Cuộc suy thoái kinh tế ở Nhật Bản trong thập kỷ 90 luôn được lấy làm ví dụ minh họa cho nhiều mô hình và lý thuyết kinh tế học như tỷ giá hối đoái, lãi suất chiết khấu, chính sách tài khóa và tiền tệ, tiêu dùng, và thậm chí cả sự can thiệp của chính phủ vào thị trường, một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Tôi chọn đề tài này để nghiên cứu nhằm hiểu sâu thêm các lý thuyết đó. Việc tập trung tìm hiểu một hiện tượng kinh tế cụ thể và tiêu biểu như cuộc suy thoái kinh tế Nhật Bản sẽ đem lại không chỉ một cái nhìn sinh động về kinh tế học mà cả sự gắn kết cho những giả thuyết, những mô hình vốn được đề cập một cách rời rạc và trừu tượng.
16 trang |
Chia sẻ: haohao89 | Lượt xem: 2346 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Suy thoái kinh tế nhật bản thập kỷ 90, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SUY THOÁI KINH TẾ NHẬT BẢN THẬP KỶ 90
Lời mở đầu:
Cuộc suy thoái kinh tế ở Nhật Bản trong thập kỷ 90 luôn được lấy làm ví dụ minh họa cho nhiều mô hình và lý thuyết kinh tế học như tỷ giá hối đoái, lãi suất chiết khấu, chính sách tài khóa và tiền tệ, tiêu dùng, và thậm chí cả sự can thiệp của chính phủ vào thị trường, một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Tôi chọn đề tài này để nghiên cứu nhằm hiểu sâu thêm các lý thuyết đó. Việc tập trung tìm hiểu một hiện tượng kinh tế cụ thể và tiêu biểu như cuộc suy thoái kinh tế Nhật Bản sẽ đem lại không chỉ một cái nhìn sinh động về kinh tế học mà cả sự gắn kết cho những giả thuyết, những mô hình vốn được đề cập một cách rời rạc và trừu tượng.
Nghiên cứu này được kết cấu theo trình tự thời gian như sau:
Sự hình thành nền kinh tế bong bóng (1985-1989)
Nền kinh tế bong bóng nổ tung (1990-1993)
Những dấu hiệu mờ nhạt của sự khôi phục kinh tế (1994-1996)
Giai đoạn khủng hoảng trầm trọng (1997-1999)
Mỗi phần lại bao gồm hai mảng chính là hiện tượng kinh tế và phản ứng của chính phủ.
***
I. Sự hình thành nền kinh tế bong bóng (1985-1989)
Tháng 9/1985, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của các nước thuộc nhóm G5 (Mỹ, Anh, Pháp, Tây Đức, Nhật) họp tại khách sạn Plaza ở New York để bàn luận về cách khắc phục cán cân thương mại mất cân bằng giữa Mỹ, Nhật và Tây Đức, trong đó vấn đề nổi cộm là làm sao để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Vào thời điểm này, nước Mỹ đang bị thâm hụt thương mại nặng nề do chính sách kinh tế của Tổng thống Reagan với đồng USD mạnh và lãi suất cao.
Ngày 22/9/1985, các quốc gia G5 đã đạt được Thỏa ước Plaza, theo đó, đồng yên và đồng mác sẽ được đánh giá lại và đồng USD sẽ được giảm giá. Lúc đó, đồng yên trị giá khoảng 240 yên ăn 1 USD, song Nhật cho rằng phạm vi 210-200 yên / 1 USD là có thể chấp nhận được và điều này đã được chấp nhận trên thực tế. Về sau, tỷ giá hối đoái đã phá vỡ mức 200 yên / 1 USD và tiếp tục tăng tới mức 150 yên / 1 USD vào cuối năm 1986. Do đồng yên tăng giá, xuất khẩu của Nhật giảm, khiến kinh tế Nhật phát triển chậm lại. Năm 1985, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật ở mức 4,4% nhưng đến năm 1986 chỉ còn 2,2%.
