Tóm tắt. Dựa trên nguồn tài nguyên phong phú, sinh kế của người dân vùng ven biển Việt
Nam khá đa dạng và do đó họ có nhiều cơ hội để giảm nghèo. Tuy nhiên, sự thất thường,
tính đa dạng và phức tạp của các sinh kế cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề trong quản lí và
phát triển bền vững. Điều này đã trở thành thách thức cho quá trình giảm nghèo của cộng
đồng dân cư ven biển, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường
gia tăng và nguồn tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt. Trên cơ sở phân tích mối quan hệ
giữa các điều kiện địa lí với phát triển sinh kế, báo cáo tập trung vào việc phân tích các đặc
điểm nổi bật của các sinh kế vùng ven biển Việt Nam trong mối tương quan với các khu
vực địa lí khác. Đồng thời, báo cáo phát hiện những đặc trưng của nghèo vùng ven biển
làm cơ sở đề xuất những giải pháp giảm nghèo ở khu vực này.
9 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 21 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
2014, Vol. 59, No. 6BC, pp. 28-36
This paper is available online at
SINH KẾ VÀ VẤN ĐỀ NGHÈO
TẠI CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ VEN BIỂN VIỆT NAM
Trần Thị Hồng Nhung
Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Dựa trên nguồn tài nguyên phong phú, sinh kế của người dân vùng ven biển Việt
Nam khá đa dạng và do đó họ có nhiều cơ hội để giảm nghèo. Tuy nhiên, sự thất thường,
tính đa dạng và phức tạp của các sinh kế cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề trong quản lí và
phát triển bền vững. Điều này đã trở thành thách thức cho quá trình giảm nghèo của cộng
đồng dân cư ven biển, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễmmôi trường
gia tăng và nguồn tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt. Trên cơ sở phân tích mối quan hệ
giữa các điều kiện địa lí với phát triển sinh kế, báo cáo tập trung vào việc phân tích các đặc
điểm nổi bật của các sinh kế vùng ven biển Việt Nam trong mối tương quan với các khu
vực địa lí khác. Đồng thời, báo cáo phát hiện những đặc trưng của nghèo vùng ven biển
làm cơ sở đề xuất những giải pháp giảm nghèo ở khu vực này.
Từ khóa: Kinh tế biển, sinh kế, nghèo, tài nguyên, phát triển bền vững.
1. Mở đầu
Sinh kế là một khái niệm rộng và có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy
nhiên, một cách chung nhất, theo cách hiểu đơn giản nhất, sinh kế là phương tiện để kiếm sống.
Scoones (1998) định nghĩa sinh kế “bao gồm khả năng, nguồn lực (bao gồm các nguồn lực vật
chất và nguồn lực xã hội) và các hoạt động cần thiết làm phương tiện sống của con người. Một
sinh kế được coi là bền vững khi nó có thể giải quyết hoặc có khả năng phục hồi từ những căng
thẳng; duy trì và tăng cường khả năng và nguồn lực hiện tại mà không làm tổn hại đến cơ sở tài
nguyên thiên nhiên” [12].
Theo IUCN (1986), vùng ven bờ được định nghĩa là vùng đất ở đó biển và đất tương tác với
nhau, trong đó ranh giới về đất liền được giới hạn bởi các ảnh hưởng của biển đến đất và ranh giới
của biển được xác định bởi giới hạn các ảnh hưởng của đất và nước ngọt đến biển. Vùng ven biển
về mặt địa lí được giới hạn rộng hơn vùng ven bờ, và thường được mở rộng hơn về phía đất liền [3].
Vùng ven biển Việt Nam có tài nguyên phong phú và hoạt động kinh tế sôi động. Các ngành
kinh tế tại khu vực này có nhiều điều kiện để phát triển. Trên cơ sở đó, sinh kế của cư dân nơi đây
khá đa dạng và tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, những năm gần đây, sinh kế của cộng đồng dân
cư ven biển đang có nhiều biến chuyển mạnh mẽ và chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đối khí hậu.
Bên cạnh đó, cơ hội tiếp cận với các nguồn lực sinh kế của các cộng đồng dân cư là rất khác nhau.
Điều này tác động đến đặc điểm và quá trình giảm nghèo tại vùng ven biển.
