Sự tiếp nối và phá cách truyền thống hình tượng người phụ nữ phong kiến Trung Hoa qua nhân vật Thượng Quan Lỗ Thị trong Báu vật của đời của Mạc Ngôn

Tóm tắt. Báu vật của đời là cuốn tiểu thuyết mang không khí “sử thi” tiêu biểu về một giai đoạn lịch sử (1900 - 1995) của đất nước Trung Quốc. Mạc Ngôn đã dựng nên hình ảnh người mẹ Trung Quốc vĩ đại suốt cuộc đời hi sinh cho con cháu. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi đi sâu làm rõ sự tiếp nối và phá cách truyền thống người phụ nữ phong kiến Trung Hoa qua nhân vật Thượng Quan Lỗ thị, hiện thân đầy đủ nhất của người phụ nữ phong kiến Trung Hoa, đồng thời cũng là hiện thân của sự vượt thoát khỏi những lễ giáo phong kiến vốn đã trở nên lỗi thời.

pdf6 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 391 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sự tiếp nối và phá cách truyền thống hình tượng người phụ nữ phong kiến Trung Hoa qua nhân vật Thượng Quan Lỗ Thị trong Báu vật của đời của Mạc Ngôn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 2, pp. 72-77 SỰ TIẾP NỐI VÀ PHÁ CÁCH TRUYỀN THỐNG HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ PHONG KIẾN TRUNG HOA QUA NHÂN VẬT THƯỢNG QUAN LỖ THỊ TRONG BÁU VẬT CỦA ĐỜI CỦA MẠC NGÔN Lê Sỹ Điền1 và Tạ Thị Thủy2 1Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, 2Đại học Văn hoá Thể thao&Du lịch Thanh Hoá E-mail: 1sydien2910@yahoo.com.vn, 2thuycdvh@gmail.com Tóm tắt. Báu vật của đời là cuốn tiểu thuyết mang không khí “sử thi” tiêu biểu về một giai đoạn lịch sử (1900 - 1995) của đất nước Trung Quốc. Mạc Ngôn đã dựng nên hình ảnh người mẹ Trung Quốc vĩ đại suốt cuộc đời hi sinh cho con cháu. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi đi sâu làm rõ sự tiếp nối và phá cách truyền thống người phụ nữ phong kiến Trung Hoa qua nhân vật Thượng Quan Lỗ thị, hiện thân đầy đủ nhất của người phụ nữ phong kiến Trung Hoa, đồng thời cũng là hiện thân của sự vượt thoát khỏi những lễ giáo phong kiến vốn đã trở nên lỗi thời. Từ khóa: Báu vật của đời, Mạc Ngôn, hình tượng người phụ nữ, tiếp nối, phá cách truyền thống, phong kiến Trung Hoa. 1. Mở đầu Là cây bút tiêu biểu của văn xuôi đương đại Trung Quốc thời kỳ đổi mới, Mạc Ngôn đang trở thành một “hiện tượng” trên văn đàn Trung Quốc và thế giới. Nét độc đáo của Mạc Ngôn là ông luôn tạo ra trong tiểu thuyết của mình một thế giới nhân vật đầy sinh động, hấp dẫn, độc đáo và mới lạ. Trong thế giới ấy nổi lên hình tượng người mẹ khốn cùng Thượng Quan Lỗ thị - hiện thân đầy đủ nhất của người phụ nữ phong kiến Trung Hoa, đồng thời cũng là hình ảnh biểu tượng của sự bứt phá, thoát khỏi những trói buộc phong kiến ấy. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thượng Quan Lỗ thị - hiện thân của người phụ nữ phong kiến Trung Hoa Quy tụ đầy đủ đặc điểm của người phụ nữ phong kiến Trung Quốc cả về hình thức lẫn tâm hồn, Thượng Quan Lỗ thị là chuẩn mực nét đẹp của tục bó chân truyền thống và là hiện thân của tình yêu thương con tha thiết. 