Sử dụng câu hỏi mở trong kiểm tra đánh giá môn địa lí nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh phổ thông

Tóm tắt.Sử dụng câu hỏi mở có ý nghĩa quan trọng trong quá trình dạy học địa lí ở trường phổ thông. Xây dựng câu hỏi mở và đánh giá bài làm câu hỏi mở cần tuân thủ theo một số yêu cầu nhất định. Muốn HS trả lời tốt các câu hỏi mở các thầy cô giáo phải luôn chú ý thiết kế các hoạt động dạy học phát huy được năng lực của HS và rèn cho HS nhiều kĩ năng như: Kĩ năng diễn đạt, kĩ năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề,. Sử dụng câu hỏi mở trong kiểm tra đánh giá góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường phổ thông.

pdf5 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 388 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sử dụng câu hỏi mở trong kiểm tra đánh giá môn địa lí nhằm phát huy tính sáng tạo của học sinh phổ thông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Educational Sci., 2014, Vol. 59, No. 8, pp. 120-124 This paper is available online at SỬ DỤNG CÂU HỎI MỞ TRONG KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ MÔN ĐỊA LÍ NHẰM PHÁT HUY TÍNH SÁNG TẠO CỦA HỌC SINH PHỔ THÔNG Nguyễn Thị Thu Anh1, Đỗ Anh Dũng2 1Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, Hà Nội 2Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Tóm tắt.Sử dụng câu hỏi mở có ý nghĩa quan trọng trong quá trình dạy học địa lí ở trường phổ thông. Xây dựng câu hỏi mở và đánh giá bài làm câu hỏi mở cần tuân thủ theo một số yêu cầu nhất định. Muốn HS trả lời tốt các câu hỏi mở các thầy cô giáo phải luôn chú ý thiết kế các hoạt động dạy học phát huy được năng lực của HS và rèn cho HS nhiều kĩ năng như: Kĩ năng diễn đạt, kĩ năng đặt vấn đề, giải quyết vấn đề,... Sử dụng câu hỏi mở trong kiểm tra đánh giá góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường phổ thông. Từ khóa: Câu hỏi mở, kiểm tra đánh giá, Địa lí, tính sáng tạo. 1. Mở đầu Trong thời gian gần đây, đề kiểm tra theo hướng mở được đề cập nhiều trong việc dạy và học môn Ngữ văn. Cách ra đề theo hướng mở yêu cầu người học vận dụng tổng hợp những kiến thức, kĩ năng và sự trải nghiệm của cá nhân để giải quyết tốt nhất vấn đề hay đề tài được nêu ra trong đề bài. Đề mở được thể hiện ở những câu hỏi mở, những câu hỏi có thể chấp nhận nhiều cách trả lời, thậm chí có những câu trả lời đối ngược nhau miễn là học sinh (HS) bộc lộ được nhận thức, lập luận logic trong quá trình đi đến câu trả lời [3]. Sử dụng câu hỏi mở cần được quan tâm nhiều hơn trong dạy và học môn Địa lí nhằm tạo điều kiện cho HS vận dụng linh hoạt kiến thức, kĩ năng đã học vào những tình huống thực tế và bày tỏ suy nghĩ của các em về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Câu hỏi mở không chỉ kiểm tra kiến thức địa lí của HS mà còn kiểm tra khả năng diễn đạt, khả năng lập luận sắc bén, logic và những cảm nhận, quan điểm riêng của mỗi em. Câu hỏi mở đòi hỏi HS ở mức độ thông hiểu và vận dụng được những kiến thức đã học, giúp giáo viên (GV) phân hoá được năng lực và thành tích học tập của HS. Sử dụng câu hỏi mở thúc đẩy GV đổi mới cách dạy và HS thay đổi cách học môn Địa lí. