Thể loại trong Phương đình vạn lí tập của Nguyễn Văn Siêu

1. Mở đầu Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872), tên khác là Định, tự là Tốn Ban, hiệu là Phương Đình và Thọ Xương cư sĩ, thụy là Chí Đạo. Ông trước tác về địa lí, lịch sử, tư tưởng, thơ văn với những tác phẩm như Đại Việt địa dư toàn biên, Phương Đình văn loại, Phương Đình tùy bút lục, Phương Đình thi tập. Riêng về thơ ca, Nguyễn Văn Siêu sáng tác hơn một nghìn bài thơ chữ Hán với bốn tập thơ chính gồm Vạn lí tập, Anh ngôn tập, Lưu lãm tập, Mạn hứng tập [4,1]. Phương Đình Vạn lí tập ra đời trên đường đi sứ Trung Hoa năm 1849 đã thể hiện một phần tài thơ của người hay chữ bậc nhất nước ta ở thế kỉ XIX. Trong bài viết này, chúng tôi xin tìm hiểu về thể loại của thi tập.

pdf8 trang | Chia sẻ: thanhle95 | Lượt xem: 186 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thể loại trong Phương đình vạn lí tập của Nguyễn Văn Siêu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE Social Sci., 2012, Vol. 57, No. 2, pp. 22-29 THỂ LOẠI TRONG PHƯƠNG ĐÌNH VẠN LÍ TẬP CỦA NGUYỄN VĂN SIÊU Nguyễn Thị Thanh Chung Trường Đại học Sư phạm Hà Nội E-mail: thanhchungdhsp@yahoo.com.vn Tóm tắt. Phương Đình Vạn lí tập của Nguyễn Văn Siêu được sáng tác trong chuyến đi sứ Trung Hoa năm 1849. Thi tập bao gồm các thể bài luật, tuyệt cú, trường thiên, hành, khúc, ca, đoản ca. Mỗi thể loại đều kết tinh vẻ đẹp của thi tập được được xếp vào hàng sách mới (tân thiên) và tài năng thi ca đến độ được người đời ngưỡng mộ (vi thì tuấn vọng). Từ khóa: Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình Vạn lí tập, thể loại, bài luật, tứ tuyệt, trường thiên. 1. Mở đầu Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872), tên khác là Định, tự là Tốn Ban, hiệu là Phương Đình và Thọ Xương cư sĩ, thụy là Chí Đạo. Ông trước tác về địa lí, lịch sử, tư tưởng, thơ văn với những tác phẩm như Đại Việt địa dư toàn biên, Phương Đình văn loại, Phương Đình tùy bút lục, Phương Đình thi tập. Riêng về thơ ca, Nguyễn Văn Siêu sáng tác hơn một nghìn bài thơ chữ Hán với bốn tập thơ chính gồm Vạn lí tập, Anh ngôn tập, Lưu lãm tập, Mạn hứng tập [4,1]. Phương Đình Vạn lí tập ra đời trên đường đi sứ Trung Hoa năm 1849 đã thể hiện một phần tài thơ của người hay chữ bậc nhất nước ta ở thế kỉ XIX. Trong bài viết này, chúng tôi xin tìm hiểu về thể loại của thi tập. 2. Nội dung nghiên cứu Ở Trung Quốc, thơ trước thời Đường thường gọi cổ thi, thơ sau thời Đường phân chia thành hai loại là cận thể thi và cổ thể thi. Cận thể thi cũng gọi kim thể thi, có cách luật nhất định. Cổ thể thi thường gọi cổ phong, dựa vào cách viết của cổ thi mà thành, hình thức tương đối tự do, không chịu ràng buộc theo cách luật. Theo số chữ trong câu thơ có thơ tứ ngôn, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn. Từ thời Đường trở đi, thơ tứ ngôn, lục ngôn rất ít gặp nên thường chia thành ngũ ngôn và thất ngôn. Ngũ ngôn cổ thể, thất ngôn cổ thể gọi tắt là ngũ cổ, thất cổ. Ngũ ngôn luật thi, thất ngôn luật thi gọi là ngũ luật (hạn định 8 câu 40 chữ), thất luật (hạn định 8 câu 56 chữ). Vượt qua 8 câu gọi là trường luật hoặc bài luật. Trường luật thông thường đều là ngũ ngôn thi. Thơ chỉ có bốn câu gọi là tuyệt cú (ngũ tuyệt 20 chữ, thất tuyệt 28 chữ). Tuyệt cú phân thành luật tuyệt và cổ tuyệt. Luật tuyệt chủ yếu chịu sự hạn định của luật bằng trắc, cổ tuyệt thì không. 