Sự biến đổi tên họ tại Việt Nam

Đổi Tên Họ Vì Đi Làm Con Nuôi: Theo tục lệ, một người đi làm con nuôi sẽ mang tên họ của gia đình đứng nuôi. Đọc Tam Quốc Chí, ta thấy bố của Tào Tháo là Tào Tung, xưa có tên họ là Hạ Hầu, nhưng vì đi làm con nuôi cho Tào Đằng nên nhận tên họ Tào. Tại Việt Nam, chúng tôi xin nêu ba trường hợp điển hình trong lịch sử để làm ví dụ: Hồ Quý Ly nguyên thuộc dòng dõi người ở Chiết Giang, Trung Quốc, có ông tổ là Hồ Hưng Dật di cư sang nước ta đời Ngũ Quý (907-959) ở làng Bào Đột, huyện Quỳnh Lưu

pdf19 trang | Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1408 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sự biến đổi tên họ tại Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỰ BIẾN ĐỔI TÊN HỌ TẠI VIỆT NAM Tên họ người Việt Nam được coi là một chứng tích tồn tại của một gia đình, một dòng tộc. Tuy nhiên, người ta thấy 9 trường hợp tên họ đã bị biến đổi: 1. Đổi Tên Họ Vì Đi Làm Con Nuôi: Theo tục lệ, một người đi làm con nuôi sẽ mang tên họ của gia đình đứng nuôi. Đọc Tam Quốc Chí, ta thấy bố của Tào Tháo là Tào Tung, xưa có tên họ là Hạ Hầu, nhưng vì đi làm con nuôi cho Tào Đằng nên nhận tên họ Tào. Tại Việt Nam, chúng tôi xin nêu ba trường hợp điển hình trong lịch sử để làm ví dụ: Hồ Quý Ly nguyên thuộc dòng dõi người ở Chiết Giang, Trung Quốc, có ông tổ là Hồ Hưng Dật di cư sang nước ta đời Ngũ Quý (907-959) ở làng Bào Đột, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Thanh Hóa. Ông tổ bốn đời là Hồ Liêm đi làm con nuôi cho ông Lê Huấn, nên đổi ra họ Lê. Đến khi Lê Quý Ly lên ngôi, ông lại đổi thành Hồ Quý Ly[50]. Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ, là con nuôi của nhà sư Lý Khánh Vân nên lấy tên họ là Lý[51]. Theo nguyên văn Đại Nam Liệt Truyện: Lê Văn Khôi nguyên họ Bế, con một thổ mục Cao bằng là Văn Kiện. Khi lệ tòng quân cho lấy họ Công Đồng là Nguyễn Hựu, sau theo nghịch đổi họ theo Duyệt là Lê vì trước kia thuộc dưới trướng của Lê Văn Duyệt [52]. Việc đổi tên họ vì đi làm con nuôi cũng được áp dụng trong trường hợp bán khoán cho thần thánh. Bán vào cửa chùa lấy họ Mầu, bán vào đền thờ Đức Trần Hưng Đạo thì lấy họ Trần. Đến khi đứa trẻ lớn lên, cha mẹ làm lễ chuộc về thì con lại mang tên họ của cha mẹ như xưa[53]. 2. Đổi Tên Họ Vì Bị Bắt Buộc: Dưới thời quân chủ, mỗi khi thay đổi triều đại, triều đại mới thường muốn xoá bỏ dấu tích triều đại cũ để lòng dân khỏi mong nhớ. Biện pháp áp dụng có thể là ban quốc tính, hay bắt con cháu và những người có tên họ triều đại cũ phải đổi sang họ khác, với lý do để tránh tên húy người trong hoàng tộc. Đời nhà Trần, sau khi Trần Thủ Độ đưa Trần Cảnh lên ngôi, lập ra nhà Trần (1226-1400) thì biện pháp đầu tiên để tận diệt nhà Lý là đem các cung nhân, con gái họ Lý gả cho các tù trưởng ở các vùng miền núi xa xôi. Đến tháng Tư năm Nhâm Thìn (1232), vua Trần Thái Tôn ra lệnh cho người trong nước ai có tên họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn vì thượng hoàng tên húy là Lý[54]. Đến cuối năm Nhâm Thìn, tôn thất nhà Lý quy tụ về thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm, nay là huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh để làm lễ tế tổ tiên, thì nhân