướt đẫm sương khuya, bầu trời đầy
sao nhấp nháy... đã đi vào hồn thơ Hàn Mặc Tử với vẻ đẹp huyền ảo thơ mộng:
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ...
(Đà Lạt trăng mờ [2])
Những lúc tâm hồn Hàn Mặc Tử hướng về Cái Đẹp, Cái Thánh Thiện thì thơ của
thi sĩ trong trẻo sáng láng, thanh sạch lạ lùng. Đó là sự giao hoà đằm thắm giữa vẻ đẹp
tâm hồn của người Thi sĩ Đồng trinh với vẻ đẹp của thiên nhiên. Thơ xuất hiện khi “huyền
ảo khởi sự” - tức là thời điểm mà hình như vẻ đẹp tâm hồn con người và vẻ đẹp thiên
nhiên bắt nhịp giao cảm. Hàn Mặc Tử từng nói: Thơ bao giờ cũng tại tâm chứ không tại
cảnh. Nghĩa là “tâm” và “cảnh” đồng điệu, thậm chí “tâm” của người thơ chi phối “cảnh”.
Ngược lại, “cảnh” bộc lộ “tâm” một các sinh động nhất. Hàn Mặc Tử đã có một tình yêu
thiên nhiên vô cùng trong sáng và tha thiết. Sao có thể nói thi sĩ chỉ là nhà thơ của buồn
chán, hư vô và cái chết? Dường như thơ Hàn Mặc Tử luôn ngập tràn ánh sáng của thiên
nhiên. Những cảm xúc về ánh nắng vàng tươi và ánh trăng êm dịu cứ thăng hoa mãi. Có
lúc hồn thơ của thi nhân bay lên cao mãi với ánh trăng lồng lộng:
... Ta bay lên! Ta bay lên!
Gió đưa ta tới nguyệt thiềm...
Sáng trăng sáng cả vùng tiên động
Ta ngắm hồn ta sáng trẻ măng.
(Chơi trên trăng [2])
Trăng của Hàn Mặc Tử là Trăng Vàng, Trăng Ngọc mà tạo hoá ban tặng cho con
người đồng quê:
Trăng trăng trăng là trăng trăng trăng
Trăng sáng trăng sáng khắp mọi nơi
Tôi cầu nguyện cho trăng tôi
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là trăng của Rạng Ngời... [2]
Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Mặc Tử đã có cả một tập thơ văn xuôi trong suốt
như thuỷ tinh, như suối reo lấp lánh, như ánh trăng vằng vặc tâm hồn thi sĩ mang tựa đề
Chơi giữa mùa trăngmiêu tả những đêm trăng vàng, trăng ngọc ở Sa Kỳ, Chua Me, Động
Cát, những vẻ đẹp thiên nhiên lộng lẫy ở miền Trung đi vào thơ văn Hàn Mặc Tử một cách
diệu kỳ. Tiếp theo, nắng cũng tràn ngập rực rỡ trong thơ của thi nhân. Đó là nắng vàng,
nắng ửng, nắng tươi, nắng mới, nắng mừng, nắng reo, nắng cháy, nắng rợp trời, nắng rực
mùi hương... từng được Hàn Mặc Tử diễn tả trong thơ:
44
Sắc màu dân gian trong thơ Hàn Mặc Tử
Té ra ta vốn làm thi sĩ
Khát khao trăng gió mà không hay
Ta đi bắt nắng mừng, nắng reo, nắng cháy
Trên sóng cành sóng lá, cô gì má đỏ hây hây
Ta rình nghe niềm ý bâng khuâng trong gió lảng...
(Ngủ với trăng [2])
Hàn Mặc Tử là một hồn thơ thanh sạch phương Đông đã đem vào thi ca vẻ đẹp rất
riêng của thiên nhiên Việt Nam với sắc thái dân tộc rõ rệt. Chính nhà thơ luôn nhắc nhở:
“Ta không nên quên rằng thơ ta là thơ quốc âm, ta phải giữ cái tinh thần Việt Nam của ta”
[1]. Giáo sư Phan Cự Đệ phát hiện: "Hàn Mặc Tử đã cố gắng tổng hợp vào bản thân mình
những truyền thống văn học xưa và nay, dân gian và hiện đại" [2]. Âm hưởng dân gian
trong sáng như những trận gió mát thổi qua thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử. Những
làn điệu ca dao dân ca xứ Huế và miền Trung, các điệu nhạc Nam Ai, Nam Bằng từng
nuôi dưỡng hồn thơ Hàn Mặc Tử từ thuở hoa niên ngân nga một cách mộc mạc, hồn nhiên
kiểu lời ca đồng dao trong thơ của thi nhân: Lá đổ rào rào / Trăng vàng xôn xao / Chuỗi
cười ha hả / Trăng trên đồi cao... (Chuỗi cười). Điệp khúc này cứ trở đi, trở lại nhiều lần
trong cả bài thơ tạo nên khúc nhạc dân gian trong sáng vui tươi. Sức sống của đồng dao
chính là ở nhạc điệu hồn nhiên của tâm hồn trẻ thơ hơn là ý nghĩa từ vựng của câu chữ.