Tháng 2/1987, các nước G6 (thêm Canada) ký thỏa ước Louvre. Mục đích của thỏa ước này là bình ổn thị trường tiền tệ quốc tế và ngăn chặn sự mất giá liên tục của đồng USD do tác dụng của thỏa ước Plaza. Tuy nhiên, thỏa ước này có ít tác dụng và sau một vài tháng chững lại, đồng yên lại tiếp tục tăng giá, đạt 120 yên / 1 USD vào đầu năm 1988.
Các ngành công nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản lâm vào tình trạng khó khăn do đồng yên lên giá. Những nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng này được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Ngoài việc cắt giảm các chi phí sản xuất, các doanh nghiệp còn chuyển sản xuất ra nước ngoài như một giải pháp thay thế xuất khẩu. Ở một số sản phẩm như radio, tivi màu và các đồ điện gia dụng khác, tỷ lệ sản xuất ở nước ngoài đã lên tới đỉnh cao là 50%, trong một số trường hợp còn lên tới 60-70%. Thái Lan, Malaysia và một vài nơi khác ở châu Á là địa điểm được lựa chọn để sản xuất các linh kiện, phụ tùng máy móc “made in Japan”. Do đó, tình trạng thất nghiệp ở Nhật bắt đầu gia tăng.
Để phản ứng lại cuộc suy thoái do tỷ giá hối đoái gây ra, chính phủ Nhật sử dụng chính sách tiền tệ mở rộng bằng cách giảm lãi suất chiết khấu (Biểu đồ 1). Trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 1987, lãi suất chiết khấu của Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan – BOJ) đã giảm đáng kể, đạt mức thấp chưa từng thấy trước đó là 2,5%.
Suy thoái đã kéo dài suốt cho đến tháng 3, tháng 4/1987. Tuy nhiên, vào đầu mùa xuân năm 1987, kinh tế Nhật đã có sự chuyển biến rộng khắp. Giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu giảm rõ ràng đã mang lại lợi nhuận cho các ngành công nghiệp điện, khí đốt và các ngành khác có nhiệm vụ cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong lãnh thổ nước Nhật. Giá nhập khẩu giảm chủ yếu do ảnh hưởng của sự sụt giảm giá dầu thô, mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất của Nhật Bản (Biểu đồ 2).Vì giá ở nước ngoài tương đối ổn định nên các công ty đã không thể chuyển được gánh nặng của đồng yên mạnh hơn bằng cách tăng giá ở nước ngoài lên được mà phải cắt giảm giá bằng cách hợp lý hóa các hoạt động của mình và sản xuất nhiều hơn ở nước ngoài. Việc các hàng chế tạo nhập khẩu từ chỗ chiếm 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 1985 đã tăng vọt lên gần một nửa vào năm 1987 (Biểu đồ 3), phản ánh việc nhập khẩu các linh kiện và phụ tùng tăng mạnh.
Biểu đồ 1
Biểu đồ 2
Giá dầu thô (1865-2005)
Biểu đồ 3
Mặc dù giá hàng xuất khẩu có giảm (nhờ giá nguyên vật liệu giảm) song vẫn không bù đắp được tác động của đồng yên giá cao. Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Tuy vậy, sự phục hồi nhanh chóng của hoạt động đầu tư và của các khu vực khác của kinh tế Nhật đã khiến cho tăng trưởng kinh tế, từ năm 1985, phải dựa vào cầu nội địa. Trước năm 1985, cầu nước ngoài tăng liên tục; song từ năm 1986, cầu nước ngoài đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng và sự phục hồi chỉ do cầu nội địa thúc đẩy (Biểu đồ 4).
Biểu đồ 4
Sự phục hồi này làm cho đầu tư tư bản được mở rộng, không chỉ trong ngành công nghiệp ô tô và máy điện như dự tính mà còn cả trong các ngành thương mại và dịch vụ. Một trong những đặc trưng của thời kỳ này là sự tăng vọt đầu tư xây dựng nhà cửa và các tòa cao ốc văn phòng.