72 Sự tiếp nối và phá cách truyền thống hình tượng người phụ nữ phong kiến Trung Hoa... Nếu như bảng vàng trinh tiết là sự lừa bịp tinh thần người phụ nữ để họ chịu áp bức của tộc quyền, thần quyền và luân lý phong kiến thì tục bó chân là thủ đoạn cưỡng chế thô bạo phá hoại cơ thể người phụ nữ, khiến họ mang trong mình nỗi đau thể xác và tâm hồn. Lên năm tuổi, Lỗ Toàn Nhi phải bó chân - phong tục tàn khốc đã gây ra cho những người phụ nữ Trung Quốc những thương tích tật nguyền suốt đời. Với sự miêu tả chân thực, tỉ mỉ, Mạc Ngôn đã giúp cho người đọc thấu hiểu được nỗi đau đớn của những người phụ nữ trong cái tập tục bó chân tàn khốc ấy: “Bà dùng nẹp tre cố định chân mẹ lại, khiến mẹ gào lên như lợn bị chọc tiết, phải kẹp chặt vì tạo hình cho bàn chân nhỏ là rất quan trọng. Sau đó quấn thật chặt hết lớp này đến lớp khác những đoạn vải đã tẩm nước muối phơi khô, rồi lấy dùi gỗ vỗ một lượt. Mẹ kể rằng, buốt đến tận óc. . . ” [1;364]. Đôi bàn chân bị nẹp tre, vải bó. . . buộc chặt lại cho tới khi chúng nhỏ xíu chừng ba tấc, những ngón chân dính chặt vào nhau, nhọn như một búp măng. Để có “gót sen ba tấc” người phụ nữ phải chịu đau đớn, thống khổ. Dân gian có câu tục ngữ “hai bàn chân nhỏ, nước mắt đầy chum”. Tập tục bó chân ác độc hình thành thời kỳ Ngũ Đại là một thủ đoạn khống chế phụ nữ của giai cấp thống trị. Nhà viết tiểu thuyết Lý Nhữ Trân, trong tiểu thuyết Kính Hoa duyên, ở hồi thứ 32, ông đã thuật lại nỗi khổ của Lâm Chi Dương sau khi được tuyển làm hậu phi phải chịu bó chân, nghe thấy phải rùng mình. Chịu đau đớn về thể xác, nhưng rồi Lỗ Toàn Nhi có đôi chân được xem là đẹp nhất làng, khiến nhiều người thèm muốn. Nhưng tạo hoá xoay vần, con ngươi đáng được hưởng hạnh phúc lại chịu bao đau đớn, tủi nhục. Cuộc đời Lỗ Toàn Nhi trải qua biết bao gian truân, cơ cực. Chưa có nỗi cay đắng, đau khổ nào mà người phụ nữ này chưa nếm trải. Soi rọi cuộc đời của Lỗ Toàn Nhi ta có thể thấy lịch sử đất nước Trung Hoa từ 1900 với biết bao biến động, bắt đầu từ chiến tranh loạn lạc, đến nạn đói, bạo chính, cải cách. . . Cuộc đời người phụ nữ bình thường được nhà văn nhào nặn từ những chi tiết bình thường đã tô thêm sắc màu của yếu tố “kỳ” làm cho nó trở nên lung linh kỳ ảo. Ngay đầu tác phẩm trong khi cả người và vật nhà Thượng Quan đều khó đẻ thì mọi sự chú ý của đại gia đình ấy đều tập trung cho con lừa được “mẹ tròn con vuông” mà không hề đoái hoài đến người con dâu đang đau đớn trong nhà. Phải chăng đây chính là mặt khuất, là hiện thực bề sâu, bề sau trong xã hội nông thôn Trung Quốc lúc bấy giờ được nhà văn Mạc Ngôn phản ánh. Phong nhũ phì đồn (vú to mông nở) trước hết là nói cái sự sinh ấy. Chính vì vậy chuyện ăn nằm, thụ thai, sinh nở của Lỗ thị là sự thách thức xã hội ấy, một người phụ nữ tượng trưng cho khả năng thiên phú thì dù có bị chà đạp, vùi dập đến đâu thì vẫn trường tồn. Sự sinh đẻ của Thượng Quan Lỗ thị cũng đầy yếu tố “ảo” qua đó người đọc thấy được nghị lực phi thường của người đàn bà này. “Môi dưới bật máu, bụng co thắt dữ dội. Tay mẹ bóp nát từng hạt lạc. . . ”. Cơn đau sinh nở vừa dứt, người mẹ ấy hoàn toàn