1. Mở đầu
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp có truyền thống văn hoá lâu đời.
Truyền thống văn hoá ấy tạo cho con người Việt Nam sống gắn bó, thuỷ chung giàu
tình nặng nghĩa. Nét đẹp văn hoá đó được giữ gìn, bảo tồn, trước hết ở nông thôn.
Nhưng trước những biến động lịch sử, nông thôn nước ta đã diễn ra nhiều xáo trộn,
đổi thay. Người nông dân vốn mộc mạc, chất phác cũng bị hoàn cảnh làm chao đảo,
một bộ phận tha hoá, thậm chí đánh mất chính mình. Tuy nhiên, không phải lúc
nào văn học cũng trực diện với những vấn đề đó. Văn học sau 1975 là một bước
chuyển động mạnh mẽ khi đối diện với nhiều bức xúc của đời sống, trong đó có cả
tiếng nói cảnh báo về một nông thôn trên hành trình đô thị hoá, thị trường hoá.
6 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 456 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sự cảnh báo về một nông thôn trong quá trình phát triển qua một số tác phẩm gần đây, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Science Sci., 2011, Vol. 56, No. 8, pp. 69-74
SỰ CẢNH BÁO VỀ MỘT NÔNG THÔN TRONG QUÁ TRÌNH
PHÁT TRIỂN QUA MỘT SỐ TÁC PHẨM GẦN ĐÂY
Bùi Quang Trường
Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa-Vũng Tàu
E-mail: buiquangtruongbr@gmail.com
Tóm tắt. Nông thôn là nơi lưu giữ tốt những nét văn hoá truyền thống.
Tuy nhiên do sự tác động xã hội, nông thôn đã bị thay đổi, biến dạng. Sự
tha hoá ở con người không chỉ có ở người dân thường mà còn xuất hiện ở
cả đội ngũ cán bộ. Những điều mà các nhà văn miêu tả là lời cảnh báo về
một nông thôn đang bị xáo trộn rất đáng báo động.
1. Mở đầu
Việt Nam là một đất nước nông nghiệp có truyền thống văn hoá lâu đời.
Truyền thống văn hoá ấy tạo cho con người Việt Nam sống gắn bó, thuỷ chung giàu
tình nặng nghĩa. Nét đẹp văn hoá đó được giữ gìn, bảo tồn, trước hết ở nông thôn.
Nhưng trước những biến động lịch sử, nông thôn nước ta đã diễn ra nhiều xáo trộn,
đổi thay. Người nông dân vốn mộc mạc, chất phác cũng bị hoàn cảnh làm chao đảo,
một bộ phận tha hoá, thậm chí đánh mất chính mình. Tuy nhiên, không phải lúc
nào văn học cũng trực diện với những vấn đề đó. Văn học sau 1975 là một bước
chuyển động mạnh mẽ khi đối diện với nhiều bức xúc của đời sống, trong đó có cả
tiếng nói cảnh báo về một nông thôn trên hành trình đô thị hoá, thị trường hoá.
2. Nội dung nghiên cứu
Trước 1975, văn xuôi viết về nông thôn thường cho ra đời những mẫu nhân
vật nông dân tích cực, chiến thắng hoàn cảnh kiểu như các nhân vật trong Cái sân
gạch của Đào Vũ, Tầm nhìn xa của Nguyễn Khải, Cái hom giỏ của Vũ Thị Thường...
Nhà văn Nga Yuri Bondarev quan niệm: “Tất cả chúng ta đều là tù binh của hoàn
cảnh và không một ai được tự do hết” (Trò chơi-trang 228). Điều đó cũng có nghĩa
là bất cứ người nào cũng bị chi phối bởi hoàn cảnh xã hội. Dưới ánh sáng dân chủ,
đổi mới của Đảng, các nhà văn sau 1975, nhất là sau 1986 đã cố gắng đào sâu vào
tình trạng người nông dân bị “điều kiện hoá”.