Như vậy, sự phồn vinh và tăng trưởng kinh tế đã xuất hiện trở lại dựa vào cầu nội địa. Nhưng “con sâu bỏ rầu nồi canh” là chính sách tiền tệ. Như đã nói ở trên, lãi suất chiết khấu chính thức của BOJ đã giảm xuống tới mức thấp lịch sử vào cuối giai đoạn 1985-1987. Tuy nhiên, mức lãi suất này còn tồn tại trong suốt hai năm nữa cho đến tận năm 1989. Tín dụng đã trở nên quá dễ dãi. Bất cứ ai cũng có thể vay ngân hàng miễn là họ có nhà đất để thế chấp. Về sau, ngay cả những người không có đủ nhà đất để thế chấp cũng có thể vay được, thậm chí các bà nội trợ còn vay ngân hàng để mua nhà. Các công ty thì mặc dù có đủ khả năng để đầu tư vào nhà máy và thiết bị song họ vẫn tiếp tục gây thêm quỹ, chủ yếu nhằm tìm kiếm những lợi ích về vốn do việc tiến hành đầu tư tài chính mang lại. Tương tự, trong lĩnh vực bất động sản cũng có tình trạng đầu tư tràn lan. Các khoản lợi nhuận khổng lồ đã thúc đẩy người dân và doanh nghiệp đua nhau đầu tư. Thậm chí từng cá nhân cũng có thể mua được xe hơi và các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền nhờ các khoản thu nhập từ đầu tư tài chính và bất động sản. Hầu hết số tiền cho vay của ngân hàng đều đổ vào lĩnh vực thương mại, bất động sản và các dịch vụ phi ngân hàng, trong khi các khoản cho vay đối với các ngành chế tạo lại không tăng. Tình trạng này làm cho giá bất động sản và giá chứng khoán bị đẩy lên rất cao (Biểu đồ 5).
Biểu đồ 5
II. Nền kinh tế bong bóng nổ tung (1990-1993)
Chỉ khi nền kinh tế bong bóng đạt tới sự mở rộng tối đa của nó thì BOJ mới tiến hành thắt chặt tín dụng. Năm 1990 giá chứng khoán bắt đầu giảm nhưng giá bất động sản còn tiếp tục tăng mạnh cho tới năm 1991. Sự tăng giá bất động sản bắt đầu ở Tokyo, rồi lan đến Osaka và Nagoya rồi các thành phố khu vực khác; sự giảm giá bất động sản cũng đi theo con đường đúng như vậy.
Từ năm 1989, việc thắt chặt tín dụng được thực hiện do những quan ngại của chính phủ về sức nóng của thị trường và về nguy cơ lạm phát do chiến tranh Vùng Vịnh 8/1990 gây ra. Đến năm 1990, lãi suất chiết khấu đã cao ở mức 6% (Biểu đồ 1). Nền kinh tế bong bóng của Nhật đã đến lúc sụp đổ.
Giá trị chứng khoán và bất động sản bắt đầu giảm xuống, tuy chậm nhưng liên tục (Biểu đồ 5). Vấn đề là số tài sản này lại được mua bằng tiền đi vay, do đó sự giảm giá của chúng đã trực tiếp làm giảm giá trị của các công ty trong khi họ vẫn phải trả lãi suất rất cao cho ngân hàng. Số công ty phải chịu các khoản lỗ tiềm tàng này ngày càng tăng lên. Có thể nói, cuộc suy thoái này được đặc trưng bởi những vết thương ngày càng sâu sắc do sự sụt giảm giá trị tài sản và sự gia tăng số nợ khó đòi. Điều mà Cơ quan Kế hoạch hóa kinh tế (Economic Planning Agency – EPA) lúc đầu coi là một sự thụt lùi chút ít về kinh tế đã làm người ta ngạc nhiên về độ dài, tầm ảnh hưởng sâu rộng và mức độ gay gắt của nó.