22 Thể loại trongPhương Đình Vạn lí tập của Nguyễn Văn Siêu Phương Đình Vạn lí tập có 182 bài thơ gồm Ngũ ngôn luật tuyệt (09 bài), Thất ngôn luật tuyệt (30 bài), Ngũ luật (63 bài), Thất luật (60 bài), Trường thiên (15 bài), Hành (02 bài), Khúc (01 bài), Ca (01 bài), Đoản ca (01bài). Nhìn chung, mỗi thể loại đều có những giá trị riêng trong sự thành công của thi tập. Thể bài luật mang nét độc đáo của thơ đi sứ, phần nào thể hiện tính cách con người thi nhân. Thể tuyệt cú nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên ấn tượng và những “khoảng trống ngữ nghĩa”. Thể trường thiên cổ phong, trường luật, hành, ca có thế mạnh chiếm lĩnh thiên nhiên, bộc lộ cảm xúc, suy tưởng. Thể khúc và đoản ca là sự phóng khoáng của hồn thơ và ngôn từ giàu tính nhạc. . . 2.1. Thể bài luật Thơ theo thể bài luật trong Vạn lí tập thường mang vần bằng, chính đối, bằng trắc theo biệt lệ nhị - tứ - lục phân minh. Thể thơ này thể hiện những nội dung đa dạng, phong phú gồm thiên nhiên gắn liền một hành trình với những bài như Đăng Đoàn Thành sơn, Long Giang khẩu, Thanh Sơn tháp, Đăng Tượng Tị sơn lâu. . . ; dấu tích lịch sử nhuốm tâm trạng hoài cổ với những bài như Tuyên Hoá vịnh hoài cổ tích, Hoàng Châu yết Mã Phục Ba tướng quân miếu, Vĩnh Châu hoài Liễu Tử Hậu di tích, Tiên hiền Tử Cống từ. . . ; cảnh sống người dân với những bài như Thành Sơn, Vĩnh Thuần bạc chu, Quý Huyện thành chu thứ hứng tác, Chiêu Bình huyện tức cảnh... ; tâm sự về cá nhân nhà thơ với những bài như Bán dạ đáo gia, Đồng sứ bộ phát Nhĩ Hà, Nam Quan kỉ biệt, Toàn Châu trừ tịch. . . ; tương giao, thù tạc với những bài như Giáp phó Trinh Thúc Mai đài tặng cú hữu khởi dư ngữ kinh quý đáp tạ, Họa Đoản tống Hà Nam thái thú Vận Sinh Giả Trăn tứ thủ nguyên vận, Họa Vấn Mai “Thưởng cúc” nguyên vận. . . Thơ đi sứ có vị trí riêng trên thi đàn dân tộc bởi những nét độc đáo trong nội dung và nghệ thuật. Vạn lí tập cũng góp phần tạo ra vẻ đẹp riêng này bằng khả năng đặc tả khung cảnh thiên nhiên trên hành trình và diễn biến tâm trạng của thi nhân. Đây là hành trình và tâm trạng của thi nhân khi rời Tầm Châu: Chữ Hán Dịch nghĩa Hiểu dữ Linh Sơn biệt, Sáng cùng Linh Sơn từ biệt, Hàn Giang dạ vũ thu. Hàn Giang mưa đêm ngớt dần. Bạch vân tự lưu thuỷ, Mây trắng giống như nước chảy, Tiêm phong đảo tự phù. Đỉnh núi nhọn tựa đảo nổi nhấp nhô. Dục tầm Lại Ẩn động, Muốn tìm động Lại Ẩn, Bồi hồi Tư Cổ lâu. Bồi hồi ở lầu Tư Cổ. Sơ nhật chiếu Đông Tháp, Nắng mai chiếu Đông Tháp, Tri dĩ xuất Tầm Châu. Biết đã rời Tầm Châu. (Tầm Thành hiểu phát) (Sáng sớm ra đi từ TầmThành) Nguyễn Văn Siêu đã khẳng định được tài năng thi ca với ngòi