Vậy hoàn cảnh lịch sử đã chi phối nông thôn và người nông dân Việt Nam
như thế nào? Theo Bùi Việt Thắng là: “Rất đau lòng, nhưng phải thẳng thắn công
nhận với nhau rằng – đó là một hoàn cảnh khá tồi tệ, trong đó cái xấu bao quanh
cái tốt, cái ác đang lấn lướt cái thiện. Con người vì thế tất nhiên đang ở trong một
69
Bùi Quang Trường
tình thế bị bao vây. Hoàn cảnh đang tạo ra một cái bẫy, nếu con người không tỉnh
táo và thông minh sẽ bị “sa lưới” ” [10]. Cho đến nay, nông thôn nước ta đã bị tác
động của nhiều biến thiên lịch sử mà những lần tác động ấy đều rất mạnh mẽ khiến
người nông dân vốn hạn chế về nhận thức không kịp trở tay, không kịp thích ứng.
Bởi vậy mà họ chính là đối tượng bị tổn thương lớn nhất, vết thương đối với họ vì
thế cũng khó lành nhất.
Một trong những tác động như thế là công cuộc cải cách ruộng đất ở miền
Bắc những năm 1954 – 1956 và phong trào hợp tác hoá nông nghiệp vào những năm
tiếp theo. Bên cạnh thắng lợi tiêu diệt áp bức bóc lột thì sự ấu trĩ trong nhận thức,
chỉ đạo, căn bệnh giáo điều, duy ý chí của người thừa hành, thói xu thời, ích kỷ...
đã để lại không ít hệ luỵ mà nghiêm trọng nhất là đẻ ra những con người vô cảm,
lạnh lùng đến tàn nhẫn, thậm chí là méo mó về mặt nhân cách, tâm hồn.
Nguyễn Vạn (Bến không chồng) sinh ra ở làng Đông, “chân đất mắt toét” bỏ
làng ra đi từ khi còn trẻ trở trong ánh hào quang của người anh hùng Điện Biên.
Với ý thức kiêu hãnh, Vạn đã chọn sống cách sống khổ hạnh, cứng nhắc, giáo điều
làm khổ mình và người khác. Anh ta có tình cảm với chị Nhân - vợ người đồng đội
đã hy sinh - nhưng anh không dám bộc lộ chỉ vì sợ ảnh hưởng uy tín. Để rồi cả hai
đều phải sống trong cô đơn. Và chính sự cô đơn đó, cuối cùng đã trở thành bi kịch
của Vạn khi một lần anh không làm chủ được mình, ân ái với Hạnh, con gái chị
Nhân. Vì mặc cảm tội lỗi xấu xa, anh ta đã chọn cái chết âm thầm để không phải
đối diện với sự thực.