Liên hệ: Trần Thị Hồng Nhung, e-mail: trannhungvnh@gmail.com
28
Sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam
Báo cáo này đề cập đến sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam.
Trong khuôn khổ báo cáo này, vùng ven biển được quan niệm theo ranh giới cấp tỉnh.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khái quát về vùng ven biển Việt Nam
Vùng biển Việt Nam là một phần biển Đông với đường bờ biển dài 3.260 km, từ Quảng
Ninh đến Kiên Giang và diện tích trên 1 triệu km2 (gấp 3 diện tích đất liền). Đây là vùng biển có
vị trí chiến lược quan trọng: nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu,
châu Úc với Trung Đông.
Vùng biển và ven biển Việt Nam có nhiều tài nguyên. Ven biển có nhiều loại khoáng sản và
vật liệu xây dựng: thiếc, ti tan, đi-ri-con, thạch anh, nhôm, sắt, măng gan, đồng, kền và các loại đất
hiếm. Tổng trữ lượng dầu khí dự báo địa chất của toàn thềm lục địa khoảng 10 tỉ tấn dầu qui đổi,
trữ lượng khai thác 4 – 5 tỉ tấn; trữ lượng khí đồng hành 250 – 300 tỉ m3. Muối ăn chứa trong nước
biển bình quân 3.500gr/m3. Có hơn 6 vạn héc ta ruộng muối biển. Về thủy sản, vùng biển nước
ta có khoảng 2.040 loài cá (trữ lượng khoảng 3 triệu tấn/năm), trên 600 loài rong biển. Trữ lượng
hải sản khoảng 3 – 3,5 triệu tấn, cơ cấu phong phú, có giá trị kinh tế cao. Bờ biển có nhiều cảng,
vịnh. . . rất thuận tiện cho đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Các ngành kinh tế dịch vụ trên biển
(đóng tàu, sửa chữa tàu, tìm kiếm cứu trợ, thông tin dẫn dắt...) cũng có nhiều tiềm năng phát triển.
Dọc bờ biển Việt Nam có 90 cảng biển lớn nhỏ và gần 100 địa điểm có thể xây dựng cảng (gồm cả
cảng trung chuyển quốc tế), 125 bãi biển có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn
quốc tế để phát triển du lịch biển [3].
Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố giáp biển với diện tích tự nhiên là 134.777,3 km2, chiếm
40,7% diện tích cả nước và dân số trung bình của các tỉnh ven biển năm 2012 là 44,6 triệu người,
chiếm 50,2% dân số cả nước [10]. Diện tích và dân số của các tỉnh, thành phố ven biển phân bố
không đều và tập trung chủ yếu ở vùng ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (chiếm
71,1% diện tích và 43,0% dân số của 28 tỉnh, thành). Mật độ dân số trung bình của các tỉnh, thành
phố ven biển là 331 người/km2, cao hơn mật độ trung bình của cả nước (268 người/km2). Nếu chỉ
tính riêng các huyện, thị xã thì Việt Nam có 110 huyện và 14 thị xã ven biển, chiếm khoảng 14,3%
diện tích cả nước và là nơi sinh sống của trên 21,0 triệu dân, chiếm 19,1% dân số cả nước. Vùng
ven biển Việt Nam hiện nay đang tập trung khoảng 50% các đô thị lớn với kết cấu hạ tầng ngày
càng hiện đại và nhiều khu công nghiệp, khu du lịch, trung tâm du lịch lớn đang phát triển mạnh,
trong đó có ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Các khu kinh tế ven biển (KKT) cũng được chú
ý đầu tư phát triển với 18 KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư.
Vùng ven biển được xem là vùng kinh tế động lực, có khả năng phát triển nhiều ngành,
nghề khác nhau (du lịch, cảng biển, thủy sản, khai khoáng,. . . ), đầu tư vào khu vực này một cách
hiệu quả sẽ tạo ảnh hưởng lan toả hỗ trợ cho phát triển vùng nội địa (khu vực trung du - miền núi),
đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả lâu dài. Vùng ven biển còn là “bàn
đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động ở các vùng biển xa bờ thông qua các trung
tâm kinh tế trên các hải đảo [5].