bút tinh tế, điêu luyện trong thể loại này. Chí Hà Nội trị lôi vũ kế tác đồ gian hỉ thành (Đến Hà Nội gặp mưa sấm, tính hành trình, vui mà làm thơ) là một bài thất ngôn bát cú tiêu biểu trong thi tập: 23 Nguyễn Thị Thanh Chung Chữ Hán Dịch nghĩa Thanh Quyết giang đầu dạ tác giải, Thanh Quyết, đầu sông đêm rời thuyền, Lị Nhân sơn hiểu mật vân khu. Lị Nhân, sớm núi mây vần vũ. Châu nhân cửu thán xuân đa thử, Người dân than mãi xuân nóng hạn, Quy khách hưu thương vũ tải đồ. Khách về chớ phiền mưa ngập đường. Vạn khoảnh thâm điền phương thảo địa, Vạn khoảnh thâm điền, đất phương thảo, Thiên thôn thuỷ trúc võng xuyên đồ. Nghìn thôn thủy trúc, bức võng xuyên. Thập niên hồi thủ duy sương mấn, Mười năm nhìn lại chỉ tóc bạc, Tu kiến hương ông lập tị cù. Thẹn trông bô lão đứng nhường đường. Ngòi bút điêu luyện của thi nhân thể hiện rõ nét qua tứ thơ vận động từ thiên nhiên đến đời sống con người và tâm sự cá nhân, qua lối viết bình dị phác thực đến phong cách sang trọng, cổ điển. Không gian, thời gian được tái hiện theo hành trình trở thành đặc điểm dễ nhận ra trong thơ đi sứ. Câu thứ nhất cho biết nơi rời thuyền tại đầu sông Thanh Quyết trong đêm khuya. Trên đường đến Lị Nhân, đêm chuyển sáng, trời trở mây vần vũ. Cảnh không đẹp nhưng thi nhân không buồn. Niềm vui báo trước ở nhan đề được cắt nghĩa rõ hơn: “Người trong châu than mãi xuân nắng nóng, khách về chớ phiền lòng vì mưa ngập đường”. Cuộc sống đời thường hiện ra tự nhiên với những con người bình dị, chuyện thời tiết nắng mưa. Cảnh sắc và cách phô bày vẻ đẹp trở nên trang nhã trong hai câu tiếp theo. Hà Nội vừa là vùng quê trù phú trong bức tranh thơ vừa là đất kinh kì nghìn năm văn hiến, quy tụ hiền tài. Hai câu cuối đạt được hiệu quả nghệ thuật bất ngờ: “Mười năm nhìn lại chỉ tóc bạc, thẹn trông bô lão đứng nhường đường”. Sự linh họat, biến hóa là một trong những phẩm chất làm nên sức hấp dẫn của văn chương. Người xưa từng ví vằn trên da hổ vì thay đổi mà đẹp đẽ, vằn trên da báo vì đan xen mà rực rỡ. Cho dù Vạn lí tập chưa thực sự tạo ra đột phá cho thơ ca Việt Nam nói chung và dòng thơ đi sứ nói riêng nhưng sự tinh tế trong từng bài thơ đủ để thi nhân trở nên nổi tiếng bởi văn chương (dĩ văn học danh) [1;38]. Tình thơ, tài thơ vẫn được thể hiện rất thành công trong một thể loại đòi hỏi sự chặt chẽ của quy cách. So với tuyệt cú và trường luật thì bát cú vừa phải hơn về dung lượng câu chữ. Nếu nhìn từ góc độ thể loại biểu hiện một thái độ thẩm mĩ trước hiện thực, một phương thức cảm thụ thế giới thì “thơ luật là kết quả của cái nhìn cân đối, chặt chẽ, nghiêm trang, mực thước với cuộc đời” [7;177]. Phải chăng, hình thức thể loại chiếm phần lớn tập thơ đã bộc lộ lòng ưa chuộng sự vừa phải, tuân thủ khuôn khổ trong con người thi nhân? 2.2. Thể tứ tuyệt Tứ tuyệt vốn được xem là thể thơ đặc sắc nhất của Trung Hoa. “Mới coi ta ngạc nhiên là thơ Trung Hoa quá ngắn, khác xa với sự vĩ đại uy nghiêm hay sự phong phú của Milton, Homere. Nhưng người Trung Hoa quan niệm đã làm thơ thì phải ngắn... Thơ phải cho ta thấy cả bức tranh trong một vài nét, phải diễn tả một triết lí trong một vài hàng, một ý nghĩa sâu sắc trong một vài chữ” [5;160]. Thơ tuyệt cú mang nhiều khoảng trống ngữ nghĩa mà “chỉ người phương Đông mới bổ sung được” [5;160]. 