dịp này, theo nguyên văn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết[55]. Tất cả các hành động trên là thủ đoạn chính trị của Trần Thủ Độ muốn tận diệt nhà Lý. Âm mưu này được sử gia Lê Tắc viết trong An Nam Chí Lược: Lên ngôi được một năm, năm Canh Dần (1230), Chiêu Thánh trao quốc chính cho chồng là Trần Nhật Cảnh. Tất cả tôn thất nhà Lý và bình dân họ Lý đều khiến đổi sang họ Nguyễn để dứt lòng mong nhớ [56]. Vì âm mưu tận diệt nhà Lý nên con trai thứ của Lý Anh Tông (1138-1175) là Lý Long Tường đã cùng đoàn tùy tùng trốn sang Đại Hàn. Hơn tám trăm năm sau, con cháu những người này đã về Việt Nam thăm lại quê cha đất tổ[57]. Lê Thái Tông (1434-1442) truy tôn mẹ ruột là bà Phạm Thị Ngọc Trần lên làm Cung từ quốc thái mẫu. Năm 1435, Thái Tông ra lệnh liệt kê tên húy của triều đình và quy định rằng: Khi gặp chữ chính về miếu húy, ngự danh thì không được viết, ai có tên họ trùng với các chữ húy thì phải đổi, như tên húy của Cung Từ quốc thái mẫu là Trần nên cho đổi thành Trình [58]. Việc đổi họ Trần qua họ Trình cũng nằm trong âm mưu của nhà Lê muốn dứt lòng dân mong nhớ nhà Trần. 3. Đổi Tên Họ Vì Vua Ban Quốc Tính: Dưới thời quân chủ, dòng họ vua được gọi là quốc tính, nhân dân ai có công lớn được vua cho đặc ân lấy tên họ vua làm tên họ mình. Đây là tập tục của Trung Quốc có từ đời Hán. Hán Cao Tổ, tức Lưu Bang ban cho Lâu Kính họ Lưu vì đã dâng kế sách dựng thành quách. Tại Việt Nam, triều đại nào cũng áp dụng thể chế này và nhân dân coi đó là một ân điển. Ví dụ Trần Bình Trọng là con cháu của vua Lê Đại Hành, có ông nội làm quan dưới triều Trần Thái Tông (1225-1258), lập được công lớn nên được mang quốc tính là Trần. Lê Hãn tức Trần Nguyên Hãn thuộc dòng dõi Trần Nguyên Đán. Ông Hãn lập nhiều chiến công dưới thời Lê Lợi kháng Minh nên được ban ban quốc tính là Lê Hãn. Nhà Lê là triều đại ban quốc tính cho nhiều người nhất. Năm 1428, Lê Thái Tổ (1428-1433) ra sắc chỉ vinh danh công trạng những người theo vua khởi nghĩa, kể cả những người họ Trần, bằng cách ban chức tước và quốc tính trong ba đợt cho khoảng 218 người[59]. Việc ban quốc tính một cách rộng rãi này, theo tác giả Trần Gia Phụng[60], nằm trong âm mưu của Lê Thái Tổ muốn bịt miệng các chức quan để ai cũng nói với nhà Minh rằng dòng họ nhà Trần đã tuyệt tự. Sở dĩ như vậy, vì Lê Thái Tổ đã xin nhà Minh phong Vương ba lần, nhưng cả ba lần nhà Minh đòi phải tìm kiếm con cháu nhà Trần lên làm vua. Nhưng 30 năm sau, khi ngôi vị nhà Lê đã vững chãi, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ban hành hai sắc dụ liên quan đến việc giới hạn và hủy bỏ chế độ ban quốc tính. Năm Quang Thuận thứ 4 (1463), vua Lê Thánh Tông ra sắc dụ giới hạn thời gian được hưởng quốc tính. Sắc dụ viết như sau: Xưa Thái Tổ ta dãi gió dầm mưa để bình định thiên hạ, bấy giờ các bề tôi có công ra sức giúp dân, cùng chịu gian lao khổ ải, tình nghĩa đều vẹn toàn, vì thế đặc ân ban quốc tính để tỏ lòng yêu quý khác thường. Nhưng con cháu các người truyền nối lâu dài, e rằng quên mất họ cũ của tổ tiên, trái với đạo dạy người ta hiếu thảo. Từ nay về sau, công thần được đặc ân ban quốc tính thì chỉ một đời người ấy, còn con cháu đều theo họ cũ[61]. Rồi 4 năm