29
Trần Thị Hồng Nhung
2.2. Kinh tế và sinh kế vùng ven biển Việt Nam
2.2.1. Sự phát triển kinh tế vùng ven biển của Việt Nam
Hiện nay, ở Việt Nam, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên; cơ cấu ngành, nghề
thay đổi cùng với sự xuất hiện các ngành kinh tế - dịch vụ mới như khai thác dầu khí, tìm kiếm
cứu hộ, cứu nạn,... Do đó, vùng biển và ven biển có đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ (chủ
yếu là dầu khí và thuỷ sản). Các ngành vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, xuất khẩu thuyền
viên,... bước đầu đã đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Về mặt lãnh thổ, trong quá
trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã hình thành 18 khu kinh tế ven biển - là các
trung tâm phát triển kinh tế hướng biển. Đây là những khu vực phát triển tổng hợp các ngành, nghề
biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa
và nghiên cứu khoa học về biển,...
Kinh tế biển Việt Nam những năm đổi mới vừa qua đã tăng trưởng đáng kể về qui mô và
thay đổi rõ rệt về ngành nghề, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng nền kinh tế. GDP của các tỉnh
ven biển (theo giá thực tế) liên tục tăng qua các năm, từ mức 243,4 nghìn tỉ đồng (năm 2000) lên
548,4 nghìn tỉ đồng (năm 2005), 1.254,9 nghìn tỉ đồng (năm 2010) và 1928,5 nghìn tỉ đồng năm
2012, đóng góp 59,4% GDP cả nước [10].
Hình 1. GDP của cả nước và các tỉnh ven biển [10]
Hình 2. Tốc độ tăng trưởng của cả nước và vùng ven biển [10]
Không chỉ có mức đóng góp lớn vào GDP của cả nước, vùng ven biển còn có tốc độ tăng
trưởng kinh tế cao hơn mức trung bình của cả nước. Giai đoạn 2000- 2012, tốc độ tăng trưởng
30
Sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam
kinh tế trung bình năm của cả nước đạt mức khoảng 7,0%/năm trong khi đó của vùng ven biển là
khoảng gần 11% [10].
Tuy nhiên nếu so sánh với một số nước có biển trong khu vực thì giá trị hoạt động của kinh
tế biển Việt Nam còn rất nhỏ bé, chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của
Nhật Bản [8].
Bên cạnh sự phát triển năng động và những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã
hội của các quốc gia, vùng ven biển cũng đang phải đối mặt với các vấn đề kinh niên liên quan đến
những áp lực về phát triển (xung đột lợi ích giữa các ngành trong bối cảnh gia tăng các hoạt động
kinh tế ở vùng ven biển, nghèo , và gia tăng dân số) và sự yếu kém trong quản lí (cơ chế quản lí
theo ngành, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và suy thoái môi trường).
2.2.2. Sinh kế của dân cư khu vực ven biển Việt Nam
Khu vực ven biển tập trung dân cư đông đúc. Đây là địa bàn của những đô thị, những làng
chài - những hình thức cư trú có mật độ dân số cao. Chính bởi vậy đặc điểm phát triển kinh tế tại
khu vực ven biển ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận dân cư đáng kể. Và cũng do đó vấn đề
phát triển sinh kế của dân cư ở khu vực này cần được chú ý.
- Đặc điểm thứ nhất của khu vực ven biển là tính đa dạng và phức tạp trong các lựa
chọn sinh kế.
Ở khu vực ven biển có cả những ngành kinh tế biển như là thuỷ sản, du lịch, cảng biển. . . ,
và những ngành không thuộc kinh tế biển như nông lâm nghiệp, công nghiệp khai thác và chế
biến... Bởi vậy cư dân ở đây có khả năng tiếp cận với nhiều sinh kế khác nhau. Điều này tạo thuận
lợi hơn hẳn vùng nội địa và vùng núi, có hoạt động kinh tế của cư dân tương đối hạn chế và khép
kín. Tuy nhiên, đối với khu vực ven biển, vấn đề đặt ra là đảm bảo cho sự phát triển đồng bộ và
hoà nhập lẫn nhau giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Bởi sự phát triển các ngành này có khi ảnh
hưởng tiêu cực đến nguồn lợi để phát triển các ngành khác. Nếu không có biện pháp quản lí hiệu
quả, ngành công nghiệp và thuỷ sản sẽ gây ra ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến khả năng thu
hút của khách của ngành du lịch. Ngược lại, sự phát triển du lịch lại hạn chế khả năng phát triển
của ngành thuỷ sản.
