TÓM TẮT
Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Tết là dịp
cho mọi thành viên trong gia đình, kể cả những người sinh sống làm ăn ở nơi xa có thể
về quê vui cảnh đoàn viên. Nhưng ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết ở chỗ nó là dịp để
người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Ngày tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ
những gì không hay không đẹp của năm qua; và lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão
về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới. Thời kỳ hội nhập, những truyền thống tốt đẹp
của Tết cổ truyền “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”
đã thay đổi ít nhiều so với Tết xưa. Nhưng trong lòng mỗi người Việt, Tết vẫn là thời
điểm thiêng liêng và mọi người đều hòa mình vào không khí Tết.
7 trang |
Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 289 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tết cổ truyền Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1
TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP
HỒ NGỌC THỦY (*)
TÓM TẮT
Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Tết là dịp
cho mọi thành viên trong gia đình, kể cả những người sinh sống làm ăn ở nơi xa có thể
về quê vui cảnh đoàn viên. Nhưng ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết ở chỗ nó là dịp để
người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Ngày tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ
những gì không hay không đẹp của năm qua; và lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão
về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới. Thời kỳ hội nhập, những truyền thống tốt đẹp
của Tết cổ truyền “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”
đã thay đổi ít nhiều so với Tết xưa. Nhưng trong lòng mỗi người Việt, Tết vẫn là thời
điểm thiêng liêng và mọi người đều hòa mình vào không khí Tết.
ABSTRACT
Lunar New year’s Day is the most important festival of Vietnamese’s culture. This is the
time when family members, including expatriates repatriate for family reunion.
Vietnamese incense offerings on the family altars to commemorate their ancestors - the
greatest significance of Tet. Tet brings on the new beginning, casts off these bad things of
the old year; and the man’s heart brim over with hopes and a prosperous new year. The
best of Tet’s traditions “Fat meat, pickled welsh onion, rea parallel sentences. Tet tree,
firecracker, green rice cake” was be changed in the integration period. But Tet always is
inviolable time in the man’s heart and everybody mix with an intimate atmosphere in the
New Year's party.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
“Ngày xuân con én đưa thoi”. Câu thơ Xuân chỉ có 6 chữ thôi mà dường như cho ta thấy
sự vần vũ chuyển động của đất trời, lòng người. Có sự nhịp nhàng vui vẻ của con thoi và
tiếng thoi cùng những thoăn thoắt sinh động của cánh én lồng lộng mây trời
Nói đến ngày xuân ta nghĩ ngay đến Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả) là lễ hội lớn
nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là thời điểm giao thời
giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật, cỏ cây. Tết
Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn
thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân - hạ - thu -
đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở
Việt Nam. Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri âm tổ tiên, nguồn cội;
giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhớ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm
làng, v.v.
(*)
Th.S, Trung tâm bồi dưỡng Nghiệp vụ Kinh tế
2
Tết cổ truyền có lẽ đã tồn tại theo hơn 4.000 năm lịch sử dân tộc. Trong thời đại hội nhập
toàn cầu như hiện nay và theo dòng thời gian, quan niệm của mọi người về Tết cổ truyền
có thay đổi?
2. Ý NGHĨA NGÀY TẾT TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI VIỆT
Tết Nguyên Đán hay Tết Cả là lễ hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ
biến rộng nhất, từ Nam Quan đến Cà Mau và cả vùng hải đảo; đây là những ngày lễ hội
tưng bừng và nhộn nhịp nhất của cả dân tộc. Từ những thế kỷ xa xưa thời Lý, Trần, Lê,
ông cha ta đã cử hành lễ Tết một cách trang trọng hàng năm. Chữ NGUYÊN trong cụm
từ “Tết Nguyên đán” có nghĩa là bắt đầu, chữ ĐÁN có nghĩa là buổi ban mai, “Tết
Nguyên Đán” có nghĩa là khởi điểm của năm mới.
Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, mà
phần "lễ" cũng như phần "hội" đều rất phong phú cả nội dung cũng như hình thức, mang
một giá trị nhân văn sâu sắc và đậm đà. Việc ông cha ta xác định Tết Cả đúng vào thời
điểm kết thúc một năm cũ, mở đầu một năm mới theo âm lịch, là một chu kỳ vận hành
của vũ trụ đã phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người với thiên nhiên (Đất - Trời -
Sinh vật). Đồng thời, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần
sum họp, đoàn tụ, thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ tri ơn ông bà, tổ tiên.
Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trước hết đó là
Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù
làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả những người xa xứ cách hàng ngàn kilômét,
vẫn mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái
trước bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà, v.vnơi
mà gót chân thời thơ bé đã tung tăng vui đùa và mọi thứ dường như được sống lại với
bao kỷ niệm đầy ắp yêu thương ở nơi mình cất tiếng chào đời. "Về quê ăn Tết", đó không
phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về nơi cội
nguồn, mảnh đất “chôn rau cắt rốn”.
Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết, ngày đầu xuân là ngày đoàn tụ, đoàn
viên; đồng thời, mối quan hệ họ hàng, làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau trở
thành đạo lý chung cho cả xã hội. Tết cũng là dịp nhìn lại mọi hoạt động của một năm
qua, liên hoan vui mừng chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho
cả cộng đồng.
Ngày xuân Việt Nam rõ nét nhất là không khí chuẩn bị Tết của từng gia đình. Bước vào
bất cứ nhà nào trong thời điểm này, cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết
nhộn nhịp và khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị
bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về... Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông,
có quan hệ xã hội rộng, đông con cháu, dâu rể, thì công việc chuẩn bị càng phức tạp hơn.
Không biết Tết cổ truyền của dân tộc xuất hiện từ bao giờ, nhưng đã trở nên thiêng liêng,
gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Những tục lệ trò vui trong
dịp Tết, chiếc bánh chưng xanh, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, cành đào, chậu quất
khoe sắc trong mỗi gia đình đã trở thành một phần hình ảnh của quê hương, để mỗi người
Việt Nam dù sống ở nơi đâu mỗi độ xuân về lại bồi hồi nhớ về đất nước với bao tình cảm
nhớ nhung tha thiết. Làm sao quên được thuở ấu thơ cùng đám trẻ con ngồi vây quanh
nồi bánh chưng sôi sùng sục chờ giờ vớt bánh! Làm sao có thể quên được những phiên
chợ Tết rợp trời hoa!
Ngày Tết chính thức bắt đầu từ giao thừa. Đây là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm,
thời điểm giao tiếp giữa năm cũ và năm mới, thời điểm con người giao hòa với thiên
3
nhiên, thời điểm tổ tiên trở về sum họp với con cháu. Cúng giao thừa xong cả nhà quây
quần quanh mâm cỗ đã chuẩn bị sẵn, uống chén rượu đầu tiên của năm mới, con cái chúc
thọ ông bà cha mẹ, người lớn cho trẻ em tiền quà mừng tuổi đựng trong những bao giấy
đỏ. Sau lễ giao thừa còn có tục đi đến đền chùa làm lễ và sau đó hái về một nhánh cây gọi
là hái Lộc; hoặc đốt một nén hương rồi đem về cắm trên bàn thờ gia tiên gọi là Hương
Lộc. Họ tin rằng xin được Lộc của trời đất thần phật ban cho thì sẽ làm ăn phát đạt quanh
năm. Sau giao thừa người nào từ ngoài đường bước vào nhà đầu tiên là người "xông
nhà", nếu là người "tốt vía" thì cả nhà sẽ ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn, v.v
Tết như cái bản lề, khép lại một năm này và mở ra một năm khác. Tết là thời điểm đặc
biệt mà chỉ trừ những đứa nhỏ, bộ nhớ còn rất nhiều khoảng trống, còn lại những người
có ký ức đều bắt đầu hồi tưởng và so sánh: “Tết giờ sao nhạt, chẳng giống ngày xưa!”.
Tết xưa
Tết xưa là Tết theo quan niệm cũ, khi nền kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Đó là những ngày lễ hội tưng bừng kéo dài nhiều ngày: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”.