Bác Chắt Kế (Chuyện làng ngày ấy), người làng Hậu Luật, Nghệ An có lý
lịch điển hình cho kiểu một quần chúng cách mạng. Bác tham gia hoạt động cách
mạng từ năm mười lăm, mười sáu tuổi, bác đã đi khắp bốn phương trời, bị đày ải
ở khắp mọi nơi “chịu đựng muôn nghìn cực hình. . . ”. Cuối cùng bác trở về làng để
lãnh đạo phong trào hợp tác hoá. Từ đó, lịch sử của làng cũng chính là lịch sử cuộc
đời bác Chắt Kế. Dưới sự chỉ đạo của bác, bao cây cổ thụ từng gắn bó máu thịt với
con người thôn quê đã bị đốn hạ không thương tiếc khiến làng xóm trống huơ trống
hoác. Bao nhiêu mồ mả bị khai quật đào xới để tập trung về một nơi, đền thờ, miếu
mạo, chốn linh thiêng của con người làng quê, được nhân dân gìn giữ bao nhiêu đời
cũng bị đập phá thẳng tay để chuẩn bị cho viễn cảnh một thế giới đại đồng. Cả làng
chỉ có một nơi thờ cúng, có chung một ngày giỗ, nếu ai không theo thì bị coi là mê
tín dị đoan, phản động. . . Rồi bác Chắt Kế phế bỏ hội tuồng, đám cưới được thực
hiện theo “đời sống mới”: nhà gái chỉ đòi nhà trai hai quả lựu đạn mà không thách
cưới, không ăn uống linh đình. Có thể thấy những truyền thống văn hoá lâu đời của
người nông dân của làng quê Hậu Luật dưới bàn tay bác Chắt Kế đã bị “đào tận
gốc, trốc tận rễ”. Cái mới xây chưa được là bao mà làng xóm đã tan hoang: “Đâu
rồi, đâu rồi, tất cả những gì xa xưa ấy? Đâu rồi, đâu rồi, quá khứ cần lao và hùng
vĩ?... Còn đâu nữa! Người ta đã phá sạch rồi” [11;11]. Sự phá phách mù quáng, nhiệt
tình hành động lại bị chỉ huy bởi bộ óc tăm tối, nông nổi thật đáng sợ. Nó không
kém gì giặc ngoại xâm.
Đọc Dòng sông mía của Đào Thắng, người đọc càng cảm thấy choáng váng,
ngỡ ngàng, bởi bao nhiêu chuyện long trời lở đất, đảo lộn cả làng quê trồng mía bé
70
Sự cảnh báo về một nông thôn trong quá trình phát triển qua một số tác phẩm gần đây
nhỏ bên dòng sông Châu thơ mộng. Bao nhiêu chuyện dốt nát, ác độc, điêu toa,
dâm ô, loạn luân, tự tử, ức hiếp, điên cuồng, ác nhân và thù hận. . . , quay cuồng,
đảo điên như một chảo nước mía đang sôi sùng sục trên lò lửa. Nhưng có lẽ ấn tượng
ghê gớm nhất trong toàn bộ tác phẩm là thằng cu Lẹp, đứa con hoang của bà Mến
chuyên nghề đỡ đẻ với ông Quỹ Nhất - chủ một lò nấu đường lớn nhất dòng Châu
Giang, bỗng chốc thành một ông Lẹp quyền uy và ác như thú hoang.
Làng quê Thanh Khê bên bờ Châu Giang yên bình, chất phác, dưới sông lắm
cá nhiều tôm, trên bờ mía tốt tươi bạt ngàn mùi đường mật ngọt ngào sung túc,
con người tình nghĩa, thuỷ chung, sớm hôm tắt lửa tối đèn cùng nhau chia sẻ, mảnh
đất ấy tại sao lại đến nông nỗi như vậy? Có phải là do “những cơn gió lạ” cứ từ
đâu thổi đến làm: “hết Tây Nhật rồi cách mạng, kháng chiến, cải cách ruộng đất,
lại bom đạn khôn nguôi. . . băm nát sự thanh bình làng mía, xáo trộn mọi tôn ti
trật tự, đảo lộn mọi giá trị truyền thống, xúi bẩy những con người vốn chỉ biết lam
làm, biết thân phận như lão Quýt râu đen, lão Bếp Rỗ bỗng trở mặt thành những
tên lưu manh bịa chuyện đấu tố chủ, ăn cháo đá bát, lấy oán báo ân” [1]. Những
cơn gió lạ cứ dồn dập thổi vào làng mía Thanh Khê, mát lành thì ít mà độc dữ thì
nhiều, khiến những kẻ ác ôn, thú vật hiện hình tung hoành. Môi trường đó không
còn chỗ cho cái tốt tồn tại. Người lương thiện không tìm được hạnh phúc. Đó không
chỉ là thông điệp của Đào Thắng qua Dòng sông mía mà còn của tác giả Tạ Duy
Anh qua Lão Khổ, Bước qua lời nguyền...