không có chuyện nằm nghỉ ngơi sau khi đẻ: "Vừa lau chùi cho đứa bé xong, giữa hai chân vẫn còn máu me đầm đìa. . . Mẹ thay quần, quấn lên đầu chiếc khăn mặt bẩn, nhìn một thoáng đứa con gái còn dính đầy máu mẹ, dùng ống tay áo lau sạch nước mắt, lê đôi chân rã rời gắng chịu những cơn co thắt ở bụng dưới, nhích từng bước ra sân. Nắng tháng năm âm lịch chói chang, mẹ không mở được mắt ra. Mẹ cầm gáo múc một gáo đầy nước lã trong chum uống ừng ực” [1;790-791]. Người đọc ngày nay không thể tin 73 Lê Sỹ Điền đó là sự thật nhưng Mạc Ngôn từng đảm bảo rằng “hình ảnh mà tôi tưởng tượng ra là rất chân thực”. Lấy chồng từ năm 16 tuổi, Lỗ Toàn Nhi phải nếm trải tất cả mọi nỗi đau, nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào trong lòng Toàn Nhi vẫn sáng lên tia hi vọng, vẫn tin ở ngày mai, vẫn dành hết hi vọng ở đứa con trai. “Mẹ muốn có một Tư Mã Khố, một Hàn Chim dám nói, dám làm, dám gây ra tai họa, mẹ muốn có một thằng con trai khi đái thì đái đứng” [1;588]. Sự tôn sùng người mẹ mang khát vọng sinh sôi được nhà văn thể hiện mãnh liệt, đó không chỉ là người mẹ cụ thể mà là người mẹ vĩ đại, là đất nước Trung Hoa rộng lớn. Chính vì vậy với ý nguyện viết một cuốn sách dâng tặng mẹ, nhưng ý nghĩa của cuốn sách đã vượt qua dự định ban đầu của nhà văn. Với thiên chức làm mẹ cao cả, Lỗ thị đảm đương nhiệm vụ đó với tất cả tình thương yêu và sự hi sinh cao cả nhất. Dù đã phải đi “xin giống dạo” của nhiều người đàn ông xa lạ nhưng không vì thế mà bà căm ghét, ghẻ lạnh những đứa con của mình mà ngược lại bà luôn dành trọn vẹn tình thương cho chúng. Khi những đứa con chào đời, sợi dây liên kết con với người mẹ càng được nối chặt. Những giọt sữa không gì khác hơn là máu của người phụ nữ. Mỗi giọt sữa là một giọt máu kết tụ tình yêu thương vô bờ của người mẹ. Tất cả tình thương dành cho con với những gì tốt đẹp nhất. Hành động cho con bú là hành động vô cùng đẹp đẽ, có ý nghĩa linh thiêng. Thượng Quan Lỗ thị từ lâu đã phải giành dụm chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời. Tám đứa con gái với những chính kiến riêng, lý tưởng chính trị riêng nhưng điểm tựa duy nhất, nguồn an ủi duy nhất của họ là người mẹ Lỗ thị. Với tình thương con, trong khi cả gia đình phải đi li tán cùng đoàn người đói. Thượng Quan Lỗ thị đã nghĩ ra cách bảo vệ bầu vú bằng hai tấm rèm che để giữ ấm, sau này đã trở thành truyền thống. Đứa trẻ Kim Đồng cũng cảm nhận được trọn vẹn tình yêu thương của mẹ qua bầu vú, bầu vú chính là linh hồn, là bản thân người mẹ, dù được tôn tạo dưới hình thức nào thì bầu vú chân chính với sức mạnh của tình yêu thương mới là bầu vú mãi mãi không bao giờ bị huỷ hoại. Nhân vật Thượng Quan Lỗ thị hoàn toàn là một con người trần tục, không có chút gì là siêu nhiên thần thánh. Nhưng nhờ thủ pháp “đời thường kỳ ảo hoá” mà nhân vật trở nên lung linh, mang sắc thái “kỳ”. Nhưng dù có “kỳ”, có “dị” đến mấy cũng vẫn thống nhất trên nền chung của cơ sở của hiện thực. Chính nhà văn Mạc Ngôn từng bộc bạch: “Trong chuyện tôi đã miêu tả nỗi gian nan của gia đình li tán do chiến tranh của gia đình Thượng Quan Lỗ thị, đó cũng là những điều từng trải chung của những người thuộc thế hệ mẹ tôi” [2;127]. 