Khi đó người ta có quan niệm Tết là “ăn Tết”, chứ không phải “nghỉ Tết” như ngày hôm
nay. Người ta dành những gì ngon nhất, tốt nhất như thịt heo, gà, trái cây, quần áo mới...
cho những ngày Tết. Dù nghèo đến đâu thì “Ngày 30 Tết thịt treo trong nhà”, cũng phải
sắm được một mâm cỗ để cúng giao thừa, lễ gia tiên, rước ông bà về cùng ăn Tết với con
cháu. Truyền thống “ăn Tết” khắc sâu trong tâm thức Việt, cho đến tận bây giờ, người ta
vẫn hỏi nhau “Tết nay ăn Tết lớn không?”. Tập quán đó gắn liền với nền sản xuất nông
nghiệp nhỏ lẻ, quanh năm đầu tắt mặt tối, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cho nên
nông dân Việt Nam ăn Tết rất lớn, ăn Tết dài ngày. Và trên hết, Tết là những ngày thiêng
liêng để mừng tuổi cha mẹ, ông bà, là những ngày thể hiện lòng hiếu lễ, tôn kính tổ tiên.
Tết xưa là những nỗi lo toan kéo dài suốt cả năm. Những bà mẹ ở nông thôn từ những
ngày đầu năm đã ra vườn dặm lại mấy bụi dong để “Tết còn có lá mà gói bánh”. Tháng
Hai, tháng Ba đã lo ấp mấy đàn gà con để đến Tết giết thịt hay bán đi để mua quần áo cho
lũ trẻ. Tháng Mười mùa gặt đã lo dành riêng gạo, chọn đậu để Tết gói bánh. Đầu tháng
Chạp tất bật nén một vại dưa hành cho Tết và từ sau lễ tiễn ông Công ông Táo thì lo mua
sắm, dọn dẹp nhà cửa, tất bật với bánh trái, lợn gà, v.vVới những bà mẹ ở thành phố,
nỗi lo Tết cũng chẳng kém phần rộn rã. Những chân bàn, chân ghế cũ, thậm chí cả mẻ vỏ
lạc bóc thuê từ giữa năm cũng được gom lại cất riêng để Tết còn góp nấu bánh chưng.
Phiếu thịt, phiếu đường cũng phải được tính toán thật khéo để đến Tết lũ trẻ được ăn
uống ngon lành, tươm tất hơn. Những ngày giáp Tết thì ngược xuôi mua sắm, rộn rã
chung nhau luộc một nồi bánh chưng ngay trong sân chung cư, v.v
Cứ nhìn dòng người ngược xuôi hối hả trong những ngày giáp Tết là đủ thấy người Việt
lo và thích sắm Tết như thế nào. Ngày xưa, của cải vật chất chưa dồi đào, mục tiêu mua
sắm Tết về cơ bản là để có thực phẩm dùng trong những ngày Tết trong khoảng thời gian
chợ không họp vì mọi người nghỉ ngơi đi chơi. “Dửng dừng dưng bánh chưng ngày Tết”
là câu để nói ngày Tết người ta không mấy ăn uống. Không mấy ăn uống nhưng vẫn sắm
Tết. Hơn nữa sắm Tết không chỉ cho mình, gia đình mình mà còn cho người khác. Tết
anh em, bè bạn, ân nhân, sắm quần áo mới, giày dép mới, đồ dùng mới cho con cái, cháu
chắt...
Những phong tục Tết tốt đẹp như sắm Tết, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi... có vẻ như để
chú trọng nuôi dưỡng tình cảm và các mối quan hệ giữa con người với con người nhất là
quan hệ gia đình, dòng tộc. Nhờ giữ gìn phong tục, người ta trở nên gần gũi, thân thiết
4
hơn, các giá trị trở nên thiêng liêng hơn, gắn bó sâu sắc với nhau hơn và trở thành bản sắc
văn hóa, dấu ấn tinh thần của mỗi cá thể và mỗi dân tộc.
Tết xưa, những bà mẹ bạc mặt vì lo lắng thì đến sáng mồng Một mắt cũng lấp lánh niềm
vui khi thấy cái bàn thờ tươm tất, thấy chồng con háo hức với miếng ngon ngày thường ít
có. Tết xưa trẻ con náo nức mong chờ để được mặc quần áo mới, ăn những món ngon,
nhận những đồng lì xì mới cóng. Tết xưa sân nhà đầy xác pháo hồng, vỏ kẹo và bóng bay
xanh đỏ nhưng mẹ không cho quét vì kiêng. Tết xưa sự hân hoan hiện trên từng khuôn
mặt, bởi đầu năm đầu tháng dẫu có khó chịu gì thì cũng cố nuốt cho xuôi xuống kẻo
“dông cả năm”. Tết xưa là dịp sum vầy, chỉ những người “vô phước” mới phải tha
phương trong chiều tất niên hay sáng tân niên.