Rõ ràng là hoàn cảnh sống đã làm thay đổi, thậm chí làm băng hoại bao giá
trị đạo đức tốt đẹp của con người, khiến “Con người không thể đứng cao, thoát khỏi
hoàn cảnh, ngay cả nông thôn, tưởng như được luỹ tre kiên cố ngăn chặn mọi ám
khí của cái xấu” [10]. Chúng ta đã từng xót xa cho một Chí Phèo của Nam Cao
trước cách mạng từ một người lao động lương thiện phải cướp giật la làng, rạch
mặt ăn vạ để tồn tại, bây giờ ta hãi hùng bởi thấy nó vẫn hiển hiện nhỡn tiền. Điều
đáng buồn hơn là không chỉ những người dân tối tăm, thất học bị hoàn cảnh làm
tha hoá ở cả những cán bộ từng được tôi luyện qua nhiều thử thách cũng có khi
không “thoát khỏi hoàn cảnh”.
Trong Ba người khác, Tô Hoài đã không ngần ngại miêu tả tính cách lưu manh
của một số anh cán bộ trong đội cải cách, như: Cự, Đình, Bối. Cả ba anh đội đều
nhiều mánh lới, thói tật và những hành động mang tính bản năng. Là đội phó đội
cải cách, nhưng Bối luôn luôn tìm cách ăn vụng, thậm chí ăn cắp để thoả mãn nhu
cầu bản năng của mình. Với bản tính “hễ quá bữa là bụng đói rong róc, mắt nảy
đom đóm, hai bàn tay toát mồ hôi lạnh. Cứ từng cơn thế, người như lả dần”, Bối
tinh quái nhận ra gói bánh đúc trong ba lô của người khác, liền “luồn tay dưới ba
lô, thó luôn cả gói, bỏ nhẹm vào cái túi xách” của mình [2;22]. Khi bình tĩnh, Bối
mới nhận thấy gói bánh đúc ấy đội trưởng Cự đã “mua lén ở chợ”. Như vậy Cự cũng
giống Bối luôn tìm cách ăn vụng mỗi hôm đi họp đội. Bối lại “tạt vào chợ, vào quán,
mua kẹo, bánh đa ướt, có khi lùa vội bát bánh đúc chan canh cua. Chỉ cốt trông
trước trông sau, không để ai nhìn thấy thôi” [2;43-44].
Các anh đội cũng là những kẻ dốt nát, háo danh, thích thành tích. Đội trưởng
Cự đã gửi trả lại hai người có trình độ học vấn cao mà cấp trên vừa bổ sung xuống
71
Bùi Quang Trường
vì “chỉ cần người chữ nghĩa èng èng, học nhiều thì chỉ tổ tài nói, không tài làm,
xuống xã tổ vướng chân. . . , học lắm thì chỉ lý sự cùn” [2;70]. Thói dốt nát của các
anh đội được thể hiện rõ nhất khi họ chỉ đạo những người nông dân cấy lúa thần kỳ.
Khi thấy “trên chân lúa chen nhau, thân nóng hầm hập, bốc hơi” thì Bối đã nghĩ ra
một chiêu thật quái gở: đem quạt ra để quạt cho lúa hạ hoả: “lúa cũng như người,
lúa đổ mồ hôi thì quạt cho nó ráo mồ hôi. Có thế thôi” [2;171].
Cả ba anh đội Cự, Đình, Bối đều là những kẻ hoang dâm vô độ. Họ đi đến
thôn nào là dở trò dâm dục với cốt cán ở đấy. Các cô bần cố nông Rễ, Chuỗi cũng
đang đói khát dục tình. Và làng xóm bị đẩy vào không khí vừa u ám, ngột ngạt,
vừa nhếch nhác hoang dã như thời “bán khai”.