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Ý nghĩa của câu hỏi mở Câu hỏi mở bỏ đi những giới hạn về kiến thức HS đã được học trong bài. Vì vậy HS được chủ động lựa chọn thông tin, phát huy cao độ những hiểu biết phong phú của bản thân, vận dụng Ngày nhận bài: 20/05/2014. Ngày nhận đăng: 16/10/2014. Liên hệ: Nguyễn Thị Thu Anh, e-mail: thuanhntt@gmail.com 120 Sử dụng câu hỏi mở trong kiểm tra đánh giá môn Địa lí nhằm phát huy... sáng tạo các kiến thức đã học và thực hành những kĩ năng đã tiếp thu được trong quá trình học tập. Đó là cơ sở cần thiết để HS tự học, tiếp tục làm giàu thêm quá trình tự học. Khi trả lời các câu hỏi mở, HS có cơ hội lựa chọn phương pháp phù hợp nhất để trình bày vấn đề một cách logic, thuyết phục và được nói lên quan điểm, suy nghĩ của bản thân. GV không gò cách suy nghĩ của HS theo cách suy nghĩ duy nhất đã định trước của mình. Như vậy, HS sẽ tự giác, chủ động lĩnh hội, vận dụng tri thức trong quá trình học tập, phát triển khả năng tư duy của bản thân [2]. Câu hỏi mở không chỉ dừng lại ở yêu cầu tái hiện kiến thức, lặp lại các kĩ năng đã học mà là khuyến khích sáng tạo, phát triển sự chuyển biến thái độ và xu hướng hành vi của HS trước những vấn đề của đời sống gia đình và cộng đồng, rèn luyện khả năng phát hiện và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong những tình huống thực tế. Nhờ đó, phát triển năng lực học tập môn học, bỏ đi thói quen thụ động trong học tập, tránh tình trạng học tủ, học vẹt của HS [3]. Trả lời câu hỏi mở buộc HS phải suy nghĩ sáng tạo, chủ động bày tỏ quan điểm và tranh luận, thuyết phục các bạn trong lớp ủng hộ ý kiến của mình, tạo ra không khí học tập hợp tác cởi mở trong lớp học, rèn luyện năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề cho HS. Câu hỏi mở thường hướng đến những vấn đề có tính thời sự, gắn với cuộc sống nhờ đó tạo hứng thú cho HS khi trả lời. Khi sử dụng câu hỏi mở GV dạy địa lí có thể tích hợp giáo dục đạo đức, hình thành đức tính chủ động trong cuộc sống và tinh thần trách nhiệm của HS đối với cộng đồng. Đó là những phẩm chất cần thiết của một người công dân trong cuộc sống hiện đại. 2.2. Một số yêu cầu khi xây dựng câu hỏi mở và đánh giá bài làm của học sinh 2.2.1. Xây dựng câu hỏi mở Mục tiêu của các câu hỏi mở không chỉ đánh giá mức độ lĩnh hội kiến thức mà cần chú ý vào việc đánh giá các kĩ năng, năng lực và thái độ của HS. Ví dụ 1: Ở Việt Nam quá trình phong hóa đã tạo ra những cảnh quan đặc sắc có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình),. . . Tưởng tượng em là hướng dẫn viên du lịch, hãy giới thiệu về quá trình hình thành hang động đá vôi và cảnh đẹp của một vùng núi đá vôi ở nước ta mà em biết (tóm lược trong 10 dòng). Thực tế cho thấy, khi trả lời câu này, nhiều HS đã thể hiện tốt hiểu biết của mình về các kiến thức địa lí, hóa học và trình bày vấn đề thuyết phục, chuyên nghiệp như những hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Với câu hỏi này HS còn có cơ hội phát huy trí tưởng tượng của bản thân, thể hiện niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước. Các câu hỏi mở nên gắn với cuộc sống, tạo điều kiện để HS thể hiện những cảm nhận, suy nghĩ của cá nhân trước những gì HS được quan sát, được trải nghiệm trong cuộc sống và có tính giáo dục HS [3]. Ví dụ 2: Hãy giải thích tại sao ùn tắc giao thông lại tăng lên và trở thành vấn đề bức thiết tại thành phố Hà Nội. Em hãy đề xuất 3 giải pháp làm giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Câu hỏi này đòi hỏi HS vận dụng những hiểu biết của bản thân về các nhân tố ảnh hưởng tới ngành giao thông vận tải để đề xuất giải pháp khắc phục vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Đây là một vấn đề có tính thời