sau, năm Quang Thuận thứ 8 (1467), nghe lời tâu của Lễ Bộ Thượng Thư Phạm Công Nghị, vua Lê Thánh Tông hủy bỏ luôn chế độ ban quốc tính. Câu chuyện được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại như sau: Lễ bộ thượng thư Phạm Công Nghị tâu rằng: Đời xưa khi dựng nước, nhận tên nước mà đặt tên họ (tính), nhận chia đất mà ban tên họ (thị). Như ông Tiết khi được phong ở đất Thương, được ban họ Tử (Tử thị), ông Tắc khi được phong ở đất Thai, được ban họ để lập tông phái. Từ đó về sau, các đời đều có tên họ như Ngu Thuấn là họ Diêu (Diêu tính), Hạ Vũ họ Tự (Tự tính) Chu Văn họ Cơ (Cơ tính), mà Cửu khanh, Tam Công, Ngũ thần, Thập loạn đều có công lao với nước, nhưng chưa từng thấy ai được ban họ (nhà vua) cả. Đến Hán Cao Tổ cho Lâu Kính có công dâng kế sách dựng đô thành bèn ban cho họ Lưu. Đường Cao Tổ khen Thế Tích có khí tiết bề tôi trong sạch nên ban cho họ Lý. Đó chỉ là phương sách chế ngự hào kiệt mà thôi. Nhưng nguồn vừa mới khơi ra mà đã thành đục. Người làm tôi thì cũng cho thế là vinh hạnh, mà không hiểu rằng họ hàng phải có phả hệ, tuyệt đối không thể lẫn lộn được. Cái sai của việc ban tên họ có quan hệ rất lớn. Vì người làm tôi mà cùng họ với vua thì bất kính, người làm con mà quên mất gốc thì bất hiếu. Làm sao có kẻ bất kính bất hiếu mà làm nên việc được. Nên sửa bỏ lệ ấy đi. Tất cả bề tôi đã được ban cho họ của nhà vua đều cho đổi lại theo họ cũ của ông cha để cho tông phái nhà vua được phân minh, cội gốc các họ được rõ ràng. Vua y theo[62]. Sang đời Nguyễn, chế độ ban quốc tính được tái lập. Nhiều trường hợp được ban quốc tính mà điển hình là ông Huỳnh Tường Đức (1748-?) có công với nhà Nguyễn nên được mang quốc tính là Nguyễn Huỳnh Đức. Như đã trình bày, chỉ có con trai được kế thừa quốc tính. 4. Đổi Tên Họ Vì An Ninh Cá Nhân: Khi xưa tại Trung Quốc cũng như Việt Nam, gia đình nào bị án tru di tam tộc mà con cháu trốn thoát được, phải đổi tên họ để tránh bắt bớ, tránh trả thù về sau, vì khi nộp đơn ứng thi, thí sinh phải khai rõ tên họ của thân nhân ba đời trước [63]. Khi đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu hoạt động, các đảng viên đã lấy một bí danh khác hẳn tên cũ để tránh thực dân Pháp bắt bớ. Cụ thể nhất là Ông Nguyễn Tất Thành đã đổi tên rất nhiều lần để cuối cùng là Hồ Chí Minh. Việc ông Hồ Chí Minh đổi từ họ Nguyễn về họ Hồ được Giáo sư Trần Quốc Vượng[64], Giáo sư Sử học Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, trong tác phẩm Trong Cõi, kể về chuyện này và chúng tôi xin tóm tắt như sau: Tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có cụ Cử Nhân Hồ Sĩ Tạo. Cụ mê người con gái hát ả đào tên là Hà Thị Hy. Khi cô Hy có thai, cụ cử không cưới, nên nhà họ Hà đã tặng không cô Hy cho một lão ông góa vợ tên là Nguyễn Sinh Nhậm. Cô Hy sinh người con trai đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc, vì trên giấy tờ cô Hy là vợ ông Nguyễn Sinh Nhậm. Lớn lên, ông Nguyễn Sinh Sắc (sau đổi là Nguyễn Sinh Huy) kết hôn với bà Hoàng Thị Loan sinh ra ông Nguyễn Sinh Côn tức Hồ Chí Minh. Như vậy, ông Hồ Chí Minh bỏ họ Nguyễn, lấy lại họ Hồ là vì muốn trở về với dòng họ ông nội là cụ cử Hồ Sĩ Tạo. Vào năm 1954, khi chia đôi đất nước, một số dân