Làng Đoài trong Dưới chín tầng trời của Dương Hướng cũng có chỗ khá giống
không gian Tô Hoài miêu tả. Làng Đoài dưới sự lãnh đạo của Trần Tăng, một con
“quỷ dâm dục”, “vô luân”, sau bao nhiêu năm tiến hành hợp tác hoá đã làm cho “dân
tình đói dài, đói rạc, làng xóm xác xơ. . . , trong nhà trống huơ trống hoác chẳng
thấy thóc lúa đâu, phải đi đào củ chuối độn cơm” [3;421]. Dân đói mặc dân, còn
những kẻ có chức có quyền thì cứ thăng tiến nay cấp này, mai cấp khác: Trần Tăng
“làm chủ tịch huyện, rồi lên tỉnh, lên trung ương tới giờ ông chẳng làm được gì tốt
đẹp cho miền đất này. Cái dự án phiêu lưu quai đê lấn biển của ông ngày ấy thất
bại đau đớn. Cái dự án điên rồ của ông phải trả giá quá đắt bằng mồ hôi công sức
của hàng vạn con người chỉ vì sự ngu dốt, cộng với cơn hứng chí háo danh của ông”
[3;472].
Như vậy, chính những kẻ ngu dốt mà háo danh lại được trao quyền hành thời
kì tiến hành hợp tác hoá ở miền Bắc “đã biến người nông dân cần cù thành lũ lười
nhác làm ăn dối trá, phá tan nền móng gốc rễ làng quê, để dân tình đói rách phải
bỏ làng mà đi” [3;470]. Khi nền móng gốc rễ văn hoá làng quê bị vằm nát, người
dân lương thiện hoang mang, đói khát. Bao phủ lên làng quê là sự trống vắng tình
người, trái hẳn với mục tiêu của cách mạng: “Làng quê, ngọn lửa nhân ái, hương
tình thơm thảo đã thoi thóp, nhạt mờ, chút thi vị chắt lọc từ cái lam lũ cực nhọc
hàng ngày cũng phai bợt trước một đời sống lạnh lùng, hệ quả của những xáo trộn
đổi thay, lắm khi càng trở nên tệ hại quá quắt vì những thói tật thâm căn cố đế cổ
truyền không sao gột rửa được” (Xóm giềng) [4;150] Đó là một tổn thất quá lớn cần
được nghiêm khắc nhìn lại để tránh sai lầm tương tự. “Chúng ta đã có một thời, cái
thời ấy ta say sưa với những chuyện tầy đình để đến nỗi bỏ qua, quên đi, không đoái
tới những việc ân nghĩa, đạo đức, phẩm giá, tư cách, trách nhiệm, quên đi cái phần
quan trọng bậc nhất trong tư cách làm người của chúng ta” [9;342]. Nói như Bùi
Việt Thắng là: “Một thiết chế xã hội thiếu nền móng pháp luật, thiếu kinh nghiệm
quản lý, điều hành xã hội tất yếu sinh ra những kẽ hở lớn cho bọn “sâu mọt” sản
sinh” [10].