sự, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của các em HS. Khi trả lời câu hỏi này, hầu hết HS đều đề cập tới giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục để nâng cao ý thức thực hiện luật giao thông và liên hệ tới việc thực hiện của bản thân. Rõ ràng câu hỏi của GV giúp các em quan tâm hơn tới các vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh và góp phần giáo dục HS ý thức tham gia giao thông một cách có văn hoá. Câu hỏi mở phải đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng (gắn với các kiến thức HS đang được học) và phải phù hợp với khả năng nhận thức của HS. GV không nên đưa các vấn đề quá sức với HS và cần định hướng rõ ràng để HS trả lời (lĩnh vực kiến thức, phạm vi tư liệu, dung lượng bài viết,. . . ). 121 Nguyễn Thị Thu Anh, Đỗ Anh Dũng Ví dụ 3: Bức ảnh dưới đây cho thấy việc định cư trái phép ở rìa đô thị tại một quốc gia đang phát triển. a. Hãy miêu tả những mặt trái của việc định cư trái phép trong bức ảnh trên. b. Giải thích tại sao kiểu định cư này gây nên những vấn đề lớn cho cuộc sống tại đó và môi trường địa phương. Ví dụ 3 đã bám sát yêu cầu của chuẩn kiến thức kĩ năng môn Địa lí lớp 10, chủ đề Địa lí dân cư là: “Trình bày được những mặt tích cực và tiêu cực của quá trình đô thị hoá”. Khi quan sát bức ảnh để trả lời, HS rất hứng thú và có những phát hiện khá thú vị gắn kết kiến thức đã học với những chi tiết quan sát được trong bức ảnh [1]. Khi yêu cầu HS trả lời ví dụ 2, GV đã thực hiện mục tiêu “Phân tích được các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải” theo chuẩn kiến thức kĩ năng môn Địa lí lớp 10, chủ đề Địa lí dịch vụ [1]. Các vấn đề đặt ra trong câu hỏi mở phải gần gũi với lứa tuổi HS, có tính thời sự để tạo được hứng thú và phát huy tính sáng tạo của các em. Với những câu hỏi tương đối khó GV nên yêu cầu HS trao đổi theo nhóm để trả lời, nhờ đó HS có thể bổ sung và giúp đỡ lẫn nhau, hoàn thành yêu cầu của câu hỏi. 2.2.2. Đánh giá bài làm câu hỏi mở của học sinh Xây dựng câu hỏi mở đã khó nhưng đánh giá bài làm của HS đối với câu hỏi dạng này còn khó hơn vì thường không bó chặt bởi một đáp án duy nhất. Xây dựng đáp án "mở" là vấn đề hiện nay còn gây nhiều tranh cãi. Theo quan điểm cá nhân, đáp án "mở" nên đưa những tiêu chí cơ bản nhất về nội dung HS cần phải trình bày. Các câu trả lời của HS đòi hỏi phải đúng kiến thức, đảm bảo kĩ năng cơ bản. Bên cạnh đó GV nên chấp nhận những hiểu biết khác biệt của HS, thu nhận những ý tưởng mới lạ và uốn nắn các quan điểm, cách nhìn nhận chưa hợp lí của các em. Như vậy, khi đánh giá câu hỏi mở GV phải linh hoạt, dân chủ và tôn trọng HS. Ví dụ đáp án chấm câu hỏi ví dụ 1, GV cần linh hoạt trong sử dụng biểu điểm, đánh giá cao những sáng tạo của HS khi làm bài, HS có thể viết theo nhiều cách khác nhau nhưng bài viết cần đạt được một số yêu cầu sau: + Hang động đá vôi là sản phẩm của phong hóa hóa học (quá trình phá huỷ đá và khoáng vật kèm theo sự biến đổi thành phần hoá học). Do tác động của nước, các chất hoà tan trong nước,...