24 Thể loại trongPhương Đình Vạn lí tập của Nguyễn Văn Siêu Chữ Hán Dịch nghĩa Bạch vân phiến phiến, phong xuy liệt, Mây trắng từng đám, gió hầm hập, Bích lãng trùng trùng, giang đảo lưu. Sóng xanh điệp điệp, sông chuyển dòng. Thi hứng bất lai nhân thụy túc, Tình thơ chẳng đến, người ngủ đủ, Bồng song tứ diện Sở Sơn sầu. Bốn phía cửa thuyền, Sở Sơn sầu. (Tương Đàm trở phong) (Gió táp ở Tương Đàm) Bài thơ mở ra không gian trời mây, dòng sông và khép lại bằng quang cảnh núi non. Vì vậy, con người và chiếc thuyền trở thành tâm điểm của bức tranh. Trong bức tranh ấy, con người vô cùng bé nhỏ. Con người càng bé nhỏ thì nỗi trăn trở, cô đơn càng lớn. Khoảng trống nghệ thuật ngụ trong chữ sầu gieo cuối bài thơ gợi niềm tha hương của Thôi Hiệu khi lên lầu Hoàng Hạc: Nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng sử nhân sầu (Chiều muộn quê nhà ở chốn nào, khói sóng trên sông khiến người sầu). . . Nhiều thi nhân đã thành công với dấu ấn riêng trong thể loại thơ cô đọng bậc nhất phương Đông này. Thể ngũ ngôn tứ tuyệt trong Vạn lí tập độc đáo với những bức tranh thiên nhiên ấn tượng như Ngao Đầu sơn, Hưởng hồ, Lạp Chúc nhất phong, Quế Bình tứ tuyệt, Quế Lâm thạch. . . Trong đó có những bức tranh thơ đã trở thành biểu tượng về nhân cách, con người cá nhân của thi nhân như Phú giang trung thạch: Chữ Hán Dịch nghĩa Trác lĩnh như nhân lập, Đỉnh núi vững chãi như dáng người đứng, Đương sơn vô dữ quần. Núi này không có khác núi đứng cùng. Trung lưu hoặc yển kiển, Ở đoạn giữa dòng sông mà lại cao vút, Khuynh nhĩ tẩy phù vân. Nghiêng tai rửa phù vân. (Phú giang trung thạch) (Làm thơ về đá giữa sông) Biểu tượng trong thơ trước hết là hình tượng nghệ thuật cụ thể, hữu hình và không lặp lại. Nói như Heghen trong Mỹ học: “Biểu tượng nên thơ là biểu tượng có hình tượng bởi vì biểu tượng nên thơ không phơi bày trước mắt ta bản chất trừu tượng của cái hiện thực cụ thể” [6;903]. Bằng trí tưởng tượng phong phú cùng khả năng sử dụng ngôn từ tinh tế, Nguyễn Văn Siêu đã tái hiện hình ảnh ngọn núi ấn tượng chỉ trong hai mươi chữ. Ông sử dụng hình dung từ, từ tượng hình như trác (cao chót vót, vẻ vững vàng, thẳng đứng), yển kiển (cao vút). . . Câu so sánh trác lĩnh như nhân lập với hư từ so sánh cụ thể cũng góp phần hữu hình hóa, khơi gợi sự đồng sáng tạo. Tuy nhiên, sơn và thủy với những người theo tinh thần Nho giáo như Nguyễn Văn Siêu không chỉ là núi và nước. Thiên Ung dã trong Luận ngữ ghi: Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn. Trí giả động, nhân giả tĩnh. Trí giả lạc, nhân giả thọ (Người trí thích nước, người nhân thích núi. Người trí thì động, người nhân thì tĩnh. Người trí thì vui, người nhân thì thọ). Núi vượt qua vẻ đẹp thiên nhiên để biểu đạt những