Mấy chục năm sau biến cố đó, đất nước ta tiến hành đổi mới, mở cửa, thực
thi kinh tế thị trường, nông thôn lại chịu những tác động mới. Mặt tích cực được
nói đến nhiều ở các báo cáo, tổng kết thành tích, ở bộ mặt đường xá nhà cửa sang
trọng, ở ánh sáng điện. Cái ăn, cái mặc được cải thiện rõ rệt. Nhưng còn những biến
động ở tầng sâu văn hoá, tập quán? Điều đó, có lẽ văn chương nhạy bén hơn. Trong
72
Sự cảnh báo về một nông thôn trong quá trình phát triển qua một số tác phẩm gần đây
Đất xóm Chùa của Đoàn Lê, làng xóm đang bình yên, bỗng cả làng mắc dịch sốt
đất, bởi một con đường cao tốc chạy qua hay dự án của một khu công nghiệp. Thế
là làng xóm láng giềng mất đoàn kết, anh em đâm chém nhau. ở xóm Chùa, “Con
cả lão Tự Nghệch chém vỡ đầu thằng thứ hai, tranh nửa thước đất bên cạnh con
đường cao tốc vô hình. Bốn nhà vẫn chung ngõ đi bỗng om sòm đánh nhau chia bôi
đường biên giới” [6;237]. Người Việt Nam vốn sống nhẹ lý, trọng tình: “Một bồ cái lý
không bằng một tý cái tình”, nay cơ chế thị trường khiến người ta bỗng dưng quay
lưng coi trọng tiền. Truyện ngắn Tèo - Vĩ Đại của Nguyễn Hữu Nhàn miêu tả anh
chàng Tèo vốn dĩ nghèo khổ, kiết xác bỗng dưng có dăm bảy trăm triệu nhờ Nhà
nước đền bù lấy đất mở đường, Tèo liền đổi tên thành Hà Vĩ Đại, rồi xây nhà rõ to,
sắm sửa quần áo, hàng ngày ăn cơm hiệu, điện thoại di động kè kè và thái độ thật
vênh vang: “Nhiều tiền rồi, Tèo - Vĩ đại chả phải sợ thằng nào là đúng. Dân quê ta
khi quay ra chỉ nhìn thấy toàn cây lúa cây ngô, quay vào thấy ngay con gà con chó,
suốt đời quẩn quanh trong lũy tre làng, hám tiền của nhưng lại ghét kẻ giàu có,
trong bụng toàn chứa ngô khoai sắn, biết gì cái khác mà không có truyền thống ghét
con buôn, sống chất chưởng, lúc bảo "nhất sĩ, nhì nông", lúc lại bảo "nhất nông,
nhì sĩ"..., đồng tiền bát gạo ở đâu thì chính kiến ở đấy, thích ra oai, hễ có tí của, tí
quyền thì anh nào anh nấy vênh mặt lên coi thường thiên hạ bằng con tôm con tép
ngay, vì thế Tèo - Vĩ đại có lên mặt với đời âu cũng là đương nhiên" [7;116]. Còn
ở trong truyện Làng Phần, ông giáo Chung đã nghỉ hưu đã phải xót xa khi chứng
kiến nhân tình thế thái ở làng quê đổi thay: “Ông biết rõ hạng người giàu xổi vốn
thích ra oai khoe mẽ. Họ chỉ thích nói, không thích nghe. Có tiền là họ có quyền.
Họ chỉ trọng người giàu, còn họ khinh tất, có người học mà nghèo không những bị
họ khinh mà họ còn ghét vì đố kỵ do thua kém về đường học hành” [8;88].
Thị trường hoá cũng là lúc văn hoá ngoại lai tràn về làm đảo lộn nếp sống
nông thôn. Cái văn minh của đô thị đôi lúc trở thành chuyện dở khóc dở cười chốn
quê mùa. Đó là chuyện ở Xóm Chùa Ông, ông Sỹ Duệ trong đám cưới con trai mình,
“ông mở cát – sét nhà ông oang oang với những băng nhạc giậm giật, hát toàn tiếng
Tây cắm cẳn không ai hiểu gì cả” [6;7]. Đến khi bà cô của ông chết, trong khi đám
con cháu đang gào khóc, ông bắt im hết cả để ông “cắm điện rồi bật công tắc đánh
toạch. Cái cát sét mở hết công suất loa, bỗng kêu váng lên. Ngỡ đến bốn đội nhà
kèn cùng thổi một lúc. Và hàng chục người hờ khóc cũng không thể địch lại một cái
miệng hờ trong máy kia” [6;8-9]. Thế là lẽ ra trong đám tang đám con cháu phải
dùng tâm sức khóc thương, hàng xóm đến chia buồn thì nay nhờ ông Sĩ Duệ (Sĩ
Thái sư) mà: “Con cháu nhà đám im tịt, ngơ ngác xúm cả vào cái cát – sét. Những
người đến chia buồn cũng quên luôn bà già nằm đó, chỉ còn trầm trồ bàn tán xôn
xao về sự sáng kiến này. Ông Sĩ Thái sư sung sướng cười như mở từng khúc ruột,
mặt vênh bên nọ, vênh bên kia” [6;9].