Người nghe như để tâm hồn trôi theo dòng nhạc trong sáng, láy đi láy lại mà cảm nhận ý
tứ của thơ. Giọng điệu này chẳng có gì là “điên loạn”, “kì bí” cả. Hàn Mặc Tử khá thành
thạo thơ lục bát dân gian, gieo vần thật uyển chuyển linh hoạt:
Áo xuân trong trắng ai ngờ
Áo người quân tử bây giờ nao nao
Nhạc bay là nhạc còn cao
Đố chàng lắng biết phương nào là phương.
(Nhạc bay [2])
Đoạn thơ diễn tả về tình yêu lứa đôi đầy nhớ nhung xao xuyến chân thành mộc mạc
của dân gian. Bài Nụ cười còn như phảng phất giai điệu lời ca của những cô thôn nữ giặt
áo trong Kinh thi. Người chưa thấy đâu mà tiếng ca trong vắt đã vang lên từ sau khóm cây
dòng nước thơ mộng:
Trăng lên, nước lặng, tre là đà
Rơi bóng in trên đám cỏ hoa
Tiếng động sau vùng lau cỏ mọc
Tiếng ca chen lấn từ trong ra.
(Nụ cười [2])
Hàn Mặc Tử còn viết nhiều bài thơ theo giọng dân gian như: Hỏi thăm cô Bích
Ngọc, Khách qua đường và cô bán trầu, Ca dao... dùng rất nhiều từ ngữ và cách nói năng
dân gian. Lối hát đối giao duyên đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử giống như một sản phẩm tinh
thần folklore chính hiệu. Nhân vật trữ tình là "Anh" (khách qua đường) và "Em" (cô bán
trầu) xuất hiện trong không gian "đi chợ" (phiếm chỉ). Đây là mô tip hình ảnh trai gái gặp
45
Nguyễn Toàn Thắng
gỡ tình cờ hát đối giao duyên rất quen thuộc trong dân ca Việt Nam: Chàng ơi buông áo
em ra / Để em đi chợ (này là) anh chường (chàng) ơi / Chợ trưa rau nó héo đi (nay héo
đi)... Trong thơ Hàn Mặc Tử, nhân vật khách qua đường và cô bán trầu là vô danh nhưng
vẫn hiển hiện tư thế trữ tình trong các lời ca đối đáp giao duyên cùng mô tip " Miếng trầu"
rất phổ biến của dân gian:
Khách qua đường :
Gió chiều mát dịu như kem
Về đâu vội vã cô em bán trầu
Ví dầu duyên thắm với nhau
Dừng chân đứng lại trên cầu đã nao.
Cô bán trầu:
Nắng chiều hôn lấy má em
Chợ chiều hết họp lỡ duyên em rồi
Vui gì anh hỏi lôi thôi
Tương tư nặng gánh ai người biết cho.
(Khách qua đường và cô bán trầu - Sài Gòn, số 2/2/1935)
Bài thơ này viết năm 1935, khi mà tâm hồn người thi sĩ trẻ tuổi còn đầy ắp ước mơ
và khát vọng tình yêu lứa đôi. Lời thơ có diện mạo của lời ca diễn xướng giãi bày tâm
trạng và khát vọng yêu đương của chủ thể trữ tình (vô danh) trong ca dao dân ca với các
ngôi nhân xưng hô ứng : "Anh" - "Em" - "Ta" - "Mình"... còn xuất hiện nhiều trong thơ
Hàn Mặc Tử:
Tình ta đêm ấy dạt dào
Lòng ta uyển chuyển khác nào khúc ca
(Vẩn vơ [2])
Em là bóng trăng thinh
Hình ảnh gái đồng trinh...
Lòng em như nước ngọc tuyền
Tình em như miếng trầu nguồn anh ơi.
(Chưa biết yêu [2])
Nhân vật "chàng trai" là vị khách đa tình trên những nẻo đường tình ái, mơ mộng
tìm "miếng trầu tươi" của các cô gái để mong ước: Rồi ra duyên thắm lâu dài. Có lúc
chàng trai rất "táo bạo" dám trêu ghẹo cả cô bán chè bông cỏ:
Tấm lòng trong sạch mà như thế
Chưa nếm nhưng mình đã biết khê...
(Ghẹo cô bán chè bông cỏ - Sài Gòn, số 12/11/1935)
Những lời ca giao duyên xưa rất phổ biến ở hình thức “hát ghẹo”, “hát huê tình”,
“hát bài chòi”, “hát đối” (Nam Trung Bộ) với lời lẽ của nhân vật chàng trai hướng tới các
cô gái xuân thì:
... Đi đâu đi đó một mình
Đứng đây, ta hỏi nữ trinh thế nào?