Sự lựa chọn các chiến lược sinh kế của hộ gia đình thường phụ thuộc vào những nguồn lực
sinh kế mà hộ gia đình nắm giữ và các yếu tố tác động từ bên ngoài như yếu tố mùa vụ, thời tiết,
chính sách và thể chế tại địa phương [11]. Tại hầu hết các cộng đồng ven biển, với nguồn lợi hải
sản phong phú, nghề cá là một sinh kế chính. Theo nghiên cứu mà tác giả tiến hành tại huyện Ninh
Hòa, thành phố Nha Trang (tỉnh khánh Hòa) và huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) giai đoạn 2004
– 2008, có khoảng 55% lao động trong khu vực điều tra có nghề nghiệp chính hoặc phụ là đánh
bắt và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, các sinh kế khác cũng phụ thuộc vào đánh bắt như dịch vụ
nghề cá, chế biến thủy hải sản và thương mại nghề cá. Do đó, nguồn lợi thủy sản là một nguồn lực
sinh kế quan trọng đối với cộng đồng ven biển. Sinh kế bền vững cho các cộng đồng ven biển phụ
thuộc nhiều vào việc bảo vệ và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển. Tuy nhiên, sự phát
triển của ngành ngư nghiệp nhìn chung đang bị suy thoái do tình trạng đánh bắt quá mức gây cạn
kiệt nguồn lợi thủy sản và do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển. Trong bối cảnh đó, nuôi
trồng thủy sản đang dần dần trở thành một sinh kế thay thế mặc dù hoạt động nuôi trồng thủy sản
thiếu kiểm soát thường gây ra các tác động môi trường và không khả thi đối với các hộ nghèo.
Nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và đảm bảo an ninh lương thực
ở nông thôn, nhưng trong một số trường hợp, người dân không có khả năng tiếp cận với việc sử
dụng đất, đặc biệt đối với các đảo nhỏ vùng ven biển. Một số ngành dịch vụ như buôn bán nhỏ, du
31
Trần Thị Hồng Nhung
lịch (sinh thái, văn hóa),... cũng từng bước được hình thành và phát triển ở các cộng đồng ven biển.
Trên thực tế, hầu hết các hộ gia đình đều có một vài nguồn thu nhập khác nhau và có nhiều người
cùng tạo ra thu nhập. Để duy trì sản lượng khai thác trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng
giảm, người dân có xu hướng khai thác xa bờ và đi biển dài ngày [2]. Những thay đổi trong chính
sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng tạo ra những vận hội mới, song không phải hộ
gia đình nào cũng có đầy đủ vốn, kiến thức, kĩ năng hay các mối quan hệ xã hội để có thể nắm bắt
và tận dụng. Với xu hướng tiếp tục dựa vào việc khai thác các nguồn lực sẵn có ở địa phương để
thực hiện các hoạt động sinh kế, nhìn chung, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các cộng đồng ven
biển vẫn còn diễn ra một cách chậm chạp [7].
- Đặc điểm thứ hai là các sinh kế của cư dân ở đây có định hướng tài nguyên rõ rệt là
nguồn tài nguyên biển và ven biển. Do vậy sự phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ và phát triển
nguồn tài nguyên thiên nhiên là vấn đề sống còn trong phát triển bền vững sinh kế vùng ven biển.
Chỉ cần những biến đổi rất nhỏ theo hướng bất lợi của tự nhiên cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc
sống nhiều dân cư. Bởi hệ sinh thái và môi trường biển rất dễ bị tổn thương và những tổn thương
này có thể lan toả sang phạm vi rộng do ảnh hưởng của sóng và hải lưu. Nhưng hiện nay, chính
hoạt động kinh tế của người dân ven biển lại đang làm tổn hại nghiêm trọng nguồn tài nguyên quý
giá này. Nhiều loài sinh vật biển hiện đang giảm về số lượng, có loài đã tuyệt chủng cục bộ. Có
đến 236 loài thủy sinh quý hiếm bị đe dọa ở cấp độ khác nhau, trong đó có hơn 70 loài sinh vật
biển đã bị liệt kê trong sách đỏ Việt Nam [6]. Sự suy giảm đa dạng sinh học kéo theo sự suy giảm
số lượng loài sinh vật có giá trị kinh tế.