Tết xưa là thế, là sự háo hức mong chờ của tất cả mọi người. Còn Tết nay, Tết thời kỳ hội
nhập có khác?
Tết thời hội nhập
Chưa đầy hai mươi năm, từ khi nước ta rũ bỏ cách nghĩ, cách làm cũ, tiến hành “đổi
mới”, khoảng hai năm nay, tập tễnh bước chân vào sân chơi toàn cầu, gia nhập thị trường
Thương mại thế giới (WTO), cảnh Tết và ngày Xuân không còn như xưa.
Tết nay, những nỗi lo toan đã được giản ước rất nhiều. Thời đại công nghiệp hóa, hiện
đại hóa khiến cho sản xuất phát triển, kinh tế tăng trưởng, và khi đó miếng cơm manh áo
không còn sức ép lúc xuân về. Chẳng còn mấy cảnh chắt chiu nuôi lợn, nuôi gà, cũng
chẳng rỗi rãi kỳ cạch gói bánh, giã giò. Tấm bánh chưng, con gà thiến, tô măng miến, nồi
thịt kho được bán đầy các siêu thị, thành món ăn hàng ngày và đã mất đi vẻ hấp dẫn
truyền thống. Ngày xuân, người ta có khuynh hướng đi tìm hương vị lạ, thử nghiệm các
món cầu kỳ; và những món ăn mới đó hầu hết được đăng đầy trên các tạp chí ẩm thực
hoặc hướng dẫn cặn kẽ trên truyền hình để người ta có thể làm trong những ngày Tết.
Nếu không muốn chen chúc ở chợ hay xếp hàng dài ở quày tính tiền trong siêu thị để
hưởng “không khí Tết” thì chỉ cần nhấc điện thoại là có ngay một cái tết tươm tất tại nhà.
Cả những cô dâu mới cũng chẳng lo chuyện mẹ chồng thử tay nghề làm gà hay đồ xôi
cúng giao thừa bởi mọi thứ đều có thể đặt sẵn. Mẹ và con gái cũng chẳng còn thời gian
canh me chảo mứt, chỉ cần đến siêu thị thì đủ hết từ bánh mứt truyền thống đến hạt dẻ
Mỹ, bánh quy bơ Đan Mạch, v.vThời hội nhập, cái tết cũng mang tính toàn cầu khi
vang Pháp, Whisky Anh sánh đôi cùng xúc xích Đức, salat Nga, phồng tôm Thái Lan ăn
kèm thịt bò Úc, v.v Thịt mỡ đã tuyệt nhiên vắng bóng trong những ngày Tết ở thời
buổi hội nhập vì mọi người đều được tuyên truyền về bệnh béo phì và máu nhiễm mỡ,
v.v..đó là những chứng bệnh thời đại. Bánh chưng, giò chả, dưa hành trở thành những thứ
không sắm thì thiếu phong vị Tết, mà dọn ra thì chẳng mấy người đụng đũa
Tết nay, những bà mẹ dẫu vẫn bận rộn, lo toan thì sáng mồng Một cũng chẳng thấy niềm
vui trên mặt chồng con, có khi còn là những lời cằn nhằn dọn nhiều món thế này ăn sao
hết. Lũ trẻ bây giờ mất hẳn niềm vui ngóng Tết bởi đã được ăn ngon, mặc đẹp quanh
năm. Có lẽ chúng chỉ còn duy nhất một niềm thích thú đó là nghỉ Tết thì được nghỉ học!
Tết nay, chẳng khó để nhận ra vẻ mệt mỏi hằn sau những câu chúc tụng xã giao, sự
gượng gạo sau những tiếng cười lễ nghi, hình thức.
Tết nay, tàu xe vẫn náo nhiệt những ngày trước sau, vẫn là nỗi kinh hoàng của những
sinh viên học xa nhà và đám công nhân đi làm cả năm chỉ trở về nhà vào ngày giáp Tết.