tư tưởng, tinh thần, giá trị thuộc về con người và cá nhân. Núi cô độc khi “đỉnh núi vững chãi như dáng người đứng” mà “không có khác núi đứng cùng”. Thi nhân thường nhận ra mình trong sự đơn lẻ của thiên nhiên. Khi ngồi 25 Nguyễn Thị Thanh Chung một mình cùng núi Kính Đình, Lí Bạch viết: Chúng điểu cao phi tận, cô vân độc khứ nhàn.Tương khan lưỡng bất yếm, chỉ hữu Kính Đình sơn (Bầy chim bay đi hết trên tầng cao, áng mây cô đơn một mình trôi nhẹ nhàng. Cùng nhìn nhau cả hai không biết chán, chỉ có núi Kính Đình). Nhân vật trữ tình trong Vạn lí tập thường xuất hiện một mình: độc đối, độc tọa, độc ẩm. . . Thi nhân đã từng không dấu nổi cô đơn như lúc ngắm trăng ở Linh Xuyên, khi trung thu nơi Yên Quán. . . Thử dạ Linh Xuyên nguyệt, cô chu vạn lí tâm (Đêm nay, trăng Linh Xuyên, thuyền côi, lòng vạn dặm – Bài Linh Xuyên kiến nguyệt). Độc thử trung thu nguyệt, ninh tri vạn lí nhân (Trăng trung thu này đơn độc, liệu có thấu hiểu người vạn dặm? – Bài Yên Quán trung thu). Hơn nữa, Phương Đình còn trải nghiệm nỗi ám ảnh về sự cô độc trong đời. Ông cô độc khi bạn thân bị mắc tội xử tử còn mình bị phạt trượng đồ. Ông cô độc khi tâm huyết đổ ra mà dân chẳng yên còn bề trên lại không thấu hiểu. Ông cô độc khi viết điều trần nói những lời thẳng thắn thì lại bị tội giáng chức về nghỉ. Bởi vậy, ông đã tìm thấy sự đồng điệu cho mình trong dáng vẻ “cao vút” “không có núi khác đứng cùng”. Núi cô độc nhưng ngạo nghễ “giữa dòng nước cao vút”, “nghiêng tai rửa phù vân”. Hình tượng thơ gợi nhớ chuyện rửa tai trong điển tích về Sào Phủ, Hứa Do. Phù vân (mây trôi) cũng dùng để chỉ những sự tình không đáng được quan tâm, coi trọng. Khổng Tử nói: Bất nghĩa nhi phú thả quý, ư ngã như phù vân (Không có điều nghĩa mà giàu và sang, với ta thì sự giàu sang đó chỉ như mây trôi). Quả vậy, hình tượng núi cô độc nhưng ngạo nghễ đã trở thành biểu tượng của lòng kiêu hãnh trong con người Phương Đình. Nguyễn Văn Siêu từng tự hào vì mình là người người mặc áo gấm Thành Đông (Thành Đông trú cẩm nhân). Năm 1825, ông đỗ Á nguyên tại trường Thăng Long nhưng không đi thi Hội. Năm gần 40 tuổi ông mới bắt đầu bước vào hoạn lộ. Ông thoái lui khỏi quan trường khi mới hơn 50 tuổi. Ông thấy con đường làm quan chỉ giống bèo nước trôi nổi mà thôi (hoạn du bình thủy - Bài Kinh vũ bất xuất quan thư tác). Ông thấu hiểu quy luật: Nhân sự khứ lưu tranh bỉ thử, thiên thời tiêu tức điệt đông xuân (Chuyện của đời người đi hay, cớ gì tranh giành cái này cái kia/ Thời vận ở trời khi đầy lúc vơi, cứ hết đông lại đến xuân - Bài Xúc cảm). Ông cũng khẳng định điều quan trọng nhất trong đời người là việc gìn giữ được chân tính (bão chân - Bài Xúc cảm). Phương Đình có thể chỉ có ý định làm thơ về đá trên sông khi viết Phú giang trung thạch nhưng con người tài hoa bậc nhất nước Nam một thời đã để lại những thần phẩm như vậy. Quả thật, thơ ca phương Đông độc đáo với những thể thơ như Haiku của Nhật Bản, tuyệt cú của Trung Hoa, tuyệt cú ở Việt Nam. . . Ngắn nhất trong hệ thống thể loại thi ca chữ Hán, tuyệt cú đòi hỏi sự tinh luyện của bút lực để biểu đạt thế giới tự nhiên và đời sống tinh thần con người. 