2.2. Thượng Quan Lỗ thị - sự phá cách truyền thống người phụ nữ phong kiến Trung Hoa Nếu như trinh tiết được xem như hình tượng hoá luân lý phong kiến, cái gọi là bằng khen của trinh phụ liệt nữ thì nhân vật Thượng Quan Lỗ thị của Mạc Ngôn là người dám phá bỏ những tập tục phong kiến ấy. Dù có bị khinh rẻ đến đâu, người phụ nữ ấy vẫn vươn lên, bám trụ cuộc sống tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Chính vì thế, Báu vật của đời 74 Sự tiếp nối và phá cách truyền thống hình tượng người phụ nữ phong kiến Trung Hoa... không mang tính chất gợi dục mà nó chỉ là biểu tượng, biểu trưng cho tính nữ, chứa đựng giá trị ngợi ca sự sinh - sự dưỡng và tình yêu thương che chở của người mẹ. Đối với những đứa con “người mẹ là sự an toàn của chỗ chú chân của sự nồng ấm, yêu thương và dinh dưỡng” [3;586]. Sinh ra ở vùng quê Cao Mật, cô gái Lỗ Toàn Nhi xinh đẹp, tràn đầy sức sống. Nhưng ngay từ ngững năm tháng đầu tiên của cuộc đời cô bé đã phải nếm trải những tàn khốc của chiến tranh. Cả gia đình cô đều bị quân Đức tàn sát cùng với bốn trăm chín mươi hai người khác. Nàng là người duy nhất may mắn sống sót trong đợt tàn sát ấy, nhưng đó cũng là điểm bắt đầu cho quãng đời đầy gian truân, cay đắng sau này. Cuộc đời của Lỗ Toàn Nhi gắn liền với những đau thương, mất mát, những thăng trầm, cũng như những biến cố của lịch sử vùng Cao Mật - Đại La đầu thế kỷ XX. Năm mười bảy tuổi cô được gả vào nhà Thượng Quan, là vợ của Thượng Quan Thọ Hỷ - người đàn ông không bao giờ biết lớn, Toàn Nhi chẳng khác gì một kẻ tôi tớ. Cô lấy phải một người chồng vũ phu, bất tài lại bất lực, không có khả năng truyền giống, nên mọi sự hành hạ, mọi sự oán trách từ niềm khao khát có cháu nối dõi tông đường đều bị đổ dồn lên người phụ nữ tội nghiệp. Cô phải thường xuyên chịu những cơn mắng nhiếc cay nghiệt: “Chỉ biết ăn mà không biết đẻ, nuôi cái đồ vô tích sự ấy làm gì!” [1;173] và những trận đòn roi không thương tiếc từ mẹ chồng: “Nhà Thượng Quan tiền oan nghiệp chướng làm sao cưới phải quả mít đực, tuyệt tự đến nơi rồi” [1;147]. Hiện thực ấy đó được Thượng Quan Lỗ thị khái quát thành một quy luật nghiệt ngã: “Là đàn bà không lấy chồng không được, lấy chồng mà không sinh con không được, sinh toàn con gái cũng không được. Muốn có địa vị trong gia đình dứt khoát phải sinh con trai” [1;183]. Bà mẹ chồng cũng từng đưa ra chân lí: “Không có con trai thì suốt đời cô chỉ là nô lệ; đẻ con trai, cô lập tức thành bà chủ nhà”. Chính vì vậy, khát vọng lớn nhất của người mẹ ấy là có được một đứa con trai để “nối dõi tông đường”, để có thể ngẩng cao đầu mà sống, để có thể trả được nỗi hận trong lòng đối với nhà Thượng Quan, bởi những đứa trẻ ấy sẽ không phải là dòng máu của họ. Bảy đứa con gái ra đời trước sự ghẻ lạnh và chà đạp của nhà chồng, trước một người chồng vô tâm, tàn nhẫn và bất lực. Khi đứa con gái thứ bảy Cầu Đệ ra đời “Thọ Hỉ xông vào trong buồng lật tã lên xem rồi ngã