miền Nam tập kết ra Bắc, gia đình ở lại miền Nam thường đổi tên để tránh phiền phức về an ninh chính trị. Đến năm 1975, khi miền Bắc chiếm miền Nam, thống nhất đất nước, thì các gia đình này lại điều chỉnh giấy tờ hộ tịch, lấy lại tên họ cũ. Ngược lại, tại miền Bắc, chế độ Cộng Sản lên án và đả kích nhà Nguyễn nên một số người trong hoàng tộc nhà Nguyễn ở lại miền Bắc, đã bỏ bớt những chữ lót chứng minh mình thuộc hoàng phái. Các chữ lót đó là Miên, Hồng, Ưng, Bảo, Vĩnh. Các từ này sẽ được trình bày ở chương ba. 5. Đổi Tên Họ Để Hưởng Lợi Lộc: Đối với hoàng tộc, nhiều người mạo xưng con cháu dòng dõi tông phái để hưởng tước lộc triều đình. Đối với dân gian, người ta mạo xưng con cháu để được chia hương hoả, điền thổ. Chắc hẳn, sự mạo xưng này là một tệ nạn xã hội nên dưới thời Lê Huyền Tông (1662- 1671), nhà vua đã ra sắc lệnh: Làm người tên phải có họ để phân biệt tôn phái, cấm mạo xưng là con cháu nhà thế gia triều đại trước, hay là giả làm ra những bằng chứng về tôn phái, mạo ra chứng thư, lấy người chứng tá bậy bạ để nhận càn điền thổ của người khác. Ai trái lệnh này sẽ bị trị tội [65]. Thời Pháp thuộc, nhiều người dân không muốn khai sổ đinh để khỏi bị đóng thuế thân, đến khi cần việc làm, họ lấy giấy tờ của người khác đã chết để dùng. Từ đó, họ và con cháu mang tên họ không thuộc dòng họ mình. 6. Đổi Tên Họ Vì Sự Nghiệp Tương Đồng: Cho tới nay, chúng tôi biết được hai trường hợp còn ghi trong lịch sử: Trường hợp ông Hàn Thuyên. Ông làm Thượng Thư Bộ Hình dưới triều Trần Nhân Tôn (1279-1293). Theo sử, ông đã làm bài văn ném xuống sông để đuổi cá sấu đi. Vua thấy việc này tương tự như Hàn Dũ bên Tàu nên cho ông được đặc ân đổi sang họ Hàn. Từ đó, sách vở đều ghi tên ông là Hàn Thuyên[66]. Ông Ngụy Thức trước tên là Đồng Thức, người huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, giữ chức Ngự Sử Trung Tán dưới thời nhà Hồ. Vì nổi tiếng cương trực như viên Tể Tướng Ngụy Trưng đời Đường Thái Tông bên Tàu, nên vua Hồ Hán Thương cho ông đổi họ Đồng sang họ Ngụy. 7. Đổi Tên Họ Để Phù Hợp Với Nghề Nghiệp: Ðời vua Trần Duệ Tông (1373-1377), có ông Đào Hy Nhan con của Tiến Sĩ Đào Thừa Mân, thi đậu Trạng Nguyên, rất giỏi sử học nên cho cải ra họ Sử tức Sử Hy Nhan[67]. Vua Trần Dụ Tôn làm việc trên là áp dụng nguyên tắc ở Trung Quốc. Đời xưa Trung Quốc đặt ra quan Chúc và Sử. Quan Chúc coi việc tế lễ, quan Sử coi việc nhân sự và ghi chép lịch sử. Đời Chu có các quan Đại Sử, Tiểu Sử, Tả Sử, Hữu Sử, Nội Sử, Ngoại Sử. Chúc và Sử là hai chức vụ quan trọng, ai giữ chức vụ ấy được cha truyền con nối. Do vậy, tên chức quan Chúc và Sử biến thành tên họ. 8. Đổi Từ Họ Ít Thấy Sang Họ Phổ Thông Hơn: Dưới thời quân chủ, vua có quyền tuyệt đối, thấy điều gì không hợp ý, một tên họ họa hiếm chẳng hạn, là vua có quyền thay đổi, dân chúng phải tuân theo. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại chuyện đổi họ như sau: Năm Giáp Thìn (1304), tháng Hai lấy Bùi Mộc Đạc làm Chi hậu bạ thư chánh chưởng trông coi Cung Thánh Từ. Mộc Đạc tên tự là Minh Đạo, người Hoàng Giang, họ Phí, tên Mộc Lạc có tài năng. Thượng Hoàng cho rằng họ Phí từ xưa không thấy có[68], mới đổi làm họ Bùi. Cái tên Mộc Lạc[69] là điềm chẳng may, mới đổi thành Mộc Đạc, sai theo hầu ngày đêm. Đến nay trao cho chức ấy. Sau này người họ Phí hâm mộ danh tiếng của Mộc Đạc nên nhiều người đổi thành họ Bùi [70]. Về họ Chúc, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi như sau: Anh em Ngộ Mai vốn trước là họ Chúc, khi Nhân Tôn xuất gia, làm nội học sinh theo hầu. Vua cho rằng họ Chúc không phải là họ lớn, mới đổi thành họ Phạm. Ngộ trước tên là Kiên, Mại trước tên là Cố. Cả hai đều theo học Nguyễn Sĩ Cố. Kiên tránh tên của Phán Thủ Huệ Nghĩa đổi là Ngộ. Cố tránh tên của thày đổi là Mại . 9. Bị Truất Bỏ Tên Họ: Dưới thời quân chủ, một trong những hình phạt nhà vua có thể áp dụng cho những kẻ có tội, nhất là tội phản nghịch, là truất bỏ tên họ. Đại Việt Sử Ký Tiền Biên ghi lại khoản luật này như sau: Năm Kỷ Dậu (1309) mùa Đông tháng Mười, vua ra chiếu chỉ tất cả những người có tội phản nghịch đều bị tước bỏ tên họ, chỉ gọi tên [71]. Triều đại nào cũng áp dụng khoản luật này. Đời Lê Thái Tông (1434-1442), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi tên bọn phản nghịch như sau: Giết bọn giặc phản nghịch tên là Phong, tên Nhữ Hốt, tên An Vinh, tên Trung, tên Tồn, tên Sĩ Văn, tên Sùng Lễ, tên Xác [72]. Theo Vietgle (còn tiếp) Đến đời Nguyễn, các tác giả viết Đại Nam Liệt Truyện khi viết tiểu sử hậu phi, hoàng tử, công chúa, các bề tôi có công, đều nhắc đầy đủ tên họ, tên đệm, tên chính. Nhưng khi nói về các nghịch thần, gian thần của triều Nguyễn, chỉ nhắc đến tên chính mà thôi. Ví dụ khi chép về Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toản, các sử gia triều Nguyễn chỉ chép là Nhạc, Huệ, Toản[73]. [50] Thái Văn Kiểm & Hồ Ðắc Ðàm. Sđd. Tr. 143. [51] Trần Trọng Kim. Tập II. Sđd. Tr. 917. [52] Trương Văn Chính (dịch). Ðại Nam Liệt Truyện. Tập 4. Thuận Hóa, Huế, 1977, tr. 475. [53] Nhất Thanh. Ðất Lề Quê Thói. Ðường Sáng, Sàigòn, 1971, tr. 29. [54] ÐVSKTT. Tập 2. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000, tr. 16. [55] ÐVSKTT. Tập 2. Sđd. Tr. 16. [56] Lê Tắc. An Nam Chí Lược. Viện Ðại Học Huế, 1961, tr. 238. [57] Nguyệt San Làng Văn,Toronto, Canada, số 125, 1995, tr. 17. [58] ÐVSKTT. Tập II. Sđd. Tr. 510. [59] ÐVSKTT. Tập II. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, tr. 361 [60] Trần Gia Phụng. Những Câu Chuyện Việt Sử. Tập II,Toronto Canada, 1999, tr. 123-125. [61] ÐVSKTT. Tập II. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000, tr. 632. [62] ÐVSKTT. Tập II. Sđd. Tr. 658-659. [63] Nhất Thanh. Sđd. Tr. 40. [64] Trần Quốc Vượng. Trong Cõi. Trăm Hoa, Garden Grove, 1993, tr. 254-259 [65] Nguyễn Sĩ Giác (dịch). Lê Triều Chiếu Lịnh Thiện Chính. Ðại Học Luật Khoa, Sàigòn, 1961, tr. 295. [66] ÐVSKTT.Tập II. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, tr. 47. [67] Ðại Nam Nhất Thống Chí.Tập 2. NXB Thuận Hóa, 1997. tr.193. [68] Cả Trung Quốc và Việt Nam đều có họ Phí. Xin xem Ban Tu Thư Nghĩa Thục. Từ Ðiển Hán Việt. Sđd. Tr. 237. [69] Mộc Lạc nghĩa là cây đổ. [70] ÐVSKTT. Tập 2. Khoa Học Xã Hội. Hà Nội, 1998, tr. 68. [71] ÐVSKTB. Sđd. Tr. 411. [72] ÐVSKTT. Tập 2. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr. 364. [73] Ðại Nam Liệt Truyện. Tập 2. Sđd. Tr. 521-527.
Tài liệu liên quan