2.3. Những thể khác Những bài thơ thuộc thể trường luật và cổ phong trường thiên như Bảo Hoa sơn, Vọng Hành nhạc, Kì Thuỷ thượng Vệ Vũ Công miếu, Tân Ninh Châu lữ huống, Quá Tương Âm Tiểu Loan hà hữu cảm. . . thể hiện thế mạnh tái hiện thiên nhiên trong nhiều không gian, thời gian và bộc lộ diễn biến tâm trạng, suy tưởng, chiêm nghiệm. . . Bài Dạ xuất 26 Thể loại trongPhương Đình Vạn lí tập của Nguyễn Văn Siêu Hoành Sơn quan (Đêm rời cửa ải Hoành Sơn) tiêu biểu cho nhóm tác phẩm này. Bốn câu thơ đầu tái hiện hành trình với sự thay đổi của không gian và thời gian: Chữ Hán Dịch nghĩa Di Luân mộ hoán dịch, Di Luân chiều chuyển trạm, Hoành Sơn dạ xuất quan. Hoành Sơn đêm rời ải. Trì khu thức quyện túc, Ruổi ngựa thấm mệt mỏi, Thượng hạ lực tê phàn. Ghập ghềnh chân bấm đất. Tám câu thơ tiếp theo khắc họa một vùng mù lấp biển (vụ điền hải), mây trùm núi (vân yểm san); đêm tối hiển hiện qua đốm sáng đèn đuốc (chúc hỏa), ẩn hiện bóng dáng sóng kình ngạc (kình ngạc ba), đá hổ báo (hổ báo nham); văng vẳng tiếng chim rừng hót khẽ (túc điểu hoặc minh động), tiếng suối rì rầm (khê thanh sảo sàn viên). . . Không gian mênh mông, vắng lặng ẩn chứa tâm trạng người đi được bộc bạch ở sáu câu thơ cuối: Chữ Hán Dịch nghĩa Đương kỳ tham đồ khứ, Đương lúc muốn đi mau, Khởi tri hành lộ nan. Đâu biết đường đi khó. Thập niên lục quá thử, Mười năm, sáu lần qua, Bán bách mấn tiên ban. Năm mươi, tóc điểm bạc. Chỉ lân hoang sách cửu, Chỉ thương hoang hoá lâu, Thi tình giác thái khan. Tình thơ thật khô cạn. Thể ca và hành cũng phát huy khả năng chiếm lĩnh thiên nhiên dưới nhiều góc độ không gian, thời gian. Bài Li giang ngoan thạch ca (Bài ca về ngoan thạch ở Li Giang) gồm 18 câu thơ thất ngôn thì 14 câu đầu miêu tả ngoan thạch. Hình thù của ngoan thạch được khắc họa chi tiết, rõ nét, ấn tượng: không vuông không tròn (bất phương bất viên), tụ u tích tật (tụ vưu tích chuế), nhô đầy mỏm nhọn (tranh đầu lộ giác), giống cối xay (vi lung ma), giống như những con ốc (đẳng kí loa). . . . “Nguyễn Văn Siêu đúng là một nhà thơ có thiên tài luôn tìm nguồn mới cho thi văn” [8;34]. Ngay khi khắc họa cái tĩnh trong hình dáng những khối đá thì cái động đã hiển hiện qua những động từ như tụ, tích, tranh, lộ. . . Vì vậy, ngoan thạch trở nên vô cùng kì hoạt khi cái động được tái hiện trực tiếp: thiểm giang pha (lách dòng chảy), kích thủy lưu phi thoa (đẩy nước khiến dòng chảy tung lên như thoi), thừa phong phá lãng (cưỡi gió phá sóng), trầm nê (ngâm trong bùn). . . Ngoan thạch sông Li được tiếp cận từ vẻ tự nhiên đến những suy tưởng triết lí: Chữ Hán Dịch nghĩa Hà bất vi để trấn đồi ba, Sao không làm đá ngăn sóng dữ, Hà bất vi tinh bố thiên hà. Sao chẳng làm sao rải ngân hà. Ai tai ngạnh vật duy thiên pha, Than ôi vật cứng thường thiên vị, Vi tác Li Giang ngoan thạch ca. Viết khúc Li Giang ngoan thạch ca. 27 Nguyễn Thị Thanh Chung Cùng với thể