ngửa. Công việc đầu tiên sau khi hết bàng hoàng là vớ lấy cái chày đập giặt quần áo nhằm thẳng đầu vợ phang một chày. Người đàn ông không bao giờ lớn này giận đến phát điên, anh ta dùng kìm kẹp lấy một miếng sắt trong lò ấn vào giữa hai chân của vợ. Làn khói màu vàng bay lên, mùi lông và thịt cháu khét lẹt tỏa khắp phòng. Mẹ rên lên thê thảm, lăn từ trên giường xuống dưới đất, người cong như cánh cung, co giật từng cơn” [1;203]. Sống trong sự ngược đãi, ghẻ lạnh của nhà chồng nhưng ước nguyện sinh được đứa con trai “có cái chim xinh xinh” đó giúp Lỗ thị có thể tiếp tục sống và nuôi hi vọng. Khát vọng của chị là sinh được thằng con trai, sự khao khát này luôn thường trực, có khi biến thành ảo giác. Cho nên ảo giác một đứa bé trai giữa hai đùi nó có “một bàn chân nhỏ xíu với những móng chân sáng loáng” thu hút sự chú ý của chị. Tia hi vọng cuối cùng tập trung ở điểm sáng ấy - một thằng con trai. Chính vì vậy sau khi tỉnh lại “nhìn thấy cái chim bé tí như con nhộng ở giữa hai chân tôi, cặp mắt u tối của mẹ chợt bừng sáng”. Điều này cũng phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội Trung Quốc thời bấy giờ, một xã hội chìm 75 Lê Sỹ Điền đắm trong đêm tối, đang cố thoát tỉnh khỏi khối u mộng mị vốn đã tồn tại lâu ngày. Trước nỗi khát khao có cháu của mẹ chồng cũng như những thành kiến của xã hội, Lỗ Toàn Nhi nuốt tủi nhục mang thân mình đi “xin giống” của những người đàn ông xa lạ. Cuối cùng Toàn Nhi đã sinh cho gia đình Thượng Quan một đàn con chín đứa gồm tám gái một trai. Điều đặc biệt là cả chín người con của chị lại có những người cha khác nhau. Trong đó Lai Đệ và Chiêu Đệ là giống của ông chú dượng Vu Bàn Vả; Lãnh Đệ là con của anh chàng bán vịt dạo; Tưởng Đệ là con của một thầy lang bán rong; Phán Đệ là của lão Béo bán thịt chó ở thôn Sa Tử; Niệm Đệ là giống của Hoà thượng Trí Thông ở chùa Thiên Tề; Cầu Đệ là kết quả của lần Lỗ Toàn Nhi bị bốn tên lính thất trận cưỡng hiếp ở bờ bắc sông Thuồng Luồng; sau cùng là cặp song sinh Kim Đồng, Ngọc Nữ của mục sư Malôa. Từ ngàn xưa, giai cấp thống trị qua các triều đại phong kiến Trung Quốc rất coi trọng “tiết tháo”. Thời Tần Thuỷ Hoàng khắc lập bia đá ở hội kê rằng “Có con mà mới lấy chồng, bất trinh tội vạn lần chết”. Các nhà Đạo gia của xã hội phong kiến còn xuất phát từ phương diện hình thái ý thức hướng cho phụ nữ thấm nhuần luân lý cương thường phong kiến “tam tòng tứ đức”, nhất là chú trọng bồi dưỡng cho phụ nữ cái gọi là trinh tháo. Nhưng nhân vật Thượng Quan Lỗ thị dám đạp lên tất cả cũng chỉ vì luật tục nghiệt ngã buộc phải có con trai. Đây chính là điều đã buộc Lỗ Toàn Nhi phải ngủ với những người đàn ông không mong muốn, phải đem tiết hạnh, đem tấm thân của mình đánh đổi lấy sự bình yên trong cuộc sống. Thượng Quan Lỗ thị trước hết là thân phận của người phụ nữ Trung Quốc bị khinh bỉ, coi rẻ phẩm chất giá trị trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Chuyện ăn nằm, thụ thai, sinh đẻ của Thượng Quan Lỗ thị chính là sự phản tỉnh, sự thách thức đối với xã hội thời bấy giờ. Chính xã hội