Công nghiệp hóa - đô thị hóa tác động mạnh vào phân bố dân cư, một số lượng lao động
nông nghiệp đáng kể bị hút từ Bắc vào Nam, vào các đô thị lớn và các khu công nghiệp,
dẫn đến tình trạng phân bố không đồng đều. Cảnh chen lấn tàu xe, “cơm tù - xe tội” là
5
hình ảnh nổi bật với hàng vạn người lao động xa quê những ngày cận tết. Nghịch cảnh ấy
sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa khi địa bàn nông thôn chưa được coi trọng, và
ngành giao thông vận tải - vốn luôn đi sau thời cuộc chưa giải quyết được vấn nạn này.
Tết nay, Việt Nam đã ở trong WTO, vì vậy đã có nhiều thời cơ mới, vận hội mới không
chỉ với người Việt trong nước mà có người Việt ở nước ngoài. Nhiều người từ nước
ngoài về để sống trong không khí Tết cổ truyền với những tinh hoa còn lại của phong tục
cũ cho thỏa nỗi nhớ nhung. Khi về, người già đem theo con trẻ để cho con thấy những
câu chuyện hồi ức của mình không phải là huyền thoại, để con trẻ hiểu sức mạnh tinh
thần của cộng đồng người Việt bắt đầu từ những văn hóa cội nguồn...
Thời kỳ hội nhập, việc phân hóa giàu nghèo diễn ra với tốc độ chóng mặt. Một số gia
đình giàu có, nhân ngày xuân, đi ăn Tết phương xa. Các tour du lịch nước ngoài: Paris,
Tokyo, Sidney, Singapore, Thailand, v.v đăng đầy các trang quảng cáo. Người Sài
Gòn, nhân dịp Tết đi đổi gió ở Mũi Né, Nha Trang bằng xe riêng, đón Giao thừa bên
bờ biển, ngắm bình minh năm mới ở Vinpearl Land không còn là chuyện lạ. Khái niệm
“tha hương” không còn mang những nỗi ngậm ngùi mà có thêm những sắc thái trải
nghiệm thú vị. Tết đến là dịp du xuân, đi để biết đó biết đây và để hiểu thêm phong tục
vùng đất khác, dân tộc khác. Cũng có những người bước ra khỏi biên giới, để xem và để
kết nối với bạn bè bốn biển năm châu với hy vọng mở ra những hoạt động mới đem lại
hiệu quả cho nền kinh tế.
Ngày nay, muốn tìm một cảm nhận nguyên thủy của ngày xuân và Tết cổ truyền, chỉ có
cách lên miền núi. Chợ tình Khâu Vai, chợ thổ cẩm Bắc Hà v.v vẫn còn một ít truyền
thống. Xuýt xoa trong cái rét vùng cao, hơ hai bàn tay lạnh cóng bên lửa hồng, nghe âm
thanh đùng đục của món thắng cố đang sôi già trong chảo là cái thú của những người
mùa xuân đi tìm cảm giác lạ.
3. KẾT LUẬN
Nhìn chung từ xưa đến nay, người Việt thường có hai nhu cầu dành cho ngày Tết, đó là
sinh hoạt tín ngưỡng và vui chơi nghỉ ngơi. Sinh hoạt tín ngưỡng là thờ cúng, sum họp,
mừng tuổi, chơi câu đối, bói toán... vì ta coi ngày tết là sự giao hòa của càn khôn, vũ trụ;
là sự bắt đầu của vận hội mới; là sự thể hiện lòng tri ân công sinh thành dưỡng dục của
mẹ cha; là ước muốn, quyết tâm dành cho tương lai; là ôn lại ký ức của cá nhân, gia đình
hay cộng đồng... Quan niệm này không chỉ có ở người Việt mà người Pháp, Thụy Điển,
Trung Quốc, Nhật Bản... cũng thế. Nhu cầu thứ hai là vui chơi, nghỉ ngơi. Nhân ngày tết,
người ta thăm thú bạn bè, họ hàng, chơi hội, du lịch... Nhưng những thú vui đó cũng chịu
ảnh hưởng bởi những qui ước tâm linh. Điều đặc biệt là người Việt chưa từng biến những
quan niệm đó thành khuôn mẫu chung, mà chủ yếu chỉ là các qui ước của nhóm cộng
đồng theo làng xã, vùng miền... Ví dụ vùng quê này tảo mộ khác vùng quê kia, lễ đón
giao thừa ở làng trên chưa chắc giống làng dưới, hội làng cầu mưa nơi này không trùng
nơi khác...