ca, Vạn lí tập còn có đoản ca, thể này còn được gọi là tam vận luận. Phát Hành Dương đoản ca (Khúc ca ngắn rời Hành Dương) thú vị với cách khám phá thiên nhiên trong những vần thơ giàu tính nhạc: Chữ Hán Dịch nghĩa Phong hữu Hồi Nhạn nhạn bất kiến, Đỉnh có Hồi Nhạn, nhạn chẳng thấy, Sơn hữu Thạch Cổ cổ vô thanh. Núi có Thạch Cổ, trống vô thanh. Cổ nhược vô thanh nhân tắc hỉ, Trống nếu không kêu, người tất vui, Nhạn hoàn bất kiến khách vô tình. Nhạn về chẳng thấy, khách vô tình. Chu trung trường tiếp Võ Hầu miếu, Trong thuyền vái lạy miếu Võ Hầu, Thiên ngoại túc chiêm Nam Nhạc hành. Ngoài trời nhìn khắp đường Nam Nhạc. Thể khúc với bài Vãn quá Tân Lạc kiến thái miên hoa giả nhân vi thái miên khúc (Chiều qua Tân Lạc thấy người hái bông nhân đó làm Khúc ca hái bông) thể hiện nét hào hoa trong con người thi nhân: Chữ Hán Dịch nghĩa Miên hoa bạch, nữ y thanh, Hoa bông trắng, áo người con gái xanh. Dĩ thanh thừa bạch nhược Vị yểm Kinh. Màu xanh hòa vào màu trắng, như sông Vị che sông Kinh. Bỉ miên tại thụ, do nữ tại bình, Bông trên cây còn người con gái trong bức rèm. Nhất nhập nhân thủ vi vĩ vi kinh, Khi bông vào tay thì thành sợi ngang sợi dọc. Tâm như phỉ tố, sắc dịch kỳ hình. Tâm hồn như lụa trắng, sắc đẹp hình thành ở đó. Thế gia bản thị Trung sơn nữ, Họ vốn là những sơn nữ của những gia đình trung lưu, Cận lai đa giá U tịnh Đâu. Gần đây, phần nhiều lấy chồng về vùng U và Đâu. Chức thành thiên điệp bố, Họ dệt nghìn tấm vải, Bất như nhất hồ bì. Không bằng tấm da chồn Thôn ngoại quách lũng đầu chi. Thành quách ngoài thôn, cây trên gò, Ngẫu kế bàn vân bộ bộ nguy. Tóc tơ như mây vấn, từng bước khoan thai đoan chính. Thơ đi sứ của Nguyễn Văn Siêu vốn vắng bóng con người nên hình ảnh sơn nữ trở thành điểm nhấn nghệ thuật. Đa tài và đa cảm, Phương Đình từng Tương tư: “Dưới lầu hoa cúc vàng, trên lầu trăng thu xanh. Người xưa vẫn chưa đến, tất cả nhuốm màu tương tư” (Lâu hạ cúc hoa hoàng, lâu đầu thu nguyệt bích. Cố nhân vị khẳng lai, tổng thị tương tư sắc). Vẻ đẹp sơn nữ phần nào thể hiện tâm hồn thi nhân tinh tế, nhạy cảm, lãng mạn. Hình ảnh tóc vấn như mây (ngẫu kế bàn vân) gợi nhớ thiếu phụ trong thơ Đỗ Phủ: “Mù thơm làm ướt tóc mây, trăng trong khiến tay ngọc lạnh” (Hương vụ vân hoàn thấp, thanh huy ngọc tí hàn - Bài Nguyệt dạ). Thái miên khúc như bản nhạc trầm bổng réo rắt bởi những câu lục ngôn, bát ngôn, thất ngôn ngắt nhịp đa dạng: 3/3 (Miên hoa bạch/ nữ y thanh), 4/4 (Bỉ miên tại thụ/ do nữ tại bình), 2/2/3 (Thế gia/ bản thị /trung sơn nữ), 2/5 28 Thể loại trongPhương Đình Vạn lí tập của Nguyễn Văn Siêu (Bất như/ nhất cô bì), 2/2/2 (Thôn ngoại/ quách lũng /đầu chi). . . Thanh điệu bằng trắc phối hợp cùng tiết tấu linh hoạt tạo nên sự nhịp nhàng, lúc khoan thai khi gấp gáp. Thể loại giàu tính nhạc hài hòa đến độ vi diệu cùng cảm xúc, ý tưởng. 3. Kết luận Nhìn chung, thể loại trong Vạn lí tập tương đối đa dạng. Thể bài luật thể hiện nét đặc trưng của thơ đi sứ nhưng thiếu sự phá cách đã phần nào phản ánh tính ưa chừn