Tệ sùng bái chữ Hán

“Đến nay vẫn còn rơi rớt sự sùng kính thái quá chữ Hán, thậm chí là sợ hãi. tiếp nối mấy bác “hay chữ lỏng” mang chữ Hán ra dọa, hù nhau như ở làng xưa!”. Đây là một điều rất đáng suy nghĩ.

pdf6 trang | Chia sẻ: nyanko | Lượt xem: 1398 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tệ sùng bái chữ Hán, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tệ sùng bái chữ Hán “Đến nay vẫn còn rơi rớt sự sùng kính thái quá chữ Hán, thậm chí là sợ hãi... tiếp nối mấy bác “hay chữ lỏng” mang chữ Hán ra dọa, hù nhau như ở làng xưa!”. Đây là một điều rất đáng suy nghĩ. Chữ Hán (loại chữ vuông biểu ý) là một thành tựu, một giá trị đáng ghi nhận về mặt văn hóa của Trung Quốc và của cả nhân loại. Vì nhiều lý do, Việt Nam (và một số nước Châu Á khác) đã tiếp nhận, sử dụng và chịu ảnh hưởng rất nhiều văn hóa Hán học trong một thời gian dài. Việc học chữ Hán là một yêu cầu bắt buộc đối với học trò và trình độ của lớp nhân sĩ, trí thức phụ thuộc vào năng lực hiểu biết chữ Hán của họ. Các triều đại nhà nước phong kiến nước ta chấp nhận sử dụng chữ Hán là “quốc tự” trong các văn bản hành chính, đối nội và đối ngoại. Các sáng tác văn thơ, công trình khoa học, sử học... của nhiều thế hệ tiếp nối nhau được lưu lại cho tới nay bằng chữ Hán (là chính). Chữ Hán còn hiển hiện qua các di tích mang tính tín ngưỡng, tôn giáo như đình đền, chùa chiền, miếu mạo... mà đó thực sự được coi là di sản vô giá để chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu. Dù chữ Pháp, văn hóa Pháp, văn hóa phương Tây sau này tiếp tục ảnh hưởng và ghi dấu ấn trong lịch sử nước ta thì chữ Hán, văn hóa Trung Hoa vẫn đứng ở vị trí cao hơn, sâu đậm hơn. Tuy nhiên, sau khi có chữ quốc ngữ (dùng mẫu tự Latin) ra đời vào giữa thế kỷ 17 thì nền văn hóa Việt Nam đã có những bước chuyển mang tính lịch sử. Với hệ thống 29 chữ cái, cách viết đơn giản, dùng để ghi âm từ ngữ, lời nói, chữ quốc ngữ được phổ cập và nhanh chóng đi vào mọi hoạt động của đời sống, văn hóa người Việt. Đã có thời kỳ, dưới thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam đã tồn tại hiện tượng tam ngữ bất bình đẳng (chữ Pháp trong hệ thống hành chính nhà nước, chữ Hán trong tầng lớp nhà Nho, chữ quốc ngữ trong dân chúng), nhưng dần dần, chữ quốc ngữ đã vượt lên và khẳng định vững chắc vị thế “độc tôn” không thể thay thế. Ấy vậy mà, trong các công trình tín ngưỡng và tôn giáo bây giờ, mọi chỗ đều chỉ dùng chữ Hán. Nếu là các di tích kiến trúc cũ hoàn toàn, hoặc một số cần trùng tu, phục dựng, thì việc “giữ nguyên hiện trạng” các văn bản chữ Hán là cần thiết. Nhưng với các công trình làm mới thì người ta cũng tìm đủ cách để điểm xuyết cho bằng được mấy chữ vuông nom rất “bí hiểm” kia vào. Chùa Bái Đính (được xây mới tinh), tuyệt nhiên không có một dòng chữ quốc ngữ nào (ghi ở những nơi trang trọng từ cổng, tam quan đến nội thất nhà chùa). Chữ quốc ngữ may chăng chỉ thấy trên các biển hiệu, các thông báo, quy định chỉ dẫn của ban tổ chức... Ngay cả các công trình tín ngưỡng khác (đền thờ các nhân vật lịch sử, nhà thờ...) làm mới, nhưng lại được “cổ hóa” bằng chữ Hán. Nhà thờ họ tộc Việt 100% cũng ghi chữ Hán. Mà các chữ viết vào đây phải viết bằng chữ Hán cổ (dạng phồn thể) chứ không phải là Hán hiện đại (dạng giản thể). Sinh viên học tiếng Trung Quốc hiện nay (chỉ quen cách viết giản thể) hoàn toàn chịu không đọc nổi chữ Hán cổ. Viết chữ mà đại đa số mọi người trong cộng đồng không đọc được, không hiểu được thì viết làm gì? Nguyễn Bỉnh Quân đã nói đúng: “Gốc ở ta đâu ở mấy chữ đó”. Theo tôi, chúng ta hoàn toàn có thể “quốc ngữ hóa” tất cả những chỗ ghi chữ Hán ở các công trình tín ngưỡng, tôn giáo được làm mới hiện nay. Dĩ nhiên, bằng một cách thể hiện theo tự dạng Latin sao cho phù hợp và có tính thẩm mỹ. Ý kiến này của tôi chắc sẽ có nhiều người không đồng tình, thậm chí phản đối, cho là tôi nhân danh chữ Việt mà cố “lên gân”. Nhưng với tư cách một người quan tâm tới ngôn ngữ, tôi nghĩ mọi văn bản viết ra trước hết đều phải có giá trị giao tiếp cho đa số. Người Việt nói tiếng Việt, viết chữ Việt. Đó là cách tốt nhất để bảo tồn văn hóa Việt.