Nguyên nhân chính yếu là do sự gia tăng trong xuất khẩu thủy sản, dẫn đến sản lượng đánh
bắt hàng năm vượt quá nguồn dự trữ có sẵn. Mặt khác các biện pháp đánh bắt bất hợp pháp và
mang tính hủy diệt như sử dụng chất nổ, xyanua, xung điện, mắt lưới nhỏ...vẫn chưa được kiểm
soát chặt chẽ, không chỉ làm suy giảm các tài nguyên biển, mà còn gây tổn hại cho môi trường
sống của các loài hải sản. Các nguồn cá dự trữ bị suy giảm từ 4 triệu tấn vào năm 1990 xuống còn
3 triệu tấn như hiện nay. Kích thước trung bình của cá và tính đa dạng loài cũng giảm đáng kể; độ
phủ của rạn san hô và độ đa dạng loài cũng có chiều hướng suy giảm trong những năm gần đây, ở
một số vùng hơn 30%. Tương tự như đối với rạn san hô, thảm cỏ biển cũng đang bị thu hẹp dần do
tai biến thiên nhiên, lấn biển để xây dựng ao nuôi thủy sản, các công trình ven biển và do ô nhiễm.
Các điểm “nóng” về suy giảm thảm cỏ biển là Vịnh Hạ Long, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đảo
Phú Quốc đồng thời, diện tích rừng ngập mặn suy giảm một cách rõ rệt, từ 408.500 ha vào năm
1943, đến năm 2000 chỉ còn 155.290 ha [8], Và rõ ràng, khi nguồn tài nguyên bị suy giảm thì sinh
kế nghề cá của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng
- Thứ ba, do vùng ven biển chịu nhiều thiên tai: nạn cát bay, bão lụt, triều cường. . . nên
sản xuất có tính chất rủi ro cao, nhất là sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản.
Vùng ven biển miền Trung, đặc biệt là Bắc Trung Bộ từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi là nơi
tập trung của rất nhiều cơn bão xuất phát từ phía tây Thái Bình Dương. Những khu vực khác ít
bão hơn nhưng sự xuất hiện bất thường lại gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Ví dụ như cơn bão
Linda năm 1997 đã khiến cho hơn 3000 ngư dân của tỉnh Cà Mau lâm vào tình cảnh khốn cùng.
Sự suy giảm các chức năng sinh thái của các hệ sinh thái biển sẽ gây ra những ảnh hưởng
nghiêm trọng đến sức khỏe, các hoạt động kinh tế- xã hội và phúc lợi của hàng triệu người dân ven
biển sống phụ thuộc nhiều vào các hàng hóa và dịch vụ mà các hệ sinh thái này cung cấp. Trong
bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, việc gia tăng các rủi ro từ khí hậu là một trong những áp lực
làm gia tăng khả năng bị tổn thương của những sinh kế dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên
của các cộng đồng ven biển. Nhìn chung, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến sinh kế của người
32
Sinh kế và vấn đề nghèo tại cộng đồng dân cư ven biển Việt Nam
dân nông thôn nói chung và vùng ven biển nói riêng trên một số sinh kế chính như sản xuất nông
nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản – những sinh kế mà người nghèo chủ yếu dựa vào các
nguồn lực tự nhiên để thực hiện các chiến lược sinh kế [2].
Những ảnh hưởng cụ thể đối với sản xuất nông nghiệp bao gồm: mất diện tích đất nông
nghiệp do nước biển dâng, mặn hóa các vùng đất canh tác do sự xâm nhập của nước biển, tăng
cường lũ lụt và hạn hán, gia tăng dịch bệnh do sự thay đổi của nhiệt độ và lượng mưa, từ đó ảnh
hưởng đến năng suất và sản lượng nông nghiệp, làm giảm cơ hội việc làm, đẩy giá lương thực lên
cao và đe dọa đến vấn đề an ninh lương thực [4]. Đối với hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy
sản, mực nước biển dâng, nhiệt độ tăng, bão lũ, sóng lớn, triều cường và các hiện tượng thời tiết
cực đoan... sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các hệ sinh thái quan trọng và nghề cá ven bờ
(như hệ sinh thái rừng ngập mặn, đất ngập nước, hệ sinh thái san hô), từ đó làm thu hẹp và hủy
hoại chất lượng môi trường sống của các loài thủy hải sản, làm giảm chất lượng và trữ lượng thủy
sản nuôi trồng và đánh bắt ven bờ.