Những điểm yếu bắt đầu bộc lộ: ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đã cho vay quá dễ dãi trong thời kỳ kinh tế bong bóng, và giờ đây đang phải chịu các khoản lỗ tiềm ẩn khổng lồ. Các tổ chức tài chính phải thanh toán một lượng đáng kể các khoản nợ xấu, các công ty chứng khoán lỗ nặng. Cả cá nhân và doanh nghiệp đều khó đối phó được với những thay đổi về tài sản của mình. Hoạt động đầu tư trở nên ảm đạm. Thất nghiệp cũng tăng cao, làm giảm mức sống của người dân. Do đó, cầu tiêu dùng giảm kéo theo sự sụt giảm của giá cả.
Để đối phó với tình trạng đó, BOJ giảm lãi suất chiết khấu từ 6% xuống còn 1,75% (9/1993), chính phủ Nhật đồng thời tăng chi tiêu, nhằm kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế đang trên đà khủng hoảng.
III. Những dấu hiệu mờ nhạt của sự khôi phục kinh tế (1994-1996)
Chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng của chính phủ như đã trình bày ở trên không đủ mạnh để đem lại kết quả mong đợi. Kinh tế Nhật Bản vẫn tuột dốc không phanh.
1. Các công ty buộc phải tiếp tục điều chỉnh bảng cân đối kế toán do sự sụt giảm của giá tài sản.
2. Giá đất tiếp tục giảm.
3. Tính đến cuối năm 1995, hàng loạt công ty bị phá sản, không có tiền trả nợ ngân hàng. Tổng số nợ xấu của các ngân hàng lên tới 400 tỷ USD. Nhiều ngân hàng và công ty tài chính lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn hoặc đổ vỡ, trong đó có cả 11 ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản. Hyogo, ngân hàng đầu tiên niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, phá sản năm 1995. Ngân hàng Sumitomo đã bị lỗ tới 3 tỷ USD vào đầu năm 1995.
4. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều công ty bị thua lỗ, dẫn đến phá sản. Năm 1995 có tới 15.000 công ty Nhật Bản há sản.
5. Đồng yên tăng giá mạnh cản trở xuất khẩu, đạt tới mức kỷ lục 79,75 yên / 1 USD vào ngày 19/4/1995.
6. Ngày 17/1/1995 xảy ra trận động đất Kobe (6,9 – 7,3 độ Richter). Trận động đất này được ghi vào sách Kỷ lục Guinness là “thảm họa tự nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất cho một quốc gia”. Theo ước tính, thiệt hại do trận động đất này gây ra cho Nhật Bản là trên 200 tỷ USD, trong khi đa số (hơn 90%) tài sản bị thiệt hại lại không được bảo hiểm. Một ngày sau trận động đất này, chỉ số Nikkei 225 đã sụt mạnh tới 1000 điểm.
7. Giá cả tiếp tục giảm, làm tăng áp lực giảm phát.
Trước tình trạng đó, BOJ tiếp tục giảm dần lãi suất chiết khấu từ 1,75% (9/1993 – 3/1995) xuống còn 1% ( 4 – 8/1995) rồi 0,5% (9/1995). Chính phủ cũng đẩy mạnh chi tiêu. Tháng 6/1995, Bộ Tài chính (MOF) đưa ra bản báo cáo mang tên “Tái tổ chức hệ thống tài chính Nhật Bản” thể hiện quyết tâm giải quyết vấn đề nợ xấu, công khai tổng số nợ xấu là 400 tỷ USD.
Nhờ đó, nền kinh tế bắt đầu xuất hiện một vài dấu hiệu phục hồi:
1. Hoạt động cho vay của ngân hàng bắt đầu tăng trưởng trở lại sau thời gian sụt giảm do bong bóng kinh tế vỡ.
2. Giá chứng khoán tăng dần vào nửa sau năm 1995 và đạt mức 20.000 yên vào tháng 9/1995.
3. Lãi suất dài hạn bắt đầu tăng cùng với kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế.
Năm 1996, GDP thực tế tăng 5,1%. Mọi người đều cho rằng với sự hồi phục này, vấn đề về tài chính đã nằm trong tầm kiểm soát và cuộc suy thoái rồi cũng sẽ kết thúc.