[4]. + Đặc điểm của vùng núi đá vôi: có nhiều hình dạng khác nhau, phổ biến là đỉnh nhọn, sườn dốc, có nhiều hang động đẹp. 122 Sử dụng câu hỏi mở trong kiểm tra đánh giá môn Địa lí nhằm phát huy... + Ngôn ngữ diễn đạt của hướng dẫn viên du lịch, nội dung giới thiệu : Tên địa danh, cảnh đẹp, sức hấp dẫn của cảnh quan,... GV cần thông báo tới HS tiêu chí chấm bài: ngoài những yêu cầu về kiến thức, kĩ năng địa lí còn có các yêu cầu về cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết luận vấn đề; Yêu cầu về kĩ năng diễn đạt, cách lập luận, cách đưa dẫn chứng thuyết phục. Ngoài ra, các yếu tố như tính trung thực, chân thành, sự sáng tạo cũng cần được GV nhắc tới để HS có được cái nhìn khách quan, khoa học và tạo nên được sự hấp dẫn của phần trả lời câu hỏi. Khi đánh giá bài làm câu hỏi mở của HS, GV không chỉ nhìn vào điểm số của một bài kiểm tra mà cần chỉ ra được sự tiến bộ và những vấn đề HS phải rút kinh nghiệm trong quá trình học tập. Cần sử dụng kết quả đánh giá làm nguồn thông tin để cả thầy và trò điều chỉnh quá trình dạy và học. 2.2.3. Câu hỏi mở và yêu cầu đổi mới PPDH môn Địa lí Hoạt động đánh giá luôn diễn ra song hành với hoạt động dạy - học của GV và HS do vậy việc đổi mới đánh giá có ý nghĩa thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học và ngược lại [3]. Muốn HS chủ động với câu hỏi mở thì người GV cần phải đổi mới phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các em. HS cần được tạo cơ hội tối đa để được trao đổi, được phát biểu và bảo vệ ý kiến của bản thân về các nội dung của môn học. Cần tăng cường vận dụng các phương pháp dạy học mới như dạy học trải nghiệm, dạy học dự án, dạy học theo hợp đồng... để hình thành phương pháp tư duy và trang bị những kĩ năng cơ bản cho HS như: kĩ năng thuyết trình hiệu quả, kĩ năng tranh luận, kĩ thuật lắng nghe, cách đưa dẫn chứng để bảo vệ quan điểm của bản thân,... Yêu cầu của đề mở là phát huy năng lực sáng tạo, khả năng vận dụng những điều đã học vào thực tiễn. Vì vậy, câu hỏi mở giúp phân hóa trình độ và năng lực nhận thức của HS. Để sử dụng hiệu quả các đề kiểm tra theo hướng mở cần chú ý tổ chức dạy học môn Địa lí theo quan điểm dạy học phân hóa. GV sẽ thiết kế câu hỏi theo các mức độ khác nhau phù hợp với phong cách học tập, sở thích và khả năng của HS. Khi vận dụng các phương pháp dạy học theo quan điểm dạy học phân hóa GV sẽ đưa các câu hỏi mở vừa sức với HS và khích lệ các em hứng thú học tập, phát triển tối đa hiệu quả học tập của từng HS. HS cần được hướng dẫn để biết cách tự học Địa lí từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, đặc biệt là học từ thực tiễn cuộc sống. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học Địa lí, tăng cường yêu cầu HS tìm kiếm, khai thác các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để hình thành thói quen tự học, tự làm việc cho HS. CNTT giúp kết nối GV và HS tạo nên không gian học tập thân thiện, cởi mở để HS được nói lên tiếng nói của mình, được lắng nghe, được phản hồi, được chủ động chiếm lĩnh kiến thức. Những hình ảnh, những thông tin sinh động trong mỗi bài học giúp HS gắn nội dung bài học với thực tiễn từ đó hình thành khả năng liên hệ các kiến thức địa lí với cuộc sống muôn màu xung quanh các em. Sử dụng phương pháp dạy học sáng tạo, hiện đại đáp ứng được mục tiêu môn học, đồng thời đáp ứng được các cách đánh giá đa dạng, trong đó có việc đánh giá bằng các câu hỏi mở [3]. Các bài kiểm tra có câu hỏi mở đòi hỏi HS phải biết vận dụng những kiến thức đã học để trả lời nên GV cần hướng dẫn HS cách viết dàn ý chi tiết, cách diễn đạt rõ ràng, logic, tránh viết lan man diễn đạt lúng túng. 2.3. Một số đề xuất - Xây dựng và sử dụng câu hỏi mở là một khâu của quá trình đổi mới kiểm tra đánh giá. Nó phải đi liền với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy địa lí trong nhà trường phổ thông. HS chỉ trả lời tốt