46
Sắc màu dân gian trong thơ Hàn Mặc Tử
(Hát huê tình)
Còn các cô gái khéo léo trả lời người thương một cách duyên dáng:
Khoan khoan buông áo em ra
Để em đi bán kẻo hoa em tàn...
(Hát huê tình)
Giọng điệu "hát ghẹo","hát huê tình" chủ yếu xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử đăng
trên nhiều số báo Sài Gòn, Công luận năm 1935 (Lúc nhà thơ đang làm báo ở Sài Gòn,
chưa mắc bệnh phong). Chàng trai si tình trong Hàn Mặc Tử đã thả hồn vào những vần
thơ... "trong nắng rực mùi hương mà lòng... mê cuống cuồng say điêu đứng vì thương"
(Nắng vàng). Giọng điệu "huê tình" cất lên những khát vọng yêu đương:
Bâng khuâng trong cõi mơ màng
Hỡi người thiếu nữ có chồng hay chưa?
(Vẩn vơ - Sài Gòn, số 19-10-1935)
Có thể xem đây là dấu ấn văn hoá dân gian Nam Trung Bộ với giọng điệu hát "đối"
và "đáp" và màu sắc diễn xướng của nhân vật trữ tình vô danh. Chủ thể phát ngôn và người
đối đáp là "Anh" - "Em", không phải là cá nhân cụ thể nào:
Nghe em sắp sửa lấy chồng...
Em ơi, em nuốt lời thề
Anh lầm anh tưởng gái quê thiệt thà
(Ca dao Nam Trung bộ)
Hàn Mặc Tử đã gọi tên bài thơ này thật giản dị: Ca dao. Lời thơ mộc mạc, chân
thành, bộc lộ nỗi lòng chàng trai trước sự kiện cô gái, nhân vật "Em" không giữ được lời
thề mà đi lấy chồng. Giọng điệu thơ thấm đượm chất ca dao dân gian về kiểu cách phát
ngôn của nhân vật trữ tình: "Anh cười", "Anh buồn", "Anh lầm", “Anh tưởng”... về "Em"
(cô gái nào đó). Ca dao xưa có câu nói về nỗi niềm của chàng trai bị phụ tình:
Thấy em nằm đất anh thương
Anh ra kẻ chợ đóng giường tám thang...
Bây giờ phải bỏ giường không
Em đi lấy chồng phí cả công anh...
Đại từ nhân xưng "Anh" thường đi kèm ngay với tâm trạng, suy nghĩ, việc làm, thái
độc, tình cảm của nhân vật trữ tình:
Nước chảy liu riu lục bình trôi ríu rít
Anh thấy em nhỏ xíu, anh thương
(Hát huê tình)
Giọng điệu giãi bày tâm trạng, láy đi láy lại nhiều lần, rất phổ biến trong ca dao,
dân ca đã đi vào thơ Hàn Mặc Tử như vậy.
47
Nguyễn Toàn Thắng
3. Kết luận
Sau này về giai đoạn cuối đời, giọng điệu dân gian trong sáng hầu như không xuất
hiện trong thơ Hàn Mặc Tử. Có lẽ là do nỗi đau thương bất hạnh vò xé tâm hồn khiến nhà
thơ không thể bình tĩnh, thanh thản mà làm thơ theo âm hưởng đó nữa. Nhưng dù sao thì
đây cũng vẫn là nét riêng của Hàn Mặc Tử: sự tương phản, đối cực giữa lối thơ tượng trưng
siêu thực bí hiểm “điên loạn”, “đau thương”, “gào rú”... với hồn thơ ngân vang những âm
điệu đồng quê, lấp lánh những sắc màu dân gian trong trẻo vô ngần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hoài Anh, 2001. Chân dung văn học. Nxb Hội nhà văn, tr. 1087.
[2] Phan Cự Đệ. 1993. Thơ văn Hàn Mặc Tử (phê bình và tưởng niệm). Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
[3] Hà Minh Đức, 1997.Một thời đại trong thi ca. Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội, tr. 171.
[4] Vương Trí Nhàn (biên soạn), 1996. Hàn Mặc Tử hôm qua và hôm nay. Nxb Hội Nhà
văn, tr. 181-182.
[5] Chế Lan Viên, 1988. Thơ Hàn Mặc Tử. Sở văn hoá thông tin Nghĩa Bình.
ABSTRACT
Folk nuances in Han Mac Tu’s poetry
Han Mac Tu (1912 - 1940) was recognized as a singular talent in the New Poetry
Movement in Vietnam from 1932 to 1945. Han Mac Tu’s poetry is not only ‘crazy’ and
mysterious with violent screams and howls, it is also pure because of its folk nuances. Han
Mac Tu is known as a pure Oriental poetic inspiration. The beauty of Vietnamese nature
described in his poetry is full of ethnic nuances. However, at the end of his life, pure
folk nuances disappeared from his poetry, perhaps because of heart-rending torment in
his soul. Nevertheless, the contrast between the mysterious, surrealist and symbolic poesy
and pure folk nuances is still regarded as distinctive of Han Mac Tu poetry.
48