III. Giai đoạn khủng hoảng trầm trọng (1997-1999)
Tháng 4/1997, lo ngại ngân sách chính phủ sẽ bị thâm hụt ngày càng nặng nề do chính sách tài khóa mở rộng và do số người cao tuổi tăng nhanh gây áp lực tăng ngân sách dành cho phúc lợi xã hội, thủ tướng Hashimoto quyết định tăng thuế tiêu dùng từ 3% lên 5% và xóa bỏ việc giảm thuế thu nhập thực hiện từ năm 1995. Thật không may, cuộc đại khủng hoảng kinh tế Đông Á lại xảy ra vào tháng 7/1997. Hai sự kiện này làm sụt giảm tổng cầu, gây áp lực giảm phát, tạo sự rối loạn trước tiên ở hệ thống tài chính.
1. Biểu hiện của khủng hoảng
a. Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và các công ty tài chính
Tháng 4/1997, công ty bảo hiểm nhân thọ Nissan phá sản, mở đầu cho làn sóng phá sản của các tổ chức tài chính xảy ra đồng loạt vào tháng 11 và 12 cùng năm đó: công ty chứng khoán Sanyo, công ty chứng khoán Yamaichi, công ty chứng khoán Maruso, ngân hàng Hokkaido Takushoku, ngân hàng Tokuyo. Khi phá sản, công ty chứng khoán Sanyo đã để lại món nợ 3000 tỷ yên, lớn hơn cả khoản nợ khó đòi của Nhật Bản ở Thái Lan; Yamaichi để lại món nợ 3000 tỷ yên, Maruso 46,34 tỷ yên, Hokkaido Takushoku 1,5 tỷ yên, Tokuyo 59 tỷ yên. Kinh tế suy thoái làm cho ngày càng có nhiều công ty không thanh toán được các khoản nợ ngân hàng; do đó, các ngân hàng không những không có tiền cho các khoản vay mới mà còn phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Theo Cơ quan kế hoạch hóa kinh tế Nhật Bản, ước tính đến năm 1998, tổng giá trị các khoản nợ khó đòi trong nước của các ngân hàng đã lên tới 800 tỷ USD, chiếm 20% tổng số tín dụng của toàn bộ hệ thống ngân hàng Nhật, cộng với khoảng 300 tỷ USD cho các nước châu Á khi đó đang bị khủng hoảng vay cũng có nguy cơ khó đòi. Tính đến giữa năm 1998 đã có tới 19 ngân hàng hàng đầu Nhật Bản có số nợ lớn hơn số tài sản đăng ký. Đặc biệt trầm trọng là trường hợp Ngân hàng tín dụng dài hạn Nhật Bản đã có số nợ rất lớn không thể xác định chính xác được và chỉ riêng trong năm 1998, để cứu vãn nguy cơ phá sản của ngân hàng này, chính phủ đã phải chi ra hơn 400 tỷ USD.
Tình trạng trên đã khiến cho giới đầu tư trong và ngoài nước không còn lòng tin đối với thị trường tài chính Nhật Bản. Ngay từ năm 1995, nhiều tổ chức kinh doanh tiền tệ của nước ngoài tại Nhật Bản đã rút khỏi Tokyo và chuyển sang các thị trường tài chính khác ở châu Á.
b. Tình trạng thua lỗ, phá sản của các doanh nghiệp
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1998, số doanh nghiệp bị phá sản đã lên tới con số 10.262. Khủng hoảng kinh tế đã giáng cả vào những ngành công nghiệp mũi nhọn, trụ cột của nền kinh tế như điện tử, tin học. Cả 5 công ty sản xuất máy tính cá nhân của Nhật Bản là Hitachi, Toshiba, Misubishi, Matsushita và Fujitsu đều kinh doanh sa sút. Năm 1997, lợi nhuận của Hitachi giảm tới 90%, Mitsubishi thua lỗ đến 40 tỷ yên. Năm 1999, kinh tế Nhật Bản phục hồi chút ít song rất mong manh, chậm chạp với tốc độ tăng trưởng khoảng 0,7%. Khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đã phần nào đỡ bị thua thiệt nhưng nhìn chung, mức lợi nhuận thu được vẫn chưa thể tăng trở lại như thời kỳ trước khủng hoảng. Chẳng hạn trong 6 tháng đầu năm tài khóa 1999, lợi nhuận của các công ty hàng đầu Nhật Bản vẫn giảm tới 2 con số: Mitsubishi 27,4%, Marubenni 53,6%, Mitsui 10%, Sumitomo 31,5% so với cùng kỳ năm trước. Tình trạng thua lỗ, phá sản làm tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh, từ 2,9% (1994) lên 4,7% (1999).