Mặt khác, do những thay đổi theo mùa của thời tiết và khí hậu đã dẫn tới tính chất mùa của
sản xuất. Đối với ngành thuỷ sản có hai mùa chính: mùa Nam (từ tháng V đến tháng X ở miền Bắc
và từ tháng VII đến tháng XII ở miền Nam) và mùa Bắc (từ tháng XI đến tháng IV ở miền Bắc và
từ tháng I đến tháng V ở miền Nam) phù hợp với hai mùa gió Đông Nam và tây Bắc. Hoạt động
du lịch biển thường chỉ diễn ra trong khoảng từ tháng IV đến tháng X hàng năm. Tính mùa vụ có
ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt, dịch vụ ngư nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và du lịch, từ
đó ảnh hưởng tới công ăn việc làm, thu nhập và sự sẵn có của thực phẩm tại địa phương. Nhiều hộ
gia đình thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn và thu nhập thấp vào một số thời điểm
nhất định trong năm (thường là khi thời tiết xấu không thể thực hiện hoạt động đánh bắt). Giá cả
hàng hóa và dịch vụ cũng thay đổi theo mùa.
- Thứ tư, do những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, khu vực ven biển gặp nhiều trở ngại
trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Phát triển hạ tầng ở những xã ven biển cần tính toán để khắc phục
những khó khăn về môi trường và kĩ thuật cũng như đảm bảo độ bền của công trình. Nhiều công
trình khi xây dựng xong phải đối mặt với nhiều nguy cơ như sự xâm nhập mặn ngày càng tăng, mức
độ bồi lắng cao, sự hạ thấp mực nước và hiện tượng ngập úng. Với những khó khăn như vậy, hầu
hết khu vực ven biển, trừ các đô thị, còn các xã, huyện nông thôn đều có cơ sở hạ tầng nghèo nàn.
- Một đặc điểm nữa cần nhấn mạnh về tình hình kinh tế – xã hội khu vực ven biển là tình
trạng bất bình đẳng diễn ra phổ biến và sâu sắc hơn so với những khu vực khác. Trong khu vực
có nhiều ngành kinh tế cùng phát triển, nhưng cơ hội tiếp cận với những nguồn thu nhập đa dạng
này không như nhau đối với các nhóm dân cư. Những ngành có khả năng tạo thu nhập cao như du
lịch, nuôi trồng các loại thuỷ sản có giá trị chỉ dành cho những người giàu. Bởi đây là những ngành
đòi hỏi vốn đầu tư lớn và trình độ khoa học kĩ thuật cao. Những người nghèo do thiếu vốn và kinh
nghiệm sản xuất kinh doanh nên hoạt động kinh tế thường thu hẹp trong những ngành có tính chất
rủi ro cao và thu nhập thấp như đánh bắt hải sản, làm thuê. . .
Như vậy, sinh kế của người dân ven biển Việt Nam có nhiều đặc điểm đáng chú ý. Bên cạnh
tính đa dạng là một ưu thế nổi bật, các sinh kế và việc lựa chọn sinh kế đang phải đối mặt với nhiều
vấn đề, trong đó nổi bật là tính thất thường và dễ bị tổn thương. Những tổn thương này càng gia
tăng trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong bối cảnh dân số ngày càng tăng, tình trạng
khai thác quá mức đất đai và tài nguyên (rừng và thủy sản) phổ biến, trình độ giáo dục và kĩ năng
nghề nghiệp ở vùng ven biển còn thấp, những áp lực này đang gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống
của người dân ven biển, từ đó đặt thêm nhiều gánh nặng hơn nữa lên sự an toàn và đời sống của
người dân ven biển.
33
Trần Thị Hồng Nhung
2.3. Đặc điểm nghèo và giải pháp giảm nghèo tại cộng đồng dân cư