các câu hỏi mở khi các em được rèn luyện tốt các kĩ năng trong giờ học. Vì vậy đi đôi với việc xây dựng và sử dụng câu hỏi mở cần phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực HS. 123 Nguyễn Thị Thu Anh, Đỗ Anh Dũng - Để có những câu hỏi sáng tạo theo hướng mở, GV dạy Địa lí cần chú ý tìm tòi để phát hiện các mối liên hệ giữa những kiến thức trong chương trình với các vấn đề trong cuộc sống. Cần phải đa dạng hóa các hình thức học tập, coi trọng việc hướng dẫn HS học tập ở nhà, tổ chức cho HS tìm hiểu các kiến thức về tự nhiên, kinh tế - xã hội tại thực địa. - Đặt câu hỏi mở phải phù hợp với khả năng nhận thức của HS, tạo cơ hội để các em được trải nghiệm, được khám phá qua đó hình thành năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, khả năng hợp tác, khát vọng học tập suốt đời. Cần phải tính toán nội dung yêu cầu của câu hỏi mở, để GV luôn kiểm soát được hướng triển khai của HS. Việc ra đề mở trước hết cần đáp ứng được mục tiêu đánh giá và các tiêu chí đánh giá đã được xác định [3]. - Ngoài việc tự học để nâng cao kỹ năng xây dựng câu hỏi mở, các thầy cô giáo cần chủ động trao đổi, học hỏi lẫn nhau trong tổ nhóm chuyên môn về việc xây dựng câu hỏi mở và xây dựng ngân hàng đề kiểm tra. - Để động viên HS, GV có thể lựa chọn những bài viết hay, sáng tạo đọc trước lớp, thông báo tới cha mẹ học sinh hoặc đưa lên Bảng tin hay Website của trường. 3. Kết luận Đổi mới kiểm tra đánh giá đang được coi là khâu đột phá trong đổi mới giáo dục hiện nay. Xây dựng và sử dụng câu hỏi mở giúp thầy cô giáo đánh giá tốt hơn khả năng tư duy, năng lực diễn đạt, năng lực giải quyết vấn đề, khuyến khích HS vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Đổi mới kiểm tra đánh giá góp phần thực hiện bước chuyển chương trình giáo dục phổ thông từ chỗ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học. Vì vậy, cần tăng cường câu hỏi mở đối với đề kiểm tra tự luận môn Địa lí nhằm phát huy tính sáng tạo, rèn luyện thói quen tư duy, bồi dưỡng tâm hồn cho HS, giúp các em thêm yêu thích môn học và quan tâm tới các vấn đề kinh tế - xã hội. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường phổ thông. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2009. Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Địa lí, lớp 10. NXB Giáo dục Việt Nam. [2] Đặng Văn Đức, Nguyễn Thị Thu Hằng, 2008. Phương pháp dạy học địa lí theo hướng tích cực. NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội. [3] Nguyễn Thị Hồng Vân, 2013. Đề mở và yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn. Tạp chí Khoa học Giáo dục Số 97. [4] Phạm Thị Sen, Nguyễn Thị Thu Anh. Đổi mới thiết kế bài giảng Địa lí 10. NXB Giáo dục, Hà Nội. [5] Trần Đình Sử, 2012. Đề mở trong dạy - học làm văn. Tạp chí Văn học và tuổi trẻ Số 1. ABSTRACT Using open-ended questions in geography exams and assessments in order to encourage student creativity The use of open-ended questions will affect the process of teaching Geography in schools. Building open- ended questions and evaluating them need to comply with the particular requirements. If teachers want students to respond well to open-ended questions, they will have to design teaching activities which develop students’ ability to think and teach them how to express themselves, put themselves in theoretical situations and solve the problem. Using open-ended questions in exams and assessments will improve the quality of teaching. 124