c. Nhìn chung, kinh tế Nhật Bản đã rơi vào một vòng xoáy tàn nhẫn: Chính sách quá thắt chặt – Giảm giá tài sản – Gánh nặng nợ nần ngày càng gia tăng với những người đi vay – Giảm đầu tư và tiêu dùng – Thất nghiệp tăng và lương giảm – Giảm phát (Biểu đồ 6). Từ quý 4/1997, GDP Nhật Bản tăng trưởng âm 5 quý liên tục.
Biểu đồ 6
2. Những chính sách nhằm đối phó với tình trạng suy thoái
a. Chính sách tiền tệ mở rộng
Lý thuyết kinh tế về hiện tượng bẫy thanh khoản (liquidity trap): Hiện tượng bẫy thanh khoản xảy ra khi nền kinh tế trì trệ, lãi suất danh nghĩa gần bằng 0 và ngân hàng trung ương không thể thúc đẩy nền kinh tế bằng các chính sách tiền tệ thông thường. Trong tình trạng này, mọi người không kỳ vọng vào thu nhập từ việc đầu tư, vì vậy họ ưa giữ tiền mặt hoặc tài khoản ngắn hạn thay vì đầu tư dài hạn. Điều này làm cho suy thoái trở nên trầm trọng hơn. Trong điều kiện bình thường, ngân hàng trung ương có thể kích thích nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất hoặc tăng cung tiền. Tuy nhiên, khi lãi suất đã ở mức gần bằng 0, ngân hàng trung ương không thể tiếp tục giảm để kích thích tăng trưởng kinh tế được nữa. Ngân hàng trung ương cũng có thể bơm thêm tiền vào lưu thông thông qua các trung gian tài chính như các ngân hàng thương mại. Nhưng không may, do lãi suất quá thấp, các ngân hàng thương mại không sẵn sàng cho vay, vì thế lượng tiền mới được bơm thêm đó không thể tràn hết ra thị trường và đem lại kết quả gì đáng kể.
Nhật Bản nửa sau thập kỷ 90 đã rơi vào bẫy thanh khoản. Chính sách tiền tệ mở rộng được sử dụng liên tục nhằm kéo nền kinh tế thoát khỏi sự sụp đổ kể từ năm 1990. Lãi suất chiết khấu giữ ở mức 0,5% và lãi suất ngắn hạn cũng xấp xỉ như vậy trong những năm cuối thập kỷ này (Biểu đồ 7). Lúc đó, chính sách tiền tệ mở rộng dường như không còn hiệu quả nữa.
Biểu đồ 7
b. Chính sách tài khóa mở rộng
Các chương trình kích thích kinh tế trọn gói: Đây là giải pháp truyền thống mà Chính phủ Nhật thường sử dụng để khắc phục khủng hoảng chu kỳ. Đó là việc dựa vào ngân sách bổ sung hoặc các chương trình kích thích kinh tế trọn gói nhằm kích cầu trong nước thông qua việc mở rộng các công trình công cộng. Kể từ khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ, Chính phủ Nhật đã thực hiện rất nhiều biện pháp cả gói với tổng chi phí lên tới 107.000 tỷ yên. Đây chính là những biện pháp can thiệp của chính phủ mà theo lý thuyết của Keynes thì có thể tạo ra những đòn bẩy cho nền kinh tế.