phong kiến ấy đã làm thay đổi con người của Lỗ Toàn Nhi, từ một cô gái hiền lành chịu đựng đến nhẫn nhục thành một Thượng Quan Lỗ thị liều lĩnh, mang trong lòng sự thù hận, căm ghét xã hội đến cùng cực cùng những tập tục phi lí và căm thù nhà Thượng Quan vô nhân đạo. Thượng Quan Lỗ thị từ đó luôn nuôi ý định trả thù và xem việc ăn nằm với những người đàn ông khác là cách trả thù tốt nhất: “Toàn Nhi này có đẻ thêm một ngàn đứa nữa, cũng không phải là giống nhà Thượng Quan” [1;185]. Thượng Quan Lỗ thị không đơn thuần chỉ là nạn nhân của xã hội phong kiến mà cô chính là nhân chứng tố cáo sự cay nghiệt và tàn bạo của xã hội ấy. Thượng Quan Lỗ thị cũng là người phụ nữ giơ nhát búa đầu tiên đập vào nền móng vốn khập khiễng của những hủ tục lạc hậu. Đó là sự chống đối, phản kháng có ý thức của một người phụ nữ dám đương đầu với chế độ xã hội phong kiến hà khắc. Với thiên chức làm mẹ dù cho có bị chà đạp bị tiêu diệt đến đâu thì nó vẫn trường tồn bằng một sức mạnh kì diệu, một niềm tin tuyệt đối, bởi một chân lý mà bà tin rằng nếu đánh mất thiên chức làm mẹ thì cũng là đánh mất luôn cả sự sống. Điều này trái với quan niệm đạo đức phong kiến, phụ nữ phải kìm nén bản thân, luôn nghe, nhớ, khắc ghi địa vị thấp kém của mình.Thượng Quan Lỗ thị mãi mãi là một bà mẹ vĩ đại. 76 Sự tiếp nối và phá cách truyền thống hình tượng người phụ nữ phong kiến Trung Hoa... 3. Kết luận Trong tiểu thuyết Báu vật của đời, Mạc Ngôn đã xây dựng hình ảnh người mẹ Trung Quốc vĩ đại theo suốt chiều dài lịch sử. Thượng Quan Lỗ thị là hiện thân của những bà mẹ Trung Quốc tràn đầy niềm tin yêu vào cuộc sống, sự hi sinh, sự yêu thương vô hạn với thế hệ tương lai của gia đình, của đất nước. Bên cạnh đó, người phụ nữ ấy vẫn miệt mài đi tìm tiếng nói, sự công bằng cho thân phận những con người cùng giới dù trên cơ thể và sâu thẳm tâm hồn họ tồn tại mãi mãi những vết thương không lành. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Mạc Ngôn, (Trần Đình Hiến dịch), 2001. Báu vật của đời. Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh. [2] Mạc Ngôn, (Nguyễn Thị Thại dịch), 2004.Mạc Ngôn và những lời tự bạch. Nxb Văn học, Hà Nội. [3] Chevalier J.Gheebrant A, 1997. Từ điển biểu tuợng văn hoá thế giới. Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Xuân Giao, Lưu Huy Khánh, Nguyên Ngọc, Vũ Đình Phòng, Nguyễn Văn Vĩ dịch, Nguyễn Thị Bình viết lời tựa, Nxb Đà Nẵng. [4] Nhuệ Anh, 2006. Mạc Ngôn: cá tính làm nên số phận. Báo Văn nghệ, số 15. ABSTRACT Keeping and breaking with traditions by feudal Chinese women through the character Thuong Quan Lo Thi in the book The treasure of life by Mo Yan The treasure of the life is an epic novel typical of the 1900–1995 period of China. Mo Yan created an image of a great Chinese mother who dedicates all of her life to her children. Within the scope of this article, we clarify the keeping and breaking with tradition of feudal Chinese women through the character Thuong Quan Lo thi, and also freedom from feudal rites which had become obsolete. 77
Tài liệu liên quan