Văn học không mô tả chỉ để mô tả. Qua những bức tranh đời sống ấy, các nhà
văn đương thời thể hiện một quan ngại, một lo âu, mạnh hơn là một sự bức xúc
trước những biểu hiện nóng vội, duy ý chí khiến văn hoá bị giày xéo bởi văn minh
vật chất. Đấy là lời cảnh báo rất đáng lưu tâm
73
Bùi Quang Trường
3. Kết luận
Như vậy, sau hơn hai mươi năm tiến hành đổi mới nhằm công nghiệp hóa hiện
đại hóa đất nước, đô thị có xu hướng phát triển ngày một mạnh, số dân nông thôn
đổ ra thành thị ngày một tăng, xu hướng thành thị hoá nông thôn ngày một rõ
rệt. Nông thôn Việt Nam không còn thuần tuý như trước đây mà có sự tiếp xúc
với những cái mới của thành thị cả hay lẫn dở. Nhưng hay thì chưa thấy mà dở đã
rõ ràng. Cùng với đó là ảnh hưởng của kinh tế thị trường khi chưa được chuẩn bị
đầy đủ về nhận thức, về cách thức, nông thôn đã vướng vào các tệ nạn xã hội: rượu
chè, cờ bạc, tham ô tham nhũng, ăn trộm ăn cắp, đĩ điếm, nghiện hút, mê tín dị
đoan. . . Chưa bao giờ vấn đề xây dựng văn hoá nông thôn Việt Nam lại trở nên cấp
thiết như bây giờ. Mối bận tâm của các nhà văn là tấm lòng những người giàu ưu
tư trước văn hoá.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trần Mạnh Hảo, 2005. Dòng sông mía của Đào Thắng hay tiếng nấc của sông
Châu Giang. Tạp chí Nhà văn, số 7.
[2] Tô Hoài, 2007. Ba người khác. Nxb Đà Nẵng.
[3] Dương Hướng, 2007. Dưới chín tầng trời. Nxb Hội Nhà văn.
[4] Ma Văn Kháng, 2009. Truyện ngắn chọn lọc. Nxb Hội Nhà văn, 2002.
[5] Nguyễn Xuân Khánh, 2005. Đọc Ba người khác. Báo Thể thao & Văn hoá cuối
tuần, số 41.
[6] Đoàn Lê. Trinh tiết xóm chùa (Tập truyện ngắn). Nxb Hội Nhà văn.
[7] Nguyễn Hữu Nhàn, 2005. Người quê (Tập truyện ngắn). Nxb Quân đội Nhân
dân, Hà Nội.
[8] Nguyễn Hữu Nhàn, 2006. Tết ở bả Dèo. Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
[9] Đào Thắng, 2006. Dòng sông mía. Nxb Văn hoá Sài Gòn.
[10] Bùi Việt Thắng, 1991. Văn xuôi gần đây và quan niệm về con người. Tạp chí
Văn học, số 6.
[11] Võ Văn Trực, 2005. Chuyện làng ngày ấy. Nxb Lao động. Trung tâm văn hoá
ngôn ngữ Đông Tây.
ABSTRACT
A warning of a village in its development through some Recent Works
The Village is a good keeper of traditional values. Due to the influence of
society, villages; however, did alter in some ways. One of the profound impacts
was the post-war period and the process of constructing socialism in the north of
Vietnam.
The depravity occurred not only in part of ordinary people but also government
civil servants. What writers described in their works was a warning of a village
distorted at an alarming rate.
74