Đây cũng là nét văn hóa nông nghiệp hết sức tự nhiên, tự phát và không hề có khuôn
mẫu, qui tắc phổ biến, cố định. Vì đặc tính tự nhiên và thoải mái đó nên sự biến đổi rất đa
dạng, dễ dàng. Vì vậy, ta cần có ý thức để bảo tồn những nét riêng nhưng vẫn thụ hưởng,
giao lưu với văn hóa chung theo nhịp sống toàn cầu, theo xu thế mang tính qui luật.
Muốn làm được vậy, phải chuẩn hóa giá trị của mình, phải phân biệt được những giá trị,
phong tục, nghi thức gì cần giữ gìn và phát huy. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc việc chúng
ta ý thức như thế nào về văn hóa cổ truyền và văn hóa hội nhập.
6
Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu đối với quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Các
thể chế kinh tế ở nước ta phải được xây dựng và vận hành theo hướng thúc đẩy hoạt động
kinh tế đối ngoại, hỗ trợ tốt cho việc chủ động và tích cực hội nhập kinh tế với các thể
chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Thị
trường Việt Nam phải có cơ chế và môi trường liên thông với thị trường thế giới, thể chế
kinh tế của nhà nước phải đảm bảo khả năng phản ứng nhanh với sự thay đổi cung cầu và
giá cả quốc tế. Bên cạnh đó thể chế kinh tế của Nhà nước phải hướng vào việc phát triển
văn hóa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với sự phát triển kinh tế xã hội, sự phát triển nhanh
của kinh tế là yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển của nền văn hóa tiên tiến, văn hóa dân tộc để
nền văn hóa này thật sự trở thành nền tảng của sự phát triển xã hội. Đồng thời không
ngừng xây dựng và hoàn thiện giá trị của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá
hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế; bồi dưỡng các giá trị văn hoá trong thanh niên, đặc
biệt là lý tưởng sống, năng lực trí tuệ, đạo đức cao đẹp và bản lĩnh văn hóa con người
Việt Nam.
Việc chúng ta thu nhận, hưởng thụ được gì đều phụ thuộc vào sức sống văn hóa bản địa
ra sao. Nói về ngày Tết thì phong tục thờ cúng gia tiên, gia đình quay quần, ước nguyện,
cầu khấn cho tương lai vẫn là thiêng liêng. Tuy nhiên những thú vui như du lịch, mua
sắm, nghỉ ngơi... cũng phổ biến với giới có thu nhập cao, vùng đô thị. Vì vậy, ngày tết cổ
truyền có ý nghĩa ra sao với con cháu chúng ta thì phụ thuộc vào chính chúng ta...
Tết là dịp để con người trở về cội nguồn. Ai dù có đi đâu xa vào ngày này, cũng cố trở về
quê hương để được sum họp với người thân dưới mái ấm gia đình, thăm phần mộ tổ tiên,
gặp lại họ hàng, làng xóm. Ngày Tết cũng làm cho con người trở nên vui vẻ hơn, độ
lượng hơn. Nếu ai có gì đó không vừa lòng nhau thì dịp này cũng bỏ qua hết để mong
năm mới sẽ ăn ở với nhau tốt đẹp hơn, hoà thuận hơn. Có lẽ đó là ý nghĩa nhân bản của
Tết Việt Nam. Tết cổ truyền là một định chế văn hóa nằm sâu trong tâm thức người Việt.
Tuy nhiên, như mọi hoạt động văn hóa khác, Tết cũng chịu tác động của đời sống, của
hội nhập, giao lưu, của thời gian. Tin rằng, những dao động vừa qua chỉ là dao động con
lắc, sẽ có lúc tìm lại cân bằng. Và Tết cổ truyền vẫn mãi là ngày hội đẹp nhất trong lòng
mỗi người Việt.
7
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Chi Lan, Tết, hội nhập & đổi mới tư duy, 15/02/20