Cắt giảm thuế và xóa một phần nợ cho các công ty kinh doanh bất động sản: Đây cũng là một giải pháp quan trọng nhằm trợ giúp các công ty đang đứng trước bờ vực phá sản sau sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng. Ví dụ: Nội các của thủ tướng Obuchi (người kế nhiệm Hashimoto vào năm 1998) đã thực hiện giảm thuế thu nhập 9.000 tỷ yên (2% GDP). Mức thuế thu nhập cao nhất của cả cấp quốc gia và cấp địa phương đã được giảm từ 65% xuống còn 50%. Việc giảm thuế này được hy vọng là sẽ thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và kích thích tinh thần làm việc chung. Việc giảm thuế để khuyến khích xây dựng nhà ở cũng đã được tiến hành một cách rộng rãi. Thông qua việc giảm thuế, Chính phủ hy vọng giảm gánh nặng thuế xuống bằng mức trung bình của các nước công nghiệp. Cùng với quá trình này, việc lập quyết định về ngân sách quốc gia và cải cách thuế đã đưa vấn đề cơ cấu vào bàn nghị sự. Chính phủ đã tăng ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) thêm 8,1%; các thiết bị thông tin như máy vi tính, máy photocopy và điện thoại sẽ được thanh lý ngay nếu chúng có giá trị dưới 1 triệu yên. Để khuyến khích sử dụng các loại ô tô có tiết kiệm nhiên liệu và ít gây ô nhiễm, thuế xe khách và các loại xe tải cũng được giảm đi.
Tuy nhiên, chính sách tài khóa mở rộng cũng không đem lại hiệu quả gì đáng kể. Nền kinh tế Nhật Bản vẫn hết sức trì trệ. Nguyên nhân của sự kém hiệu quả đó là:
Tỷ lệ tiết kiệm cao của người dân Nhật (Biểu đồ 8): Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới. Một mặt, đặc điểm này là yếu tố quan trọng làm nên sự “thần kỳ Nhật Bản” trong những thập kỷ sau Chiến tranh thế giới II. Mặt khác, nó lại là một trong những tác nhân gây ra sự trì trệ của nền kinh tế Nhật trong những năm 1990 do làm hạn chế tác động của chính sách tài khóa. Lý do giải thích cho tỷ lệ tiết kiệm cao ở Nhật Bản là:
Mục tiêu khá phổ biến của việc tiết kiệm là mua nhà. Nếu như khi mua nhà ở Mỹ, người ta chỉ cần trả trước 10% thì ở Nhật, người ta cần trả đến 40%. Theo mô hình “Lựa chọn giữa hai thời kỳ” của Irving Fisher, một hộ gia đình bị hạn chế vay tiền (borrowing constraint) thì sẽ tiêu dùng ít hơn so với khi không bị hạn chế, vì vậy mà tiết kiệm nhiều hơn. Do đó, một xã hội mà việc hạn chế vay tiền phổ biến thì sẽ có tỷ lệ tiết kiệm cao hơn. Ngoài ra, giá nhà đất ở Nhật Bản rất cao làm cho các gia đình phải tiết kiệm nhiều nếu như họ muốn mua được nhà.
Hệ thống thuế Nhật Bản vô tình khuyến khích người dân tiết kiệm bằng cách áp mức thuế khá thấp lên các khoản thu nhập từ đầu tư tài chính.
Tính cách người Nhật vốn cẩn thận và kiên nhẫn. Họ luôn luôn lo lắng cho tương lai, do đó họ có tỷ lệ tiết kiệm cao.
Tỷ lệ người già trong dân số Nhật ở mức rất cao và vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, người già lại hay lo xa. Họ cần tiết kiệm để phòng bị cho việc mình sẽ sống lâu hơn dự kiến và phải chi trả nhiều tiền hơn, trong khi lương hưu lại ít ỏi và chi phí y tế cao. Họ cũng muốn dành dụm để lo cho con cháu.
Chính sách tài khóa mở rộng làm chính phủ bị thâm hụt ngân sách nặng nề, từ thặng dư ngân sách 1,3% GDP vào năm 1990 đến thâm hụt gần 5% GDP v